Chap 9: Ông nội
Tia nắng nhẹ xuyên qua cửa sổ chiếu vào mi mắt đang đóng lại. Trán nhíu chặt, chuyển mình nằm nghiêng cản đi ánh sáng vô duyên kia. Nhưng không được bao lâu, tiếng động khác lớn hơn làm đánh thức con người đang say ngủ.
- Lại gì vậy? - Lật người, không tình nguyện bực bội mở ra đôi mắt nhập nhèm, ngáp một cái ngồi dậy.
Tôi vươn hai tay lên làm giãn cơ lưng, nhưng tay vừa giơ lên một nửa liền cảm thấy không thích hợp. Sương mù vây quanh con ngươi đã dần tản đi, phản chiếu hình ảnh vào đôi mắt.
Đây là đâu?
Tôi giật mình nhìn chung quanh. Một căn nhà gỗ một tầng diện tích không quá rộng, bốn mặt dường như đều được đắp lên từ những thanh gỗ. Vì vậy ánh sáng từ bên ngoài dễ dàng xuyên qua tiến vào, khiến căn phòng thoạt nhìn trông mờ ảo linh lung. Phía bên trái có đặt một lò sưởi gắn tường kiểu xưa của nước anh, bên cạnh là một chiếc ghế lười bằng bông cùng những chồng chất nào sách nào giấy.
Không nhịn được hiếu kỳ xuống giường, mới phát hiện ra mình đang nằm trên một chiếc nệm lông thú.
- Đây là đâu? - Một lần nữa, tôi không thể không thốt ra khỏi miệng.
Phong cách bày trí đồ đạc ấm áp, chứng tỏ chủ nhân của căn nhà là một người rất biết hưởng thụ.
Một con mèo nhỏ lười biếng nhảy lên người khiến tôi hốt hoảng vội đỡ lấy nó. Thì ra tiếng động vừa rồi đánh thức tôi là từ con mèo này!
Bất đắc dĩ đứng dậy xách nó thả xuống đất. Tôi đi tới cánh cửa, vươn tay chuẩn bị mở ra.
Tôi muốn biết tại sao tôi có thể ở đây.
Giây phút thanh âm ken két vang lên, một lượng lớn ánh sáng bất ngờ ập tới khiến tôi phải nhanh chóng nhắm hai mắt lại. Một hồi lâu mới khẽ chớp động vài lần thích nghi. Khi tôi nhìn thấy hoàn cảnh trước mắt, đôi môi vô thức mở ra đầy ngạc nhiên.
Một màu trắng xoá.
Một cánh đồng vô tận.
Một đàn cừu quây thành một đoàn như những áng mây trôi.
Thật đẹp!
Bông tuyết nhẹ nhàng thả xuống bên vai, tôi đưa tay hứng lấy một màu trắng nhỏ. Nhưng chỉ vài giây lãng mạn hưởng thụ thế thôi, tôi liền tức khắc quay người đóng mạnh cửa.
- Trời ạ! Lạnh quá! - Tôi xoa liên tục hai bên cánh tay, hắt xì một tiếng cảm thán.
Nhiệt độ bên trong ấm là thế, nhưng chỉ cần mở cửa là lạnh buốt thấu tim. Tôi nhìn quanh căn phòng, thấy một chiếc áo khoác bông dày liền cầm lên khoác vào. Lòng thầm xin lỗi chủ nhà, tôi không thể không màng đến sức khoẻ được.
Quấn chặt áo khoác bông trên người, tôi mới cảm thấy ấm áp hơn chút ít. Sau đó tôi tìm một chút, vừa hay thấy đủ cả y phục mùa đông như khăn, mũ, giầy và găng tay.
Kỳ lạ là những thứ này rất vừa vặn với tôi, giống như được may từ số đo của tôi vậy. Tự kỷ thế thôi, chứ tôi chỉ nghĩ chắc chủ nhà cũng có dáng hình tương tự mình.
Xong xuôi đâu đấy, bấy giờ tôi mới dám nhón chân bước ra ngoài. Khí lạnh từ bên ngoài được cản trở bởi lớp vải bông ấm áp, tôi vươn hai tay hoạt động cơ thể làm nóng một chút. Dõi mắt nhìn ra xa, ánh mắt phức tạp xen lẫn sự hoang mang và kinh ngạc khi nhìn bức tranh trước mắt. Từ nhỏ tới giờ, đây là cảnh mà tôi nghĩ không nơi nào có được.
Hàng cây được bao phủ bởi lớp tuyết trắng, thi thoảng vài sinh vật nhỏ biết bay đậu lên cành cây rỉa cánh, làm rung động những bông tuyết tinh khôi nhỏ vụn rơi xuống. Thế nhưng hạt tuyết khi chạm tới ngọn cỏ xanh bên dưới, chỉ đọng lại một chút trên đỉnh ngọn, rồi liền từ từ trượt xuống, nương theo gân lá biến mất dần vào mặt đất.
Tôi lấy làm kì, ánh mắt vẫn nhìn chằm chằm vào sự diệu kì ấy.
- A Dương, sao đứng thừ người ở đấy vậy? Lại đây!
Một giọng nói vừa xa lạ vừa quen thuộc khiến tôi trong chốc lát khựng người lại. Sâu trong mắt là khó có thể tin. Tôi có đang nghe nhầm không?
Như để chứng thực điều gì, tôi quay ngoắt đầu nhìn về phía phát ra âm thanh vừa rồi. Khi nhìn thấy là ai, tôi vô thức lấy hai tay bụm miệng, những giọt lệ ứa ra lã chã rơi xuống.
- Ông... nội? - Xưng hô đã lâu bật ra khỏi miệng, ánh mắt tôi nhoè dần đi. Thiên ngôn vạn ngữ đều hoá thành tiếng nấc nghẹn.
Đây có chăng là tôi đang mơ?
Nếu là mơ, làm ơn, hãy khiến nó mãi mãi dừng lại. Tôi bật khóc thành tiếng, ngồi thụp xuống chôn đầu dưới đầu gối khóc như mưa.
Chợt, một bàn tay đặt lên vai tôi. Ngơ ngác ngẩng mặt lên, trước mắt là người giống y hệt ông nội nở nụ cười hiền từ với tôi:
- A Dương, làm sao vậy? Lại khóc nhè rồi.
Tôi lắc lắc đầu, sự khó tin và cảm xúc cứ như thủy triều ập đến cùng lúc. Kèm theo đó là sự vui mừng len lói, nếu là mơ, phải chăng tôi có thể ở lại bên cạnh ông nội lâu một chút?
- Cháu... không sao ạ...
Tôi vội dùng tay lau quẹt nước mắt nhoè trên khuôn mặt. Bất thình lình đứng bật dậy hiên ngang nhìn, giương lên nụ cười toe toét:
- Ông nhìn xem, cháu rất khoẻ mạnh đó ạ!
- Ừ, A Dương của ông là đứa trẻ hiếu động.
Ông nội cũng đứng dậy theo. Một bên tay cầm theo bó cỏ đưa cho tôi, theo bản năng tôi cúi xuống nhìn. Là một bó cỏ đã được cắt gọn gàng, ông nội đứng bên cẩn thận dặn dò:
- Giúp ông rải chúng cho đàn cừu ăn nhé. Mùa đông giá lạnh thế này, ông phải đi xem đám cừu con thế nào.
Tôi gật đầu vâng dạ, hai tay khuân bó cỏ nhìn không tính là nặng nhưng lại nặng kinh người. Từng bước chạy dần tới đàn cừu lúc đầu tôi nhìn thấy.
Vốn nhìn từ xa, tôi thấy chúng giống hệt áng mây. Nhưng khi đến gần mới cảm giác được, chúng còn giống chăn bông nhà tôi hơn.
Con nào con nấy đều cao ít nhất gần bằng tôi, bản thân đứng giữa đám cừu này mà tôi cứ lo có khi nào mình bị đè bẹp hay không. Có một con chạy tới liếm má tôi làm tôi hết hồn, nếu không phải tôi thấy trên ti vi đám cừu lông trắng là loài động vật ăn cỏ không ăn thịt người, thì tôi đã cao chạy xa bay rồi. Trời ơi, tôi sợ nhất là động vật liếm vào người đấy.
Quá trình tuy có chút chật vật, nhưng cuối cùng thì tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ ông giao. Hơn nữa, còn dư ra được chút thời gian nhìn ngắm tham quan xung quanh.
Càng đi tôi càng xác định chắc chắn đây là mơ. Bởi không có một nơi nào mà tôi đi hoài vẫn quay về căn nhà đấy. Nơi có hàng cây tuyết, đàn cừu lông trắng, và có ông.
Ông nội tôi mất khi tôi lên đại học, nhưng tình cảm tôi dành cho ông nội vẫn không nhoà đi theo năm tháng. Mà ngược lại, cứ hễ đến ngày giỗ ông, tôi sẽ về quê nhà mang đủ bánh trái tới thăm ông. Tôi sẽ nhớ lại những lần ông bao dung tôi khi làm sai, những lần ông bảo vệ tôi trước những người hàng xóm không quen, hay những lần ông giấu ba mẹ dành dụm lén lút cho tôi tiền tiêu vặt.
Cảm xúc lạnh lẽo truyền tới, tôi giật mình bừng tỉnh. Vội vàng rụt tay lại khỏi thân cây.
Ông nội đâu rồi nhỉ? Tôi phải đi tìm ông nội.
- Ông ơi!!!
Tôi thở hồng hộc chạy một mạch vào nhà. Ánh mắt lia quanh nhìn, nhưng vẫn là căn phòng trống rỗng như lúc tôi tỉnh dậy. Trong lòng bỗng không hiểu sao dâng lên hoang mang nghi ngờ. Chẳng nhẽ tôi hoa mắt sao?
- A Dương, gọi gì ông đấy?
Tôi lập tức quay lại, thấy ông nội đang nâng một cái niêu nhỏ, hướng tôi cười hiền hậu:
- Làm xong rồi thì rửa tay ăn cơm đi, hôm nay ông làm món thịt kho cháu thích ăn nhất này!
- Dạ vâng ạ! Cháu đi rửa liền.
Tôi lại lần nữa hấp tấp chạy đi tìm chỗ rửa tay rồi lần nữa chạy về, như thể chỉ một giây sau ông sẽ tan biến vậy.
Có lẽ thấy động tác của tôi hơi khác thường, ông xới cơm đầy miệng bát, đoạn lên tiếng hỏi:
- Hôm nay có chuyện gì sao? Sắc mặt A Dương kém quá?
- Đâu có, cháu đang háo hức nè. Lâu lắm mới được ăn thịt kho ông làm đó! - Tôi vội xua tay phủ nhận, theo phản xạ lái chủ đề khác.
Ông nghe tôi nói, ánh mắt đầy vẻ ngạc nhiên. Dừng đũa xuống, bàn tay đầy vết chai sần và nếp nhăn áp nhẹ lên trán tôi:
- A Dương, cháu mệt rồi sao? Mới hôm kia ăn thịt kho rồi mà.
Chết thật, tôi không để ý chuyện này!
Bản thân mới tới đây chưa được mấy tiếng, tôi làm sao mà biết "tôi" ngày hôm qua hôm kia đã có những chuyện gì chứ. Huống hồ, đây có lẽ chỉ là một giấc mơ.
Biết mình nói hớ, tôi vội vàng ngậm miệng lại. Nhanh tay gắp thức ăn vào bát cơm của ông, vừa gắp vừa khen ngon lái chủ đề đi.
Rốt cuộc thì sau mười mấy phút, ông cháu tôi đã xử lý xong phần bữa cơm trưa. Ông dặn tôi ở trong nhà nghỉ ngơi đi ngủ. Về phần ông, tôi đoán có lẽ ông lại ra chăm đàn cừu rồi.
Nằm xuống chiếc nệm bông dày bên lò sưởi. Tôi nhìn ánh lửa thi thoảng vang lên những tiếng lép bép, trong đầu nhớ lại mấy tiếng qua.
Bàn tay vô thức đưa lên trước mặt nắn nắn, tôi vẫn không thể tin được mình ấy vậy mà lại lạc trong đây. Một cảm giác... khó có thể diễn tả!
Nhưng cho dù là gì, nếu ông trời đã ban cho tôi một cơ hội được bên cạnh chăm sóc ông. Tôi muốn bù đắp lại những tiếc nuối mà tôi bỏ lỡ.
Nghĩ thông suốt, cảm giác mệt mỏi liền truyền đến. Hai mắt tôi nặng trĩu đóng lại, nghe theo tiếng gọi tiến vào giấc ngủ.
Reng reng reng!
Reng reng!
Tiếng chuông báo kêu liên tục làm tôi giật mình. Mắt vừa hé mở, một cái đầu mèo lông xù chình ình ở trước mặt. Tôi bật dậy kêu á lên, mới bực mình túm cái nhúm lông này ra sức vằn vò.
Hừ! Hù chết tôi rồi!
Nhưng mà mấy giờ rồi nhỉ?
Tôi hoàn hồn, ngó quanh tìm thủ phạm tiếng reo đã lôi mình dậy. Phát hiện không có thứ gì giống như đồng hồ báo thức ở đây cả. Cũng thật kì lạ, từ lúc tôi tỉnh không thấy tiếng chuông đấy nữa.
Tôi tò mò chạy ra ngoài.
- A Dương, đứng đấy làm gì vậy? Lại đây!
Giọng nói hàm hậu quen thuộc của ông nội vang lên bên tai, tôi quay đầu, nhanh chóng thấy ông đang hùa đàn cừu vào một chỗ. Thấy tôi nhìn sang, ông liền vẫy một tay bảo tôi lại gần.
- A Dương, để ông dạy cháu vài điều. Sau này lớn lên rồi, trang trại này sẽ là của cháu.
Sống mũi tôi bất giác cay xè, đây là những lời ông đã từng nói với tôi trước kia, chỉ là tôi lúc ấy không thích cuộc sống nông thôn, không thích lây dính bụi bẩn quần áo cả ngày với đám súc vật. Khi ấy, có lẽ tôi đã từng... to tiếng với ông...
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi chịu khó ngồi đây bên cạnh nghe ông giảng giải, nhìn ánh mắt vì híp lại vui sướng mà hiện đầy những nếp nhăn thấm đẫm bao năm tháng. Hít hít mũi, tôi đoán chắc rằng "tôi" của thế giới này cũng vậy thôi, chán ghét cuộc sống nông thôn. Nhưng hiện giờ không còn vậy nữa!
Cho dù hoàn cảnh địa điểm nhà ở có khác so với thế giới kia, nhưng suy cho cùng niềm yêu thích với trang trại và sự cưng chiều tôi của ông vẫn không thay đổi.
Thời tiết ở đây thật lạnh, tôi túm cổ áo chặt hơn chút nữa tránh gió lọt vào. Nghe ông hứng khởi liến thoắng kể tôi nghe cách nuôi dưỡng và chăm sóc cừu thế nào, thậm chí còn nói sơ qua cách lấy lông của chúng. Càng nghe càng kinh ngạc, tôi cứ tưởng chỉ cần vứt cỏ cho chúng ăn là được rồi, không ngờ còn có nhiều điều cần lưu ý.
Bất tri bất giác ánh sáng mặt trời đã sắp xuống núi. Nhìn ánh sáng màu cam hoàng hôn, tôi đi tới giật giật cánh tay ông, trưng ra bộ mặt cún con:
- Ông ơi, trời sắp tối rồi. Mình lùa chúng vào chuồng rồi làm cơm đi nha ông.
Ông nội nghe tôi nói mới đập tay nhớ ra, vỗ vỗ đầu chống lưng đứng dậy:
- Xem ông này, già cả rồi! Nhớ nhớ quên quên, A Dương thông cảm cho ông nhé?
- Không sao đâu ông, cháu rất thích nghe ông nói mà.
Tôi nhe hàm răng cười tươi, đoạn quàng cánh tay ông đi về nhà.
Vẫn là món thịt kho tàu tôi thích nhất, hôm nay ông nội có vẻ đặc biệt vui, lúc nấu lúc ăn đều hiện rõ nét vui vẻ trên khuôn mặt, còn luôn miệng nói tôi trưởng thành rồi.
Sớm biết như vậy tôi đã ngày ngày chạy tới nghe ông giảng dạy rồi, không ngờ một việc nhỏ thế kia cũng làm ông vui đến vậy.
Buổi tối rất mau qua đi, tôi chạy đi pha cho ông một chén gừng ấm. Trước kia từng tra trên mạng, người già tuổi rất dễ bị vấn đề xương khớp, nhất là thời tiết lạnh như vậy.
Cũng may trong nhà ấm áp.
Ông ngồi xuống bên cạnh lò sưởi, nhìn qua trần nhà bị lủng một chỗ. Tôi hiếu kỳ, cũng ngẩng đầu lên nhìn. Chợt phát hiện, chỗ mái bị lủng kia không to không nhỏ, vừa vặn để tôi thấy được một bầu trời đầy sao.
- Ông ơi, sao đẹp quá! - Tôi không khỏi thốt lên kinh ngạc, những ngôi sao nhỏ cứ thi nhau toả sáng, tưởng chừng như sợ tôi không nhìn thấy chúng vậy.
- Đẹp không? - Ông cười hỏi lại, sau đó liền thu hồi tầm mắt uống ngụm nước, mới nói tiếp: - Cùng là ánh sáng rực rỡ trong phút chốc, nhưng nó tốt hơn pháo hoa. Vì đêm hôm sau sẽ lại thấy ánh sáng rực rỡ như vậy. Cháu biết vì sao không?
- Vì sao vậy ạ?
Tôi đứng cạnh ông, những điểm lấp lánh phản chiếu lại, tràn đầy trong con ngươi.
Một tay ông xoa đầu tôi, cất giọng hiền từ: "Người khi chết đi, sẽ hoá thành đốm sáng nhỏ lơ lửng trong không trung, sau cùng chậm rãi bay lên bầu trời. Ngày ngày nhìn xuống người thân của họ."
- Vậy ông sẽ trở thành vì sao trên bầu trời sao? - Lòng đầy rối bời, tôi liền buột miệng thốt lên.
Ông không trả lời, ánh mắt nhìn tôi càng phát ra hiền từ. Độ ấm trên đỉnh đầu dần mất đi, tôi thấy ông đứng dậy chắp tay nhìn bầu trời, giọng nói nhỏ tới nỗi tôi không kịp bắt lấy.
Sáng hôm sau tôi tỉnh lại trong căn nhà gỗ quen thuộc, cánh đồng tuyết trắng vô tận, và cả đàn cừu đang ăn cỏ được ông chăm chút cẩn thận.
Mấy ngày nay, tôi đều theo chân ông học cách duy trì một trang trại. Trải qua bài học giảng dạy, tôi mới nhận thấy, xưa kia mình đúng là nông nổi và nông cạn. Tôi không thể hiểu nổi mình vì sao lúc đó lại tỏ ra không bằng lòng khi được chỉ dẫn về vấn đề chăm sóc đám súc vật trong trang trại. Tôi chỉ biết gắt gỏng, và cảm thấy thật mất mặt với đám bạn. Lúc ấy tôi nói sao nhỉ, à, tôi nói: "Tôi không muốn làm một kẻ nông dân quê mùa, tôi muốn làm cái gì đó sang chảnh hơn." Và, ừm vậy đấy, tôi đã tự tay vứt đi cơ hội được vuốt ve mấy bạn nhỏ lông trắng này.
Xúc cảm lạnh lẽo khi sờ lên đám lông xù trắng muốt làm tôi bừng tỉnh. Chợt tôi nhìn quanh.
Tính toán thời gian, hẳn lúc này ông phải ở đây rồi. Ông đi đâu được nhỉ? Tôi đứng dậy rời khỏi đám cừu non, chạy tới sau nhà, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng đâu.
Lúc này tôi mới cảm thấy hốt hoảng, vội vàng tìm khắp các ngõ ngách, nơi mà tôi có thể đến và nghĩ tới. Kim giây từng chút từng chút nhảy lên. Đứng giữa cánh đồng tuyết, ánh mắt tôi tràn ngập sợ hãi, có cái gì đó đau nhói len lói trong lồng ngực.
Như nghĩ đến điều gì, tôi chạy trở vào trong nhà, tới chỗ mà đêm qua ông đã ngồi. Chiếc ghế bên cạnh lò sưởi có thể nhìn được mái nhà lủng kia.
Một phong thư lẳng lặng được kẹp dưới gáy sách.
Bàn tay tôi thận trọng cầm lên phong thư màu trắng, theo bản năng mở nó ra.
"A Dương, khi cháu nhìn thấy bức thư này, có lẽ ông đã đi rồi.
Ông may mắn được trời cao thương xót, bù đắp lại những tiếc nuối trong lòng. Mới còn ngày nào chỉ là đứa nhóc nghịch ngợm, bây giờ cháu ngoan của ông đã trưởng thành, chín chắn hơn xưa. Ông đã mãn nguyện.
A Dương, đoạn đường phía trước còn rất dài. Vì vậy đừng đánh mất bản tâm của mình, hãy vững bước chân kiên trì với con đường mình đã lựa chọn.
Nếu có lúc nào cháu cảm thấy không trụ nổi hay chán nản, hãy nhìn lên vì sao trên bầu trời. Đừng buồn, ông vẫn luôn bên cạnh dõi mắt nhìn cháu.
Ông không thể tận mắt cùng A Dương trải qua cuộc đời, nhưng ông sẽ trở thành động lực và niềm tin.
Tạm biệt cháu ngoan của ông, A Dương!"
Từng giọt nước mắt từ lúc nào lăn xuống gò má, chấm vào tờ giấy khiến vết mực trên tờ giấy như nhoè đi. Tôi run rẩy ngồi bệt xuống, ôm lấy phong thư khóc nức nở.
Giấc mộng, chỉ là thoáng chốc. Đến cuối cùng, ta vẫn phải quay trở về với hiện thực cuộc sống của bản thân!
Hình ảnh ông nội bên cánh đồng vô tận cùng đàn cừu trắng xoá, sẽ là kỷ niệm đẹp đẽ nhất lưu giữ trong trí óc.
Đâu đó, vang lên tiếng cót két của cánh cửa gỗ...
Thời gian lại bắt đầu tích tắc trôi!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top