8. Lần đầu tập múa
[Ngày xưa, người con gái được xem là vẹn toàn không chỉ cần dung mạo đoan trang, mà còn phải hội tụ đủ bốn tài năng: cầm, kỳ, thi, hoạ. Những người con gái như thế tựa như viên ngọc quý, hàng triệu người mới sản sinh ra được một người.
Từ nhỏ, tôi chỉ biết, khi người con gái lớn lên, chỉ cần học giỏi, kiếm thật nhiều tiền, như thế sẽ được cha mẹ hài lòng. Nhưng sau khi trải nghiệm nhiều, mới có thể thấy rằng, có những người sinh ra đã là một người hoàn hảo, cho dù có cố gắng đi bao nhiêu cũng không thể sánh bằng.]
Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống trường vang lên, báo hiệu kết thúc tiết học Giáo dục công dân. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng xong. Cô giáo dặn dò cả lớp lần cuối về việc ôn kỹ những phần trong đề cương, chỉ vỏn vẹn một mặt giấy. Tôi lơ đãng dùng bút màu tô sáng những ý chính, trong khi nhỏ Huyền từ phía sau ghé vào tai tôi thì thầm: "Ra cổng trường làm hộp nui xào không mày?"
Nghe đến nui xào thịt bò, tôi tỉnh hẳn. Đó là món khoái khẩu của tôi khi còn học ở Đà Lạt, đến mức tôi có thể ăn nó mỗi ngày mà không hề thấy ngán.
"Chắc chắn rồi!" Tôi đáp.
Cô giáo chào lớp, tôi với Huyền nhanh chóng dọn đồ đạc, chuẩn bị ra về. Ngọc đứng lên, giọng lanh lảnh: "Bạn nào trong nhóm văn nghệ thì ở lại lớp tập chút nha. Nhờ các bạn nam ở lại dọn phụ bàn ghế giúp mình với." Nói rồi, nhiều bạn nam xung phong ở lại khiêng bàn ghế đặt vào sát tường, chừa lại khoảng không ở giữa rộng thênh thang, vừa đủ để tập văn nghệ. Lớp chúng tôi không chọn tập dưới sân trường mà chọn tập trong lớp, vì đây là thông tin mật.
Ngọc bước tới chỗ chúng tôi, hỏi: "Hai bà định ăn gì đó?"
"Tụi tớ tính ra cổng trường mua nui xào. Đi chung không?" Huyền rủ rê.
Thế là cả ba cùng nhau rảo bước ra cổng trường. Trường giờ đã vắng hơn, chỉ còn lác đác vài học sinh. Chúng tôi mua mỗi người một hộp nui xào rồi kéo nhau xuống ngồi ở ghế đá dưới sân trường. Mở hộp ra, mùi thơm của nui xào thịt bò bay lên nức mũi, làm bụng tôi cồn cào hơn bao giờ hết. Chỉ 3.000 đồng một hộp mà đầy ắp nui và thịt bò, đúng là quá rẻ so với chất lượng.
"Trang ơi, mày có biết chơi banh đũa không? Tao thấy con nhỏ Hân chơi giỏi lắm, mà tao quăng trái banh lên toàn bị rớt đũa thôi." Huyền vừa nhai vừa kể, giọng đầy vẻ thán phục.
Giờ ra chơi, nhỏ Huyền hay tham gia mấy trò chơi mà tụi con gái hay chơi như đánh sỏi, chuyền banh hay nhảy dây. Trò banh đũa đòi hỏi sự khéo léo, vì phải vừa chụp banh vừa gom đũa, ai làm được mới thắng. Hồi ở Đà Lạt, ông ngoại có dạy tôi chơi trò này, và tôi chơi cũng không tệ, hầu như lần nào cũng thắng ông. Nhưng bây giờ tôi thấy tới lúc phải xuống núi truyền nghề.
"Tao hồi nhỏ được ông ngoại dạy chơi trò này. Để tao chỉ mày vài mẹo là sẽ thắng được con Hân thôi."
Mắt Huyền sáng rỡ: "Thiệt hả? Tao mà thắng con Hân chắc nó ngạc nhiên lắm. Mà sao mày ở Đà Lạt với ông ngoại mà không kể tao nghe?"
Ngọc cũng tò mò, đôi mắt to tròn chớp chớp, như mong chờ một câu chuyện từ tôi. Tôi bắt đầu kể sơ qua về thời gian sống với ông ngoại ở Đà Lạt, những ngày tháng vui buồn ở đó. Nhưng có một điều tôi giữ riêng cho mình – anh Tùng. Anh là một kỷ niệm đặc biệt, tôi không muốn chia sẻ với ai, chỉ muốn giữ mãi trong lòng.
Ngọc nghe tới đoạn tôi đọc tiểu thuyết, bất ngờ nói: "Cậu cũng thích đọc tiểu thuyết của Kim Dung hả? Tớ mê nhất là Lệnh Hồ Xung trong 'Tiếu Ngạo Giang Hồ'."
Tôi không ngờ, một người nhẹ nhàng như Ngọc cũng rất thích tiểu thuyết kiếm hiệp. Ngọc làm tôi nhớ ra, ông ngoại cũng thích Lệnh Hồ Xung. Ông ngoại thích nhân vật này không chỉ vì võ công cao mà còn vì tấm lòng trượng nghĩa của anh. Lệnh Hồ Xung là một người tự do, không bị ràng buộc bởi quy tắc nào, luôn đứng về phía kẻ yếu, sẵn sàng đối đầu với những thế lực mạnh mẽ. Kim Dung từng viết: "Thị phi chỉ vì cố xuất ngôn, phiền não chỉ bởi cố xuất đầu." Câu nói ấy như một lời nhắc nhở rằng, những tranh cãi thị phi thường do nói quá nhiều mà ra, còn phiền não trong đời hầu hết là do con người cố tình nổi bật mà tự chuốc lấy.
Quay về thực tại, tôi thấy mình thật may mắn khi tìm được một người có cùng sở thích. Ngọc và tôi bắt đầu lạc vào thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, từ những câu chuyện về nữ kiếm sĩ vô song trong Việt Nữ Kiếm đến ân oán lâu đời của 4 nhà họ Hồ, Miêu, Phạm, Điền trong Tuyết Sơn Phi Hồ.
Nhỏ Huyền bỗng dưng cảm thấy mình như bị lạc khỏi cuộc trò chuyện, liền lên tiếng cắt ngang: "Hai đứa bây nói gì mà tao không hiểu gì hết trơn!" Ngọc cười tươi: "Huyền có muốn đọc thử không? Mai tớ đem quyển 'Tiếu Ngạo Giang Hồ' cho cậu đọc nhé."
Huyền mừng rỡ, và thế là hội mê truyện Kim Dung của chúng tôi lại có thêm một thành viên mới.
***
Cô chủ nhiệm không biết đã đến từ lúc nào, cả lớp nhanh chóng im lặng và tập trung đầy đủ. Hôm nay cô mặc áo dài trắng, hoa văn bông hoa sen được thêu trên tà áo. Cô cầm trong tay một chiếc quạt giấy và bắt đầu hướng dẫn chúng tôi bài múa "Bèo dạt mây trôi."
Mọi người đều chăm chú dõi theo từng cử động của cô, từ cách mở quạt nhẹ nhàng đến những bước chân chậm rãi như nước chảy. Áo dài trắng của cô phấp phới theo từng nhịp điệu, tạo nên một khung cảnh thật đẹp, vừa thanh thoát lại vừa dịu dàng. Cô kết thúc bài múa với một nụ cười nhẹ nhàng, rồi quay sang hỏi cả lớp:
"Có ai muốn xung phong múa lại bài này cho cô và các bạn cùng xem không?"
Cả lớp im phăng phắc, không ai dám lên tiếng. Giữa bầu không khí yên tĩnh ấy, chỉ có cánh tay của Ngọc nhẹ nhàng giơ lên. Tôi nhìn Ngọc thầm ngưỡng mộ.
"Em có thể múa một bài cho cô và các bạn cùng xem được không?" Cô chủ nhiệm mỉm cười, đôi mắt ánh lên vẻ kỳ vọng.
Ngọc khẽ gật đầu, "Dạ, để em thử ạ." Nói rồi, Ngọc bước lên phía trước, cầm lấy chiếc quạt giấy mà cô vừa sử dụng. Chiếc quạt ấy thật đơn sơ nhưng lại mang một nét đẹp rất riêng, với bức tranh thủy mặc về khung cảnh làng quê Việt Nam được vẽ tinh tế trên đó. Tôi lặng lẽ quan sát, trong lòng không khỏi tò mò về tài năng của Ngọc.
Tiếng nhạc "Bèo dạt mây trôi" bắt đầu vang lên, và Ngọc bắt đầu múa. Tôi không thể rời mắt khỏi bạn ấy. Những động tác của Ngọc mượt mà, nhẹ nhàng như cánh bướm lượn giữa đồng hoa. Chiếc quạt trong tay bạn ấy mở ra rồi khép lại theo từng nhịp điệu của bài hát, khi thì như cánh hoa nở rộ, lúc lại như cánh chim đang đậu. Bước chân của Ngọc mềm mại, linh hoạt, mỗi cử chỉ đều hài hòa với nhịp điệu của bài hát, khiến cho bài múa trở nên sống động, như một bức tranh tuyệt đẹp đang chuyển động trước mắt tôi.
Khi bài hát kết thúc, Ngọc khép quạt lại, cúi chào một cách dịu dàng. Không gian như lắng đọng trong vài giây trước khi cả lớp bùng lên những tràng pháo tay tán thưởng. Cô chủ nhiệm mỉm cười hài lòng, ánh mắt ngập tràn sự ngưỡng mộ dành cho Ngọc. Còn tôi, đứng im không rời mắt khỏi Ngọc giây nào, lòng thầm ngưỡng mộ trước tài năng của bạn ấy.
Điệu múa của Ngọc, tưởng chừng như đơn giản, lại khiến tôi phải lặng người trước sự bay bổng của nó.
Tế bào âm nhạc trong tôi bắt đầu hoạt động, nó nhớ lại từng động tác mà cô múa, cứ chuyển động nhẹ nhàng theo từng động tác. Chẳng mấy chốc mà xong bài múa, nhỏ Huyền tập kế bên có vẻ hơi chật vật đoạn mở đầu, quay sang nhìn tôi ghen tị:
"Sao mày tập lẹ dữ vậy, mày biết múa đúng không? Tư thế này không phải dân mới tập rồi." Huyền khoanh tay giận dỗi, tôi nhìn bộ dạng của Huyền mà không nhịn được cười.
"Chả biết, tao cứ nhớ nhớ rồi múa theo."
"Ồ!!!" Huyền bất ngờ kêu lên, đánh yêu tôi một cái, " Dạy lại tao đi chứ tao sắp khùng tới nơi!"
Tôi cười, bạn tốt thì luôn khó kiếm, đặc biệt là người như Huyền. Tôi quay sang nhìn, thấy Ngọc đang hướng dẫn động tác cho các bạn nữ khác. Vậy thì Huyền sẽ là đứa học trò duy nhất của cô giáo Trang.
Mãi tập trung, chả mấy chốc cũng tới giờ về, ai nấy người cũng mệt lả, mồ hôi mồ kê ướt như tắm. Tôi đang dọn đồ chuẩn bị lấy cái cặp thì nghe tiếng ai gọi, "Ngọc ơi, bà xong rồi hả?"
Thắng đang đứng ở trước cửa lớp, lưng tựa vào tường, tay khoanh trước ngực nhìn vào lớp tôi. Phong thái của cậu ta vẫn là cái gì đó khác biệt, áo thì nửa trong nửa ngoài, cái khăn quàng đỏ trên cổ áo đã cất vào từ lúc nào. Bình thường tan học thì không có ai kiểm tra mấy chuyện tác phong này, nhưng nếu xui gặp phải ông giám thị "Hít le" đó thì khả năng cao sẽ bị phạt viết bảng kiểm điểm.
Mà Thắng đã đứng đây từ lúc nào? Cậu ta có xem tôi múa không? Tôi tự hỏi nhưng rồi cũng nhanh chóng có câu trả lời. Thắng tìm Ngọc.
Cậu ta bước vào lớp, như thấy điều gì, quay mặt sang tôi hỏi, "Ủa, Trang cũng tập văn nghệ hả?" Tôi ngại ngùng, cúi đầu xuống đất, gật gật nhẹ không nói gì.
Ngọc thì chẳng thèm để tâm đến lời của Thắng, cứ thế mà ung dung bước đi ra khỏi cửa. Thắng tính nắm lấy tay của Ngọc, nhưng bất thành. Cậu ta như người như mất hồn, đứng như trời trồng.
Chuyện gì đang xảy ra thế này? Mất một lúc tôi mới chợt nhận ra mình cần phải tìm ai giải đáp thắc mắc này được.
Nói chuyện không thành, cậu ta bỏ đi, lướt ngang qua mặt tôi mà không để tâm đến một lần.
***
Ly chè Thái trước mặt tôi đã bắt đầu tan đá, những giọt nước nhỏ xuống từ từ, hòa vào lớp nước mát lạnh phía dưới. Tôi và nhỏ Huyền đang ngồi ở quán chè quen thuộc gần nhà. Quán này nổi tiếng với dân Sài Gòn, tụi học sinh hay ghé vào ăn lắm. Chè ở đây ngon thật, ngọt nhẹ chứ không gắt, thạch thì giòn và dai, ăn vào đã miệng vô cùng.
"Ê, mày thấy nhỏ Ngọc có hơi bơ Thắng không?" Huyền vừa nhai viên thạch, vừa lẩm bẩm. Nhìn thái độ của nhỏ, tôi đoán Huyền không vui lắm vì cách hành xử của Ngọc lúc nãy.
"Tao cũng không rõ lắm." Đương nhiên là tôi không thể biết mấy việc này, tôi còn đang chờ nó giải đáp.
Bởi rằng trong não tôi lúc này đang chia ra thành hai vị thần tối cao. Một là bên là tôi thích Thắng. Bên còn lại thì không thích. Bản thân cứ thế mà rơi vào vòng luẩn quẩn đó, nửa muốn đi, nửa thì không muốn.
"Còn mày, mày có thích Thắng không?"
Câu hỏi bất ngờ khiến tôi bối rối, hệt như nó đang đọc được tâm trí của tôi.
Nó hỏi khó thật. Bây giờ hỏi tôi về một bài Toán, hay một câu đố, tôi sẽ trả lời ngay. Cơ mà câu hỏi này còn khó hơn cả câu đố.
Rốt cuộc, tôi có thích Thắng không?
Tình cảm chính là một bài toán, và hai biến số lại là hai người yêu nhau, còn kết quả tình yêu ấy thì nằm sau dấu bằng. Nhưng với tôi, dù có dùng bất cứ phép tính nào thì sau bằng vẫn là không.
"Tao không biết nữa, chỉ biết là mỗi lần đứng trước mặt Thắng, tao không dám nhìn thẳng vào mắt của nó." Tôi cảm thấy nóng bừng cả mặt, cúi xuống để giấu đi sự ngượng ngùng.
Huyền cười khúc khích, rồi ôm lấy hai má tôi, nâng lên nhìn kỹ. "Mày thích Thắng rồi đúng không?"
Tôi xấu hổ quá, chỉ biết gật nhẹ. Huyền vỗ vai tôi, giọng đầy phấn khích: "Để tao làm quân sư cho. Bà nguyệt này sẽ mai mối, se tơ cho mày!"
"Mày mà nói nữa là tao không thèm chơi với mày đâu!" Tôi quay mặt đi chỗ khác, nhưng không nhịn được cười.
Hai đứa chúng tôi cứ thế nói chuyện rôm rả, cười đùa không ngớt. Trời dần chuyển sang màu xanh đen, báo hiệu một buổi tối tĩnh mịch đang dần buông xuống. Trước khi về, tôi hứa với Huyền sẽ đưa nó quyển "Anh em Hồ lô" mà tôi vừa mượn từ tiệm sách cũ. Nhỏ Huyền chở tôi về nhà, trên con đường đã bắt đầu thưa thớt bóng người.
Vừa bước vào nhà, tôi thấy ba mẹ đã về và đang chuẩn bị bữa tối. Mẹ nhìn tôi, vẻ tò mò: "Hôm nay sao con về trễ vậy?"
"Dạ, con có tập văn nghệ với lớp ạ."
Mẹ nghe vậy thì cau mày: "Học hành không lo, cứ tập với chả nhảy."
"Không sao đâu bà ơi, nó còn nhỏ, để nó tập văn nghệ đi." Ba lên tiếng bênh vực, rồi quay sang xoa đầu tôi, cười: "Có gì bữa đó ba xin nghỉ một bữa đi coi con múa."
Nghe ba nói, tôi vui hơn hẳn. Ba hiểu tôi nhất. Tôi đã quen với tính cách của mẹ rồi, nên không để trong lòng làm gì.
"Em cũng muốn xem chị múa như nào, chị múa bài gì thế?" Trọng tò mò hỏi, đôi mắt sáng lên như chờ đợi câu trả lời.
"Chị mày sẽ múa 'Bèo dạt mây trôi' đấy, lúc đó nhớ mà chống mắt lên xem nhé!"
Trọng bật cười, hạt cơm trong miệng phun ra tứ tung, văng vào tay mẹ. Mẹ nhăn mặt, mắng lớn: "Trời ơi, cái thằng quỷ này, làm cái trò gì vậy!"
"Dạ con không nhịn được cười thôi mà mẹ. Mà sao chị dạo này hăng hái xung phong múa thế, có bao giờ thấy chị múa đâu!"
"Để rồi xem, chị mày cái gì cũng biết làm." Tôi vỗ ngực tự hào, cố làm vẻ mặt thật nghiêm túc.
Mẹ nghe vậy, liền chêm thêm một câu: "Trừ việc học."
Cả nhà ai nấy cũng đều ăn xong bữa tối. Tôi lên giường nằm, vắt tay lên trán, lòng ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ về những gì đã diễn ra trong ngày hôm nay. Người tôi mệt nhoài, chẳng còn tâm trạng nào để làm bài tập nữa. Trong đầu tôi, chỉ có một điều duy nhất làm tôi vướng bận: Thắng có tình cảm với Ngọc.
Mở quyển truyện ra, tôi muốn đắm mình trong nó để quên đi. Trong tiểu thuyết về tình cảm, nữ chính luôn được xây dựng là người thông minh, nhẹ nhàng và đầy tinh tế. Cô ấy chiếm trọn cả trái tim của nam chính bằng lòng tốt bụng của mình. Vừa đọc, tôi vừa so sánh cô nữ chính này với Ngọc. Bạn ấy là một cô gái đáng mến, lớp tôi ai cũng yêu quý bạn ấy, kể cả tôi. Vậy nên, khi biết Thắng thích Ngọc, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào. Thật ra, tôi đã đoán được điều này từ trước, nhưng cớ sao lòng lại nặng trĩu thế này?
Bắt đầu nhớ lại mấy bộ phim truyền hình trên tivi, nữ diễn viên phụ buồn bã mỗi lúc phát hiện ra nam chính không yêu mình, cô ấy thường diễn rất đau khổ. Rầu rĩ vắt tay lên trán ngắm nhìn trần nhà, tôi cố diễn cái nét buồn đau đó, nhưng không được. Tôi không muốn làm diễn viên phụ khi nam chính lại là Thắng.
Tôi thở dài, quay người sang ôm cái gối dài, cố gắng vô giấc ngủ. Nhưng lòng tôi vẫn cứ rối bời, mông lung với những câu hỏi không có lời giải đáp.
***
Hôm nay là buổi tập lần thứ năm, nhóm múa của lớp tôi vẫn tập trung đầy đủ như thường lệ. Cô chủ nhiệm có việc bận nên giao hết mọi việc lại cho Ngọc. Đang lúc cả nhóm đang ngồi nghỉ ngơi, nhỏ Huyền bỗng hớt hải chạy vào lớp, mồ hôi ướt đẫm trán, thở không ra hơi. Tôi vội vàng chạy lại, lo lắng hỏi: "Sao vậy mày? Có chuyện gì mà chạy nhanh dữ vậy?"
Tôi vỗ nhẹ lưng Huyền, giúp nhỏ lấy lại bình tĩnh. Sau vài phút thở chậm lại, Huyền mới kể: "Tao mới qua lớp A4 để thám thính tình hình. Tao thấy lớp bên đó múa động tác y chang lớp mình luôn!"
Nghe vậy, nhỏ My hoảng hốt la lên: "Thôi chết rồi, giờ làm sao đây mọi người?"
Chuyện kinh thiên động địa như vậy, lớp tôi không khỏi bàng hoàng. Mấy chuyện trùng vũ đạo văn nghệ thế này vốn không phải là chuyện lạ. Có điều ăn trộm công sức của người khác thì không thể nào là chuyện bình thường. Con Ánh xắn tay áo, định đi tìm lớp kia tính sổ, Ngọc vội ngăn lại.
Cả lớp ai cũng bối rối không biết nên làm như thế nào thì Ngọc đã lên tiếng, giọng điềm tĩnh: "Không sao đâu, chúng ta cùng sửa lại một vài động tác múa, và mình sẽ tự tay đệm đàn cho cả nhóm."
Tôi trố mắt nhìn Ngọc. Bốn chữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh mà người lớn hay nói đã được tôi đơn giản hóa bằng tên của Ngọc. Trước mắt tôi đang là nữ chính của cuốn tiểu thuyết tình cảm tôi vừa đọc tối qua. Cô ấy đang bước chân ra khỏi trang giấy cũ.
Cả nhóm chúng tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên. Huyền, lúc nào cũng tếu táo, liền hỏi với vẻ tò mò pha chút ghen tị: "Bạn biết cả đệm đàn hả? Bạn làm mình ghen tị quá đi!"
Ngọc chỉ mỉm cười nhẹ, rồi bắt đầu hướng dẫn chúng tôi chỉnh sửa lại một vài động tác múa. Những động tác mà Ngọc sửa lại trở nên mềm mại và nhịp nhàng hơn, làm cho bài múa có sự liên kết chặt chẽ. Ngọc không chỉ sửa động tác mà còn góp ý tận tình cho từng người, khiến ai nấy đều cảm thấy tự tin hơn.
Dưới sự dẫn dắt của Ngọc, tôi cảm nhận như cả nhóm đã trở thành đội múa chuyên nghiệp, vẻ mặt của đứa nào đứa nấy cũng viết lên hai từ "Quyết Tâm".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top