5. Sài Gòn

[ Nhà văn Andersen có một câu chuyện. Nó kể về một cây thông nhỏ trong rừng, luôn khao khát trở thành một cây to lớn, có ích và được chú ý. Khi còn là cây con, nó không hài lòng với cuộc sống hiện tại, mong muốn mình cao hơn, to hơn, để trở thành cây Giáng Sinh trang trí lộng lẫy. Thời gian trôi qua, cây thông được chặt xuống và mang về làm cây thông Giáng Sinh, được trang hoàng đẹp đẽ, nhưng niềm vui của nó chỉ ngắn ngủi.

Sau lễ hội, cây bị bỏ rơi trong một góc, không còn những ánh đèn lung linh, những món quà xinh xắn bên dưới nữa. Cây thông cảm thấy trống rỗng, lạc lõng và nhận ra rằng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của nó đã qua đi mà nó không kịp trân trọng. Sau đó, cây bị đốn và đốt làm củi, kết thúc cuộc đời một cách lặng lẽ và cô độc.

(Truyện "Cây thông non" - Hans Christian Andersen)]

"Trời ơi, sao con chậm tiêu dữ vậy. Mẹ dạy biết bao nhiêu lần, con phải lấy số này cộng xuống chứ không phải là ghi lại!"

Tôi cắm cúi dùng cục tẩy màu đen để bôi chữ số tám. Đôi mắt nhòe đi vì nước mắt, tay còn đau nhẹ do vết hằn đỏ bởi vết đòn roi. Tôi cộng lại ra kết quả rồi kiểm tra lại một lần nữa để chắc chắn kết quả là đúng. Mẹ đứng trước mặt tôi, giọng nói gay gắt vang lên giữa không gian yên ắng của căn phòng. Ánh mắt mẹ ánh lên vẻ giận dữ và thất vọng, từng lời như những nhát dao cứa vào lòng tôi.

"Học hành có mỗi chuyện đó mà không ra gì. Con làm mẹ thất vọng quá!" Mẹ thở dài, như thể mọi hy vọng mẹ đặt vào tôi bấy lâu nay đã tan biến. "Đúng là đứa vô dụng." mẹ lẩm bẩm, như tự nói với chính mình, nhưng những lời ấy vang vọng trong tâm trí tôi, không cách nào xua đi được.

"Bảo sao cô dạy thêm cứ bảo con vào lớp là không chú ý, con đi học hay con đi chơi?" Cô giáo dạy thêm nói dối, tôi đã làm theo cô rất tốt, cô vẫn ghét tôi.

Tôi cúi đầu, nước mắt như muốn trào ra. Ông ngoại đứng ở cửa, im lặng nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Tôi thấy ba với Trọng đứng sau ông, gương mặt ba trông có lẽ là thất vọng về tôi. Rồi không nói một lời, cả ba đều quay mặt đi, bước chân họ chậm rãi mà dứt khoát, để lại tôi một mình trong bóng tối mịt mùng. Tôi muốn chạy theo, muốn gọi ông quay lại, tôi chỉ cần ông nhưng chẳng thể thốt nên lời, chân như bị gắn chặt xuống đất, bất lực nhìn ông xa dần. Mọi thứ xung quanh tối đen lại, tôi như bị rơi vào hố đen không cách nào thoát ra, đành hét toáng lên: "Con xin lỗi mà!"

Giật mình tỉnh dậy, tôi thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm áo, tai như bị ù đi, đầu tôi đau nhức, não vẫn còn ngổn ngang với những hình ảnh vừa hiện ra trong cơn mộng mị. Khi đã lấy lại bình tĩnh, tôi nhận ra mình đang ngồi trên xe đò, ánh nắng buổi chiều hắt qua cửa sổ chiếu lên khuôn mặt của Trọng. Em trai tôi đang tựa vào vai tôi, ngủ say. Tôi đưa tay nhẹ nhàng xoa đầu Trọng, lòng chợt dịu lại. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ.

Nhìn ra ngoài cửa sổ, cảnh vật hai bên đường lướt qua nhanh chóng. Chợt nhận ra mình đã đi rất xa Đà Lạt rồi. Những lo âu và sợ hãi trong giấc mơ dần tan biến, thay vào đó là sự tò mò. Thằng Trọng vẫn ngủ say bên cạnh, tôi mỉm cười, siết chặt tay em trai, như muốn hứa với mình rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn thôi và thành phố này cũng sẽ chào đón tôi một cách vui vẻ nhất.

Chiếc xe đò cuối cùng cũng chậm rãi dừng lại. Bác tài xế, như bao lần, nhắc nhở mọi người nhớ lấy đồ dưới hầm xe. Tôi cùng em trai khệ nệ xách hai túi vải to đùng, bên trong đầy những món đồ nhỏ xinh mua từ Đà Lạt. Mẹ tôi thì đi phía trước, kéo cái vali to không kém.

Ra khỏi bến, chúng tôi bắt hai chiếc xích lô, chị em tôi một chiếc, mẹ tôi một chiếc. Chiều Sài Gòn nhẹ nhàng, gió mơn man qua từng ngọn tóc, làm tôi cảm thấy thư thái lạ thường.

"Chị ơi, chỗ này đẹp quá, mấy tòa nhà to như này lần đầu em được thấy." Nó chỉ vào mấy dãy nhà cao tầng.

"Cái này người ta gọi là nhà lầu đấy, to hơn cả nhà ông!" Tôi cố ra vẻ hiểu biết, nhớ lại những gì anh Tùng từng kể. Anh nói ở Sài Gòn, chỉ toàn là những tòa nhà vừa to vừa rộng như thế này thôi. Nói xong, tôi quay đầu nhìn lại, chiếc xe xích lô chở mẹ tôi đang lăn bánh phía sau, trông xa xa mà sao tôi lại cảm thấy một chút gì đó xa cách trong lòng. Những tòa nhà cao tầng trước mặt đột nhiên không còn hấp dẫn với tôi như lúc đầu nữa.

Bác xích lô thong thả đạp xe, thấy chúng tôi đang cười nói rôm rả, bác liền hỏi với giọng điềm đạm: "Hai đứa từ tỉnh khác lên hả?"

"Dạ đúng rồi bác, tụi con mới từ Đà Lạt xuống." Tôi đáp, giọng vẫn còn vương chút bồi hồi. Bác ấy gật gù song lại không nói gì thêm.

Tôi và em trai ngồi trên chiếc xích lô, bác tài đạp chầm chậm qua những con đường của Sài Gòn. Tôi tò mò hỏi bác: "Bác ơi, sao ở đây nhiều xe thế ạ, người ta có tông mình không?" vừa nói xong, chúng tôi được phen giật mình vì bác thắng gấp, do có người lái xe du lịch chuyển làn đột ngột.

Sau cú thắng gấp đó, bác cười hiền, trả lời: "Cháu đã thấy rồi đó." Thằng Trọng cười phá lên, nó nói tôi là xui xẻo, ngại ngùng tôi đánh vào vai nó, bặm môi ra vẻ bảo nó im đi.

Thằng Trọng đổi chủ đề, nó hỏi bác rằng: "Bác chắc chạy xích lô lâu rồi hả bác?" Trời ạ! Nó chẳng thèm thêm chữ "" vào, đứa nhóc hỗn láo.

Tôi véo tay nó, "Mày phải thêm chữ 'ạ' vô câu chứ!"

Bác cười khổ, vội trấn an, "Không sao nhé hai đứa!" Rồi, ánh mắt nhìn về phía trước đầy suy tư: "Cũng hơn hai mươi năm rồi con. Bác gắn bó với cái nghề này từ khi còn trẻ, chở bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn. Đối với bác, chỉ cần nhìn thành phố này thôi là đủ để bác cảm thấy ấm lòng." Cuộc trò chuyện giữa ba người cuối cùng cũng đi đến im lặng.

Chẳng mấy chốc, chiếc xích lô đã dừng lại trước căn chung cư cũ kỹ mà ba mẹ tiết kiệm mua được. Mẹ tôi vội vàng xuống xe rồi móc túi lấy tờ 5000 đồng đưa cho bác xích lô bên kia. Xong rồi lại đi đến xe tôi, đưa tờ 5000 đồng cho bác .

"Cảm ơn hai đứa, về nhà vui vẻ nhé!" Bác ấy vẫn tay chào tạm biệt.

Tôi và em trai cũng vẫy tay chào rồi cùng nhau kéo những chiếc túi nặng lên cầu thang. Căn hộ xanh lam, nằm ngay đầu cầu thang tầng hai, nổi bật giữa hành lang dài hun hút, phía trước nhà trang trí đầy những chậu hoa. Đó là nhà mới của tôi và Trọng.

Cánh cửa bật mở, hé lộ một khoảng không gian trong nhà đầy ấm cúng, tràn ngập ánh sáng. Ba tôi, với đôi mắt sáng ngời như những vì sao, bước ra đón. Ba lao tới ôm chầm lấy tôi và em trai, nước mắt lăn dài trên má. Giọng nói khàn đặc của ba vang lên:

"Ôi, hai đứa về rồi! Ba nhớ hai đứa quá!" Ba tôi vẫn giữ nụ cười rạng rỡ trên môi, kéo va li vào nhà: "Vào nhà đi con, chắc hai đứa mệt lắm rồi."

Mẹ để mấy cái túi lên bàn rồi lại đi ra ngoài, trước khi đi mẹ không quên nhắc ba: "Anh sắp xếp đồ đạc của mấy đứa nhỏ lại đi, em đi mua chút đồ nấu bữa tối."

Mặc kệ đứa em còn đang đếm lại mấy viên bi báu vật của nó, tôi lại ngồi phịch lên ghế, lặng lẽ quan sát ngôi nhà. Tôi nói là nhà nhưng theo tôi nó không to đến như vậy, phòng khách cũng là phòng bếp, cả hai được mẹ tôi dung hòa lại một cách hợp lí, mẹ cũng có thể dễ dàng xem tivi khi đang nấu ăn. Phòng khách thì để một cái ghế sofa dài vừa đủ ba người ngồi, bên cạnh là một cái bàn trà bằng gỗ, xung quanh căn phòng bày trí đơn giản hơn cả nhà của ông nội, mọi thứ đều chật hẹp hơn. Tôi lo lắng chạy vào căn phòng của mình, Trọng cũng lót tót theo sau. Bởi vì nhà chỉ có hai phòng ngủ, có vẻ như tôi với thằng Trọng ở cùng phòng. Cái giường tầng bằng sắt nhìn hơi cũ, được lót hai cái nệm mỏng, ở đối diện là hai cái tủ quần áo lớn và một cái bàn học to đủ cho hai đứa cùng ngồi học. Tất cả nội thất trong phòng dường như chỉ có mỗi giá sách là ba tôi mới đóng, do nó nhìn còn rất mới.

"Em nằm tầng trên nhé!" Trọng nó leo lên phía tầng trên, tôi làm ra cái bộ dáng khinh bỉ, rồi gật đầu.

Tối hôm đó, gia đình tôi quây quần bên nhau, tiếng cười nói rôm rả khắp căn phòng nhỏ. Ba hỏi han: "Ở Đà Lạt có ổn không con? Ông ngoại dạo này sao rồi? Hai đứa có chăm chỉ học hành không?"

Tôi cười, gật đầu: "Dạ, tụi con vẫn ổn. Ông ngoại khỏe lắm ba ạ, mấy hôm nay còn chăm ra vườn nữa. Còn tụi con thì học hành vẫn đều đều, không có gì phải lo đâu."

Cả nhà cứ thế mà chuyện trò, kể nhau nghe những câu chuyện của mấy năm xa cách, như thể khoảng thời gian dài ấy chưa từng tồn tại. Bữa cơm tối giản dị nhưng đầy ắp tình thương, khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và ấm áp lạ thường. Sài Gòn với tôi lúc này không chỉ là một thành phố mới, nơi tôi sẽ khám phá những điều mình chưa biết.

* * *

Sáng chủ nhật hôm ấy, mẹ dắt hai chị em ra đầu hẻm đón chiếc xe lam quen thuộc để đi mua sách. Chiếc xe lam cũ kỹ, sơn xanh lốm đốm, chạy ì ạch trên những con đường đầy bụi của Sài Gòn. Hai chị em ngồi phía sau, thích thú ngắm nhìn thành phố nhộn nhịp qua ô cửa nhỏ trên xe. Những chiếc xe đạp, xích lô và vài chiếc xe máy phóng vút qua, tất cả đều mang theo vẻ bình yên, chậm rãi. Đắm chìm trong làn gió mát buổi sớm, đôi mắt tôi lim dim như muốn ngủ, song lại bị đánh thức bởi cú thắng gấp của bác tài xế. Xe dừng lại trên đường Đinh Tiên Hoàng, mẹ tôi dẫn hai chị em vào nhà sách gần đó. Nhà sách nằm lọt thỏm giữa dãy phố với những căn nhà to lớn, nhưng lại nổi bật bởi vẻ cổ kính, giản dị. Tiệm này chủ yếu bán sách cũ, những cuốn sách mang đầy dấu ấn thời gian, mùi giấy cũ pha lẫn chút mùi ẩm ướt. Tôi với thằng Trọng chia nhau đi tìm những đồ đạc cần thiết cho năm học mới: bút mực, thước kẻ, giấy tập. Bút chì thời ấy có vỏ gỗ màu vàng, đầu bút được gắn thêm cục tẩy màu hồng nhạt, còn giấy bao tập thì đơn giản, thường là màu nâu, mịn màng nhưng dễ bị nhàu nát. Chị em tôi nâng niu từng món đồ, vừa lựa chọn vừa trò chuyện rôm rả.

Trong lúc chị em tôi đang lướt qua một loạt đồ dùng học tập, Trọng chợt dừng lại trước một chiếc hộp bút có hình siêu nhân màu đỏ rực rỡ. Mắt em sáng lên, như vừa tìm thấy kho báu.

"Mẹ ơi, con thích cái hộp bút này, có hình siêu nhân!" Trọng reo lên, tay chỉ vào chiếc hộp.

Mẹ mỉm cười, cúi xuống nhìn Trọng, dịu dàng hỏi: "Con thích lắm à? Vậy thì lấy đi, nhưng nhớ giữ gìn cẩn thận, đừng để mất như lần trước nữa nhé."

Trọng gật đầu lia lịa, vui vẻ cầm chiếc hộp bút trong tay, như thể đã sở hữu cả thế giới. Mẹ nhìn em với ánh mắt đầy yêu thương, nhẹ nhàng vỗ vai em rồi quay sang chọn thêm vài món đồ khác cho chị em tôi.

Thành phố hiện đại này luôn mang dáng vẻ hối thúc người khác, ai trên đường cũng vất vả mưu sinh và mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi vừa bước ra khỏi đó, mẹ lại nhận một cuộc gọi. Nhìn vẻ mặt này, tôi thầm đoán là mẹ sắp phải đi làm, ba tôi đã đi từ sớm còn mẹ vẫn cố dành chút thời gian ít ỏi để có thể dẫn chị em tôi mua sách vở.

"Mẹ đưa hai con về nhé." Nghe vậy thằng Trọng liền phản đối, nó giận dỗi vì chưa được ăn sáng bên ngoài đã phải về nhà. Tôi thấy mẹ tôi thở dài thì đành phải trấn an.

"Mẹ cứ đi trước đi, một lát con dẫn em về sau."

Nơi này tôi đã sống được gần ba tháng, địa chỉ cho tới đường về nhà tôi đều thuộc nên tôi cũng không muốn làm phiền mẹ. Sau khi tạm biệt mẹ, tôi dặn dò thằng Trọng phải nắm chặt tay mình, nếu không xui xẻo lạc đường là tôi không biết mà tìm ở đâu. Hai chị em đi và đi, la cà hết chỗ này tới chỗ nọ. Hôm đó không ai là không nhìn thấy hai đứa nhóc nắm tay nhau đi giữa phố đông người.

Mãi tận gần trưa, hai đứa tôi mới chịu gọi xe về. Ngồi yên trên xe, tôi ngắm nhìn những cô chú đang chạy xe máy, lòng lại nhớ về ông ngoại, tôi thở dài, giờ này chắc ông đang chăm hoa. Nếu tôi còn ở Đà Lạt thì tôi đang giúp ông tưới hoa. Mãi suy nghĩ, tiếng em tôi gọi to: "Chị ơi đến rồi." Bác tài cho chị em tôi trước cổng chung cư, thằng Trọng hớn hở chạy vào trước bỏ lại tôi đang đếm mấy tờ tiền để trả cho bác.

Tạm biệt bác, vừa xuống xe thì không may tôi đụng trúng một đôi bạn đang đi trên đường, chưa kịp nhìn thì bạn nữ đã mắng: "Mắt để trên đầu à." Tôi luống cuống nói xin lỗi, không quên nhìn bạn ấy một cái. Gương mặt bạn ấy rất thanh tú, dáng người cũng cao ngang tôi nhưng mà sao tóc lại cắt kiểu gì thế này? Nhìn chẳng khác gì một cái bờm của con sư tử. Lại nhận được cái chừng mắt của bạn ấy, tôi vội vội vàng vàng chạy vào trong chung cư mà quên không để ý điện thoại của bạn ấy đã rơi xuống sau cú va chạm đó.

* * *

Nắng hồng chiếu xuyên qua những cành phượng già, len lỏi qua những tán cây bàng già nua, chiếu rọi xuống những gương mặt rạng ngời của các cô cậu học trò, nhuộm hồng cả một góc sân trường. Tiếng ve râm ran hòa cùng tiếng cười nói rộn rã của lũ trẻ, vẽ nên một bức tranh tươi tắn của buổi tựu trường.

Đợi mãi vẫn chưa thấy chị em tôi góp phần vào bức tranh đó, mẹ tôi đã khe quất vào mông mỗi đứa một cái, mắng cả hai: "Còn ngủ nữa là khỏi ăn sáng nghe chưa?"Mệt mỏi ngồi dậy, hôm nay đã phải đi học rồi à, tôi dụi dụi hai mắt cho tỉnh ngủ rồi mới bước ra khỏi giường.

Một buổi sáng cuối mùa thu tháng 8, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, trong không khí tưng bừng và nhộn nhịp của mùa tựu trường người người đưa con đi học, nhà nhà dẫn trẻ đến trường, đối với báo chí có lẽ là vậy, nhưng thật chất đối với tôi, nó cũng chẳng vui vẻ gì cả. Những năm đó, từ lớp năm lên lớp sáu thường được xét tuyển theo khu vực thường trú. Mẹ đã dành nhiều thời gian làm các giấy tờ liên quan và cả hồ sơ để cho tôi vào ngôi trường này, một ngôi trường ở gần nhà, tên là Trung học Cơ sở Trần Văn Ơn. Minh Trọng cũng học một ngôi trường gần nhà, tôi lo cho nó lắm, không biết nó có hòa nhận được hay không? Tôi cũng lo cho bản thân, cảm giác hồi hộp trong tôi dâng lên, tựa như có con bướm nhỏ đang lượn quanh trong lồng ngực. Lần đầu tiên tôi làm quen họ, không biết họ có chào mừng tôi không?

Đứng trước cổng trường, tôi bỗng thấy lòng mình hỗn tạp. Những tán cây xanh mướt rợp bóng cả con đường nhỏ dẫn vào trường, lá cây khẽ lay động dưới ánh nắng ban mai, khiến khung cảnh thêm phần tươi mới. Ngôi trường này không rộng lớn như những trường học ở Đà Lạt mà tôi từng quen. Mấy tòa nhà được sơn màu vàng nhạt, mái ngói đỏ thẫm hiện lên trong nắng sớm.

Khuôn viên trường được chăm sóc kỹ lưỡng, những lối đi lát gạch bông, hai bên là các luống hoa nhỏ đang đua nhau khoe sắc. Ở một góc sân, cây phượng vĩ sừng sững, tán lá xanh mướt vươn cao như muốn che chở cho cả khoảng sân rộng. Đúng như theo tôi tưởng tượng về những ngày học cấp 2 như hồi nhỏ, khi phượng vĩ nở đỏ rực, từng nhóm học sinh sẽ tụ tập dưới gốc cây, chuyện trò và cười đùa vui vẻ.

Lúc này, sân trường còn đông đúc học sinh, nét mặt ai nấy đều phảng phất sự háo hức, giống như tôi. Bước chân tôi có chút rụt rè, mắt nhìn ngắm xung quanh. Vì đang là đầu giờ, các bạn tụ tập thành từng nhóm nhỏ, tiếng cười nói vang lên xen lẫn tiếng trống trường điểm nhịp.

Khi đến trước cửa lớp, tôi đứng cạnh cửa, lòng như có hàng trăm con sóng vỗ vào. Cô giáo chủ nhiệm đứng đằng sau thấy tôi vẫn chưa dám bước vào, liền nở một nụ cười hiền hậu, nhẹ nhàng hỏi:

"Em là học sinh mới chuyển tới đây đúng không?"

Tôi gật đầu nhẹ, cô giáo dịu dàng nắm tay tôi bước vào trong. Cô ấy đảo mắt một vòng, tôi thấy mọi người dần lấp đầy các chỗ ngồi trong lớp, bàn trống cũng ít đi, cô giáo chỉ tôi đến dãy bốn đối diện bàn giáo viên, tôi cũng ngoan ngoãn nghe theo.

"Xin chào các em, vậy là cuối cùng các cô cậu bé mới hôm nào còn ở bậc tiểu học, nay đã vào cấp 2 rồi." Giọng cô to và rõ ràng nhưng không kém phần dịu dàng, giống hệt như mấy cô phát thanh viên ở mấy đài radio. "Cô tên là Văn, cô là chủ nhiệm cũng như là giáo viên dạy môn Anh Văn của các em." Cô Văn nói rồi viết họ tên cô và số điện thoại lên bảng. Tôi vội lấy cuốn vở trong cặp ra rồi nhanh chóng viết lại vào tập, mẹ tôi sẽ mắng rất nặng nếu như tôi quên.

Cô Văn nhìn xuống chỗ tôi, bên cạnh tôi vẫn trống, mắt cô đảo một vòng quanh lớp, ánh mắt dừng lại một lúc rồi bảo: "Em tên gì vậy?"

"Em tên là Mỹ Huyền ạ." Giọng của một bạn nữ trong trẻo nói, như bị thu hút tôi bất chợt nhìn theo.

"Em ngồi cạnh...em tên gì nhỉ?" Cô Văn hỏi tôi, tôi ngập ngừng: "Em tên... tên Trang...ạ." Không chờ tôi hay bạn Huyền nói thêm, cô chốt thẳng bạn Huyền sẽ ngồi cạnh tôi, vì tôi mới chuyển từ nơi khác nên có lẽ cô muốn có người kèm cặp.

Mỹ Huyền vui vẻ cầm balo của bạn ấy đặt bên cạnh tôi, vừa ngồi xuống đã qua sang khoác tay tôi, đôi môi chúm chím nở nụ cười.

"Xin chào bạn cùng bàn." Năng lượng tích cực từ cô bạn mới làm ngày đầu tiên của tôi bất giác vui lên hẳn.

Sau khi quan sát các bạn trong lớp, tôi cũng nhận ra là thật sự cái Duyên ở Đà Lạt cũng không xinh bằng các bạn nữ ở đây, ai cũng mang vẻ ngoài điệu đà ngọt ngào. Các bạn nam thì ít hơn so với lớp cũ của tôi trên Đà Lạt.

"Cả lớp chú ý, chúng ta tiến hành bầu ban cán sự lớp, có ai đề cử gì không?"

Một cánh tay giơ lên, cô giáo mời bạn đó đứng dậy phát biểu.

"Thưa cô, về việc năng nổ tham gia phong trào, học giỏi, có khí chất lãnh đạo thì em đề cử Bích Ngọc ạ."

Bích Ngọc, một loại đá quý hiếm màu xanh lục và rất đắt, ắt hẳn là người đẹp như tên, tôi bỗng nhớ đến cái vòng ngọc lục bảo mà dì Hai hay khoe mua rất mắc tiền, rồi lại còn lắc lắc nó trước mặt ông ngoại. Mãi suy nghĩ, cô giáo đã chốt thêm hai bạn.

Cả lớp bắt đầu xôn xao, vài bạn bàn tán nho nhỏ. Một bạn gái ngồi cạnh tôi, nở nụ cười thân thiện: "Mình là Bích Ngọc, rất vui được làm quen với bạn."

Tôi đáp lại bằng một nụ cười ngại ngùng: "Chào Ngọc, mình là Trang."

Gương mặt tôi mang chút lạnh lùng, nhưng lòng lại đang đánh trống liên hồi. Quả là người như tên. Ngọc đúng như tôi nghĩ, là cô gái có vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng, tựa như nàng Tấm vừa bước ra từ trang sách cổ tích mà hồi nhỏ ông ngoại hay đọc. Mái tóc dài, đen mượt của bạn buông xuống ngang lưng, đôi mắt to tròn và ánh lên sự ngây thơ và thuần khiết, giống hệt như một viên ngọc thô. Bạn ấy nhìn tôi cười, nụ cười ấy như tỏa sáng cả một góc trời, trong một khắc, não ôi như bị dao động.

"Bạn bầu cho mình nha." Nghe vậy tôi bất giác gật đầu.

Sau đó quả nhiên là Ngọc được làm lớp trưởng thật, sự thân thiện của bạn ấy làm tôi thấy dễ chịu, như tìm được một chỗ dựa giữa những điều mới mẻ này.

Bỗng Huyền gửi tôi một tờ giấy, trong đó viết: "Một chút tớ chờ cậu ngoài sân nha. Mà Ngọc làm lớp trưởng thì toi mất rồi, cậu ấy nghiêm khắc lắm. Tụi tớ học chung cấp 1 á." Tôi làm cái mặt khó hiểu với Huyền, bạn ấy lắc lắc đầu ra vẻ mọi thứ kết thúc từ đây.

Giờ ra chơi đầu tiên ở Sài Gòn, người bạn mới, Mỹ Huyền rủ tôi ra sân chơi cùng. Chúng tôi cùng nhau đi dạo dưới bóng cây, nghe tiếng ve kêu râm ran, như tiếng nhạc nền quen thuộc của những buổi sáng mùa hè. Tôi bắt đầu cảm thấy yêu thích ngôi trường này, nơi có những hàng cây cao lớn, sân trường rộng rãi và những người bạn mới dễ thương.

* * *

Thời gian vậy mà lại trôi nhanh hơn tôi tưởng tượng.

Gần ba tháng, tôi quen hơn với việc mình đang học ở Sài Gòn chứ không phải là quê nhà nữa. Tôi dạn dĩ hơn, làm quen thêm được một vài người bạn như là Huyền hay Ngọc.

Hôm nay lại đến giờ văn, lớp tôi như đang ngồi trên đống lửa. Giáo viên văn gõ mạnh xuống bàn, cả lớp đang ồn ào như phiên chợ sớm bỗng im bặt. Ánh mắt của cô nghiêm nghị quét qua lớp học, rồi chậm rãi đặt ra một câu hỏi:

"Các em, ai có thể cho cô biết trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, tại sao Sơn Tinh lại đến trước không? Đây là một câu hỏi ngoài sách giáo khoa nên có thể trả lời theo suy nghĩ cá nhân."

Không khí lớp học bỗng chốc trở nên căng thẳng. Đó là một câu hỏi khó, không phải ai cũng có thể trả lời được. Tôi thấy vài bạn cúi đầu nhìn xuống sách, vài bạn khác thì lúng túng tránh né ánh nhìn của cô, như chờ đợi ai đó có thể là cứu tinh trong tiết học này. Tôi khá tự tin về môn Văn, tôi đã được ông ngoại tôi chỉ bảo nhiều bài văn thơ rồi, tay tôi nhẹ nhàng giơ lên rất nhanh, trước cả Ngọc.

Cô giáo nhìn thấy tôi, nở nụ cười khích lệ: "Trang, em thử trả lời xem nào."

Tôi hít một hơi sâu, giọng nói vang lên tuy không to, nhưng rõ ràng: "Thưa cô, theo em thì đa phần các sính lễ nhà vua muốn đều dễ tìm được trên đất liền ạ. Vua Hùng muốn Sơn Tinh trở thành con rể, nên đã đưa ra những yêu cầu phù hợp với thế mạnh của chàng, giúp Sơn Tinh dễ dàng giành chiến thắng."

Cô giáo lặng lẽ gật đầu, nụ cười tự hào hiện lên trên gương mặt cô. "Rất tốt, Trang! Không bàn đến tính đúng sai nhưng em được 10 điểm miệng cho sự mạnh dạn."

Lòng tôi nhẹ nhõm, tôi quay mặt qua thấy Ngọc đang nhìn mình, nở một nụ cười thật tươi: "Chúc mừng Trang nhé! Cậu giỏi thật đấy!"

Tôi mỉm cười đáp lại, trong lòng ấm áp lạ thường. Mỹ Huyền bên cạnh cứ tán thưởng bảo tôi chăm chỉ.

"Cậu soạn bài trước à, hôm nay mới học bài này mà cậu đã tự tin vậy rồi." Được dịp tôi đắc ý kể về ông ngoại và mấy câu chuyện mà ông kể, bạn ấy trầm trồ mãi rồi hỏi tôi có cuốn truyện nào không? Cho bạn ấy mượn với, tôi thật tình nói mình không mang xuống Sài Gòn gương mặt cậu ấy liền ỉu xìu, nằm dài ra bàn làm tôi cười không ngớt.

Tiết học kết thúc, cả lớp ùa ra sân chơi, tiếng cười nói râm ran khắp nơi. Tôi định cùng Huyền ra sân như mọi khi, thì chợt có một nhóm bạn gái tiến lại gần.

Dẫn đầu là một cô gái, tóc như cái bờm sư tử, áo bỏ ngoài quần, khăn quàng không đeo, nhìn rất ra dáng hay đi bắt nạt người khác. Không đợi tôi hỏi, bạn ấy đã tự xưng là Nhi, đôi mắt sắc lạnh nhìn tôi, giọng nói có vẻ không thiện chí: "Cuối cùng cũng tìm thấy mày?"

Tôi chột dạ, lùi lại một bước, tay vô thức siết chặt quai cặp, Mỹ Huyền chạy lên che cho tôi bảo: "Này đừng gây chuyện ở lớp tôi." Bích Ngọc cũng chạy đến, nhưng cô bạn còn chưa kịp lên tiếng thì đã bị mấy đứa bạn của Nhi đẩy ra xa. "Thích gây sự ở đây đó."

Hai tay cậu ta nắm chặt lấy vai tôi, tôi càng đau cậu ta nắm càng chặt, giọng lại ra lệnh cho mấy cô bạn khác.

"Giữ ba con nhỏ này lại."

Lúc này tôi chỉ biết đứng im, không hiểu phải làm gì, giá mà có ai đó đến giúp.

Ngay lúc đó, một giọng nói trầm ấm vang lên từ phía sau: "Nhi, cậu đang làm gì vậy?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top