Thay Lời Giới Thiệu
Nhớ Nguyên Hồng
Tô Hoài
Tôi muốn giới thiệu với bạn đọc về nhà văn Nguyên Hồng, mà không biết nên bắt đầu từ đâu. Ở sách giáo khoa, từ trung học đến đại học, học sinh các lứa tuổi đã học những đoạn trích giảng của Nguyên Hồng. Có những ai lơ đễnh, ít chú ý đến văn học, nhất định cũng đã học văn và biết lí lịch Nguyên Hồng.
Tôi bạn với Nguyên Hồng, mấy chục năm đã qua. Nhiều khi, đối với người thân, lại không hay chú ý nhau như thế nào. Cũng như lắm khi hay đến nhà, đến luôn, lại nhãng không để ý số nhà.
Có điều, có thể nói ngay là, nếu như những năm trước, nhiều lớp bạn đọc khác nhau của Nguyên Hồng, ai đã tình cờ gặp nhà văn - dẫu cho bạn có thói quen nhận xét tinh tế đến thế nào, cũng không thể ngờ ngợ một chút - một chút thôi, người vừa gặp ấy lại là một nhà văn. Không thể có một nét, một nét để ta bám lấy cớ cho nhận xét của ta, dù chỉ một nhận xét thoáng qua. Bở ít ra, trong tưởng tượng mơ màng và sáng trong của bạn đọc, nhà văn ấy nhiều từng trải, khi còn ít tuổi đã viết hồi kí Những ngày thơ ấu hay cực, nhà văn ấy đã lặn lội xông pha khắp nơi, ở mặt trận và trong hầm lò. Và bất kể người như thế nào, trước trang bản thảo, theo cách nghĩ của bạn đọc, hình ảnh nhà văn phải liên quan đến bóng dáng bút mực, trang giấy, tập sách, vói nét hằn những ưu tư, vừa đăm chiêu lại vừa thơ mộng, vân vân…
Đừng ai đợi như thế ở Nguyên Hồng…
Tưởng tượng như thế, không bao giờ trong thấy Nguyên Hồng.
Lần ấy, trong kháng chiến chống Pháp, ở một hàng cơm dọc đường, quăng Ba Giăng gần tới Đại Từ, đường đi thị xã Thái Nguyên trên Việt Bắc. Sáng ra, theo thói quen của phố kháng chiến, vách nứa, mái nứa ghép dựa vào nhau, lèo tèo, vừa bảnh mắt, nhà nào cũng đã dọn đồ đạc giấu vào bụi cây. Để tránh máy bay.
Thế mà trong góc cái giường giát nứa lạch cạch ở gian trong vẫn còn có một khách trọ nằm co quắp, run rẩy, rên rỉ. Khốn khổ, người đi đường ấy đang lên cơn bệnh sốt rét. Một người khách khác cũng nghĩ đêm ở nhà hàng đang soạn ba lô, sắp bước ra cửa. Bỗng ngừng lại nhìn sang giường có tiếng tên trong bóng tối âm xâm.
- Anh làm sao thế? Sốt ngã nước à?
- Hừ... hừ...
- Tiêm nhé. Ki-nô-phoóc* mạnh đấy. Nhưng mà dậy đi được ngay.
Người khách sốt sắng nọ hối nhà hàng lấy nồi đun nước luộc kim. Rồi trèo vào chỗ người ốm nằm, tiêm luôn.
Cái người tốt bụng ấy là nhà văn Nguyên Hồng.
Chúng tôi đã thuộc tính Nguyên Hồng, cạnh chiếc ba-lô con cóc trên lưng, trong cặp đúp* da bò nâu xỉn giữ gìn từ ngày trước cách mạng vẫn được tha đi bất cứ đâu, Nguyên Hồng xếp chồng bản thảo, lại còn lỉnh kỉnh những hộp tiêm, kim tiêm, nhiều thứ thuốc tiêm, thuốc uống, thứ cho không, thứ bán, phân minh. Ai nhờ tiêm, Nguyên Hồng tiêm ngay. Lại còn hỏi bệnh, đoán bệnh và bảo người ta phải để mình tiêm. Như một thầy thuốc, một y tá thực thụ.
Như thế, nhà văn đi đường lẫn vào đám đông. Cái quần nâu,tấm áo cánh mô hôi đã bạc cả hai vai, mũ lá cọ, đôi dép lốp chẳng khác chút nào với màu sắc, dáng nét những người đi chợ, người nghỉ quán hàng, người trên đường
____________
1- Một thứ thuốc chữa sốt rét.
2- Cặp hai ngăn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top