Phần 2 - Quyển V
QUYỂN V: ĐÀN CHÓ PHẢI THẦM LẶNG TRONG CUỘC SĂN ĐUỔI TỐI TĂM
I
CHIẾN LƯỢC QUANH CO
Bạn đọc nên chú ý một điểm trước khi đọc những trang tới và nhiều trang về sau nữa.
Tác giả rất tiếc là phải nói đến bản thân mình, nhưng thấy cần phải nói. Đã bao năm nay, tác giả xa Pari. Từ độ ấy, Pari có nhiều thay đổi. Pari ngày nay là một thành phố mới, đối với tác giả hầu như xa lạ. Tác giả không cần nói mình yêu Pari, Pari đã là quê hương tinh thần của tác giả. Pari đã qua bao nhiêu sự phá hoại, bao nhiêu sự kiến thiết, cái thành phố Pari thời tươi trẻ của mình, cái thành phố Pari mà mình kính cẩn mang hình ảnh bên lòng, Pari ấy bây giờ đây là một Pari của dĩ vãng. Bạn đọc hãy cho phép tác giả nói đến cái Pari xưa ấy như là nó đương còn hiện tại. Có khi tác giả đưa bạn đến một khu vực nào đó và nói: "ở con đường phố ấy có ngôi nhà thế kia" thì ngày nay phố chẳng có, mà nhà cũng không. Bạn đọc sẽ soát lại xem nơi kia nơi nọ có còn như cũ không, nếu chịu mất công. Riêng về phần tác giả, tác giả không quen thuộc với Pari mới. Tác giả viết truyện này với ảo ảnh của Pari ngày xưa trước mắt, một ảo ảnh muôn phần đáng quý. Thật dễ chịu biết bao nhiêu khi tác giả mơ tưởng là giờ đây, vẫn còn dấu vết của những sự vật mình đã trông qua trong những ngày còn ở quê cha đất tổ, là không phải mọi vật đều đã tan biến như mây khói. Ngày nào còn đi đi lại lại ở quê hương thì anh còn tưởng rằng những con đường phố ấy, những mái nhà, những cánh cửa ấy chẳng dính dáng gì đến anh, những cây cối ấy giống như muôn nghìn cây cối khác, những ngôi nhà anh không bước chân vào ấy chẳng có ích lợi gì cho anh, những phiến đá lát đường anh giẫm chân lên chỉ là những phiến đá. Đến khi anh xa quê hương, anh mới nhận thấy những con đường kia là thân thiết, anh nhớ những mái nhà, những cánh cửa ấy, anh thấy những bức tường kia cần cho đời anh, những cây cối kia là bạn lòng của anh; những ngôi nhà anh không đặt chân đến, bây giờ anh thấy thật ra anh đã vào ra hàng ngày và những phiến đá lát đường, anh đã trải ruột gan, anh đã dội máu nóng của con tim anh lên trên ấy. Đối với hình ảnh những nơi ấy mà anh không đến nữa, - có lẽ không bao giờ anh còn được đến lại nữa, - đối với những hình ảnh ấy say mê một cách xót xa. Những hình ảnh ấy đã đến mãi với anh, rầu rầu như một bóng mơ, nó làm cho quê hương thiêng liêng hiển hiện trước mắt. Có thể nói đó là hình dung của nước Pháp, anh yêu những hình ảnh ấy, anh gợi nó lên nguyên hình, như hệt ngày xưa, anh bám chặt lấy nó, anh không muốn thay đổi một tí gì cả, bởi vì anh quý chuộng vẻ mặt tổ quốc cũng như vẻ mặt mẹ anh.
Bởi thế tác giả xin được phép nói về sự vật quá khứ như còn hiện tại, bạn đọc nhớ cho và cho phép tác giả kể tiếp.
Giăng Vangiăng rời bỏ ngay đại lộ và đi vào các đường phố. Ông cố rẽ ngoặt rất nhiều bận, một đôi khi ông quay trở lại một quãng, đột ngột, để xem cho chắc là không ai đuổi theo mình.
Đó là mánh khóe của con nai bị săn đuổi. Cách ấy có nhiều cái lợi, cái thứ nhất là nó đánh lừa người đi săn và chó săn bằng những vết chân chồng dấu ở những chỗ đất mềm. Gặp trường hợp như thế, trong đạo săn bắn, người ta gọi lóng là con nai đã trườn.
Đêm hôm ấy là một đêm trăng tròn. Giăng Vangiăng thấy như thế rất lợi bởi vì mặt trăng còn thấp, trong các đường phố bóng tối và ánh sáng in thành hai mảng Vangiăng có thể tiến men theo các dãy phố, bên phía bóng tối và nhìn rõ ra phía sáng trăng. Ông quen nghĩ rằng như thế thì ông cũng chẳng thấy gì bên phía bóng tối. Và ông tin chắc rằng không có ai lần mò theo ông trong các ngõ ngách quanh phố Pôlivô.
Côdét không hỏi một câu nào cả, lặng lẽ di theo. Sáu năm đau khổ trong tuổi thơ ấu đã rèn luyện cho nó một tâm hồn cam chịu. Vả lại nó đã làm quen với tính kỳ quặc của Vangiăng, nó cũng quen thấy những cái bất ngờ của số mệnh. Hơn thế, có Vangiăng, thì Côdét chẳng thấy có gì đáng sợ nữa.
Giăng Vangiăng cũng không hơn gì Côdét, ông không biết mình đi đâu. Ông tin cậy Chúa cũng như Côdét tin cậy ông. Ông cảm thấy bàn tay ông cũng đương ở trong tay một người lớn hơn, một người vô hình, người ấy đương dắt dẫn ông đi. Ông không có ý định, không có chương trình, không dự tính. Ông cũng chưa tin chắc rằng đó là Giave. Mà nếu có Giave thì chắc gì Giave đã nhận ra Giăng Vangiăng? Ông không cải trang là gì? Người ta cho là ông đã chết rồi kia mà! Những mấy ngày gần đây có những hiện tượng không thường. Thế là đủ cho Giăng Vangiăng quyết định không trở về nhà Goócbô nữa. Ông tìm một cái hốc để trốn tạm như một con thú bị đuổi khỏi hang, trong khi chưa tìm ra một xó nào để ở.
Giăng Vangiăng qua lại lui tới quanh có trong khu phố Muphơta. Hàng phố ngủ sớm cả, im lìm, như còn đương sống trong pháp chế trung cổ với cái luật giới nghiêm khắc nghiệt. Ông qua lại nhiều đường phố chằng chịt, theo những chiến thuật cao kỳ. Có những nhà trọ đây đó nhưng ông không vào vì nhà trọ không thích hợp với ông. Ông tin chắc rằng nếu vạn nhất có gười nào theo dấu ông thì người ấy cũng chưa mất dấu đâu.
Ông đi qua phố Pôngtoa, ngang đồn cảnh sát ở số nhà 14, khi đồng hồ nhà thờ Đuymông đổ mười một tiếng. Mấy phút sau vẫn theo linh tính ông quay mặt lại. Nhờ ánh đèn trước cửa đồn cảnh sát, ông trông thấy rõ ràng có ba người theo chân ông, lần lượt đi qua dưới ánh đèn, về phía bóng tối của đường phố. Một người trong bọn đi vào cổng đồn. Người đi đầu trông dáng rất khả nghi. Ông bảo với Côdét:
- Đi đây con.
Rồi ông vội vã rời bỏ phố Pôngtoa.
Ông mở một con đường cung đi vòng cổng Patơriắc đã đóng, bước sải qua phố Êpê Đơ Boa và phố Ácbalét và tiến vào phố Pốt.
Ở chỗ ấy có một ngã tư ngày nay có trường Rônlanh. Phố mới Xanhtơ Giơnơvievơ bắt đầu từ ngã tư này. (Chẳng cần phải nói là phố mới Xanhtơ Giơnơvievơ là một phố cổ và đến mười năm cũng không có một chuyến xe trạm qua phố Pốt. Cái phố Pốt này hồi thế kỷ 13 con người làm đồ gốm và chính tên của nó là phố Pô).[104]
[104] Pot (pô) tiếng Pháp chỉ các thứ bình, lọ, vại bằng đất nung hay bằng sắt. Postes (pốt) tiếng Pháp nghĩa là trạm bưu điện.
Trăng rằm dội ánh vằng vặc xuống ngã tư. Vangiăng nấp vào một cái cửa. Ông đồ rằng nếu như bọn chúng còn theo dõi ông thì khi chúng đi qua dưới ánh trăng, ông sẽ trông thấy chúng rõ mồn một.
Đúng như ông đoán, không đầy ba phút sau, bọn ấy hiện ra, bây giờ là bốn người chứ không phải ba nữa. Tên nào cũng cao lớn, cũng mặc áo khoác đen dài, đầu đội mũ tròn, tay cầm gậy lớn. Hình vóc cao lớn và bàn tay hộ pháp của chúng trông cũng dễ sợ như dáng đi hắc ám của chúng, chúng có vẻ là bốn con ma hóa trang làm người thành thị.
Chúng dừng lại giữa ngã tư và chụm đầu như thể hội ý. Chúng có vẻ do dự. Cái tên ra dáng cầm đầu quay lại và chỉ rất nhanh về hướng Vangiăng đi. Một tên khác có vẻ nhất quyết chỉ hướng ngược lại. Khi tên thứ nhất quay lại thì ánh trăng rọi vào ngay mặt nó. Giăng Vangiăng nhận ra quả thị là Giave.
II
MAY MÀ CẦU AUXTÉCLÍT CÓ XE CỘ ĐI LẠI
Giăng Vangiăng không còn phân vân gì nữa. Nhưng cũng may chính bọn chúng còn đương do dự. Vangiăng lợi dụng sự do dự của chúng. Những phút chúng mất đi vì do dự như thế lại rất có lợi cho ông. Ông ra khỏi chỗ nấp và tiến sâu vào phố Pốt, hướng về khu vườn Bách thảo mà đi. Côdét bắt đầu đuối sức, ông phải ẵm nó trong tay và cứ thế đi. Ngoài đường không một bóng người qua lại. Trời sáng trăng, người ta cũng không đốt đèn phố.
Vangiăng rảo bước đi lên.
Chỉ mấy sải chân ông đã đến trước xưởng gốm Gôbơlê. Ánh trăng chiếu rõ những câu chiêu hàng từ xưa khắc ở trước cửa xưởng:
Đây là xưởng gốm
Của Gôbơlê con,
Hãy đến mua cong.
Chậu, bô và hũ.
Cái gì cũng đủ:
Ống máng, gạch hoa...
Khách hàng gần xa,
Đều tiếp niềm nở.
Ông đi qua phố Cơlê, đi khỏi giếng may Xanh Vichto, theo những phố thấp dọc vườn Bách thảo và đến bờ sông. Đến đây ông dừng lại, quay đầu trông. Bờ sông vắng vẻ, phố xá không bóng người. Đằng sau ông không có ai cả, ông thở ra nhẹ nhõm.
Ông tiến đến cầu Auxtéclít.
Thuở ấy thuế cầu chưa bỏ.
Ông đến buồng người thương binh thu thuế, đưa một xu.
Người ấy bảo:
- Phải hai xu mới được. Ông bế một đứa bé đi dạo nên cứ phải trả hai xuất.
Ông trả ngay hai xu và lấy một bực dọc vì có người để ý.
Đã đi trốn thì phải trót lọt, trơn tru, không va vấp vào đâu.
Một cỗ xe tải to đi qua cầu sông Xen một lần với vài người và cũng đi sang bờ bên phải. Cái đó có lợi cho ông, ông lẩn trong bóng xe mà đi qua cầu.
Đến giữa cầu Côdét thấy tê chân, đòi xuống đi. Ông để nó xuống và cầm tay nó dắt. Ông vượt khỏi cầu thì thấy về bên phải có mấy công trường. Ông nhằm hướng đó mà đi. Muốn đến khu vực công trường, phải liều lĩnh đi qua một khoảng trống sáng ngời ánh trăng, nhưng ông không ngần ngại. Bọn người đuổi theo ông chắc chắn là mất dấu rồi. Ông cho là đã thoát nạn. Ông tin là chúng nó sục tìm, nhưng không theo dõi được nữa.
Một đường phố nhỏ là phố Sơmanh Ve Xanh Ăngtoan chạy dài giữa hai công trường bọc vách. Phố ấy hẹp và tối tăm, tuồng như xây dựng sẵn để chờ ông. Trước khi tiến vào, ông ngoái nhìn lại đằng sau.
Ở vị trí ông có thể trông rõ suốt chiều dài cầu Auxtéclít. Ông thấy có bốn bóng đen vừa đi lên cầu. Bốn bóng đen ấy quay lưng về phía vườn Bách thảo và đi sang bờ phải.
Bốn bóng đen ấy chính là bốn tên đã đuổi theo ông, Giăng Vangiăng rùng mình kinh hãi y như con thú chạy sổng vừa bị bắt gặp lại.
Ông còn một hy vọng là lúc ông dắt tay Côdét đi qua khoảng đất trống vằng vặc ánh trăng, có lẽ bọn ấy chưa lên cầu và như thế thì vẫn chưa nhìn thấy ông. Trong trường hợp ấy, nếu ông đi vào con đường phố nhỏ trước mặt, nếu ông đến được khu vực công trường rồi vùng ao đầm, vườn tược và những khoảnh đất chưa có nhà thì ông thoát nạn.
Ông cảm thấy đi vào cái phố nhỏ lặng lẽ ấy có thể yên thân được. Ông đi vào phố.
III
XEM BẢN ĐỒ PARI NĂM 1727
Đi độ ba trăm bước, Giăng Vangiăng đến một chỗ rẽ. Đường phố chia làm hai, một chệch về bên trái, một chệch về bên phải như hai nhánh của một chữ Y. Chọn đường nào?
Ông không do dự, rẽ về bên phải.
Tại sao vậy?
Là vì nhánh trái đi về ngả ngoại ô, tức là khu vực có người, còn nhánh phải đưa về cánh đồng vắng.
Vangiăng và Côdét không đi nhanh được nữa. Bước đi của Côdét làm chậm chân Vangiăng. Ông lại ẵm nó. Nó gục đầu vào vai ông không nói một tiếng.
Chốc chốc ông ngoái cổ nhìn lại: ông vẫn chú ý đi về mé bóng tối. Đằng sau ông, con đường phố thẳng tuột, mấy lần nhìn lại, ông vẫn không thấy bóng dáng ai. Vẫn yên tĩnh hoàn toàn, ông cũng có phần yên dạ. Nhưng khi ngoảnh lại lần sau cùng, thình lình ông thấy như có vật gì động đậy ở đằng xa trong bóng tối. Ông không đi nữa, ông lao mình lên phía trước. Ông hy vọng tìm thấy một lối ngang để lẩn vào và làm cho săn người phải lạc hướng một lần nữa.
Cuối phố, ông gặp một bức tường.
Nhưng bức tường không chắn lối đi lên của ông. Bức tường ấy nằm dọc theo một ngõ phố ngang ở cuối con đường phố ông vừa đi qua.
Đến đây cũng phải dứt khoát chọn đường một lần nữa: đi bên phải hay bên trái?
Ông nhìn về bên phải. Ngõ phố chạy dài một đoạn giữa những nhà xe và vựa một lúc rồi hết lối. Ông nhìn thấy rõ ràng bức tường trắng nằm cuối ngõ.
Ông nhìn sang bên trái. Ngõ phố bên ấy thông. Cách chỗ ông đứng chừng vài trăm bước, nó đổ ra một phố to như một chi lưu đổ về sông cái. Lối thoát là ở phía ấy.
Vangiăng vừa định rẽ sang bên trái để cố đi đến con đường phố lớn lờ mờ đầu kia thì cũng vừa thấy ở góc phố ấy một vật gì lù lù như một pho tượng đen không nhúc nhích.
Đó hẳn là một người nào người ta vừa cắt ra gác ở đấy. Người ấy đón lối đi và chờ Giăng Vangiăng tới.
Giăng Vangiăng lùi lại. Cái nơi mà Giăng Vangiăng đang đứng, giữa ô Xanh Ăngtoan và khu La Rapê là một khu vực Pari bị đảo lộn hoàn toàn trong những cuộc xây dựng mới, người thì cho là xấu đi, người thì cho là đẹp hẳn lên.
Đất trồng trọt, xưởng gỗ đá, những ngôi nhà cũ đã biến hết. Bây giờ là những phố lớn mới, những rạp hát ngoài trời, rạp xiếc, trường đua ngựa, những ga xe lửa, một cái nhà tù Mada. Bộ mặt của tiến bộ như ta thấy đấy, cùng với món vạ của nó.
Cách đây nửa thế kỷ, trong ngôn ngữ bình dân thông dụng, người ta cứ nhất định gọi Viện khoa học là "Nhà tứ lộc", Nhạc hí viện là Viện Phâyđô, thì cái nơi mà Giăng Vangiăng vừa tới thì được gọi là Pơti Pichpuýt. Cổng Xanh Liacơ, cổng Pari, cửa ô Xecgiăng, Lê Poócsơrông, La Galiôtơ, Lơ Xêlextanh, Lê Capuyxanh, Lơ Mêla, La Buốcbơ, Lácbơtơ đơ Cơracôvi, La Pơtitơ Pôlônhơ, Lơ Pơti Pichpuýt. Đó là những tên của Pari cổ, nổi lềnh bềnh trên Pari mới. Ký ức của nhân dân còn bám vào những tàn tích của thời xưa.
Khu phố Pơti Pichpuýt thực ra cũng chưa bao giờ thành hình hẳn hoi. Nó có cái vẻ mặt tu viện của một thành phố Tây Ban Nha. Đường ít lát đá, phố xá lơ thơ. Ngoài hai ba phố mà chúng tôi sẽ nói đến, toàn là tường cao và bãi vắng. Không có cửa hàng, không có xe cộ, lác đác một ngọn đèn trong khung cửa sổ. Đèn lửa tắt hết từ mười giờ đêm. Vườn tược, tu viện, xưởng gỗ đá, đầm, đìa, một vài cái nhà thấp, rất hiếm và những bức tường lớn cao bằng nhà.
Đó là bộ mặt của khu phố ấy một thế kỷ trước. Cách mạng đã bạc đãi nó, viên chức cộng hòa của thành phố đã phá hủy, chọc chỗ này, đục chỗ kia. Gạch ngói, vôi vữa phá hủy dồn đống đây đó.
Cách đây nửa thế kỷ, khu phố cũ không còn gì mấy dưới những đường vạch ngang dọc của nhà cửa mới. Ngày nay thì nó đã được xóa hẳn. Những bản đồ mới bây giờ không còn ghi dấu vết của khu Pơti Pichpuýt, nhưng bản đồ năm 1727 của nhà xuất bản Đơni Chiery ở Pari, phố Xanh Liacơ, đối diện với phố Đuy Pơlatơrơ và bản đồ của nhà xuất bản Giăng Giranh ở Lyông, phố Mecxierơ, ở La Pơruyđăngxơ, vẫn còn ghi rõ rệt khu phố này. Khu Pơti Pichpuýt như chúng tôi đã nói có một phố chữ Y, gồm phố Sơmanh và Xanh Ăngtoanơ, tách ra thành hai nhánh, nhánh trái tên là phố nhỏ Pichpuýt, nhánh phải là phố Pôlôngxô. Hai cái nhánh chữ Y ấy nối với nhau trên ngọn bằng một cái gạch ngang, ấy là phố Đơroamuyrơ. Phố Pôlôngxô đến đây thì hết, còn phố nhỏ Pichpuýt thì đi xa hơn nữa, ngược lên chợ Lơnoa. Người đi từ bờ sông Xenơ tới đầu phố Pôlôngxô sẽ thấy phố Đơroamuyrơ ở bên tay trái; và đi ngoặt thước thợ sẽ thấy bức tường dài của phố ấy trước mặt và bên phải thêm một khúc cụt của phố Đơroamuyrơ, không có lối thoát, gọi là ngõ cụt Giăngrô.
Giăng Vangiăng đang ở chỗ ấy.
Như chúng tôi vừa nói ở trên, khi nhìn thấy cái bóng đứng gác ở góc phố Đơroamuyrơ và phố nhỏ Pichpuýt. Giăng Vangiăng lùi lại. Chắc chắn là cái bóng đen ấy đang rình ông.
Làm thế nào bây giờ?
Quay trở lại thì không kịp nữa. Cái vật động đậy trong bóng tối ở đằng sau ông mấy phút trước đây, bây giờ ông đoán ra là Giave và đồng đội. Khi Vangiăng đến đầu này đường phố, có lẽ Giave đã vào đầu kia. Cứ như thế thì chắc Giave rất thuộc cái khu phố mắc cửi này và hắn đã cắt người chắn lối thoát rồi. Những điều ước đoán chắc nịch ấy quay cuồng trong đầu óc khổ sở của Vangiăng, như một nắm bụi tung trong gió lốc. Ông nhìn kỹ ngách Giăngrô; ngách bị nghẽn thật sự. Bóng sẫm của người canh nằm sóng sượt trên mặt đường giãi ánh trăng. Đi lên tức là sa vào người ấy. Quay trở lại sẽ rơi vào tay Giave. Giăng Vangiăng thấy mình như sa vào một cái lưới đương từ từ thắt lại.
Thất vọng, ông ngẩng lên nhìn trời.
IV
MÒ MẪM ĐỂ TRỐN
Để hiểu những điều xảy ra sau này, phải hình dung một cách chính xác cái ngõ Đơroamuyrơ và đặc biệt cái góc tường ở bên tay trái. Khi người ta đi từ phố Pôlôngxô để vào cái ngõ này. Ngõ Đơroamuyrơ bên tay phải, cho đến cái phố nhỏ Pichpuýt, hoàn toàn chỉ có những ngôi nhà trông có vẻ nghèo, xấu, bên tay trái thì chỉ có một ngôi nhà trông nghiêm nghị, gồm nhiều nhà ở, cứ cao dần lên, một hai tầng gác cho đến phố nhỏ Pichpuýt, như thế là ngôi nhà này rất cao về phía phố nhỏ Pichpuýt, còn về phía phố Pôlôngxô thì lại khá thấp và đến chỗ ấy, chỗ cái góc tường mà chúng tôi đã nói đến, nó hạ thấp đến mức chỉ còn có một bức tường. Bức tường này không chạy thẳng ra phố, nó thành một cái vách lùi vào trong mà hai góc tường nhô ra, cho nó khuất đi, khiến cho hai người quan sát ở phố Pôlôngxô và ở phố Đơroamuyrơ không trông thấy nó được.
Từ hai góc tường này, bức tường kéo dài ra phố Pôlôngxô đến ngôi nhà số 48 và ra phố Đơroamuyrơ, những đoạn tường này ngắn hơn nhiều, đến một ngôi nhà tối tăm mà chúng tôi đã nói đến, ở một đầu hồi của nhà này, thành ra lại có một góc tường lõm vào ở đây. Cái đầu hồi này trông u ám, chỉ có một cái cửa sổ, hay nói đúng hơn, hai cánh cửa sổ bọc một tấm kẽm và lúc nào cũng đóng kín.
Tình hình những địa điểm mà chúng tôi mô tả ở đây hoàn toàn chính xác và chắc chắn phải gợi cho những người đã ở khu này trước kia một kỷ niệm rất rõ rệt.
Toàn bộ bức vách lùi vào kia bị che bởi một cái gì như một cánh cổng lớn tiều tụy. Đó là những tấm ván ghép vuông góc một cách thô sơ không ra hình thù gì, ván phía trên rộng hơn ván phía dưới, bằng những nẹp sắt ngang. Bên cạnh có một cái cổng cho xe ra vào, kích thước bình thường; mới đục ra, chắc chưa quá năm mươi năm.
Một cây bồ đề xòe cành lá trên vách tường và phía phố Pôlôngxô lại có cây leo phủ kín.
Trong giây phút nguy hiểm đang đe dọa Giăng Vangiăng, ngôi nhà tối tăm có vẻ hoang vắng này hấp dẫn ông. Ông nhìn thoáng tất cả ngôi nhà và tự bảo, nếu vào được ngôi nhà này thì có thể thoát nạn. Ông vụt nghĩ như vậy và hy vọng. Lưng chừng bề mặt ngôi nhà quay ra phố Đơroamuyrơ này, ở tất cả các cửa sổ các tầng gác, đều có những chậu hình phẫu bằng chì. Một cái ống chính chia thành nhiều nhánh dẫn đến những chậu kia, như hình một cái cây. Những ống ấy với hàng trăm nhánh cong queo của nó giống như những cành nho già trụi lá quằn quèo trước cửa những vườn trại cũ.
Cái cây kỳ quặc mọc trên tường ấy với những cành bằng tôn và bằng sắt là vật liệu đập vào mắt Giăng Vangiăng. Ông đặt Côdét dựa vào một cái trụ bên đường, dặn em bé ngồi im lặng và chạy tới chỗ cái ống sà xuống sát mặt đất. May ra có thể leo lên từ đó và trèo vào trong nhà. Nhưng cái ống đã nát không dùng được nữa và gắn rất lỏng lẻo vào tường. Vả lại tất cả những cửa sổ của ngôi nhà im lặng này đều bịt gióng sắt dày, cả những cửa sổ sát mái cũng vậy và ánh trăng đang dọi vào mặt này của ngôi nhà ấy, người theo dõi ở đầu phố đàng kia có thể nhìn thấy Giăng Vangiăng trèo lên đấy. Rồi con Côdét thì làm sao? Làm thế nào đẩy Côdét lên một mái nhà gác ba tầng?
Giăng Vangiăng đành bỏ ý định leo lên theo cái ống kia và ông đi men theo tường để trở về phố Pôlôngxô.
Khi tới cái vách tường lùi vào, nơi ông đã đặt Côdét, ông nhận ra rằng ở đó không ai có thể nhìn thấy ông. Như chúng tôi đã giải thích ở trên, ở chỗ này không ai có thể nhìn thấy Giăng Vangiăng, dù người ấy đứng ở đâu. Thêm vào đó ông ta lại đang ở trong bóng tối. Và ở đó có hai cái cửa, may ra có thể xô hai cái cửa ấy mà vào. Bức tường trên có cây bồ đề và cây leo chắc là giáp với một cái vườn mà ông có thể ẩn mình được, tuy rằng lúc này cây chưa có lá và ông có thể ở đấy cho đến hết đêm.
Thời gian trôi qua, cần phải hành động nhanh. Ông đẩy thử cái cổng xe và nhận ra ngay là nó bị chặn ở cả hai phía trong và phía ngoài. Ông lại gần cổng lớn với nhiều hy vọng hơn. Cái cổng đã mục nát, rất tồi tàn và vì nó rộng quá cho nên lại càng không chắc, các tấm ván đã mục, các nẹp sắt - chỉ có ba nẹp thôi - đã rỉ hoen cả. Ông tin là có thể chọc thủng cái cổng mọt ấy. Nhưng xem kỹ ông thấy cái cổng ấy không phải là một cái cổng. Không có chốt, không có nẹp sắt, không có khóa, không có kẽ hở ở giữa. Những nẹp sắt chạy ngang cả mặt cổng, không có chỗ nào đứt quãng. Qua những lỗ hổng của những tấm ván ấy, nhìn thấy những viên đá to, đá nhỏ gắn xi măng một cách xơ sài mà người qua đường cách đây mười năm còn trông thấy. Cuối cùng ông kinh hoàng nhận ra rằng cái hình thức cổng ấy chỉ là cái vỏ bên ngoài bằng gỗ của một bức tường xây. Có thể dễ dàng dứt đi một tấm ván, nhưng người ta sẽ chạm trán với một bức tường.
V
NẾU ĐƯỜNG PHỐ THẮP ĐÈN KHÍ THÌ KHÔNG THỂ THẾ ĐƯỢC
Bây giờ có tiếng động nặng nề, nhịp nhàng từ xa dội lại. Giăng Vangiăng ló đầu ra ngoài góc phố nhìn thử thì thấy bảy tám tên lính xếp thành đội ngũ tiến vào phố Pôlôngxô. Lưỡi lê sáng loáng, chúng tiến lên phía ông. Tên đi đầu vóc dáng cao lên nom đúng là Giave. Chúng đi chậm chạp và thận trọng. Chúng thường hay đứng lại. Rõ ràng là chúng soát xét từng nếp tường, từng hốc cửa, từng ngõ ngách.
Đây hẳn là một đội lính tuần tra mà Giave gặp và trưng tập, điều ước đoán này chắc không sai.
Hai tên tùy tùng của Giave cũng đi trong hàng lính.
Tiếp theo cái đà ấy và hay đứng lại như thế thì cũng phải mất mười lăm phút chúng mới đến chỗ Giăng Vangiăng. Giây lát ấy thật hãi hùng. Chỉ còn mấy phút là Giăng Vangiăng lại sa vào vực thẳm ghê rợn một lần thứ ba. Lần này thì vào ngục không phải chỉ là vào ngục, mà còn có nghĩa là mất Côdét, là sống cái đời sống tối tăm cô quạnh như ở trong mồ.
Chỉ còn một cách khả dĩ thoát thân.
Giăng Vangiăng có cái này là đặc biệt: có thể nói ông có hai bị: một bị đựng những ý nghĩ hiền từ của một vị thánh, một bị nhốt những ngón tay tài lạ ghê gớm của một tên tù khổ sai. Tùy lúc mà ông lục tìm trong bị này hay bị nọ.
Một trong những ngón hay ấy là ngón leo trèo. Nhờ nhiều lần vượt ngục Tulông, ông đã trở nên một tay thánh trong cái thuật leo khó tưởng tượng ấy, là leo độc bằng gân cốt, không dây, không thang, không mấu. Ở một góc tường nào đấy, ông chỉ vận dụng vai, gáy hông và gối, thỉnh thoảng mới nương vào một mảnh đá họa hoằn nhô ra, cứ thế nếu cần, ông leo lên tầng thứ sáu của một ngôi lầu, theo cái thuật đã làm góc sân nhà tù La Côngxiecgiơri ở Pari nổi tiếng và đáng sợ vì ở đó hai mươi năm trước tên tù Batơmôlơ đã vượt ngục.
Trên bức tường trước mặt, một cây bồ đề tỏa cành lá. Giăng Vangiăng nhìn tường, ước lượng chiều cao khoảng sáu mét. Tường đâm vào chái của một ngôi nhà lớn, làm thành một hình góc khay, nhưng người ta đã xây bịt đoạn dưới góc tường ấy bằng một trụ vôi hình tam giác, có lẽ để cho bọn lang thang nghèo hèn khỏi vào ẩn náu. Cách bít góc tường chống bọn lang thang như thế là chuyện thường ở Pari.
Cái trụ vôi cao độ trên một mét rưỡi. Từ đỉnh trụ lên đến ngọn tường, khoảng cao chỉ còn hơn bốn mét.
Trên tường là một tảng đá bằng phẳng. Cái khó khăn là Côdét. Côdét trèo tường thế nào được? Bỏ nó lại ư? Vangiăng không bao giờ tính đến chuyện ấy. Mang nó đi thì leo làm sao! Leo tường theo kiểu lạ lùng ấy, leo một mình đã phải dùng hết sức lực rồi. Nếu thêm một sức nặng nào nữa, trọng tâm sẽ chệch ra ngoài và người leo sẽ nhào xuống.
Có một cái dây thì giải quyết được, nhưng Vangiăng không có! Tìm đâu cho ra một mẩu dây lúc nửa đêm ở phố Pôlôngxô? Lúc ấy Vangiăng sẵn sàng đổi cả một vương quốc để lấy một sợi dây.
Trong cảnh cùng đường, có những tia chớp có khi làm lòa mắt ta, có khi rọi sáng trí ta. Con mắt tuyệt vọng của Vangiăng bắt gặp cây trụ đèm ở ngách Giăngrô.
Thuở ấy đường phố chưa có đèn khí, đêm đến người ta thắp đèn lồng cách từng quãng; đèn lồng buộc vào dây để kéo lên kéo xuống; dây chạy luồn vào một cái rãnh khoét trong một giá tra vào trụ đèn và nằm ngang qua đường. Trục quay dây đặt vào một hòm bằng sắt nhỏ dính liền với trụ, chìa khóa do người thắp giữ. Cái dây cũng luồn trong một ống bằng kim khí.
Giăng Vangiăng vận dụng hết nghị lực trong cuộc chiến đấu quyết liệt. Ông nhảy phóc qua đường vào ngách Giăngrô, lấy mũi dao nhọn cạy hòm sắt ở trụ đèn. Một lát sau ông trở lại chỗ Côdét với một cuộn dây. Các bác thánh xoay này, khi các bác đương đầu với số mệnh thì các bác nhanh tay khiếp lắm!
Chúng tôi đã nói là đêm ấy đèn đường không thắp. Đèn lồng ở ngách Giăngrô tất nhiên cũng không thắp như mọi đèn khác, cho nên dù có đi sát một bên trụ đèn cũng không ai thấy đèn treo không đúng chỗ.
Canh khuya, cảnh lạ, bóng đêm mờ tối. Vangiăng bận rộn lo âu và có những cử động kỳ dị, Côdét trông thấy cảnh tượng ấy bắt đầu lo lắng. Một đứa trẻ khác thì đã kêu khóc từ lâu rồi, nhưng Côdét thì chỉ kéo áo Vangiăng. Đội tuần tra đến gần, tiếng đi nghe càng rõ, Côdét khe khẽ nói:
- Cha ơi, con sợ quá! Ai đi đấy?
- Im! Mụ Tênácđiê đấy.
Côdét rùng mình. Vangiăng nói tiếp:
- Đừng nói gì cả. Để mặc cha. Mụ Tênácđiê chực bắt con đấy, nếu con kêu khóc thì mụ ấy biết ngay.
Thế rồi Vangiăng cởi cà vạt buộc quanh mình Côdét, phía dưới nách. Ông rất cẩn thận để khỏi trượt da con bé. Rồi ông buộc múi vào đầu sợi dây, theo kiểu nút én của người đi biển. Xong ông cắn đầu dây kia, cởi giày và bít tất ném qua tường rồi trèo lên trụ vôi và bắt đầu leo lên tường vững vàng, chắc chắn như có nấc thang để bước và để bám tay vào. Mọi công việc ông làm không vội vàng hấp tấp, nhưng mỗi việc làm rồi là rồi, không làm lại. Trong giờ phút nguy nan như thế, khi đội tuần tra của Giave có thể xuất hiện lúc nào không biết, sự tỉnh táo, sự nhanh nhẹn và chính xác của ông thật là đáng phục. Không đầy nửa phút sau ông đã quỳ trên ngọn tường.
Côdét không nói không rằng, kinh ngạc nhìn lên. Cái tên Tênácđiê và lời dặn của Vangiăng làm cho em khiếp đảm.
Thình lình nó nghe Vangiăng gọi nho nhỏ trong họng:
- Côdét, lại tựa lưng vào tường.
Côdét ngoan ngoãn làm theo.
- Đừng nói gì cả, đừng sợ.
Thế là Côdét thấy người nhấc bổng lên khỏi mặt đất. Chưa hiểu đầu đuôi ra sao, em đã lên đến ngọn tường.
Vangiăng cõng Côdét sau lưng, dùng bàn tay trái giữ hai tay nó. Ông nằm bẹp trên ngọn tường và trườn đi cho đến chỗ có mảnh tường xẻ. Như ông đã đoán, ở đấy có một mái nhà đi từ ngọn hàng rào gỗ, nằm là là cành lá cây bồ đề và xuống thoai thoải đến cách mặt đất không cao lắm. Rất may là ngọn tường về phía này cao hơn về phía ngoài phố nhiều. Giăng Vangiăng nhìn thấy mặt đất rất sâu ở dưới chân tường.
Vangiăng chuyền qua mái nhà, tay chưa rời khỏi mặt tường thì đã nghe tiếng la ó của đội tuần tra. Giọng Giave vang dội:
- Soát cái ngách cụt này. Phố Đơroamuyrơ đã bị chắn, phố nhỏ Pichpuýt cũng thế. Tôi cam đoan hắn ở trong ngách này.
Bọn lính xông vào ngách Giăngrô.
Trong khi ấy Giăng Vangiăng theo mái nhà tụt xuống, tay vẫn giữ Côdét. Đến cây bồ đề, ông bám lấy nhảy xuống đất. Từ đầu, Côdét không nói một tiếng, không biết vì gan góc hay vì quá sợ hãi. Tay nó hơi bị trầy da.
VI
BÍ MẬT BẮT ĐẦU
Giăng Vangiăng như lọt vào một khu vườn rộng, cảnh tượng trông lạ lùng, buồn bã, một thứ vườn hình như xếp đặt để ngắm vào những đêm trường hay ngày đông tháng giá. Vườn hình bầu dục, phía sau có một hàng bạch dương. Ở mấy góc vườn có những lùm cây đại thụ khá cao lên, ở giữa có một khoảng thoáng. Trong khoảng ấy có một cây cổ thụ lẻ loi, rất lớn và vài cây ăn quả quằn quẹo và xù xì như những bụi rậm, mấy khoảnh ray, một bể chứa cũ, một đám dưa bở, lồng bọc dưa loang loáng dưới ánh trăng. Đây đó có vài chiếc ghế đá mốc thếch như rêu. Hàng cây nhỏ thẳng đuột và đen sẫm đứng hai bên các lối đi một nửa phủ cỏ, một nửa phủ rêu xanh.
Vangiăng đã leo qua mái nhà để xuống đất. Cái nhà ấy bây giờ đứng lù lù bên cạnh ông cùng với một đống củi bó. Sau đống củi có một pho tượng đá dựa vào tường, mặt mũi sứt mẻ lờ mờ hiện ra trong bóng đêm.
Cái nhà hình như đổ nát, các gian phòng đã dỡ ván. Có một gian chừng để dùng làm nhà xe, bề bộn đồ đạc.
Mặt sau tòa nhà phố Đơroamuyrơ mở vào vườn thành hai mặt châu vào nhau hình thước thợ. Mặt sau còn ảm đạm hơn mặt trước nữa. Bao nhiêu cửa sổ đều chắn song sắt. Không có ánh đèn. Ở các tầng trên có những lồng cu như ở nhà pha. Bóng một mặt nhà ngả phủ lên mặt nhà kia và trải xuống đất như một tấm dạ đen.
Không thấy có nhà nào khác nữa. Phía đằng sau vườn mờ mịt trong sương mù và đêm tối. Nhưng người ta cũng nhìn thấy lờ mờ có những bức tường ngang dọc, tuồng như đằng sau tường có trồng trọt những thứ gì nữa. Phía sau tường, san sát những mái nhà thấp thấp ở phố Pôlôngxô.
Không thể tưởng tượng có một cảnh nào cô quạnh và rợn người hơn cảnh vườn ấy. Không có bóng người thì đã đành vì khuya khoắt như thế ai còn đi lại làm gì. Nếu chỉ vắng bóng người thì cũng không cần nói, đằng này, hơn thế, người ta có cảm giác là chỗ ấy không phải là chỗ để cho con người qua lại, dù là qua lại giữa ban trưa.
Việc đầu tiên của Giăng Vangiăng là tìm giầy mang vào, rồi cùng Côdét đi lẩn vào nhà xe, bởi vì người đi trốn không bao giờ cho rằng mình trốn đã kín. Côdét thì cứ nghĩ sợ mụ Tênácđiê nên cũng đồng tình chịu trốn. Nó run sợ và nép người vào Giăng Vangiăng. Đội tuần tra đương sục sạo tìm kiếm trong ngách Giăngrô, tiếng huyên náo dội vào trong vườn, đó là tiếng báng súng dộng vào đá, tiếng Giave thét gọi bọn mật thám đứng gác và tiếng hắn nguyền rủa lầm bầm cái gì nghe không rõ.
Mười lăm phút sau, cơn náo động bắt đầu xa dần. Từ lâu Vangiăng nín thở và để nhè nhẹ bàn tay lên miệng Côdét.
Tuy vậy, cảnh vắng vẻ ở đây hoàn toàn, sự náo động khủng khiếp bên ngoài dù gần cũng không làm cho ai chột dạ. Tuồng như những bức tường kia xây bằng thứ đá điếc mà Kinh thánh đã nói đến.
Bỗng nhiên lại có tiếng vọng lên trong vắng lặng. Một thứ tiếng cao cả, thiêng liêng, huyền diệu, nó làm cho lòng người kinh rợn. Đây là một bản hợp tụng trong bóng tối, một bài kinh nhạc mê hồn trong cảnh vắng lặng của đêm sâu. Giọng tụng này là giọng phụ nữ, nó là sự hòa hợp giữa giọng trong trẻo của những người đồng trinh với giọng thơ ngây của các em bé. Thứ tiếng ấy không phải là tiếng ở thế gian này, nó giống thứ tiếng mà trẻ sơ sinh hãy còn nghe thấy và người nhắm mắt cũng bắt đầu nghe. Tiếng ấy vọng ra từ ngôi nhà tăm tối. Có lẽ đây là khúc hợp xướng của thiên thần dịch lại trong bóng đêm để thay cho tiếng náo động của lũ quỷ vừa bay xa.
Côdét và Giăng Vangiăng vội vàng quỳ xuống.
Họ không biết tiếng ấy là tiếng gì, họ không biết chỗ này là chỗ nào. Tuy vậy người luống tuổi hối lỗi ấy và em bé trong trắng này, cả hai đều cảm thấy phải quỳ xuống kính cẩn.
Tiếng ấy vẫn không làm cho ngôi nhà bớt vắng lặng; nó là một khúc hát thiên đường trong một tòa nhà không người ở.
Trong khi nghe hát, Giăng Vangiăng quên hết mọi ưu phiền. Ông không thấy đêm tối, ông chỉ thấy trời xanh. Ông cảm thấy hình như đôi cánh thiên thần ở trong người ông từ từ mở ra.
Tiếng hát dứt. Khúc hát ngân lên đã lâu chưa, Vangiăng không nói được. Những giờ ngây ngất đắm say chỉ ngắn bằng giây phút.
Quang cảnh đã trở lại yên lặng. Không còn gì ngoài phố, không còn gì trong vườn nữa. Mối đe dọa, niềm an ủi cũng đều tan biến hết. Gió thổi trên ngọn tường, mấy cây cỏ khô cọ vào nhau phát ra một tiếng động nhè nhẹ, thê lương.
VII
BÍ MẬT CÒN TIẾP
Gió đêm thổi lên hây hẩy, nghĩa là có thể đã đến một hai giờ khuya. Con bé Côdét vẫn im lặng. Em ngồi xuống bên cạnh Vangiăng. Vangiăng tưởng em đã ngủ, cúi xuống nhìn. Nhưng không, Côdét vẫn mở mắt thao láo. Vẻ mặt ưu tư nghĩ ngợi của em làm cho Vangiăng thấy nhói trong tim. Em vẫn còn run bần bật.
- Con có buồn ngủ không?
- Con rét quá.
Một lát sau em hỏi:
- Bà ấy vẫn còn ở đây ư?
- Bà nào?
- Bà Tênácđiê ấy mà.
Giăng Vangiăng đã quên bẵng cái chuyện đem mụ Tênácđiê dọa cho Côdét im lặng.
- Ồ! Mụ ấy đi rồi. Con đừng sợ gì nữa.
Côdét thở ra nhẹ nhõm, như cất một gánh nặng trên ngực.
Đất ẩm ướt, nhà xe trống trải, gió đêm càng khuya càng lạnh. Vangiăng cởi áo khoác ngoài phủ lên mình Côdét.
- Thế này con có thấy đỡ rét không?
- Ồ, đỡ lắm cha ạ.
- Bây giờ hãy đợi ở đây, cha đi một lát lại về ngay.
Ông ra ngoài, đi men theo tòa nhà lớn để tìm một chỗ trú tốt hơn. Ông thấy nhiều cửa, nhưng đều đóng cả. Ở các cửa sổ tầng dưới, cửa nào cũng có song sắt.
Khi ông ra khỏi góc nhà, thì thấy có những cửa sổ cuốn có ánh đèn, ông kiễng chân dòm vào. Tất cả các cửa sổ cuốn ấy là của một gian nhà rộng, lát đá tảng to, đầy những vòm cuốn và cột trụ. Ánh sáng heo hắt làm cho từng mảng bóng tối lay động trên nền, trên vách. Ánh sáng tỏa ra từ một chiếc đèn chong ở một xó. Không một dáng người, không một tiếng động, gian phòng hoàn toàn vắng lặng.
Nhìn mãi Vangiăng thấy ở nền nhà có vật gì như một người đang đắp vải liệm. Hình ấy nằm sấp, mặt úp xuống đất, tay dang chữ thập, trong đó có cái dáng bất động của người chết. Trên nền nhà, một vật gì ngoằn ngoèo, hình như cái hình thù ghê rợn ấy có dây ở cổ.
Cảnh rùng rợn càng tăng vì cả gian phòng chập chờn trong lù mù của ánh sáng.
Về sau, Vangiăng thường nói là trong đời, ông đã thấy nhiều cảnh ghê rợn, nhưng ông không bao giờ thấy có cái gì ghê rợn và kinh khủng bằng cái hình thù bí mật đương thực hiện một phép huyền bí gì trong gian phòng mập mờ đêm hôm ấy. Nghĩ rằng đó là người chết đã là khủng khiếp, nghĩ rằng có lẽ là người sống lại càng khủng khiếp hơn.
Vangiăng mạnh dạn dòm sát vào cửa kính để rình xem hình thù ấy có động đậy không. Ông đứng một thời gian chừng như lâu lắm mà vẫn không thấy nó cử động.
Thình lình ông cảm thấy khiếp sợ quá, vội bỏ chạy. Ông chạy một mạch về phía nhà xe, không dám ngoái cổ lại. Ông có cảm giác là nếu ông quay đầu lại, ông sẽ thấy cái thây ma ấy sải bước đuổi theo ông, hai tay ve vẩy.
Giăng Vangiăng về đến nhà xe, thở hổn hển. Đầu gối ông muốn gấp lại, mồ hôi đầm đìa sau lưng.
Nơi này là nơi nào? Ai tưởng tượng được giữa Pari lại có một thứ mộ địa kiểu ấy? Cái nhà kỳ quái này là nhà gì? Nó đầy rẫy những nhà bí ẩn của bóng đêm. Nó đem giọng thiên thần kêu gọi linh hồn người ta trong đêm tối, rồi khi người ta đến, nó lại cho người ta xem một cảnh tượng ghê rợn như thế kia. Nó hứa hẹn mở cửa thiên đình xán lạn, nhưng nó lại mở cửa mộ địa tối tăm. Ấy thế mà rõ ràng là một ngôi nhà nhìn ra đường có mang biển số. Đâu có phải là một giấc mơ! Giăng Vangiăng phải sờ đến các phiến đá xây ngôi nhà ấy mới tin là mình không mơ ngủ.
Vừa rét, vừa sợ, vừa lo, lại luôn luôn bị xúc động mạnh từ ban tối, Giăng Vangiăng thấy như trong người lên cơn sốt và các ý nghĩ trên kia quay cuồng trong đầu óc ông.
Ông lại gần Côdét. Côdét đã ngủ.
VIII
BÍ MẬT CÀNG TĂNG
Côdét gối đầu lên một phiến đá và ngủ thiếp từ bao giờ.
Giăng Vangiăng ngồi xuống bên cạnh ngắm nhìn nó. Càng nhìn, ông càng thấy trí óc dần dần bình tĩnh và ông điềm nhiên suy nghĩ.
Ông tìm thấy một sự thật, là Côdét mà còn ở đấy, còn ở bên cạnh ông, thì ông có cần cái gì cũng là vì Côdét mà cần, có sợ cái gì cũng là vì Côdét mà sợ. Nó là ý nghĩa của đời ông. Bỏ áo ra để đắp cho Côdét, ông vẫn không thấy rét, mặc dù trời rét.
Trong cơn suy nghĩ miên man, ông nghe văng vẳng một tiếng gì là lạ. Nó như một tiếng nhạc rung từ trong vườn lại, nghe rất rõ, tuy chỉ văng vẳng thôi. Nó giống như tiếng nhạc đồng buộc cổ những con cừu, con dê ăn đêm trên đồng cỏ.
Ông quay lại. Nhìn ra, ông thấy có bóng ai trong vườn.
Một sinh vật giống hình người đương đi giữa các luống dưa. Nó ngẩng lên, cúi xuống, dừng lại đều đều như kéo một vật gì hay trải cái gì dưới đất. Hình như nó thọt chân.
Vangiăng rùng mình. Lúc nào ông cũng run sợ như tất cả mọi người cùng khổ. Cái gì đối với họ cũng là thù nghịch và khả nghi. Họ ngại ban ngày vì ban ngày họ dễ bị nom thấy; họ ngại ban đêm vì ban đêm họ có thể bị tóm mà không hay. Lúc nãy, Vangiăng rùng mình vì cảnh vườn vắng vẻ, bây giờ ông rùng mình vì vườn có bóng người.
Hết lo sợ vì tưởng tượng, ông lại lo sợ vì thực tại. Ông cho là bè lũ Giave còn lẩn quất đâu đây và có lẽ chúng có cắt người ở lại quan sát. Cái người đi trong vườn này mà thấy Giăng Vangiăng tất sẽ kêu có trộm và ông sẽ bị lộ. Nghĩ thế, Vangiăng se sẽ ẵm Côdét lên, mang ra sau đống bàn ghế cũ nát ở xó nhà khuất nhất. Côdét không cựa.
Từ trong xó ấy, Vangiăng theo dõi hành tung người kia và thấy có điều rất lạ là tiếng nhạc rung theo cử động của hắn. Hắn lại gần, tiếng nhạc nghe gần, hắn ra xa, tiếng nhạc ngân xa. Khi hắn cử động nhanh thì cả một tràng nhạc rung theo cử động. Khi hắn đứng lại, tiếng nhạc cũng im bặt... Thật quá rõ là người ấy đeo nhạc trên người. Thế là thế nào? Người ấy là người gì mà đeo nhạc y như con bò, con chiên vậy.
Vangiăng vừa tự hỏi như thế vừa sờ tay Côdét. Tay em bé lặng ngắt, Vangiăng buột miệng kêu: "Trời ơi!" - Ông gọi khe khẽ:
- Côdét, con!
Côdét không mở mắt.
Ông lay mạnh em bé. Em bé vẫn không thức giấc. Vangiăng lẩm nhẩm:
- Có lẽ nó chết chăng!
Ông đứng phắt lên, toàn thân rung động.
Ông liên miên nghĩ đến những điều rủi ro rùng rợn. Có những lúc những phỏng đoán ghê rợn nhất như một đoàn cuồng quỷ bao vây và đột ám vào trí óc ta. Với những người ta yêu quý, ta quá lo xa cho nên tưởng tượng ra những điều điên dại.
Ông sực nhớ là người ngủ ngoài trời một đêm rét có thể chết được.
Con Côdét xanh xao lại ngã sóng sượt dưới đất bên chân ông, không động đậy.
Vangiăng cố nghe hơi thở của Côdét. Em vẫn thở, nhưng ông tưởng thấy hơi thở mỏng manh như một sợi tơ và sắp đứt.
Làm thế nào sưởi cho nó ấm lại? Làm thế nào cho nó tỉnh. Vangiăng chỉ lo có chừng ấy, mọi nỗi lo ngại khác đã bay biến. Hoảng quá, ông bổ nhào ra khỏi nhà xe.
Phải làm thế nào cho Côdét có giường nằm, có lửa sưởi trong mười lăm phút.
IX
NGƯỜI ĐEO NHẠC
Giăng Vangiăng đi xăm xăm lại chỗ có người lạ. Ông rút cuộn giấy bạc trong túi gi-lê ra, cầm lăm lăm trong tay.
Người kia đương cúi, không trông thấy ông lại gần. Ông sải mấy bước đã đến bên hắn ta. Ông hét:
- Một trăm phơrăng.
Người kia giật mình đánh thót một cái, ngẩng nhìn lên.
Vangiăng tiếp:
- Cho tôi trọ đêm nay, tôi biếu một trăm quan.
Trăng soi ngời ngời vẻ mặt hoảng hốt của Vangiăng.
- Ô kìa! Bác Mađơlen!
Con người xa lạ trong đêm tối ở cái nơi không quen thuộc này, sao lại gọi cái tên ấy? Vangiăng lùi lại.
Ông đã dự kiến hết, nhưng việc này thật quá bất ngờ!
Người kia là một ông già còm và thọt, ăn mặc từa tựa như nông dân. Ở đầu gối trái của lão, có một tấm da bọc gối, trên ấy treo lủng lẳng một chiếc nhạc. Mặt lão khuất bóng đêm, trông không rõ.
Lão cất mũ run rẩy kêu:
- Trời đất ơi! Làm sao bác lại ở đây, hở bác Mađơlen? Lạy Chúa! Bác vào bằng cái ngõ nào thế? Bác từ trên trời rơi xuống đấy ư? Cái đó cũng không lạ, bác mà rơi thì tất là phải từ trên trời rơi xuống. Ôi chao ơi! Sao bác ra cơ sự thế kia? Bác không có cà vạt, không có mũ, không có áo ngoài. Bác có biết là tướng bác trông dễ sợ lắm không, ai không quen bác mà gặp bác hôm nay tất phải chết khiếp. Chúa cao cả ôi! Phải chăng là những bậc thánh ngày nay đều hóa điên cả? Thế nhưng bác làm thế nào mà lọt vào chỗ này mới được chứ?
Lời tiếp lời không ngớt, ông già ba hoa như một người nông dân nhưng không lộ ý gì đáng ngại. Trong giọng nói của ông có sự kinh ngạc lẫn vẻ niềm nở thật thà. Vangiăng hỏi:
- Ông là ai? Nhà này là nhà gì?
- Ôi chao ôi! Cái này mới thật là kỳ quặc! Tôi là người bác đưa vào làm ở đây và nhà này là nhà bác đưa tôi vào làm, chứ còn người nào, nhà nào nữa! Mà thật vậy ư? Bác không nhận ra tôi thật ư?
- Không. Còn ông thì tại sao mà ông biết tôi?
- Bác đã cứu sống tôi.
Ông già ngoái đầu, ánh trăng soi rõ sống mặt. Vangiăng nhận ra ông già Phôsơlơvăng.
- Ô hay! Bác đấy ư? Ờ phải, tôi nhận ra bác rồi.
- Quý hóa chưa! - Ông già nói có vẻ trách móc.
- Thế bác làm gì ở đây?
- Thì đấy! Tôi che dưa bở.
Quả vậy, ông Phôsơlơvăng đương lấy tranh rạ đậy lên mấy luống dưa. Từ lúc ra vườn dưa đến giờ, ông đã trải được một số tranh rồi. Những cử động lạ lùng Vangiăng đã trông thấy, chính là công việc che dưa.
Ông Phôsơlơvăng nói tiếp:
- Tôi tự bảo: trăng sáng thế này chắc là sắp rét giá, dưa sẽ bị lạnh, dễ ta phải mang áo ra cho chúng.
Ông Phôsơlơvăng vừa nhìn Vangiăng vừa cười hà hà nói tiếp:
- Gặp phải bác, chắc bác cũng làm thế thôi! Nhưng bác làm thế nào mà vào được đây?
Thấy ông già Phôsơlơvăng biết mình, dù là chỉ biết với cái tên Mađơlen, Giăng Vangiăng cũng trở nên dè dặt thận trọng. Ông hỏi han ông già dồn dập. Vai trò thay đổi, chính người khách lạ lại chất vấn chủ nhân:
- Bác đeo cái nhạc gì ở đầu gối thế?
- Nhạc này ư? Ấy, để cho họ biết mà tránh tôi.
- Thế nào? Để cho họ tránh bác?
Ông Phôsơlơvăng nheo mắt một cách khó tả:
- Ấy! Ở trong nhà này chỉ có đàn bà, phần nhiều là thiếu nữ. Hình như họ cho là gặp tôi là nguy hiểm thế nào ấy. Cho nên tôi phải đeo cái nhạc này để báo hiệu cho họ biết: nghe tôi đến thì họ lẩn tránh đi.
- Nhà này là nhà gì?
- Ô hay! Bác biết lắm chứ.
- Không, tôi không biết.
- Bác giới thiệu cho tôi đến đây coi vườn mà lị!
- Bác cứ coi như là tôi chưa biết gì hết và trả lời cho tôi.
- Thế thì đây là nhà tu kín Pơti Pichpuýt.
Vangiăng lần hồi nhớ lại việc cũ. Sự tình cờ, nghĩa là bàn tay Chúa đã ném ông vào chính cái tu viện mà hai năm trước, ông đã giới thiệu lão Phôsơlơvăng vào làm, sau khi lão này trở nên tàn tật vì xe kẹp. Ông lẩm nhẩm như nói một mình:
- Tu viện Pơti Pichpuýt!
- Mà này, bác Mađơlen, bác làm thế quái nào mà vào được tu viện này? Bác thì là bậc thánh đấy, nhưng bác vẫn là đàn ông, mà đàn ông thì không được vào đây.
- Chứ còn bác thì sao?
- Chỉ có mình tôi đặc cách.
- Thế mà tôi cứ phải ở lại trong này đấy!
- Ôi trời! - Phôsơlơvăng kêu.
Giăng Vangiăng nhích lại một bên ông già, nghiêm trang bảo:
- Ông Phôsơlơvăng, tôi đã cứu ông.
- Ấy tôi nhớ ra chuyện ấy trước bác kia.
- Ngày nay ông có thể cứu tôi cũng như tôi đã cứu ông ngày trước.
Ông Phôsơlơvăng đưa hai bàn tay nhăn nheo nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vangiăng, nghẹn ngào không nói. Mãi sau, ông mới kêu:
- Ôi! Tôi mà báo bổ được phần nào thì quả thật là ơn Chúa. Tôi cứu được ông ư, ông thị trưởng? Nếu thế thì ông cứ sai bảo lão già này đi. - Nét mặt ông Phôsơlơvăng trở nên rạng rỡ lạ thường. Ông hỏi:
- Bác định khiến tôi làm gì đây?
- Tôi sẽ nói kỹ. Hiện giờ thì tôi muốn biết bác có một căn buồng không?
- Tôi có một cái nhà nhỏ trơ trọi ở đầu kia, trong hốc khuất đằng sau cái nhà đổ nát ấy. Nhà có ba buồng.
Thật vậy, cái nhà nhỏ này khuất sau cái nhà cũ kỹ kia, không ai trông thấy. Vì thế Vangiăng không biết có nó.
- Tốt lắm. Bây giờ tôi nhờ bác hai việc.
- Việc gì, ông thị trưởng?
- Thứ nhất, bác không nói gì với ai hết về tung tích của tôi. Thứ hai là bác cũng đừng tìm hiểu gì thêm về tôi.
- Được rồi. Tôi tin bác làm việc gì cũng là việc lương thiện cả. Bao giờ bác cũng là người con của Chúa nhân hậu. Với lại chính bác đã đưa tôi vào làm ở đây. Đây là việc của bác. Bác cứ sai khiến.
- Được rồi. Bây giờ thì bác đi với tôi, đến tìm đứa bé.
- Ơ! Có một đứa bé!
Ông không nói thêm gì nữa, lủi thủi bước theo Giăng Vangiăng như chó theo chủ.
Côdét được sưởi lửa, đôi má lại hồng hào và nửa giờ sau, em ngủ yên trên giường ông lão. Giăng Vangiăng thì đã buộc lại cà vạt và mặc áo khoác. Chiếc mũ cũng đã tìm thấy. Phôsơlơvăng cởi cái nịt gối đeo nhạc, mắc bên cạnh một cái giỏ treo, như một vật trang trí trên tường. Hai người chống tay trên bàn ngồi sưởi lửa. Phôsơlơvăng đem ra một ít bánh khô, một miếng bánh sữa, một chai rượu với hai cái cốc. Ông để tay lên đùi Giăng Vangiăng, nói:
- Bác Mađơlen ơi! Mãi bác mới nhìn ra tôi! Bác cứu sống người ta, rồi bác quên người ta đi. Bậy thật! Người ta thì vẫn nhớ bác. Bác là một người bội bạc!
X
VÌ SAO GIAVE ĐI KHÔNG VỀ RỒI
Những sự việc - mà chúng ta vừa được thấy như là cái phía sau đó - đã xảy ra một cách rất dễ hiểu.
Đêm hôm sau cái hôm Giave bắt Giăng Vangiăng bên cạnh thi thể của Phăngtin, Vangiăng vượt ngục Môngtơrơi. Sở cảnh sát dự đoán là anh ta vào Pari. Pari là một cái vực xoáy trên cạn, một cái rốn xã hội, cái gì cũng chìm đắm, cũng mất tăm ở đấy như trong rốn bể. Không có khu rừng nào che giấu con người ta kín đáo bằng cái rốn người đông đặc ấy. Những kẻ đào tị, bất kỳ loại nào, cũng đều biết như thế. Họ tìm đến Pari để trầm mình vào trong ấy vì có khi trầm mình là sống. Cảnh sát cũng biết như thế, cho nên mất gì ở đâu, họ cũng vào Pari mà tìm. Cứ thế họ tìm ông nguyên thị trưởng Môngtơrơi. Giave được gọi về Pari để giúp các cuộc lùng xét. Quả Giave đã giúp một tay đắc lực vào việc nã bắt Giăng Vangiăng. Nhờ thông minh và mẫn cán, Giave được ông bí thư sở cánh sát là Sabuiê chú ý. Ông này là bí thư thời bá tước Ăngơlét làm giám đốc. Vả lại ông Sabuiê cũng đã che chở cho Giave từ lâu. Ông thuyên chuyển viên thanh tra Môngtơrơi về sở cảnh sát Pari. Ở Pari, Giave đã tỏ ra là người hữu ích trong loại công việc này cũng lạ lùng.
Giave không nghĩ đến Vangiăng nữa. Đối với bọn chó săn nhà nghề ấy, con sói đánh hơi được hôm nay át mất hơi bám con sói ngày hôm qua. Tháng chạp năm 1823, tình cờ Giave đọc một tờ báo, mặc dầu ít khi hắn đọc báo. Lần này Giave đọc báo là vì hắn là một người bảo hoàng, hắn muốn biết chi tiết cái việc "hoàng thân đại tướng" vào thành phố Bêiôn một cách vinh quang như thế nào. Đọc xong bài báo ấy, Giave để ý đến tên một người ở cuối trang. Tên người ấy là Giăng Vangiăng, tin báo nói tên khổ sai Giăng Vangiăng chết. Lời báo rõ ràng, dứt khoát khiến Giave không nghi ngại gì hết. Hắn chỉ nói: "Nhà giam ấy mới thật là một nhà giam chắc chắn". Rồi hắn vứt tờ báo và không nghĩ đến chuyện ấy nữa.
Cách đây ít lâu, sở cảnh sát Pari nhận được một báo cáo của sở cảnh sát quận Xen về việc một đứa bé ở làng Môngphécmây bị bắt đi mất một cách rất lạ. Báo cáo nói có một đứa bé độ bảy tám tuổi bị bắt trộm đem đi; trước đây mẹ đứa bé gửi nó cho một người chủ quán nuôi hộ. Tên nó là Côdét, mẹ nó là Phăngtin; nghe nói Phăngtin chết ở nhà thương phúc, không biết lúc nào và ở đâu. Giave thấy báo cáo ấy đâm ra nghĩ ngợi.
Hắn rất quen cái tên Phăngtin. Hắn nhớ ra hắn đã phì cười khi nghe Giăng Vangiăng xin khoan cho ba ngày để đi mang đứa con của con đĩ ấy về; hắn cũng nhớ Vangiăng bị bắt ở Pari đúng khi đáp chuyến xe đi Môngphécmây. Hơn nữa nhiều triệu chứng là Vangiăng đi Môngphécmây lần ấy là lần thứ hai, đêm trước hắn đã đi Môngphécmây, nhưng chỉ lùng quanh làng chứ chưa vào. Hắn ta đi Môngphécmây làm gì, người ta không đoán ra. Bây giờ đây Giave mới hiểu: con của Phăngtin ở đấy, Vangiăng đến tìm nó. Thế mà ngày nay con của Phăngtin bị một kẻ lạ mặt mang đi. Người lạ mặt là Giăng Vangiăng chăng? Nhưng không, Vangiăng đã chết rồi. Tuy vậy Giave cũng đáp xe đi Môngphécmây, chẳng nói cho ai biết.
Hắn đi là để cho biết rõ đầu đuôi; đến đây hắn lại càng mù mịt.
Sự thật, những ngày đầu, vợ chồng Tênácđiê mất ăn nổi cáu có nói lung tung. Việc mất con Sơn ca thế là đồn đại xa gần. Có nhiều giả thuyết tung ra, thuyết cuối cùng là Sơn ca bị bắt cóc. Vì thế nên đã có bản báo cáo của quận cảnh sát. Tuy vậy qua cơn giận dữ lúc đầu, linh khiếu của Tênácđiê báo cho hắn biết rằng đụng tới ông biện lý chẳng bao giờ có lợi. Hắn mà rêu rao kia nọ thì chỉ tổ làm cho con mắt sáng quắc của công lý trước hết đâm vào nhiều công việc của chính hắn ta. Loại cứ trước hết sợ ánh đèn người ta mang tới. Việc này mà động đến sở cảnh sát thì món tiền nghìn rưỡi quan ấy nuốt cũng không trôi, đừng có nói gì đến chuyện khác. Hắn cắt đứt ngay câu chuyện và cấm vợ mách lẻo. Hắn làm bộ ngạc nhiên khi người ta nói đến việc mất con Sơn ca. Hắn nói hắn thật không hiểu. Ừ thì lúc đầu hắn cũng có phàn nàn làm sao người ta vội "bắt" con bé yêu đi như thế. Trìu mến con bé đã quen, hắn cũng muốn giữ lại thêm vài ba hôm. Nhưng chính là "ông" con Côdét thân đến đem nó về thì bảo làm sao được! Cái tiếng "ông con Côdét" thế mà có hiệu lực, nó làm cho ai cũng tưởng thật. Đến Môngphécmây, Giave nghe được chuyện này. "Ông con Côdét" đã đánh tan sự nghi ngờ của Giave về Giăng Vangiăng.
Nhưng Giave cũng hỏi Tênácđiê một đôi câu thăm dò ý tứ.Ông con Côdét là ai, tên gì? Rất tự nhiên, Tênácđiê đáp: một phú ông. Tôi có xem giấy thông hành của ông ấy. Tôi nhớ như tên là Guyôm Lămbe.
Lămbe là một cái tên hiền lành. Giave yên tâm trở về Pari. Hắn tự bảo:
- Thằng cha Giăng Vangiăng ấy đã chết đứt đi rồi. Mình quả là ngớ ngẩn.
Hắn lại quên câu chuyện.
Vào tháng ba năm 1824, một hôm hắn nghe nói đến một nhân vật kỳ quặc. Nhân vật ấy ở trong giáo khu Xanh Mêđa. Người ta gọi hắn là "người ăn mày hay bố thí". Họ nói hắn sống về lợi tức công thải. Không ai biết tên hắn, hắn ở một mình với một con bé tám tuổi, con này cũng chỉ biết một điều là nguyên từ Môngphécmây đến. Môngphécmây! Cái tên này vẫn lởn vởn trong trí óc Giave và làm cho hắn vểnh tai cảnh giác. Một người hành khất già kiêm mật thám, nguyên là lao công trong nhà thờ thường xin tiền của nhân vật ấy, cho Giave biết thêm một vài chi tiết. Người ấy bảo cái nhân vật này khó lại gần lắm, tối đến hắn mới ra phố. Hắn không nói chuyện với ai, trừ một đôi khi trao đổi với người nghèo đói. Không ai bắt chuyện với hắn được. Hắn mặc một chiếc áo khoác vàng xấu xí nhưng đáng giá mấy triệu vì khâu đầy giấy bạc. Chi tiết này làm cho Giave hết sức chú ý. Muốn cho nhân vật kỳ quái ấy khỏi kinh sợ để xem cho rõ mặt, một hôm Giave mượn bộ đồ rách của ông hành khất già mặc vào mình, ngồi thay vào chỗ ông. Ở chỗ ấy, lão hành khất già kiêm mật thám đêm đêm vẫn tụng và nom dòm những người qua lại.
Đúng như dự đoán, nhân vật khả nghi đến gần Giave và bố thí cho hắn. Lúc ấy Giave ngẩng lên: Giăng Vangiăng nhận ra Giave, giật mình. Giave cũng giật mình vì nhận ra Giăng Vangiăng.
Nhưng Giave nghĩ rằng mình có thể nhận lầm. Cái tin Giăng Vangiăng chết đã chính thức kia mà. Giave là người thận trọng, khi còn nghi ngại, Giave chẳng bắt ai.
Hắn theo con mồi cho đến nhà Goócbô. Hắn gợi chuyện với bà già nấu ăn cho Vangiăng. Bà già cũng bảo là chiếc áo khoác có khâu bạc triệu và kể luôn câu chuyện cái giấy bạc một nghìn phơrăng chính mắt mụ đã nhìn thấy, tay mụ cũng đã mó vào! Giave thuê gian buồng bên cạnh và ngay tối ấy hắn dọn đến. Hắn nghiêng tai bên cửa Vangiăng để chờ nghe giọng nói của ông. Nhưng qua lỗ khóa, Vangiăng trông thấy ánh đèn của hắn, cho nên không nói một tiếng. Giave chờ hoài công.
Ngày hôm sau, Vangiăng dọn đi. Nhưng tiếng rơi của đồng năm phơrăng làm cho bà già chú ý. Bà nghe tiếng tiền leng keng, đoán là Vangiăng dọn đi, vội vã báo với Giave. Đêm đến, lúc Vangiăng ra đi, Giave đem theo hai người, cùng đứng rình sau bóng cây.
Giave đã xin người ở sở cảnh sát, nhưng hắn không nói là để bắt ai! Hắn giữ bí mật vì ba lý do: trước hết nếu lộ một tí gì, Vangiăng sẽ đề phòng; sau nữa bắt được một tên khổ sai lâu năm vượt ngục mà ai cũng đinh ninh là chết rồi, một tên tội phạm mà hồ sơ tư pháp liệt kê vào hạng nguy hiểm nhất, bắt được một nhân vật như thế là một kỳ công mà chắc chắn là bọn cảnh sát cũ ở đây không để dành cho một tên mới đến như Giave; Giave rất sợ người ta phỗng tay trên con mồi của hắn, lý do cuối cùng là Giave như một nghệ sĩ, hắn thích chuyện bất ngờ. Hắn chúa ghét những thành tích không còn sốt dẻo vì bị người ta kháo trước nhiều quá. Hắn ưng xây dựng tác phẩm trong bóng tối để rồi cuối cùng kéo bức màn cho tác phẩm hiện ra thình lình trước mắt công chúng.
Giave lần mò từ gốc cây nọ qua gốc cây kia, từ góc phố này đến góc phố khác để đuổi theo Vangiăng. Không một phút nào hắn mất dấu con mồi. Ngay những lúc mà Vangiăng tưởng là yên ổn nhất, Vangiăng cũng vẫn ở trong tầm con mắt vọ của Giave.
Tại sao Giave không bắt Giăng Vangiăng? Tại vì hắn còn nghi ngại.
Bạn đọc nên nhớ rằng thuở ấy cảnh sát rất lúng túng. Quyền tự do báo chí làm rầy cho họ lắm. Báo chí đã tố cáo một vài vụ bắt bớ vô nguyên tắc, làm chấn động các nghị viện, do đó sở cảnh sát đâm ra rụt rè.
Vi phạm quyền tự do cá nhân bị coi là một sai lầm nghiêm trọng. Vì thế, người lính cảnh sát rất sợ nhầm. Ông giám đốc sẵn sàng trách cứ họ, hễ nhầm lẫn là tức khắc bị cách. Hãy tưởng tượng tiếng dội của một tin ngắn như thế này mà một tờ báo đăng tin, tức khắc hai mươi tờ đăng lại: "Hôm qua một ông cụ già tóc bạc bị bắt giải về trại giam của sở cảnh sát trong khi ông đi chơi với một em bé tám tuổi, cháu ông. Người ta bảo ông là một tên khổ sai vượt ngục. Thật ra thì ông ấy là một người tử tế, sống bằng lợi tức công thải".
Cũng nên nhớ rằng Giave còn có những nỗi băn khoăn của riêng lòng mình. Những lời dặn dò của lương tâm cộng vào với những lời dặn dò của ông cảnh sát trưởng. Thật tình là hắn còn nghi ngại lung lắm.
Giăng Vangiăng quay lưng lại, bước đi trong bóng tối.
Dáng đi của Giăng Vangiăng rất không bình thường chính Vangiăng cũng không biết. Đó là vì ông buồn, ông lo, ông sợ hãi, ông chán nản, ngoài ra còn có cái đau xót phải đương đêm trốn đi, nỗi lo lắng tìm đâu ra chỗ tạm trú, sự cần thiết phải bước hết sức chậm để cho Côdét theo kịp. Tất cả những thứ ấy làm cho người Vangiăng còm xuống, già cọm hẳn đi, đến nỗi Giave là hiện thân của cảnh sát cũng phải nhầm. Giave thì không thể đến quá gần, mà bộ áo quần thầy giáo già luân lạc của Vangiăng, cái việc Tênácđiê nói quả quyết người mang Côdét đi là ông nội của nó, sau hết cái tin Vangiăng đã chết, tất cả cái ấy càng làm cho đầu óc Giave hoang mang.
Có một lúc hắn nảy ra cái ý hỏi giấy Vangiăng đột ngột. Nhưng cũng không lợi. Nếu người ấy không phải là Giăng Vangiăng, cũng không phải là một ông già nhàn nhã lương thiện, thì tất phải là một tên đầu trộm đuôi cướp, dính dáng trong cái mạng nhện tội ác của thành phố Pari, một tên trùm lưu manh, đi bố thí cho người nghèo để che mắt thiên hạ, một trò cũ rích. Hẳn nó phải có những tòng phạm, những tay chân, những nhà phòng hờ để lẩn tránh khi cần đến. Cách nó tìm những đường phố quanh co mà đi, đủ chứng tỏ nó không phải là một anh già chất phác. Như thế thì bắt nó quá sớm cũng bằng "giết thịt con gà đẻ trứng vàng". Chờ một tí nữa thì có mất gì? Tên gian phi thoát lưới làm sao được!
Giave vừa đi vừa suy nghĩ lung tung và đặt rất nhiều câu hỏi về con người bí mật ấy.
Mãi sau, nhờ ánh đèn rất sáng của một quán rượu phố Pôngtoa, Giave mới nhìn ra đúng là Giăng Vangiăng. Trên đời này có hai sinh vật có cái rung động ghê gớm: người mẹ tìm thấy con và con hổ bắt lại được mồi. Giave thấy toàn thân rung động như thế. Chạm tránh một người nguy hiểm như Vangiăng hắn thấy bọn hắn có ba người là quá ít, hắn bèn xin thêm người ở đồn cảnh sát phố Pôngtoa. Trước khi mó vào một cái cây gai góc, phải mang găng tay mới xong.
Việc dừng lại xin người cùng với việc hội ý ở ngã tư suýt nữa làm cho chúng mất dấu Vangiăng, Giave cúi đầu suy nghĩ như con chó săn dí mũi xuống lối đi để đánh hơi con vật. Bản năng của hắn thật là linh diệu. Hắn đoán ngay ra Vangiăng thế nào cũng vượt qua cầu để lấy con sông chắn những người đuổi theo mình. Hắn đến thẳng cầu Auxtéclít. Chỉ hỏi người gác cầu một câu thôi là hắn rõ sự thật: "Bác có thấy một người đi qua cầu cới một con bé không?" - "Tôi vừa bắt hắn trả hai xu đấy!" Giave lên cầu kịp lúc ở bờ bên kia, Vangiăng dắt Côdét đi qua khoảng trống vằng vặc ánh trăng. Hắn thấy Vangiăng vào phố Xanh Ăngtoan; hắn nghĩ đến ngõ cụt Giăngrô nằm ở đó sẵn sàng như một cái bẫy và cái lối thoát độc nhất từ phố Đơroamuyrơ ra ngõ phố Pichpuýt. Hắn lo đón ngách như những người săn: hắn vội phái một tên thuộc hạ đi tắt đến chắn lối đi ra phố Đơroamuyrơ. Hắn trưng tập một đội tuần tra trên đường về Binh xưởng và dắt theo hắn. Trong những ván bài như thế, lính là con chủ. Vả lại muốn hạ một con lợn rừng, phải có cả cái thông thạo của người thợ săn lẫn răng móng của một đàn chó.
Xếp đặt xong đâu vào đấy, Giave yên trí rằng Vangiăng thế là bị nghẽn đường, ở bên phải vấp vào ngách cụt Giăngrô, bên trái gặp người của hắn, đằng sau lưng thì có chính hắn. Giave đương đuổi tới. Khoan khoái Giave hít một hồi thuốc lá.
Rồi hắn muốn đùa giỡn một tí; giờ phút ấy là giờ phút khoái trác tàn ác nhất của hắn. Hắn cứ để cho con mồi lao tới trước. Hắn biết là hắn đã nắm chắc con mồi, nhưng hắn muốn hãy hoãn lại cái phút đưa tay ra tóm lấy nó. Biết nó đã bị bắt mà còn thấy nó tung tăng hắn lấy làm sung sướng. Con nhện để cho con ruồi vùng vẫy, con mèo để cho con chuột chạy đi, con nhện, con mèo kia có những khoái cảm gì thì Giave có những khoái cảm đó. Những cái vùng vẫy, những cử động không đưa đến đâu hết của con vật bị bắt là nguồn nhục cảm gớm ghiếc cho móng vuốt của lũ ăn thịt. Còn gì làm cho chúng say sưa bằng sự vùng vẫy ngột ngạt ấy.
Giave rất khoái. Mắt lưới của hắn hết sức chắc chắn, thắng lợi đã rõ ràng, chỉ còn mỗi việc nắm bàn tay tóm cổ con mồi.
Giave cho rằng dù Vangiăng rất khỏe, dù Vangiăng cả gan và tuyệt vọng, Vangiăng cũng không thể chống cự được, vì hắn có đông tùy tùng đến vậy.
Giave tiến từng bước, hắn thăm dò soát xét mỗi một ngóc ngách nhỏ như lục túi một thằng ăn cắp.
Thế mà lúc đến giữa rốn lưới, hắn không tìm thấy con ruồi nữa.
Hãy tưởng tượng xem Giave tức tối thế nào!
Hắn tra hỏi người thuộc hạ canh giữ ở góc phố Pichpuýt. Người ấy vẫn canh giữ vị trí, nhưng không thấy Vangiăng đi qua.
Trong đạo đi săn, cũng có lúc cả đàn chó đeo bên chân con nai mà con nai vẫn cứ chạy thoát, khiến những tay săn bạc đầu trong nghề cũng không còn biết nói sao. Cả Đuyviviê, Linhivin và Đêpơrê cũng bó tay. Trong một trường hợp không may như vậy, Actônggiơ đã kêu lên:
"Phải đâu là nai, nó là một con tinh đấy!"
Giave cũng rất muốn kêu như thế.
Hắn thất vọng gần như phát cuồng lên.
Napôlêông đã phạm lầm lỗi trong chiến dịch đánh Nga, Alêchxăng trong cuộc viễn chinh Ân Độ, Xêda trong việc xâm lược châu Phi, Xiruýt trong chiến tranh Xiti; Giave cũng có lẫm lỗi trong trận đánh Giăng Vangiăng. Lúc đầu, không quyết đoán người đi trốn là Giăng Vangiăng là sai. Đúng lý ra, nhìn thấy lần đầu là phải cầm chắc! Không bắt Vangiăng ngay trong nhà là sai. Ở phố Pôngtoa, Giave biết đích xác là Vangiăng rồi, mà không bắt tức tốc là sai. Hội ý với người thuộc hạ giữa ngã tư, dưới ánh trăng vằng vặc cũng là sai. Đã đành rằng hỏi han người thuộc hạ là tốt, cũng như người đi săn thường tìm hiểu ý những con chó đuổi hay; nhưng người đi săn lành nghề cũng không nên quá cẩn thận khi đuổi những con thú đa nghi như con sói hoặc thằng tù khổ sai. Vì quá chăm cho đàn chó đuổi theo đúng dấu, Giave đã làm cho con mồi đánh hơi được đoàn săn và phóng mất. Cái sai lầm nghiêm trọng nhất của Giave là khi đã tìm lại được dấu của Vangiăng trên cầu Auxtéclít, hắn còn muốn bố trí cái trò mèo bắt chuột ghê gớm mà thơ ngây ấy. Hắn đánh giá tài năng của hắn quá cao, tưởng bắt hổ dễ như bắt chuột. Đồng thời hắn cũng có phần tự ti: ấy là lúc hắn xin viện trợ. Cẩn thận đến nước ấy thì thật là tai hại, là làm mất bao nhiêu thời giờ vàng ngọc. Giave phạm những lỗi lầm ấy, nhưng Giave vẫn là người thám tử thông thạo và hợp cách nhất từ xưa đến nay. Đúng hắn là một con chó hay, như người ta thường gọi trong săn bắn.
Ai mà toàn thiện toàn mỹ được? Những nhà thao lược thiên tài nhất trong lịch sử cũng còn có lúc lú lẫn.
Những điều ngu muội lớn nhất thường cũng như những cái dây thừng to, tết bằng vô số sợi nhỏ. Tách cái dây thừng ra từng sợi, tách rời những nhân tố nhỏ bé và quyết định, bạn có thể biết được chúng rất dễ từng cái một và bạn sẽ bảo: Chỉ thế thôi ư! Nhưng bện nó lại, quấn nó lại, nó sẽ ghê gớm. Đó là chuyện Atila do dự giữa Mácxiêng ở đông và Valăngtiniêng ở tây, chuyện Aniban là đà ở Capu, Đăngtông ngủ quên ở Acxi xuya Ôbơ.
Mặc dù thế nào, khi thấy Vangiăng mất tích, Giave vẫn không rối trí. Hắn tính chắc là Vangiăng còn lẩn quẩn đâu đấy chứ chưa thể cao bay xa chạy. Hắn bố trí người rình, gác, hắn tổ chức những bẫy sập, hắn lùng ngang dọc trong khu phố suốt đêm. Trước hết hắn nhận thấy chiếc đèn lồng nằm không đúng chỗ, dây treo đèn bị cắt... Đó là một tang chứng quý báu thật, nhưng cái tang chứng ấy lại làm cho Giave lạc hướng.
Hắn chăm chú tìm tòi lục soát quanh ngách Giăngrô. Ở trong ngách ấy, có những bức tường thấp, sau tường là vườn tược; qua khỏi các khu vườn này thì đến nhiều đám đất mênh mông bỏ hoang. Hắn nghĩ tất nhiên Vangiăng đào tẩu theo hướng ấy! Thật vậy, nếu trước đấy, Vangiăng tiến sâu vào ngách Giăngrô thì hẳn ông đã chạy về hướng ấy, và bây giờ đã bị nguy rồi. Bởi vì Giave thăm dò các khoảnh vườn và các đám đất quanh đấy tỉ mỉ như tìm một cây kim rơi.
Sáng sớm hôm sau, Giave đặt hai thuộc hạ khôn ngoan quan sát ở đấy, còn hắn thì lui về sở, xấu hổ như một anh thám tử bị kẻ trộm lừa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top