NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA HUYỀN KHÔNG LẠC VIỆT VÀ PHƯƠNG PHÁP ỨNG DỤNG

I - LỊCH SỬ HUYỀN KHÔNG VÀ HUYỀN KHÔNG LẠC VIỆT

I - 1. Giới thiệu sơ lược về lịch sử Huyền Không từ cổ thư chữ Hán.

Trường phái Huyền không ứng dụng trong phong thủy ngày nay, tương truyền do Thẩm Trức Nhưng sống vào cuối đời nhà Thanh, đầu thời Trung Hoa Dân quốc biên soan và lưu truyền. Nó được giới phong thủy Trung Hoa coi như là bô kinh điển phong thủy cuối cùng của các phương pháp ứng dụng trong khoa Phong thủy Đông phương. Thẩm trức Nhưng nghiễm nhiên được coi là ông tổ của phái Huyền Không, bởi sự công bố của ông. Cuốn sách được phổ biến ở Việt nam hiện nay là: "Thẩm thị Huyền không học - Phong thủy trong bối cảnh kiến trúc hiện đại" , do Nguyễn Anh Vũ dịch và được Nxb Văn Hóa Thông Tin phát hành năm 2003, đã xác nhận tác giả chính là Thẩm Trức Nhưng. Tuy nhiên, những tài liệu khác lại ghi rõ nguồn gốc của phương pháp này không phải do Thẩm Trức Nhưng sáng tạo với tư cách là một tác giả. Trong cuốn: " Cổ Dịch Huyền không học" - Nxb Đại Học Quốc gia 2001 viết: Vào mùa hè năm Quí Dậu 1873 thời vua Đồng Trị. Thẩm Trức Nhưng cùng học trò là Hồ Bá An, đến Vô Tích đã dùng khoản vàng lớn biếu hậu duệ của Chương Trong Sơn để mượn đọc. Hai người trong một ngày đêm đã có chép lai mang về. Qua ngghiên cứu, chỉnh lý rồi biên nhập vào sách "Thẩm thị huyền không học", sau đó để lại cho đời. Trường phái này căn cứ trên những quy ước về sự vận động của cửu tinh trên 9 phương vị (8 phương và ở giữa – Trung cung), tùy theo thuộc tính quy ước của cửu tinh và vị trí của nó để luận cát hung cho ngôi gia. Cho đến ngày nay, phương pháp Huyền Không rất phổ biến và được ứng dụng rộng rãi ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có ảnh hưởng văn hóa Đông phương cổ.

Nhưng cho đến ngày hôm nay, những nhà nghiên cứu Phong Thủy vẫn chưa thể biết được vì nguyên nhân nào để có những nguyên lý và khái niệm cũng như phuơng pháp luận của phương pháp Huyền không. Bởi vì, ngay cả sách của Thẩm Trức Nhưng cũng chỉ được coi là một bản thảo chưa hoàn chỉnh, mà cuốn sách chính thức được dịch ở Việt Nam - mà chúng tôi trình bày ở trên - được coi là do được nhiều môn đồ bổ chú và hoàn chỉnh. Như vậy, lịch sử Huyền Không được coi như xuất hiện vào thời cận đại của nền văn hóa Hán trải hàng ngàn năm và được coi là bộ kinh điển phong thủy cuối cùng được công bố.

Nhưng chính vì lịch sử xuất hiện của nó vào thế kỷ XIX, nhưng chính nó lại mâu thuẫn với dự kiện quan trong ban đầu của khoa Bát trạch Minh Cảnh - được coi là ra đời vào thế kỷ thứ III sau Công nguyên. Đó là cách tính mệnh cung theo năm của gia chủ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã minh chứng rằng: Cách tính mệnh cung của gia chủ trong phái Bát Trạch chính là nguyên tắc phi tinh Huyền Không theo nguyên lý Nam Dương phi nghịch là Âm và Nữ Âm phi thuận là Dương. Một sự nghịch lý về nội dung trong lịch sử có xuất phát từ cổ thư chữ Hán: Cái có sau hàng ngàn năm là Huyền Không lại là cơ sở của cái ra đời từ hàng ngàn năm trước. Trong khi đó, những bản văn chữ Hán cho thấy rằng khoa Huyền không học trong phong thủy có khả năng tồn tại trước cuối đời Thanh trong văn hóa Hán.

Theo “Địa lý chính tông” Trần Đoàn chân truyền cho Ngô Khắc Thành những bí ảo của địa lý thiên văn. Ông truyền cho Ngô Khắc Thành cuốn “Thanh Nang”, Ngô Khắc Thành truyền cho con là Ngô Cảnh Loan, Ngô Cảnh Loan vì không có con trai nên truyền cho con gái, người con gái này truyền ra ngoài cho Liêu Vũ (Liêu Kim Tinh – Liêu Công). Liêu công vì chuyện gia đình đau buồn mà chết, lúc đương thời khi ông còn thưc hành phong thủy, có 2 người hầu không biết chữ nhưng nhớ được bí quyết của ông, họ tiếp tục thực hành và truyền bá qua 11 đời sau thì tới Lưu Bá Ôn. Thời nhà Minh có phong thủy gia, nhà thuật số phương đông nỗi tiếng phù tá Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh là Lưu Bá Ôn. Sau Lưu Bá Ôn thì ngày càng mai một do nhiều yếu tố và nhất là quy luật “bảo mật” của tông phái, mãi đến cuối thời Minh, Vô Cực Tử hiệu là Khởi Ông, truyền học thuật cho Tưởng Đại Hồng. Tưởng Đại Hồng là người ở Trấn Hưng Trạch huyện Tùng Giang tỉnh Giang Tô, hiệu là Đỗ Lăng Phu tử, sinh vào giờ Thìn ngày 27 tháng 12 năm Bính Thìn (1616). Tưởng Đại Hồng truyền cho Khương Diêu, nhưng dặn không “tiết lộ thiên cơ”.

Cuối thời nhà Thanh, huyền không có 6 phái: phái vô thường của Chương Trọng Sơn, phái Thượng Ngu của Trương Tâm Ngôn, phái Tô Châu của Chu Tiểu Hạc, phái Tương Sở của Y Hữu Bản, phái Quãng Đông của Sài Dân Sơn, phái Điền Nam của Phạm Nghi Tân. Trong 6 phái đó thì Chương Trọng Sơn là nỗi bật nhất vì sự luận đoán cực kỳ chính xác và thuật phong thủy cao siêu.

Chương Trọng Sơn tức Tuệ Tây Vô Tăng Đạo Nhân, thông hiểu dịch số đại huyền không, viết nhiều tài liệu khảo sát thực địa, chỉ để lại cho con cháu sử dụng. Thẩm Trúc Nhưng kết thân với con trai Chương Trọng Sơn, mượn tài liệu quý đã ngộ ra những điều tiền nhân chưa nói rõ hoặc tối nghĩa, như trước tác “Thanh Nang Áo Ngữ” của Dương Quân Tùng. Họ Thẩm người Tiền Đường, tên Thiệu Huân, hiệu Trúc Nhưng, ông là người say mê môn phong thủy, do sự tác động của người Thầy nói rằng: “Phái Huyền Không không phải là chính phái, không đáng học”, nên đương thời ông xem Huyền Không như con thú dữ cần tránh xa và ông xem Tưởng Đại Hồng được tôn là đầu não của phái Huyền Không là đại địch. Do tình cờ biết được thực tế ứng dụng có hiệu quả của phái Huyền Không, nên sau đó Thẩm Trúc Nhưng không dám khinh thường phái Huyền Không nữa và ông đã bỏ tâm sức để tìm hiểu về phái Huyền Không.

Thẩm Trúc Nhưng thường hay oán giận tiên sinh Tưởng Đại Hồng, vì họ Tưởng được Vô Cực chân truyền môn Huyền Không, nhưng họ Tưởng bị chấp trước câu: “Thiên cơ bất khả tiết lậu”, nên chỉ bí mật truyền thụ cho một số ít đệ tử và cấm đệ tử của mình phổ biến rộng rãi cho mọi người. Cuối đời Thanh, bộ “Thẩm Thị Huyền Không Học” do Thẩm Trúc Nhưng trước tác, được xem là tập đại thành và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ bí truyền của phái Huyền Không.

Như vậy, chúng ta cũng thấy tính tam sao thất bản và sự lưu truyền không hoàn chỉnh của riêng phái huyền không (Gồm sáu phái trong một phương pháp) và sự mâu thuẫn với các phái khác. Huyền không lúc đầu không được coi là "Danh môn, chính phái". Bởi vậy, mặc dù hiệu quả của phong thủy trên thực tế chính là nguyên nhân để nó tồn tại trong xã hội Đông phương. Nhưng chính vì tính mâu thuẫn, mơ hồ và thất truyền – nên một thời rất dài khi tiếp xúc với nền văn minh Phương Tây, trong điều kiện khoa học kỹ thuật hiện đại ở buổi đầu sơ khai - khoa Phong thuỷ đã bị liệt vào loại “mê tín dị đoan”. Điều này chỉ có thể giải thích một cách hợp lý rằng: Phong thuỷ chính là một phương pháp ứng dụng nhất quán, hoàn chỉnh và là hệ quả của một tri thức về thiên nhiên, cuộc sống, vũ trụ và con người được lý thuyết hoá - đó chính là thuyết Âm Dương Ngũ hành. Học thuyết này đã thất truyền khi văn minh Lạc Việt bị sụp đổ ở miền nam sông Dương tử. Những giá trị của nền văn minh này bị tan tác và lưu truyền trong dân gian. Bộ môn phong thuỷ Lạc Việt là một sự tổng hợp tất cả các phương pháp ứng dụng rời rạc trong cổ thư chữ Hán và các phương pháp còn lưu truyền trong dân gian với một nguyên lý căn để nhất quán là "Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ". Trong bài tham luận này, người viết xin được trình bày nguyên lý căn để của Phong thủy Lạc Việt và phương pháp ứng dụng của một thành tố tương tác quan trong trong phong thủy Lạc Việt đó chính là Huyền không Lạc Việt.

I - 2. Nguyên lý căn để của Phong Thủy Lạc Việt.

Vởi những thành quả nghiên cứu mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, đã chứng minh rằng:

Hà đồ là qui luật vận động của Ngũ tinh trong Thái Dương hệ. Gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong mối liên hệ với Mặt trời, Mặt trăng được quan sát từ trái Đất. Hoàn toàn không như cổ thư chữ Hán miêu tả là do những vòng xoắn trên lưng con Long Mã hiện lên ở sông Hoàng Hà, vua Phục Hy thấy được làm ra Hà Đồ.

Tính hợp lý của Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ cũng được chứng minh trong các công trình nghiên cứu đã xác định rằng: Đó là đồ hình nhất quán xuyên xuốt trong mọi ứng dụng liên quan đến Lý học Đông phương.

Nhất quán với nguyên lý xuyên suốt này - tính nhất quán là tiếu chí khoa học - Phong thủy Lạc Việt phi tinh trên cửu cung Hà Đồ, không phi tinh trên cửu cung Lạc Thư như phương pháp Huyền Không từ các bản văn văn chữ Hán liên quan đến Huyền không trong Phong thủy.

CỬU CUNG LẠC THƯ..................................................CỬU CUNG HÀ ĐỒ

Phối Hậu Thiên Văn Vương ..................................Phối Hậu Thiên Lạc Việt

Trên cở sở này và tính hợp lý của mọi vấn đề và các hiện tượng liên quan đến Lý học Đông phương, Phong thủy Lạc Việt đã ứng dụng trong phương pháp Huyền Không Lạc Việt phi tinh. Phương pháp phi tinh theo Huyền Không Lạc Việt khác trên Lạc Thư từ cổ thư chữ Hán được so sánh trên đồ hình sau:

Qua sự trình bày trên, chúng ta thấy rằng: Sư khác biệt giữa Huyền Không lạc Việt với Huyền Không trong cổ thư chỉ ở các phương vị phía Nam của Hà Đồ. Đây cũng là khác biệt chủ yếu của phương pháp Huyền Không Lạc Việt khi phi tinh, còn tất cả mối quan hệ phân tích tương quan các sao trong Huyền không và các mối tương quan khác và phương pháp luận trên cơ sở thuyết Âm Dương Ngũ hành không thay đổi. Phần tiếp theo đây, chúng tôi giới thiệu về tuính ứng dụng cụ thể của Huyền Không lạc Việt để các nhà nghiên cứu về phong thủy tiện so sánh cụ thể những luận điểm và phương pháp ứng dụng của Huyền Không Lạc Việt với cổ thư chữ Hán.

II - PHƯƠNG PHÁP ỨNG DỤNG CỦA HUYỀN KHÔNG LẠC VIỆT

Vũ trụ vận động không ngừng, tiền nhân đã phát hiện sự vận động đó có tính quy luật theo cửu tinh, được xem như 9 trường khí của 9 tinh thể lớn ảnh hưởng đến sự sống và các hoạt động trên trái đất. Người đời sau không hiểu biết tạo ra sự nhầm lẫn dẫn đến tệ mê tính dị đoan trong các môn lý học đông phương, nhất là không hiểu biết về sự tương tác của các hành tinh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ lên trái đất chúng ta đang sống. Sự tương tác này được gọi là “Thiên khí”, vận hành theo chiều thuận là dương số lẻ, là chiều từ số nhỏ đến số lớn. Còn khí của quả đất gọi là “Địa khí” có tính chất đục nặng vận hành theo chiều nghịch là âm số chẳn, chiều từ các số lớn đến các số nhỏ. Tiền nhân đã thể hiện hai chiều quay đó trong Hà đồ, tuy con người không nhìn thấy sự tương tác, nhưng vẫn biết sự tương tác đó tác động đến đời sống muôn vật, tạo nên sự thịnh suy của muôn vật.

II - 1. Tính chất của cửu tinh:

- Số 1: Nhất bạch Tham lang: Là cát tinh đứng đầu.

* Âm dương, ngũ hành: Dương thuỷ

* Màu sắc: Xanh đen.

* Cơ thể: Thận, tai, máu huyết

* Về con người: là con trai thứ

- Số 2: Nhị hắc Cự môn: là sao xấu, hung.

* Âm dương, ngũ hành: Âm hoả đới thổ.

* Màu sắc: Nâu đỏ.

* Cơ thể: bụng và dạ dày

* Về con người: Là người mẹ, người vợ.

- Số 3: Tam bích Lộc tồn: Là sao xấu.

* Âm dương, ngũ hành: dương mộc.

* Màu sắc: màu xanh lá cây đậm.

* Cơ thể: mật, vai và tay

* Về con người: là con trai trưởng

- Số 4: Tứ lục Văn xương: là sao tốt.

* Âm dương, ngũ hành: âm kim.

* Màu sắc: Xám trắng.

* Cơ thể: đùi và 2 chân.

* Về con người: con gái trưởng.

- Số 5: Ngũ hoàng Liêm trinh: Là sao xấu nhất, còn gọi là đại sát tinh.

* Âm dương, ngũ hành: Thổ

* Màu sắc: màu vàng

* Về cơ thể: không

* về người: không

- Số 6: Lục bạch Vũ khúc: Là sao tốt.

* Âm dương, ngũ hành: Âm kim đới thuỷ.

* Màu sắc: màu xanh da trời.

* Cơ thể: đầu, mũi, cổ, xương, ruột già

* Về con người: Là người cha, người chồng, người đứng đầu.

- Số 7: Thất xích Phá quân: Là sao xấu.

* Âm dương, ngũ hành: Dương hoả.

* Màu sắc: màu đỏ

* Cơ thể: mắt, tim, ấn đường.

* Về con người: con gái giữa.

- Số 8 : Bát bạch Tả phù: Là sao tốt.

* Âm dương, ngũ hành: Âm mộc.

* Màu sắc: màu xanh lá cây nhạt.

* Vơ thể: lưng, ngực và lá lách.

* Về con người: con trai út.

- Số 9: Cửu tử - Hữu bật: là sao trung tính.

* Âm dương, ngũ hành: Dương kim.

* Màu sắc: màu trắng.

* Cơ thể: phổi, miệng, lưỡi

* Về con người: con gái út.

II -2. Tam nguyên cửu vận:

Cửu tinh tương tác tạo nên ảnh hưởng đến mọi mặt trên trái đất, cái dễ cảm thấy nhất đó là khí hậu hàng năm, và chi phối đến tháng ngày giờ, sự chi phối này có chu kỳ nguyên vận hay là đại vận là một giáp 60 năm, tiểu vận hay là Vận khí 20 năm, mỗi nguyên có 3 vận, tam nguyên cửu vận có 180 năm vừa đúng với cửu tinh chín vận.

Ví dụ ta lấy tam nguyên cửu vận gần đây nhất:

Thượng Nguyên:

* vận 1: 1864 - 1883,

* vận 2: 1884 - 1903

* vận 3: 1904 - 1923

Trung Nguyên:

* vận 4: 1924 - 1943

* vận 5: 1944 - 1963

* vận 6: 1964 - 1983

Hạ Nguyên:

* vận 7: 1984 - 2003

* vận 8: 2004 - 2023

* vận 9: 2024 - 2043

Đại vận:

Theo Huyền không Lạc Việt dựa theo phép tính lấy thời điểm năm hành tinh Kim. Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ cùng mặt trăng, mặt trời tạo thành một đường thẳng gọi là thất tinh hợp bích làm điểm khởi đầu của năm đầu kỷ nguyên niên lịch, nên năm giáp tý đầu tiên tương ứng với nhất bạch thuỷ tinh, như vậy lấy năm Kinh Dương Vương lên ngôi vào năm Nhâm tuất 2897 trước công nguyên đến nay thì đã trãi qua 84 đại vận. Đại vận 84 này thuộc hạ nguyên của tam nguyên thứ 28, tức là đại vận của Tam bích mộc tinh.(vẽ bảng số 43 trang 222 sách "Tam nguyên cửu vận" của Giáo sư Hoàng Tuấn)

Tiểu vận:

Mỗi tiểu vận là 20 năm, hiện nay đang là hạ nguyên của tam nguyên thứ 28, kéo dài từ năm 1984 đến năm 2043 thuộc đại vận Tam bích mộc tinh. Hạ nguyên có 3 tiểu vận, đó là vận 7, vận 8, vận 9. Năm 2009 thuộc tiểu vận 8 bắt đầu từ năm 2004 đến năm 2024 của hạ nguyên.

II -3. Đường di chuyển của cửu tinh (Lường Thiên xích).

Hà đồ và Lường Thiên Xích: Hà đồ thực chất là qui luật tương quan biểu kiến của Ngũ Tinh trong Thái Dương hệ với mặt trời và mặt trăng. Các sao này được sắp xếp theo một trật tự đặc biệt mà 9 cung của Hà đồ đã thể hiện, đây cũng là bàn phi tinh cố định, như trong hình vẽ sau:

Chúng chỉ thay đổi theo không gian và thời gian với một đường đi cố định được gọi là quỹ đạo chuyển động cố định của các sao còn gọi là phi tinh, mà người xưa gọi là Lường Thiên Xích. Trong hình vẽ trên, những số trong 9 ô vuông là số của sao phi tinh. Ô vuông ở giữa gọi là Trung cung còn các cung khác đại diện cho 8 cung ở 8 hướng xung quanh theo nguyên lý " Hậu Thiên bát quái Lạc Việt phối Hà đồ". Ta có thứ tự như sau:

- Từ trung cung số 5 đi lên Tây bắc số 6.

- Từ Tây bắc số 6 xuống Nam số 7.

- Từ Nam số 7 lên Đông bắc số 8.

- Từ Đông bắc số 8 đến Tây số 9.

- Từ Tây số 9 lên Bắc số 1.

- Từ Bắc số 1 xuống Đông nam số 2.

- Từ Đông nam số 2 lên Đông số 3.

- Từ Đông số 3 qua Tây nam số 4.

- Tư Tây nam số 4 về lại trung cung số 5.

Lường Thiên Xích chia ra làm 2 loại đó là loại Thuận và loại Nghịch. Loại thuận bắt đầu từ Trung cung là số 5 rồi đi theo chiều tăng đến 6, 7, 8, 9, 1, 2, 3, 4. Lường Thiên Xích Nghịch thì lại bắt đầu từ số 5 rồi đi theo chiều giãm xuống đến 4, 3, 2, 1, 9, 8, 7, 6. Tam nguyên long Huyền không coi vấn đề thuần khí như là một trong những yếu tốt bắt buộc, vì thế, nó được xem như là yếu tố xác định họa phúc, tốt xấu của một ngôi gia. Khi một ngôi gia có được một tinh bàn vượng sơn vương hướng rồi thì cũng nên chú ý đến việc thuần khí theo tam nguyên long, nghiã là cần xem cấu trúc hình thể trong ngôi gia đó có theo được sự kết hợp tốt theo tam nguyên long hay không, ví dụ như cổng, cửa, bếp, phòng … Tam nguyên long cũng chỉ là một yếu tố trong các yếu tố xem xét một ngôi gia tốt xấu mà thôi.

1 - Thiên nguyên long.

* 4 sơn dương: Càn , Khôn, Cấn, Tốn.

* 4 sơn âm: Tý , Ngọ, Mão , Dậu.

2 - Nhân nguyên long.

* 4 sơn dương: Dần, Thân, Tỵ, Hôi.

* 4 sơn âm: Ất, Tân, Đinh, Quý.

3 - Địa nguyên long.

* 4 sơn dương: Giáp, Canh, Nhâm , Binh.

* 4 sơn âm: Thìn, Tuất, Sửu , Mùi.

II - 4. Tinh bàn:

-Vận bàn:

Cần xác định vận bàn:

* Năm xây dựng mới ngôi gia.

* Năm sửa lại đa phần lại ngôi gia.

* Năm bắt đầu dọn vào ở trong ngôi gia.

Khi đã xác định được năm của ngôi gia rồi thì xem năm đó thuộc vận nào trong tam nguyên cửu vận. Xác định được vận thì đem số sao của vận đó vào Trung cung rồi di chuyển theo Lường Thiên Xích thuận mà sắp xếp các sao ở chín cung.

Ví dụ: Năm 2009 nằm trong vận 8 (2004-2024) thuộc hạ nguyên của tam nguyên cửu vận. Đưa sao Bát bạch vào trung cung di chuyển theo chiều thuận.

- Sơn tinh:

Còn gọi sơn bàn phi tinh, nghĩa là sao phi tinh ở phương toạ của sơ đồ nhà theo vận bàn đưa vào trung cung, căn cứ theo tam nguyên long ở phương toạ là âm hay dương để di chuyển sao phi tinh theo chiều thuận hay nghịch. Sao phi tinh sơn bàn thường đặt bên trái của sao phi tinh vận bàn.

-Hướng tinh:

còn gọi là hướng bàn phi tinh, nghĩa là sao phi tinh ở phương hướng của sơ đồ nhà theo vận bàn đưa vào trung cung, di chuyển thuận nghịch theo tam nguyên long âm dương ở hướng. Sao phi tinh hướng bàn thường đặt bên phải của sao vận bàn.

II - 5. Địa bàn:

Là bàn cố định của phi tinh hay còn gọi là cửu tinh đồ căn bản được sắp xếp theo các cung của Hậu thiên Lạc Việt phối Hà Đồ. Sự chuyển động của khí trong vũ trụ là không ngừng theo năm, tháng, ngày, giờ. Cổ nhân đã dùng cửu tinh làm chủ cho sự thay đổi của thời gian đó. Mỗi sao của cửu tinh sẽ làm chủ một khoảng thời gian là năm tháng ngày giờ, vì vậy mỗi năm, tháng, ngày, giờ có một sao chủ. Sao chủ xếp vào vị trí trung cung của cửu cung và các sao khác di chuyển theo lường thiên xích thuận.

-Niên tinh:

Là sao quản năm, dùng cửu tinh phối với năm, ví dụ năm 2009 là sao cửu tử nhập trung cung và cũng là sao quản năm.

-Nguyệt tinh:

Là mỗi tháng có một sao phi tinh làm chủ quản lý chi phối tháng đó. Ví dụ từ ngày 7 tháng 11 năm 2009 đến ngày 7 tháng 12 năm 2009 là sao ngũ hoàng quản.

-Nhật tinh, Thời tinh:

Cũng tương tự như niên nguyệt, thi ngày và giờ cũng có một sao làm chủ và nó chi phối khoảng thời gian mà nó làm chủ.

Sự ảnh hưởng của niên nguyệt tinh mạnh nhất thường là những nơi có sự hoạt động thường xuyên và mạnh, như cửa, cổng ra vào, phòng bếp, phòng ngủ. Ngoài ra còn xét kết hợp với sao sơn hướng tinh ở khu vực chúng đến để xem xét tốt xấu tuỳ theo tính chất của sao niên nguyệt tinh.

II - 6. Chính thần & Linh thần

Đồ hình của Hậu thiên Lạc Việt phối Hà Đồ có cửu tinh bài bố như sau:

- Chính thần là dùng nơi cao sơn của sao đương vận mà thu nhận khí. Như vận 8 thì lấy phương vị Bát bạch Cấn - làm chính thần.

Phương vị của Chính Thần cần có cao sơn thực địa.

- Linh thần là phương đối lại của chính thần. Phương vị LinhThần cần sông nước, trũng thấp.

Thí dụ: Như vận 8 phương đối lại của chính thần là phương vị Tứ - Tốn (Tây nam) làm linh thần.

Chính thần quàn 10 năm đầu của vận 20 năm. Linh thần quản 10 năm sau.

Riêng vận 5 có 20 năm, mười năm đầu lấy Nhị Khôn làm Linh thần và mười năm sau lấy Bát (Cấn) làm Chính thần.

Coi về Chính thần, Linh thần của đương vận là coi về vượng suy của một thành phố hay khu dân cư, ví dụ : vận 8, phương vị của Linh thần nằm ở phía Tây Nam. Do đó, nếu khu vực đó của thành phố hay khu dân cư ... mà có sông, hồ hoặc biển... thì rất tốt, chủ vượng phát về mọi mặt. Ngược lại, nếu khu vực đó lại có thế núi, thế đất tiến dần cao thì ngôi làng hay đô thị đó sẽ gặp nhiều việc không tốt. Còn về ngôi gia cư thì lấy sơn tinh đương vượng làm Chính thần và hướng tinh đương vượng làm Linh Thần. Phương Linh thần nên có Thuỷ, thấp trũng hay đường đi. Nếu phương vị của Hướng tinh sinh, vượng khí lại vào vị trí của Linh thần đương vận mà có thuỷ, thấp trũng hay đường đi thì tốt lại càng thêm tốt, đã vượng càng thêm vượng. Hướng tinh sinh vượng khí vào vị trí Chính thần của đương vận thì vẫn cần có thuỷ thì mới vượng phát được, còn gặp cao sơn thì suy.

II - 7. Cấu trúc hình thể với phi tinh:

Khi lựa chọn đựơc một mảnh đất hay một khu đất để quyết định xây một ngôi gia, hay một ngôi gia đã hoặc đang ở, ta kiểm tra hướng, xem hướng của ngôi gia có bị kiêm hướng hay bị phạm điêù gì không, sau đó ta cần chú ý đến cấu trúc hình thể trong và ngoaì ngôi gia có hợp với phi tinh Huyền Không Lạc Việt hay không, để hiệu chỉnh cho thích hợp.

Cấu trúc hình thể bên trong ngôi gia với phi tinh: Cấu trúc hình thể bên trong của một ngôi gia cần được điều chỉnh sắp xếp cho phù hợp với phi tinh, nghĩa là ở những nơi có phi tinh hướng sinh khí, vượng khí thì nên bố trí lối đi, hành lang, cầu thang, vật chứa nước, hồ cá, vòi nước, tranh ảnh thuỷ mặc… Còn ở những nơi là sinh vượng khí của sơn tinh nên làm phòng ngũ, bếp, bàn làm việc.

Cấu trúc cảnh quan bên ngoài ngôi gia với phi tinh: Cảnh quan xung quanh ngôi gia phối với phi tinh cũng rất quan trọng, ở những khu vực có hướng tinh sinh vượng khí thì cần trống thoáng, như có hồ nước hay đường đi làm hư thủy làm cho hướng tinh được đắc cách mà tốt hơn. Ngược lại tại khu vực sinh vượng của hướng tinh mà có núi đồi, nhà cao, cây cao áp sát ngôi gia thì hướng tinh bị thất cách làm cho ngôi gia không hưởng được khí sinh vượng của phi tinh nên không tốt. Còn ở những khu vực có sơn tinh sinh vượng khí thì cần có cao sơn thực địa như núi đồi, nhà cao tầng, cây cao…còn ngược lại thì không tốt. Tùy theo tinh bàn của từng ngôi gia mà cần có bố trí cho thích hợp, ví dụ như ngôi gia có tinh bàn thướng sơn hạ thủy thì cần có sự bố trí ngược lại mà người xưa gọi là cách đảo kị long, hoặc theo cách thu sơn xuất sát.

II - 8. Phân cung.

Bắt đầu từ tâm nhà chia mặt phẳng diện tích làm 8 phương vị:

1) Bắc: Từ 337, 5 độ - 0độ (Chính Bắc) - 22, 5 độ; Quái Khảm quản.

2) Đông Bắc: 22,5 độ - 45 độ (Chính Đông Bắc) - 67, 5 độ. Quái Cấn quản.

3) Đông: 67,5 độ - 90 độ (Chính Đông) - 112,5 độ. Quái Chấn quản.

4) Đông Nam: 112, 5 độ - 135 độ (Chính Đông Nam) - 157, 5 độ.Quái Khôn quản.

5) Nam: 157, 5 độ - 180 độ (Chính Nam) - 202,5 độ.Quái Ly quản

6) Tây Nam: 202,5 độ - 225 độ (Chính Tây Nam) - 247.5 độ. Quái Tốn quản

7) Tây: 247,5 độ - 270 độ (Chính Tây) - 292, 5 độ. Quái Đoài quản.

8) Tây Bắc: 292,5 độ - 315 độ (Chính Tây Bắc) - 337, 5 độ. Quái Càn quản.

- 24 Sơn hướng.

Tám cung đó tính từ Càn thuận chiều kim đồng hồ là:

Càn , Khảm , Cấn , Chấn , Khôn , Ly , Tốn , Đoài .

Trong Phong thủy mỗi phương quản 45 độ. Nhưng thực tế cho thấy do những yếu tố tương tác khác nhau, mà không thể có nhà nào chính hướng và có những sai lệch. Sự sai lệch này cũng có những tương tác khác nhau trong cùng một phương. Bởi vậy trong phong thuỷ người ta mới chia nhỏ mỗi phương thành 3 vị trí khác nhau gọi là sơn hướng. Do đó, 8 phương có tổng cộng là 24 sơn hướng. Mỗi cung như vậy lại chia làm 3 sơn. Mỗi sơn quản 15 độ. Tên gọi của các sơn hướng lần lượt như sau:

1: Càn: Gồm ba sơn Tuất - Càn - Hợi.

2: Khảm: Gồm ba sơn Nhâm - Tý - Quí.

3: Cấn: Gồm ba sơn Sửu - Cấn - Dần.

4: Chấn: Gồm ba sơn Giáp - Mão - Ất.

5: Khôn: Gồm ba sơn Thìn - Khôn - Tỵ.

6: Ly: Gồm ba sơn Bính - Ngọ - Đinh.

7: Tốn: Gồm ba sơn Mùi - Tốn - Thân.

8: Đoài: Gồm ba sơn Canh - Dậu - Tân.

Chúng ta đều biết rằng:

Hợi Tý Nhâm Quý thuộc Thủy - Màu xanh dương;

Giáp Ất Dần Mão thuộc Mộc - Màu xanh lá cây;

Tỵ Bính Ngọ Đinh thuộc Hỏa - Màu đỏ;

Thân Canh Dậu Tân thuộc Kim - Màu trắng

Nguyên lý này trùng khớp một cách hợp lý giữa La Kinh và Hà Đồ phối Hậu thiên Lạc Việt.

- Phân độ:

Mỗi phân độ chiếm chỉ 5 độ trên La bàn. Gọi là 72 phân kim ứng với 72 Địa sát trên toàn Thiên Bàn. Ngoài ra các vòng La Kinh còn chia 60 phân mạch Bảo châu. Mỗi phân mạch Bảo châu chiếm 6 độ Địa bàn.

Sự phân chia các phương vị trên La kinh còn nhiều phức tạp khác, Nhưng chỉ dùng nhiều trong Âm Trạch. Trong Dương Trạch thì chúng ta chỉ cần đến sự phân độ như trên và nắm vững cách tính một số vòng sao.

12 địa chi sơn trong tam hợp bàn, mỗi sơn có 5 ô Giáp tý, khi nạp âm thì ngũ hành của mỗi hoa giáp sẽ khác nhau, như Tý sơn có Giáp Tý (kim), Bính Tý (Thuỷ), Mậu Tý (Hoả), Canh Tý (Thổ), Nhâm Tý (Mộc). 12 sơn cộng lại 60 giáp tý, còn gọi 60 Thấu địa long, hoặc ngũ tý khí. Phép lập hướng phải biết tiết chế bớt khí quá vượng và bổ sung khí cho khí quá yếu.

- Phân Kim :

Phương pháp phân kim cụ thể như sau:

-Sơn Tý có: Giáp Tý (Kim), Bính Tý (Hỏa), Mậu Tý (Thủy), Canh Tý (thổ), Nhâm Tý (mộc).

-Sơn Sửu có: Ất Sửu (Kim), Đinh Sửu (Thuỷ), Kỷ Sửu (Thủy), Tân Sửu (thổ), Quí Sửu (mộc)

-Sơn Dần có : Bính Dần (Thủy), Mậu Dần (thổ). Canh Dần (mộc), Nhâm Dần (kim), Giáp Dần (Thuỷ).

-Sơn Mão có : Đinh Mão (Thủy), Kỷ Mão (thổ), Tân Mão (mộc), Quý Mão (kim), Ất Mão (Hỏa).

-Sơn Thìn có : Mậu Thìn (mộc), Canh Thìn (kim), Nhâm Thìn (Hỏa), Giáp Thìn (Thủy), Bính Thìn (thổ).

-Sơn Tỵ có : Kỷ Tỵ (mộc), Tân Tỵ (kim), Quý Tỵ (Hỏa), Ất Tỵ (Toả), Đinh Tỵ (thổ).

-Sơn Ngọ có : Canh Ngọ (thổ), Nhâm Ngọ (môc), Giáp Ngọ (kim), Bính Ngọ (Hỏa), Mậu Ngọ (Thủy).

-Sơn Mùi có : Tân Mùi (Thổ), Quý Mùi (Mộc), Ất Mùi (Kim), Đinh Mùi (Hỏa), Kỷ Mùi (Thủy).

-Sơn Thân có : Nhâm Thân (kim), Giáp Thân (Hỏa), Bính Thân (Thủy), Mậu Thân (thổ), Canh Thân (mộc)

-Sơn Dậu có : Quý Dậu (kim), Ất Dậu (Hỏa), Đinh Dậu (Thủy), Kỷ ̉ Dậu (thổ), Tân Dậu (mộc).

-Sơn Tuất có: Giáp Tuất (Thủy), Bính Tuất (thổ), Mậu Tuất (mộc), Canh Tuất (kim), Nhâm Tuất (Hỏa).

-Sơn Hợi có: Ất Hợi (Thủy), Đinh Hợi (thổ), Kỷ Hợi (mộc), Tân Hợi (kim), Quí Hợi (Hỏa).

Nguyên tắc sử dụng phân kim là ở chỗ vượng thì tiết giảm, suy thì bổ cứu, tránh hung theo cát, tức tránh tương khắc (nếu khắc xuất là tiết), theo cát (sinh nhập, ngang hoà là cát, sinh xuất là tiết). Tóm lại là phải vận dụng linh hoạt. Ngoài ra cần lưu ý đến làn ranh phân kim, nếu phạm sẽ dẫn đến ngũ hành lẫn lộn mà có nhiều hung sát

II - 9. Cách bố trí sơ đồ nhà kết hợp phi tinh.

-Phòng bếp:

Bếp là nơi chế biến nguồn dinh dưỡng cho mọi người, chủ về nhân đinh, cho nên nó có tầm ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong một ngôi gia về sức khoẻ, sự bình an và tài lộc vì thế bếp phải đặt tại phương vị tốt (Vị trí tọa tốt) có các sao là sơn tinh sinh vượng tiến khí và các sao tốt. Hướng bếp phải là hướng tốt, có các sao là hướng tinh sinh vượng tiến khí.

Hướng nhà và vị trí bếp hay hướng bếp phải cùng Tam nguyên long, cụ thể là hướng nhà là Thiên nguyên long thì vị trí bếp, hướng bếp là Thiên nguyên long hoặc là Nhân nguyên Long. Hướng nhà là Nhân nguyên long thì hướng bếp và vị trí bếp là Nhân nguyên long hoặc là Thiên nguyên long. Còn Địa nguyên long chỉ nên phối với Địa nguyên long, không kết hợp được với Nhân nguyên long hay Thiên nguyên long, nếu kết hợp sẽ không được tốt.

- Không nên đặt bếp tại Hướng tinh 2; 5 vì hoả sinh thổ. Sao 5 là Ngũ Hoàng Liêm trinh: chủ bệnh tật hao tài. Sao 2 là nhị hắc bệnh phù: Chủ bệnh tật.

- Không nên đặt tại nơi có vượng sinh tiến khí của hướng tinh. Nếu đặt thì dễ bị hao hụt về tài chính. Vị trí đặt bếp là tính theo 24 sơn tính từ tâm nhà, chứ không tính theo tâm phòng bếp.

- Dời bếp vào hướng phạm thái tuế: Nếu là cung có sơn tinh đang vượng thì rất tốt, còn không thì tai hoạ. Chỉ nên tránh vào tháng phạm thái tuế và trực xung thái tuế (Thí dụ: năm 2009, thái tuế cung Sửu thì nên tránh tháng, ngày, giờ Sửu và Mùi (trực xung).

Hướng bếp nên hướng về hướng tinh là:

* Nhất bạch: Hành thuỷ là thuỷ hoả ký tế nên là bếp cát

* Tam bích, bát bạch: Mộc sinh hoả là bếp cát.

* Nhị hắc, ngũ hoàng: Nhị hắc là bệnh phù, ngũ hoàng là đại sát nên kỵ

-Phòng khách:

Là nơi tụ hợp các thành viên trong gia đình, nơi tiếp khách, nghĩ ngơi tạm thời, chổ ngồi, nằm, uống trà, hút thuốc, tụ tập nói chuyện, thư giãn, nghe nhạc, xem truyền hình, đọc sách, làm việc, vì thế nó có vai trò cũng quan trọng. Do những ngôi nhà trong thành phố thường bị hạn chế về diện tích sử dụng, thì phòng khách thường cũng là phòng ăn. Vị trí tốt thường bố trí ở trung tâm ngôi gia, ở khu vực có sơn tinh sinh khí xa, ví dụ như vận 8 là sơn tinh nhất bạch, vận 7 là sơn tinh cửu tử, vận sáu là bát bạch…

II - 10. Các loại sao sát và những kiêng kỵ.

Thần sát:

-Sao bản mệnh: là sao quản năm sinh của một người nào đó, ví dụ: nếu người đó sinh năm 2009, thì sao bản mệnh là cửu tử.

-Bản mệnh sát và đích sát: Trong phi tinh của niên, nguyệt, nhật, thời, ở tại phương vị nào có phi tinh là sao bản mệnh thì gọi là bản mệnh sát, phương vị đối lập với phương bản mệnh sát tức là đối xung gọi là “đích sát”.

Phương bản mệnh sát và phương đích sát đều là các phương đại hung, không được phạm đến.

- Ám kiến sát:

Sao phi tinh của niên nguyệt nhật thời nhập trung cung, phương vị có số sao phi tinh nhập trung cung thì gọi là phương vị ám kiến sát của niên nguyệt nhật thời đó. Phương vị ám kiến sát cũng là phương đại hung.

-Thái tuế:

Thái Tuế - vật thể thuộc Âm - là sao lớn nhất gần trái Đất và nhóm sao II ngoài vòng Thiên Thạch. Thái tuế là mộc tinh (Jupiter) lớn nhất trong thất tinh, nên khi nó đi tới đâu thì nó sẽ kéo hết dương khí về nơi đó. Theo quan niệm về "Khí" của Phong thủy Lạc Việt: Tất cả khí ngoài trái Đất đều thuộc Dương so với trái Đất. Nên sự tương tác rất mạnh về Dương Khí. Dương khí vượng ở hướng tất suy ở sơn và Âm khí vượng ở Sơn tất suy ở hướng. Mà hướng là dương, tọa là âm vì thế mà kỵ hướng, tuế phá ngược lại vì do dương khí bị kéo hết về nơi thái tuế nên tuế phá hoàn toàn là âm khí nên kỵ tọa. Thái tuế kỵ hướng không kỵ tọa, bởi vì thái tuế tính dương động kỵ hướng là do nơi hướng thường là nơi hoạt động vào ra của con người nên động càng thêm động, vì thế cũng kị mở cửa theo hướng của năm sinh để tránh không xung phạm Thái tuế. Thí dụ người tuổi Sửu không mở cửa hướng Sửu, người tuổi Tý không mở cửa hướng Tý, các tuổi khác cũng như vậy, để tránh tới năm tuổi Thái tuế đến cửa mà gây ra nhiều chuyện phiền toái.

-Xung Thái tuế:

là Thái-tuế xung khắc với năm sinh của chủ nhà. Thí dụ người sinh năm Dần thì niên canh Thái-tuế của người đó là Dần. Dần lại tương xung với Thân nên gặp năm Thân, tức là năm “niên canh xung Thái-tuế” thì người này phải tránh hành động tại 2 cung Dần, Thân để tránh khỏi bị trắc trở.

-Nơi có phi tinh tốt gặp Thái tuế thì tốt thêm, nơi có phi tinh xấu mà gặp Thái tuế thì càng thêm xấu.

-Thái tuế Có 2 loại là Thái tuế theo năm và Thái tuế theo phi tinh:

*Thái tuế theo năm: là Thái tuế tính theo các địa chi của năm và phương vị mang tên địa chi đó. Ví dụ: Năm Tý Thái tuế ở phương Tý (phía Bắc), năm Sửu Thái tuế ở phương Sửu (phía Đông Bắc)…

* Thái tuế theo phi tinh là Thái tuế theo sao cửu tinh của năm.  Ví dụ: Năm 2009 là năm Sửu, phương Sửu ở Đông bắc, mà Đông bắc theo bàn phi tinh cố định là Bát bạch làm đại diện, phi tinh đại diện của năm Sửu là Cửu tử, đem Cửu tử nhập trung cung di chuyển theo Lường Thiên xích thuận thì sao Bát bạch đến phương Tây Nam, như vậy Thái tuế phi tinh năm 2009 Kỷ sửu là ở phương Tây Nam.

Tuế phá: Phương đối ngược lại với phương Thái-tuế là phương Tuế-phá. Phương Thái-tuế nơi hoàn toàn có khí dương, ngược lại phương có Tuế-phá là nơi hoàn toàn có khí âm. Vì thế đây là 2 cung âm dương đối lập, tương khắc, tương xung. Như vậy khi các cung này ở trong vị trí tốt thì rất tốt mà trái lại thì rất xấu. Các ngày Tuế-phá cũng được tính theo như thí dụ sau đây: Năm Tý, Thái-tuế địa bàn ở

phương Tý thì Tuế-phá ở phương ngược lại là phương Ngọ nên các ngày Ngọ như Giáp Ngọ, Bính Ngọ... đều là ngày Tuế-phá có khí âm cực mạnh. Do đó khi phạm vào thì dể gặp tai họa nhất là người tuổi Tý.

-Tam sát:

Là phần bên hông vuông góc với trục Thái Tuế và Tuế Phá theo chiều thuận từ Thái Tuế đến Tam sát, Tam sát chính là nơi giao lưu tương tác Âm Dương theo chiều thuận do ảnh hưởng của Thái Tuế và tuế phá gây nên, còn gọi là 3 sao có sát khí là Tuế sát, Kiếp sát và Tai sát. Ba điểm này cần thận trọng khi động thổ, tu sửa... Thí dụ Thái Tuế cung Sửu thì Tam sát ở cung Thìn.

Có 3 loại tam sát năm, tháng và ngày.

- Những năm Dần - Ngọ - Tuất: Tam sát ở phía BẮC.

- Những năm Hợi - Mão - Mùi: Tam sát ở phía TÂY.

- Những năm Thân - Tý - Thìn: Tam sát ở phía NAM.

- Những năm Tỵ - Dậu - Sửu: Tam sát ở phía ĐÔNG.

Tam sát chỉ kiêng kỵ ở phương toạ, không kiêng kỵ ở nơi hướng của ngôi gia. Nếu xây nhà, nhập trạch vào năm có tam sát đến toạ thì mới bị ảnh hưởng xấu. Ngoài ra cũng cần chú ý đến phương vị của giường ngủ, nếu giường ngủ mà nằm tại khu vực của tam sát thì tránh ra khu vực đó trong năm bị Tam sát.

-Ngũ hoàng sát:

Ngũ Hoàng đại sát còn gọi là "Mậu Kỷ Đô thiên sát". Nếu Ngũ hoàng xuất hiện ở sơn hướng nên tránh, vì Ngũ Hoàng là tối hung không thể xâm phạm, khu vực mà có sao Ngũ Hoàng bay đến trong năm thì cần phải tránh, chứ không xung phạm. Nếu xung phạm thì lập tức sẽ có những biến động, hoặc tai họa nguy hiểm, đang tốt thành xấu, người cư ngụ ở nơi có Ngũ Hoàng sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và tiền bạc.

III - KẾT LUẬN

Chúng tôi quan niệm rằng: Bản chất của Phong thủy là ứng dụng những quy luật tương tác trong thiên nhiên, vũ trụ và con người. Đây chính là những thực tại khách quan đang tác động đến cuộc sống của chúng ta.

Trong bài viết này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu một trong những yếu tố tương tác quan trong. Đó chính là sự vận động có tính quy luật của các vì sao trong Thái Dương hệ lên trái Đất và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người - mà chúng tôi cho rằng: Đó chính là nhận thức thực tại được qui ước, ký hiệu hóa trong phương pháp Huyền không, ứng dụng trong phong thủy. Huyền không Lạc Việt với nguyên lý căn để là "Hà Đồ phối Hậu thiên Lạc Việt" và phương pháp ứng dụng căn bản, nhằm minh chứng tính nhất quán, tính hệ thống và khả năng giải thích hợp lý các vần đề liên quan so với sự huyễn ảo của Phong thủy từ văn bản cổ. Đó chính là yếu tố làm sáng tỏ tính khoa học của Phong Thủy theo tiêu chí khoa học. Đó chính là sự hiệu chỉnh để làm sáng tỏ chân lý, chứ không phải là sự phủ nhận những giá trị ứng dụng có hiệu quả đã được thừa nhận trong ứng dụng trải hàng ngàn năm của khoa Phong thủy Đông phương. Những phương pháp luận trong ứng dụng, được giới thiệu trong bài viết này ở trên đã chứng tỏ điều đó.

Chúng tôi cũng không có tham vong ngay bây giờ có thể giải thích tất cả những bí ẩn của Lý học Đông phương. Đây là một công trình nghiên cứu đòi hỏi thời gian và sự đóng góp của nhiều con người, thậm chí có thể là nhiều thế hệ. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn ở việc minh chứng tính khoa học của phoing thủy - qua Phong thủy Lạc Việt - là sự thống nhất các phát hiện rời rạc, hiệu chỉnh những sai lầm và khiếm khuyết dẫn đến mâu thuẫn và mơ hồ của khoa Phong thủy. Từ đó, chúng tôi hy vọng rằng: Hội Thảo phong thủy lần này, sẽ là những bước mở đầu cho sự khám phá những bí ẩn của văn hóa Đông phương, mang trong nội dung của nó những nhận thức kỳ vĩ của thiên nhiên, vũ trụ và con người.

Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Cảm ơn sự quan tâm của quí vị.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: