Phần 2 - Quyển VIII
QUYỂN VIII: AI CHO CÁI GÌ, NGHĨA ĐỊA NHẬN CÁI ẤY
I
VÀO NHÀ TU BẰNG CÁCH NÀO?
Giăng Vangiăng đã "rơi từ trên trời xuống cái nhà tu này", như lời Phôsơlơvăng.
Ông đã vượt qua cái tường vườn nhà tu làm nên góc phố Pôlôngxô. Tiếng hát giữa đêm khuya mà ông tưởng là tiếng hát của thiên thần, chính là tiếng hát chầu lễ sớm của nữ tu sĩ. Cái căn nhà lờ mờ trong bóng tối thực ra là nhà nguyện của nhà tu. Còn cái bóng ma nằm phủ phục trên mặt đất chỉ là một nữ tu sĩ đang đền tội. Tiếng nhạc lạ lùng chỉ là tiếng nhạc buộc vào đầu gối lão làm vườn Phôsơlơvăng.
Lúc Côdét đã ngủ yên, Giăng Vangiăng và Phôsơlơvăng uống một hớp rượu vang và ăn một miếng phó mát trước ngọn lửa rừng rực cháy; gian nhà chỉ có độc một cái giường Côdét nằm, nên mỗi người nằm phịch xuống một bó rơm. Trước khi nhắm mắt ngủ, Giăng Vangiăng nói với Phôsơlơvăng: "Từ nay, tôi phải ở lại đây với bác". Câu nói ấy cứ nhảy nhót trong đầu óc Phôsơlơvăng suốt đêm làm ông già không tài nào ngủ được.
Thực ra đêm ấy không ai chợp mắt lúc nào.
Giăng Vangiăng thấy mình đã lộ tung tích và Giave đang theo mình từng bước; ông nghĩ rằng không thể nào cùng Côdét trở về Pari được nữa, về thì nguy. Cơn gió số mệnh vừa qua đã thổi ông đến nhà tu này, ông chỉ còn một ý nghĩ, là ở lại đây. Đối với một con người khốn khổ trong hoàn cảnh này, nhà tu đây là một nơi nguy hiểm nhất mà cũng là một nơi trú chắc chắn nhất! Nguy hiểm nhất, bởi vì nơi này, không một người đàn ông nào được đặt chân tới, người ta mà bắt quả tang Giăng Vangiăng ở đây, thì từ nhà tu đến nhà tù, chỉ có một bước; chắc chắn nhất, bởi vì nếu được vào đây và được ở đây, thì ai còn đến đây tìm mình? Ở được một nơi không ai được ở, tất là thoát thân.
Về phần Phôsơlơvăng, ông cụ cũng suy nghĩ tợn. Thoạt tiên ông thú thật không thể nào hiểu được đầu đuôi ra sao cả. Ông thị trưởng Mađơlen làm thế nào mà vượt tường vào được đây? Không ai lại nhảy qua tường nhà tu bao giờ? Làm sao lại đèo thêm cả một con bé nữa? Làm thế nào ôm một đứa bé mà leo được bức tường dựng đứng? Đứa bé ấy là ai? Hai người từ đâu lại? Từ ngày Phôsơlơvăng vào nhà tu, ông không nghe nói đến Môngtơrơi Xuya Me, ông không hề biết chuyện gì đã xảy ra ở đó nữa. Trông vẻ mặt ông Mađơlen, thấy cũng không nên hỏi chuyện gì thêm; vả lại, ông cụ tự bảo: "Ai lại gạn hỏi một bậc thánh bao giờ!". Đối với ông cụ, ông Mađơlen vẫn là ông Mađơlen đầy đủ uy tín ngày xưa. Nhưng, nghe qua mấy tiếng Giăng Vangiăng buột miệng nói ra, ông cụ đoán là có lẽ gặp thời buổi khó khăn, ông Mađơlen đã phá sản, bị chủ nợ săn bắt; hoặc ông là can phạm chính trị, nên phải trốn tránh; nghĩ đến đấy, ông cụ thấy càng thích, bởi vì ông cũng như nhiều nông dân miền Bắc trong thâm tâm vẫn có cảm tình với phái Bônapác. Ông Mađơlen muốn tìm đến nhà tu mà trốn tránh, nên ông có muốn ở lại đây, điều đó cũng dễ hiểu. Có điều không tài nào hiểu được, mặc dù lão đã nát óc suy nghĩ, là làm thế nào mà ông vào được đây, mà lại đèo thêm một đứa bé. Ông nhìn Giăng Vangiăng và con bé, mó vào người họ, chuyện trò với họ, thế mà vẫn không thể tin được là chuyện có thật. Cái vô lý vừa đột nhập vào túp nhà lão Phôsơlơvăng. Phôsơlơvăngcứ mò mẫm đoán mà vẫn thấy tối mò mò. Chỉ có một ý nghĩ này là rõ rệt: "Ông Mađơlen đã cứu sống ta". Chỉ một ý nghĩ xác đáng ấy cũng đủ để ông già quyết định. Ông tự bảo: "Lúc ông Mađơlen chui xuống dưới gầm xe để kéo mình ra, ông ấy có đắn đo như mình đâu!" Ông nhất quyết cứu cho được ông Mađơlen.
Mặc dù vậy, ông cụ vẫn tự đặt cho mình nhiều câu hỏi rồi lại tự trả lời mình: "Ông đã cứu sống mình như thế, nhưng nếu ông là một thằng trộm cướp thì mình có cứu không? Tất phải cứu. Nếu là một đứa giết người thì mình có cứu không? Cũng phải cứu. Ông đã là một bậc thánh thì mình có cần cứu không? Càng phải cứu".
Nhưng giữ ông Mađơlen ở lại trong nhà tu là một chuyện khó khăn quá! Trước cái dự định gần như ảo vọng ấy, Phôsơlơvăng không hề nao núng. Người nông dân đáng thương miền Picacđi ấy chỉ có cái thiện ý, một tấm lòng hy sinh tận tụy và chút ít, sự tinh ý cố hữu của nông dân, lần này dùng làm một việc hào hiệp. Ông quyết tâm khắc phục tất cả những khó khăn không bờ bến và vượt qua những kỷ luật khắt khe của nhà tu dòng thánh Bơnoa. Ông ta vốn suốt đời ích kỷ, nhưng lúc trở về già gần kề miệng lỗ, lại què quặt, không còn sinh thú gì ở đời nữa, nên khi thấy việc phúc đức thì lăn vào làm, như thể một người sắp chết thấy một cốc rượu ngon chưa hề được uống bao giờ thì hăm hở cầm lấy mà nốc một hơi. Vả lại, bao nhiêu năm trời, thở không khí trong nhà tu, ông ta như đã mất hết tính cố hữu, ông thấy cần phải ra tay làm một việc phúc đức.
Thế là ông cụ nhất quyết tận tụy hy sinh cho ông Mađơlen.
Chúng tôi đã gọi Phôsơlơvăng là một người nông dân đáng thương miền Picacđi. Gọi như thế đúng nhưng chưa đủ. Đến đây, tưởng cũng nên kể thêm chút ít về lai lịch lão. Vốn ở nhà quê, nhưng đã có lần ông làm lục sự, nên sẵn tinh ý, ông lại có mánh khóe; sẵn chất phác, ông lại thêm sâu sắc. Thế rồi, vì nhiều nguyên nhân, ông thất bại nhiều lần, từ chân lục sự, ông trở thành bác đánh xe ngựa và lao động chân tay. Nhưng mặc dù mắng chửi ngựa, quất ngựa vun vút, vì ngựa cần những thứ ấy, hình như ông vẫn giữ được cốt cách của một ông lục sự. Ông bẩm sinh khá thông minh; ông không ăn nói hay vui miệng chuyện trò. Nhiều người khác vẫn bảo ông cụ ăn nói có vẻ như một ông tư sản. Phôsơlơvăng quả là thuộc cái hạng người mà mấy chục năm nay người ta thường gọi một cách hỗn xược, vu vơ là hạng người nửa tỉnh nửa quê mà những ẩn dụ của ngôn ngữ quý tộc đã ghi vào lý lịch người bình dân: nửa nhà quê, nửa kẻ chợ, tiêu muối. Phôsơlơvăng mặc dù lăn lộn nhiều, thất bại lắm, bây giờ còn trơ cái xác không, nhưng vẫn giữ được cái tính hồn nhiên, phải gì làm nấy. Như thế là ông vẫn giữ được cái bản chất của con người tốt. Ông có những tật xấu này khác, nhưng chỉ ở bề ngoài, những ai biết xem tướng thì thấy nét mặt ông không có những nếp nhăn trên chỏm trán của hạng người độc ác hoặc ngu độn.
Sáng tinh mơ hôm ấy, sau khi đã nghĩ ngợi suốt một đêm ròng, ông Phôsơlơvăng mở mắt thì thấy ông Mađơlen ngồi trên đệm rơm nhìn Côdét đang ngủ. Ông đứng nhỏm dậy hỏi:
- Bây giờ bác đã ở đây rồi, thì bác liệu làm thế nào mà vào đây được? - Câu nói đầy đủ ý nghĩa thức tỉnh Giăng Vangiăng đang mơ mơ màng màng.
Hai người bèn bàn luận với nhau. Phôsơlơvăng nói:
- Trước hết, bác đừng có bước chân ra khỏi cái buồng này. Cả cháu bé nữa. Bước một bước ra ngoài, tất cả chúng ta đi đời cả.
- Đúng thế.
- Bác Mađơlen ạ, bác đến vừa dịp may... nghĩa là không may cho nhà tu, là có một bà nữ tu sĩ ốm nặng. Thế là người ta ít nhòm ngó phía đằng này. Hình như bà ta sắp chết. Phải cầu kinh bốn mươi tiếng đồng hồ. Họ bận cả. Cái bà sắp đi là một bậc thánh. Thực ra ở đây chúng tôi là thánh hết! Chỉ có khác một điều là các bà ấy thì nói: cái buồng của chúng tôi, còn tôi nói: túp lều của tôi. Người ta sắp cầu nguyện cho người hấp hối, rồi cầu nguyện cho người chết. Thế là hôm nay ta có thể yên ổn được; nhưng mai thì không thể nói trước được.
- Thế nhưng cái nhà này ở một góc tường, trước mặt lại có cái đống gạch đổ nát, cây cối um tùm, trên nhà tu nhìn xuống làm sao được?
- Lại thêm các bà nữ tu sĩ không bao giờ đến gần đây.
- Thế thì?
Cái chấm hỏi đặt sau hai tiếng "thế thì" của Giăng Vangiăng có nghĩa: tôi tưởng như thế thì còn sợ gì nữa? Phôsơlơvăng trả lời đúng chỗ hỏi:
- Có lũ trẻ con.
- Lũ trẻ con nào?
Phôsơlơvăng vừa há mồm định giải thích thì chuông nhà tu buông một tiếng. Ông nói:
- Bà ấy chết rồi. Tiếng chuông báo tử vừa đánh đấy.
Ông già ra hiệu cho Giăng Vangiăng chú ý nghe.
Chuông đánh tiếng thứ hai:
- Bác Mađơlen, tiếng chuông báo chết lần thứ hai. Trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, cứ cách một phút, chuông lại đánh một tiếng, cho đến khi đưa xác ra khỏi nhà thờ. Bác nghĩ xem, đến giờ chơi, bọn chúng nô đùa ghê lắm. Chỉ cần một quả bóng lăn lại đây là bọn chúng xông vào tìm nhộn cả lên. Bọn thiên thần ấy nghịch như quỷ.
Giăng Vangiăng hỏi:
- Bọn nào thế bác?
- Bọn trẻ con. Đây, rồi chẳng mấy chốc, bác bị lộ ngay. Bọn chúng sẽ kêu lên: "A, có một người đàn ông!" Nhưng hôm nay không có giờ chơi. Cầu kinh cả ngày. Bác nghe chuông mà xem, cứ mỗi phút một tiếng. Tiếng chuông báo tử.
- Tôi hiểu rồi bác Phôsơlơvăng ạ, ở đây có trẻ ở ký túc.
Và Giăng Vangiăng nghĩ bụng:
- Thật tiện cho Côdét ăn học.
Phôsơlơvăng kêu lên:
- Trời, bọn trẻ mà trông thấy bác, chúng sẽ thét lên mà chạy trốn cho mau. Ở trong này, làm người đàn ông thì cũng giống như mắc bệnh dịch hạch. Bác xem, tôi đeo ở chân một cái nhạc, chẳng khác gì một con thú dữ.
Giăng Vangiăng mỗi lúc một thêm suy nghĩ. Ông lẩm bẩm một mình: "Nhà tu này sẽ cứu được hai ông con mình". Rồi ông cất tiếng nói:
- Phải, cái khó là làm sao ở lại đây.
- Không, là ra khỏi đây.
Giăng Vangiăng cảm thấy như máu trào lên ngực:
- Ra khỏi đây!
- Vâng, phải ra khỏi đây rồi mới quay trở vào được.
Rồi Phôsơlơvăng nói tiếp, sau một tiếng chuông rền rĩ bên ngoài.
- Không thể để người ta thấy bác lù lù ở đây được. Bác vào đường nào! Tôi biết bác lắm nên tôi cho là bác rơi ở trên trời xuống, chứ đối với các nữ tu sĩ thì họ cho là bác phải vào đằng cổng kia.
Bỗng một hồi chuông khá phức tạp của một chiếc chuông thứ hai. Phôsơlơvăng nói:
- À, tiếng chuông gọi các mẹ tư vấn đi họp. Khi có người chết là họ họp. Bà ấy chết lúc sáng tinh mơ. Thường họ chết vào lúc sáng tinh mơ. Nhưng này, bác vào lối nào, thì nay bác có ra bằng lối ấy được không? Không phải hỏi thế mà chơi đâu, bác vào lối nào chứ?
Giăng Vangiăng xám xanh mặt lại. Nghĩ rằng phải leo tường ra cái lối khủng khiếp kia, Giăng Vangiăng rùng mình ghê sợ. Ta vừa thoát khỏi một khu rừng đầy hùm beo, thử tưởng tượng nay lại có người bạn khuyên mình trở lại khu rừng đó. Giăng Vangiăng nghĩ đến một khu phố nhung nhúc những mật thám, những tên chỉ điểm đang rình mò, những lính tuần, những bàn tay khủng khiếp lúc nào cũng sẵn sàng tóm lấy cổ mình, còn Giave thì có lẽ đứng chờ ở một xó ngã tư đường. Ông nói:
- Không thể được, bác Phôsơlơvăng ạ, cứ coi như tôi rơi từ trên trời xuống.
- Tôi tin như vậy, tôi tin như vậy, bác chả cần nói. Đức Chúa Trời chắc muốn giữ lấy bác để ngắm cho kỹ rồi lại thả bác ra. Chúa muốn đặt bác vào một nhà tu nam. Nhưng rồi Chúa nhầm chỗ. Đấy, lại một tiếng chuông. Tiếng chuông này báo cho bác gác cổng đi báo tòa thị chính cử ông y sĩ coi việc người chết đến đây để chứng kiến. Đấy, lễ nghi cái chết phải như thế. Các bà ở đây nào có ưa gì cái việc khám xét ấy. Là y sĩ thì chẳng tin gì cả. Họ lật tấm vải phủ diện lên; có khi lật cả cái khác. Lần này, sao các bà ấy cho đi báo sớm thế. Chắc có việc gì. Cháu bé vẫn ngủ. Cháu tên là gì nhỉ?
- Côdét.
- Con bác à? Trông thì ai cũng bảo cháu gọi bằng ông, có phải không bác?
- Phải.
- Cho cháu ra khỏi đây cũng dễ. Tôi ra vào có cái cửa riêng ăn liền với sân trước. Cứ gõ cửa là bác gác mở. Tôi vẫn đeo cái giỏ đằng sau lưng: nhét cháu vào giỏ là xong. Thế là cứ việc đi ra. Ai chả bảo là lão già Phôsơlơvăng đeo giỏ ra phố. Bác nhớ dặn cháu đừng có cựa quậy. Tôi đậy tấm vải bạt lên trên. Đến nhà bà bạn bán hoa quả ở phố Sơmanhve, tôi sẽ gửi cháu ở đấy. Bà ấy điếc, nhà có một chiếc giường nhỏ. Tôi sẽ chõ vào tai bà mà thét nó là cháu gái tôi, nhờ bà trông hộ một hôm. Thế rồi bác sẽ lại đem cháu vào đây. Tôi sẽ tìm hết cách đưa bác vào. Nhưng bác có cách nào ra khỏi đây được không?
Giăng Vangiăng lắc đầu:
- Làm sao cho đừng một ai trông thấy tôi, có thế thôi. Bác thử xem có cách nào đưa tôi ra như đưa Côdét được không. Cũng nằm trong giỏ đậy bạt.
Phôsơlơvăng lấy ngón tay giữa gãi gãi dưới tai, tỏ vẻ vô cùng bối rối.
Một hồi chuông thứ ba làm câu chuyện đứt quãng.
- Đấy, ông y sĩ đi rồi đấy. Ông ấy xem xong, nói: "Bà ấy chết rồi, được". Khi ông y sĩ đã chuẩn bị tờ giấy thông hành lên thiên đường thì bọn tang lễ mang áo quan đến. Nếu là một mẹ thì các mẹ liệm; nếu là một bà phước thì các bà phước liệm. Xong đâu đó đến lượt tôi đóng áo quan. Ấy, cũng là một phần việc làm vườn. Kẻ làm vườn cũng ít nhiều là người đào huyệt. Quan tài thì đặt trong một cái buồng thấp ngoài nhà thờ, trông ra phố. Trừ ông y sĩ, không một người đàn ông nào được bén mảng tới. Không kể tôi và những phu đòn, chúng tôi không được coi là đàn ông. Tôi đóng quan tài ở đấy. Phu đòn đến khiêng ra, thế là xe tang quất ngựa! Đấy, đường lên trời chỉ có thế. Lúc mang đến thì hòm không, lúc mang đi thì hòm có. Đám ma là như thế. De profundis (Xin siêu độ, tiếng Latinh, đọc ở cuối kinh cầu hồn).
Một tia nắng sớm rọi ngang qua mặt Côdét đang ngủ say: miệng nó hé mở như một thiên thần đang uống ánh sáng. Giăng Vangiăng nhìn nó từ lâu. Ông không nghe Phôsơlơvăng nói nữa.
Không được nghe, đấy không phải là một lý do để người ta không nói nữa. Lão làm vườn trung hậu vẫn cứ việc lải nhải:
- Đào huyệt ở nghĩa trang Vôgira. Cái nghĩa trang này, người ta bảo sắp bỏ đi. Nghĩa trang cũ từ đời nào, không đúng luật lệ, không ra vẻ gì cả, sắp cho hưu đến nơi. Kể cũng tiếc, vì nó được cái tiện. Ấy tôi có một người bạn làm ở đấy, lão phu huyệt Métchiên ấy mà, các bà nữ tu sĩ ở đây hưởng biệt đãi là được chôn cất vào lúc sẩm tối. Quận có cả một nghị định riêng cho các bà. Nhưng từ hôm qua đến nay, sao lắm chuyện thế! Mẹ Cơruyxiphixiông thì chết, ông Mađơlen thì...
- Thì đã chôn vùi.
Giăng Vangiăng vừa nói vậy, vừa mỉm cười buồn bã. Phôsơlơvăng láy lại tiếng chôn vùi:
- Trời! Nếu bác ở hẳn đây thì cũng chẳng khác gì chôn vùi.
Hồi chuông thứ tư lại vang lên. Phôsơlơvăng vội vàng với cái đai bịt đầu gối có nhạc treo trên tường, buộc vào chân:
- Lần này đến lượt tôi. Mẹ nhất gọi tôi đấy. Được để tôi buộc đã. Còn bác, bác chớ có đi đâu một bước đấy nhé, phải chờ tôi. Có cái gì lạ đây. Bác có đói thì lấy rượu, bánh với phó mát mà ăn.
Rồi vừa đi ông già vừa nói: "Nào thì đi, nào thì đi".
Giăng Vangiăng thấy lão cố sức lê nhanh cái chân thọt qua vườn, ghé mắt nhìn mấy luống dưa.
Lão đi đến đâu, nhạc rung đến đấy, khiến các bà phước chạy tán loạn. Chưa đầy mười phút, lão đến một cái cửa, khe khẽ gõ một tiếng. Một giọng nói dịu dàng trả lời: đời đời. Đời đời nghĩa là Cứ vào.
Cái cửa này là cái cửa phòng dành riêng để tiếp lão làm vườn mỗi khi có việc. Phòng ấy giáp với phòng họp của các mẹ. Phòng chỉ có độc một cái ghế tựa. Mẹ nhất ngồi ghế đợi ông Phôsơlơvăng.
II
CỤ PHÔSƠLƠVĂNG ĐỨNG TRƯỚC KHÓ KHĂN
Có những người, khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì nét mặt trở thành băn khoăn và nghiêm nghị, đó là do tính người như thế hoặc do nghề nghiệp, đặc biệt là ở những linh mục và tu sĩ. Khi Phôsơlơvăng vào thì mẹ nhất cũng đang ở tình trạng ấy. Nét mặt mẹ vừa băn khoăn vừa nghiêm nghị. Mẹ vốn có duyên và học thức rộng, thường ngày tươi cười. Mẹ chính là tiểu thư Đơ Bơlêmơ tức mẹ Inôxăngtơ.
Ông già làm vườn khúm núm chào và đứng lại ở cửa phòng. Mẹ nhất đang lần tràng hạt, bỗng ngước mắt nhìn lên, nói:
- À! Lão Phôvăng đấy à?
Trong nhà tu này, người ta quen gọi là Phôvăng cho gọn.
Phôsơlơvăng chào lại một lần nữa.
- Lão Phôvăng ạ, tôi cho gọi lão.
- Bẩm mẹ, con đến hầu mẹ.
- Tôi cần nói chuyện với lão.
Phôsơlơvăng cố lấy giọng mạnh bạo và tự mình cũng đâm sợ sự mạnh bạo ấy:
- Còn con, con cũng định thưa với mẹ tôn quý một việc.
Mẹ nhất nhìn lão:
- Thế ra lão cũng có một việc cần báo với tôi?
- Cần cầu xin với mẹ.
- Cứ nói đi.
Phôsơlơvăng, nguyên lục sự, thuộc vào hạng nông dân tự tín. Có khi dốt nát một cách khôn khéo lại là một sức mạnh. Người ta không ngờ vực mình, do đó mà dễ thành công. Hơn hai năm trời sống trong nhà tu, Phôsơlơvăng đã thành công. Suốt năm đơn độc, làm việc trong khoảnh vườn, ông chẳng còn gì khác ngoài việc tò mò tìm hiểu nhà tu. Nhìn xa những người đàn bà trùm khăn kín mít qua lại trước mặt, ông chỉ thấy như những bóng đen lảng vảng. Ông già cố sức chăm chú để tìm hiểu, nên những bóng ma ấy, dần dần lão đã thấy có da có thịt: những xác chết ấy có một đời sống. Ông giống như người điếc mắt càng trông xa, hay như người mù nghe rất thính. Ông đã biết tường tận mỗi hồi chuông nói gì trong nhà tu bí mật, lặng lẽ này, nên ông không thấy có gì là lạ hết. Cái chuông ấy là một con nhân sư (Nhân sư theo truyền thuyết Ai Cập là một con quái vật thường ra những câu đố khó giải cho khách qua đường) rất khó hiểu nhưng đối với ông thì ngày ngày nó thủ thỉ bên tai tất cả những điều bí mật trong tu viện. Biết bao nhiêu, ông càng giấu kín bấy nhiêu. Đấy, bí quyết nghệ thuật của ông là ở chỗ ấy. Cả tu viện tưởng ông ngây ngô, đần độn. Trong giáo hội, thì đây là một đức lớn. Các mẹ tư vấn quý ông. Rõ là một anh tọc mạch câm. Ai cũng tin ông. Vả ông luôn luôn tôn trọng nội quy, ông chỉ ra phố khi phải mua cái gì cần thiết lắm cho khu vườn quả hay vườn rau. Hành tung kín đáo ấy cũng được đánh giá tốt. Tuy nhiên ông vẫn khêu gợi cho hai người múa môi khua lưỡi: trong nhà tu thì là bác gác cổng, thế là ông biết mọi chuyện trong phòng tiếp khách; ngoài nghĩa trang thì là bác phu đào huyệt, thế là ông biết tất cả những chuyện lạ về tang ma. Như vậy, sống giữa những người tu hành, ông có hai nguồn ánh sáng, một soi vào cảnh sống, một soi vào cõi chết. Tuy biết vậy mà ông chẳng làm gì quá đáng bao giờ. Tất cả thánh hội đều tin ở ông. Ông vừa già lại què, mắt mờ, hình như lại nghễnh ngãng nữa, biết bao nét tốt! Khó lòng mà tìm được một người như ông Phôsơlơvăng.
Thế là hôm nay, trước mắt mẹ nhất, tự biết mình được mọi người tin cậy, ông già ấy mạnh dạn bắt đầu nói một câu chuyện quê mùa, dài dòng nhưng sâu sắc ý nghĩa. Ông kể lể mãi về việc tuổi ông đã già, lại mang tật nó chứng kia; mỗi năm mỗi yếu đi, mà công việc vườn tược mỗi ngày một nhiều; nào vườn thì rộng, nào phải đêm hôm làm lụng, như đêm vừa qua, nhân có trăng, ông phải cặm củi trải rơm che vườn dưa. Thế rồi ông kết thúc câu chuyện như sau: ông có một người em trai (mẹ nhất cựa mình) - người em đã có tuổi (mẹ nhất cựa mình lần thứ hai, nhưng cựa mình yên tâm) - nếu được phép, người em sẽ đến cùng với ông để giúp việc làm vườn bởi vì hắn ta làm vườn rất giỏi, - thánh hội sẽ được công được việc. Còn như nếu thánh hội từ chối thì ông bắt buộc và hết sức lấy làm tiếc là phải xin nghỉ việc, nởi vì ông đã già nua lại tật bệnh, - người em ông lại có một đứa cháu gái nhỏ sẽ mang theo, đứa bé sẽ được giáo dục trong lòng Chúa và sau này biết đâu nó không trở thành một bà xơ trong nhà tu.
Ông vừa dứt lời thì mẹ nhất ngừng tay lần tràng hạt, bảo:
- Từ giờ đến chiều, lão có kiếm đâu được một thanh sắt to không?
- Để làm gì ạ?
- Để bẩy.
- Bẩm mẹ, được ạ.
Mẹ nhất liền đứng dậy, không nói thêm nửa lời - mẹ sang buồng bên cạnh là buồng họp hình như có các mẹ khác đang tụ tập ở đây. Phôsơlơvăng còn lại một mình trong phòng.
III
MẸ INÔXĂNGTƠ
Mười lăm phút trôi qua. Mẹ nhất trở lại phòng, ngồi trên chiếc ghế.
Trong cuộc đối thoại, hai người đều có vẻ lo âu. Chúng tôi xin cố gắng ghi đúng câu chuyện trao đổi như sau:
- Lão Phôvăng ạ.
- Bẩm mẹ dạy gì?
- Lão biết nhà nguyện chứ?
- Hàng ngày con vẫn được lên cái buồng nhỏ để nghe kinh và xem lễ.
- Thế lão có vào sàn hát bao giờ không?
- Bẩm, con có vào vài ba lần.
- Phải bẩy một tảng đá.
- Bẩm có nặng không ạ?
- Tảng đá bên cạnh bàn thờ.
- Bẩm tảng đá đậy cái hầm ấy à?
- Phải.
- Giá được hai người đàn ông thì tốt quá.
- Mẹ Atxăngxiông sẽ giúp lão một tay, bà ấy khỏe chẳng kém gì đàn ông.
- Đàn bà thì chẳng bao giờ khỏe bằng đàn ông.
- Chúng ta chỉ có một phụ nữ để giúp lão thôi. Bà ấy sẽ cố gắng, làm được chừng nào hay chừng ấy. Linh mục Mabiông kể bốn trăm mười bảy thư của thánh Bécna, còn Méclônuyt Hoócchiuyt chỉ được có ba trăm sáu mươi bảy, không vì thế mà tôi coi nhẹ Méclônuyt Hoócchiuyt.
- Con cũng vậy.
- Làm hết sức mình là đáng quý rồi. Nhà tu đâu có phải là công trường.
- Và đàn bà cũng chẳng phải là đàn ông. Chú em tôi nó khỏe lắm.
- Lão còn có đòn để bẩy kia mà.
- Vâng, phải có thứ chìa khóa ấy mới mở nổi cái loại cửa ghê gớm kia.
- Tảng đá còn có cái vòng sắt nữa.
- Con sẽ luồn đòn bẩy qua cái vòng ấy.
- Và tảng đá xoay được.
- Bẩm mẹ, được. Con sẽ mở hầm.
- Có bốn mẹ sẽ đỡ việc lão.
- Thế mở xong thì làm gì ạ?
- Rồi phải đóng lại.
- Thế là xong ạ?
- Chưa.
- Bẩm mẹ, xin mẹ cứ dạy.
- Lão Phôvăng ạ. Các mẹ tin lão lắm.
- Con xin làm tất.
- Và phải giữ kín tất.
- Bẩm vâng.
- Mở cửa hầm xong...
- Con sẽ đóng lại.
- Nhưng trước đó...
- Gì cơ ạ?
- Phải đưa xuống hầm một cái gì.
Im lặng một lát. Mẹ nhất, hơi bĩu môi dưới ra như ngập ngừng, rồi nói:
- Lão Phôvăng ạ.
- Lão biết là có một mẹ vừa qua đời sáng nay chứ?
- Bẩm không.
- Thế lão không nghe thấy chuông báo à?
- Ở cuối vườn chỗ con, chẳng nghe thấy gì hết.
- Thật à?
- Con nghe được hồi chuông gọi con cũng đã khó nhọc lắm.
- Mẹ ấy tịch lúc sáng sớm.
- Vả lại sáng nay, gió không thổi về phía con.
- Đó là mẹ Cơruyxiphixiông. Mẹ là một bậc thánh.
Mẹ nhất ngừng lại nói, môi hơi mấp máy như để khẽ cầu nguyện, rồi lại tiếp:
- Ba năm trước đây, chỉ thấy mẹ Cơruyxiphixiông cầu kinh thôi mà bà Đơ Bêtuym phải cải quy đạo Cơ đốc, trước bà ta theo phái Giăngxênit!
- Ái chà! Bẩm mẹ, bây giờ con mới nghe thấy chuông báo tử.
- Các mẹ đã khiêng mẹ Cơruyxiphixiông sang buồng nhà xác, thông với nhà thờ.
- Bẩm vâng.
- Ngoài lão ra, không một người đàn ông nào được vào buồng ấy. Lão phải trông chừng đấy, một người đàn ông nào vào thì chả ra làm sao đâu!
- Hơn thế!
- Cái gì?
- Hơn thế.
- Lão nói gì vậy?
- Con bảo: Hơn thế.
- Hơn thế là hơn cái gì?
- Thưa mẹ bề trên, con không nói hơn thế cái gì. Con nói hơn thế.
- Ta chẳng hiểu lão nói gì cả. Tại sao lão nói hơn thế?
- Bẩm mẹ, để nói như mẹ.
- Ta không nói hơn thế.
- Mẹ không nói như thế, nhưng con nói như thế để nói như mẹ.
Lúc ấy chuông điểm 9 giờ.
Mẹ nhất cầu nguyện:
"Chín giờ sáng và tất cả mọi giờ, ngợi khen và thờ lạy thánh thể rất thiêng liêng".
- Amen, Phôsơlơvăng nói.
Chuông điểm đúng lúc, nó cắt đứt cái chuyện "Hơn thế" nếu không thì mẹ nhất và Phôsơlơvăng không làm thế nào gỡ được cái cuộn chỉ rối ấy.
Phôsơlơvăng lau mồ hôi trán.
Mẹ nhất lại lầm rầm khe khẽ trong miệng như khấn vái, rồi mẹ nói to:
- Lúc sinh thời, mẹ Cơruyxiphixiông cải tôn biết bao nhiêu người. Mất đi, chắc hẳn mẹ làm nhiều phép nhiệm mầu lắm.
- Bẩm, hẳn mẹ sẽ làm nhiều phép nhiệm mầu.
Phôsơlơvăng nói theo và cố gắng giữ hết sức để khỏi hớ lần nữa.
- Lão Phôvăng ạ, tất cả giáo hữu đã được ban phúc qua mẹ Cơruyxiphixiông. Nhất định không phải ai cũng được chết như giáo chủ Đơ Bêruyn trong lúc giảng kinh và gửi hồn lên Chúa khi cầu nguyện Hone igitur oblationem (Vậy xin dâng của lễ này). Tuy không được hạnh phúc ấy, mẹ Cơruyxiphixiông cũng chết một cách quý hóa. Cho tới phút tắt thở mẹ vẫn tỉnh táo. Mẹ còn chuyện trò với chị em chúng ta, rồi mẹ còn cầu kinh nữa. Mẹ đã cho chị em chúng ta những mệnh lệnh cuối cùng. Giá lão là người sùng đạo hơn và giá lão cũng được vào buồng mẹ Cơruyxiphixiông lúc ấy, thì mẹ chỉ sờ vào chân lão, lão đã khỏi tật. Mẹ mỉm miệng cười, tựa như phục sinh trong lòng Chúa. Thật như có thiên đường trong cảnh chết ấy.
Phôsơlơvăng tưởng như nghe thấy bài kinh cầu siêu chấm dứt. Lão nói:
- Amen.
- Lão Phôvăng ạ, người chết muốn sao, ta phải làm như vậy.
Mẹ nhất lần tràng hạt. Lão Phôsơlơvăng im lặng.
Bà lại tiếp:
- Về vấn đề này ta đã xin ý kiến nhiều vị giáo sĩ phục vụ và lo về cuộc sống trong đạo và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.
- Thưa mẹ bề trên, ở đây nghe rõ tiếng chuông báo tử hơn là ở ngoài vườn.
- Vả chăng mẹ Cơruyxiphixiông không phải là một người quá cố bình thường, mẹ là một vị thánh.
- Bẩm cũng như mẹ.
- Từ hai mươi năm nay, mẹ vẫn nằm trong cái áo quan riêng của mẹ do giáo hoàng Pi VII cho phép.
- Người đã làm lễ đăng quang cho Hoàng... Bônapác.
Phôsơlơvăng vốn tinh ranh là thế mà buột miệng nói theo điều ghi nhớ của mình như thế cũng thật rầy. Cũng may mẹ nhất đang bận suy nghĩ không nghe thấy gì.
Mẹ nói tiếp:
- Lão Phôvăng.
- Bẩm mẹ dạy?
- Thánh Điôđorơ, tổng giám mục Capađôxơ, ngỏ ý muốn người ta chỉ ghi mộ mình một chữ này: Acarú, nghĩa là con giun đất. Người ta đã làm theo ý thánh như vậy, có phải không?
- Thưa mẹ vâng.
- Thánh Mêđôcanơ toàn thiện toàn phúc, viện trưởng ở Akila, muốn được chôn dưới một cái giá treo cổ. Điều đó đã được thực hiện.
- Thưa vâng.
- Thánh Têrăngxơ, giám mục địa phận Pô trên cửa sông Tibơrơ vùng bờ bể, muốn người ta khắc trên bia mình cái dấu ghi trên mả những đứa giết cha, mong rằng khách qua đường ai cũng nhổ nước miếng trên mả mình. Điều đó cũng được thực hiện. Phải tuân lệnh người chết.
- Cầu Chúa cho như thế.
- Thi hài của Bécna Ghiđôni, sinh ở nước Pháp, gần Rôdơ Abây, đã được đưa vào nhà thờ dòng Đôminicanh ở Limôgiơ, theo lệnh của Người và mặc dù vua Caxtiơ phản đối, tuy rằng Bécna Ghiđôni là giám mục Tuy ở Tây Ban Nha. Ai nói trái được.
- Nhất định không ạ. Bẩm mẹ.
- Điều này đã được Pơlăngtavít Đơ la Phôxơ chứng thực.
Mẹ lại yên lặng lần thêm vài hạt nữa. Rồi mẹ nói tiếp:
- Lão Phôvăng ạ. Phải chôn mẹ Cơruyxiphixiông trong chiếc quan tài mẹ vẫn nằm từ hai mươi năm nay.
- Như thế là phải ạ.
- Vẫn là tiếp tục ngủ thôi.
- Con sẽ đóng quan tài ấy lại?
- Phải.
- Còn chiếc quan tài của sở thì để lại ạ?
- Đúng thế.
- Con xin tuân lời thánh hội muôn vàn tôn kính.
- Bốn mẹ trong ban đồng ca sẽ giúp lão.
- Giúp việc đóng quan tài ấy à? Bẩm mẹ chả cần ạ.
- Không. Là nói giúp việc đưa quan tài xuống cơ.
- Xuống đâu ạ?
- Xuống hầm.
- Hầm nào ạ?
- Hầm dưới điện thờ.
Lão Phôsơlơvăng giật nảy mình:
- Cái hầm dưới bàn thờ ấy à?
- Đúng, dưới bàn thờ.
- Nhưng...
- Có cái thanh sắt để bẩy mà.
- Vâng, nhưng...
- Luồn thanh sắt vào cái vòng mà bẩy.
- Nhưng...
- Phải tuân lệnh người đã chết. Mẹ Cơruyxiphixiông Chỉ có một nguyện vọng lớn nhất là được chôn cất ở trong hầm mộ dưới bàn thờ nhà nguyện, không phải nằm nơi trần tục. Mẹ muốn yên nghỉ ở nơi lúc sống mẹ thường vẫn cầu kinh. Mẹ đã nói thế, tức là lệnh của mẹ vậy.
- Nhưng, người ta cấm...
- Người trần cấm, nhưng Chúa ra lệnh.
- Nhỡ lộ việc thì sao?
- Chúng ta tin ở lão.
- Con thì sẽ lặng thinh như hòn đá trong vách này.
- Hội đồng đã họp. Các mẹ tư vấn đang bàn và ta cũng vừa hỏi ý kiến xong, các mẹ đã nhất quyết chôn mẹ Cơruyxiphixiông trong áo quan của mẹ, ở cái hầm mộ dưới bàn thờ. Lão Phôsơlơvăng này, hãy nghĩ xem, nếu phép nhiệm màu mà diễn ra ở đây thì thế nào? Vinh quang thay cho tu viện ta từ trong lòng Chúa. Phép mầu từ mộ mà lên đấy.
- Nhưng, bẩm chỉ sợ nhân viên ban vệ sinh...
- Về việc mai táng. Thánh Bơnoa II đã chống lại hoàng đế Côngxtăngtanh Pôgôna.
- Thế nhỡ ông cầm...
- Một trong bảy ông vua Đức xâm nhập các xứ Gôlơ dưới triều vua Côngxtăng là Cônôdơme đã chính thức công nhận quyền của người tu sĩ được chôn cất trong lòng đạo, tức là dưới bàn thờ.
- Nếu ông thanh tra quận...
- Trước thánh giá, người trần tục không có quyền gì hết. Máctanh, giáo trưởng thứ mười một dòng tu Sáctơrơ, đã nêu cái phương châm này cho dòng tu của mình: Stat crux dum volvitur orbis (Tiếng Latinh: cây thánh giá đứng yên trong lúc trái đất xoay vần).
Phôsơlơvăng cầu:
- Amen.
Đó là đối phó bất di bất dịch của lão mỗi khi nghe ai đọc tiếng Latinh.
Đối với một người đã im lặng quá lâu thì gặp bất cứ ai cũng là một dịp để nói hết những điều muốn nói. Nhà hùng biện Gimnatôrát hôm ở tù ra, trong người đầy ắp những lưỡng đoạn luận và tam đoạn luận bị nén, đứng lại trước gốc cây đầu tiên gặp trên đường và đem tất cả tài hùng biện ra để thuyết phục gốc cây đó. Mẹ nhất thường ngày bị kỷ luật im lặng khống chế, bụng đầy những giáo điều, đứng dậy nói thao thao như mở cống:
- Bên phải ta là Bơnoa, bên trái là Bécna. Bécna là ai? Là tu viện trưởng đầu tiên của Cơlécvô. Phôngtenơ đơ Buôcgônhơ là cái xứ sở được phúc Chúa vì là sinh quán của ngài. Cha ngài là Têxơlanh và mẹ ngài là Aletơ. Ngài đã bắt đầu ở Xitô và sau ở Cơlécvô. Ngài đã được phong viện trưởng do giám mục Ghiômơ đơ Săngpô địa phận Salông suya Xônơ, ngài có bảy trăm tu sĩ tập sự và đã dựng 160 nhà tu. Người đã đánh gục Abêla ở hội nghị Xăngxơ năm 1140 và Pierơ đơ Bơruy và Hăngri môn đệ của Pierơ đơ Bơruy và một loại lầm đường khác, bọn Apôxtôlic; ngài đã khuất phục Acnô đơ Bơrexơ, quật ngã như sét đánh linh mục Raun; tên đồ tể giết dân Do Thái; ngài khống chế cả hội nghị Ranhxơ năm 1184, ngài làm cho Ginbe đơ la Pôrê, giám mục Poachiê và Eông đơ Lêtôalơ bị kết án; ngài dàn xếp xích mích của các vua chúa, chỉ bảo cho vua Lui Lơ Giơnơ, làm cố vấn cho giáo hoàng Ơgienơ III, ghép vào quy chế giáo hội Lơtăngpơlơ, kêu gọi thập tự viễn chinh, làm 250 phép màu trong đời mình và có lần 39 phép màu trong một ngày. Bơnoa là ai? Là thánh tổ của Mông Caxanh, là người sáng lập thứ hai của Tính thiêng của tu viện, là Badilơ của giáo hội phương Tây. Dòng đạo của người đã sản sinh 40 giáo hoàng, hai trăm giáo chủ, năm mươi thánh tổ, một nghìn sáu trăm tổng giám mục, bốn nghìn sáu trăm giám mục, bốn hoàng đế, mười hai đế hậu, bốn mươi sáu vua, bốn mươi mốt hoàng hậu, ba nghìn sáu trăm vị được phong thánh và tồn tại từ một nghìn bốn trăm năm nay. Một bên thánh Bécna, một bên viên chức vệ sinh; một bên thánh Bơnoa, một bên viên thanh tra lục lộ. Nhà nước, sở lộ chính, sở tang tế, luật lệ cơ quan hành chính, chúng ta không biết. Bao nhiêu người sẽ phẫn nộ trước sự đối xử với chúng tôi. Họ tước cả của chúng tôi các quyền hiến dâng cát bụi của chúng tôi cho Giêsu Cơrít! Vệ sinh của các anh là một bịa đặc của cách mạng. Chúa trời phụ thuộc viên cảnh sát trưởng! Thời thế như thế đấy. Im đi thôi, lão Phôvăng!
Dưới trận mưa rào ấy, Phôsơlơvăng rất lúng túng. Mẹ nhất nói tiếp:
- Ai mà chối cãi được quyền chôn cất tu sĩ của các tu viện? Chỉ có bọn tà đạo và bọn lạc đường phủ nhận nó thôi. Chúng ta đang sống trong một thời đại hỗn loạn ghê gớm. Người ta không biết những điều phải biết mà lại biết những điều không nên biết. Ngu muội và vô đạo. Trong thời đại này có những người lầm vị thánh Bécna tối cao tối đại với Bécna gọi là "Bécna của những người Giatô nghèo", một giáo sĩ hiền từ ở thế kỷ XIII. Có kẻ phỉ báng đến nỗi liên hệ máy chém chém Lui Xvi với thập tự giá đóng đinh Giêsu Cơrít. Lui XVI chỉ là một ông vua. Phải coi chừng Chúa. Không còn cái gì công bằng, cái gì là bất công nữa. Người ta biết tên Vônte mà không biết tên Xêda đơ Buy; thế mà Xêda đơ Buy là một bậc hằng phúc, còn Vônte thì là một tên khốn khổ. Vị tổng giám mục cuối cùng, giáo chủ Pêrigo, không biết cả rằng Sáclơ đơ Gôngđơren đã kế tục Bêruyn, Buôcgoanh đã kế tục Gôngđơren, Giăng Phơrăngxoa Xơnôn kế tục Buôcgoanh và cha Xanhà tuơ Máctơ kế tục Giăng Phơrăngxoa Xơnôn. Người ta nhớ tên linh mục Côtông, không phải vì ông là một trong ba người đã góp phần sáng lập dòng Oratoarơ, mà là vì vua đạo cải cách Hăngri IV đã hay văng tục với cái tên ông ấy. Còn Xanh Phơrăngxoa đơ Xan người đời thích vì ngài ấy hay gian lận trong cờ bạc. Người ta đả kích tôn giáo. Vì sao? Vì đã có những linh mục xấu, vì Xagite, giám mục Gap là anh em của Xalôn, giám mục Ăngbơren và cả hai đã đi theo Mommon. Điều đó có làm sao? Có phải vì thế mà Máctanh đơ Tua không phải là Thánh và không cắt đôi tấm áo khoác cho một người nghèo? Người ta khủng bố các vị thánh, người ta nhắm mắt trước chân lý. Đêm tối đã thành thói quen. Những con thú dữ tợn nhất là những con thú mù. Chẳng ai nghĩ đến địa ngục! Ôi! Cái quần chúng xấu xa độc ác! Lệnh vua bây giờ là lệnh của cách mạng. Người ta không còn biết phải làm gì cho người chết. Cấm không được chết một cách tinh thành. Mồ mả là chuyện hành chính. Ghê tởm quá. Giáo hoàng Xanh Lêông II đã gửi thông điệp đặc biệt, một cho Pierơ Note, một cho vua của người Vidigốt, để phản đối và bác bỏ quyền hành của quan thái thú và quyền vô thượng của Hoàng đế trong vấn đề tang lễ. Côchiê, giám mục Xalông về vấn đề này đã đương đầu với Ôtông, công tước Buôcgônhơ. Các vị thẩm phán xưa cũng đồng tình. Ngày xưa chúng tôi có quyền phát biểu về cả việc đời. Viện trưởng tu viện Xitô, trưởng dòng, là thẩm phán chỉ định của tòa thượng thẩm Buôcônhơ. Chúng tôi được toàn quyền xếp đặt những người chết của chúng tôi. Cả thi hài của thánh Bơnoa chẳng chôn ở tu viện Phơlơry, còn gọi là Xanh Bơnoa Xuya Loarơ ở đất Pháp là gì, mặc dù ngài chết trên đất Ý, ở Mông Caxanh, ngày thứ bảy 21 tháng 3 băm 543? Tất cả những sự việc ấy là hiển nhiên không chối cãi được. Ta ghét những kẻ cầu nguyện giả dối, ta thù những quân tà đạo, nhưng ta còn thù ghét hơn kẻ nào nói trái những điều đó. Chỉ cần đọc lại Acnun Viêng, Gabơrien Buyxơlanh, Tơritemơ, Môrôliquyt và Luych Đasơri.
Mẹ nhất nghỉ để thở, rồi quay lại bảo Phôsơlơvăng:
- Lão Phôvăng, thế là được chứ?
- Bẩm mẹ, vâng, được ạ.
- Trông cả ở lão được chứ?
- Con xin tuân lệnh.
- Tốt lắm!
- Con xin hết lòng với tu viện.
- Được rồi. Lão đóng quan tài. Các bà khiêng quan tài vào nhà nguyện. Cầu kinh xong họ trở lại nhà tu. Khoảng giữa mười một giờ và nửa đêm, lão sẽ mang thanh sắt đến. Việc gì cũng tiến hành hết sức bí mật. Ở nhà nguyện chỉ có bốn mẹ trong ban đồng ca, mẹ Atxăngxông và lão thôi.
- Và bà xơ đứng cọc.
- Bà ấy sẽ không quay mặt lại.
- Bà ấy sẽ nghe thấy.
- Bà ấy không lắng tai nghe. Vả lại điều nhà tu kín biết thì người đời không biết.
Mẹ nhất nghỉ một lần nữa rồi mới nói tiếp:
- Lão sẽ cởi bỏ chiếc nhạc. Không cần để cho bà đứng cọc biết là có lão ở đấy.
- Bẩm mẹ rất kính...
- Gì thế?
- Ông y sĩ đến khám chưa ạ?
- Bốn giờ rưỡi chiều hôm nay. Đã có hiệu chuông cho người đi báo. Thế ra lão không nghe tiếng chuông hiệu lệnh nào cả ư?
- Con chỉ chăm chú nghe hiệu chuông gọi con thôi.
- Cái đó tốt, lão Phôvăng ạ.
- Bẩm mẹ chắc phải kiếm cái đòn dễ đến vài mét.
- Kiếm đâu được?
- Có song sắt làm rào là có đòn. Ở góc vườn, con có chất cả một đống.
- Khoảng mười một giờ mười lăm tối nay, chớ có quên.
- Bẩm mẹ rất kính...
- Gì?
- Nếu có công việc khác như thế này nữa thì chú em con rất khỏe. Khỏe như vâm!
- Lão phải lo làm hết sức nhanh, càng nhanh càng hay.
- Con không làm nhanh lắm được. Con có tật. Vì vậy nên cần có người giúp. Con thọt.
- Thọt không phải là một tội lỗi. Có khi là một điều phúc cũng nên. Hoàng đế Hăngri II, người đã chống lại ngụy giáo hoàng Gơrêgoa và khôi phục Bơnoa VIII có hai biệt hiệu Vua thánh và Vua thọt.
Phôsơlơvăng tai hơi nghễnh ngãng, lẩm bẩm:
- Đến hai áo khoác, tốt quá nhỉ.
- Lão Phôvăng này, ta đã nghĩ. Cho trọn một giờ đi. Không đến nỗi nhiều quá đâu. Lão hãy có mặt bên cạnh bàn thờ chính với cái thanh sắt vào 11 giờ. Buổi lễ bắt đầu lúc 12 giờ đêm. Mười lăm phút trước là phải xong xuôi hết cả.
- Con sẽ làm hết sức để tỏ lòng nhiệt thành của con với tu viện. Dứt khoát như thế. Con đóng nắp áo quan. Mười một giờ đúng con sẽ ở trong nhà nguyện. Các mẹ trong ban đồng ca ở đấy rồi. Mẹ Axăngxiông cũng có mặt. Giá được hai người đàn ông thì hay hơn. Nhưng thôi được, con sẽ mang thanh bẩy. Chúng con sẽ mở hầm mộ, đưa áo quan xuống, rồi đậy lại nắp nhà mồ. Thế là xong, không còn dấu vết gì nữa. Chính phủ sẽ không nghi ngờ gì. Thôi mẹ tôn kính, thế là xong xuôi cả phải không ạ?
- Không.
- Còn cái gì nữa ạ?
- Còn cái quan tài trống.
Ngừng một lát. Phôsơlơvăng nghĩ ngợi. Mẹ nhất nghĩ ngợi.
- Lão Phôvăng này, làm thế nào với cái quan tài ấy?
- Cứ việc mang đi chôn.
- Khiêng trống không à?
Lại im lặng. Lão Phôsơlơvăng vẫy vẫy bàn tay trái như muốn xua đuổi một ý nghĩ gì làm cho lão lo sợ.
- Bẩm mẹ, tay con đã đóng quan tài ấy lại; có ai được vào đấy đâu; thế rồi con cứ phủ tấm vải che lên trên.
- Thế còn bọn phu đòn, lúc họ khiêng quan tài lên xe, rồi lúc hạ huyệt, họ thấy nhẹ không.
Ông Phôsơlơvăng bỗng rủa to:
- Ôi chao! Qu...!
Mẹ nhất giơ tay làm dấu thánh và đăm đăm nhìn Phôsơlơvăng. Ông nghẹn cổ, nuốt vào cổ mấy âm quỷ sứ.
Ông vội vàng nghĩ ra một mưu kế để đánh lảng câu nguyền rủa:
- Bẩm mẹ, con sẽ cho đất vào quan tài. Cũng sẽ nặng nặng như có người ấy.
- Phải đấy. Đất thì cũng như người thôi. Thế là lão sẽ thu xếp cho xong việc cái quan tài rỗng ấy nhé?
- Cứ để mặc con.
Nét mặt mẹ nhất từ nãy bối rối, lo âu bỗng trở nên sáng sủa. Bà ra hiệu cho kẻ bề dưới được ra ngoài. Phôsơlơvăng đi ra phía cửa. Ông vừa định bước chân ra, thì bà dịu dàng lên tiếng:
- Lão Phôvăng, tôi bằng lòng lắm. Ngày mai, sau khi đưa tang, lão dẫn em lão đến đây, bảo mang cả con bé lại nữa.
IV
GIĂNG VANGIĂNG CÓ VẺ ĐÃ ĐỌC LẦU ÔTSTANH CATSTILEGIÔ
Người thọt dẫu có bước nhanh thì cũng như người chột muốn liếc mắt nhìn ngang: không làm sao đến đích cho nhanh được. Vả lại, tâm thần Phôsơlơvăng rối tung. Phải đến mười lăm phút, ông mới lê được về đến căn nhà nơi góc vườn. Côdét đã dậy. Giăng Vangiăng đặt nó ngồi bên đống lửa. Vừa lúc Phôsơlơvăng bước vào nhà thì Giăng Vangiăng đang chỉ cái giỏ treo trên tường mà bảo:
- Con ạ, con nghe kỹ đây này. Bây giờ hai bố con mình phải ra khỏi nhà này: ra rồi lại trở vào, ở đây tha hồ sướng. Ông già này sẽ cho con vào giỏ để mang con ra. Con đợi bố ở nhà một bà quen biết. Bố sẽ đến đón. Nhớ kỹ, con phải vâng lời mà nín thin thít không thì mụ Tênácđiê lại đến bắt cho mà xem.
Côdét nghiêm trang gật đầu.
Thấy tiếng Phôsơlơvăng đẩy cửa, Giăng Vangiăng quay lại:
- Thế nào bác?
- Xong xuôi cả, thế mà lại chưa đâu vào đâu. Đã được phép đưa bác vào ở đây. Nhưng phải đưa bác ra trước đã. Thế mới kẹt chứ! Cháu bé thì dễ lắm.
- Bác mang cháu đi à?
- Cháu có im được không?
- Bác cứ tin ở tôi.
- Thế còn bác, bác Mađơlen ơi?...
Sau một lát yên lặng nặng nề, ông Phôsơlơvăng kêu lên:
- Bác vào lối nào thì cứ lối ấy mà ra chứ sao!
Giăng Vangiăng chỉ trả lời gọn lỏn như lần trước: "Không thể được".
Phôsơlơvăng lầm bầm như muốn nói một mình chứ không phải nói với Giăng Vangiăng:
- Có một việc khác làm mình dằn vặt. Mình nói mình sẽ đổ đất vào. Ấy thế nhưng mà mình nghĩ lại thấy đất mà thay cho xác chết thì chẳng giống tí nào. Không ổn đâu, đất xê dịch, đất động đậy, người khiêng sẽ nhận thấy điều đó. Bác Mađơlen hiểu chứ, bọn phu nhận thấy được chính phủ cũng sẽ nhận thấy.
Giăng Vangiăng nhìn thẳng vào mắt lão và tưởng lão mê sảng.
Lão lại nói:
- Bác ra cách đếch nào bây giờ? Mai là phải xong xuôi cả. Mai tôi phải dẫn bác vào đây rồi. Mẹ nhất chờ bác đấy.
Nói xong, ông cắt nghĩa cho Giăng Vangiăng biết là được như thế, bởi vì ông đã giúp giáo hội được một việc và người ta thưởng công cho ông ta: là ông cũng được dự phần chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông; là ông đóng áo quan và giúp việc hạ huyệt. Còn mẹ Cơruyxiphixiông qua đời sáng nay, theo yêu cầu của mẹ, thì đặt trong quan tài riêng mà bà vẫn nằm và chôn ngay trong hầm mộ dưới bàn thờ của nhà nguyện. Sở cảnh sát cấm ngặt việc này. Nhưng mẹ Cơruyxiphixiông thuộc loại nữ tu sĩ muốn gì cần phải được nấy. Mẹ nhất và các mẹ khác đều nhất định làm theo ý nguyện của người đã chết, còn thì mặc kệ chính phủ. Lão Phôsơlơvăng này sẽ đóng cái quan tài trong buồng riêng, rồi mở nắp hầm mộ ra mà chôn dưới hầm. Mẹ nhất đền ơn ông lão bằng cách, cho người em lão và đứa cháu gái được ở trong nhà tu, ông làm vườn, cháu đi học. Người em ấy, chính là ông Mađơlen, đứa cháu gái là Côdét. Mẹ nhất bảo chiều mai phải dẫn hai người vào, sau cuộc đưa ma giả. Nhưng làm thế nào để dẫn ông Mađơlen vào được, khi ông Mađơlen vẫn ở trong này. Đấy là điều lúng túng thứ nhất; thứ hai là còn chiếc quan tài rỗng.
Giăng Vangiăng hỏi:
- Cái quan tài rỗng là thế nào?
- Cái quan tài của Nhà nước ấy mà.
- Quan tài nào? Nhà nước nào?
- Có một mẹ chết. Người y sĩ thành phố đến khám và bảo có một mẹ chết. Thế là chính phủ đưa một cái quan tài đến. Ngày hôm sau, chính phủ lại đưa xe và phu đòn đến để đưa ra nghĩa trang. Phu đến, khiêng quan tài lên, sẽ thấy nhẹ bỗng.
- Cứ nhét cái gì vào đấy.
- Một xác chết à? Tôi làm gì có.
- Không.
- Thế cái gì?
- Một người sống.
- Ai cơ?
- Tôi.
Phôsơlơvăng giật bắn người đứng dậy, như thể có pháo nổ ngay dưới ghế.
- Bác ấy à?
- Chứ sao?
Giăng Vangiăng mỉm cười, - cái mỉm cười hãn hữu như một tia sáng trong bầu trời mùa đông.
- Bác Phôsơlơvăng này, bác chả vừa nói: Mẹ Cơruyxiphixiông chết, mà tôi chả nói thêm "còn lão Mađơlen thì phải chôn đi" à? Thế mà thành sự thật đấy.
- Bác chỉ hay nói bóng.
- Nói thật đấy chứ. Phải ra khỏi đây phải không?
- Vâng.
- Tôi đã bảo bác cũng phải kiếm cho tôi cái giỏ và tấm bạt.
- Thế sao?
- Giỏ thì giỏ gỗ thông, còn bạt thì là tấm chăn liệm đen.
- Không, khăn trắng chứ. Đám tang các nữ tu sĩ tuyền trắng hết.
- Ừ thì trắng.
- Bác Mađơlen, bác thật khác người.
Thấy những điều tưởng tượng như vậy, những điều tưởng tượng đó vốn chỉ là những phát minh tự nhiên và táo bạo trong tù, vượt qua sự yên ổn thường nhật, can thiệp vào nề nếp của tu viện, đó là những điều khiến lão Phôsơlơvăng kinh ngạc, đó là những người qua đường nhìn thấy chim hải âu bắt cá trong rãnh nước phố Xanh Đơni. Giăng Vangiăng nói tiếp:
- Cần phải ra khỏi đây mà không bị lộ. Cách ấy cũng tiện. Nhưng tôi hỏi bác cái này. Công việc tiến hành thế nào? Cái quan tài ấy để đâu?
- Cái quan tài rỗng ấy à?
- Phải.
- Ở dưới kia, dưới nhà xác. Quan tài đặt trên hai cái giá, phủ một cái chăn liệm.
- Quan tài dài bao nhiêu?
- Hai thước.
- Nhà xác là thế nào?
- Đấy là một buồng ở tầng nền, có một cửa sổ trông ra vườn, căng lưới sắt, muốn đóng cửa phải đứng phía ngoài mà đóng; và có hai cửa ra vào, một thông với nhà tu, một thông ra nhà thờ.
- Nhà thờ nào?
- Nhà thờ ngoài phố đấy, nhà thờ chung của dân.
- Bác có chìa khóa hai cửa ấy không?
- Không. Tôi chỉ giữ chìa khóa cửa vào nhà tu; còn chìa khóa cửa kia thì bác gác giữ.
- Lúc nào thì bác gác mở cửa?
- Chỉ mở một lần cho phu đòn vào khiêng quan tài xong lại đóng ngay.
- Ai đóng quan tài?
- Tôi.
- Ai phủ khăn liệm?
- Tôi.
- Chỉ có một mình bác?
- Phải, ngoài tôi và ông y sĩ của sở cảnh sát không người đàn ông nào được vào buồng ấy. Trên tường, có viết hẳn hoi như thế.
- Đêm nay, lúc nhà tu ngủ cả, bác có cách nào giấu tôi vào buồng ấy được không?
- Không: nhưng có một cái kho hẹp thông với nhà xác, để dụng cụ chôn cất; có thể giấu bác ở đấy được. Tôi giữ kho ấy, lại có chìa khóa.
- Mấy giờ mai xe tang đến đưa quan tài đi?
- Độ ba giờ chiều. Chôn ở nghĩa địa Vôgira, lúc sẩm tối. Cũng khá xa.
- Tôi sẽ trốn trong buồng kho suốt đêm nay và buổi sáng sớm. Còn ăn uống thì thế nào. Bị đói mất.
- Tôi sẽ mang cái ăn đến cho bác.
- Thế là đến hai giờ trưa, bác đến đóng quan tài của tôi lại.
Phôsơlơvăng lùi lại một bước, bẻ khúc tay kêu răng rắc.
- Không làm thế được.
- Có gì đâu, cứ việc cầm búa mà nện cho đinh ăn phập vào tấm ván mà!
Điều đối với Giăng Vangiăng thật giản dị thì Phôsơlơvăng lại thấy dị thường. Giăng Vangiăng đã từng gặp nhiều khúc eo nguy hiểm hơn. Đã ở tù thì ai cũng biết cái nghệ thuật tài tình là thu mình cho lọt tất cả những khe hở để mà trốn thoát. Kẻ tù nhân bao giờ cũng mong vượt ngục, cũng như người ốm tất gặp lúc lên cơn, một là sống hai là chết. Vượt ngục, tức là khỏi bệnh này. Muốn khỏi bệnh thì làm gì chẳng phải làm? Để người ta đóng đinh lên quan tài mình nằm, rồi để người ta khuân đi như khuân một kiện hàng, sống khá lâu trong cái hòm kín mít, thở trong một nơi không có không khí, biết cách hà tiện hơi thở hàng mấy giờ liền, biết cách chịu ngạt mà không chết; đấy là tất cả tài nghệ não lòng của Giăng Vangiăng. Nhưng một cái áo quan đựng một người sống, mưu mẹo của một tù nhân khổ sai cũng là mưu mẹo của một vị hoàng đế. Nếu tin lời linh mục Ôtstanh Catstilêgiô, đây là cái mẹo của Sáclơ Canh dùng sau khi ông đã thoái vị để gặp lại một lần cuối cùng La Pôlômbơ: bằng cách ấy người ta đã đưa nàng kia vào trong tu viện Xanh Giuyt, rồi lại đưa ra.
Phôsơlơvăng đã hơi hoàn hồn, ông nói:
- Làm thế nào để thở được?
- Tôi thở được.
- Trong cái hòm ấy à? Tôi chỉ nghĩ đến cũng đủ chết ngạt rồi.
- Chắc là bác có mũi khoan; bác khoan cho tôi mấy lỗ nhỏ quanh chỗ mồm và lúc đóng ván thiên, bác chớ đóng khít quá.
- Được, thế nhỡ bác ho hay hắt hơi thì sao?
- Đã đi trốn thì không ho, cũng không hắt hơi.
Giăng Vangiăng lại nói thêm:
- Bác ạ, ta phải nhất quyết đi thôi: một là bị bắt ở đây hai là phải chui vào xe tang mà ra.
Chắc ai cũng nhận thấy giống mèo ưa cái thú dừng lại quẩn quanh giữa hai cánh cửa hé mở. Ai chả bảo con mèo thì mày vào đi. Người cũng vậy, có những kẻ đứng trước một khó khăn vừa chợt tới thì cũng hay lưỡng lự giữa hai thái độ, để đến nỗi có khi số mệnh chợt ấp xuống nghiền nát mình và kết thúc sự kiện. Những kẻ quá thận trọng, mặc dù cẩn thận như mèo và chính vì họ là mèo, đôi khi gặp nguy hiểm hơn là những kẻ táo bạo. Phôsơlơvăng thuộc vào hạng người hay lưỡng lự như thế. Nhưng dù sao, sự gan dạ của Giăng Vangiăng cũng thắng được ông. Ông lầm bầm:
- Ngoài cách ấy cũng không còn cách nào khác.
Giăng Vangiăng lại nói:
- Tôi chỉ ngại có một điều là ra ngoài nghĩa địa không biết công việc sẽ thế như nào.
- Ấy, cái ấy tôi lại không lo. Nếu bác biết cách nằm trong quan tài vô sự, thì tôi, chắc chắn là tôi sẽ lôi được bác lên khỏi huyệt. Cái lão đào huyệt, tôi quen thân, lúc nào cũng say bí tỉ. Lão Métchiên ấy mà. Lão đào huyệt bỏ người chết trong huyệt mà tôi thì tôi bỏ lão đào huyệt trong túi tôi. Công việc thế nào, để tôi nói bác rõ. Đến nghĩa trang lúc sắp tối, khoảng bốn mươi nhăm phút trước khi nghĩa trang đóng cổng. Xe tang đi đến tận huyệt; việc của tôi là phải đi theo xe. Tôi sẽ bỏ túi một cái búa, một cái đục và một cái kìm. Lúc xe đỗ, bọn phu đòn lấy thừng buộc quan tài lại, hạ bác xuống huyệt. Linh mục cầu kinh, làm dấu, rẩy nước thánh rồi chuồn. Thế là chỉ còn tôi với lão Métchiên. Ấy, bạn nối khố đấy nhé. Chỉ có hai điều, một là hắn say túy lúy, hai là không say. Không say thì tôi chỉ bảo: "Này, quán Bông-quăng còn mở đấy, ra làm một tợp đi". Thế là cứ việc kéo hắn đi, rồi đổ rượu cho hắn say. Lão Métchiên thì chỉ một chốc là say mềm vì lúc nào hắn cũng đã sẵn ngà ngà. Lúc ấy tôi sẽ đặt hắn nằm xuống gầm bàn rồi lấy tấm thẻ của hắn để vào nghĩa trang một mình. Thế là chỉ còn một mình tôi với bác. Còn nếu hắn đã say sẵn thì chỉ việc bảo: "Thôi, cút đi, không ai khiến, mình làm hộ cho". Hắn đi là tôi cứ việc kéo bác ở dưới hố lên.
Giăng Vangiăng chìa bàn tay ra, ông Phôsơlơvăng ôm chầm lấy với tất cả tấm tình nồng nàn, chất phác.
- Cứ thế, bác Phôsơlơvăng nhé. Rồi ổn cả.
Phôsơlơvăng nghĩ thầm:
- Miễn là không gặp trở ngại gì. Không thì nguy lắm.
V
NGHIỆN RƯỢU CHƯA ĐỦ ĐỂ TRỞ THÀNH BẤT TỬ
Ngày hôm sau, vào lúc xế chiều, khách bộ hành thưa thớt trên đại lộ hạt Mennơng ngả mũ chào một chiếc xe tang kiểu cũ kỹ. Xe chạm trổ những đầu lâu, xương ống chân và những giọt lệ. Trong xe, đặt một cái quan tài phủ chăn trắng có một chữ thập đen lớn nằm dài trông như một xác chết, tay buông thõng. Theo sau là một cái xe song mã, có một linh mục bận áo lễ ngắn và một chú bé giúp lễ đội mũ chụp màu đỏ. Hai người phu đòn bận đồ xám viền đen đi hai bên chiếc xe tang. Phía sau là một ông già mặc quần áo thợ đi khập khiễng. Đám tang đi về phía nghĩa trang Vôgira.
Ở túi áo ông già, thấy thò ra một cái cán búa, một lưỡi đục và hai cái kìm.
Nghĩa trang Vôgira là một nghĩa trang đặc biệt ở Pari. Nó có những tập tục riêng, lại có hai cổng, một cổng cho xe đi và một cổng xép. Trong xóm các cụ già cứ quen lối gọi cũ là cổng ngựa và cổng bộ. Các mẹ trong nhà tu Pơti Pichpuýt được chôn ở một khu riêng, chôn vào buổi tối. Khu này nguyên trước thuộc về giáo hội của họ. Bởi vậy, những phu đào huyệt ở nghĩa trang này có công việc phải làm thêm vào chiều tà nếu là mùa hè, vào đêm nếu là mùa đông, theo một kỷ luật riêng. Các nghĩa trang ở Pari thời ấy, cứ tối đến là đóng cổng; đấy là lệnh chung của thành phố nên nghĩa trang Vôgira cũng phải tuân theo. Cái cổng ngựa và cổng bộ đều là cổng sắt, giáp liền với nhau. Kế liền đó là một cái chòi do nhà kiến trúc Peronnê xây nên và để cho bác gác cổng ở. Cứ lúc mặt trời khuất sau nóc nhà điện Anhvalit thì cánh cổng sắt lại nhất thiết quay rít trên bản lề. Chẳng may lúc ấy có bác phu đào huyệt nào còn vẩn vơ trong nghĩa trang thì chỉ có một cách duy nhất để ra ngoài là trình tấm thẻ do cơ quan trông nom việc tang ma của nhà nước cấp phát. Có một cái hòm như hòm thư treo ở cửa sổ nhà bác gác. Bác phu cứ việc ném cái thẻ của mình vào hòm, tức thì bác gác nghe thấy, bác kéo cái dây và cổng bộ từ từ mở. Nếu có ai quên thì bác gác đôi khi đã vào ngủ liền trở dậy ra nhận mặt, rồi mở khóa cổng. Người phu quên thẻ được ra nhưng phải nộp mười lăm phơrăng tiền phạt.
Cái nghĩa địa này với những cái độc đáo ngoại lệ không khớp với cảnh cân đối hành chính cho nên người ta đã hủy bỏ nó ít lâu sau 1830. Nghĩa địa Môngpácnaxơ, cũng gọi là nghĩa địa Nam thay thế cho nó và thừa hưởng cái quán rượu nổi tiếng sát vách với nghĩa địa Vôgira. Quán rượu này trên mái có một quả thị vẽ sơn dầu trên một tấm ván. Quán này quay một phía ra các dãy bán rượu, một phía ra các hàng mồ mả, với mộ cái biển: Quán Bông-quăng (Auboncoing: quả mộc qua ngon).
Nghĩa trang Vôgira có thể gọi là một nghĩa trang đã đến lúc tàn, không hợp thời nữa. Cỏ hoa đã chết từ lâu chỉ còn rêu phong lan dần khắp chỗ. Những người có của không thiết gì được chôn cất ở Vôgira. Vì nó mang cái dáng kẻ nghèo. Nghĩa trang Pe Lasedơ thì nói gì! Được chôn ở Pe Lasedơ chẳng khác gì trong nhà có bàn ghế gụ. Thanh lịch gặp nhau ở đấy. Còn nghĩa trang Vôgira là một nơi cổ kính; vườn trồng theo kiểu cũ. Đường đi thẳng tắp, trồng nào hoàng dương, nào tùng, nào bách, nào ô rô, với những ngôi mộ cổ dưới bóng thông già, cỏ mọc cao vút. Chiều đến thì phong cảnh thê lương, nổi lên những đường nét vô cùng ảm đạm.
Lúc xe tang phủ khăn trắng có chữ thập đen đi vào đại lộ nghĩa trang Vôgira thì mặt trời chưa khuất hẳn. Người khập khiễng sau xe tang chính là Phôsơlơvăng.
Việc chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông nơi hầm mộ dưới bàn thờ, việc đưa Côdét ra ngoài, việc Giăng Vangiăng trốn vào nhà xác, tất cả mọi việc đều trôi chảy, không gặp khó khăn gì.
Cũng nói qua rằng việc chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông dưới bàn thờ của tu viện, chúng tôi coi là một điều vi phạm nhỏ thôi. Đây là một tội lỗi có vẻ như một nhiệm vụ. Các bà nữ tu sĩ đã làm như vậy không những không chút xao xuyến gì mà lại còn như được lương tâm tán thưởng. Trong nhà tu kín, cái gọi là "Chính phủ" thì chỉ là một sự can thiệp vào quyền hành nhà tu, một sự can thiệp khó thừa nhận. Quy tắc trước đã, còn luật pháp thì sau hẵng hay. Các ngươi hãy cứ làm ra luật này, luật khác tha hồ, nhưng hãy giữ những luật pháp ấy cho các người. Thuế qua đường trả cho nhà vua chỉ là phần thừa thuế nộp cho Chúa Trời. Một nguyên thủ không có nghĩa lý gì đối với một nguyên tắc.
Phôsơlơvăng kéo lê chân theo xe tang, lòng khấp khởi mừng thầm. Cả hai điều bí mật, cả hai vụ mưu mô song sinh - một về các mẹ, một về Giăng Vangiăng, một mang quyền lợi nhà tu, một chống lại kỷ luật nhà tu, - cả hai đều thành công. Giăng Vangiăng thì bình tĩnh, cái bình tĩnh mãnh liệt ấy lan sang lão làm vườn. Phôsơlơvăng chắc mẩm sẽ thành công đến đầu đến đũa. Chỉ còn một vài việc dễ như trở bàn tay. Hai năm nay, ông đã từng làm cho Métchiên say rượu đến hàng chục lần, - cái lão má phị, lành như cục đất, làm gì mà chẳng được, thật dễ như bỡn. Lừa thế nào mà Métchiên chẳng mắc. Như xỏ mũi mà dắt. Lão Phôsơlơvăng hoàn toàn yên tâm.
Lúc đám tang vừa rẽ vào đại lộ nghĩa trang. Phôsơlơvăng sướng quá, nhìn xe tang rồi xoa xoa hai bàn tay thô kệch, nói một mình:
- Thật là một trò hề!
Bỗng xe dừng lại, đã đến cổng. Phải trình giấy tờ. Người trông nom đám ma nói gì với bác gác cổng. Trong lúc hai người nói chuyện với nhau, đám tang dừng lại một, hai phút, bỗng có ai, một người lạ mặt, tiến đến đứng ngay sát Phôsơlơvăng, đằng sau xe tang. Trông như một người thợ, hắn mặt một cái áo có túi to tướng, tay xách một cái cuốc.
Phôsơlơvăng nhìn kẻ lạ mặt, hỏi:
- Bác là ai nhỉ?
Người kia trả lời:
- Kẻ đào huyệt.
Phôsơlơvăng sửng sốt như kẻ vừa sống sót sau khi bị đạn đại bác bắn trúng ngực.
- Đào huyệt à?
- Phải.
- Bác ấy à?
- Phải.
- Ông Métchiên cơ mà!
- Trước thì thế.
- Trước là thế nào?
- Ông ấy chết rồi còn đâu!
Phôsơlơvăng ngờ gì thì ngờ, chứ không thể ngờ được rằng một kẻ chôn người mà cũng phải chết. Ấy, nhưng sự thật cứ thế; kẻ đào huyệt cũng chết như ai. Đào hố cho người mãi, rồi cũng đến lúc mở cái hố cho mình.
Phôsơlơvăng há hốc mồm. Ông cố lắp bắp mấy tiếng khe khẽ:
- Không thể như thế!
- Thế mà như thế đấy.
- Nhưng ông Métchiên mới là người đào huyệt cơ mà?
Lão Phôsơlơvăng gắng gượng nói, gần như đuối hơi.
- Sau hoàng đế Napôlêông là vua Lui XVIII. Sau Métchiên là Gơribiê. Bác nhà quê này, tôi là Gơribiê.
Mặt Phôsơlơvăng xám xanh lại; ông nhìn kỹ anh chàng Gơribiê. Một người cao lêu nghêu gầy gò, xanh mét, thật là hình ảnh của tang ma. Hắn có vẻ là một người thầy thuốc bất thành tài xoay ra đào huyệt.
Phôsơlơvăng bật cười:
- Lắm việc quái lạ thật. Lão Métchiên mà cũng chết. Lão Métchiên chết nhưng lão Lơnoa vạn tuế! Bác biết lão Lơnoa là cái gì không? Cái vò vang đỏ thượng hảo hạng! Cái vò rượu của Xuyrexnơ chính cống của Pari. Ái chà! Lão Métchiên chết rồi à. Kể cũng tiếc. Lão biết cái thú sống ở đời lắm. Mà này bác, bác hẳn cũng biết cái thú nhậu nhẹt phải không? Chốc, hai chúng mình làm một hớp rượu nhé.
Người kia trả lời:
- Tôi chân học trò, tôi đã học hết năm thứ tư. Tôi không uống rượu bao giờ.
Cái xe tang lại từ từ lăn bánh trên con đường lớn trong nghĩa trang.
Phôsơlơvăng đi chầm chậm lại. Ông càng khập khiễng, vì lòng rối như tơ vò, chứ đâu chỉ vì chân mang tật.
Anh chàng Gơribiê đi phía trước.
Phôsơlơvăng lại ngắm kỹ cái thằng cha Gơribiê bất ngờ một lần nữa.
Hắn thuộc loại người còn trẻ nhưng đã có vẻ già, gầy nhưng rất khỏe.
Phôsơlơvăng gọi:
- Ông bạn ơi!
Anh chàng quay lại:
- Tôi là người đào huyệt của nhà tu đây.
- Bạn đồng nghiệp của tôi - hắn đáp.
Tuy ông Phôsơlơvăng không có học thức nhưng ông rất tinh ý. Ông biết ngay là gặp phải một tay cừ khôi, một anh chàng lém miệng.
Ông lầm bầm:
- Thế là lão Métchiên chết rồi.
Anh chàng kia trả lời:
- Chết đứt rồi. Chúa Trời đã tra sổ thiên tào, đến lượt Métchiên mà lị. Lão Métchiên chết rồi.
Phôsơlơvăng nhắc lại như cái máy:
- Chúa Trời...
Anh kia dõng dạc:
- Chúa Trời. Các nhà triết học thì gọi là Thượng đế, các người Giacôbanh gọi là Đấng cao cả.
Phôsơlơvăng ấp úng:
- Chúng mình làm quen với nhau đi thôi chứ!
- Quen rồi còn gì. Ông là một nông dân. Tôi thì là người Pari.
- Chưa cùng nhau uống chén rượu thì gọi là quen biết làm sao được. Có cạn chén mới cạn lòng. Rồi bác cùng đi với tôi nhé. Chắc bác chẳng tiện từ chối.
- Nhưng làm xong việc đã.
Phôsơlơvăng nghĩ thầm: chết bỏ mẹ rồi.
Chỉ còn một vài vành bánh xe nữa là đến con đường nhỏ đi vào khu mộ các mẹ.
Anh chàng Gơribiê nói:
- Bác ạ, tôi phải nuôi bảy đứa nhỏ. Chúng nó phải ăn, tất mình phải nhịn rượu.
Thế rồi hắn nói thêm, ra vẻ đắc ý vì đã tìm được một câu nói ý vị:
- Chúng nó no thì tôi khát, no, khát thù nhau.
Xe tang lượn quanh lùm cây trắc bá, rời con đường lớn rẽ vào con đường nhỏ, rồi vào một khu những mộ đất đầy cỏ dại. Đã đến sát huyệt.
Phôsơlơvăng đi chậm lại, nhưng không sao giữ cái xe đi chậm lại được. Cũng may, đất thì xốp, mưa lại nhiều nên bánh xe quánh những bùn, nặng nhọc lắm mới tiến lên được.
Ông già đến gần anh chàng kia, thì thầm:
- Có rượu Acgiăngtơi ngon lắm.
- Cái bác nhà quên này! Xin nhớ cái nghề chôn người này không phải là nghề tôi nhé. Ông cụ nhà tôi trước gác cổng ở trường thiếu sinh quân. Ông cụ định cho tôi theo nghề văn. Nhưng chẳng may, nhà gặp nạn, bị thua lỗ ở Sở giao dịch. Thế là tôi bỏ nghề văn, nhưng vẫn viết mướn.
Phôsơlơvăng thấy có cành cây mỏng mảnh có thể cứu mình, ông bám lấy:
- Thế bác không phải làm nghề đào huyệt à?
- Cả hai; ai cấm tôi kiêm nhiệm cả hai?
Ông Phôsơlơvăng không hiểu "kiêm nghiệm" là gì. Ông nói:
- Đi uống rượu đi.
Cần phải chú ý điều này. Mặc dù Phôsơlơvăng đang rối bời cả ruột gan, khi ông rủ anh chàng kia đi uống rượu, ông không nói rõ một điều là ai sẽ trả tiền. Cứ thói thường thì Phôsơlơvăng là người rủ đi, còn Métchiên thì trả tiền. Bây giờ thì khác rồi. Người đào huyệt mới gây ra một tình thế mới do đó cần thiết phải mời rượu hắn. Nhưng tuy đứng ra mời, Phôsơlơvăng cứ lờ tít cái khoản ai trả tiền đi. Xúc cảm thì xúc cảm, ông vẫn không thiết bỏ tiền ra trả bữa rượu.
Gơribiê nói tiếp, miệng mỉm cười ra vẻ đàn anh:
- Phải ăn đã chứ. Tôi xin vào kế vị cụ Métchiên. Khi đã được cắp quyển sách đế trường thì phải sống cho ra nhà triết học chứ. Ngoài việc viết mướn, tôi lại bắt cánh tay làm việc nữa. Cửa hàng viết của tôi ở ngoài chợ phố Xevơrơ. Bác biết chứ? Chợ Ô ấy mà. Các chị nấu bếp ở Hội Hồng thập tự, chị nào cũng nhờ tay tôi cả. Các chị nhờ tôi thảo thư tình gửi cho các chú quyền ở doanh trại. Sáng viết thư tình, chiều đào huyệt. Đời là thế đấy, bác ạ.
Xe tang vẫn tiến, Phôsơlơvăng vô cùng lo lắng, nhìn tứ phía chung quanh. Mồ hôi nhỏ giọt từ vầng trán.
Anh chàng kia lại tiếp:
- Thế nhưng bắt cá hai tay cũng không xong. Một là chọn quản bút, hai là cái cuốc. Cái cuốc làm bàn tay tôi hư đi.
Xe tang dừng lại.
Chú bé giúp lễ xuống trước, linh mục xuống sau.
Bánh xe trước đã leo lên đống đất sát liền ngay miệng hố trống hốc.
Phôsơlơvăng thất kinh, nhắc lại một câu nói trước:
- Thật là một trò hề!
VI
GIỮA BỐN TẤM VÁN
Ai nằm trong quan tài, ta đã biết: Giăng Vangiăng.
Giăng Vangiăng xoay xở để cố sống trong quan tài; ông thở tạm được.
Thật là lạ lùng, khi lòng người ta đã yên tĩnh thì mọi việc khác đều trôi chảy dễ dàng. Tất cả những mưu chước mà Giăng Vangiăng nghĩ ra, đến nay đều thực hiện xuôi thuận cả; từ hôm qua, mọi việc đều không vấp váp. Cũng như Phôsơlơvăng, ông trông ở lão Métchiên. Ông không nghi ngại gì về sự kết thúc cả. Hoàn cảnh thì vô cũng gay go mà tâm hồn ông lại vô cũng yên tĩnh.
Bốn tấm ván tỏa ra một thứ yên lành khủng khiếp. Giăng Vangiăng nằm yên lặng, tưởng như phảng phất một giấc yên nghỉ cuối cùng đang thấm dần vào người.
Nằm dưới đáy quan tài, ông đã theo dõi được tất cả những diễn biến của tấn kịch kinh khủng mà ông đóng cùng với cái chết.
Sau khi Phôsơlơvăng đóng tấm ván thiên, Giăng Vangiăng cảm thấy người ta nhấc bổng mình lên, rồi lăn đi. Lúc ít xóc hơn, tức là xe đã bỏ con đường đá mà đi vào con đường đất, nghĩa là từ những phố nhỏ, rẽ ra đại lộ. Lúc nghe tiếng ù ù, ông đoán là người ta qua cầu Auxtéclít. Lần nghỉ đầu tiên là đã đến nghĩa trang; lần nghỉ thứ hai, ông tự bảo: Huyệt đây rồi.
Bỗng ông nghe có bàn tay giữ lấy quan tài, rồi một tiếng cọ soàn soạt vào ván; ông biết người ta buộc dây thừng quanh quan tài để dòng xuống hố.
Thế rồi ông choáng váng cả người.
Có lẽ bọn phu đòn và người đào huyệt đang thòng dây hạ huyệt, đầu đưa xuống trước. Lúc đã thấy mình nằm thẳng lại và nằm yên chỗ, ông mới lại tỉnh táo như trước. Đến đáy huyệt rồi.
Ông cảm thấy lạnh lạnh.
Một giọng nói trịnh tọng và lạnh toát ở trên. Ông nghe đọc thong thả, rõ mồn một những tiếng Latinh mà không hiểu nghĩa:
- Quy dormiunt in terroe pulvere, evigilabunt; alit in vitam oeternam, et alii in opprobrium, ut videant semper (Để luôn thấy rằng những ai ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, có người được hưởng sự sống vĩnh cửu và có kẻ bị sỉ nhục hổ thẹn).
Một tiếng trẻ con nói:
- De profundis (Từ vực sâu).
Tiếng nói trịnh trọng tiếp:
- Requiem oeternam dona ei Domine (Xin Chúa cho họ được nghỉ ngơi đời đời).
Tiếng nói trẻ con trả lời:
- Et lux perpetua luce tiei (Và được sự sáng chiếu soi mãi mãi).
Sau đó, ông nghe thấy trên tấm ván thiên mấy tiếng lách tách như hạt mưa rơi. Có lẽ là nước thánh.
Ông nghĩ bụng: "Sắp xong rồi. Kiên nhẫn chút nữa thôi. Linh mục sắp về rồi. Bác Phôsơlơvăng sẽ dẫn Métchiên đi uống rượu. Còn lại một mình mình. Thế rồi bác ta trở lại một mình và ta sẽ chui ra. Chừng một tiếng đồng hồ nữa thôi".
Cái giọng trầm trầm lại cất lên:
- Requisecat in pace (Cầu hồn yên nghỉ).
Và tiếng chú bé:
- Amen.
Giăng Vangiăng lắng tai nghe, thấy cái gì như bước chân xa dần, xa dần. Ông nghĩ thầm:
- Họ đi cả rồi. Còn trơ một mình mình.
Bất thần, ông nghe thấy ngay trên đầu một tiếng như sét đánh.
Đó là một xẻng đất hắt lên quan tài.
Rồi một xẻng thứ hai rơi xuống.
Một cái lỗ thông hơi bị lấp kín.
Xẻng đất thứ ba rơi xuống.
Rồi xẻng thứ tư.
Có những thế lực ghê gớm thắng cả con người dũng mãnh nhất. Giăng Vangiăng ngất đi.
VII
NGUỒN GỐC THÀNH NGỮ: KHÔNG ĐỂ MẤT THỂ
Đây là việc xảy ra bên trên chiếc quan tài của Giăng Vangiăng.
Lúc xe tang đã đi xa và thầy trò ông linh mục cũng đã lên xe đi rồi, Phôsơlơvăng vẫn không rời mắt nhìn anh chàng Gơribiê. Ông thấy hắn cúi xuống, nắm lấy cán xẻng, lưỡi xẻng đã cắm phập vào ụ đất.
Thế là Phôsơlơvăng có một quyết định tối hậu. Ông đứng chắn giữa hắn ta và lỗ huyệt, tay khoanh lại và nói:
- Tôi trả tiền mà!
Anh chàng kia ngạc nhiên nhìn ông trả lời:
- Cái gì cơ?
Phôsơlơvăng nhắc lại:
- Tôi trả tiền mà!
- Tiền gì?
- Tiền rượu.
- Rượu nào?
- Rượu Acgiăngtơi.
- Rượu Acgiăngtơi ở đâu?
- Ở quán Bông-quăng.
- Thôi xê ra.
Hắn hắt một xẻng đất xuống quan tài.
Một tiếng đùng đục ở dưới quan tài vọng lên. Phôsơlơvăng lảo đảo, suýt ngã chúi xuống huyệt. Ông thét lên, tiếng khò khè như tắc thở:
- Bác ơi, quán Bông-quăng sắp đóng cửa rồi.
Anh chàng kia lại xúc đất vào xẻng. Phôsơlơvăng nói tiếp:
- Tôi trả tiền.
Rồi nắm lấy tay hắn ta:
- Bác ơi, bác nghe tôi. Tôi là người đào huyệt ở nhà tu. Tôi đến giúp bác một tay. Lấp cái huyệt này, để đến tối. (Không biết uống vào hắn có say không chứ?).
Anh chàng kia bảo:
- Cái bác này, nếu nhất định bắt uống thì uống, được. Nhưng chốc hẵng hay. Làm xong việc đã. Chưa xong thì chưa uống.
Thế rồi hắn vung xẻng đất. Phôsơlơvăng giữ tay hắn lại:
- Acgiăngtơi thượng hảo hạng.
- Úi chà! Cái bác này chỉ có mỗi nghề kéo chuông. Boong binh boong, bác chỉ biết từng ấy tiếng, bác đến rầy rà.
Rồi hắn hất xẻng đất thứ hai.
Phôsơlơvăng lâm vào tình trạng mình không còn biết mình nói gì nữa.
- Cứ đi đi, đã bảo tôi trả tiền mà lị.
- Phải cho trẻ ngủ đã.
Hắn hắt xẻng thứ ba.
Rồi hắn lại cắm xẻng xuống đất, nói thêm:
- Bác xem, đêm nay trời rét lắm; mình mà cứ bỏ mặc bà ấy ở đây không đắp cho bà ấy, rồi bà ấy oán chết.
Lúc ấy hắn cúi xuống xúc đất, túi áo hắn mở toang hoác.
Mắt Phôsơlơvăng đang lơ láo bỗng dán chằm chằm vào cái túi áo anh chàng Gơribiê.
Mặt trời chưa khuất hẳn! Hãy còn chút ánh sáng có thể nhận được vật gì trăng trắng trong cái túi đang há hốc miệng.
Con mắt Phôsơlơvăng ngời hẳn lên, như tất cả cái tinh anh của ông lão nông dân vùng Picacđi đều tập trung vào đấy. Một ý nghĩ vừa thoáng qua.
Ông thò tay vào túi hắn móc cái vật trăng trắng ở tận tít dưới đáy; hắn mải mê với xẻng đất không hay biết gì hết!
Anh chàng trút xẻng đất thứ tư xuống hố.
Lúc hắn quay lại để xúc xẻng thứ năm thì Phôsơlơvăng điềm tĩnh nhìn hắn và bảo:
- Này bác tân binh kia, có mang thẻ không đấy?
- Thẻ gì.
- Mặt trời sắp lặn rồi.
- Lặn thì lặn, mặt trời cứ việc trùm chăn mà đi ngủ đi.
- Cổng nghĩa trang sắp đóng rồi đấy.
- Thế thì sao?
- Bác có mang thẻ không?
- À, cái thẻ ấy à?
Hắn lục túi áo.
Lục một túi, rồi lục hai túi. Cả túi gi-lê nữa; cái thì xem xét kỹ lưỡng, cái thì lộn hẳn ra. Hắn nói:
- Không, không mang. Quên rồi chắc.
- Mười lăm phơrăng phạt thôi.
Anh chàng xanh mặt lại. Những người nước da tái nhợt, khi họ tái mặt thì màu da hóa xanh lục.
Hắn kêu lên:
- Trời Ngọc hoàng thượng đế, nhật nguyệt hai vầng ơi! Mất toi mười lăm phơrăng phạt rồi còn gì!
- Ba đồng một trăm xu! - Phôsơlơvăng nói.
Anh chàng buông rơi cái xẻng.
Bây giờ mới đến lượt Phôsơlơvăng lên nước. Ông nói:
- Này chú lính mới, chớ có thất vọng. Chả nên tự tử chú ạ. Chả nên lợi dụng cái hố này. Mười lăm phơrăng chỉ là mười lăm phơrăng. Vả cũng còn có cách khỏi phải nộp phạt. Tôi thì đã già, bác thì mới vào làm. Tôi biết đủ các cái mánh, cái khóe, cái xoay, cái xở. Để tôi bảo giúp bác. Điều chắc là bây giờ mặt trời sắp lặn, mặt trời đã xuống đến mái điện Anhvalit, chỉ năm phút nữa là nghĩa trang đóng cổng.
- Đúng thế.
- Năm phút thì lấp thế đếch nào được, sâu bỏ mẹ ra ấy. Lại còn phải chạy từ đây ra cổng cho kịp.
- Đúng thế.
- Thế là cứ việc nộp phạt mười lăm phơrăng.
- Mười lăm phơrăng.
- Nhưng vẫn còn thì giờ... Bác ở đâu nhỉ?
- Cách cửa ô hai bước. Đi mất mười lăm phút. Phố Vôgira, số nhà 87.
- Đủ thì giờ để vắt chân lên cổ mà chạy thì kịp ra cổng.
- Phải rồi.
- Ra khỏi cổng, bác phóng về nhà, lấy tấm thẻ rồi trở vào đây, lão gác sẽ mở cổng. Có thẻ thì chả phải nộp gì hết. Thế là bác tha hồ mà đắp đất cho người chết. Còn tôi, tôi canh xác chết hộ bác, nhỡ nó chạy trốn thì phiền.
- Thật bác cứu sống tôi.
- Thôi cút cho nhanh.
Anh chàng vô cùng biết ơn, rung rung bàn tay ông Phôsơlơvăng rồi chạy biến.
Bóng hắn khuất sau bụi rậm. Ông Phôsơlơvăng đợi đến lúc không còn nghe tiếng bước chân nữa, mới cúi xuống huyệt khe khẽ gọi:
- Bác Mađơlen ơi!
Không có tiếng trả lời.
Phôsơlơvăng rùng mình. Lão tụt vội xuống hố, nhảy lên phía đầu cái quan tài và hét lên:
- Bác có đấy không?
Trong quan tài, im lặng.
Phôsơlơvăng run bắn lên đến không thở được nữa. Ông lấy cái đục và cái búa nậy tung nắp ván thiên lên. Khuôn mặt Giăng Vangiăng mờ mờ trong bóng chiều tà, xanh nhợt, mắt nhắm nghiền.
Tóc ông Phôsơlơvăng dựng đứng cả dậy. Ông đứng lên rồi khuỵu xuống, lưng tựa vào thành hố, suýt gục xuống chiếc quan tài. Ông nhìn Giăng Vangiăng.
Giăng Vangiăng nằm sóng sượt, im lìm, da tím lại.
Phôsơlơvăng nói thầm, khe khẽ như một hơi thở:
- Thế là bác ấy chết rồi.
Ông đứng dậy, khoanh riệt hai tay lại đến nỗi nắm tay cụng vào vai rồi kêu lên:
- Đây tôi cứu bác ấy như thế này đây.
Rồi ông già chất phác nức nở. Ông nói một mình - nói một mình là một việc rất tự nhiên, ai cho độc thoại là giả tạo, chính là nói bậy, những cơn xúc động mãnh liệt thường tự thốt lên thành lời thành tiếng:
- Chỉ tại lão Métchiên thôi. Tại sao lão ta lại chết đi, cái lão ngốc ấy? Chưa chi đã vội toi xác, ai khiến? Bác nằm trong quan tài rồi. Người ta đã khiêng bác ra đây, đủ lễ rồi. Thế là hết. Đấy, đời là thế, còn có nghĩa lý gì. Trời ơi, bác Mađơlen chết rồi. Thế còn con bé biết làm thế nào? Nói làm sao với bà hàng quả ấy bây giờ? Một người như thế lại chết như thế, có thể thế được không hả trời? Cứ nghĩ đến việc bác ấy chui xuống gầm cỗ xe ngựa! Bác Mađơlen ới, bác Mađơlen ơi, tôi đã bảo là ngạt mất mà, bác có nghe tôi đâu, cái trò ác đã hoàn thành đẹp đẽ thật. Bác ấy chết rồi. Không ai tốt bụng tốt dạ như bác ấy trong số người nhân hậu của Chúa nhân từ. Còn đứa con bác. Thôi mình không về nhà đâu, mình cứ ở đây. Mình đã làm một việc tai hại như thế! Thật là đứa già mà dại. Nhưng làm sao mà bác ấy vào được nhà tu chứ? Bắt đầu từ ấy đấy. Ai lại làm thế bao giờ! Bác Mađơlen ơi, bác Mađơlen ơi, ông Mađơlen ơi, ông thị trưởng ơi. Ông ấy có nghe thấy gì đâu. Làm thế nào đây trời!
Ông Phôsơlơvăng bứt đầu bứt tóc.
Phía xa xa, trong lùm cây, có tiếng rít ken két. Cổng nghĩa trang đã đóng. Ông Phôsơlơvăng cúi xuống nhìn Giăng Vangiăng, bỗng nảy người lên, lùi mãi về phía sau, đến tận cuối huyệt. Hai con mắt Giăng Vangiăng mở trừng trừng nhìn ông.
Trông thấy cái chết sợ thế nào thì trông thấy người sống lại cũng gần sợ như thế. Phôsơlơvăng toàn thân cứng như đá, da tái xanh lại, mắt lấm la lấm lét nhìn. Những xúc cảm mãnh liệt làm ông rối loạn cả tâm thần, ông không biết là ông đang đứng trước người sống hay người chết. Ông nhìn Giăng Vangiăng đang nhìn ông.
- Tôi vừa thiếp đi.
Giăng Vangiăng nói, rồi ngồi nhỏm dậy.
Phôsơlơvăng ngã quị xuống:
- Lạy đức mẹ đồng trinh! Bác làm tôi sợ quá.
Rồi ông đứng dậy:
- Cảm ơn bác, bác Mađơlen!
Giăng Vangiăng chỉ ngất đi thôi. Ra ngoài hông khí ông hồi tỉnh dậy.
Sau cơn khủng khiếp là nỗi vui tràn ngập. Cũng như Giăng Vangiăng, Phôsơlơvăng phải một lúc mới hoàn hồn:
- Thế là bác chưa chết. Bác tinh khôn thật. Gọi bác ghê lắm bác mới tỉnh lại đó. Lúc ấy mắt bác nhắm nghiền, tôi bảo: bác bị chết ngạt rồi. Bác mà chết thật thì dễ tôi phát điên cuống điên cuồng lên, điên vào loại phải cùm kia đấy. Tưởng đến phải vào nhà thương điên thực sự. Bác mà chết thì không biết tôi sẽ ra sao. Còn con bé cháu nữa. Nhà bà hàng hoa quả rồi chẳng hiểu xơ múi thế nào nữa. Vứt con bé vào tay người ta, rồi bảo ông nó chết rồi. Rõ chuyện! Trời đất thiên địa ơi, rõ chuyện! Bây giờ bác lại sống rồi, tuyệt quá!
Giăng Vangiăng bảo:
- Tôi thấy rét quá!
Câu nói của Giăng Vangiăng làm Phôsơlơvăng trở về thực tế, thực tế khẩn cấp lúc ấy! Hai người tuy đã hoàn hồn tỉnh lai, nhưng tâm thần vẫn còn rối loạn.
Phôsơlơvăng nói to: - Ra ngay, mau lên.
Ông già lục túi, lấy ra một cái bình:
- Làm một tợp rượu đã.
Lúc nãy, không khí làm cho Giăng Vangiăng hồi sinh, bây giờ thì men rượu làm cho ông tỉnh táo ra. Ông uống một ngụm rượu mạnh, sức khỏe trở lại bình thường.
Ông chui ra khỏi quan tài rồi cùng với Phôsơlơvăng đóng ván thiên lại.
Ba phút sau hai người lên khỏi huyệt.
Phôsơlơvăng vẫn điềm tĩnh, dáng điệu thong thả. Cổng nghĩa trang đã đóng. Không sợ anh chàng Gơribiê trở lại nữa, cái "chú lính mới" ấy đang ở nhà, tha hồ mà tìm thẻ, tìm làm sao được, nó đã nằm gọn lỏn trong túi áo Phôsơlơvăng. Không có thẻ, đừng có hòng vào được nghĩa trang.
Phôsơlơvăng cầm cái xẻng, còn Giăng Vangiăng cầm cuốc, hai người đắp mộ cho cái quan tài rỗng.
Xong đâu đấy, Phôsơlơvăng bảo Giăng Vangiăng:
- Thôi, ta đi thôi. Tôi cầm cái xẻng, bác giữ lấy cái cuốc.
Trời tối hẳn.
Giăng Vangiăng cử động và bước đi thấy vướng ngượng. Nằm trong quan tài, ông hóa cứng cả người và gần trở thành xác chết; ở giữa bốn tấm ván, các khớp xương dần dần cứng lại như người chết thật. Phải làm tan băng giá nơi mộ địa.
Phôsơlơvăng nói:
- Bác bị cóng rồi... Tiếc rằng tôi thọt. Nếu không chúng ta lê gót đi đều.
- Úi chà, đi mấy bước là dẻo chân ngay đấy mà!
Hai người lại đi những con đường xe tang đi lúc nãy.
Đến cổng sắt và cái chòi bác gác, Phôsơlơvăng tay cầm sẵn tấm thẻ của anh chàng kia, liền bỏ thẻ vào hòm, bác gác chéo sợi dây và cổng mở. Hai người ra ngoài, Phôsơlơvăng bảo:
- Thế là tốt đẹp cả; mưu bác tài tình quá, bác Mađơlen ạ!
Họ vượt qua cửa Vôgira thản nhiên, giản dị như ngàn người khác. Quanh nơi nghĩa trang, còn giấy thông hành nào hơn là cái xẻng và cái cuốc.
Phố Vôgira vắng tanh vắng ngắt.
Ông Phôsơlơvăng vừa đi vừa ngước mắt nhìn dãy nhà bên phố. Ông nói:
- Bác Mađơlen ạ, bác tinh mắt, bác chỉ cho tôi nhà số 87.
- Đây, vừa đúng nhà này.
- Phố chẳng có ai. Bác đưa tôi cái cuốc; đợi tôi vài phút nhé!
Phôsơlơvăng vào căn nhà số 87, đi thẳng lên gác, ông cứ đi thẳng lên tận gác trên cùng; bản năng bao giờ cũng chỉ cho người nghèo lên thẳng gác xép mái nhà. Trong bóng tối mò mò, ông gõ vào cánh cửa một căn gác hẹp. Có tiếng trả lời:
- Cứ vào.
Tiếng ấy là tiếng Gơribiê.
Phôsơlơvăng đẩy cánh cửa. Cái gian gác xép này cũng giống như tất cả những gian buồng tồi tàn khác, không có lấy một đồ đạc nào mà vẫn bề bộn. Một cái hòm đóng hàng, hay là một cái áo quan - dùng làm tủ; một cái hũ đựng bơ dùng để chứa nước; một cái ổ rơm làm giường; sàn gạch dùng thay bàn ghế. Trong một góc buồng, có một người đàn bà gầy gò và trẻ con nhung nhúc một đống, ngồi yên trên một manh tải rách, nguyên là mảnh thảm cũ. Tất cả căn buồng tồi tàn ấy còn giữ dấu vết một cuộc xáo trộn bữa bãi. Tưởng như riêng nơi đây vừa trải qua một cơn động đất. Nắp với vung bừa bãi; giẻ rách vứt tứ tung; bình xách nước thì vỡ, người đàn bà vừa mới khóc, trẻ hình như mới phải một trận đòn. Đấy là những dấu vết của một vụ soát xét kịch liệt, gắt gao. Rõ ràng là anh chàng đào huyệt đã ra công sức tìm cái thẻ và đổ tội cho tất cả, từ cái bình nước đến người vợ. Hắn có vẻ tuyệt vọng rồi.
Nhưng Phôsơlơvăng còn mải nghĩ đến kết quả tốt đẹp của công việc, nên chẳng để ý gì đến cái mặt không vui này của nó.
Ông bước vào và nói:
- Tôi mang trả bác cái cuốc với cái xẻng.
Gơribiê sững sờ nhìn lão.
- Lão đấy à?
- Sáng mai, bác đến ông gác ở nghĩa trang mà nhận thẻ.
Rồi ông đặt xẻng cuốc xuống sàn.
Gơribiê hỏi:
- Thế là thế nào?
- Nghĩa là bác đánh rơi thẻ, lúc bác về tôi nhặt được ở dưới đất; tôi đã chôn xong người ta. Đắp đất tử tế rồi. Tôi làm giùm bác, ngày mai bác ra ông gác mà lấy thẻ, chả phải nộp phạt mười lăm phơrăng đâu. Chỉ có thế thôi, chú tân binh ạ.
Gơribiê sung sướng quá reo lên:
- Cám ơn bác quá. Lần sau để tôi trả tiền rượu.
VIII
VIỆC XÉT HỎI THÀNH CÔNG
Một tiếng đồng hồ sau. Lúc trời đã tối như mực, hai người lớn và một đứa trẻ đến số nhà 62 phố Pichpuýt. Người cao tuổi nhất giơ cái búa, gõ cửa.
Ba người ấy là Phôsơlơvăng, Giăng Vangiăng và Côdét.
Hai người vừa đến nhà bà hàng hoa quả ở phố Sơmanhve, xin đón Côdét về, con bé gửi ở đấy từ hôm qua. Suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, con bé chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, nó chỉ ngấm ngầm run sợ. Cứ chưa khóc được là còn run. Nó chẳng ăn uống gì mà cũng không chợp mắt lúc nào. Bà hàng hoa quả đáng mến hỏi hàng trăm câu, nó cũng không trả lời một tiếng, nó chỉ rầu rĩ nhìn, lần nào cũng thế. Nó chẳng hé răng để lộ một tí gì về những việc nó đã nghe thấy, trông thấy từ hai hôm nay. Nó đoán là đang gặp một nạn lớn, trong thâm tâm, nó cảm thấy rằng cần phải "ngoan". Ai chẳng biết sức tác động vô cùng to lớn của mấy tiếng nói như dọa nạt bên lỗ tai đứa bé con nhỏ dại chỉ biết có run sợ: "Chớ nói gì hết". Sợ thì câm. Vả lại, ai mà giữ bí mật giỏi hơn con trẻ!
Sau hai mươi bốn giờ đồng hồ bi đát, khi nó lại được trông thấy Giăng Vangiăng, nó reo lên một tiếng vui mừng. Những ai hay suy nghĩ, nghe tiếng reo vô cùng hớn hở ấy sẽ đoán thấy đó là tiếng reo của kẻ vừa thoát khỏi vực sâu.
Phôsơlơvăng là người của nhà tu nên hiểu hết các ám hiệu. Mọi cửa đều mở.
Thế là đã giải quyết được hai việc ghê gớm: ra và vào.
Bác gác, đã được dặn dò từ trước, mở cái cổng dành riêng cho người nhà, - cửa này thông thẳng vào trong vườn, cách đây hai mươi năm, ở ngoài phố cũng trông thấy, nó ở bức tường cuối sân, đối diện với cổng lớn. Người gác cổng đưa cả ba người ấy để vào buồng khách đặc biệt mà tối hôm qua Phôsơlơvăng nhận mệnh lệnh của mẹ nhất.
Mẹ nhất đợi họ, chuỗi hạt cầm trong tay. Một mẹ tư vấn, mặt phủ màn đứng bên cạnh. Một ngọn nến lờ mờ tỏa ánh sáng yếu ớt.
Mẹ nhất xem xét Giăng Vangiăng. Chả con mắt nào quan sát kỹ hơn con mắt nhìn xuống.
Xong bà hỏi Giăng Vangiăng:
- Bác là em à?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm vâng ạ.
- Tên bác là gì?
- Bẩm Uyntim Phôsơlơvăng.
Ông ta quả có một người em tên là Uyntim nay chết rồi.
- Bác ở đâu?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm ở Pichkinhi, gần Amiêng.
- Bao nhiêu tuổi?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm năm mươi ạ.
- Sinh sống nghề gì?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm làm vườn.
- Có ngoan đạo không?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm trong họ con, ai cũng ngoan đạo cả.
- Đứa bé này là người nhà bác?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm mẹ, vâng.
- Con bác à?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm cháu nội.
Mẹ tư vấn khe khẽ bảo mẹ nhất:
- Bác ấy ăn nói khá đấy ạ.
Giăng Vangiăng chưa hề nói một lời.
Mẹ nhất chăm chú nhìn Côdét rồi khẽ bảo bà mẹ bên cạnh:
- Ngày sau, con bé này sẽ xấu xí.
Hai mẹ thì thầm với nhau mấy phút trong góc phòng rồi mẹ nhất quay lại nói:
- Lão Phôsơlơvăng ạ, kiếm một cái đai nhạc đầu gối nữa. Bây giờ cần hai cái.
Thế là ngày hôm sau, người ta nghe thấy tiếng hai chiếc nhạc trong vườn. Các nữ tu sĩ không thể không hé một góc tấm màn che mặt. Ở cuối vườn, dưới lùm cây, hai người đàn ông đứng cạnh nhau đương đào đào xới xới; lão Phôsơlơvăng và một người lạ. Một việc trọng đại. Không khí im bỗng xào xào những tiếng khẽ bảo nhau: một người phụ việc làm vườn.
Các mẹ tư vấn nói thêm: em trai lão Phôvăng.
Giăng Vangiăng quả đã chính thức thụ chức: ông đeo một cái đai đầu gối bằng da và một chiếc nhạc; ông đã là người của nhà tu. Tên ông là Uyntim Phôsơlơvăng.
Cái nguyên nhân quyết định việc ông được vào làm ở nhà tu là câu nhận xét về Côdét của mẹ nhất: con bé sẽ xấu xí.
Sau lời dự đoán ấy, mẹ nhất tỏ lòng quyến luyến ngay con bé; bà cho nó ở cùng với bọn trẻ làm phúc.
Việc ấy chẳng có gì là khó hiểu cả. Vốn dĩ trong nhà tu không có gương soi những đàn bà thì không cần gương cũng biết nét mặt mình. Những cô gái có nhan sắc thì khó lòng mà tu được. Vốn từ xưa, càng xấu xí hơn là các cô xinh đẹp. Do đó là có sự mến ưa đặc biệt những cô gái xấu xí.
Sau câu chuyện lạ lùng trên, uy tín Phôsơlơvăng tăng lên nhiều lắm. Thắng lợi bề ba mặt: Giăng Vangiăng cảm kích vì được lão cứu sống và cho nơi trú thân; Gơribê thì tự bảo mình: nhờ lão mà ta thoát khoản phạt; nhà tu thì chôn cất được xác mẹ Cơruyxiphixiông ở dưới bàn thờ, vừa trót lọt được vòng pháp luật vừa hợp ý Chúa.
Một áo quan có thi hài ở Pơti Pichpuýt, một áo quan rỗng ở nghĩa đại Vôriga. Trật tự xã hội đã bị đảo lộn ghê gớm, nhưng không hay biết gì. Còn tu viện thì biết ơn Phôsơlơvăng rất nhiều. Lão trở thành người phục vụ tốt nhất và người làm vườn quý nhất! Lần Đức Tổng giám mục đến thăm tu viện ngay sau đó mẹ nhất đã kể chuyện cho ngài nghe, thú tội thì ít mà khoe khoang thì nhiều. Đức Tổng giám mục ở tu viện đã nói nhỏ với ý tán dương với ngài Đơ Latin, linh mục của đức ông sau làm tổng giám mục Ranhxơ và giáo chủ. Sự khâm phục lão Phôsơlơvăng đi rất xa, đến cả La Mã. Chúng tôi đã được đọc một lá thư nhỏ của Giáo hoàng Lêông XII đương vị gửi cho một người bà con, sứ thần của Giáo hoàng ở Pari và cùng đội tên Đơlagiăngga như ngài. Trong thư viết: "Hình như ở trong một cái tu viện ở Pari có một lão làm vườn tuyệt tốt, một con người có thánh chất tên là Phôvăng". Những cái vinh quang kia, lão Phôsơlơvăng ở trong túp lều của lão không hề hay biết gì. Lão vẫn ghép cây rẫy cỏ và che dưa, không biết gì về cái tuyệt diệu và cái thánh chất của lão. Lão không biết gì về cái vinh dự của lão cũng như con bò giống Đuyram hay Xuyray không hình dung được in trên tờ họa báo "Tin tức Luân đôn" với lời chú thích: "Con bò đã được giải thưởng cuộc thi các súc vật có sừng".
IX
NƠI CẤM ĐỊA
Ở nhà tu, Côdét vẫn im lặng không nói hở điều gì.
Côdét một cách tự nhiên tưởng mình là con gái Giăng Vangiăng. Nó chả biết gì hơn mà nói: vả lại ví dụ nó có biết gì thì đố ai cạy răng nó ra được. Côdét cực khổ quá nên cái gì nó cũng sợ, sợ cả nói, sợ cả thở. Nó đã từng thấy một lời nói cũng đủ làm cả một trận sấm sét lôi đình đổ vào đầu nó. Từ ngày ở với Giăng Vangiăng, nó mới bắt đầu hơi yên dạ. Nó cũng chóng quen với đời sống nhà tu. Nó chỉ tiếc con Catơrin, nhưng không dám nói. Một hôm nó bảo Giăng Vangiăng: - Giá biết thế này thì con đã mang nó theo.
Được ăn ở trong nhà tu, Côdét phải mặc quần áo như các học sinh khác. Giăng Vangiăng xin được phép mang bộ quần áo cũ của Côdét về nhà. Bộ ấy là bộ đồ tang đen nó mặc hôm rời bỏ quán ăn Tênácđiê ra đi. Chưa cũ lắm. Giăng Vangiăng tìm ở đâu được một cái vali, cốt để đựng bộ quần áo, đôi tất len với đôi giày. Ông bỏ trong vali rất nhiều băng phiến và các thứ lá cây thơm chẳng thiếu gì ở các tu viện. Ông để vali trên một cái ghế bên cạnh giường nằm, chìa khóa lúc nào cũng đeo trên người.
Một hôm Côdét hỏi ông:
- Bố ơi cái hộp gì mà thơm thế?
Ông già Phôsơlơvăng, ngoài cái tiếng tốt với mọi người như đã kể trên, mà chính ông cũng không biết, còn được nhiều cái lợi khác: trước hết, lão thấy sung sướng trong lòng; sau là nhờ có Giăng Vangiăng đỡ tay nên công việc nhẹ hẳn đi; sau cùng, vốn nghiện thuốc lá, ngày nay lão hút gấp ba lần trước kia, mà khoái chá hơn vô kể, vì tiền đã có ông Mađơlen trả.
Các bà không thừa nhận cái tên Uyntim và gọi Giăng Vangiăng là lão Phôvăng kia.
Nếu các bà có con mắt như con mắt của Giave, hẳn các bà rồi cũng nhận thấy rằng cứ khi nào có việc hay ra phố mua thức gì dùng vào việc vườn tược thì bao giờ cũng lão Phôsơlơvăng anh đi, lão Phôsơlơvăng già, lão Phôsơlơvăng có tật, lão què chân ấy. Nhưng hoặc vì các bà mải nhìn lên Thượng đế, nên không có con mắt của người thám tử, hoặc vì các bà thích rình mò nhau hơn, nên chẳng ai để ý đến việc ấy cả.
Thực ra Giăng Vangiăng cứ việc im tiếng, không động đậy thế mà tốt. Giave đã rình ở khu ấy hơn một tháng trường.
Bây giờ, cái nhà tu đối với Giăng Vangiăng như một hòn đảo, xung quanh là vực thẳm. Từ nay, bốn bức tường là cả một thế giới. Trên đầu khoảng trời xanh khá rộng nên lòng ông trong sáng; bên mình có Côdét nên ông thấy sung sướng.
Đời ông lại bắt đầu êm ả.
Ông ở chung với Phôsơlơvăng trong túp lều ở cuối vườn. Lều xây bằng vôi gạch vụn, năm 1845 hãy còn, gồm ba buồng, buồng nào cũng trống trơ chỉ có bốn bức vách. Phôsơlơvăng nhất định nhường gian buồng to nhất cho Giăng Vangiăng, Vangiăng từ chối thế nào cũng không được.
Trên tường gian phòng ấy, ngoài hai cái đinh để treo cái dây buộc nhạc và cái sọt, còn có một vật trang trí: đó là tờ tín phiếu của phe bảo hoàng hồi 1793, đóng vào tường bên trên lò sưởi, nguyên văn ghi như sau:
Quân đội công giáo hoàng gia
Theo chỉ dụ hoàng thượng
Tín phiếu mười đồng
Về quân nhu cung cấp cho bộ đội
Thanh toán ngày hòa bình
Đợt 3 STOFFET số 10390
Các tín phiếu của quân Văngđêăng này đã được đóng trên tường do tay người làm vườn trước, nguyên là lính suăng, hắn đã chết trong tu viện và Phôsơlơvăng đã thay chân hắn.
Suốt ngày Giăng Vangiăng cặm cụi ở ngoài vườn, làm được vô khối việc có ích. Xưa ông làm nghề xén cây nên bây giờ làm vườn cũng thích. Ta còn nhớ, ông biết nhiều phương pháp và những bí mật nhà nghề của việc trồng trọt. Hầu hết các cây quả trong vườn trước mọc như cây dại. Bây giờ, ông xén, ông ghép nên cây nào cũng kết quả ngon lành.
Côdét hàng ngày được về chơi với ông một tiếng đồng hồ. Các bà thì buồn rười rượi còn ông thì tốt, nên con bé cứ so sánh, lại càng thương yêu ông hơn. Đến giờ là nó chạy ngay về nhà. Con bé vừa bước chân vào nhà, căn nhà như rạng rỡ cảnh thiên đường. Giăng Vangiăng lòng tươi như hoa nở, ông càng cảm thấy đời sống đầy hạnh phúc vì Côdét cũng thấy được sung sướng đó bên ông. Nỗi vui sướng của người ta có cái quý là nó không như ánh sáng phản xạ bao giờ cũng mờ nhạt đi; Vangiăng nhìn Côdét chơi đùa, chạy nhảy; cứ nghe nó cười là ông nhận ra ngay.
Bởi vì bây giờ Côdét đã cười rồi.
Nét mặt nó cũng đổi khác, nó không ủ ê như trước nữa. Tiếng cười cũng như mặt trời đuổi tan giá lạnh trên nét mặt con người.
Côdét không đẹp nhưng dễ thương biết mấy. Nó nói những điều dễ nghe, giọng nó dịu dàng thơ ngây. Hết giờ chơi, Côdét về trường, Giăng Vangiăng nhìn cửa sổ lớp học; và ban đêm thì ông trở dậy nhìn cửa sổ buồng ngủ.
Và Chúa cũng có đường lối của Chúa. Tu viện cũng như Côdét duy trì và bổ sung trong lòng Giăng Vangiăng tác dụng của giám mục Mirien. Có một điều chắc chắn là con đường của đạo đức có một lối dẫn tới kiêu ngạo. Ở đây có sẵn một chiếc cầu do quỷ dữ bắc. Giăng Vangiăng, vô tình, có lẽ đang ở khá gần cái lối này và cái cầu này khi trời xui khiến ông rơi vào tu viện Pơti Pichpuýt. Khi trước, tự so sánh mình với người thường và lòng kiêu ngạo nảy nở. Biết đâu đấy ông sẽ không dần dà trở về với lòng hằn thù.
Tu viện đã giữ ông lại trên cái dốc ấy. Đây là nơi cấm cố thứ hai mà ông thấy. Hồi tuổi thơ, trong cái thời gian ông bước vào đời và về sau mới gần đây ông đã biết một nơi cấm cố khác, kinh khủng, dễ sợ, với những kỷ luật khắc nghiệt mà ông vẫn coi là những bất công của công lý và tội lỗi của luật pháp. Sau nhà tù khổ sai, bây giờ ông gặp nhà tu kín. Nghĩ rằng ông đã trở thành một thành viên của nhà tù khổ sai và bây giờ đang chứng kiến cảnh nhà tu kín, ông đối chiếu hai nơi đó trong trí ông một cách tư lự hãi hùng.
Nhiều khi ông tựa vào cán mai, chìm đắm trong những uẩn khúc của mơ mộng và không cùng.
Ông nhớ lại những người bạn tù ngày xưa. Họ khốn khổ quá chừng: vừa mới tinh mơ đã dậy, làm đến tối mịt mới về. Người ta có để cho họ chợp mắt được mấy chốc; ngủ thì ngủ trên mấy tấm phản, đệm lót mỏng dính, kê trong những gian buồng trống trải, suốt năm chỉ đốt củi vài tháng rét nhất. Áo thì áo choàng màu đỏ trông gớm ghiếc. Nhờ ân trên, những ngày nóng nực, họ được mặc quần vải thô và những ngày đông tháng giá, họ được khoác một cái áo kiểu áo phu xe bằng len. Chỉ những ngày đi bệnh viện mới được hớp rượu, miếng thịt vào miệng. Họ không có tên nữa, cứ số mà gọi, họ hầu như chỉ còn là những con số. Họ sống, mắt nhìn xuống, tiếng nói se sẽ, đầu trọc lốc, sống trong tủi thẹn, dưới đòn roi.
Thế rồi Giăng Vangiăng nghĩ đến những người hiện đang sống ở nhà tu, ngay trước mặt ông.
Những con người ấy cũng đầu trọc, mắt cúi gầm, tiếng nói se sẽ. Họ không sống trong tủi thẹn, nhưng sống giữa những lời nhạo báng của người đời; lưng họ không lằn vết gậy đòn, nhưng vai họ chín rạn vì những kỷ luật nặng nề. Đối với mọi người, tên tuổi của họ cũng không còn nữa, chỉ còn những tên gọi khắc khổ. Họ không uống rượu ăn thịt bao giờ; họ thường nhịn đói suốt từ sáng tinh mơ đến chiều. Họ không mặc áo đỏ nhưng khoác cái khăn liệm bằng len màu đen, mùa hè thì loại nặng, mùa đông thì loại nhẹ; họ không có quyền thay đổi áo quần gì hết. Sáu tháng ròng, họ phải mặc cái áo trong bằng xécgiơ đến chết ngốt. Họ không ở những gian buồng đốt lửa mấy tháng buốt lạnh nhất; buồng họ không bao giờ có lửa. Giường họ không trải nệm mỏng manh mà trải rơm. Ngủ cũng không được ngủ; đêm đêm, sau một ngày mệt nhọc, vừa đặt mình, chưa ấm chỗ, vừa chập chờn thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề, thì đã phải dậy, rồi vào nhà nguyện lạnh lẽo, âm u cầu kinh hai chân quỳ trên nền đá. Có những ngày lần lượt mỗi người phải quỳ mười hai giờ liền trên nền đá hay phủ phục xuống đất, hai tay gấp hình chữ nhật.
Hạng người trên toàn là đàn ông; hạng dưới toàn đàn bà.
Bọn đàn ông đã làm gì? Họ cướp bóc, gian lận, đầu độc, đốt nhà, giết người, giết bố. Còn bọn đàn bà? Họ không làm gì hết.
Một bên giết người cướp của, gian lận, xảo trá, hung bạo, dâm dục, nghĩa là tất cả những tội ác, tất cả những hành động hại người; một bên là trong trắng chỉ có trong trắng mà thôi.
Vô tội hoàn toàn, như được nhấc bổng lên trong một cuộc thăng thiên huyền bí, phần đạo đức thì còn dính với đời, mà phần thiêng liêng thì đã vượt lên trời.
Một bên thì thầm với nhau những mưu mô, tội lỗi, một bên mạnh dạn thú nhận những lầm lạc. Tội lỗi thì ghê gớm, lầm lạc thì chẳng có gì! Một bên là uế khí ghê tởm, một bên là mùi hương tuyệt vời. Một bên là dịch họa tinh thần, giam giữ, canh gác dưới những mũi súng đại bác, gặm tiêu dần những kẻ mắc bệnh; một bên là những linh hồn cùng cháy bùng thanh khiết trong một lò lửa. Kia là đêm tối dày đặc; đây là một bóng tối, nhưng một bóng tối đầy ánh sáng, những ánh sáng chói lọi hào quang.
Hai thế giới nô lệ. Một bên còn có cơ hội giải phóng: pháp luật còn có tháng ngày hạn định, lại còn có khả năng vượt ngục. Một bên là cả một cuộc đời vô cùng tận, trong tương lai xa vời, chỉ còn một chút ánh sáng le lói của niềm hy vọng về tự do là cái chết.
Những người thứ nhất chỉ còn xiềng xích trói buộc. Những người sau, có lòng tín ngưỡng trói buộc.
Trong nhà tù, bốc lên cái gì? Một lời nguyền rủa tràn trề, tiếng răng nghiến lại, lòng căm thù, lòng hiểm độc tuyệt vọng, một tiếng kêu phẫn nộ chống lại xã hội loài người, một tiếng cười chua chát đắng cay hướng lên trời.
Còn ở nhà tu? Chỉ có lời khấn nguyện và tấm lòng yêu Chúa.
Hai nơi ấy thật giống nhau mà cũng thật khác nhau; hai hạng người khác nhau một vực một trời lại cùng chung một nhiệm vụ là chuộc tội.
Giăng Vangiăng hiểu vì sao những tù nhân phải chuộc tội, họ chuộc tội cho họ. Nhưng ông không hiểu vì sao những nữ tu sĩ phải chuộc tội; những con người ấy không tội tình gì, không một vết nhơ. Ông run sợ tự hỏi: chuộc tội gì? Chuộc tội nào?
Ông như nghe thấy lương tâm ông trả lời lòng nhân đạo thiêng liêng nhất, sự đền tội cho người.
Chúng tôi gạt bỏ ở đây mọi lý thuyết của riêng mình. Chúng tôi chỉ là người kể chuyện. Chúng tôi đứng ở quan điểm của Giăng Vangiăng và nói lên cảm tưởng của ông.
Ông được nhìn thấy cái đỉnh cao cả của nhẫn nhục, cái đỉnh cao nhất mà đạo đức có thể vươn tới được. Vô tội tha thứ tội lỗi cho người và đền tội thay cho người; sự chịu đựng, sự thừa nhận tra khảo, sự đòi hỏi hình phạt của những tâm hồn không hề sa ngã để cho những tâm hồn sa ngã thoát khỏi những đau khổ ấy. Lòng yêu người hòa vào lòng kính Chúa, những vẫn đứng riêng và khẩn cầu. Những con người yếu ớt mang cái khổ đau của kẻ bị trừng phạt và cái nụ cười của những người được ban thưởng. Và ông nhớ rằng đã có lúc ông dám kêu ca.
Có khi giữa đêm ông thức dậy để lắng nghe lời cầu nguyện tạ ơn Chúa của những con người vô tội và bị đè nặng dưới bao nhiêu khắc khổ ấy và thấy lạnh toát trong mạch máu khi nghĩ rằng những kẻ bị trừng phạt một cách chính đáng chỉ cất tiếng nói lên để nguyền rủa trời và ông, một thằng khốn nạn, đã giơ nắm tay căm thù lên cho Chúa.
Điều nổi bật làm cho ông suy nghĩ sâu sắc như là một sự cảnh báo thầm của trời: trèo tường, vượt rào, liều chết, bám, leo kinh khủng, ghê sợ, tất cả những cố gắng ấy để khỏi cái nơi đền tội kia, ông cũng đã phải làm để vào cái nơi đền tội này. Phải chăng là một biểu tượng của số mệnh?
Nhà tu này cũng là một nhà tù, cũng thê thảm như cái nhà tù ông trốn khỏi, nhưng ông không hề nghĩ rằng có sự giống nhau.
Giăng Vangiăng như trông thấy lại những bức rào, những cái khóa, những chấn song sắt để cầm giữ ai? Những thiên thần.
Những bức tường cao vót trước kia ông thấy giam cầm hùm beo; nay nó bao bọc đàn cừu vô tội.
Nơi đây, người ta chuộc tội, chứ không bị trị tội. Thế nhưng nó khắc khổ hơn, ảo não hơn, cay nghiệt hơn. Những cô trinh nữ còn bị đè nén nặng nề hơn bọn tù khổ sai. Trước kia, một cơn gió lạnh buốt xương đã làm tê cóng tuổi thanh niên của Giăng Vangiăng, cơn gió thổi qua cái hầm nuôi diều hâu căng lưới sắt, khóa xích sắt; bây giờ, một cơn gió bấc tàn nhẫn hơn, đau đớn hơn, thổi qua chuồng chim bồ câu.
Tại sao?
Nghĩ đến tất cả những việc trên, toàn bộ tâm trí Giăng Vangiăng như chìm vào một nơi cao siêu huyền bí. Lòng kiêu ngạo tan đi trong những suy nghĩ ấy. Ông tìm mọi cách tự kiểm điểm mình; ông tự thấy yếu hèn và nhiều lần ông đã khóc. Tất cả những gì đi và ở cuộc đời của ông từ sáu tháng nay đưa ông trở lại những lời khuyên nhủ thiết tha của giám mục: Côdét dẫn dắt ông bằng tình người, tu viện bằng đức nhún nhường.
Đôi khi buổi chiều, lúc hoàng hôn, khi khu vườn vắng lặng, người ta thấy ông quỳ giữa lối đi, bên cạnh nhà nguyện, trước cái cửa sổ mà ông nhòm qua đêm ông mới vào đây. Ông quay mặt về phía bà đền tội đang phủ phục cầu nguyện và quỳ gối trước bà ấy mà cầu nguyện.
Hình như ông không dám quỳ hẳn trước mặt Chúa.
Tất cả cảnh vật xung quanh, từ khu vườn yên tĩnh đến những bông hoa thơm ngát, những đứa trẻ reo vui, những người đàn bà trang nghiêm, giản dị, nhà tu lặng lẽ, tất cả thấm dần vào người ông. Tâm hồn ông cũng lặng lẽ như nhà tu này, cũng thơm tho như những đóa hoa kia, cũng yên tình như khu vườn, giản dị như các người đàn bà, vui tươi như đàn trẻ.
Vả ông nghĩ là hai cái nhà của Chúa đã liên tiếp đón ông ở hai giai đoạn gay go của đời ông, giai đoạn đầu khi tất cả mọi cửa đóng chặt và xã hội loài người xua đuổi ông, giai đoạn thứ hai khi xã hội loài người lùng bắt ông và nhà tù khổ sai chờ ông. Không có cái nhà trước, ông sẽ lại rơi vào tội lỗi, không có cái nhà sau, ông lại rơi vào hình phạt. Cả trái tim ông dạt dào lòng biết ơn càng yêu người thêm hơn nữa.
Năm tháng cứ thế trôi qua. Côdét lớn dần.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top