Tiếng chuông trong gió.
Những người phụ nữ "tuyệt vời ".
Nơi chân trời không chỉ có màu hồng.
(bộ tiểu thuyết dành tặng cho những mảnh tâm hồn đẹp lộng lẫy và đầy thương đau, mà tôi là kẻ may mắn khi có thể phần nào cảm nhận được.)
**
Lời tựa của tác giả: " Có một loài hoa không sinh ra từ đất hay lớn lên bởi nước, không ươm mình tắm gội trong sớm sương mai, cũng không rung rinh lẽn bẽn để chờ người bắt lấy. Loài hoa đó đẹp và khổ đau hơn nhiều, như chim phượng hoàng vậy, sinh ra từ lửa và lột xác từ đống tro tàn. Một đóa hoa thủy tinh long lanh hiu hắt trên nền trời tối sẩm, cứng cáp nhất nhưng cũng mỏng manh nhất. Bởi vì loài hoa đó không héo tàn, không nghiêng mình hay rụng rơi lả tả, nó chỉ vỡ tan..."
----------***----------
Tôi chắc chắn rằng hơn bất kỳ người bạn đồng nghiệp nào mà tôi biết, tôi là người may mắn nhất khi có quyền viết và tự hào về những câu văn này. Bởi đây là một phần câu chuyện cuộc đời tôi, bộ tiểu thuyết này chính là quyển hồi ký đầu tiên mà tôi viết, nói về những trải nghiệm tôi từng có, là một trong những ký ức mà nếu ngay lúc này là phút giây cuối cùng tôi được sống, nó sẽ là mảnh ký ức đẹp nhất, mà một người có thể hạnh phúc khi có được.
.
**
Chương 1 : Tiếng chuông trong gió.
**
Kỉ niệm về lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới LGBT, có lẽ là năm tôi 11 tuổi. Khi đó vì cha phải thường xuyên đi xa, tôi được gửi đến nhà của người họ hàng, là một căn hộ chung cư, trong một khu chung cư cũ kĩ.
Những ngày tháng đó, tôi đi học vào buổi chiều, còn buổi sáng thì phụ rửa bát đĩa cho quán ăn của người họ hàng kia. Khi bạn nghĩ về quán hàng dựng tạm bán đồ ăn sáng ở Việt Nam, vào những năm đầu của thập niên 90, nơi giải quyết được một bữa ăn vội vã của người dân khu xóm lao động nghèo. Nếu trong đầu bạn hiện lên những gam màu xám, u ám, nhợt nhạt và buồn bã, thì đã đúng rồi đó. Và những màu sắc đó, cũng là một cách đúng để miêu tả về tuổi thơ của tôi, một đứa trẻ mồ côi, lưu lạc mọi nơi trừ chính ngôi nhà của mình, không bao giờ dám ăn no, phải luôn học cách chừa phần cho cơn đói tiếp theo.
Chẳng có gì đáng thương cảm đâu, ít nhất tôi còn được đi học, chỉ nhiêu đó thôi là đã may mắn hơn gấp trăm lần so với nhiều đứa trẻ khác mà tôi biết. Lúc đó với công việc rửa chén, đôi tay tôi ngâm vào nước xà phòng nhiều đến mức nó như muốn nhũn ra, như dây thun ngâm trong dầu hỏa vậy, bủng beo với những màu trắng bệch. Trên con đường đến trường vào buổi trưa, tôi hay đưa bàn tay lên trên đầu như một cách phơi nắng, để nó khỏi trơn tuột cũng như cứng cáp hơn khi cầm viết.
Với lũ trẻ gần nhà, nếu muốn chơi chung với bọn nó thì bản thân cần phải có đồ chơi mang theo, như dây thun, thẻ hình, bi ve, vỏ hộp hay truyện tranh... Còn trên trường thì ít nhất phải có tiền mua quà vặt để chia nhau giờ ra chơi. Và tôi thì chẳng có gì cả, mà cũng không cần phải có, cứ cho là tôi trưởng thành sớm hơn bọn nó đi, sở thích lớn nhất của tôi, bắt đầu từ lúc đó và kéo dài đến bây giờ, chính là ngồi một mình, im lặng nhìn mọi thứ và suy nghĩ.
Tôi lạc lõng trong gia đình, họ hàng, bạn bè hay trường học, giống như đang chơi trò chơi trốn tìm, trốn một lần và không bao giờ muốn bị tìm thấy. Tôi tự luyện cho mình cái nhìn vô hồn không cảm xúc như cách bình yên nhất để trải qua tất cả. Và cảm thấy an tâm, thoải mái với điều đó. Mọi đứa trẻ đều được cha mẹ của mình xem là đặc biệt, để rồi bản thân nó cũng cho rằng như vậy, còn tôi thì tự cho phép bản thân mình "được đặc biệt ".
Cho đến một ngày, chính tôi phải tự hạ thấp mức độ "đặc biệt " của mình xuống. Ngôi vị đó, ngôi vị tự mình tạo ra đó, tôi buộc phải nhường cho " Bi", hay theo như cách gọi của lũ trẻ khác trong xóm, là "Bi bóng".
" Bóng" là một từ có hàm ý rất tệ trong văn hóa cửa miệng của người Việt khi dùng để nói về một người nam đồng tính. Từ bây giờ tôi sẽ không gọi 'cô ấy ' bằng cách gọi đó nữa, thay vào đó sẽ là 'BiBi'.
BiBi khi đó khoảng 15, 16 tuổi gì đó, là con của bác bảo vệ chung cư, mẹ của BiBi thì làm lao công thu gom rác và mua lại đồ ve chai của các hộ dân xung quanh. BiBi còn có một đứa em khác đang sống với ông bà nội ở quê, lý do mà BiBi xuất hiện trong khu chung cư này chính là vì bị họ đuổi đi. Cũng không khó hiểu cho lắm, BiBi là người có xu hướng chuyển giới từ nam sang nữ, mà rất dễ thấy ở việc BiBi để tóc dài và chỉ chịu mặc đồ con gái.
Bạn nghĩ sao về cách mà xã hội hiện nay dùng để nhìn nhận một người thuộc cộng đồng LGBT, nếu bạn thấy nó tệ, thì hãy nhân chữ tệ đó thêm vài chục lần. Thì sẽ ra cách mà vào những năm tháng kia, khi mọi người xung quanh nhìn nhận và đánh giá BiBi. Tệ lắm, họ tệ lắm, đám người đó tệ lắm, rất tệ.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gặp BiBi, hôm đó vào buổi sáng, khoảng hơn 8 giờ một chút, (à, tôi có một trí nhớ rất tốt, gọi là siêu tốt thì cũng không quá khoa trương, đặc biệt khi ký ức nào có cảm xúc kèm theo thì gần như không quên được, đó là một món quà, mà cũng là hình phạt của tôi, đọc những trang sau bạn sẽ dần nhận ra điều đó).
Đầu tiên không phải là nhìn thấy, mà là nghe thấy, BiBi đạp chiếc xe đạp của mẹ cô ấy, chở hai bao ve chai phía sau, chạy rất nhanh, thoải mái lạng lách uốn éo, tóc dài ngang vai không cột, mặc bộ đồ bộ bằng vải bông rộng thùng thình, trên đầu có kẹp nơ. Và quan trọng nhất khi tôi nói 'nghe thấy ', chính là việc BiBi với gương mặt tươi rói vừa ưỡn ngực vừa bóp cái chuông tròn kêu reng reng trên ghi đông xe đạp. BiBi bóp cái chuông đó rất nhanh,..reng reng reng reng reng..từ xa đã nghe thấy tiếng chuông liên hoàn rộn rã đó.
Lúc đó tôi đang rửa chén, tin hay không thì tùy, thằng nhóc mười một tuổi vừa ngồi chồm hổm rửa chén vừa hát nhẩm nhạc Trịnh đó chính là tôi. Và BiBi lướt qua như một cơn gió, tôi nhớ có một khắc cô ấy nhìn tôi khi trên môi vẫn đang cười, không thể quên được, bởi nơi mà tôi sống đó không phải lúc nào cũng có thể nhận được miễn phí một nụ cười đẹp vô tư như vậy từ người khác.
Vậy nên ngay từ lúc đó, tôi đã đặt BiBi vào vị trí đầu tiên trong danh sách 'đặc biệt ' của riêng mình. Tới bây giờ tôi vẫn nhớ rõ cách cô ấy đi vào bên trong sân sau của chung cư, cái xe nghiêng qua nghiêng lại, tóc theo gió bay ra phía sau, và tiếng chuông reng reng nhỏ dần.
Bạn hỏi tôi BiBi có đẹp không ?
Cô ấy đến từ một vùng quê nơi mà người ta sống nhờ biển với các cánh đồng muối cũng đến từ biển. Nơi nắng cháy da người, nơi đất mặn phèn chua, nơi cánh cò dẫu có tần tảo ngược xuôi cũng chưa chắc kiếm đủ cái ăn qua ngày. Có ! BiBi đẹp, đẹp theo cách của mình, và cái nhìn trong ký ức của tôi.
Hãy tin khi tôi nói, nếu như bạn có thể nhớ tất cả mọi gương mặt mình từng gặp, đến một ngày khi con số đó đã trở nên quá nhiều, thì bạn sẽ thấy những gương mặt đó dần dần trở nên giống nhau. Đó là lúc khi ngẫu nhiên gặp một người lạ, thì lại nhớ tới mười người quen cũng nhìn giống như vậy, chính là lúc bắt đầu cảm thấy bản thân không cần phải nhớ nữa. Và BiBi, trong tôi cô ấy là độc nhất, như một bức tranh được treo riêng trong khán phòng ký ức, đặc biệt, không thể lẫn lộn, và không thể phai mờ.
Tôi trải qua 5 tiếng một ngày ở nơi mà các bà mẹ cho con ăn sáng, hay ghé vào để nói với nhau về giá cả của các thứ ngoài chợ, hay đơn giản hơn là họ dùng phung phí thời gian ở đó để giải quyết cái nhu cầu được nói chuyện, được bàn tán, được huyên thuyên, thứ vốn được coi là cách giải trí không mất phí của phụ nữ. Và từ khi BiBi xuất hiện trong khu chung cư này, cô ấy trở thành đề tài sốt dẻo mỗi ngày, tên của cô ấy được kêu lên hàng trăm lần mỗi lượt khách ra vô, cùng với nhiều câu chuyện thêu dệt khác nhau.
Tổng kết lại cũng dễ lắm, họ gọi cô ấy là bệnh và chỉ nhau cách chữa trị, coi cô ấy là cái xấu và dặn con mình tránh xa, nói cô ấy là bất hạnh và chia buồn cho gia đình chú bảo vệ, rồi thêm nhiều thứ so sánh liên tưởng kỳ quặc khác, biến đặc biệt trở thành khác biệt, biến khác biệt thành quái đản. Vậy đấy, có nhiêu đó thôi mà ngày này qua tháng khác họ vẫn nói mà không hết chuyện, và họ không gọi cô ấy là BiBi, mà gọi bằng cái cách khó nghe kia kìa, thậm chí còn thô tục nhiều hơn nữa.
Rất nhiều, rất nhiều lúc tôi muốn hét lên rằng : " Liệu các người có bao giờ nghĩ sẽ làm một điều tốt, chính là vô cùng đơn giản, là để cho người khác yên hay không? . Vậy thôi, có không ? "
Thói đời là vậy, người ta hay moi móc chuyện của người khác, gắn cho nó cái mốc bất hạnh, rồi mân mê nơi cửa miệng để che giấu, để quên đi cái bất hạnh của bản thân mình, để tự cho mình cái cảm giác thánh thiện hơn. Nếu gọi điều đó là thói đạo đức giả, thì vẫn còn quá rộng lượng.
Tôi cam đoan, tôi chắc chắn là BiBi không hề bất hạnh, nụ cười thường trực trên đôi môi của cô ấy đẹp hơn tất cả đống tô vẽ giả tạo của cả đám người kia cộng lại. Người bất hạnh thật sự sẽ không biết cười, đặc biệt là những nụ cười khiến người khác muốn cười theo. Chỉ có chính bọn họ muốn BiBi cảm thấy mình bất hạnh mà thôi, để tự họ cảm thấy thỏa mãn với thứ tệ hại gì đó có bên trong họ. Điều đó đơn giản chính là ĐỘC ÁC.
Khi tôi còn nhỏ, tôi ít nói tới mức hơn một nửa số người từng gặp nghĩ rằng tôi bị câm, thậm chí với vài người quen, khi tôi bỗng nói gì đó họ thường xoay đầu nhìn khắp nơi để tìm kiếm, bởi không nghĩ rằng giọng nói đó đến từ tôi. Vậy nên có một lần khi tôi không nhịn được nữa, khi sắp phát điên bởi những lời đồn thổi bọn họ dành cho BiBi, tôi đứng đó, sau lưng họ, và nói bằng giọng lạnh hơn cái nhìn hờ hững của mình : " Có bao giờ mấy người nghĩ, thứ 'bệnh' thật sự ở đây, chính là đến từ miệng của mấy người hay không ?".
Thế đó, rồi sau vài giây với cái nhìn sửng sốt của bọn họ, tôi nhận được một cái tát trời giáng từ người cô đang đứng bán hàng, và thêm một cái nữa mạnh gấp đôi của người chú vừa từ trong bếp chạy ra. Kể từ hôm đó, bọn họ, tất cả bọn họ, gọi tôi là " thằng mất dạy ".
.
Sau 11 giờ trưa, khi quán đã nghỉ và việc dọn dẹp đã xong, tôi có khoảng nửa tiếng để ngồi học bài, và sau đó sẽ là một quãng đường đi bộ dài để đến lớp. Không thể học trong nhà được, bởi bọn họ sẽ kiếm việc vặt gì đó để tôi làm, và đám anh chị họ thì không thích nhìn thấy cảnh tôi học bài, bọn họ nói việc đó rất khó coi, rất giả tạo, bởi chỉ thấy tôi ngồi thờ thẫn nhìn hoài một chỗ, thậm chí không biết là có còn đang thở hay không. Cũng không thể ngồi học ở quán ăn được, buổi chiều nơi đó có người khác thuê lại để bán cà phê và ghi số đề. Nên tôi hay dùng 30 phút đó để ngồi ở cổng nhà gửi xe chung cư, gần chỗ chú bảo vệ, tôi ngồi đó và xoay mặt nhìn vào bên trong nhà xe.
Cách khoảng 4 mét, cũng là nơi BiBi bắt đầu nấu cơm trưa, trước là người mẹ - cô lao công nấu, gần đây thì mới chuyển sang cho BiBi. Tôi đã ngồi chỗ này mỗi ngày được một học kỳ, còn BiBi thì hôm nay là ngày thứ tư làm đầu bếp.
Mọi người có biết hay còn nhớ cái lò xô không ? Cái lò nấu ăn đốt bằng dầu lửa đó. Để tôi kể cách BiBi châm lửa nó, cô ấy tháo bung hết nắp và lồng của cái lò ra, thò tay dùng diêm đốt từng dây tim đèn, rồi ráp lại từng thứ một, khâu cuối là bị lửa phực lên làm phỏng tay, kêu oai oái rồi chụp vào dái tai.
Ba ngày trước tôi thấy BiBi làm như vậy.
Hai ngày trước tôi cũng thấy BiBi làm như vậy.
Đến tận hôm qua tôi cũng lại thấy BiBi làm như vậy.
Tôi nhỏ tuổi và nhỏ con hơn BiBi, nhưng trong mấy ngày qua, tôi đã tưởng tượng đến việc cầm cái vá xới cơm, im lặng rón rén từ phía sau rồi bất ngờ đập vào đầu BiBi một cái thật mạnh, cảnh đó đã diễn ra trong đầu tôi hàng chục lần, là để khai thông trí não, là việc thiện đó. Tất nhiên hôm nay tôi sẽ không làm như vậy, tôi chỉ rất nhẹ nhàng chậm rãi làm mẫu cho BiBi một lần cách thức đúng. Còn nếu ai không biết cách thức đúng đó là như thế nào, hãy đến gặp tôi để được hướng dẫn, nhớ cầm theo cái vá xới cơm, càng to càng tốt.
_ Hay quá dzị, trời ơi tui hổng biết luôn đó nha. Trời ơi sao cái thằng nó nhỏ mà nó khôn dzữ dzậy ta.
Là BiBi nói, giọng con trai rất tự nhiên, mộc mạc, trong thân hình gầy gò xương xẩu. Tôi nhìn BiBi vài giây, rồi vặn chốt lò xô xuống, thổi tắt lửa và quay về vị trí quen thuộc. Tôi muốn chắc chắn là vừa rồi mình không giúp đỡ vô ích. BiBi trợn mắt nhìn tôi, còn tôi thì chưa bao giờ thua ai trong trò chơi trợn mắt. BiBi thò tay định mở nắp lò xô thêm một lần nữa, tôi lắc cái đầu thật mạnh, cô ấy rụt tay lại và bắt đầu làm theo cách tôi vừa chỉ. Tôi nghe thấy giọng cô ấy lẩm bẩm :
_ Quên, tại hùi giờ tui hổng quen, tại hùi giờ toàn thấy mẹ với quoại mần dzị không hà.
Tôi nhìn xa xa về phía mẹ của BiBi, người đang đếm vỏ lon khi bỏ vào bịch nhỏ, rồi đếm bịch nhỏ khi bỏ vào bịch lớn. Tôi bỗng băn khoăn không biết vừa rồi mình đúng hay sai, khi đã cắt đứt một việc đã được truyền thừa ít nhất ba thế hệ.
Trừ mái tóc dài và bộ đồ bông ra, thứ giúp BiBi có thêm phần giống con gái chính là cái kẹp tóc con bướm đang lúc lắc trên đầu. Bây giờ thì chắc chắn không thấy nữa nhưng lúc đó thì khác, cái kẹp tóc đó là mốt mà đi đâu cũng thấy. Hai cái cánh màu mè được gắn vào kẹp bằng lò xo, lúc nào cũng nhúc nhích như đang vỗ cánh. BiBi kẹp nó trên tóc ngay giữa đỉnh đầu nếu nhìn thẳng, con bướm có một bên cánh đã mất đi những hạt nhựa màu, nhưng không ngừng vỗ cánh.
À, buổi trưa hôm đó thì BiBi mang đôi dép tổ ong trắng đục, tôi đoán trước đây nó từng thuộc về chú bảo vệ. Khi ngồi nấu ăn thì BiBi lót đôi dép ở dưới mông, thân áp sát vào đùi, cô ấy thật gầy, thật ốm. Cái cách mà cô ấy gác cằm lên đầu gối mỗi khi đảo thức ăn, khiến tôi liên tưởng đến con vịt con nằm trong trứng hột vịt. Cảnh mà bạn chỉ có thể thấy trong một cái trứng không bao giờ được nở.
Từ buổi trưa hôm đó, tôi và BiBi bắt đầu quen với sự xuất hiện của nhau, chúng tôi nói chuyện trong 30 phút mỗi ngày. Tất nhiên, với tôi việc vừa học bài vừa nói chuyện cũng không khó lắm, còn BiBi thì khác, chỉ cần nói liên tục nhiều hơn ba câu, thì nồi thức ăn chắc chắn sẽ xuất hiện vấn đề. Tôi buộc phải phân ra một phần chú ý, để canh chừng cái bếp giúp BiBi.
Chúng tôi cứ vậy mỗi buổi trưa, làm bạn với nhau một cách tự nhiên đến mức không nhận ra rằng, dưới bầu trời hình chữ nhật nơi góc nhỏ sân chung cư này, chúng tôi là hai người duy nhất có thể và chịu nói chuyện với nhau. Chúng tôi cô độc theo cách riêng của mình.
**
Tôi biết thêm vài điều về BiBi.
BiBi học tới lớp 5, nhưng vẫn không biết đọc chữ. Từ nhỏ BiBi đã muốn là con gái, nên sau khi xin được việc ở ruộng muối gần nhà, lúc đã tự kiếm ra tiền thì BiBi quyết định để tóc dài rồi ăn mặc như con gái luôn.
Tháng trước cổ bị ông nội uống say rồi đánh đuổi ra khỏi nhà, cũng cấm luôn công việc ở ruộng muối, ông nội không muốn thấy BiBi lảng vảng trong xóm nữa, là chính thức từ mặt, ông nói rằng nhà vẫn còn một đứa, là em trai của BiBi, thà mất đứa lớn chứ đừng để nó ở gần rồi lây bệnh cho đứa nhỏ, vậy thì mất luôn cả hai.
Rồi cổ tá túc ở nhà người quen trên thị trấn, phụ bán nước mía với dọn hàng bán trái cây buổi sáng. BiBi đang chờ để nhờ một chị kia cũng là người chuyển giới, xin cho công việc trong đoàn hội chợ. BiBi mơ ước làm ca sĩ đứng trên sân khấu, nhưng trước đó thì phải làm sao cho da trắng hơn cái đã, bởi da đen quá thì đánh phấn không có ăn, mà lên sân khấu cũng không có ăn đèn.
" Nhưng mà ăn đòn thì có". ( câu này tôi chỉ nghĩ thôi chứ không dám nói, dù sao an toàn bản thân cũng là trên hết, BiBi không có hiền đâu.)
Yên ổn khoảng một tuần thì ông nội BiBi lại tìm lên thị trấn, ông quậy tung cả lên, ông không cho BiBi ở thị trấn vì vẫn còn quá gần nhà, vẫn làm ông mất mặt. Trong nhà thì ông nội lớn nhất, người quen kia vẫn là vai con cháu, khuyên thì khuyên chứ không dám cãi lời. Vậy cho nên BiBi đành phải dọn tới đây ở với cha mẹ.
Mà thật ra cha của BiBi tính tình cũng chẳng khác gì ông nội, nếu có thể chung sống được yên lành thì sớm đã dọn đến, đâu phải chờ đến lúc bị đánh đuổi. Là nhờ mẹ của BiBi sót con, khóc lóc năn nỉ một hai đòi sống đòi chết, ông ấy mới chịu để BiBi xuất hiện trong khu chung cư này. Tôi để ý là cho dù có chạm mặt, thì hai cha con họ cũng chẳng nói với nhau câu nào. Tới bữa cơm thì mẹ của BiBi dọn mâm ra cổng bảo vệ ăn chung với chồng, còn BiBi thì ngồi ngay chỗ này, bới tô ăn xong thì gom xoong nồi đi rửa.
BiBi hay giận lẫy lắm, còn tôi thì giỏi làm người khác giận, là vô ý thôi, không phải là cố ý. Biết BiBi ám ảnh bởi việc muốn được đẹp, muốn được giống con gái, mà trước mắt là phải làm sao cho da mau trắng lên. Thế là tôi tư vấn theo kinh nghiệm rình mò từ mấy bà chị họ, đó là dùng trứng gà pha với mật ong rồi bôi lên mặt để qua đêm, sau vài bữa thì lớp da đen sẽ lột ra. BiBi tin tôi lắm, dù sao tôi cũng là con nít thành phố mà, với lại thái độ của tôi cũng chân thành lắm.
Hôm sau, mặt BiBi đầy mụn, còn tôi thì bị cổ rượt đánh hết buổi trưa.
Tôi không cam tâm, quyết tư vấn tới cùng : " Cái này là lỗi của BiBi, ai biểu tiếc của sài hết quả trứng làm chi, chỉ sài lòng trắng thôi, pha với mật ong rồi trét lên mặt, đảm bảo mai sẽ trắng. "
Thế là hôm sau nữa, từ mụn thường đã tiến hóa thành mụn mủ. BiBi thì không rượt đánh tôi nữa, cổ dồn tôi vô một góc rồi mới đánh, như vậy chỉ mỏi tay, không mỏi chân.
Lần đó cổ giận tôi, nghỉ chơi không nói chuyện với tôi gần tuần lễ. Tới khi mụn đã lặn bớt thì tôi mới chủ động an ủi để làm huề : "Cũng may là da BiBi đen, cho nên có bị thâm thì người ta cũng không có thấy." Lần này cổ mới giận đủ một tuần.
BiBi có xe đạp, là xe của mẹ để lại, nó cũ lắm rồi, nhưng cô ấy vẫn cực kì thích nó. BiBi nói nhà ở quê cũng có xe đạp, nhưng có tới bốn năm người dùng, không tới lượt BiBi. Ở đây thì là của riêng mình, muốn đạp đi đâu cũng được, nhiều lúc buồn thì chỉ việc đạp ra phố, lượn vài vòng cho chán chê rồi quay về, bao nhiêu nỗi buồn đều mất sạch.
Nói tới xe đạp thì BiBi hí hửng lắm, còn tôi thì bình tĩnh hơn, tôi dư biết cái 'dạo phố ' của BiBi là như thế nào, chính là chạy một vòng bao bọc bên ngoài của khu chung cư, giỏi lắm thì cũng chỉ là từ chung cư đến chỗ bán ve chai rồi vòng về, chính tôi đã có trải nghiệm thực tế khi ngồi trên yên sau cái xe đạp đó. Sau vòng thứ hai thì tôi bật chế độ ngồi thiền, thong thả suy nghĩ về việc mình sẽ bị thương ở cấp độ nào nếu bị tung xe, BiBi chạy xe ẩu ghê lắm.
Có một vấn đề giữa tôi và cái xe đạp đó, chính là cái chuông reng reng kia. Lúc đầu thì quả thật tôi có thích, cho tới khi nghe BiBi bấm nó liên hồi, bắt nó kêu không ngừng nghỉ, chỉ cần xe chạy là chuông kêu, không cần biết là đường đông hay vắng, ngã tư hay ngã ba. Giận nhất là tự nhiên đang ngồi nấu ăn hay nói chuyện, BiBi lại thò tay bấm cho cho nó reng reng mấy tiếng rồi mới chịu tiếp tục, làm mà không cần biết đến lý do. Xe đã cũ nên hay hư hỏng, mỗi lần như vậy tôi lại nhìn cái chuông rồi nghĩ : "Cái gì cũng hư, tại sao mày chưa hư ?"
Rồi tới một ngày nó hư thật, nó không kêu reng reng nữa, mà đổi thành 'rẹt rẹt'. Tôi thấy BiBi buồn, thật buồn, cô ấy không nói là vì cái chuông, nhưng tôi đoán có lẽ là đúng vậy. Sau này nghĩ lại thì mới thấy đúng là không phải chỉ do cái chuông.
Âm thanh BiBi tạo ra trên phố, như là một cách sẵn sàng để người khác nhìn mình, dẫu là khác biệt thì cũng là sự khác biệt có mong muốn được nhìn thấy. Tiếng reng reng vui tai kia cũng giống như cái nhìn hờ hững của tôi, là cách BiBi chọn để đối mặt với cuộc sống, chấp nhận tất cả chỉ cần được là chính mình.
Mọi người có biết cái khoảng khắc khi một người phụ nữ nhìn một người đàn ông với sự kính ngưỡng vô cùng không ? Còn tôi thì nhớ chính xác cái lần đầu tiên mình được tận hưởng cái nhìn đó. Đó là khi tôi sửa thành công cái chuông xe đạp cho BiBi.
Là tôi, với đôi bàn tay rửa chén điêu luyện của mình, với cái đầu tích tụ trăm ngàn suy nghĩ thâm sâu, cùng với một cái muỗng. Đã sửa thành công cái chuông đó, khiến nó một lần nữa phát ra âm thanh reng reng như lúc đầu. Khi tận hưởng ánh mắt ngưỡng mộ của BiBi, tôi có cảm giác bản thân chỉ cần với cái muỗng ăn cơm này, đừng nói tới sửa cái chuông, thậm chí tới sửa máy bay tôi cũng sửa được. Tuyệt vời là ở chỗ khi tôi nói ra chính xác câu đó, BiBi cũng gật đầu công nhận.
Tôi nhìn hoài nụ cười của BiBi khi ăn mừng bằng cách lượn vài vòng trong sân. Âm thanh reng reng đó, với tôi chợt như một bản nhạc, và tôi yêu những bản nhạc như vậy.
Có nhiều kỷ niệm giữa tôi và BiBi gắn liền với cái xe đạp đó lắm, ví như có lần tôi trễ giờ học, BiBi một hai đòi phải chở tôi tới trường cho bằng được. Tới lúc đó tôi mới biết là khi nào BiBi sẽ không bấm chuông khi đi xe đạp, đó là khi cô ấy đạp xe với tốc độ tối đa. Ngồi sau xe, tôi sợ tới mức rúm người lại, chưa bao giờ tôi khát khao nghe được tiếng chuông đến như thế.
May mắn sao là không trễ, tôi vào cổng trước tiếng trống vài giây. Khi đó tôi vội và còn sợ nhiều đến mức không kịp chào tạm biệt BiBi. Phải qua tiết học đầu tiên tôi mới bình tĩnh lại, đó là lúc tôi quyết định xách cặp chui rào ra khỏi trường. Quả đúng như tôi suy đoán, BiBi vẫn đang lảng vảng quanh cổng trường của tôi. Cổ không biết đường để trở về chung cư.
_ Sao dzị, sao ra đây dzị ?
_ Buồn, trốn học.
Tôi trả lời rất có khí thế, rất có khí chất nam nhân, nhưng đâu ai biết trong lòng tôi đang dậy sóng. Bởi tôi là thằng nhóc mười một tuổi đã có kinh nghiệm sáu năm đi học, và đó là lần đầu tiên tôi chốn học, không thể nói là không có gì được.
Nhưng rồi tôi nhanh chóng quên cái cảm giác đó đi, bởi vì hai đứa chúng tôi đã quyết định là sẽ đi chơi hết cả buổi chiều, nói rõ luôn là đi hái trộm. Có một cây mận, loại mận vỏ đỏ thịt giòn ngọt nước, bình thường mỗi khi đi ngang qua thì tôi hay lấy khúc cây ném lên cho trái trên cành rớt xuống. Tôi dấu riêng một khúc cây phù hợp ở gần cây mận đó. Cây mận này rất nhiều trái và hình như chủ nhà không thèm hái, nó không nằm chính xác trên tuyến đường đi học của tôi, phải đi lệch vài con hẻm mới tới được, vị trí khá heo hút, ngày đó cây mận kia chính là một trong những bí mật tôi giữ riêng cho mình, và hôm đó tôi chia sẻ nó cho BiBi.
Cô ấy có nhiều kinh nghiệm hơn tôi trong việc hái trộm, nguyên tắc của cô ấy rất rõ ràng 'trái rớt xuống đất thì bị dập, ăn không ngon nữa, nên phải trèo lên cây để hái', và BiBi trèo cây rất giỏi. Tôi đứng bên dưới banh cái cặp ra, còn BiBi thì trên cây ném chính xác từng trái mận vào trong đó, khi đã đầy thì trút hết vào giỏ xe rồi bắt đầu lượt mới. Đến lúc cả cặp và giỏ xe, cùng với một cái bị ni lông móc trên cổ xe đều đã đầy thì mới chịu ngừng lại.
Cả tôi và BiBi đều nhận ra cùng lúc, đó là chúng tôi không thể nào ăn hết số mận kia, cũng không muốn cho người khác biết lý do hay từ đâu có số mận này. Và BiBi nảy ra một ý tưởng, một ý tưởng vượt ra khỏi khả năng suy nghĩ trong cái đầu của tôi.
_ Biết chỗ nào có chợ không ?
_ Biết, mà chi ?
_ Bán mận.
Và thật sự chúng tôi đi bán mận, BiBi nghiêm túc tới mức chỉ ăn đúng một trái đầu tiên cho biết mùi vị, còn tôi thì được phát cho hai trái, tôi nhớ cách giải thích của BiBi chính là : " Ăn nhiều thì đứt vốn."
Ở quê, BiBi đã có kinh nghiệm vài ngày trông coi hàng trái cây ngoài chợ, nên cô ấy thực hiện vụ mua bán này rất bài bản. Đầu tiên là dựng xe gần chợ, bắt tui coi xe, còn cô ấy thì đi bộ vào trong lượn một vòng, lúc ra thì nói ngắn gọn : "Dò giá xong rùi."
Tôi ngồi trên yên sau, tay ôm khư khư cái cặp đầy mận, BiBi thì dắt xe cùng tôi tiến vào giữa chợ, giống như hai chị em vậy, hoặc là mẹ con. Tìm được một góc, cổ lại để tôi ngồi trông xe, BiBi tìm được một cái vỏ bao, cổ tách đôi rồi trải nó ra, sau đó xếp đống mận lên bao rồi bắt đầu bán.
Ngồi trên xe, tôi dọn sạch lá mận ra khỏi cặp của mình, lấy một quyển sách để trước mặt, rồi bắt đầu ngồi thiền. Tôi đã từng bật chế độ thiền ở nhiều nơi khác nhau, chợ không phải là nơi ồn ào nhất tôi từng thử, thật sự thì việc chìm trong một đống người xa lạ lại khiến tôi an tâm hơn với những suy nghĩ của mình.
Việc mua bán không suôn sẻ lắm, BiBi bán theo mớ, còn ở đây thì người ta quen mua theo cân, với lại chỗ ngồi bán nhìn cũng bèo bọt quá, ngay bên cạnh là đống rác chất đầy vỏ dừa cùng đống rau củ mốc meo, bủn nhũn. Chợ búa không phải là nơi để chơi đùa, BiBi cực kỳ, cực kỳ nghiêm túc, mười người đi ngang qua thì có một người cô ấy thành công kéo vào hàng, rồi mười người ngồi xuống thì chín người đứng dậy bỏ đi, nếu lỡ có bán được thì BiBi lại chạy hai vòng chợ, một để xin bao ni lông đựng hoặc xin cân giùm, và một để xin đổi tiền lẻ làm tiền thối.
Nếu chỉ đóng vai người mua thì sẽ không bao giờ hiểu hết cái khó của người bán, mặc dù không biết vì sao bản thân lại bị kéo vào việc này, nhưng tôi thấy may mắn vì chỉ đóng góp với vai trò giữ xe. Không phải là lười biếng hay ngượng ngùng gì, kinh nghiệm ăn nhờ ở đậu không cho tôi sở hữu hai tố chất đó. Chỉ là việc cứ hy vọng, chờ mong rồi thất vọng liên tục với tần suất lớn như thế này có hơi nằm ngoài khả năng chịu đựng của tôi. Thấy người khác vất vả thì mới biết mình còn sung sướng, khi tôi đang tận hưởng cảm giác đó thì bị BiBi đập tỉnh. Cô ấy lại có ý tưởng mới. Và mặt kệ những cái lắc đầu, mặc kệ sự giãy giụa trong mọi nỗ lực từ chối và phản đối yếu ớt của tôi. Ý tưởng đó của BiBi đã được thực hiện.
Mấy phút sau giữa chợ chiều ảm đạm, người ta thấy có hai đứa trẻ ngồi trong một khung cảnh hiu hắt. Đứa nhỏ mặt quần áo học sinh không đóng thùng, chân xếp bằng, giày kê dưới mông, tóc tai bù xù, mặt cúi xuống, người không động đậy, cứ vậy mà nhìn đăm đăm vào mặt đường nhớt nhát, ẩm ướt. Còn đứa lớn thì ngồi chồm hổm, cố ôm mà đúng hơn là cố siết cái đầu của em mình, liên tục lấy tay làm cho tóc tai nó xù lên như một cách an ủi vỗ về.
Nếu phía trước không phải là cái vỏ bao chứa mận, mà là cái bảng với mấy dòng chữ viết tay, thì thật không khác gì một cảnh thường thấy trong phim cổ trang của tàu, lúc mà mấy đứa con đăng bảng bán mình để mua hòm chôn cha mẹ, thương tâm vô cùng.
Mỗi lần có ai đi ngang qua, không kìm được mà dừng lại hỏi : " Mận bán sao con ?" . Thì lại nghe cái giọng buồn bã ủ dột không thiếu phần nhão nhoẹt của BiBi : " Dạ con cũng hông biết bán sao, dì cứ lấy đi, rồi để lại con nhiêu cũng được. "
Sau đó BiBi sẽ lại cố siết chặt thêm cái đầu của tôi, còn người hỏi mua chắc chắn sẽ cố nhìn vào mặt của tôi. Đến lúc đó tôi mới nhận ra, cái bản mặt u buồn lạnh lẽo trăm năm của mình, kết hợp với cái nhìn không cảm xúc, lại hợp cảnh và có khả năng làm rung động lòng người đến vậy. Cũng có người lắc đầu không mua, nhưng ít lắm, đa phần bọn họ nếu đã ngồi xuống hỏi giá rồi, thì ít nhiều cũng bỏ tờ tiền xuống rồi cầm lên vài trái, họ không đòi bị đựng hay tiền thối, thậm chí có người còn đưa tiền mà không cần lấy mận. Kinh nghiệm hành khuất trong cuộc đời tôi, chính là bắt đầu từ buổi chiều đó.
Mỗi lần như vậy, mỗi lần cầm tiền nhét vào cái cặp của tôi, thì BiBi lại ôm lấy tôi, úp mặt vào đầu tôi như đang cố nén cái gì thương tâm lắm, khiến người mua càng áy náy, cắn rứt hơn. Chỉ có tôi là nghe thấy tiếng cười hí hí của BiBi đang đâm vào tai, tiền càng nhiều thì giọng cười của cổ càng gian trá. Tôi không dám phản ứng, sợ cổ nhập tâm quá, lên cơn rồi cắn hay nhéo tôi, làm tôi phải bật khóc cho tròn vai thì sao ? May là mận bán nhanh, nên tôi không đến nỗi phải sa chân vào bước đường đó.
Đỉnh điểm đánh dấu sự thành công của thương vụ, chính là khi mấy người bán hàng bên cạnh chỗ chúng tôi cũng sang mua để ủng hộ. Vấn đề là chính vừa rồi bọn họ đều đã chứng kiến từ đầu tới cuối kế hoạch của BiBi, thậm chí có người còn nghe rõ mồn một tiếng phản đối 'không không' liên tiếp của tôi trong nỗ lực từ chối vừa rồi. Những trái mận 'từ thiện ' cuối cùng ra đi chính là nhờ họ. Tất nhiên cũng có vài người tỏ ra ngờ ngợ về vẻ ngoài của BiBi, nhưng điều đó cũng giúp làm tăng thêm cái nhìn thương cảm trong lòng họ. Chưa tới một tiếng đồng hồ làm 'cô nhi', chúng tôi đã giải quyết xong đống mận.
Chiều hôm đó, sau khi ra khỏi chợ, tiếng reng reng từ cái chuông vang lên không ngừng. BiBi vừa đạp xe vừa nhún nhảy, tôi còn nghe cổ hát nữa, là cố hát bằng giọng con gái, khó nghe vô cùng. Cổ làm tôi vui lây, hai chân tôi đung đưa theo điệu hát của cổ, BiBi hát không hay đâu, nhưng tôi thích.
Hai đứa tôi ăn mừng bằng cách đi ăn hàng, là món chè 'trăm năm ', năm trăm đồng một ly, và bánh canh 'cứu đói', cũng năm trăm đồng một tô. Cuối cùng là bánh tráng mắm ruốc và nước sâm trên ghế đá công viên. Nghĩ lại thì, cái sở thích ăn quà vặt mỗi khi đi lang thang hiện nay của tôi, cũng là bắt nguồn từ đó. BiBi cứ gặng hỏi miết, là xung quanh có còn cây nào dễ hái trộm như vậy nữa không ? Tất nhiên là tôi phải nói không rồi, trải nghiệm một buổi chiều như vậy là đã quá đủ để tôi mang theo suốt đời, nếu thêm nữa thì thành ra đã tự làm hư mình mất.
T L V. (Còn tiếp)
Đây là bộ tiểu thuyết thứ ba ta viết trong đời, cũng là bộ tiểu thuyết muốn mang theo và viết tiếp đến cuối đời. Truyện dài lắm, sẽ chia làm nhiều phần để đăng, bình thường thì ta không cần, cũng không quan tâm. Nhưng với truyện này thì ta hy vọng là nếu có ai đã đọc đến dòng này, xin hãy chia sẻ, giới thiệu với người khác giúp ta.
Cảm ơn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top