Những người làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt (2)

Nếu như "phù thủy" Mười Lời, bắt hoa nở theo ý mình, thì nghệ nhân - võ sư hồng đai lục đẳng Vovinam Nguyễn Công Hóa có thể giúp hoa "sống" đến hàng năm trời mà vẫn giữ nguyên nét tươi tắn, mềm mại tự nhiên.

>> Những người làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt (kỳ 3)

>> Những người làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt (kỳ 1)

Kỳ 2: Uớc vọng 'hoa bất tử' của lão võ sư

Tại kỳ Festival này, nghệ nhân Hóa xác lập một kỷ lục có một không hai: Bức tranh hoa được sắp đặt từ 1.000 bông hoa hồng được ướp bằng hóa chất do chính ông chế tạo.

Bức tranh "sống"

Chúng tôi đến thăm ông vào những ngày Festival hoa Đà Lạt đang nhộn nhịp. Chẳng có thời gian tiếp khách, liên tục nhận điện thoại của Ban tổ chức lễ hội, đại diện của sách kỷ lục. Ông "lôi" ngay khách theo mình, vòng vèo từ vườn hoa của ông tại làng Vạn Thành (nằm ở chân thác Cam Ly) vào trung tâm thành phố. Trên lầu 2 một căn biệt thự mới, "chủ đầu tư" bức tranh, anh Nguyễn Duy Đạt, Giám đốc shop hoa tươi ướp và anh Huỳnh Thanh Sang, chuyên viên thẩm định thông tin, hình ảnh Hội đồng xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đang chờ chữ ký của ông Hóa vào hồ sơ xác nhận kỷ lục "Bức tranh lớn nhất bằng hoa hồng ướp".

1.000 bông hoa hồng tươi tắn thiết kế trên chất liệu sơn dầu làm nên bức tranh sinh động về cảnh quan Đà Lạt, chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chưa được đưa ra khu trưng bày, nhưng ngay từ "xưởng sản xuất", bức tranh đã hút hồn chúng tôi bởi ngàn bông hoa hồng đủ màu sắc đang tươi thắm khoe sắc. Chạm nhẹ tay vào những cánh hoa, cảm giác mềm mại, nhung mềm như những cánh hoa đang... say ngủ vậy. Thán phục trước sự kỳ diệu của bức tranh, anh Sang, cho biết bao năm trong nghề, lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến bức tranh sử dụng chất liệu đặc biệt như thế, tất cả như tràn đầy sức sống với 1.000 bông hoa hồng đủ màu sắc, cùng rất nhiều loại cỏ, cây hoa lá khác cũng được hóa thủy... "Những kỷ lục trước đây chỉ là bức tranh làm bằng hoa tươi, hay hoa khô xấy chứ chưa bao giờ là một bức tranh bằng hoa tươi ướp như thế này", anh Sang nói.

Nhìn ngắm công trình của mình, nghệ nhân Nguyễn Công Hóa tâm sự: "Sau 5 năm kể từ ngày ướp khô thành công những bông hoa hồng đầu tiên, đến nay tôi đã ướp thêm được 16 loại hoa và bức tranh này là công trình đầu tiên hội tụ đầy đủ những loài hoa đó. Nếu được công nhận đạt kỷ lục trong lễ bế mạc Festival hoa năm nay, tôi sẽ mang bức tranh này tham dự lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vì mục đích ban đầu khi tiến hành làm bức tranh, tôi gửi gắm tâm nguyện đó trong 1.000 bông hoa hồng ướp khô".

Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa (ngoài cùng bìa trái) bên bức tranh ghép bằng 1.000 bông hoa hồng tươi ướp.

Quyền cước và hoa hồng

Trưởng thành giữa làng hoa Vạn Thành nổi tiếng của Đà Lạt, chàng trai Nguyễn Công Hóa lại say mê cả võ thuật lẫn hoa hồng. Cả vùng trồng hoa, không ai là không biết thầy Hóa dạy võ, trồng hoa ướp khô. Những ngày đầu tiên chập chững luyện những bài quyền cước của môn Việt Võ Đạo (Vovinam) cũng là những ngày đầu tiên chàng trai Hóa chăm bón những gốc hoa hồng đầu tiên trổ bông... Thấm thoắt mấy mươi năm trôi qua, tóc trên đầu đã bạc, chàng trai Hóa ngày nào đã trở thành chủ tịch hội Vovinam Lâm Đồng, cấp bậc hồng đai lục đẳng. Mấy mươi năm có lúc gắn bó, có lúc phiêu bạt với làng hoa quê mình nhưng không lúc nào nguôi ý định "làm một điều gì đó cho hoa".

Ngôi nhà ông Hóa lọt thỏm giữa những luống hoa, ông mang những cành cúc ngàn sao khoe: "Mình vừa ướp thành công nguyên cành hoa rồi đấy. Vui lắm! Bước đầu là cúc ngàn sao, sau này sẽ là hoa hồng, cẩm chướng, sứ... hoa ướp cả cành này có thể cắm lọ chưng đẹp lắm". Nhìn những cành hoa đã khô xác, nhưng màu sắc, hình dáng...vẫn còn nguyên cái hồn mới thực sự khâm phục tài năng của ông. Ngay cả những bông hoa đầu tiên ướp thành công cách đây 5 năm vẫn giữ nguyên được độ mềm, đẹp tự nhiên như hoa tươi vừa được ngắt trên cành xuống. Băn khoăn về tuổi thọ của hoa sau khi ướp này, ông Hóa cười xòa "chưa thể biết được, mình vẫn đang đợi thời gian trả lời..."

Đã 30 năm, kể từ ngày người con đất võ (Bình Định) đặt chân lên Đà Lạt sống với nghề trồng hoa, ông chia sẻ: Có thể với nhiều người, giữa trồng hoa, thưởng hoa có gì đó đối nghịch với việc luyện võ, giống như sự đối nghịch giữa cái nhu với cái cương. Nhưng với ông, để cân bằng được hai sở thích, phải biết dung hòa được hai loại hình nghệ thuật này sở. Ý chí trong tinh thần võ hiệp đã thôi thúc niềm đam mê và lòng chinh phục của ông. Tình yêu hoa đã thôi thúc ông trăn trở tìm cách lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp nhất của của các loài hoa. Ông Hóa kể, nhiều lần chứng kiến trong những cuộc vui (sinh nhật, tiệc cưới...) thấy mọi người vui vẻ bên những sản phẩm mình trồng ra, nhưng những bông hoa đó cũng vội tàn sau những cuộc vui. Nhất lại là hoa hồng, thứ hoa vốn được xem là biểu tượng cho tình yêu bất diệt.

Những suy nghĩ đó đã khiến ông Hóa quyết tâm tìm kiếm công thức có thể ướp lại những khoảng khắc tươi đẹp nhất của những loại hoa mình trồng. Vậy là trong suốt ngần ấy năm, hơn 60.000 gốc hoa trong khuôn viên của mình được ông dày công nâng niu từ khi trồng đến khi kết nụ, đơm hoa để có được những bông hoa đẹp nhất mang ướp. Giờ đây, hoa hồng sau khi ướp có thể mang đủ màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, nâu, vàng... và những loại hoa khác như cúc, cẩm chướng, sứ... cũng đều được ướp thành công. Khách hàng trong khắp cả nước đều đã biết đến hoa tươi hóa thủy của của ông.

Hoa Đà Lạt chưa khai thác hết tiềm năng

Trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt 2010, sáng 3.1, hội thảo chuyên đề hoa Đà Lạt đã được tổ chức.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao chất lượng hoa Đà Lạt mà trong đó, điều kiện khí hậu là một lợi thế rất lớn góp phần tạo nên thế mạnh đó. Theo đại diện lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, diện tích nhà lưới trồng hoa tại Đà Lạt hiện chiếm 1.200 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài hoa tươi, hiện đã được xuất khẩu (chủ yếu là châu Âu), các doanh nghiệp, nghệ nhân trồng hoa Đà Lạt còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm hoa độc đáo như hoa tươi ướp (giữ được 4 - 5 năm), hoa sấy khô... Tỷ lệ hoa xuất khẩu chiếm 80% tổng lượng sản xuất. Với giá trị thu về khá cao so với các loại cây trồng khác, ngành trồng hoa tại thành phố Đà lạt đã đóng góp 10% GDP cho toàn tỉnh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và hộ nông dân trồng hoa cũng cho rằng, hiện hoa Đà Lạt vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Nguyên nhân được xác định là do quy mô sản xuất hoa còn nhỏ lẻ. Diện tích đất canh tác nói chung bị thu hẹp khiến diện tích trồng hoa cũng ảnh hưởng không nhỏ. Nguồn vốn vay ngắn hạn (chỉ 1 - 2 tỷ đồng) quá ít ỏi so với nhu cầu đầu tư vườn kính là cản ngại lớn đối với nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho 1ha nhà kính ít nhất cũng 7 - 9 tỷ đồng. Ngoài ra, sự thiếu thốn về thông tin, kiến thức, kỹ thuật của người trồng hoa cũng khiến ngành sản xuất hoa tươi Đà Lạt mất đi nhiều cơ hội tốt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #matbao6