Chương 2: Đêm lạnh
Hoàng Anh đưa mắt nhìn theo người đàn ông đang gò lưng đẩy chiếc xe xích lô tồi tàn chở đầy than tổ ong trong cơn mưa phùn mùa đông buốt giá, chiếc áo mưa ni lông màu xanh nhạt không che nổi tấm thân gầy gò trong bộ quân phục sờn cũ rộng thùng thình. Đôi chân ông mang giầy vải màu xanh đã bợt màu cũng được bao bởi hai chiếc túi ni lông nhưng cũng không tránh khỏi bị nước mưa làm cho ướt sũng. Đôi bàn tay đen đúa giữ chặt lấy yên xe, ông ra sức đẩy chiếc xe đầy than của mình, mỗi bước chân như dán chặt xuống mặt đường, nặng nề và đầy mỏi mệt. Hoàng Anh còn có cảm giác nhìn thấy đôi bờ vai nhỏ thó ấy run lên sau mỗi lần cất bước. Cơn mưa phùn kéo dài suốt từ sáng làm cho lòng đường xuất hiện đầy những vũng nước lớn, nhưng người đàn ông ấy cũng chẳng còn đủ sức để tránh đi, cứ thế một nhịp lại một nhịp, những bước chân đều đặn cứ chầm chậm tiến về phía trước, dẫm lên bất cứ thứ gì mà bàn chân đặt tới. Thỉnh thoảng có một chiếc xe máy hoặc vô tình, hoặc cố ý vọt nhanh qua những vũng nước đọng làm nước bẩn bắn tung tóe đầy lên người ông, nhưng ông vẫn cứ thế cặm cụi mà đi, dường như chỉ muốn nhanh chóng tới được nơi cần đến.
Hoàng Anh nhìn đồng hồ, đêm đã khuya lắm, có lẽ người đàn ông này đang trên đường trở về với gia đình của mình. Trên đôi vai ông không biết đang phải gánh bao nhiêu số phận, và không biết, những con người đó có bằng lòng với cuộc sống khó khăn của mình hay không? Nếu người đàn ông này có vợ, Hoàng Anh rất muốn hỏi bà ấy rằng bà ấy có cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống túng thiếu bên người chồng nghèo khổ của mình hay không? Bà ấy có bao giờ từng có suy nghĩ sẽ đi tìm một người đàn ông khấm khá hơn để cuộc sống của mình được dễ thở hơn chưa? Hoặc có lẽ, chỉ có đàn bà con gái thời nay mới có cái suy nghĩ thích tìm bóng cây to để dựa dẫm như thế?
Hoàng Anh không hiểu tại sao, nhưng bước chân của anh lại vô ý thức đi theo người đàn ông đó dọc con phố nhỏ, nơi mà anh thường thích đi bộ, trước đây cùng Linh Trang, bây giờ là một mình. Đó là một con phố dài, không quá sầm uất, đông đúc và có vỉa hè rất lớn. Từ nơi anh ở đi ra đây chỉ mất tầm 3 phút đi bộ mà thôi, thế nên vào các tối mùa hè, anh và Trang thường đi dọc hết phố để hóng gió, sau đó cô mới chịu để anh đưa về nhà. Mùa đông, khi anh đèo cô chạy lòng vòng ngắm phố phường, cô thường cho tay vào túi áo khoác của anh. Đôi khi cả bàn tay anh và bàn tay cô đều bỏ chung trong túi, tay cô ngọ nguậy trong tay anh, và cô kêu túi áo của anh nhỏ quá. Khi ấy Hoàng Anh thường cười đùa nói rằng, sau này mua áo anh sẽ chọn những chiếc áo có túi thật to để cả hai có thể cùng đút tay trong túi áo một cách thoải mái. Chia tay cô rồi, những buổi tối vừa đi bộ, một tay cầm điếu thuốc, một tay bỏ trong túi áo, anh mới biết, thì ra túi áo của anh cũng chẳng chật chội như anh vẫn tưởng.
Người bán than vẫn nhọc nhằn đẩy xe than trong cơn mưa đêm lạnh tê tái. Chiếc xe cũ kỹ tới mức Hoàng Anh không dám suy đoán về số tuổi đời của nó, ngay cả ở quê anh – một vùng thuần nông, cũng không thể tìm thấy một chiếc xe tồi tàn tới mức ấy từ cách đây năm năm rồi. Hoàng Anh cũng rất thắc mắc, không biết một ngày người đàn ông này bán được bao nhiêu than, và với số tiền (anh đoán là không nhiều) đó, làm sao ông ta có thể tồn tại ở cái thành phố đắt đỏ, chỉ bước chân ra khỏi nhà là đã mất tiền này? Tự đặt câu hỏi như thế, nhưng ngay sau đó anh lại cười mình dở hơi, tự nhiên lại đi quan tâm những chuyện này. Nếu không có những người bán than này, thì dân ở cái thành phố này lấy đâu ra than mà dùng? Thế mới nói, cuộc sống luôn luôn cân bằng, niềm vui của người này sẽ là nỗi buồn của người khác, hạnh phúc của người này được xây dựng trên đau khổ của người kia, như một cán cân chưa bao giờ lệch, như trái đất, nửa này sáng thì nửa còn lại sẽ chìm trong bóng tối.
Hoàng Anh vẫn khâm phục nhất là Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa, bởi dường như những gì nhà tự nhiên học danh tiếng này đề cập đến không chỉ là khoa học hữu hình mà còn đúng với mọi quy luật vô hình khác của cuộc sống. Tự nhiên luôn cân bằng, một khi sự cân bằng ấy mất đi, hoặc sinh vật sẽ tự tiến hóa, thay đổi để phù hợp với môi trường, hoặc chết đi nếu không chịu thay đổi. Cuộc sống cũng thế, hạnh phúc và bất hạnh cũng luôn cân bằng nhau, nếu những người quá hạnh phúc hoặc quá bất hạnh không biết tự điều chỉnh cuộc sống của mình, thì họ sẽ sớm bị xã hội bỏ lại sau lưng, sớm bị đào thải khỏi cuộc đời.
Đi được thêm một quãng, người đàn ông bán than dừng lại ở trước một hàng ngô nướng. Chị hàng ngô đã ngồi bán loại quà vặt này ở đây mấy năm rồi, từ bao giờ Hoàng Anh cũng không biết, chỉ nhớ từ khi anh bắt đầu biết ngồi lê la hàng quán vỉa hè với Linh Trang thì chị này đã ngồi bán ở đây, thế nên chị có cả đống khách quen, trong đó một thời cũng có anh và Trang. Hàng ngô của chị cũng đơn giản lắm, một cái ô cao che sương và mưa, một cái chậu kim loại trong chứa đầy tro và than củi cháy hồng, bên trên đặt một cái vỉ bày đầy ngô và khoai nướng thơm lừng. Mấy cái ghế nhựa con con đặt quây quanh bếp than là dành cho khách muốn ngồi ăn ngay tại đây và sưởi ấm. Trời mưa này nên ai cũng ngại ngồi lại, chỉ dừng mua dăm ba cái bắp hoặc mấy củ khoai mật là lại đi ngay. Trước đây, thỉnh thoảng Hoàng Anh cũng dừng lại mua cho Linh Trang ngô hoặc khoai để mang về ăn đêm hoặc sáng hôm sau cô có thể dùng lò vi sóng nướng lại rồi mang đi làm. Nhưng từ sau khi chia tay, Hoàng Anh chưa một lần dừng lại chỗ này nữa, kể cả có đi bộ ngang qua anh cũng muốn sải bước thật nhanh. Món quà vặt này chỉ có con gái thành thị như Linh Trang thèm ăn, chứ tuổi thơ của anh đã quá thân thuộc những thứ này rồi. Ngày trước nhà anh cũng nghèo, cũng làm nông, đi bẻ ngô, dỡ khoai là chuyện bình thường. Người thành phố coi nó là quà vặt, chứ người ở quê thì chỉ nhớ chúng đã gắn liền với những ngày đói khổ. Nhà anh cũng đã trải qua những bữa cơm độn ngô, độn khoai, ăn nhiều và ngán tới có lúc anh đã nghĩ, sau này nếu bước ra được khỏi lũy tre làng, anh thề sẽ không bao giờ ăn lại những món này nữa. Ấy rồi không ngờ sau đó anh lại yêu đúng một cô nàng mê mẩn lang thang hàng quán, có thể ăn ngô, khoai, sắn thay cơm mà không biết chán. Nhưng cũng chính vì những nét chân quê đó của Linh Trang mà anh mới yêu cô nhiều như thế, mới đau vì cô nhiều như thế.
– Cô bọc mấy cái bắp ngô này vào tờ báo giúp tôi nhé, bọc mấy lớp ấy cho nó nóng. Nhà tôi ở xa, sợ về đến nhà nó nguội mất. – Người đàn ông đưa tay vuốt nước mưa trên mặt làm một vệt than đen theo nước mưa dính lại trên gò má rám nắng. Ông cười một cách nhọc nhằn làm cho những nếp nhăn hai bên khóe mắt cũng hằn lên một cách rõ nét.
Đột nhiên anh lại nghĩ tới bố mình. Ngày trước, khi nhà anh còn khó khăn, bố cũng thường xuyên phải đội nắng đội mưa, đội cả bão bùng đi chở lúa, chở đất thuê cho người ta để nuôi ba chị em anh ăn học. Bây giờ cuộc sống khấm khá hơn, nhất là khi Hoàng Anh có thể đỡ đần được bố mẹ, tự lo cho mình, thậm chí tự bỏ tiền ra lo cho em gái học đại học, những tưởng bố mẹ sẽ được thảnh thơi thì bố anh lại phải đối mặt với tuổi già, với căn bệnh tim quái ác. Đã có lúc gia đình động viên ông đi phẫu thuật, nhưng ông sợ, ông không dám liều với mạng sống của mình ở cái tuổi này, ông càng không cam tâm khi chưa thấy tất cả con cái yên bề gia thất. Có lúc mẹ gọi điện cho anh và khóc, nói rằng nhà chỉ có một mụn con trai, anh nên lập gia đình để lỡ như bố có mệnh hệ nào thì ông cũng an lòng ra đi. Mỗi lần như thế, Hoàng Anh càng cảm thấy giận Trang. Nếu cô không làm anh yêu cô nhiều như thế, lại không làm anh đau nhiều như thế, có lẽ anh đã có thể quên cô từ lâu, hoặc giả không thể quên nhưng vẫn đủ mạnh mẽ để tìm một người con dâu khác cho bố mẹ. Anh có thể không yêu vợ mình bằng trái tim, nhưng anh vẫn còn lý trí, đằng này, Linh Trang không chỉ chiếm cứ trái tim anh mà còn ở lì trong mọi ngóc ngách tâm trí anh. Anh ăn, anh ngủ, anh làm việc, cô chiếm cứ hoàn toàn mọi thời gian trong ngày của anh.
Anh yêu cô sâu sắc đến mức, ngay cả ép mình quen một cô gái khác Hoàng Anh cũng không thể làm được.
Hoàng Anh tự cười nhạt một cái. Hình như bất kỳ chuyện gì anh cũng có thể liên tưởng đến người ấy được. Có lẽ đúng như Hạnh từng nói, anh bị bệnh nặng quá rồi!
Hạnh – con gái của chủ tịch NASSCO, đồng thời cũng là bạn thân của anh, giống như Huy. Nhiều người đã từng nghi ngờ năng lực của Hoàng Anh, cho rằng anh vào được NASSCO và trèo lên được vị trí như hiện tại là nhờ vào mối quan hệ với con gái của chủ tịch. Nhưng ít ai biết rằng, anh và Hạnh là bạn học chung trường Đại học, cùng khóa, cùng ngành, chỉ khác lớp. Anh không hề biết được gia thế của Hạnh cho tới sau khi anh thăng chức, một lần, chủ tịch có tổ chức một bữa tiệc tại gia và mời anh tới dự. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hạnh đã đi du học và lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài, vì vậy nên khi gặp lại nhau, cả anh và cô đều khá sửng sốt. Lúc ấy Hoàng Anh vừa chia tay Trang nên anh rất hay chán nản, thường bỏ lên bar uống rượu mỗi tối, còn Hạnh thì đã hòa nhập với cuộc sống phương Tây nhiều năm nên cô đi bar như nhiều người đàn ông Việt đều đặn đi uống cafe sáng vậy. Hai người dần thân với nhau từ đấy, nhưng tuyệt nhiên không phải là tình cảm nam nữ như vài người thích đưa chuyện trong công ty vẫn ì xèo. Anh coi Hạnh như một thằng bạn thân, giống với Huy, giống với tất cả những thằng bạn khác mà anh chơi cùng.
Ban đầu, Hoàng Anh cũng từng xuất hiện ý nghĩ sẽ thử tiến xa hơn với Hạnh, dù sao thì cô cũng là người anh đã quen từ lâu, lại có thể hỗ trợ nhiều cho anh trên con đường sự nghiệp. Nhưng ý nghĩ đó lập tức bị Hạnh phũ phàng vùi dập khi cô dõng dạc tuyên bố với anh, cô là les. Phải, L-E-S! Cô chỉ thích các cô gái và hoàn toàn không có một tí tình cảm nào ngoài tình bạn bè với anh hay bất kỳ người đàn ông nào khác. Hoàng Anh biết Hạnh không nói dối, ngay cả cách sống như một người đàn ông của cô cũng đã chứng minh điều đó. Hạnh rất xinh, từ khi học đại học cô đã để tóc tém, luôn mặc đồ bụi bặm đầy cá tính, thích đi giày thể thao và đeo đồng hồ nam. Thế nhưng cô gái cá tính trong mắt vô số con trai ấy lại chưa bao giờ nhận lời yêu bất kỳ một anh chàng nào. Khi ấy ai cũng nghĩ Hạnh muốn tập trung cho việc học, nhưng cho đến bây giờ thì Hoàng Anh mới hiểu lý do cô không bao giờ nhận lời tỏ tình của bọn con trai là vì cô không có hứng thú yêu đương với đám đàn ông chuẩn men như bọn anh. Thỉnh thoảng đi bar, khi nhìn Hạnh uống rượu và hút thuốc, Hoàng Anh lại nghĩ cuộc đời thật sự đang chơi mình. Cô gái duy nhất mà anh có ý định muốn tiến xa hơn thì nàng lại chỉ có hứng thú với những cô nàng khác.
– Chú không ăn ngay sao? – Tiếng chị bán ngô kéo Hoàng Anh trở về với thực tại. Anh cụp ô, ngồi xuống một cái ghế nhựa, lên tiếng gọi một cái bắp ngô nướng.
– Tôi mua về cho thằng út nhà tôi cô ạ, nó đang ôn thi đại học nên cần ăn khuya, chứ tôi ăn tối lâu rồi. Tôi chỉ ngồi nhờ cô một tí thôi! Mấy nay mưa quá! Bực thật! Nay cô bán hàng khá không? – Người đàn ông cũng kéo ghế ngồi xuống, nhưng dường như sợ sự ướt át của mình làm ảnh hưởng tới nơi bán hàng khô ráo này nên ông ngồi tít ngoài rìa. Nước mưa hắt đầy trên mái tóc đã trắng nửa đầu của ông.
– Vâng, mưa nên khách cũng ngại ghé ăn lắm chú ạ, cháu ngồi từ 4h chiều tới giờ mà vẫn còn nửa bao ngô với khoai đây này. Chú ngồi gần lại đi cho ấm. Sao mưa thế này mà chú vẫn đi giao than vậy?- Chị bán hàng đáp một cách ngán ngẩm.
– Đáng lẽ tôi cũng về lâu rồi, mà nghĩ tới con đang chuẩn bị ôn thi đại học nên cũng muốn cố thêm một tí, gọi là kiếm cho cháu nó gói mì ăn đêm! – Người đàn ông cười hồn hậu.
– Ngô nướng của chú đây, cháu gói kĩ lắm rồi đấy. Chú ăn thêm củ khoai đi cho ấm người này.
– Thôi cô ạ, tôi no rồi. Hồi tối ngồi nghỉ bên vỉa hè, tự nhiên có mấy cô sinh viên mặc áo tình nguyện tới đưa cho tôi gói xôi nóng với tặng tôi cái áo khoác gió. Xôi thì tôi ăn rồi, còn cái áo thì tôi mang về cho thằng con tôi mặc đi học. Chứ tôi già rồi, cần gì áo mới.
– Chú cứ ăn đi, cháu không lấy thêm tiền đâu mà lo. Có gói xôi thì làm sao mà no được. – Chị bán hàng kiên quyết dúi củ khoai nóng vào trong tay người đàn ông, sau đó mới đưa cho Hoàng Anh bắp ngô nướng mà anh đợi từ nãy tới giờ.
Dường như nhận ra anh, chị cười cười:
– Lâu lắm không thấy vợ chồng cô chú này ra ăn hàng cho chị nhỉ? Chị cứ tưởng vợ chồng em chuyển nhà rồi nên mới không đi bộ thể dục qua đây nữa.
Hoàng Anh gượng cười, cũng không muốn cất lời giải thích, nhưng mấy hạt ngô ngọt trong miệng anh cứ mãi khô khốc, không tài nào nuốt trôi được.
– Mấy đứa sinh viên tình nguyện tốt thật nhỉ? Tự nhiên lại tặng cho tôi xôi và áo khoác gió. Trước đây tôi cứ nghĩ chỉ có dân mình ở mấy vùng cao mới được sinh viên tình nguyện tới giúp thôi chứ?
– Từ chiều tới giờ cháu cũng thấy mấy đứa mặc áo xanh chạy xe qua lại, chắc là bọn nó đang có chương trình gì đấy cũng nên. – Chị bán hàng cũng đáp chuyện.
– Sau này con tôi vào đại học rồi, tôi cũng khuyến khích nó tham gia tình nguyện mới được. – Người đàn ông nói đầy ước ao, ánh mắt ông lấp lánh một niềm tin yêu khi nghĩ tới con mình.
– Chú nghĩ đúng đấy. Phải cho con cái tham gia các hoạt động xã hội thì chúng nó mới năng động và dày dạn con người được. Chứ cứ suốt ngày ru rú trong nhà làm bạn với mấy cái máy tính, điện thoại, chẳng sớm thì muộn cũng phát điên chú ạ!
Người đàn ông gật gù, nói chuyện thêm mấy câu liền móc trong túi ra mấy đồng tiền lẻ nhàu nhĩ, đếm đủ rồi đưa cho chị bán hàng, sau đó lại tất tả rời đi cùng với chiếc xe chở than tồi tàn của mình.
Hoàng Anh ngẩng đầu nhìn theo cho tới tận khi nghe chị bán ngô bắt chuyện với mình:
– Thế cô nhà đâu mà hôm nay chú đi có một mình thế?
Hoàng Anh hơi ngẩn ra, sau đó cười cười:
– Cô ấy đang bận lắm chị ạ, chỉ có em là rảnh và nhớ tới chị thôi.
– Chú này khéo nịnh nhỉ, thế cô chú có mấy cháu rồi?
– Bọn em chưa tính tới chuyện có con!
– Ôi dào, tính với chả không tính làm gì, đẻ được thì cứ đẻ thôi. Chỗ tôi á, có mấy đôi ấy, cưới nhau rồi cứ thích làm vợ chồng son, cứ nín rồi nín mãi, giờ thì nhịn hẳn luôn, mong mãi không được đứa con nào. Xong quay ra lục đục bỏ nhau…
– Cuộc sống còn nhiều cái phải lo mà chị, đẻ con ra rồi không lo được cho nó lại thành ra mình có tội với con.
– Trời sinh voi, trời sinh cỏ cơ mà… Ăn ngô, ăn khoai gì không em? – Đang nói dở câu chuyện với Hoàng Anh, thấy có một đôi dừng lại trước hàng của mình, chị lại quay ra mời chào.
Hoàng Anh lẳng lặng vứt cái lõi ngô nham nhở vào đống vỏ ngô, lõi ngô gần đấy, rút tiền trả, chào chị bán ngô và trở về nhà.
Nhiệt độ càng về đêm càng giảm. Đợt rét đậm cũ vừa qua được mấy ngày, đợt rét mới đã ùn ùn đổ về. Cả Hà Nội chìm trong màn mưa giăng mù mịt, thê lương, buồn tẻ. Căn hộ của Hoàng Anh ở tít trên tầng 21, vào những ngày mùa đông trời u ám, từ dưới nhìn lên sẽ thấy nửa trên tòa chung cư chìm trong mây, mưa và sương mù. Hoàng Anh thích ở trên cao, bởi từ balcon nhìn xuống Hà Nội vào ban đêm sẽ có một cảm giác hoàn toàn khác, giống như thành phố này chưa từng có tiếng ồn, chưa từng có khói bụi, chưa từng có người xe đông đúc… Chỉ có một Hà Nội lộng lẫy, cao quý, mang theo cái hào khí thiêng liêng khiến ta phải nghiêng người kính cẩn.
Con đường rẽ về khu chung cư vắng vẻ tới nhàm chán. Nếu trời không mưa, sẽ có rất nhiều người đi bộ trên vỉa hè để thể dục, nhưng hôm nay thì chỉ có lác đác vài người đang cố bước thật nhanh xuyên qua cơn mưa ngày càng nặng hạt.
Một chiếc xe máy chạy chầm chậm ngược qua mang theo tiếng cười giòn tan của hai cô gái làm Hoàng Anh không thể không đưa mắt nhìn về phía họ. Dù họ mặc áo mưa đôi kín mít, nhưng gương mặt tươi sáng cùng với nụ cười rạng rỡ của cả hai đều rơi trọn vào đáy mắt anh. Hoàng Anh sửng sốt đứng ngay lại, thậm chí khi chiếc xe máy vụt qua, anh còn ngoái đầu nhìn theo. Cả hai gương mặt đều quen đối với anh. Nhưng anh cũng không dám chắc mình có nhìn nhầm hay không, bởi anh không nghĩ là hai người này quen nhau. Cô gái lái xe là Uyên, em gái của Huy, hiển nhiên là rất quen thuộc rồi. Còn cô gái ngồi sau, nếu anh không nhận nhầm người thì chính là Thạch Thảo, cô gái làm ở công ty dịch vụ cho thuê người yêu, người mà anh đã có hợp đồng thuê đi cùng mình tới dự đám cưới của Trang ba ngày sau. Anh dự định sẽ gọi hẹn gặp cô trước một ngày để đưa cho cô chiếc váy mà anh muốn cô mặc khi đi dự tiệc. Chiếc váy màu trắng trước đây anh đặt mua cho Trang, định tặng cô và muốn cô mặc nó vào ngày anh cầu hôn cô. Thế nhưng mọi chuyện chưa thực hiện được thì hai người chia tay, và chiếc váy, không hiểu sao vẫn còn nằm dưới đáy tủ của Hoàng Anh tới tận bây giờ. Trước đây, tất cả những đồ đôi của anh và Trang ở nhà anh đều đã bị anh đóng thùng và đem ra ngoài bãi rác. Anh không muốn bất kỳ sự tồn tại nào có liên quan tới cô còn tồn tại trong nhà mình, ấy vậy mà cuối cùng anh lại bỏ qua chiếc váy.
Hoàng Anh phải thừa nhận nước da trắng ngần của Thạch Thảo, đôi mắt hơi u buồn và vẻ già dặn của cô hợp với màu tím hơn, nhưng anh vẫn tin cô sẽ rất đẹp trong chiếc váy vốn là dành cho Trang kia. Chiếc váy dài qua gối, trễ vai, may bằng lụa màu trắng, tay áo may bằng vải ren cao cấp, một bông hoa cài lớn bằng lụa đồng màu ở bên ngực trái. Chiếc váy được thiết kế tương đối đơn giản, nhưng giá của nó cũng không hề rẻ một chút nào.
Cái khiến anh không dám chắc đó là việc Uyên và Thạch Thảo quen nhau. Uyên học ở trường Mỹ thuật công nghiệp, có vài người bạn rất thân, đã vài lần Uyên ngỏ ý mời anh đi gặp những người bạn đó nhưng anh đều từ chối. Anh cảm thấy vị trí của mình không phù hợp để đi với Uyên tới gặp những người kia. Hoàng Anh chợt nhớ ra, nếu đúng như Thạch Thảo từng nói, thì thật sự cô và Uyên bằng tuổi nhau. Nếu là như thế thì chuyện họ quen biết nhau cũng không hẳn là điều không thể xảy ra.
Vì trái đất này vốn tròn.
Vì Hà Nội này rất nhỏ, đi quanh quanh một hồi kiểu gì cũng sẽ gặp được nhau.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top