Phần 1 - Quyển III
QUYỂN III: TRONG NĂM 1817
I
NĂM 1817
Ngang nhiên tự tại một cách đế vương và đầy kiêu hãnh, Lui thứ XVIII gọi năm 1817 là năm thứ hai mươi niên hiệu mình. Hết thảy các hiệu tóc giả quét vôi màu thanh thiên và vẽ hoa huệ đều mong chờ phấn thơm và con chim nhà vua trở lại. Cũng là thời mà bá tước Linsơ chủ nhật nào cũng ngồi nơi ghế hội đồng nhà thờ Xanh Giecmanh đê Pơrê, đánh bộ lễ phục đình thần, với chiếc băng đỏ và cái mũ dài và trông nghiêng thì có cái vẻ uy nghi riêng của người đã có một hành động vang dội. Hành động vang dội của ông Linsơ là thế này: ngày 12 tháng 3 năm 1814, lúc ấy ông đang làm thị trưởng Bóocđô, ông đã giao hơi sớm quá thành phố này cho công tước Ănggulem. Nhờ đó ông được làm thượng viện.
Năm 1817 cũng là năm đang thịnh hành cái mốt trẻ con năm sáu tuổi tùm hụp trong những cát két da rộng có miếng che tai giông giống người Etkimô. Quân đội đều mặc đồng phục trắng giống quân Áo; các trung đoàn đều gọi là dũng đoàn; các đơn vị không gọi bằng con số mà bằng tên các quận; Napôlêông đang ở Xanh Elen, chính phủ Anh không cấp dạ xanh cho ông, nên ông cho lộn áo cũ để mặc.
Năm 1817 người ta chuộng tiếng hát của Penlơgrini, điệu múa của cô Bigôtini; Pôchiê bấy giờ làm chúa tể; Ôđơri lúc ấy chưa có. Bà Xaki nối nghiệp Phôriôđô. Đang còn có quân Phổ ở Pháp. Ông Đơlalô là một nhân vật. Chế độ chính thống vừa khẳng định mình bằng cách chặt tay, rồi chặt đầu Pơlenhiê, Cácbonnô và Tônlơrông. Quận công Tanlêrăng nghi lễ đại thần và tu sĩ Luy, bộ trưởng tài chính được chỉ định, nhìn nhau cười cái cười nước đôi; cả hai đã làm lễ Liên hiệp 14 tháng 7 năm 1790 ở quảng trường Săng đơ Mácxơ Tanlêrăng với tư cách giám mục, còn Luy thì làm bồi tế.
Năm 1817, trong các lối đi của quảng trường ấy, còn nhìn thấy nhiều khúc gỗ to sơn xanh, mang hình ảnh mờ mờ của những con phượng hoàng và những con ong mầu đã nhạt. Những súc gỗ ấy nằm phơi ngoài mưa nắng và đang mục dần trong cỏ. Hai năm trước đây, đó là chân bục của Hoàng đế ở quảng trường Tháng Năm. Rải rác trên thân các súc gỗ hãy còn những chỗ sém do quân Áo đốt lửa nấu cơm trong khi đóng dã ngoại gần Gơrô Caiu. Vài ba cây cột đó đã biến mất trong lửa dã ngoại ấy để cho thân binh Phổ sưởi tay. Cuộc họp mặt Săng đơ Me có cái đặc biệt là họp vào tháng sáu và ở quảng trường Săng đơ Mácxơ.
Trong năm 1817, hai cái nổi tiếng nhất: thuốc lá và hộp thuốc lá kiểu Hiến chương. Ở Pari, cái vụ mới nhất làm người ta xôn xao là vụ Đôtăng nắm đầu lâu anh mình vào bể nước ở Chợ Hoa. Ở bộ Hải quân người ta bắt đầu điều tra về thảm họa của chiến hạm La Mêđuydơ, cái tên sau này Sômaret bị ô nhục, còn Giôricô thì đầy vinh dự. Đại tá Xenvơ sang Ai Cập rồi làm tỉnh trưởng luôn bên ấy. Lâu đài Tecmơ, ở phố Hacpơ, có anh thợ đóng thùng đến dọn hàng ở đó. Trên sân thượng của lầu bát giác ở Cơluyni còn thấy cái lầu ván là nơi dùng làm thiên văn đài cho Matxiê, nhà thiên văn của hải quân dưới triều Lui XVI. Bà công tước Đuyra họp ba bốn bạn trai trong phòng khuê của mình có bày nhiều ghế đẩu bọc xa tanh màu da trời, đọc cho họ nghe cuốn truyện Urica chưa xuất bản.
Ở điện Luvơrơ người ta cạo các chữ N. Cầu Auxtéclít bị truất mất tên, đổi thành cầu Vườn ngự, cái hai lần khó hiểu, nó làm sai nghĩa của cái cầu Auxtéclít lẫn cái vườn bách thảo. Louis XVIII, vừa lấy móng tay đánh dấu trong khi đọc Oartxơ, vừa chú ý đến những bậc anh hùng được lên làm vua cũng như những anh hùng guốc nhảy lên làm thái tử, nhưng trong bụng vẫn canh cánh hai mối lo: Napôlêông và Matuyranh Bơruynô.
Viện hàn lâm treo giải thưởng về đề tài: Hạnh phúc trong học tập. Ông Benla công khai là một nhà hùng biện. Dưới bóng ông đang nảy mầm cái ông chánh án tương lai đơ Bơrô, để làm đối tượng giễu cợt cho Pôn Lui Cuariê sau này. Có một anh Satôbơriăng giả, tên là Mácsănggi, trong khi chờ đợi có thể có một anh Mácsănggi giả, là d'Alanhcua. Cơle Đanbơ và Malec Anden là những tuyệt tác; bà Côtlanh được coi là nhà văn số một đương thời. Học viện Pháp để người xóa trong danh sách tên viện sĩ Napôlêông Bônapác. Một đạo dụ nhà vua đưa Ănggulem làm đại đô đốc, thì nhất định thành phố Ănggulem, về pháp lý phải có đủ tư cách là một hải cảng, không thế thì còn gì là uy quyền thiên tử? Hội đồng bộ trưởng thảo luận vấn đề có nên cho phép những con tem vẽ hình người leo dây thường thấy trên các áp phích của Phơrăngcôri mà trẻ con lêu lổng hay xúm lại xem ngoài phố. Ông Pae, tác giả vở Anhedơ, người có khuôn mặt chữ điền với một nốt ruồi trên má, chỉ huy các buổi hòa nhạc thân mật ở nhà bà hầu tước Xatxơnê phố Vinlêvêc. Thiếu nữ đều hát bài "Ẩn sĩ Xanh Aven", lời của Etmông Giêrô. Anh lùn vàng đổi thành Gương soi. Quán cà phê Lambơlanh về phe hoàng đế chống lại quán cà phê Valoa về phe dòng Buốcbông. Một quận chúa Xivin vừa được gả cho công tước Beri, ông này đã bị Luven rình từ trong bóng tối. Bà Xtan vừa mất được một năm. Lính thị vệ huýt còi chê cô Mác. Các tờ báo lớn đều ra nhỏ xíu. Khổ thu hẹp nhưng tự do thì rộng. Tờ Hợp hiến rất hợp hiến. Tờ Minecvơ gọi Satôbơriăng là thăn bò nướng.[37]Bọn tư sản được dịp đem nhà văn hào ra cười khoái chí. Trên mặt một số tờ báo tay sai, những tên bồi bút lên tiếng chửi những người bị can năm 1815: Đavit không còn tài năng gì; Acnô không còn tài trí gì; Cacnô không còn trung thực nữa; Xun không chiến thắng trận nào; đúng là Napôlêông không còn thiên tài nữa.
[37] Tiếng Pháp: Chateaubriand– tên văn hào thế kỷ XIX đọc như chateaubriant – thăn bò nướng.
Mọi người đều biết là thư từ cho người lưu vong gửi qua đường bưu điện chả mấy khi tới tay họ, vì cảnh sát đã thành kính làm mấy cái nhiệm vụ chặn lại rồi.
Việc này chẳng có gì mới: ngày xưa, Đêcác bị đày cũng đã phàn nàn rồi. Cho nên, khi Đavit tỏ ý không bằng lòng trên một tờ báo Bỉ vì không nhận được thư từ gì người ta gửi cho mình, thì báo chí bảo hoàng cho là chuyện khôi hài và nhân đó mạt sát người biệt xứ. Nói: quân giết vua hay nói: người biểu quyết, nói: quân địch hay nói: đồng minh, nói: Napôlêông hay nói: Buyônapac, điều đó làm cho hai người cách biệt nhau trời vực. Hết thảy mọi người hiểu biết đều đồng thanh cho rằng kỷ nguyên cách mạng đã vĩnh viễn đóng lại với vua Lui XVIII mệnh danh là "tác giả bất hủ của hiến chương". Chỗ đầu Cầu mới, người ta chạm chữ Sống mãi[38] vào cái bệ đang chờ tượng Hăngri IV. Ông Piet bắt đầu phác họa cái hội kín của mình để củng cố cho chế độ quân chủ, ở ngôi nhà số 4 phố Têredơ. Các thủ lĩnh phái hữu bô bô trong các dịp quan trọng: "Phải viết thư cho Bacô". Các ông Canuyen, Ô Mahôny và Sappơđơlen, đã phần nào được Đức ủng hộ, bắt đầu một vài nét cái mà sau này trở thành "âm mưu bờ sông". Kim Băng Đen về phần mình cũng tiến hành lập hội kín. Đơlavecđơri bắt tay với Tơrôpgop. Ông Đơcadơ, một đầu óc ít nhiều thuộc cánh tự do, chiếm ảnh hưởng lớn, Satôbơriăng, sáng sáng đứng trước cửa nhà số 27 phố Xanh Đôminic, bận quần bịt cả bàn chân, đi giày vải, đầu hoa râm trùm một cái khăn lụa pha vải, mắt nhìn chăm chú vào gương soi, trước mắt cái hộp dụng cụ chữa răng đầy đủ mở toang, vừa chải bộ răng xinh đẹp vừa đọc đoạn khác biệt trong bộ Chế độ quân chủ theo Hiến chương cho người thư ký của mình, ông Piloogiơ.
[38] Nguyên văn Latinh: Repivus
Giới phê bình có uy tín tỏ ra thích Laphông hơn là Tanma. Ông Phêlêt ký bằng một chữ A, ông Hốp man lại lấy tên là Z, Saclơ Nôđiê viết Têredơ Ôbe. Luật ly dị bị xóa bỏ. Các trường ly xê đổi tên là Conlegiơ. Học trò các trường Conlegiơ, cổ áo dính một hoa huệ vàng, đánh nhau chung quanh câu chuyện vui La Mã, cảnh sát phản gián của hoàng gia tố giác với đức bà Hoàng muội chân dung của công tước Ooclêăng, bày nhan nhản, ông này bận quân phục thiếu tướng khinh kỵ; thật là rầy rà. Thành phố Pari bỏ tiền thếp vàng lại vòm cuốn điện Anhvalit. Những người đứng đắn tự hỏi, trong trường hợp này, trong trường hợp khác, ông Tơranhcơlagơ làm gì. Ông Cơlôđen đơ Môngtan, trên nhiều điểm, khác xa ông Côlôđen đơ Cutxecgơ. Ông Xalabery không bằng lòng diễn viên Pica có chân trong Viện hàn lâm, nơi mà diễn viên Môlie không vào được; ông ta cho công diễn vở Hai anh em Philibe ở nhà hát Ôđêông. Trước mặt nhà hát này, ở trên cao, một dòng chữ đã gỡ đi nhưng vẫn còn trông thấy rõ: Rạp Hoàng Hậu.
Người ta hoặc ủng hộ hoặc chống lại. Quynhê đơ Môngtaclô, Phaviê thì chia rẽ: Bavu thì cách mạng. Ông hàng sách Pêlixiê xuất bản bộ Vônte, lấy tên là: Vônte toàn tập, dưới có dòng chữ "Trong Viện hàn lâm Pháp". "Như thế sẽ câu được khách", nhà xuất bản ngây thơ bảo thế. Dư luận rộng rãi cho ông Saclơ Lôixông là một thiên tài của thời đại: ganh tị bắt đầu cắn rứt ông ta, đó là dấu hiệu thành công; và người ta tặng ông câu thơ này:
Lôixông mà có bay cao
Thiên hạ trông vào vẫn rõ cẳng chân
Giáo chủ Phếch không chịu từ chức, ông Pin đại giám mục ở Amadi, cai quản địa phận Lyông. Thụy Sĩ và Pháp bắt đầu tranh chấp thung lũng Đappơ, sau bản báo cáo của đại úy Đuyphua. Xanh Ximông, bị bỏ quên, đang xây đắp giấc mơ cao cả của mình.
Ở viện hàn lâm khoa học có một anh Phuriê nổi tiếng mà về sau chẳng ai biết đến, ngược lại, ở trong cái xó nào không rõ lại có một anh Phuriê khác vô danh nhưng hậu thế lại nêu danh mãi mãi.
Huân tước Bairơn bắt đầu xuất hiện. Một lời dẫn trong một bài thơ của Minlơvoa nói đến ông ta với độc giả Pháp gọi là "Một huân tước Barông nào đó". Đavit Đănggie thí nghiệm nhào cẩm thạch.
Tu viện trưởng Carông, chuyện trò với dăm ba học sinh chủng viện trong ngõ cụt Phơidăngtin, khen ngợi một nhà tu hành không mấy ai biết là Phêlixitê Rôbe sau này trở thành Lamenne.
Một vật gì vừa hun khói vừa lạch bạch trên sông Xen như tiếng chó bơi, qua qua lại lại trước cửa điện Tuylơri, từ cầu Ngự đến cầu Lui XV; đó là một thứ máy móc chẳng tích sự gì, một thứ đồ chơi, một giấc mơ phiến của một anh phát minh vớ vẩn, một huyễn tưởng: một chiếc tàu chạy bằng hơi nước. Dân Pari nhìn cái trò vô bổ ấy với con mắt lạnh lùng.
Ông Vôbơlăng đứng ra cải tổ Học viện Pháp bằng cách lật đổ, ra sắc lệnh phế truất và tiến cử người hàng loạt, sau khi nổi tiếng đã đẻ được khá nhiều ông hàn thì bản thân mình lại chẳng được vào chân hàn lâm nào cả.
Vùng ngoại ô Xanh Giecman và khu Matxăng đều mong ước được ông Đơlavô làm quận trưởng cảnh sát vì ông nổi tiếng ngoan đạo. Đuypuytơren và Rêcamiê cãi nhau ở giảng đường đại học Y khoa về tính thiêng liêng của Giêsu đến nỗi đã giơ nắm tay dọa nhau. Quyviê vừa nhìn vào thiên Sáng thế vừa nhìn vào thiên nhiên, cố sức làm vừa lòng các đầu óc phản động giả đạo đức bằng cách làm cho các hóa thạch phù hợp với lời kinh thánh và cho lũ voi cổ vuốt ve Môidơ. Ông Phơrăngxoa đơ Nơsalô, người có công vun xới cho hương hồn Pacmăngchiê, tìm hết cách để mọi người lấy cái tên Pacmăngchiê để gọi khoai tây mà không được.[39] Tu sĩ Gơrêgoa, trước là giám mục, có chân trong quốc hội Quốc ước, thượng nghị sĩ, được các nhà tranh luận bảo hoàng mệnh danh là "tên Gơrêgoa chết giẫm". Cách nói được mệnh danh là ông Roađê Cônla cho là từ tân tạo chứ trong ngôn ngữ không có.
[39] Parmentier là nhà nông học, thế kỷ XVII đã mang giống khoai tây từ Mỹ vào nước Pháp và dạy trồng trọt, cải tạo giống. Neufchâteau muốn gọi khoai tây là Parmentier,nhân dân vẫn gọi là pomme de terre có nghĩa là táo đất.
Người ta còn nhìn rõ dưới nhịp thứ ba cầu Iêna cái phiến đá trắng, hai năm trước đây dùng để bịt lỗ mìn mà Bơ-luyse cho đục để phá cầu.
Tòa án lôi ra vành móng ngựa một anh chàng vừa thấy Bá tước Actoa bước vào nhà thờ Đức bà, lại buột mồm nói tướng lên: Mẹ kiếp! Tớ tiếc cái thời tớ thấy Bônapác và Tanma[40]khoác tay nhau bước vào Ban Xôvagiơ.
[40] Talma: diễn viên kịch nổi tiếng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ở Pháp
Giọng lưỡi phiến loạn. Sáu tháng tù. Nhiều tên phản bội phanh ngực ngạo nghễ: những kẻ chạy sang hàng ngũ giặc trước hôm đánh nhau, chẳng giấu giếm gì món phần thưởng được ban và nhơn nhơn bộ mặt vô số ngoài đường ban ngày với tất cả sự giàu sang của mình; những tên đào ngũ ở Linhi, ở ngã tư, mà hành vi phản bội được trả công đang còn sờ sờ ra đấy, chúng phô trương lòng trung thành với nhà vua một cách trắng trợn, chúng quên khuấy cái câu ở bên nước Anh người ta để trên vách trong nhà tiêu công cộng: Nhớ cài quần trước khi đứng lên.
Trên đây là một mớ lộn xộn những gì nổi lên mờ mờ trong năm 1817 mà ngày nay không ai còn nhớ cả. Lịch sử cũng không còn cách nào khác, nên phải bỏ qua hầu hết những thứ tủn mủn như thế này. Nếu không thì nói bao giờ cho hết. Tuy nhiên những chi tiết đó mà gọi là nhỏ nhặt thì không đúng, vì trong nhân loại không có việc gì nhỏ hết, cũng như trong cây cối không có lá nào bé cả, cho nên nó đều có ích. Chính diện mạo từng năm làm nên diện mạo thế kỷ.
Năm 1817 ấy, bốn chàng trai Pari đã bày "Một trò chơi ác".
II
HAI BỘ TỨ
Bốn chàng trai Pari ấy quê quán mỗi người ở một tỉnh, kẻ ở Tulu, người Limô, người thứ ba ở Caho, người thứ tư ở Môngtôbăng. Nhưng họ là sinh viên, mà đã là sinh viên thì là trai thủ đô; học ở Pari và sinh ở Pari.
Bọn họ chẳng có gì đặc sắc. Ai chả từng thấy những mẫu người tầm thường như thế; những con người không tốt không xấu, không giỏi không dốt, không phải là thiên tài cũng không ngu độn, nhưng đẹp phơi phới cái tuổi xuân hai mươi. Có thể gọi họ là bốn chàng Ôtxca nào đó, vì bấy giờ những chàng Actuya chưa xuất hiện. Lời tình ca đang réo rắt về Ôtxca: Hãy vì chàng mà đốt lên những hương trầm thơm nhất. Kìa Ôtxca, Ôtxca đang đi tới, ta sắp nhìn thấy chàng! Người ta vừa mới rời Ôtxiăng. Phép lịch sự đang theo một trong các xứ Xcăngđinavi và Calêđôni. Còn cái kiểu Ănglê thuần túy thì về sau mới thịnh hành. Và anh chàng Aclơ đầu tiên, Oenlinhtơn, thì hầu như vừa mới thắng trận Oatéclô thôi.
Các chàng Ôtxca ấy, một là Phêlit Tôlômiet, người Tuludơ; một là Lichtôliê, người Caho; một là Phamơi, người Limôgiơ; và người cuối cùng là Balasơven, quê ở Môngtôbăng. Tất nhiên mỗi chàng có một nhân tình. Balasơven yêu Phavurit, cô nàng này có sang Anh nên mới gọi như vậy; Lichtôliê mê Đalia, con người đã lấy tên một loài hoa đặt thành tên chơi của mình[41]; Phamơi sùng bái Dêphin, đúng là Giôdêphin nhưng gọi tắt; còn Tôlômiet thì đã có Phăngtin, gọi cô là tóc vàng vì đầu tóc nàng óng ả như ánh mặt trời.
[41] Đalia nghĩa là hoa thược dược.
Bốn cô thiếu nữ xinh đẹp, thơm tho, rực rỡ ấy hãy còn giữ được chút cốt cách con nhà thơ, vì họ chưa rời bỏ hẳn đường chỉ mũi kim. Trên gương mặt các cô còn phảng phất vẻ trong lành của người lao động; trong tâm hồn các cô còn thoang thoảng mùi hương trinh thục chưa bay hết khi mới sa ngã một lần.
Trong bốn cô, có một cô út và một chị cả. Chị cả tuổi cũng chỉ mới hai mươi ba. Quả đáng tội ba cô chị có từng trải hơn, vô tư lự và phóng túng hơn. Cô út, cô Phăngtin tóc vàng, lần đầu xây mộng.
Đalia, Dêphin và nhất là Phavurit thì không thể nói như vậy được. Cô nào cũng có thiên tình sử của mình, tuy mới bắt đầu nhưng cũng đã được vài ba đoạn. Người bạn tình ở chương thứ nhất ấy là Ađôphơ, thì sang chương thứ hai đã là Anphôngxơ và đến chương thứ ba thì lại hóa ra Guytxtavơ. Nghèo túng và ăn diện là hai tên quân sư tai hại; một tên gắt mắng, một tên dỗ ngọt các cô gái bình dân xinh đẹp thường nghe cả hai thì thầm bên tai mình, mỗi tên một cách. Và những ai giữ mình không vững đều xiêu lòng. Từ đó sinh ra sa ngã và bị người ta ném đá, bị người làm tình làm tội bằng cách đem so với cái rạng rỡ của con người trinh bạch không với tới nổi. Chao ôi! Nếu Đức mẹ đồng trinh cũng đói khát?
Phavurit đã ở bên Anh, vì thế Dêphin và Đalia phục nàng lắm. Từ lâu, nàng đã có chỗ ở riêng. Cha nàng là một ông giáo già dạy toán, người cộc cằn và khoác lác, chưa từng lấy vợ và dù tuổi già vẫn phải đi dạy giờ ở các tư gia. Hồi còn trẻ, một hôm ông ta trông thấy chiếc áo dài của cô gái hầu phòng mắc vào miếng sắt chắn than ở lò sưởi, sự việc ấy khiến ông đâm ra phải lòng cô gái. Kết quả sinh ra Phavurit. Thỉnh thoảng Phavurit gặp bố mình, ông cụ chào con một cách trịnh trọng.
Một buổi sáng, một bà cụ có vẻ giả tu, vào nhà nàng và bảo: "Cô không biết tôi phải không?" - Không. - "Ta là mẹ mày". Xong bà ta mở tủ thức ăn, lôi các thứ ra uống rồi ăn, lại cho khuân tới một chiếc đệm rồi ở lại luôn. Bà mẹ tính càu nhàu và ngoan đạo ấy không bao giờ chuyện trò gì với Phavurit, có khi suốt mấy giờ không nói một lời nào, nhưng sáng, trưa, tối, bữa nào cũng ăn như hùm như hổ, ăn xong lại xuống ngồi lê ở nhà người gác cổng và nói xấu con gái mình.
Về Đalia, cái gì đưa đẩy Đalia đến với Lichtôliê, chưa biết chừng đến với những anh chàng khác nữa và đến cảnh ăn không ngồi rồi? Đó là bộ móng tay hồng quá xinh xắn của nàng. Làm sao bắt nổi những ngón tay ấy lao động? Mà muốn giữ đức hạnh thì không nên thương tiếc những bàn tay. Còn Dêphin, cái lối nói "Vâng, thưa ông" tinh nghịch và mơn trớn của này đã làm Phamơi say đắm.
Bốn chàng trai chơi với nhau nên bốn cô gái cũng trở thành bạn thân của nhau. Những cuộc tình duyên như thế luôn luôn kéo theo những tình bạn như thế.
Khôn là một đường, còn ngoan đạo lại là một đường. Chứng cớ là, sau khi đã dè dặt về việc các cặp tạm bợ này ăn ở với nhau, vẫn phải cho là Phavurit, Dêphin và Đalia là những cô gái khôn, còn Phăngtin là một cô gái ngoan.
Ngoan, thiên hạ có cho thế là ngoan không? Còn Tôlômiet thì sao? Xalômông thì cho tình yêu cũng dự phần trong đức hạnh. Chúng tôi chỉ xin nói tình yêu của Phăngtin là mối tình đầu, mối tình duy nhất, mối tình chung thủy.
Phăngtin là người duy nhất không bị xưng hô anh em chung chạ.
Phăngtin là một bông hoa mọc lên từ trong quần chúng. Ở trong bóng tối dày đặc nơi đáy sâu xã hội nhô lên, nàng quả là một người không tên tuổi, không ai biết. Nàng sinh ở cảng Môngtơrơi. Cha mẹ là ai, ai biết? Không ai thấy nàng có cha mẹ. Người ta gọi nàng là Phăngtin. Sao lại Phăngtin? Cũng không thấy nàng có tên nào khác. Khi nàng sinh ra vẫn còn chế độ Đốc chính.[42] Nàng không có tên họ, vì nàng không có gia đình. Nàng cũng không có tên thánh vì lúc bấy giờ làm gì còn nhà thờ nữa. Thuở nàng còn là một con bé đi chân không trên hè phố, khách qua đường ai muốn gọi tên nàng là gì thì gọi. Nàng hứng lấy một cái tên cũng như hứng nước mưa từ trên trời rơi xuống. Người ta gọi nàng là con bé Phăngtin. Chẳng có ai biết gì hơn nữa. Ấy, một sinh mệnh con người đã được bước vào đường đời như thế đấy! Năm lên mười, Phăngtin rời bỏ thành phố đi ở cho một gia đình trung nông ở ngoại thành. Đến mười lăm tuổi, nàng lên Pari để "sinh cơ lập nghiệp". Phăngtin rất đẹp. Nàng có giữ mình cho trong trắng mãi. Tóc nàng vàng óng; răng nàng rất đều. Nàng cũng có vàng ngọc làm của riêng như ai, nhưng vàng của nàng xếp trên mái tóc, ngọc của nàng giắt ở sau môi.
[42] Một chế độ chính trị ở Pháp thời cộng hòa đệ nhất, sau cách mạng 1789. Trong chế độ này, quyền chấp chính trung ương ở trong tay năm vị đốc chính.
Nàng lao động để sống. Và cũng để sống, vì trái tim cũng cần yêu, nên nàng yêu.
Nàng yêu Tôlômiet, đây chỉ là một thói quen phong nguyệt nhưng đối với Phăngtin, Phăngtin lại yêu say mê. Khu Latinh, nhan nhản những sinh viên và những cô thợ lơi lả, là nơi chững kiến buổi đầu của mối tình thơ mộng ấy. Bao nhiêu cuộc tình duyên đã buộc vào rồi lại cởi ra ở đây. Qua các nẻo đường ngóc ngách, Phăngtin cũng đã lẩn tránh Tôlômiet mãi, nhưng lẩn tránh thế nào để cho rồi cũng gặp nhau. Thật vậy! Có một cách tránh nhau mà chẳng khác gì tìm nhau.
Cho nên rút cục, thiên tình sử vẫn bắt đầu.
Blasơven, Lichtôliê, Phamơi, Tôlômiet họp thành một nhóm do Tôlômiet cầm đầu. Tôlômiet là linh hồn của nhóm.
Tôlômiet là điển hình cổ điển của anh sinh viên lớn tuổi. Hắn giàu, hằng năm có đến bốn ngàn phơrăng lợi tức. Ai có một gia sản như thế tức thì trở thành một đầu đề để bàn tán cho khu sinh viên. Tôlômiet là một tay ăn chơi đứng tuổi, vẻ người trông đã sọm. Mặt hắn đã nhăn nheo, răng có vài chiếc rụng. Đầu hắn đã có dạng hói, nhưng hắn vui vẻ: Ba mươi hói tóc, bốn mươi trọc lóc đầu gối. Ăn uống, hắn đã thấy khó tiêu, một bên khóe thường chảy nước mắt. Tuổi xuân càng tàn, hắn càng châm ngọn lửa hoan lạc. Răng hắn khuyết, những chuyện khôi hài của hắn không thiếu; tóc hắn rụng, hắn càng nô đùa nhiều hơn; kém sức khỏe, hắn thay bằng tính mỉa mai châm biếm. Con mắt ướt rượt nước mắt của hắn lại luôn luôn cười cợt. Cơ thể hắn tiều tụy nhưng hắn hớn hở tươi cười. Tuổi thanh xuân của hắn tàn tạ quá sớm, nhưng nom hắn vẫn đường hoàng, hắn tháo lui có trật tự, tháo lui mà cười khanh khách, người ngoài chẳng ai biết đâu vào đâu. Trước hắn đã viết một vở kịch rạp hát không nhận diễn. Một đôi khi hắn cũng làm mấy câu thơ vớ vẩn.
Ngoài ra, hắn còn hoài nghi tất cả, hoài nghi một cách cao đạo. Nhờ thế, hắn rất có uy tín đối với bọn ngu hèn. Tóm lại, vì hói và mỉa đời, hắn được tôn làm trùm, Iron là một chữ tiếng Anh có nghĩa là thép. Phải chăng Ironie từ tiếng ấy mà ra![43]
Một hôm Tôlômiet kéo ba bạn ra một chỗ, giơ tay làm hiệu như một bậc tiên tri, rồi nói:
- Đã một năm rồi, lũ các con Phăngtin, Đalia, Dêphin, Phavurit cứ vòi chúng ta làm quà cho chúng một cái gì bất ngờ. Chúng mình cũng đã trịnh trọng hứa hẹn. Chúng nó cứ nói đến mãi, nhất là với tớ. Ở Naplơ, các bà già, thường kêu gọi thánh Giangviê: Hỡi gương mặt vàng vọt hãy làm phép lạ đi.[44] Ở đây chúng nó cũng thế. Chúng nó cứ nhắc đi nhắc lại mãi: "Anh Tôlômiet, thế bao giờ anh đề ra được cái món bất ngờ ấy?" Phần thì ở nhà cứ viết thư giục chúng mình mãi. Hai đầu đều lải nhải. Tớ, tớ cho là cơ hội đã đến. Thế này này".
[43] Ironie tiếng Pháp có nghĩa là tính mỉa mai, nói mát
[44] Nguyên văn tiếng Ý: Faccia gialluta, fa o miracolo
Nói đến đây, Tôlômiet hạ thấp giọng, bí mật thầm thì một chuyện gì chắc là thú vị lắm cho nên bốn cái miệng đều toét ra cười khoái trá. Blasơven kêu lên:
- Đó mới thật là một sáng kiến.
Cả bọn kéo vào một quán rượu mịt mù khói thuốc lá tiếp tục bàn tính kế hoạch.
Kết quả hội nghị là bốn chàng trai cùng mời bốn cô thiếu nữ dự một cuộc vui tưng bừng ngày chủ nhật sau đấy.
III
TAY TƯ VÀ TAY TƯ
Trai sinh viên rủ gái lẳng lơ về đồng quê chơi như thế nào hồi bốn mươi lăm năm về trước, ngày nay khó mà hình dung được. Những vùng chung quanh Pari nào còn như xưa! Bộ mặt của cuộc sống ngoại thành đã hoàn toàn biến đổi từ nửa thế kỷ nay; nơi ngày xưa xe bò lóc cóc thì nay đã có xe lửa; chỗ ngày xưa thuyền gỗ qua lại thì nay đã có tàu thủy; ngày nay mà gọi Phêcăng thì cũng như xưa gọi Xanh Cơlu. Với Pari năm 1862, ngoại ô là cả nước Pháp.
Bốn cặp tình nhân rủ nhau tận hưởng mọi thú vui của đồng ruộng có thể có được hồi bấy giờ. Lúc ấy vừa vào dịp nghỉ hè, bữa đó là một ngày mùa ấm áp, trong sáng. Hôm trước, Phavurit, người độc nhất biết chữ, nhân danh cả bọn bốn chị em, viết cho Tôlômiet như sau: "Đi sớm thú nắm". Vì thế mọi người đều dậy từ năm giờ sáng. Họ đáp xe ngựa đến Xanh Cơlu, nhìn dòng thác khô cạn và tặc lưỡi: "Chà, cái này mà có nước thì chắc đẹp lắm đây". Họ ăn sáng ở hiệu Đầu đen, nơi này lúc ấy Catxtanh chưa đặt chân đến. Họ bỏ tiền chơi phi ngựa giật vòng, dưới các hàng cây xen kẽ chỗ bể nước. Rồi leo lên tầng tháp Điôgien. Rồi quay số ăn bánh ngọt đầu cầu Xevơrơ. Qua Puytô thì hái hoa từng bó. Đến Nơidi lại mua sáo thổi. Còn bánh kẹp thì đến đâu cũng chén. Thật là sung sướng nhất đời.
Các cô gái cười cười nói nói, ríu rít như một bầy chim sổ lồng. Thật như ngây như dại. Chốc chốc các cô lại tát yêu một cái vào má các cậu con trai. Chao ôi! Cái tuổi trẻ say mê! Những năm tháng vô vàn quý mến! Cánh chuồn rung động! Ôi! Anh bạn, dù anh là ai anh có nhớ chăng? Đã lần nào anh băng qua bụi rậm, vừa đi vừa rẽ cành để khỏi vướng vào mái tóc xinh của ai đang lần bước theo sau anh chưa? Đã lần nào anh vừa cười vừa trượt trên triền cỏ ướt đẫm nước mưa cùng với người anh yêu, mà nàng thì cầm tay anh giữ lại và kêu lên nũng nịu: "Trời ơi! Đôi giày mới toanh của em! Anh xem kìa, nó ra hình thù gì thế này!".
Xin nói ngay là chuyện gặp mưa vừa thích vừa khó chịu như vậy không xảy ra với đám người hớn hở này, mặc dù lúc ra đi, Phavurit đã trịnh trọng và lấy giọng từ mẫu bảo mọi người: "Có sên bò ra lối đi, điềm trời mưa các con ạ".
Cả bốn cô đều xinh một cách kỳ lạ. Một nhà thơ cổ điển dễ thương, có tiếng hồi bấy giờ là ông cụ Labut, trong tư thất của mình cũng đã có một Tây Thi, thế mà buổi sáng hôm ấy, thơ thẩn dưới rặng dẻ vườn Xanh Cơlu trông thấy bốn cô đi ngang qua lúc mười giờ, ông liền nhớ đến ba cô trong tranh "Ba mỹ miều" và kêu lên: Thừa mất một. Phavurit, người yêu của Blasơven, cô chị cả hai mươi ba tuổi, chạy lên trước. Nàng luồn cành nhảy, phóng bừa qua các bụi rậm, dẫn đầu cuộc vui, hăng như một cô tiên núi. Dêphin và Đalia lại không rời nhau nửa bước. Chẳng phải vì thân nhau mà chính vì cả hai đều hơi điệu như nhau. Điều tình cờ là hai nàng đều đẹp, nhưng người nọ phải đứng bên cạnh người kia, người này bổ sung cho người nọ thì sắc đẹp của mỗi người mới bật nổi thêm lên. Hai người kề vai nhau, dáng điệu mơ màng. Dạo ấy những tập ảnh kỷ niệm[45] đầu tiên mới ra đời cái buồn vô cớ đang nảy nở trong chị em, cũng như về sau cái sầu Bairơn[46] lan tràn trong nam giới, cho nên đầu tóc của phụ nữ cũng bắt đầu liễu rủ. Dêphin và Đalia thì đầu tóc đều uốn thành búp cuộn tròn. Lichtôliê và Phamơi đang cãi nhau về các giáo sư của mình thì giảng giải cho Phăngtin hiểu ông Đenvanhcua khác ông Blôngđô như thế nào.
[45] Nguyên văn tiếng Anh: keepsakes
[46] Byron: thi hào Anh, thơ sôi nổi, đau thương. Bairơn tình nguyện sang giúp sau cuộc khởi nghĩa của dân tộc Hy Lạp chống bọn thống trị Thổ và hy sinh 1788–1824.
Blasơven thì có vẻ sinh ra chỉ để nâng tấm khăn san quàng lệch cho Phavurit ngày chủ nhật.
Tôlômiet đi sau rốt, dáng người cao hơn hết thảy cả bọn. Chàng hết sức vui vẻ nhưng ai cũng cảm thấy ở chàng con người điều khiển; chàng vui tươi mà có cái gì độc đoán đấy: chỗ làm dáng chủ yếu của chàng là cái quần chân tượng vải Nam Kinh màu gạch non, có dây choàng từ bàn chân lên bằng đồng bện chéo: trên tay một chiếc ba toong bằng mây to bự giá đến hai trăm phơrăng và trên môi một vật khá kỳ lạ: một điếu xì gà. Chàng cho là chẳng có gì thiêng liêng sất và chàng chẳng từ một thứ gì, kể cá hút thuốc. Anh em bảo: "Cái thằng Tôlômiet này, đặc biệt thật. Coi cái quần nó có hắc không! Cừ khôi thật!"
Riêng Phăngtin nàng vui thật sự. Hàm răng tuyệt mỹ của nàng, chắc hẳn Trời giao cho cái chức năng là cười. Chiếc mũ rơm nhỏ đính quai dài và trắng, nàng thích cầm tay hơn là đội. Mớ tóc dày vàng óng rất dễ sổ, nàng phải luôn luôn cặp lại, cái mớ tóc thường xuyên như muốn bồng bồng, tung bay ấy, hình như đặt trên đầu nàng tiên Galatê để cho nàng chạy dưới cánh liễu thì mới phải. Đôi môi hồng thỏ thẻ như giọng oanh. Khóe miệng xếch lên, dáng say sưa, giống như các mặc giả thời cổ, nhìn vào có vẻ gì như khêu gợi những ý nghĩ sỗ sàng; nhưng hàng mi dài đen thẫm lại rủ cái bóng e ấp thùy mị xuống làn môi khóe miệng và cự tuyệt mọi cái ồn ào ở những chỗ này. Cách ăn mặc của nàng như có cái gì bừng bừng và thánh thót. Nàng mặc cái áo len màu hoa cà, chân đi đôi giày đế cao màu nâu đậm có ánh sáng, mấy dây buộc đan thành những chữ X trên mặt bít tất trắng, mỏng và thưa. Nàng khoác thêm một chiếc áo đuôi én bằng len mút, kiểu này là sáng kiến của dân Mácxây, họ đặt tên là áo "hé thử", theo cách xuyên tạc ở ngoài phố của chữ "hè thu",[47] có nghĩa là thời gian trời tối, ấm áp, đang trưa. Ba cô kia, như chúng tôi đã nói, ít rụt rè hơn, thì đều mạnh dạn mặc áo hở vai, trên mũ lại đầy hoa: mùa hè, cách ăn mặc như vậy trông có duyên thật nhưng cũng nhiều khiêu khích. Bên cạnh lối trang điểm táo bạo ấy, chiếc áo hè thu trong suốt của Phăngtin tóc vàng vừa kín đáo vừa e ấp, mở cũng như có mà khép cũng có, thật đáng coi như một sáng tạo có ý nghĩa thách thức của khoa lịch sự. Và cái câu lạc bộ tình yêu có bà chủ tịch là nữ tử tước đất Xét, có cặp mắt xanh màu nước biển, chắc hẳn sẽ tặng giải thưởng làm đỏm cho cái áo hè thu ấy vì nó đóng góp nhiều cho sự tiết hạnh. Té ra ở đời có khi thế: ngây thơ lại là thành thạo nhất.
[47] Nguyên văn canezou, đọc xuyên tạc những chữ quinze aout
Nhìn Phăngtin đằng trước thì lộng lẫy, nhìn một bên thì thanh tao. Cặp mắt xanh thăm thẳm, mi trên đầy đặn. Đôi chân thon và chắc, cổ tay cổ chân uyển chuyển. Nước da trắng mịn, đây đó thoáng lộ những mạch máu màu da trời. Gò má thơ ngây tươi mát, cái cổ tròn khỏe như tượng Giuynông, cái gáy chắc và mềm mại. Hai vai như do bàn tay Cutxtu nhào nặn, giữa lõm một lúm đồng tiền đến là say sưa, có thể thấp thoáng trông thấy dưới lần áo mỏng. Một nét vui tươi pha chút mơ mộng. Nhìn chung, mọi vẻ đều như tạc và vô cùng ý nhị. Ấy, Phăngtin như thế đó. Dưới mớ quần áo vải vóc kia là một pho tượng và trong pho tượng là một tâm hồn.
Phăngtin đẹp nhưng không hề biết mình đẹp. Họa chăng có một đôi người hay suy tưởng, những đồ đệ âm thầm của cái đẹp, thường đem mọi vật ở đời so với cái tuyệt mỹ, thì mới hé thấy cô thợ bé nhỏ này, qua cái duyên dáng trong suốt của người con gái Pari, cái nét hài hòa thiêng liêng thời cổ. Cô gái hèn mọn này thế mà con nòi. Nàng đẹp ở hai phương diện: phong cách và nhịp điệu. Phong cách là hình thức lý tưởng còn nhịp điệu là sự vận động của lý tưởng ấy.
Chúng tôi đã nói Phăngtin là niềm vui, nhưng Phăngtin là sự trinh bạch.
Kẻ nào quan sát nàng một cách chu đáo sẽ thấy ở người nàng, từ tất cả cái say mê của tuổi xuân, của nắng hạ, của tình yêu, đều toát lên một vẻ dè dặt, khiêm tốn không gì thắng nổi. Nàng còn giữ chút ít ngạc nhiên. Chính cái ngạc chiên trong trắng ấy là chỗ phân biệt Pxisê và Vệ nữ. Phăngtin có những ngón tay trắng và thon của một đạo cô đang lấy trâm vàng cời tro giữ ngọn lửa thiêng. Dù nàng chẳng hề từ chối một cái gì đối với Tôlômiet - cái điều ấy sẽ rõ - gương mặt nàng lúc thảnh thơi vẫn muôn vàn băng tuyết. Đôi khi một thứ tự trọng nghiêm chỉnh và hơi khắc nghiệt, bỗng dưng chiếm lấy người nàng. Vẻ vui tươi tự nhiên biến mất, khuôn mặt đang rạng rỡ bỗng đổi sang trầm ngâm, rười rượi. Những lúc ấy trông nàng, người ta phải lấy làm lạ lùng và ái ngại. Cái dáng nghiêm trang đột ngột ấy, có khi nghiêm khắc rõ rệt, na ná như vẻ kiêu hãnh của một nữ thần. Vừng trán, sống mũi, cái cằm có sự cân đối của đường nét, khác hẳn với sự cân đối hình dáng, làm cho khuôn mặt nàng đều đặn, hài hòa. Ở quãng trống rất đặc biệt giữa mũi và môi, nàng hãy còn giữ cái nếp kín đáo rất dễ thương, cái dấu hiệu bí ẩn của sự tiết trinh. Chính cái nếp ấy đã từng khiến cho Bacbơrut đâm phải lòng một tượng nữ thần Đian tìm thấy trong di chỉ Icôn.
Tình yêu là tội lỗi: vâng - Nhưng Phăngtin lại là sự trong trắng nổi lên tội lỗi.
IV
TÔLÔMIET VUI QUÁ HÁT MỘT BÀI HÁT TÂY BAN NHA
Cả cái ngày hôm ấy từ đầu chí cuối chỉ có bình minh. Vạn vật vui như hội. Vườn cảnh Xanh Cơlu thơm ngát ngọn gió sông Xen nhẹ rung lá biếc, cành cây nhún nhảy múa may. Những con ong vàng xông lên cướp nhụy hoa nhài. Từng đàn bướm nô đùa trong cỏ dại. Trong cảnh vườn ngự tôn nghiêm có cả một lũ chim trời du đãng.
Bốn cặp thanh niên hòa mình trong ánh nắng, trong lúa đồng, trong hoa cỏ, cây lá và cùng đua khoe thanh sắc.
Trong khung cảnh thiên đường, họ nói, họ hát, họ chạy nhảy, họ săn bướm, họ hái hoa bìm, họ dầm những đôi chân mang bít tất hồng vào cỏ ướt. Tươi lành, điên dại, dễ dãi, các cô nhận đây đó những cái hôn của cả bọn, trừ Phăngtin, nàng vẫn giữ cái dáng phản kháng âm thầm, cái vẻ mơ màng cách biệt, vì nàng yêu! Phavurit bảo nàng: "Mày lúc nào cũng thế nào ấy!"
Họ vui như thế đó. Những lứa đôi đang yêu và sung sướng mà đi qua nơi nào thì ở đó thiên nhiên và sự sống dường như cũng bị lay động sâu xa và mọi vật đều sôi trào âu yếm và ánh sáng. Ngày xưa có một nàng tiên chỉ vì thương những người bạn tình mà làm ra cho họ bãi cỏ và chòm cây. Từ đó mà có cái trò muôn thuở "ngồi bụi cây" của những cặp tình nhân, cái trò luôn luôn diễn đi diễn lại cũng như trò "học trong bụi cây"[48] luôn tồn tại chừng nào trên đời còn có bụi cây và học trò. Cũng từ đó mà mùa xuân mới được các nhà tư tưởng mến yêu. Quý tộc cũng như dân đen, quận công cũng như không nhà, trong triều cũng như ngoài quận, tất cả đều làm tôi cho nàng tiên ấy. Người ta cười, người ta tìm nhau, trong không khí dường như có ánh sáng thần tiên rực rỡ. Chao ơi! Con người biến đổi biết bao khi người ta yêu! Một anh làm công quèn cũng tưởng mình như được lên tiên. Và những lúc đùa reo đuổi bắt nhau trên nội cỏ, bất thần tóm được lưng nhau; lời cục cằn thành điệu du dương, một ngữ khí, một âm thanh cũng tràn đầy yêu dấu; những lúc một quả anh đào mồm nọ cướp của mồm kia, tất cả các phút giây ấy đều rực sáng và đi vào cõi thần tiên chói lọi. Các cô thiếu nữ xinh tươi quả đã đem tất cả hương sắc của mình ra phung phí một cách say sưa. Cảnh tượng đó người ta tin là không bao giờ chấm dứt. Triết gia, thi sĩ, họa sĩ ngắm nhìn những cảnh mê ly ấy mà đành chịu bất lực vì chúng nó chói lóa cả mắt. Oattô kêu: đây là cảnh "Rủ nhau ra đảo tình yêu"; Lăngcơre, nhà họa sĩ bình dân, đành ngắm họ như bay bổng tận mây xanh; Điđơrô thì dang tay chào đón tất cả các cuộc tình duyên ấy, còn Đuyêchphê lại tả thêm vào cảnh đó mấy vị thầy mo.
[48] Nguyên văn: école buissonière, thành ngữ, có nghĩa là trường trong bụi
Cơm trưa xong cả bọn kéo nhau vào khu vườn ngự xem thứ cây lạ vừa mới đưa từ Ấn Độ sang. Cây tên gì ngày nay chúng tôi không nhớ ra, chỉ biết là hồi đó cả Pari đều đến Xanh Cơlu để xem. Giống cây kỳ dị ấy thân nhỏ, thong thong, trông rất xinh, chẳng có chiếc lá nào, toàn một mớ vô số là cành cây rối bù, nhỏ như sợi chỉ, phủ đầy một lượt không biết cơ man nào là hoa trắng li li, nom giống như một đầu tóc rắc phấn trắng. Ngày nào cũng khối người vây quanh trầm trồ ngắm nghía.
Xem cây xong, Tôlômiet vụt kêu lên: "Tớ cho các cậu đi lừa nhé!" Mặc cả với người cho thuê lừa đâu vào đấy, cả bọn ngồi lừa trở về theo lối Văngvơ và Itxi. Đến Itxi xảy ra một việc. Vườn cây, tài sản quốc gia, lúc ấy thuộc quyền sở hữu của người chủ thầu quân nhu Buốcganh, hôm ấy ngẫu nhiên cổng lại mở toang. Họ đi thẳng vào vườn, đến thăm hình nhà ẩn sĩ trong hang đá, vào phòng trưng bày các loại gương, thử chiếu để xem các hiện tượng, các sắc màu kỳ lạ. Cái phòng trưng bày khá nổi danh vì những hình ảnh khêu gợi dục tính này chẳng qua cũng là thứ cần câu tiền rất xứng với một tay làm tiền trở thành triệu phú hoặc một tên bất lương trở thành vị thần vườn tược. Họ cùng đến chơi đưa võng chỗ chiếc lưới căng giữa hai cây dẻ. Các cô gái lần lượt leo lên võng. Tôlômiet cũng lần lượt ru. Lưới võng đưa mạnh, chiếc váy cũng tung bay. Cả bọn phá lên cười. Cái cảnh quần hồng phấp phới này, giá có Gơrơdơ thì nhà họa sĩ chúng ta cũng chộp được một nếp xiêm trong quần thanh thú. Tôlômiet, cái anh chàng có ít nhiều máu Tây Ban Nha trong người, vì Tuludơ có họ với một thành phố bên Tây Ban Nha là Tôlôda, mà chàng thì là người Tuludơ, Tôlômiet vừa đưa võng vừa cất tiếng hát theo điệu buồn buồn một bài dân ca cổ mà cảm hứng chắc bắt nguồn từ hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp tung bay trên chiếc thừng chăng giữa hai hàng cây:[49]
Anh là người ở quê xa
Vì tình nên phải bôn ba với tình
Đu bay tung váy cô mình
Da em băng tuyết cho anh thẫn thờ
Hồn dâng trong mắt ước mơ
[49] Trong nguyên tác bài hát này lời bằng tiếng Tây Ban Nha
Riêng Phăngtin nàng từ chối không đu võng. Phavurit thầm thì giọng khá chua chát: "Tớ không thích kiểu làm điệu như thế".
Họ bỏ lừa xuống thuyền. Lại một dịp vui mới. Họ ngồi thuyền qua sông Xen, rồi từ Patxi đi bộ về quảng trường Ngôi Sao. Mọi người còn nhớ, họ thức dậy từ năm giờ sáng, thế mà Phavurit cứ bảo: Mặc kệ, chủ nhật làm gì có mệt mỏi, ngày chủ nhật cái mệt cũng nghỉ việc. Vào quãng ba giờ chiều, bốn cặp tình nhân, say mềm hạnh phúc, còn chơi trò trượt dốc ở cái núi yên ngựa, một công trình xây đắp kỳ dị nằm trên ngọn đồi Bôgiông, mà đường nét vòng vèo nhìn thấy nhấp nhô trên các ngọn cây quảng trường Săng Êlidê.
Chốc chốc Phavurit lại kêu:
- Thế cái món bất ngờ đâu? Đây muốn xem cái bất ngờ ấy.
Tôlômiet bảo:
- Hãy đợi tí nữa!
V
Ở QUÁN BÔNGBACĐA
Chơi chán ở núi yên ngựa, họ nghĩ đến cơm chiều và cả bọn tám người xem chừng đã mệt giạt vào quán Bôngbacđa. Quán này là chi nhánh đặt ở Săng Êlidê của chủ hiệu ăn nổi tiếng Bôngbacđa có cửa hàng chính ở phố Rivôli bên cạnh ngõ Đơlócmơ.
Một căn buồng rộng, xấu xí, trong cùng có ngăn kê giường. Chủ nhật quán đông nghịt, cả bọn đành phải bằng lòng một chỗ nghỉ chân vậy. Buồng cũng có hai cửa sổ có thể đứng ngắm cảnh bến sông bên kia rặng cây. Ánh hè rực rỡ phớt qua khung cửa. Hai cái bàn, một cái để mũ nón đàn ông, đàn bà lẫn lộn với các bó hoa sặc sỡ chất cao như núi, một bàn bày loạn xạ nào thức ăn, nào đĩa không, nào chai cốc, nào cốc bia, hồ rượu. Bốn cặp ngồi chung quanh. Trên bàn hơi lộn xộn, dưới bàn cũng chút ít rối ren. Đúng như lời thơ Môlie
Dưới bàn ăn có tiếng gì kinh quá
Chân này đạp, chân nọ khoèo, loạn xạ!
Âu, tới bốn giờ rưỡi chiều thì cuộc vui diễn bắt đầu từ năm giờ sáng đã đưa đến chỗ đó. Trời về chiều, mọi người bụng đã no nê.
Quảng trường Săng Êlidê đầy nắng, người qua lại như mắc cửi, đúng là vinh quang, chỉ gồm có bụi và ánh sáng. Mấy con ngựa cẩm thạch của Mácli như đang hí và lồng lộn trong bụi vàng. Xe tứ mã qua qua lại lại. Một đội vệ binh quân phục rực rỡ, kèn đồng dẫn đầu, rẽ đường xuống đại lộ Nơidi. Lá cờ trắng, phơn phớt hồng trong ánh hoàng hôn, phấp phới trên vòm nóc cung Tuylơri. Quảng trường Hòa hợp nay lại lấy tên cũ là quảng trường Lui XV, người đi dạo đông nghịt. Nhiều người ra vẻ đắc chí, lủng lẳng chiếc hoa huệ bằng bạc dính vào một cái dải bằng sa trắng gợn vân. Cái dải trắng này mãi đến năm 1817 hãy còn thấy lác đác ở cúc áo một số người. Đây đó một nhóm người qua đường dừng lại, vây quanh một toán em gái nhỏ đang múa hát và vỗ tay tán thưởng. Các em gửi vào gió một điệu hát nổi tiếng hồi bấy giờ của người phái Buốcbông dùng để mạt sát cái chính quyền Bách nhật mà điệp khúc là:
Trả cho ta bố xứ Găng[50] của ta
Trả cho ta bố ta
[50] Bố xứ Găng tức là Lui XVIII. Trong thời kỳ bách nhật, Lui XVIII trốn ở Grand, một thành phố thuộc nước Bỉ.
Từng đám đông dân ngoại ô xúng xính quần áo ngày lễ, có người đeo cả hoa huệ như bọn thị dân, tản mát khắp các khu vườn hoa, chơi trò phi ngựa giật vòng hoặc ngồi quay trên lưng ngựa gỗ. Nhiều kẻ khác đang đánh chén. Một số là thợ nhà in đang học việc, mũ giấy đội đầu, từ xa đã nghe tiếng họ cười. Tất cả đều hớn hở. Thật là một đời thái bình thịnh trị. Chính hồi này quận trưởng cảnh sát Ăngơlet, trong bản mật tấu đặc biệt lên nhà vua về tình hình các vùng ngoại ô Pari, đã kết thúc bằng những lời lẽ như sau: "Xét cho kỹ, tâu bệ hạ, bọn người ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Chúng nó vô lo và uể oải như mèo. Bọn dân đen các tỉnh mới hay rầy rà chứ ở Pari thì không. Bọn chúng bé nhỏ quá thể. Tâu bệ hạ, phải hai đứa chồng lên nhau thì mới cao bằng một anh pháo thủ trong cấm binh. Chẳng phải lo ngại tí nào về phía bọn dân ngu của thủ đô. Rất đáng để ý là từ năm mươi năm nay, vóc người họ cứ thấp dần và ngày nay dân ngoại ô bé nhỏ hẳn đi so với hồi trước cách mạng. Chúng nó chẳng có gì nguy hiểm. Tóm lại cái lũ chó đẻ ấy mà ngoan".
Các ngài quận trưởng cảnh sát thì làm sao mà tin được mèo có thể hóa thành sư tử! Ấy thế mà có thật và đó là phép màu của dân chúng Pari. Còn giống mèo mà bá tước Ăngơlet khinh bỉ đến nước ấy, thật ra lại được các nền cộng hòa thời đó tín nhiệm. Trong mắt họ, mèo là hiện thân của tự do và để cho tượng thần Minecvơ không cánh dựng ở Pari khỏi phải chơ vơ, họ dựng tiếp ở quảng trường Côranhtơ tượng một con mèo khổng lồ bằng đồng hun. Ngành cảnh sát của chính quyền phục hưng kể cũng ngây thơ, họ nhìn dân chúng Pari hơi quá "hồng". Chẳng phải như họ tưởng, dân chúng Pari không hề là "lũ chó đẻ, mà ngoan". Dân Aten có vai trò như thế nào trong người Hy Lạp thì dân Pari cũng có vai trò như vậy trong người Pháp. Chẳng ai ngủ bì họ, chẳng ai thật tình phù phiếm và lười biếng như họ, cũng chẳng ra vẻ hay quên bằng họ. Tuy vậy xin ai chớ tin vào đó: họ có vẻ sinh ra để chẳng thèm lưu ý đến bất cứ cái gì, ấy thế mà khi có vấn đề vinh quang nêu cao trước mắt thì họ có thể làm tất cả mọi việc hăng say, không ai sánh kịp. Đưa giáo cho họ, họ sẽ làm nên ngày 10 tháng 8; đưa súng cho họ, họ sẽ có Auxtéclít. Napôlêông lấy họ làm chỗ dựa. Đangtông coi họ là nguồn lực lượng. Tổ quốc lâm nguy ư? Họ sẵn sàng nhập ngũ. Tự do lâm nguy ư? Họ sẵn sàng cạy đường lấy đá. Coi chừng! Tóc họ có thể vì căm thù mà dựng ngược; chiếc áo lao động của họ có thể biến thành chiến bào. Hãy cẩn thận, bất kỳ phố xá ngõ ngách nào họ cũng có thể biến thành thiên la địa võng bắt quân thù phải hạ giáp. Cho nên đến lúc cần thì người dân ngoại ô ấy lại lớn lên, con người bé nhỏ ấy lại đứng dậy, mắt họ nhìn sẽ dữ tợn, hơi thở họ sẽ như bão táp và từ lồng ngực mỏng manh của họ sẽ tuôn ra đủ giông tố để xáo trộn từng dòng khe mạch của dãy Anpơ. Chính nhờ người dân ngoại ô Pari mà cách mạng, xen lẫn vào các đạo quân, chinh phục châu Âu. Họ hát, đó là họ vui. Cứ so điệu hát cho vừa tầm với bản chất họ mà xem! Chỉ được lặp đi lặp lại có bài Cácmanhôn thì họ chỉ lật đổ nổi Lui XVI, cho họ hát bài Mácxâyde họ sẽ giải phóng cả thiên hạ.
Xong mấy lời ghi chú trên đây bên lề bản báo cáo của Ănggơlet, xin trở lại với bốn cặp tình. Như trên đã nói, bữa cơm chiều vừa xong.
VI
THƯƠNG YÊU NHAU
Chuyện phiếm sau bữa cơm, chuyện phiếm về tình yêu đều như nhau, chẳng đâu vào đâu; chuyện tình yêu thì như mây, chuyện sau bữa cơm thì như khói.
Phamơi và Đalia khe khẽ hát; Tôlômiet tiếp tục uống rượu; Dêphin và Phăngtin kẻ cười thành tiếng, người chỉ cười nụ. Lichtôliê lôi cái kèn gỗ mua ở Xanh Cơlu ra thổi. Phavurit đưa mắt nhìn Blasơven một cách âu yếm và nói:
- Anh Blasơven, em mê anh.
Thuận đà Blasơven hỏi lại:
- Phavurit này, nếu anh không yêu em nữa thì em làm thế nào?
Phavurit kêu lên:
- Ấy, đừng nói thế, dù là nói đùa! Em ấy à? Anh mà không yêu em, thì em tóm lấy anh, em cấu này, em xé này, em thì trát tro vào mặt này và em gọi cảnh sát nhốt cổ anh lại.
Blasơven mỉm cười, cái cười khoái chí được nghe những lời nịnh nọt. Phavurit tiếp:
- Vâng, em nhất định kêu cứu vệ binh! Em lồng lên phải biết! Đồ chết tiệt!
Blasơven sung sướng quá, ngả hẳn người trên ghế, nhắm mắt, kiêu hãnh:
Đalia vừa ăn vừa nói nhỏ với Phavurit giữa tiếng ồn ào náo động:
- Mày sùng bái anh Blasơven của mày thật hở?
Phavurit vớ lại cái nĩa cầm lên, cũng đáp khe khẽ:
- Tao ghét nó. Nó kiệt. Tao thích cái thằng bé trước ở cửa nhà tao kia. Cậu ấy thế mà hay đáo để mày có biết cậu ta không? Trông có thớ diễn viên lắm. Tao rất thích bọn diễn viên. Động thấy cậu ta về là bà cụ kêu lên: "Trời! Còn làm sao mà ở yên được nữa hở trời! Nó lại sắp gào lên rồi kìa. Này con, con làm mẹ điếc tai nhức óc ơi!" - Thì ra cu cậu chui vào nhà trong, tìm cái xó cái xỉnh nào trên gác, leo lên được đến đâu là cứ leo, rồi thì hát hò, ngâm nga, ai còn biết làm cái thứ quỷ gì, nhưng mà dưới nhà thì nghe rõ mồn một! Cậu ta lại còn chép đơn chép từ gì cho một tay thừa lại mỗi ngày một phơrăng nữa kia. Bố cậu ta ngày xưa là chân hát lễ trong nhà thờ Xanh Giăccơ ấy mà. Cậu ấy thế mà hay ra phết. Một hôm thấy tao nhào bột làm bánh, cậu ta bảo: "Cô nàng ơi, cô nàng nhào luôn bít tất tay cô mà làm bánh, tớ cũng xin ăn", mày tính thế thì cậu ta yêu tao biết chừng nào! Tao cho chỉ có nghệ sĩ mới nói được một lời như thế. Chà! Cậu ta hay thật. Tao đang mê mệt vì cái thằng bé ấy đây. Cũng chả sao, tao cứ nói Blasơven là tao sùng bái hắn ta. Tao nói dối tệ mày nhỉ! Dối thật!
Phavurit ngừng một chốc, rồi nói tiếp:
- Đalia, mày biết không, tao buồn lắm. Suốt hè chỉ có mưa, còn gió nữa, gió chẳng chịu thôi gào thét, làm tao phát bực. Anh chàng Blasơven thì kiệt chết cha chết mẹ, chợ búa gì khổ sở mới có chút ít bơtiboa, chả biết ăn cái gì. Tao buồn vô cớ mày ạ, tao lên cơn xplin[51] như bên Anh họ nói ấy. Bơ sao mà đắt thế! À này, mày xem, đáng tởm không? Chúng mình đi ăn uống ở một nơi có cái giường ngủ, kiểu này làm tao chán đời.
[51] Spleen tiếng Anh, có nghĩa là bệnh buồn chán vô cớ.
VII
TRIẾT LÝ CỦA TÔLÔMIET
Một vài người hát, bọn còn lại thi nhau chuyện trò bô bô cả phòng ồn ào, huyên náo. Vừa lúc ấy Tôlômiet chen vào:
- Này, đừng có bạ gì nói nấy và nhanh như nhặt rau thế - anh chàng kêu lên - Suy nghĩ một ít cho nó có vẻ chứ. Cứ cương mãi thì chả mấy chốc là trơ ra ngay. "Dục tốc" là bất đạt. Xin quý vị hãy từ từ. Phải oai nghiêm khi nhậu nhẹt, mà chén thì phải trầm tĩnh; xin các ngài yến ẩm từ từ cho. Đừng có vội. Cứ xem mùa xuân kia kìa, mùa xuân mà vội thì có mà cháy đứt đuôi, nghĩa là chết cóng. Chú đào chú mận nào mà hăng dấn lên một tí là đi đời. Bữa cơm ngon mà hăng quá thì cũng chẳng còn gì là thú vui tao nhã. Không cần hăng, các vị ạ! Các nhà sành ăn xưa nay đều cũng ý kiến như thế cả.
Một làn sóng phản đối ngấm ngầm trong cả bọn, Blasơven nói trước:
- Tôlômiet, xin cậu để yên cho chúng tớ.
Phamơi tiếp:
- Đả đảo độc tài!
Lichtôliê hét:
- Quân Bôngbacđa, ăn cho căng bụng và chơi cho hết ga!
- Tuần lễ còn có chủ nhật chứ! - Phamơi nối lời.
- Chúng tớ biết điều độ chứ, - Lichtôliê thêm.
- Tôlômiet - Blasơven bảo - cậu xem tớ tỉnh táo đàng hoàng đây này.
- Cậu tỉnh táo bảo hoàng chứ lị - Tôlômiet đáp.
Bấy giờ bảo hoàng đang là cái mốt cho nên cậu chơi chữ tầm thường như thế lại có tác dụng như hòn đá ném xuống ao. Ếch nhái đều câm bặt.
Tôlômiet như người nắm lại được thế điều khiển, lên giọng kẻ cả:
- Các bạn ạ, hãy bình tĩnh lại, không cần phải hoảng hốt dữ như thế trước câu đùa từ trên trời rơi xuống ấy. Những cái từ trên trời rơi xuống như vậy không nhất thiết phải được đón nhận nhiệt tình và trọng vọng. Trí tuệ bay bổng thì vãi ra cái trò bông lơn chơi chữ, còn câu đùa câu cợt thì bạ đâu rơi đó và trí óc đẻ xong cái thứ vớ vẩn như vậy liền chui tọt lên mây xanh. Một vệt gì trăng trắng mà giáng xuống mõm đá thì làm sao cấm được đại bàng bay lượn! Cút đi những ai phỉ nhổ cái trò bông lơn chơi chữ! Tớ quý trọng nó là trong chừng mực nó được việc, có thế thôi. Tớ biết tất cả cái gì tôn nghiêm hơn hết, cao cả hơn hết trong nhân loại và có lẽ cả ngoài nhân loại, đều từng chơi chữ. Giêsu Cơrit đã có một câu bông lơn chơi chữ về thánh Pie. Môidơ cũng về Idác, Etsin thì về Pôlinit, Cơlêôpat thì Ôctavơ. Nên nhớ rằng câu bông lơn chơi chữ của Cơlêôpat là có trước trận Actium và giá không có câu ấy thì chẳng ai còn nhớ đến thành phố Tôrin, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là cái thìa lớn. Các điều trên đây cũng khá mất thì giờ rồi đấy, bây giờ thì xin trở lại lời khuyên ban nãy. Các người anh em ạ, tớ nói lại, đừng hăng, đừng ồn ào, đừng thái quá, ngay trong lời hóm hỉnh, vui đùa, trong say sưa, chơi chữ. Anh em nghe tớ, tớ thận trọng như Amphiarot, tớ lại có một cái đầu hói của Xêda: Cái gì cũng có hạn.[52] Trò chơi vặt cũng thế. Mà ăn cũng thế. Các vị phu nhân, các vị thích bánh kẹp nhân táo, được nhưng đừng ham ăn quá. Ăn bánh kẹp cũng phải có lương tri và nghệ thuật. Chứng tham ăn sẽ trừng phạt kẻ ăn tham. Cái cổ làm khổ cái bụng. Trời sinh chứng đầy bụng để dạy khôn cho dạ dày. Và, xin nhớ giùm cho điều này: mỗi tính ham mê của chúng ta, kể cả yêu đương, đều có một cái dạ dày mà chúng ta chớ nên cho chứa đầy quá. Bất kỳ cái gì cũng phải biết kịp thời chấm dứt, phải biết kiềm chế mình lúc tình thế khẩn cấp, bụng còn thèm đấy nhưng phải khóa cửa nhốt thèm thuồng, bắt giam thích thú, tự đưa mình đến bót cảnh sát. Kẻ khôn ngoan là kẻ đến một lúc nào đó biết tự trói mình nhận lỗi. Xin các bạn hãy tin tớ một tí. Chẳng gì tớ cũng võ vẽ học luật, các lần thi cử rõ ràng là thế mà. Với lại tớ cũng biết vấn đề chung cứu và vấn đề đương cứu khác nhau như thế nào: tớ cũng đã bảo vệ một luận án bằng tiếng La Tinh về các cách xử nhục hình ở La Mã thời xưa, chưa kể hình như tớ sắp đỗ tiến sĩ, không nhất thiết vì thế mà tớ phải là thằng ngu! Tớ khuyên các bạn nên ham mê cho chừng mực. Điều đó là thật; cũng như tên tớ là Phêlit Tôlômiet, tớ không đùa đâu, tớ nói thật. Kẻ nào lúc cần, biết xử trí một cách dũng cảm và từ bỏ chức vị cao sang của mình như Xinla, hay Origien; kẻ ấy sung sướng thật!
[52] Nguyên văn còn có câu La Tinh: Est modus la rebus chơi chữ theo lối rebus cũng phải có hạn
Phavurit lắng nghe rất chăm chú. Nàng nói:
- Phêlit, chữ hay nhỉ! Mình thích cái tên ấy. Tiếng La Tinh đấy, có nghĩa là thịnh vượng mà.
Tôlômiet tiếp:
- Các bạn vương hầu bá tước của tôi ơi! Các bạn có muốn miễn sắm giường cưới, cóc cần tình yêu mà chẳng phải ngứa ngáy trong người tí nào không? Rất đơn giản. Bí quyết chỉ có thế này: uống nước chanh, tập tành cho quá một tí, làm việc nhiều, làm việc nặng cho mệt nhoài vào, đừng ngủ thức cho khuya, tọng vào các thứ nước hơi, nước chát, ngâm các thứ đắng thứ cay vào, cứ thường kỳ nhịn đói thật nghiêm, nhịn đói cho rạc người ra, rồi thì tắm nước lã, lấy lá thuốc nịt bụng, buộc mảnh chì, bôi nước ôxyt chì, xát dấm pha loãng.
- Tớ thì thích đàn bà hơn - Lichtôliê nói.
- Đàn bà! - Tôlômiet đáp - đừng có tin đàn bà. Khốn thay cho những ai đặt lòng tin vào trái tim bất thường của người đàn bà! Đàn bà là quanh co, quỷ quyệt. Họ ghét rắn là vì họ ghen với kẻ cùng loại đó thôi. Rắn là cái cửa hiệu trước mặt hiệu mình.
- Tôlômiet, cậu say rồi - Blasơven kêu lên.
- Cóc say! - Tôlômiet cãi.
- Vậy thì phải vui lên - Blasơven bảo.
- Tớ đồng ý - Tôlômiet đáp lại.
Chàng rót đầy một cốc rượu rồi đứng lên:
- Hoan hô rượu! Bây giờ, hỡi Bacchus,[53] ta hãy uống đi.[54] Xin lỗi các cô, tôi nói tiếng Tây Ban Nha. Chứng cớ đây này: dân xứ nào có cái đựng rượu xứ ấy. Thùng phuy ở Cattidơ chứa mười sáu lít, thùng tô nô ở Alicăng chứa mười hai, ở Canari đến hai mươi lăm, ở Balêa hai mươi sáu, cong chiếc ủng của sa hoàng Pie thì những ba mươi.
[53] Bacchus: Thần rượu, theo thần thoại Hy Lạp
[54] Nguyên văn: Nume te, Bacche canam!
Ông vua Nga vĩ đại ấy, muôn năm ông ta, nhưng chiếc ủng của ông ta còn vĩ đại hơn, vậy muôn năm chiếc ủng! Thưa các vị phu nhân, đây xin có một lời khuyên tri kỷ, nếu các phu nhân thấy hay hay thì xin các phu nhân cứ nhầm người láng giềng cho. Tình yêu bản chất nó là lang thang. Yêu đương chốc lát thì chuyện gì ngồi chết một chỗ cho mụ người đi như một bà ở già, gối chân gối tay chai sần lên tất cả. Đã là chuyện ong bướm thì dại gì, cứ bay lượn vui vẻ! Người ta bảo: nhầm là thuộc tính của tình yêu. Thưa các vị phu nhân, đây yêu tất cả các vị. Dêphin ơi, à Giôdêphin ơi, con người vẻ mặt sau mà nhàu nát quá thế, em sẽ đẹp bao nhiêu nếu em không bị lệch. Mặt em rất đẹp mà tưởng tượng như có ai vô tình ngồi phịch lên trên em ơi! Còn Phavurit, hỡi hằng nga, tiên nữ ơi! Các nàng có biết không? Một hôm Blasơven lội qua suối, anh thấy một cô gái xinh đẹp xắn quần cao ống để hở cặp đùi lồ lộ. Cái màn đầu là lạ ấy, anh chàng ta thích, thế là yêu. Nàng tiên nữ ấy tức là Phavurit. Phavurit ơi! Em có đôi môi đẹp như tranh. Ngày xưa ở Hy Lạp có một họa sĩ tên là Ơphôriông. Ông ta được mệnh danh là nhà họa sĩ vẽ môi. Chỉ có ông ấy mới xứng đáng được vẽ cặp môi em. Tôi nói câu này nhé! Trước em, chẳng có ai xứng đáng là công trình sáng tạo của Chúa cả. Em chính là người sinh ra để nhận quả táo như Vệ nữ hay để cắn vào quả táo như Evơ. Có em, nhan sắc mới ra đời. Tôi vừa nói đến Evơ chứ gì? Em là người sinh ra Evơ đó. Em đáng được cấp bằng phát minh ra con người đẹp vậy. Phavurit ơi, tôi thôi không gọi em bằng em nữa, vì tôi đang từ lĩnh vực thơ ca chuyển sang văn xuôi. Lúc nãy cô nhắc đến tên tôi, điều đó làm tôi cảm động lắm; nhưng cho dù chúng ta là người như thế nào đi nữa, chúng ta cùng đừng tin vào cái tên. Cái tên chẳng đúng tí nào. Tôi tên là "Thịnh vượng" nhưng tôi nào có sung sướng.
Chữ nghĩa hay lừa dối lắm. Đừng có nhắm mắt nghe nó chỉ bảo. Thật là sai lầm nếu viết thư đến thành phố Giăng để mua găng tay[55] và đến Lyông để mua ly cốc.[56] Cô Đalia ạ, tôi như cô tôi lấy tên là Hồng. Hoa phải thơm, cũng như phụ nữ phải thông một cây suy tưởng, một cây cảm xúc: Phăngtin là một bóng ma có lốt người tiên nữ, có đức e lệ của ni cô, nàng đi lạc vào cõi lả lơi và ẩn mình nơi ảo tưởng, nàng ca hát, nàng cầu nguyện, nàng ngước nhìn mây xanh mà cũng chẳng biết mình trông thấy gì, mình đang làm gì và cứ thế, mắt để trên trời cao, nàng thẩn thơ qua một khu vườn ở đó chim chóc còn nhiều hơn trong thực tế! Phăngtin ơi! Em nên biết điều này: anh Tôlômiet của em là một ảo tưởng đây. Thế nhưng nàng có nghe thấy đâu, cô em tóc vàng chỉ sống với ảo mộng! Dù sao, ở nàng cái gì cũng tươi mát, thơm tho, cũng son sẻ, dịu dàng như ánh ban mai, Phăngtin ơi! Em đáng được gọi là thủy tiên hay bích ngọc, em là con người của xứ sở thần tiên.
[55] Nguyên văn: Gand và gant, đồng âm
[56] Nguyên văn: Liège (thành phố) và liêge điên điên, đồng âm
Thưa các vị phu nhân, tôi lại có một lời khuyên thứ hai: chớ có lấy chồng. Lấy chồng cũng tỉ như ghép cây, may thì tốt, rủi thì xấu, chi bằng tránh cái rủi may là hơn. Nhưng mà, ngốc! Tôi nói cái gì thế nhỉ! Tôi líu lưỡi mất rồi. Đàn bà, con gái, làm sao mà chữa cho họ lành được cái bệnh "mống chuồn"![57] Những người hiểu biết như chúng ta có cái gì thì nói chứ làm sao ngăn các cô khâu đầm khỏi mơ ước một ông chồng giàu sụ? Thôi, cũng được. Nhưng mà các vị này, các vị nhớ cho: các vị ăn nhiều của ngọt quá. Phụ nữ các cô có mỗi một tội, các cô nhấm nháp lắm thứ ngọt. Ôi! Cái giới gặm nhấm kia, những chiếc răng trắng nhỏ xinh của các người ưa thích đường lắm. Các cô nghe cho rõ, đường là một chất muối. Muối thì háo. Đường lại là loại háo nhất trong các chất muối. Nó hút chất nước trong mạch máu; do đó sinh ra máu đông, máu ứ; sinh ra sưng, ra tấy trong phổi và thế là chết. Có thế bệnh đái đường mới dẫn đến bệnh lao. Cho nên các cô chớ có xơi của ngọt nếu các cô muốn sống lâu!
[57] Nói lái "mống chuồn" là "muốn chồng"
Bây giờ tôi xin nói chuyện với các vị đàn ông. Thưa các vị, các vị cứ chinh đông tảo bắc cho tôi. Các vị cứ cướp bóc người yêu của nhau đi, không cần ăn năn hối hận gì cả. Cứ đánh chéo góc đi, trên tình trường chẳng có bạn với bè gì hết. Có gái đẹp là có tranh chấp. Đánh đến cùng, không chừa, không tha chi cả! Gái đẹp là một cớ gây ra chiến tranh:[58] có bao nhiêu cuộc xung đột, quả tang là một người đàn bà đẹp! Xưa nay trong lịch sử các cuộc xâm lược đều do cái váy của phụ nữ mà sinh ra cả. Đàn bà là quyền lợi của đàn ông. Rômuylút, Guyôm, Xêda đến đâu đều chiếm lấy gái ở đó. Kẻ không được yêu thì như con kên kên bay lượn trên nhân tình của kẻ khác. Tớ thì tớ hướng về những anh chàng "phòng không" xấu số ấy mà tuyên bố như Bônapác tuyên bố một cách siêu hùng trước quân đoàn Itali của mình: "Hỡi binh sĩ, các người thiếu thốn tất cả. Những gì các người thiếu thốn, quân địch đều có".
[58] Nguyên văn Latinh: Casus bell
Tôlômiet dừng lại như hết hơi. Blasơven bảo:
- Tôlômiet, cậu nghỉ tí đã.
Cùng lúc đó, Blasơven có Lichtôliê và Phamơi giúp sức, cất giọng xót thương hát một bài hát thợ thuyền. Bài hát như ghép lung tung chữ nọ với chữ kia, có câu có vần rất chỉnh mà có câu không, nội dung vô ý nghĩa như gió thổi cây lay. Những bài hát như thế này, thợ thuyền vừa hút thuốc vừa đặt ra, cho nên nó cũng mau chóng bay đi và tan biến như khói thuốc lá. Đây là một đoạn đáp lại bài hát kêu gọi Tôlômiet:
Kìa các bác gà tây
Tung tiền cho tụi chân tay
Lo cho cái ông Sấm sét
Được phong Giáo hoàng ngày Tết
Nhưng nào có được chi đâu
Sấm sét nào phải thầy tu
Chân tay ta đành tất tưởi
Mang tiền trả các bác gà tây
Nhưng bài hát chẳng hề khiến cho dòng cảm hứng của Tôlômiet bớt sôi nổi. Chàng dốc cạn cốc rượu, rót đầy một cốc khác và nói tiếp:
- Đả đảo triết lý! Các vị hãy quên đi các lời tôi vừa nói. Chúng ta đừng nên cố chấp, đừng nên thận trọng, cũng đừng nên quá lành. Ta cứ vui chơi thoải mái đây! Chúng mình phải biết ăn uống, biết ngông cuồng để bổ sung cho các bài luật học. Bội thực và Đigext.[59] Giuytxtiniêng và chè chén phải như đôi vợ chồng. Ấy cái vui nó ở sâu như vậy đó! Hỡi tạo vật! Hãy sống đi! Vũ trụ là một khối kim cương. Tôi thấy mình sung sướng. Chim chóc hân hoan lạ. Đâu đâu cũng như ngày hội! Chim họa mi réo rắt giọng danh ca. Nắng hè ơi! Ta chào người. Hỡi vườn Luychxămbua xinh đẹp, hỡi những bản tình ca bên gốc cây bờ cỏ! Hỡi những anh lính mơ mộng! Hỡi những cô giữ trẻ xinh tươi, các cô vừa giữ trẻ thơ vừa chơi trò thai nghén trẻ thơ! Giá không có các vòm cửa uốn cong của rạp Ôđêông thì tôi thích những cánh đồng cỏ mênh mông ở Nam Mỹ biết bao nhiêu! Tâm hồn tôi đang bay bổng trên những thảo nguyên, những rừng nguyên thủy tận bên trời. Chao ôi! Cái gì cũng diễm lệ! Con ruồi vo ve trong ánh nắng. Mặt trời hắt hơi ra con chim đỏ lửa. Phăngtin ơi, hôn anh đi!
[59] Nguyên văn: Digesle, bộ sách luật tập hợp theo lệnh hoàng đế Giuytxtiniêng
Chàng ôm nhầm phải Phavurit.
VIII
NGỰA CHẾT HẾT CHUYỆN
Dêphin bỗng dưng kêu lên:
- Ở hiệu Êđông cơm ngon hơn ở Bôngbacđa.
- Tớ thích đến Bôngbacđa hơn - Blasơven đáp.
- Ở đó sang hơn. Phương đông hơn. Hãy nhìn phòng dưới nhà. Có gương trên tường đấy.
- Tớ thích có gương trong đĩa hơn[60] - Phavurit nói.
[60] Nguyên văn: glaces vừa có nghĩa là gương vừa có nghĩa là kem
Blasơven nhấn mạnh:
- Xem dao này. Ở Bôngbacđa cán bạc, ở Êđông cán xương. Bạc thì quý hơn xương.
- Trừ những ai có cái cằm bằng bạc - Tôlômiet chữa lại.
Lúc này chàng đang nhìn vòm mái cung Anhvalit, qua cửa sổ quán Bôngbacđa.
Một phút im lặng trong phòng:
- Này, Tôlômiet - Phamơi nói to - ban nãy tớ và Lichtôliê vừa mới tranh luận đấy.
- Tranh luận, khá đấy - Tôlômiet đáp - cãi cọ hay hơn.
- Chúng tớ tranh cãi về triết học.
- Được.
- Đêcac và Xpinôđa, cậu thích ai hơn?
- Tớ thích Đêđôgiê - Tôlômiet đáp.
Tuyên bố xong điều đó, chàng nhấp một hớp rượu rồi tiếp:
- Tớ đồng ý phải sống. Trên đời này mọi sự chưa phải đã hết bởi vì người ta còn có thể nói quấy nói quá được. Xin cám ơn các vị thần linh bất tử. Người ta nói dối đấy người ta lại cười. Người ta khẳng định nhưng người ta lại nghi hoặc. Từ kiểu tam đoạn luận bật ra những cái bất ngờ. Hay lắm. Dưới gầm trời này hãy còn có người khéo biết dùng cái bất ngờ của ngụy biện! Thưa các vị phu nhân, rượu mà các vị đang yên tĩnh nhấm nháp đây, là rượu Mađe, các vị nên biết, cái xứ sản xuất ra nó, Curanđa Frera ở cheo leo cách mặt biển những ba trăm mười bảy sải! Uống phải coi chừng! Ba trăm mười bảy sải chứ ít đâu! Và ông Bôngbacđa, nhà hàng ăn cừ khôi, lại đem cho ta ba trăm mười bảy sải ấy đổi lấy có bốn phơrăng rưỡi!
Phamơi một lần nữa ngắt ngay:
- Tôlômiet ơi, lời nói của cậu như là khuôn vàng thước ngọc cả. Vậy cậu thích nhà văn nào nhất?
- Béc...
- Canh?
- Không, Su (Berquin: nhà văn Pháp thế kỷ XVIII. Berchoux nhà thơ Pháp 1765-1839). Và Tôlômiet tiếp tục:
- Hoan hô Bôngbacđa! Ví thử ông ta làm sao mà dắt về cho tớ một vũ nữ Ai Cập hay Hy Lạp thì có thua gì các nhà hàng ăn nổi tiếng ở các xứ đó? Tớ nói thế, các vị phu nhân nhà ta có biết không? Ở các xứ ấy cũng có những ông Bôngbacđa như ở ta. Đó là theo lời Apulê. À, té ra bao giờ cũng bấy nhiêu chuyện chẳng có gì mới cả. Trong vòng tạo vật mọi cái đều cũ hết! Xalômông nói: Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời. Viêcgin nói: Tình yêu là cái chung cho mọi người (Nguyên văn Latinh). Cho nên công nhân gái thì theo sinh viên trai leo lên thuyền buồm ở Xanh Cơlu, cũng như nàng Atxpađi cùng theo Pêricơlét trên hạm đội Xamôt. Xin có một câu cuối cùng. Các vị có biết Atxpađi thế nào không? Atxpađi sống vào thời buổi mà đàn bà coi như không có tâm hồn, thế mà nàng là một tâm hồn rực rỡ, vừa hồng tươi vừa đỏ thẫm, còn nồng cháy hơn lửa, tươi mát hơn bình minh. Atxpađi là nơi gặp gỡ giữa hai cực của người đàn bà: nàng vừa là gái đĩ vừa là nữ thần. Xôcơrat cộng với Manông Lêcô. Nếu Pơrômêtê cần một gái ăn sương thì Atxpađi là người sinh ra để đóng vai ấy.
Tôlômiet đang đà thao thao, khó mà dừng lại được, nếu ngay lúc ấy một con ngựa không lăn đùng ra vệ đường. Nghe đánh sầm một cái là cỗ xe cũng như diễn giả liền đứng sững lại. Thì ra là một con ngựa cái già và gầy đến bật xương, đang kéo một chiếc xe ba gác nặng. Đến trước quán Bôngbacđa, con vật kiệt sức, không chịu bước đi nữa. Thấy lạ, một đám đông dồn lại. Người đánh xe nổi cáu, văng tục. Anh ta vừa giơ roi quật như trời giáng xuống lưng con vật, vừa nghiến răng bật ra tiếng chửi long trọng: "Con chó" thì con vật ngã quị luôn xuống đường, tắt thở. Nghe tiếng người ồn ào ngoài đường, các thính giả vui tươi của Tôlômiet bỗng ngoảnh nhìn ra ngoài. Tôlômiet nhân dịp chấm dứt bài diễn văn của mình bằng mấy vần buồn buồn sau đây:
Trăm năm trong cõi người ta
Số xe phận ngựa cũng là như nhau
Trải qua một cuộc khổ đau
Cái thân ngựa khổ sống lâu được nào!
(Nguyên văn tác giả nhại mấy câu thơ nổi tiếng của Malherbe) Phăngtin thở dài:
- Tội nghiệp con ngựa!
Đalia kêu ngay:
- Coi kìa, cái con Phăngtin này nó lại đòi thương xót cả loài ngựa! Có ai mà ngốc như thế hở trời!
Cùng lúc ấy, Phavurit vòng tay sau gáy, ngả đầu, nhìn thẳng vào Tôlômiet và nói:
- Thế nào? Còn cái món bất ngờ kia đâu?
- Chính là lúc đây. Thưa các ngài, đã đến giờ làm cho các quý nương đây ngạc nhiên. Thưa các vị phu nhân, các vị hãy vui lòng chờ chúng tôi một lát.
Blasơven nói:
- Trò này bắt đầu bằng một cái hôn.
Tôlômiet thêm:
- Trên trán.
Và mỗi chàng trai trịnh trọng hôn lên trán tình nhân mình. Xong họ nối đuôi nhau đi ra cửa, một ngón tay đặt lên môi. Thấy thế Phavurit vỗ tay:
- Chưa gì đã vui rồi đấy.
Phăngtin thỏ thẻ:
- Đừng có đi lâu nhé. Chúng em chờ các anh đấy.
IX
CUỘC VUI TÀN TRONG CẢNH VUI VẺ
Bọn con gái còn lại một mình bèn đem nhau ra cửa sổ. Cứ hai người một, họ tì tay lên bậc cửa, cúi nhòm ra ngoài và tán gẫu, nói chuyện truyền từ cửa này sang cửa kia. Họ trông thấy bọn con trai từ quán Bôngbacđa khoác tay nhau đi ra. Chúng quay lại, vẫy tay cười, rồi đi lẫn vào đám đông đầy bụi bặm của những ngày chủ nhật ở quảng trường Săng Êlidê.
Phăngtin gọi với theo:
- Đừng đi lâu đấy nhé!
Dêphin hỏi bạn:
- Không biết rồi họ mang cái gì về cho chúng ta nhỉ?
- Chắc là đẹp lắm - Đalia bảo.
Phavurit thêm:
- Tớ thì tớ muốn là một thứ đồ vàng.
Rồi họ xao lãng, vì cảnh tấp nập ở phía bờ sông, trông qua màn lá những cây lớn bên đường quá vui mắt. Lúc ấy đương là giờ khởi hành của các chuyến xe thư và hành khách. Hầu hết các xe đi về nam và về tây đều qua Săng Êlidê. Phần lớn chạy dọc bờ sông rồi theo cửa ô Patxy ra khỏi thành phố. Cứ mỗi phút, một cỗ xe lớn sơn vàng và đen chở lặc lè, ầm ầm chạy qua, hình thù méo mó xộc xệch vì mang đầy những hòm, những bọc, những va li, những đầu người thoáng hiện, thoáng khuất. Đá lát đường nát vụn dưới bánh sắt. Cỗ xe dáng giận dữ xông qua giữa đám người, như cả một cái lò bễ tóe lửa và bốc bụi lên như khói. Cảnh huyên náo làm cho các cô thích chí. Phavurit reo:
- Nghe loảng xoảng tợn nhỉ! Như từng đống xích sắt tung bay.
Có một lúc, các cô trông thấy lờ mờ qua màn lá, một chiếc xe dừng lại một thoáng rồi lại phóng lên. Phăngtin lấy làm lạ:
- Lạ chửa! Em cứ tưởng xe chuyến thì chẳng bao giờ đỗ lại.
Phavurit so vai:
- Cái con bé Phăngtin này thật là kỳ! Tao đến phải đi coi mày như một của lạ. Chẳng có cái gì là không làm cho mày ngạc nhiên. Đây nhé: tao là một hành khách; tao dặn người đánh xe: tôi đi lên trước, tôi đón anh ở đường bờ sông. Xe đi, xe trông thấy tao, xe đỗ lại cho tao lên. Ngày nào mà không có chuyện như thế! Em chẳng hiểu gì việc đời cả, em ạ.
Một lát. Bỗng Phavurit như tỉnh giấc:
- Ô này, món quà bất ngờ đâu nhỉ?
Đalia cũng nói:
- Ơ nhỉ! Cái món bất ngờ ghê gớm ấy đâu?
Phăngtin:
- Các anh ấy đi lâu thế:
Phăngtin vừa buông xong tiếng thở dài thì người hầu bàn khi nãy vào, tay cầm cái gì như là một phong thư:
Phavurit mau miệng hỏi:
- Cái gì thế?
- Các ông ấy trước khi đi có để cái giấy này lại cho các bà.
- Sao anh không đưa vào ngay?
- Vì các ông ấy dặn là phải chờ một tiếng đồng hồ rồi hãy đưa.
Phavurit giật tờ giấy trên tay người hầu bàn. Quả là một phong thư:
- Ô này! Thư không đề địa chỉ. Nhưng lại có mấy chữ:
Đây là món quà bất ngờ
Cô vội vàng bóc thư mở ra đọc (cô biết đọc):
"Hỡi các em yêu dấu!
Các em nên biết rằng các anh có cha mẹ. Nói đến cha mẹ, các em chẳng hiểu là cái gì. Dân luật giải thích ngây thơ nhưng đúng: cha mẹ là cha sinh mẹ đẻ. Ấy, cha mẹ của bọn anh đương than vãn, các ông bà già ấy đương gọi các anh về, những con người chất phác ấy mắng các anh là đồ phá gia chi tử. Các cụ mong các anh về, các cụ hứa mổ bò ăn khao. Các anh vốn là những đứa có hiếu nên phải tuân lời. Lúc các em đọc tờ giấy này cũng là lúc bốn con ngựa hăng máu đang chở bọn anh về với các cụ. Bọn anh dùng chước "thừa cơ lẻn bước ra đi" như nhà thơ đã nói. Các anh đi đây, các anh đi thẳng. Các anh tẩu bằng xe, các anh bay bằng cánh. Chuyến xe Tulu đang kéo các anh ra khỏi vực thẳm, vực thẳm ấy chính là các em, hỡi các cô bé xinh đẹp! Các anh trở về với cha mẹ, với bổn phận, với nề nếp. Các anh phóng nước đại, tốc độ ba dặm một giờ. Tổ quốc muốn rằng các anh phải như thiên hạ, nghĩa là cũng làm quận trưởng, cũng lấy vợ đẻ con, cũng làm lính tuần phòng hay bộ trưởng. Các em nên tôn thờ các anh. Các anh đã tự hy sinh đây. Các em hãy khóc các anh sơ qua một tí thôi, rồi liệu chong chóng tìm người thay chân các anh. Nếu lá thư này vò xé lòng các em thì các em vò xé trả. Thôi, vĩnh biệt nhé.
Trong ngót hai năm, các anh đã làm cho các em sung sướng. Vậy đừng nên oán thán các anh.
Ký tên: Blasơven
Phamơi
Lichtôliê
Tôlômiet
Tái bút: "Bữa cơm đã thanh toán" Bốn cô nhìn nhau.
Phavurit lên tiếng trước:
- Thế nào! Gọi là một trò hí kịch cũng phải đấy chứ!
Dêphin:
- Buồn cười thật đấy!
Phavurit lại nói:
- Đây chắc là sáng kiến của anh chàng Blasơven. Nó làm cho mình càng say mê hắn. Cứ hễ người ta đi thì mình lại đâm yêu người ta, chuyện đời là thế!
Đalia cãi:
- Không đâu. Chính là ý kiến của Tôlômiet. Khó gì mà không nhận thấy.
- Nếu vậy thì - Phavurit lại nói - đả đảo Blasơven, hoan hô Tôlômiet!
Cả lũ phá ra cười.
Phăngtin cũng cười như các bạn.
Một giờ sau, khi về đến buồng riêng, Phăngtin khóc. Đây là mối tình đầu của nàng, ta đã biết. Phăngtin đã hiến thân hoàn toàn cho Tôlômiet như đối với một người chồng và tội nghiệp, nàng đã có con.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top