Phần 3 - Quyển V

QUYỂN V: NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY

I

MARIUYTX TÚNG QUẪN

Cuộc đời hóa nên khắc nghiệt đối với Mariuytx. Gặm quần áo và cái đồng hồ chưa thấm vào đâu, Mariuytx còn phải nuốt bao nhiêu những thức cay đắng của đời anh. Thật là ghê rợn: ngày không có cái ăn, đêm không nhắm mắt, tối không đèn, lò không lửa, hàng tuần không có việc làm, tương lai không hy vọng, áo rách khuỷu, cái mũ nát làm bọn con gái chê cười; buổi chiều về nhà thì cửa đóng vì thiếu tiền nhà, người gác cổng láo xược, anh chủ quán vô lễ, láng giềng khinh rẻ, mọi thứ nhục nhã, phẩm giá tiêu ma, bất cứ việc gì cũng phải nhận làm, chán ngán, chua cay, ê chề. Mariuytx hiểu ngậm đắng nuốt cay là thế nào, mà ngoài những cái cay đắng ấy thì nhiều khi cũng chẳng có cơm cháo gì mà nuốt nữa. Giữa cái tuổi mà người thanh niên cần tự trọng, vì cần được yêu, Mariuytx thấy mình bị chế giễu vì rách rưới, thấy mình bị khinh rẻ vì nghèo túng. Giữa tuổi thanh niên đầy kiêu hãnh nhiều khi anh cúi mặt nhìn đôi giầy thủng và anh phải chịu những hổ thẹn, bất công, những tủi nhục thấm thía của nghèo khổ. Thật là những thử thách tốt và đáng sợ qua đó người hèn yếu trở thành xấu xa, nhưng người cương nghị trở nên cao cả. Số mệnh ném con người vào cái lò đun ấy mỗi khi muốn có một thằng đểu cáng hay muốn tạo nên một bậc vĩ nhân.

Trong những cuộc vật lộn nhỏ bé thường nảy ra những hành động lớn lao. Có những thứ dũng cảm bền bỉ và âm thầm bảo vệ từng tấc đất trong bóng tối chống với sự đe dọa khắc nghiệt của túng thiếu và tai họa. Thắng lợi cao cả và huyền bí, không ai hay, không tên tuổi, không kèn trống. Cuộc sống, đau khổ, cô đơn, lạc lõng, nghèo đói là những chiến trường sản sinh ra anh hùng, những anh hùng vô danh có khi vĩ đại hơn những anh hùng lừng lẫy.

Những con người cương nghị và cao quý đã được đào tạo như vậy. Cảnh bần cùng thường như mẹ ghẻ, nhưng đôi khi cũng là mẹ thật. Tâm trí con người trở nên dũng mãnh trong túng thiếu, cảnh bi đát làm người ta kiêu hãnh, đau khổ như dòng sữa mạnh nuôi dưỡng những tâm hồn lớn lao.

Trong cuộc đời của Mariuytx, có một lúc anh phải tự quét lấy cửa phòng, phải mua một xu pho mát Bơri của cô hàng hoa quả, đợi sẩm tối lẩn vào hàng bánh mua một chiếc bánh mì, lén lét mang về cái gác xép như một thằng ăn cắp. Đôi khi ta thấy một anh thanh niên vụng về, rụt rè, bực tức cắp mấy quyển sách lách vào cửa hàng thịt ở góc phố, giữa đám chị bếp giễu cợt chen lấn; anh bước vào cửa hàng, nhấc mũ để lộ cái trán đẫm mồ hôi, kính cẩn chào các chị hàng thịt ngơ ngác, chào anh pha thịt, hỏi mua một miếng sườn cừu sáu bảy xu, lấy giấy bọc và cắp vào nách giữa hai quyển sách rồi bước ra. Chính anh thanh niên ấy là Mariuytx.

Anh mang miếng sườn cừu ấy về tự nấu và ăn được ba ngày: ngày đầu ăn thịt, ngày thứ hai ăn mỡ, ngày thứ ba gặm xương.

Bà dì Gilơnoócmăng mấy bận mò gửi đến cho anh món tiền sáu chục đồng pistôn, lần nào anh cũng gửi trả lại và bảo rằng anh không thiếu gì.

Anh hãy còn để tang cha anh khi sự chuyển biến cách mạng mà chúng ta vừa kể xảy ra trong tư tưởng anh. Từ lúc ấy anh không rời bộ quần áo đen. Nhưng quần áo lại bỏ anh mà đi. Đến lúc, anh không có áo ngoài. Cái quần còn mặc tạm được. Làm thế nào? Có lần anh cũng giúp được Cuốcphêrắc đôi việc. Cuốcphêrắc cho anh một cái áo ngoài cũ. Mariuytx nhờ người gác cổng lộn lại, mất ba mươi xu, thế là được một cái áo mới. Nhưng áo lại màu xanh, từ đấy Mariuytx đợi trời tối mới ra phố cho áo thành ra đen. Muốn để tang mãi, anh dùng đêm tối làm màu tang.

Trong lúc ấy, anh được nhận làm luật sư. Anh lấy địa chỉ ở phòng Cuốcphêrắc cho ra vẻ. Cuốcphêrắc có một cái tủ sách đựng một số sách luật; tủ sách có vẻ đầy đủ vì được bổ sung với một số cuốn tiểu thuyết đã nát. Quy chế của nghề luật sư bắt buộc phải có một tủ sách. Thư từ của anh đều gửi đến chỗ Cuốcphêrắc.

Khi anh làm luật sư, anh gửi một bức thư lạnh lùng nhưng kính cẩn cho ông. Lão Gilơnoócmăng tay run run cầm thư mở đọc rồi xé làm tư, vứt vào sọt. Hai ba hôm sau bà dì Gilơnoócmăng nghe thấy ông bố nói một mình ở trong phòng, lão thỉnh thoảng cũng nói một mình như vậy khi có việc gì xúc động. bà Gilơnoócmăng lắng tai, nghe thấy lão đang nói:

- Nếu mày không là một thằng ngốc thì mày phải biết là một nam tước không thể đồng thời là một luật sư.

II

MARIUYTX NGHÈO

Nghèo túng cũng như mọi cái khác, lâu dần rồi cũng chịu được và cũng quen. Cuối cùng rồi cảnh nghèo túng cũng ổn định. Sống lay lắt, nghĩa là heo hắt, cằn cỗi nhưng vẫn là sống. Cuộc sống của Mariuytx đã được xếp đặt như thế này: Mariuytx đã qua được một chút. Cần cù, can đảm, nhẫn nại, cương quyết, anh đã kiếm được vào khoảng bảy trăm phơrăng một năm. Anh đã học được tiếng Anh và tiếng Đức. Nhờ Cuốcphêrắc giới thiệu với người bán sách, Mariuytx có vai trò khiêm tốn là người hữu ích trong ngành văn học - thư - quán ấy. Việc làm cũng tạp nham: viết quảng cáo, dịch báo, chú thích những tác phẩm xuất bản, sưu tầm tiểu sử... Khi hơn khi kém đổ đồng bảy trăm phơrăng một năm. Sống tạm đủ. Như thế nào?

Chúng tôi xin nói: Mariuytx ở trong cái nhà nát Goócbô, một gian buồng tồi tàn, không lò sưởi, chỉ có một vài thứ đồ gỗ cần thiết mệnh danh là phòng luật sư, một năm thuê ba mươi phơrăng. Những đồ gỗ ấy là của anh. Anh thuê ba mươi phơrăng mụ trông nhà để mụ quét dọn buồng và sáng sáng cho anh một ít nước nóng, một quả trứng tươi và một xu bánh. Trứng với bánh ấy là bữa sáng của anh. Mỗi bữa mất từ hai đến bốn xu tùy trứng đắt hay rẻ. Sáu giờ chiều anh xuống phố Xanh Giắc ăn cơm chiều ở hàng cơm Rutxô, đối diện cửa hàng bán tranh Bátxê phố Matuyranh. Anh không ăn xúp. Anh lấy một đĩa thịt sáu xu, nửa đĩa rau ba xu và một món tráng miệng ba xu. Thêm ba xu nữa thì có bánh ăn tùy thích. Nước lọc thay rượu. Khi trả tiền ở quầy của bà Rutxô, hồi đó bà ta vẫn béo tốt và còn có vẻ tươi tắn, anh cho người hầu bàn một xu, bà Rutxô bệ vệ đằng sau quầy cho anh một nụ cười. Mất mười sáu xu anh được một nụ cười và một bữa ăn.

Ở cái hàng ăn Rutxô ấy người ta dốc nhiều nước mà ít rượu, cái hàng ấy làm cho đỡ dạ hơn là no lòng. Ngày nay, cái hàng cơm ấy không còn nữa. Chủ hàng lúc bấy giờ được tặng một cái danh hiệu khá đẹp: Lão Rutxô ở nước.

Sáng ăn bốn xu, chiều ăn mười sáu xu, mỗi ngày Mariuytx ăn mất hai mươi xu, một năm là ba trăm sáu mươi nhăm phơrăng. Cộng với ba mươi phơrăng tiền nhà, ba mươi phơrăng cho mụ già trương nhà và vài món đồ chi tiêu lặt vặt thành bốn trăm năm mươi phơrăng, thì Mariuytx có chỗ ở, ăn và người quét dọn. Quần áo ngoài mỗi năm may độ một trăm phơrăng, quần áo lót năm mươi phơrăng, tiền giặt năm mươi phơrăng, tất cả không quá sáu trăm năm mươi phơrăng. Còn thừa năm mươi phơrăng. Thế là Mariuytx giàu rồi. Khi bạn cần, anh có thể cho mượn mười phơrăng. Cuốcphêrắc, có lần vay được của anh sáu mươi phơrăng. Còn củi sưởi, vì buồng không có lò sưởi nên Mariuytx giảm được món tiêu ấy.

Mariuytx có hai bộ quần áo: một bộ cũ mặc thường ngày, một bộ mới tinh dành cho những buổi long trọng. Cả hai bộ đều đen. Anh chỉ có ba cái sơ mi: một chiếc mặc, một chiếc để trong tủ, một chiếc ở nhà thợ giặt. Khi rách nát thì lại may. Sơ mi của anh thường rách, nên bao giờ anh cũng cài khuy áo ngoài lên đến tận cổ.

Muốn sống tươi như vậy, Mariuytx đã phải trải qua những năm dài gay go, khó nhọc, có khi vất vả lắm mới vượt nổi. Nhưng không bao giờ anh chùn bước. Anh đã chịu đựng mọi thiếu thốn, khổ cực. Anh đã làm tất cả, trừ có vay nợ. Anh có thể tự hào là không bao giờ thiếu ai một xu. Anh cho rằng mang nợ là bắt đầu làm nô lệ, anh tự bảo là chủ nợ còn ghê hơn là chủ nô, chủ nô chỉ là chủ cái thân thể của mình, chủ nợ có trong tay cả cái phẩm giá con người của mình và có thể xúc phạm nó. Thà anh nhịn đói chứ không vay nợ. Anh đã nhiều ngày nhịn đói. Hiểu rằng cùng cực này liền với cùng cực khác, rằng nếu người ta không cẩn thận thì sự sa sút tiền tài sẽ đưa đến sự sa đọa về tâm hồn, nên Mariuytx hết sức giữ gìn phẩm giá của mình. Một lời nói, một cử chỉ lúc khác thì biểu lộ sự kính thì những lúc này anh cho là hèn hạ, anh hết sức tránh, anh ngẩng cao đầu lên. Anh không làm gì phiêu lưu vì không muốn lùi. Sắc mặt anh lúc nào cũng ửng một màu đỏ nghiêm lạnh. Anh rụt rè đến mức thành ra nghiêm khắc.

Trong tất cả những thử thách ấy, anh thấy như có một lực lượng bí mật, thầm kín nào đó trong lòng anh, khuyến khích, nâng đỡ anh. Tâm hồn nâng đỡ xác thịt, có lúc như nhấc bổng nó lên. Chỉ có thứ chim ấy là nâng được cái lồng nhốt mình.

Trong tâm khảm của Mariuytx, bên cạnh tên cha anh, có ghi tên một người nữa: Tênácđiê. Bản chất nồng nhiệt và nghiêm túc, Mariuytx coi cái tên Tênácđiê, tên người đội trưởng dũng cảm đã cứu sống đại tá cha anh giữa chiến trường Oatéclô, trong khói đạn, như một cái tên rực rỡ hào quang. Anh không bao giờ quên tên người đó mỗi khi tưởng nhớ đến cha anh, anh kết hợp hai cái tên đó trong sự ngưỡng mộ của anh. Một tín ngưỡng, hai bàn thờ: bàn thờ lớn cho đại tá Pôngmécxi, bàn thờ nhỏ cho Tênácđiê. Biết Tênácđiê đang lâm vào cảnh cùng khổ, lòng nhớ ơn của anh càng thấm thía. Mariuytx đến Môngphécmây đã biết người chủ hàng ăn sa sút, vỡ nợ như thế nào. Từ ngày ấy, anh lặn lội khắp nơi để tìm dấu vết của Tênácđiê, cố tìm đến chỗ cùng cực tối tăm mà hắn đang chìm đắm. Anh đã lùng khắp vùng ấy: nào Senlơ, nào Bôngđê, nào Guốcnay, nào Nôgiăng, nào Lanhi. Ba năm ròng anh tìm kiếm mài miệt, dành dụm được ít tiền là tiêu vào việc đó hết. Chẳng ai cho anh biết được tung tích của Tênácđiê. Người ta ngờ hắn đã đi ra nước ngoài. Chủ nợ của hắn cũng lùng hắn chẳng kém gì Mariuytx tuy không thương mến bằng, nhưng cũng không nắm được hắn, Mariuytx cho là anh có lỗi và hầu như tự trách mình sao không thành công trong cuộc tìm kiếm đó. Cha anh chỉ để lại cho anh có một món nợ duy nhất ấy, anh quyết trả cho xong, đó là món nợ danh dự. Anh nghĩ: Vô lý! Khi cha ta nằm hấp hối giữa bãi chiến trường, Tênácđiê đã tìm được cha ta trong khói đạn mịt mù và xốc cha ta lên vai, cứu sống cha ta, mà Tênácđiê có mang ơn gì cha ta đâu! Còn bây giờ chịu ơn nặng với Tênácđiê như vậy mà sao ta lại không tìm được ra Tênácđiê trong chỗ nghèo khổ tối tăm mà ông ta cũng đang chới với, tìm được và cứu ông ta thoát khỏi cái chết như ông ta đã cứu cha ta. Không thể thế được, nhất định phải tìm cho ra - Mariuytx, có thể hy sinh đứt một cánh tay để tìm thấy Tênácđiê, đổ cả máu anh để cứu Tênácđiê khỏi chỗ cùng khổ. Tìm thấy Tênácđiê, giúp đỡ Tênácđiê, nói với Tênácđiê: ông không biết tôi nhưng tôi, tôi biết ông. Tôi đây, ông muốn gì tôi cũng xin tuân theo - đó là cái ước mơ êm ái nhất mà cũng huy hoàng nhất của Mariuytx.

III

MARIUYTX TRƯỞNG THÀNH

Bấy giờ Mariuytx hai mươi tuổi. Anh đã xa rời ông anh ba năm. Quan hệ giữa hai người không có gì thay đổi, không ai nghĩ đến chuyện hòa hợp, đến chuyện tìm gặp nhau. Vả lại gặp nhau để làm gì? Để rồi lại xung đột hay sao? Ai sẽ thắng ai? Mariuytx là cái lọ đồng, nhưng lão Gilơnoócmăng là cái bình sắt.

Nhưng phải nói là Mariuytx không hiểu lòng ông anh. Anh cho rằng ông anh chưa bao giờ yêu anh, cái con người cộc lốc, phũ phàng, cười cợt, luôn mồm văng tục, la hét, giận dữ, luôn luôn giơ gậy chực đánh người ta, chỉ có thể có cái cảm tình hời hợt và khắc khổ của những lão Giêrôngtơ hài kịch. Nhưng Mariuytx lầm. Có những người cha không yêu con, không có người ông nào không yêu cháu.

Thực ra, như chúng tôi đã nói, lão Gilơnoócmăng yêu say mê Mariuytx nhưng yêu theo cái lối của lão: vừa yêu vừa mắng mỏ, có khi đánh đập nữa. Đứa cháu đi mất, lão thấy trong lòng một lỗ hổng tối đen. Lão cấm không ai được nói đến thằng cháu ấy, nhưng lão lại tiếc là mọi người tuân lệnh lão triệt để quá. Lúc đầu lão nghĩ rằng cái thằng tín đồ của Buyônapáctơ ấy, cái thằng Giacôbanh, cái thằng khủng bố, cái thằng sát nhân tháng chín ấy sẽ trở lại. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, hết năm này đến năm khác, lão Gilơnoócmăng thất vọng thấy cái thằng khát máu không trở về. Lão bảo: "Ta cũng không thể nào không đuổi nó đi được" và lão tự hỏi: "Nếu phải làm lại như thế, ta có đuổi nó nữa không?". Lòng tự ái bảo ngay lão: đuổi; nhưng cái đầu bạc phơ của lão lắc bảo: không. Nhiều lúc lão thấy chán nản. Lão thiếu Mariuytx. Người già cần sự trìu mến quấn quít như cần ánh nắng. Sự trìu mến cũng nóng ấm. Mặc dầu bản chất lão vững chãi, sự vắng mặt của Mariuytx cũng làm lão thay đổi trong người. Lão thề nhất định không tự mình dịch đến cái "thằng nhãi kỳ quặc" ấy, nhưng lão đau khổ. Lão không hỏi thăm tin tức cháu, nhưng lão luôn nghĩ đến cháu. Càng ngày lão càng sống riêng lẻ, xa mọi người, trong cái nhà ở xóm Mare. Lão vẫn vui tính và vẫn cộc cằn như xưa, nhưng cái vui của lão có cái gì cứng rắn bất thường như bên trong có lẫn đau khổ, giận dữ và mỗi khi gắt gỏng xong lão lại chán nản, âm thầm. Thỉnh thoảng lão nói: hừ nếu thằng nhãi ấy mà về đây thì phải xem cái tát của ta.

Còn bà dì, bà này có suy nghĩ gì đâu mà biết yêu cho lắm. Đối với bà, Mariuytx chỉ còn là một cái bóng đen mờ mờ, bà nghĩ đến con mèo, con vẹt mà chắc bà có nuôi, nhiều hơn là nghĩ đến Mariuytx.

Mối đau buồn kín đáo của lão Gilơnoócmăng càng tăng vì lão chất chứa bên trong, không để lộ cho ai biết tí gì. Nỗi buồn của lão như những cái lò mà người ta mới chế, đốt luôn cả khói. Thỉnh thoảng có người quan tâm một cách vô duyên nhắc đến Mariuytx và hỏi: ông cháu cụ bây giờ ra sao, hay bây giờ làm gì? Ông lão tư sản già ấy gặp lúc đang buồn thì thở dài mà trả lời, gặp lúc muốn ra vẻ vui thì vừa búng tay áo vừa nói: - Ngài nam tước Pôngmécxi đang làm thầy cò thầy kiện ở một xó nào đấy.

Trong khi ông lão hối tiếc thì Mariuytx lại vui thích. Đối với những con người tốt, sự đau khổ làm cho lòng bớt hờn oán. Anh nghĩ đến ông mà không giận, nhưng anh đã quyết định không nhận một xu nào của con người đã xử tệ với cha anh. Cái phẫn uất lúc đầu của anh đã dịu đi chỉ còn thế thôi. Hơn nữa, anh thấy vui thích trong sự đau khổ và muốn đau khổ hơn nữa. Đau khổ vì cha anh. Anh thỏa mãn và thích thú sống kham khổ như vậy. Anh vui vẻ, tự nhủ rằng thế là còn ít đây: rằng đó là một cách chuộc tội và nếu không chịu đau khổ như vậy, thì sau này anh sẽ bị trừng phạt cách khác vì anh đã thờ ơ bội bạc với cha anh, một người cha như vậy. Không lý nào cha anh phải chịu tất cả đau khổ, còn anh thì thảnh thơi sung sướng! Việc làm của anh, sự thiếu thốn của anh thấm vào đâu so với cuộc đời anh dũng của cha anh? Chỉ có một cách gần gũi được tâm hồn của cha anh, giống cha anh, là dũng cảm chống với nghèo khổ như cha anh đã anh dũng chống kẻ thù. Chắc cha anh cũng đã nghĩ như vậy khi giối lại cho anh: con tôi sẽ xứng đáng. Những lời nói ấy, Mariuytx vẫn mang ở trong lòng, tuy anh không đeo ở trên ngực cái bút tích của cha anh đã bị mất.

Cái ngày ông anh đuổi anh, anh còn là một đứa trẻ, bây giờ anh đã là người lớn. Anh cảm thấy như thế. Sự nghèo khổ đã giúp ích cho anh. Nghèo khổ trong tuổi trẻ có cái tốt là hướng tất cả nghị lực vào sự cố gắng và làm cho tâm hồn vươn lên. Nghèo khổ bóc trần cuộc sống vật chất ra trước mặt, làm cho người ta khao khát cuộc sống lý tưởng. Người thanh niên giàu có sẵn trăm trò tiêu khiển sang trọng và thô bỉ: đua ngựa đi săn, nuôi chó đẹp, hút thuốc lá cờ bạc, tiệc tùng và tất cả những cái khác nữa, thỏa thích cái phần thấp kém của tâm hồn và làm hại cái phần cao quý thanh tao. Anh thanh niên nghèo khổ kiếm bữa ăn đã nhọc nhằn, ăn xong chỉ còn có cái thú mơ mộng. Anh đi dự những cuộc giải trí mà Chúa cho không phải mất tiền: anh nhìn trời xanh, không gian, trông sao, ngắm hoa, nhìn những đứa trẻ thơ, nhìn loài người trong đó có anh đau khổ, nhìn thiên nhiên trong đó anh được thảnh thơi. Nhìn mãi nhân loại thấy được lòng người, nhìn mãi thiên nhiên thấy được Chúa. Anh mơ mộng và cảm thấy mình lớn lao, anh lại mơ mộng nữa và cảm thấy lòng dạt dào tình cảm. Từ cái ích kỷ của người đau khổ anh tiến lên chỗ cảm thông của người suy tưởng. Một mối tình cảm cao quý nảy nở trong tâm hồn anh: quên mình và thương xót mọi người. Anh nghĩ đến những thích thú vô cùng mà thiên nhiên dành cho, phung phí cho những tấm lòng rộng mở và không ban cho những tâm hồn khép kín và người triệu phú tinh thần ấy đâm ra thương hại những kẻ triệu phú tiền bạc, ánh sáng tràn vào trí tuệ đến đâu thì căm hờn tan dần đến đấy. Vả lại anh có khổ thật không? Không. Cái cảnh nghèo khổ của một thanh niên không bao giờ là sự khốn khổ đáng thương, bất cứ một người trai trẻ nào dù nghèo khổ đến đâu, với thân thể cường tráng, lành mạnh, bước chân nhanh nhẹn, cặp mắt tinh ranh, dòng máu sôi nổi, mớ tóc đen nhánh, đôi má mơn mởn, miệng cười hồng tươi, hàm răng trắng ngà của anh, cũng làm cho vị hoàng đế già nua cằn cỗi phải thèm thuồng. Mỗi ngày anh mỗi làm việc để kiếm bữa ăn cho ngày ấy; bàn tay anh càng lao động để có ăn chừng nào thì sống lưng anh càng đứng thẳng lên kiêu hãnh, khối óc anh giàu thêm tư tưởng chừng ấy. Công việc làm xong, tâm hồn anh lại chơi vơi trong nguồn vui vô tận của thiên nhiên, lại mơ tưởng, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, lòng vui không tả được. Chân anh bước trong đau khổ, khó khăn, trên gạch đá, trên chông gai, có khi trong bùn thối, nhưng đầu anh vươn lên trong ánh sáng. Anh cương nghị, thanh thản, êm ái, dịu hiền, nghiêm nghị, thoải mái, dễ dàng, rộng lượng. Và anh cảm tạ Chúa đã ban cho anh hai nguồn phong phú mà kẻ giàu không có được: lao động làm cho con người tự do và tư tưởng làm cho con người xứng đáng.

Đó là những điều đã xảy ra đối với Mariuytx. Nói cho đúng, anh cũng hơi quá trầm tư. Từ ngày sinh kế của anh đã có phần chắc chắn, anh không làm hơn nữa, anh thấy rằng thiếu thốn một chút cũng hay, anh làm ít đi để suy nghĩ nhiều hơn. Nghĩa là có những khi cả ngày anh tư lự, trầm ngâm để tâm hồn chìm đắm say sưa trong cõi mênh mông của nội tâm. Anh đã đặt vấn đề đời anh như thế này: làm công việc cụ thể ít nhất để làm những việc vô hình nhiều nhất, nói cách khác là chỉ dành cho cuộc đời thực tại vài giờ còn tất cả để mơ tưởng trong vô tận. Anh cho rằng anh không thiếu gì và không nhận ra rằng mơ mộng kiểu như vậy chung quy chỉ là một hình thức lười biếng, rằng anh mới chỉ khắc phục những yêu cầu đầu tiên của cuộc sống, đã muốn nghỉ ngơi sớm quá.

Nhưng đối với tâm hồn cương nghị và giàu tình cảm của Mariuytx, tình trạng ấy chỉ là chốc lát thôi, khi gặp những rắc rối tất yếu của số mệnh, anh sẽ tỉnh dậy ngay.

Tuy là luật sư anh không biện hộ cho ai cả, cũng không làm thầy cung thầy cò cho ai như lão Gilơnoócmăng tưởng. Anh còn mải mơ mộng. Gặp gỡ bọn thầy cò, ra tòa án, tìm khách hàng, anh chán những việc ấy lắm. Để làm gì? Không có lý do gì để thay đổi công ăn việc làm cả. Cái cửa hàng sách không tên tuổi kia đã cho anh một việc làm chắc chắn, một việc làm nhẹ nhàng mà anh cho là đủ rồi.

Một trong các chủ hiệu sách đã giao công việc cho Mariuytx là ông Maginen, ngỏ ý muốn Mariuytx đến ăn ở nhà ông ta, ông sẽ có công việc đều đặn cho Mariuytx làm và trả một nghìn năm trăm phơrăng một năm. Đành là tốt! Nhưng mất tự do! Làm một anh làm công! Một văn sĩ làm mướn! Mariuytx nghĩ rằng nhận lời thì đời sống sẽ được khá hơn những cũng hèn hơn, thêm no đủ những bớt phẩm giá. Đem cái đời nghèo khổ trọn vẹn và đẹp đẽ mà đổi lấy một cuộc sống lúng túng xấu xa, khả ố; tựa như một người mù mà hóa chột. Anh không nhận.

Mariuytx sống cô đơn. Anh vốn thích không dính líu đến cái gì và cũng vì bị bất ngờ, bỡ ngỡ, anh quyết định không gia nhập nhóm Ănggiônrátx. Nhưng họ vẫn là những người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Mà cũng có thế thôi. Mariuytx có hai người bạn thân: một trẻ là Cuốcphêrắc, một già là ông Mabớp. Anh ưa ông Mabớp hơn. Nhờ ông mà có sự biến đổi cách mạng trong người anh, nhờ ông mà anh biết và yêu cha anh. Anh bảo rằng Mabớp đã chữa anh khỏi bệnh thong manh.

Cái ông quản lý nhà chung ấy đã thực sự có tác dụng quyết định.

Tuy nhiên ông cũng chỉ là con người thừa hành bình thản, yên lặng, ý đồ của thượng đế. Như một cái đèn có người mang đến, ông đã soi cho Mariuytx thấy những điều đó mà ông không ngờ; ông là cái đèn chứ không phải là người cầm đèn.

Còn sự biến đổi chính trị trong con người Mariuytx ông Mabớp không thể hiểu được, ông cũng không thể muốn được như vậy và lái đi như vậy.

Sau này ta còn gặp ông Mabớp, cho nên cũng cần nói vài lời về ông ta.

IV

ÔNG MABỚP

Cái ngày ông Mabớp bảo Mariuyt: "Chắc chắn là tôi tán thành những xu hướng chính trị" ông đã nói thật cái tâm trạng ấy của ông. Ông bàng quan với tất cả xu hướng chính trị, ông tán thành tất cả, không phân biệt gì, quý hồ là ông được yên tĩnh, cũng như những người Hy Lạp xưa gọi các vị nữ thần Phẫn nộ là những thần Ơmêniđơ, nghĩa là những "nữ thần đẹp tốt và xinh". Còn xu hướng chính trị của ông Mabớp là yêu say mê cây cối và nhất là yêu sách. Ông cũng có cái hậu tố Ixtơ, không có nó thì không ai có thể sống được trong cái thời đại của ông, nhưng ông không phải là royalixia (bảo hoàng) không phải là bônapáctixtơ (phía Bônapáctơ theo Napôlêông) không phải là sactixtơ (phái hiến chương), cũng không phải là oóctêanixtơ (phái bảo hoàng theo dòng họ Oóclêăng); ông là bukinxtơ (theo nghĩa của tác giả muốn giữ cái hậu tố iste; phái yêu sách vở).

Ông không hiểu được vì sao con người ta có thể căm thù nhau vì những chuyện viển vông như là hiến chương dân chủ, chính thống, quân chủ, cộng hòa... trong khi trên đời có bao nhiêu loài rêu, loài cỏ, loài cây để cho người ta ngắm nghía và bao nhiêu sách in gấp 2 đến gấp 32, mà người ta có thể giở. Nhưng ông luôn muốn làm được việc có ích: giữ sách nhưng mà cũng đọc sách, là nhà thực vật học, nhưng vẫn làm vườn khi quen ông Pôngmécxi, giữa ông và ông đại tá, có một mối đồng cảm vì ông Pôngmécxi chăm các cây hoa, còn ông thì chăm các cây quả. Ông Mabớp đã trồng được những cây lê giồng hạt mà quả ngon như lê Xanh Giécmanh; nhờ ông phối hợp cây mà đã tạo được giống mận mùa hè. Ông đi lễ Chúa vì ưa thích sự êm dịu hơn là vì mộ đạo, cũng bởi vì yêu nét mặt con người, nhưng ghét tiếng ồn ào của họ, chỉ có ở nhà thờ ông mới thấy người tập họp đông mà im lặng.

Hiểu rằng phải có chức vụ gì của Nhà nước, ông đã chọn cái chức vụ quản lý nhà thờ. Và ông cũng không bao giờ yêu được một người đàn bà bằng một củ tuylipơ, hay một người đàn ông bằng một cây endêvia. Ông đã quá sáu mươi tuổi từ lâu, khi có người hỏi ông: - Ông đã lấy vợ bao giờ chưa? - Tôi quên mất rồi - ông đáp. Cũng có đôi khi - ai chẳng có lúc ước mơ như vậy - ông ước: - Giá ta giàu có! Ấy không phải là lúc ông đang nhòm một cô gái xinh, như lão Gilơnoócmăng, nhưng là đang ngắm một cuốn sách quý giá. Ông sống một mình, có một người ở gái già. Ông mắc bệnh thống phong tuy nhẹ. Khi ông ngủ những ngón tay già tê thấp của ông còng khoằm dưới tấm chăn ông đắp. Ông đã soạn và in được một bộ "Thực vật vùng Côtơrê", với những tranh phụ bản in màu khá được người đọc ưa thích, bản khắc đồng ông giữ và sách tự ông bán lấy. Một ngày hai ba lần có người đến kéo chuông nhà ông ở phố Mêdiê để mua sách. Mỗi năm ông thu được hai ngàn phơrăng cũng là gần tất cả gia tài của ông. Tuy nghèo, nhưng với thời gian, với sự kiên trì, thắt lưng buộc bụng, ông đã tập hợp được một tủ sách quý đủ loại. Ông ra phố bao giờ cũng cắp trong tay một quyển sách và khi về thường cắp hai. Chỗ ở của ông gồm bốn gian buồng ở tầng nền với một mảnh vườn. Vật trang trí chỉ có những tranh bách thảo lồng khung và những bức danh họa cổ. Nhìn thấy một thanh gươm, một khẩu súng làm ông đủ lạnh toát người. Suốt đời ông không đến cạnh một cỗ đại bác, dù là đại bác trưng bày ở điện Anhvalit. Ông có một bộ máy tiêu hóa bình thường, một người anh là cha xứ. Tóc ông đã bạc, không còn răng trong mồm và trong trí tuệ, người lúc nào cũng run run, giọng nói xứ Pica, một nụ cười của trẻ con, ông dễ sợ hãi và hiền như một con cừu già. Ngoài ra ông không có bạn bè không có chỗ quen nào khác trong xã hội người sống, trừ một ông lão bán sách tên là Roayônở cửa ô Xanh Giắc. Ông mơ ước du nhập giống cây chàm vào nước Pháp. Người ở gái già của ông cũng là một loại người ngây thơ nữa. Bà già ấy vẫn là cô gái đồng trinh. Con mèo của bà, bà gọi là Xuyntăng, nó có thể meo meo bản "Xin thương" của Alêgi ở nhà nguyện Xichxtin, đủ chiếm tất cả trái tim bà và thỏa mãn tất cả yêu cầu tình cảm của bà. Tất cả những ước mơ của bà chưa bao giờ bà vượt quá con mèo của bà. Bà cũng có râu như con mèo đó. Tất cả tự hào của bà là ở cái mớ mũ chụp của bà, lúc nào cũng trắng tinh. Ngày chủ nhật đi lễ về, bà kiểm điểm lại quần áo dài bà mua, những cái áo đã cắt nhưng chưa bao giờ đưa may. Bà biết đọc. Ông Mabớp đã đặt tên cho bà là mụ Pluytác (nhà viết sử nổi tiếng của Cổ Hy Lạp, thế kỷ thứ nhất sau công nguyên).

Ông Mabớp ưa Mariuytx vì Mariuytx trẻ và hiền, làm cho tuổi già của ông thêm ấm áp và cái tính nhút nhát của ông không bị kinh động. Tuổi trẻ và tính hiền dịu đối với ông già như ánh nắng mà không gió. Khi Mariuytx đã ngợp cả lòng về chiến công, vinh quang, thuốc súng, hành quân tới lui và tất cả những trận đánh kỳ diệu mà cha anh đã giáng và bị trả những nhát kiếm ghê gớm thì anh đến thăm ông Mabớp và ông Mabớp kể chuyện người anh hùng trong việc trồng hoa.

Người anh ông, linh mục Mabớp chết hồi 1830, tức thì như khi đêm đến, cả chân trời tối sầm lại trước mắt ông. Viên chưởng khế của ông vỡ nợ, thế là ông mất hết cả món tiền mười nghìn phơrăng gia tài của anh ông và của ông góp lại. Cách mạng tháng bảy đưa ngành sách vào một cuộc khủng hoảng. Trong thời kỳ eo hẹp kinh tế, sách Thực vật là loại hàng người ta ít mua nhất. Tập Thực vật vùng Côtơrê ế hẳn. Hàng tuần không có một khách hàng mua. Đôi khi ông Mabớp rùng mình sung sướng nghe thấy tiếng chuông. Mụ Pluytác buồn bã bảo: "Thưa ông người gánh nước đấy ạ". Rốt cuộc, một hôm ông Mabớp rời cái phố Mêdie, từ chức quản lý nhà thờ, bỏ Xanh Xuynpixơ, bán một phần, không phải sách mà những bức họa của ông - cái mà ông thiết tha ít hơn - và đến ở một cái nhà ở đại lộ Môngpácnaxơ. Ông cũng chỉ ở đấy có ba tháng vì hai lý do: một là cái tầng dưới và cái vườn một tháng phải trả ba trăm phơrăng, mà ông thì không dám chi quá hai trăm vào khoản tiền thuê nhà; hai là nhà ở gần trường bắn Phatu, cả ngày nghe tiếng súng ông không chịu nổi.

Ông dọn quyển thực vật, các bản khắc đồng, các tập bách thảo sưu tầm, các tập tài liệu và sách và đến ở gần khu Xanpêtrie, trong một cái nhà tranh ở làng Auxtéclít, tiền nhà năm mươi êquy một năm. Nhà có ba buồng, một cái vườn, một hàng rào, có giếng nước. Nhân dịp dọn nhà này, ông bán hết cả đồ đạc của ông. Hôm dọn đến chỗ ở mới này, ông rất vui và chính tay ông đóng lên tường những chiếc đanh treo các bản khắc và các tập bách thảo. Hôm đó còn thì giờ, ông cuốc vườn và buổi chiều thấy mụ Pluytác ủ rũ và nghĩ ngợi, ông vỗ vai, mỉm cười bảo: "Ái chà! Chúng ta có cây chàm kia mà!".

Chỉ có hai người khách, ông lão bán sách ở cổng Xanh Giắc và Mariuytx, được tiếp ở túp lều làng Auxtéclít (trận chiến thắng lớn nhất của Napôlêông, thắng liên quân Nga - Áo năm 1805), cái tên quá huyên náo làm ông khó chịu.

Vả lại, như chúng tôi vừa mới chỉ ra, những khối óc quá đam mê một đạo đức hay một cuồng vọng, hoặc cũng thường cả hai, thì rất khó thấm những chuyện thực tế ở đời. Cả số phận của họ, họ cũng không để ý tới. Những sự chuyên chú ấy, đẻ ra một thái độ tiêu cực rất giống như là một triết lý sống nếu là có ý thức. Bóng xế dần, xuống dần như nước trôi đi, rồi người ta sụp đổ mà không biết. Cuối cùng thì người ta cũng thức tỉnh, nhưng muộn màng. Trong khi chờ đợi, người ta hình như giữ thái độ trung lập trong cuộc thách thức giữa hạnh phúc của họ và tai họa của họ. Chính bản thân họ là món đặt cược, thế mà họ lại thờ ơ.

Chính vì thế mà trong khi tất cả hy vọng tắt dần trong cái bóng tối bao phủ xung quanh ông, ông Mabớp vẫn bình thản, cái bình thản có vẻ ngây ngô nhưng rất sâu sắc. Nếp sống tinh thần của ông đều đặn như cái quả lắc đồng hồ đung đưa; khi một ảo tưởng đã lên giây cái đồng hồ thì quả lắc cứ chạy rất lâu, cả khi ảo tưởng đã mất. Đồng hồ không đứng lại tức khắc khi người ta đánh mất cái chìa khóa.

Ông Mabớp có những sự giải trí ngây thơ, những giải trí rẻ tiền và bất ngờ, do những chuyện tình cờ mang đến. Một hôm mụ Pluytác đọc một quyển truyện trong một góc buồng. Mụ đọc to, y như đọc to thì hiểu hơn ấy. Đọc to tức là khẳng định cho mình là mình đọc đây. Có những người đọc rất to như cam đoan với mình những điều mình đang đọc.

Mụ Pluytác đang đọc với tất cả cái năng lực ấy cuốn truyện mụ cầm trên tay. Ông Mabớp nghe lơ đãng.

Đây là chuyện một sĩ quan khinh kỵ binh với một cô gái. Mụ Pluytác đọc đến câu này: "...người yêu phật ý và sĩ quan đầu rồng"... (chữ dragon trong quân đội Pháp chỉ binh chủng khinh kỵ binh, lại có nghĩa thường là con rồng). Rồi mụ ngừng đọc để lau kính.

Ông Mabớp nhắc lại nho nhỏ:

- Phật và rồng, đúng rồi, ngày xưa có một con rồng, từ đáy hang của nó phun lửa ra đốt cháy cả trời. Nhiều ngôi sao đã bị thiêu cháy. Con quái vật này lại có vuốt như vuốt hổ. Phật đã vào trong hang con rồng và đã giác ngộ được con quái vật. Mụ đang đọc một quyển sách hay đấy, mụ Pluytác ạ. Chẳng có chuyện thần thoại nào hay hơn.

Thế rồi ông để trí ông chìm đắm trong một giấc mơ êm ái.

V

NGHÈO, LÁNG GIỀNG GẦN CỦA KHỔ

Mariuytx có nhiều cảm tình đối với ông già chất phác ấy. Ông lão mỗi ngày một thêm nghèo túng và ông bắt đầu lấy làm lạ, ngày càng lấy làm lạ, tuy vậy cũng chưa buồn phiền. Mariuytx thỉnh thoảng gặp Cuốcphêrắc và tìm đến Mabớp. Tuy vậy mỗi tháng cũng... đôi lần.

Mariuytx thích đi dạo chơi lâu một mình ở những đại lộ phía ngoài trung tâm thành phố hay ở quảng trường Săng đơ Mác, hay ở những đường vắng người vườn Luychxămbua. Có khi cả buổi anh đứng ngắm một cái vườn rau, những luống xà lách, đàn gà bới đống phân hay nhìn một con ngựa kéo xe nước. Người qua đường ai cũng phải để ý đến anh, có người thấy anh khả nghi, có dáng đen tối. Chỉ là một chàng thanh niên nghèo đứng vơ vẩn đó thôi.

Một hôm dạo chơi như vậy anh tìm thấy căn nhà Goócbô. Cái nhà hẻo lánh và rẻ tiền ấy hợp với anh, anh đến đấy ở. Những người cùng nhà chỉ biết anh là ông Mariuytx.

Một vài vị tướng chỉ huy của cha anh, một vài bạn cũ của cha anh khi biết anh thì mời anh đến chơi. Mariuytx nhận lời ngay, anh không bỏ lỡ một dịp nào để nhắc đến cha anh; thỉnh thoảng anh đến thăm bá tước Pagiôn, tướng Benlavenơ, tướng Phơririông, điện Anhvalit, cũng ca nhạc và khiêu vũ với họ. Những buổi tối ấy, Mariuytx mặc áo mới; nhưng anh chỉ đến các buổi dạ hội, các buổi vũ ấy những ngày giá buốt vì không có tiền đi xe và chỉ muốn đến với đôi giầy bóng như gương.

Anh thường nói, giọng không có gì chua chát:

- Con người ta như vậy, trong một phòng khách, khắp cả người anh có thể vấy bùn, nhưng đôi giầy thì chớ. Ở đây, muốn được tiếp đón niềm nở, chỉ cần có một điều đừng để ai chê: lương tâm ư? Không, đôi giầy.

Khi người ta mơ mộng thì quên cả mọi thứ say mê, trừ có chuyện lòng thôi. Những cơn sốt chính trị của Mariuytx đã tan biến trong mơ màng. Những ngày cách mạng 1830 đã làm cho anh thỏa mãn, anh dịu đi và cũng giúp vào đó một phần. Anh vẫn giữ nguyên xu hướng của anh nhưng nó êm dịu đi. Nói cho đúng thì anh cũng chẳng còn xu hướng gì rõ rệt, chỉ là một thứ cảm tình thôi. Anh chẳng ở đảng phái nào, đảng phái của anh là đảng nhân loại. Trong nhân loại anh hướng về nước Pháp, trong nước Pháp anh hướng về nhân dân, trong nhân dân anh thiên về phụ nữ. Tất cả lòng thương xót của anh dành cho phụ nữ. Anh ưa lý tưởng hơn hành động, thích một nhà thư hơn một anh hùng, phục một quyển sách kiệt tác như Giốp hơn một sự kiện như Marănggô.

Hơn nữa, sau một ngày trầm tư, khi anh trở về nhà, đi dọc các đại lộ nhìn qua những cành lá, anh thấy không gian vô tận, những ánh sáng không tên, vực thẳm, bóng tối, huyền bí, anh cảm thấy tất cả những gì không thuộc về con người đều thật là nhỏ bé.

Anh tin - và có lẽ được như thế - là anh đã đạt tới sự thật về cuộc đời và triết học của con người, và bây giờ anh chỉ nhìn trời, cái duy nhất mà chân lý có thể nhìn thấy từ đáy giếng. Tuy vậy anh vẫn xây dựng hết kế hoạch này đến mưu đồ khác, những kiến thiết này đến những dự định tương lai khác. Trong trạng thái mơ mộng của Mariuytx ấy, nếu con mắt nào có thể nhìn được vào lòng anh thì sẽ bị chói lòa bởi cái trong sáng của tâm hồn ấy. Thật vậy nếu những con mắt thịt của chúng ta có thể nhìn vào ý thức của người khác, thì ta có thể đánh giá đúng một con người qua những ước mơ hơn là qua ý nghĩ của người ấy. Trong suy nghĩ có ý chí, trong ước mơ thì không có. Ước mơ, điều rất hồn nhiên bao giờ cũng vẫn giữ nguyên hình dạng của tâm hồn ta, cả trong cái lớn lao và trong cái lý tưởng, không có cái gì xuất phát trực tiếp và chân thật nhất từ đáy lòng ta hơn là những khao khát tự nhiên, không suy nghĩ và vô biên vô tận, tới những ánh sáng huy hoàng của số phận. Chính ở những khát vọng ấy hơn là ở những ý nghĩ thận trọng, có lý lẽ và hệ thống, mà người ta nhận thức được bản lĩnh của mỗi người. Ảo vọng của chúng ta giống chúng ta nhất. Mỗi người ước mơ cái không biết được, cái không thể được, theo bản chất của mình.

Vào khoảng giữa năm 1831, mụ già giúp việc quét dọn cho Mariuytx kể với anh rằng người ta sắp đuổi vợ chồng Giôngđơrét, cái gia đình nghèo khổ ở ngay sát vách buồng của anh. Mariuytx hàng ngày vắng nhà từ sáng đến tối cũng không hay rằng có cái gia đình ấy là hàng xóm của anh. Anh hỏi mụ già:

- Sao người ta lại đuổi họ?

- Vì họ thiếu tiền nhà, họ thiếu hai kỳ rồi.

- Hai kỳ là bao nhiêu tiền?

- Hai mươi phơrăng.

Mariuytx có ba mươi phơrăng để dành trong ô kéo.

- Này bà, hai mươi phơrăng đây, bà trả tiền nhà cho họ và cho họ năm phơrăng, nhớ đừng bảo là của tôi.

VI

NGƯỜI THAY CHÂN

Tình cờ cái trung đoàn của trung úy Têôđuyn về đóng ở Pari. Việc ấy làm cho bà dì Gilơnoócmăng nảy ra một sáng kiến thứ hai. Lần trước bà đã nghĩ ra việc nhờ Têôđuyn theo dõi Mariuytx, lần này bà âm mưu đem Têôđuyn thế chân Mariuytx.

Cầu may phòng khi người ông muốn cần một gương mặt trẻ trong nhà - những tia sáng bình minh đôi khi cũng êm ái giữa cảnh hoang tàn đổ nát - cũng nên có Mariuytx khác. Cô Gilơnoócmăng nghĩ: thế cũng hay, một sự đính chính như trong các cuốn sách mình vẫn thấy; Mariuytx xin đọc là Têôđuyn.

Cũng là cháu cả, cháu gọi bằng ông cụ thì cũng gần như cháu ngoại, không có thằng cháu luật sư thì có thằng cháu khinh kỵ binh cũng chẳng sao.

Một buổi sáng khi ông lão Gilơnoócmăng đương đọc một tờ báo, hình như là tờ Côtiđiêng, bà con gái vào và nói với giọng êm ái nhất, vì nói về đứa cháu nuông của bà:

- Thưa cha, sáng nay Têôđuyn sẽ đến thăm và chào cha.

- Têôđuyn, ai thế?

- Têôđuyn cháu gọi là ông cụ đó mà.

Lão Gilơnoócmăng mới nhớ ra:

- À.

Rồi lão lại đọc báo, mà chẳng nghĩ gì đến người cháu Têôđuyn nào ấy nữa; mỗi khi đọc báo, lão thường hay bực tức. Tờ báo lão đang đọc là một tờ báo bảo hoàng - tất nhiên rồi - đăng tin rằng ngày hôm sau sẽ có một buổi họp của sinh viên trường thuốc và trường luật ở quảng trường Păngtêông, vào giữa trưa. Sinh viên sẽ thảo luận về vấn đề những cỗ pháo của đội cảnh vệ quốc gia, bàn về mâu thuẫn giữa ông thượng thư bộ binh và "Thành đội dân quân" về vấn đề những cỗ súng đại bác đặt ở trong sân điện Lơ Luvrơ. Sinh viên phải thảo luận về vấn đề này. Cái tin như vậy đủ làm cho lão Gilơnoócmăng nổi nóng.

Lão nghĩ đến Mariuytx, Mariuytx cũng là sinh viên, chắc Mariuytx cũng sẽ đến "thảo luận giữa trưa ở quảng trường Păngtêông".

Lão Gilơnoócmăng đang tưởng tượng cái điều buồn bực ấy thì trung úy Têôđuyn vào. Anh mặc thường phục kiểu thị dân, để cho vừa mắt lão; bà cô nhẹ nhàng dẫn cháu vào. Chàng trung úy nghĩ thầm: lão trượng không đặt hết tiền vào quỹ thực lợi chung thân, thỉnh thoảng hóa trang như thế này cho vừa ý lão cũng có khi lợi.

Bà cô Gilơnoócmăng cất cao tiếng, nói với cha:

- Cháu Têôđuyn của cha đây.

Và bà nói nhỏ với Têôđuyn:

- Cứ tán thành tất nhé!

Rồi bà trở ra.

Trung úy Têôđuyn không quen có những cuộc gặp gỡ trịnh trọng như vậy, rụt rè nói:

- Lạy ông ạ.

Và chào, bắt đầu theo kiểu nhà binh, kết thúc theo kiểu thị dân.

- À, cháu đấy à, được, cháu ngồi chơi, lão Gilơnoócmăng nói.

Lão nói thế rồi quên phắt thằng cháu kỵ binh.

Têôđuyn ngồi xuống, lão Gilơnoócmăng đứng lên. Lão đi đi lại lại trong phòng, hai tay bỏ túi, nói oang oang một mình, những ngón tay bứt rứt luôn luôn mân mê hai chiếc đồng hồ ở trong hai cái túi con.

- Hừ, cái bọn nhãi ranh ấy! Cái ngữ ấy bàn họp nhau ở quảng trường Păngtêông! Bọn nhãi nhép hôm qua hãy còn ôm vú mẹ! Giá bóp mũi chúng thì sữa lại toài ra! Thế mà ngày mai lại họp hội nghị thảo luận giữa trưa! Thế này rồi sẽ đến đâu? Sẽ đến đâu? Rõ ràng là đến vực thẳm! Đó bọn tháng Mười đã đưa chúng ta đến đó. Pháo binh nhân dân! Bàn về pháo binh nhân dân, ra giữa quảng trường thảo luận về những tiếng đì đẹt của quốc dân quân! Bàn với ai? Chủ nghĩa Giacôbanh dẫn người ta đến chỗ ấy đấy, thấy không? Tôi dám đánh cuộc một triệu đổi một cọng rác là ở đó chỉ có bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn khổ sai mãn hạn. Cộng hòa và tù khổ sai cũng như mũi với khăn. Cacnô hỏi: Mi muốn ta đi đâu? Quân phản bội! Phousê đáp: Mi muốn đi đâu thì đi, đồ ngu! Đấy bọn cộng hòa là như thế đấy.

- Thưa ông đúng thế.

Lão Gilơnoócmăng khẽ quay đầu, nhìn Têôđuyn rồi lại tiếp:

- Nghĩ đến cái thằng ngốc đi theo bọn cộng hòa mà tức! Sao lại bỏ nhà tao mà đi? Để làm một tên cộng hòa à? Chào! Dân chúng có ưa gì cái cộng hòa ấy, dân chúng đứng đắn, dân chúng thừa biết rằng bao giờ cũng có vua, dân chúng biết rằng dẫu sao mình chỉ là dân, họ thiết gì cái thứ cộng hòa của chúng mày, đồ ngốc, nghe chưa. Ghê tởm chưa! Cái trò chơi ấy. Mê lão Đuysênơ (tên một tờ báo cực tả hồi cách mạng Pháp 1789. Trong cách mạng 1848 và 1871- công xã Pari cũng có những tờ báo lấy tên này). Liếc mắt đưa tình cho cái máy chém, đàn và hát dưới bao lơn của 93, ta muốn phỉ nhổ vào cái bọn nhãi ranh ấy. Sao chúng nó ngu xuẩn thế! Chúng nó đều đi đến đấy cả, không đứa nào thoát! Chỉ thở cái không khí ngoài đường là chúng mày đủ hóa rồ rồi. Cái thế kỷ XIX này rất độc. Thằng nhãi con nào cũng để cái kiểu râu dê già ấy, rồi cho là mình ghê lắm, rồi chẳng kể gì cái thứ cha mẹ già này. Thế là cộng hòa đấy, thế là lãng mạn đấy. Lãng mạn là cái gì, anh hãy bảo hộ tôi lãng mạn là cái gì? Tất cả mọi thứ điên cuồng. Một năm trước họ đổ xô đi xem kịch Hecmaini (kịch lãng mạn của tác giả, xem phần tiểu sử, chung quanh kịch này có những cuộc tranh luận kịch liệt). Hecmaini là cái thứ kịch gì hử? Những phản đề, những ngu xuẩn cũng không phải viết bằng ngôn ngữ của nước Pháp nữa. Rồi thời đại này những chuyện cướp đường như thế đấy.

- Thưa ông, ông nói rất phải - Têôđuyn nói xen vào.

Lão Gilơnoócmăng tiếp:

- Đại bác ở trong sân viện Bảo tàng! Hừ! Thưa để làm gì? Ông Súng, ông đến đấy làm gì! Để bắn vào tượng Apôlông Benvêđe à? Còn các ông thuốc súng thì có việc gì với nàng Vênuytx đời mêđixi (những tượng thần nổi tiếng ở viện bảo tàng Lơ Luvrơ) chứ? Cái bọn thanh niên ngày nay, thật là quân kẻ cướp. Còn ai vô nghĩa lý bằng cái tên Bengiamanh Côngxtăng của chúng! Cái bọn chúng không vô lại thì là ngốc! Chúng tự làm cho xấu đi, quần áo lôi thôi lốc thốc, không ra hình người, trông thấy phụ nữ thì mất vía, ve gái thì như van xin làm cho các cô ả không nín cười được. Đúng là những thằng mê gái thiểu não. Chẳng ra cái dáng dấp gì và cũng ngu đần như nhau nên bổ sung cho nhau. Chúng luôn mồm nhắc những trò chơi chữ của Tiexôlăng và Pôchiê, khoác những cái áo thùng thình những chiếc gi-lê của mã phu, áo sơ mi vải thô, những quần dạ thô, những giầy da thô, người làm sao thì chiêm bao làm vậy, lời ăn tiếng nói của chúng có thể lấy để thay những đế giầy tã của chúng. Thế mà tất cả cái bọn nhãi ranh ấy lại làm chính trị. Phải cấm hẳn không cho chúng nó có chính kiến. Chúng nó bịa đặt những lý thuyết này nọ, chúng muốn thay đổi xã hội, chúng muốn tiêu diệt chế độ quân chủ, chúng vứt bỏ cả pháp luật, chúng đảo lộn tất cả đầu xuống đít, đít lên đầu, cho thằng gác cổng làm vua. Chúng xô đẩy cả châu Âu, chúng muốn nhào nặn lại trái đất, mỗi khi nhìn trộm được hai cái bắp chân của những ả thợ giặt đang trèo lên xe bò thì chúng cho đó là những hạnh ngộ về ái tình. Chao! Mariuytx, cái thằng khố rách đi hò hét giữa đường. Rồi thảo luận, rồi quyết nghị những biện pháp! Chúng gọi những cái đó là biện pháp, quỷ thần ơi! Cái hỗn độn cũng thấp bé đi rồi và trở thành ngu ngốc rồi. Lão đã từng thấy hỗn độn, bây giờ lão thấy tường nát đây. Bọn trẻ ranh thảo luận về đội cảnh vệ quốc dân quân, bọn mọi ôgibêva và cađôđaxơ cũng không làm thế! Bọn mọi rợ trần truồng đội mũ như quả cầu bông, một cái chùy buộc vào cẳng, cũng không ngu độn như những cậu tú tài ấy! Những đồ nhãi đáng 4 xu, mà nào "xét rằng" nào "quyết nghị" và thảo luận, cãi lẽ! Trời sắp đổ sụp, đến lúc tận thế rồi! Cái trái đất khốn khổ này sắp chết. Phải có một cơn nấc lên, chính nước Pháp đương thở cái hơi thở dốc cuối cùng ấy. Thảo luận, cứ thảo luận nữa đi các con ạ. Chúng còn đọc báo dưới vòm nhà hát Olêông thì chúng còn thảo luận. Chúng mất một xu thôi và mất cả lẽ phải, mất cả lương tri, mất cả lý trí, tình cảm, cả tâm hồn, mất cả gia đình. Báo chí toàn là đồ thổ tả, cả Cờ trắng (báo bảo hoàng nhưng theo Gilơnoócmăng thì chưa bảo hoàng đúng mức) nữa. Thực ra Máctanhvin là một tên giacôbanh. Trời ơi! Mariuytx, mày có thể đi khoe khoang rằng mày đã làm cho ông mày thất vọng.

- Thật đúng quá. - Têôđuyn nói.

Trong khi lão Gilơnoócmăng còn phải ngừng lại để lấy hơi, chàng khinh kỵ binh lợi dụng thời cơ dõng dạc nói tiếp:

- Phải cấm hết tất cả các tờ báo, chỉ để Mônitơ và chỉ cho đọc một quyển sách: quyển Niên biểu nhà binh.

Lão Gilơnoócmăng nói tiếp:

- Cũng như cái thằng cha Xiêdét của chúng. Giết vua để rồi làm một nguyên lão nghị viên. Bọn chúng rồi thế cả. Mày, tao, đồng chí, rồi cuối cùng lại: thưa ngài bá tước. Ngài bá tước to bằng cánh tay, bọn sát nhân tháng chín! Nhà triết học Xiêdét! Lão phải công bằng với chính mình để nói rằng chẳng bao giờ lão coi những triết học của tất cả bọn triết gia ấy hơn cặp kính của tên hề ở Tivôli. Ta đã thấy trên bến Malake bọn nguyên lão nghị viên mặc áo khoác nhung tím thêu ong, với những cái mũ kiểu Hăngri IV. Thật là dị hợm. Có thể nói đó là những chú khỉ ở triều đình cọp. Các ngài công dân này, lão tuyên bố cái tiến bộ của các anh là điên cuồng, nhân đạo của các anh là mơ mộng, cách mạng của các anh là tội lỗi, cộng hòa của các anh là một con quái vật, nước Pháp non trẻ đồng trinh của các anh từ nhà thổ mà ra. Dù các anh là nhà báo, là nhà kinh tế, nhà luật pháp, nhà gì đi nữa, dù các anh có làu thông về tự do, bình đẳng, bác ái hơn cái lưỡi máy chém, ta cũng nói thẳng vào mặt các anh như thế. Các anh nghe chưa.

Chàng trung úy hô to lên:

- Chao ôi! Thật là tuyệt, thật là chân lý rực rỡ.

Lão Gilơnoócmăng bỗng dừng cánh tay đương ra bộ, quay lại, nhìn vào mắt chàng khinh kỵ binh và nói:

- Anh là một thằng ngốc!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #kinhđiển