2. Đà Lạt
Không có cuộc gặp gỡ nào mà không qua thần linh sắp xếp. Mọi việc diễn ra hằng ngày đều là sự đương nhiên.
Đà Lạt, năm 1995.
Đà Lạt, mảnh đất sương mù đã ôm ấp tôi từ thuở bé. Ngôi nhà gỗ cổ kính của ông bà nằm trơ trọi trên một con dốc cao, xa hẳn sự ồn ào của phố thị, là nhà tôi, mà đúng hơn là nhà của ông bà ngoại tôi. Năm ba tuổi, tôi đã phải làm quen với việc xa bố mẹ. Ba mẹ tôi vì muốn có tập trung kiếm tiền và cũng đang mang bầu em trai, nên đã gửi tôi về quê ngoại. Khoảng cách địa lý dường như cũng kéo giãn tình cảm giữa tôi và họ. Những năm tháng tuổi thơ ấy, tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông và các dì.
Hai người vốn là những người lao động chân chất. Họ không có nhiều của cải, nhưng luôn dành hết tâm huyết và chăm chỉ 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời', làm đủ mọi công việc để nuôi tôi và đứa em bé bỏng mới lọt lòng. Bố mẹ làm đủ thứ công việc nên việc họ không có quá nhiều thời gian cho tôi là điều bình thường. Bù lại, tôi còn có ông ngoại. Ở với ông ngoại, tôi như một cô công chúa nhỏ, được yêu chiều bởi ông và các bác các dì.
Những năm tháng tuổi thơ, tôi lớn lên bên cạnh người ông tóc bạc, đôi mắt sâu thẳm chứa cả một bầu trời ký ức. Ông là một thợ mộc tài hoa, bàn tay chai sạm đã chạm khắc biết bao tác phẩm nghệ thuật. Trước đây, ông là bộ đội và từng chiến đấu hết sức để đánh giặc. Bởi vậy, những câu chuyện lịch sử mà ông kể đã ăn sâu vào tâm trí tôi mãi. Những buổi chiều đi học về, tôi hay cùng ông tỉa lá, tưới cây, vừa nghe ông kể chuyện. Ông thực sự là một người kể chuyện tài tình. Những câu chuyện về chiến tranh, về tình yêu, về cuộc sống thường nhật được ông kể bằng giọng trầm ấm, say sưa. Những câu chuyện ấy, trong sách cũng không thể tìm thấy, vì đó là những trải nghiệm, kỉ niệm đáng quý của đời ông.
Nhà ông rất rộng. Khoảng sân to phía trước ông dùng làm một vườn hoa nhỏ. Có lần, ông cứ nâng niu chậu hoa ly, chăm chút cho nó từng tí một làm tôi tò mò hỏi. Sau này tôi mới biết, bà tôi rất thích hoa ly. Bà tôi mất sau một cơn đột quỵ, để lại ông một mình cũng đã 10 năm. Căn nhà rộng rãi trong chốc lát lại cảm thấy rộng hơn. Xung quanh còn có các bác, các dì sống.
Tôi là "con khỉ con" tinh nghịch nhất xóm. Mỗi ngày, tôi đều có những cuộc phiêu lưu mới, còn ông ngoại chính là người bạn đồng hành không thể thiếu của tôi. Chúng tôi cùng nhau khám phá vườn cây, cùng nhau nghe chim hót. Có thể nói, trong suốt quãng thời gian đó, tôi luôn là nhân vật chính trong mọi bức ảnh. Dù thế nào đi chăng nữa, ông vẫn bế tôi trên tay, cười hiền hòa xoa đầu tôi. Đó luôn là điều may mắn với tôi, sự dạn dĩ này là điều mà ông gián tiếp cho tôi.
Nhưng khi em trai chào đời, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Ba mẹ lại gửi em trai cho ông. Thằng nhóc nhanh chóng chiếm hết hào quang của tôi, làm cho tôi không còn là trung tâm của mọi sự chú ý nữa. Cảm giác bị bỏ rơi len lỏi vào trái tim tôi. Các cô các dì không còn vây quanh tôi như lúc trước; họ đổ dồn sự chú ý hết cả vào đứa em trai. Tất cả mọi thứ xung quanh tôi dường như biến mất. Nhưng không sao, tôi vẫn còn ông. Ông ngoại vẫn như mọi ngày: sáng ông chải tóc rồi cột hai chùm tóc cho tôi, dẫn tôi đến trường; chiều ông lại đón tôi về và mua kẹo dâu tằm rồi bốc cho tôi.
* * *
Năm ấy, tôi học lớp ba, cả mấy năm tiểu học của tôi gắn bó với ngôi trường làng nhỏ bên cạnh chợ.
Trong một buổi chiều mùa thu se lạnh, tiếng trống báo hiệu giờ chơi kết thúc vang lên. Trong khi đang vội vã chạy về lớp, chân tôi trượt dài trên đất, trán đập mạnh vào cạnh cầu thang. Chỉ giây lát, tôi chỉ cảm thấy một cơn đau nhói dữ dội rồi sau đó mọi thứ tối sầm lại. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường, trán băng kín mít. Mẹ ngồi bên cạnh, đôi mắt đỏ hoe. Mẹ vừa trách mắng vừa lau những giọt nước mắt lăn trên má. Ba tôi thì khác, ba ôm chặt lấy tôi, vuốt nhẹ mái tóc và nụ cười nhân hậu để xóa tan đi nỗi sợ hãi trong lòng tôi.
Ông ngoại ngồi ở cuối giường trấn an: "Vết thương này sẽ nhanh lành thôi." Tuy ông bảo vậy, nhưng khi nhìn qua kính cửa sổ, tôi thấy đầu mình được băng bó bằng một mảnh gạc rất lớn, máu đã thấm đẫm đỏ cả. Tôi còn nghe trộm được các bác sĩ nói với mẹ tôi rằng vết thương này phải khâu đến sáu mũi. Nếu không được cứu kịp thời có thể tôi sẽ mất máu nhiều mà chết, do hộp sọ tôi đã có một vết nứt nhỏ, còn có nguy cơ ảnh hưởng trí não nên cần theo dõi thêm. Do vậy, suốt nửa học kì sau, tôi phải nằm viện dưỡng bệnh.
Ba mẹ chăm sóc tôi được một tuần thì lại phải xuống Sài Gòn, họ giao tất cả lại cho ông ngoại. Quá quen thuộc với việc này, tôi cũng chẳng khóc òa lên như thằng Trọng, chỉ ngồi trên giường mà nhìn ra cửa sổ. Bên cạnh cửa sổ phòng tôi là một cây phong lá đỏ.
* * *
Ở bệnh viện lâu ngày, tôi cảm thấy buồn chán, cảm giác như một con mèo bị nhốt. Không chịu nổi nữa, tôi đợi khi dì Út ngủ say, khẽ mở cửa đi lang thang khắp bệnh viện. Bệnh viện buổi đêm tối om om, chỉ có những bóng đèn tròn treo trên trần sáng lờ mờ. Tôi đi lang thang khắp nơi, trong cái não nhỏ này lại bắt đầu nhớ đến những câu truyện ma mà dượng Năm hay kể.
Bỗng có tiếng kêu bíp bíp, cộng thêm cái ánh đỏ từ cái đèn trên tường nhấp nháy liên tục.
Á! Tôi la toáng lên khi cái cửa phòng khi mở ra mà không thấy ai phía sau. Quá sợ hãi, tôi chạy một mạch vào thang máy. Trước khi hai cánh cửa thang máy đóng lại, tôi mới nhìn thấy hai anh điều dưỡng đẩy một cái giường ra. Lúc này mới thở phào, do tôi tự dọa mình thôi.
Cửa thang máy mở ra, cái "ting" nghe thật to có lẽ là do trong thang chỉ có mình tôi. Tôi rón rén bước ra. Ôi chao! Trước mặt tôi là một nơi thật bận rộn, là phòng Cấp cứu. Người ta chạy qua chạy lại, mặt ai cũng lo lắng. Các bác sĩ mặc áo trắng, trên tay ai cũng cầm những cái ống tiêm dài ngoằng, các cô y tá cũng bận rộn không kém.
Bước qua dãy hành lang dài, tôi bỗng khựng lại. Một người con trai đang ôm chầm lấy người phụ nữ, có vẻ là người mẹ, cả hai đều nức nở. Tôi đứng lặng nhìn hai mẹ con kia, lòng tràn đầy cảm xúc. Anh ấy có vẻ đau khổ lắm, chắc là bị tiêm rồi, đôi mắt vẫn còn đỏ hoe, sưng húp. Tôi cũng nhớ lại những ngày mình nằm bệnh, cũng từng cảm thấy cô đơn và sợ hãi như vậy.
Bệnh viện này giống như một vườn hoa, có những bông hoa tươi đẹp, nhưng cũng có những bông hoa tàn úa. Và chúng ta, những con người nhỏ bé, chỉ là những cánh hoa trong vườn hoa cuộc đời này. Tuy nhiên cái nơi mà bệnh tật và đau khổ luôn hiện hữu ấy cũng là nơi mà tình người được sẻ chia.
Tôi ngồi trên chiếc ghế đá bên dưới ánh đèn, bắt chước dáng vẻ của những ông chú hay ngồi hóng mát. Hai tay vươn ra để lên thành ghế, chân nhịp nhịp, mắt nhìn lên bầu trời đầy sao. Bầu trời đêm tĩnh lặng, đầy những vì sao.
"Cái này chắc là sao 'anh' nè, cái bé này là sao 'em'." Tôi ngồi đếm từng ngôi sao nhỏ, rồi lại nhìn thấy ánh trăng sáng giữa trời.
Anh trai khi nãy đã ngừng khóc, giờ lại đang nở nụ cười tươi cùng ánh lo lắng pha chút bối rối.
"Bạn ơi, cho mình hỏi căn tin nằm đâu vậy?"
Tôi chỉ tay về hướng bên kia, mỉm cười: "Đi ra sau tòa nhà kia là đến nơi."
Anh ta nhìn theo hướng tay tôi, rồi lại quay sang, rụt rè: "Hay... bạn dẫn mình đi được không? Mình không giỏi tìm đường."
Có chút bất ngờ, nhưng tôi cũng vui vẻ đồng ý, cầm cổ tay anh kéo đi. Dưới ánh đèn vàng vọt của bệnh viện, một bé một lớn đi giữa trời đêm.
Tấm màn đen thẫm sương khuya phủ lên khu công viên nhỏ ở giữa bệnh viện. Gió thu thổi hiu hiu, mang theo hương hoa cỏ thoang thoảng, xoa dịu nỗi đau âm ỉ trên trán tôi. Đứng cạnh anh, mắt tôi lại dán vào mấy hộp kẹo để trên kệ. Căn tin bệnh viện rất to, dù trời cũng tối rồi nhưng tôi thấy vẫn còn nhiều người đang ăn uống.
Lúc nãy trên đường đi, anh trai kia cứ luyên thuyên mãi, cái vẻ mặt mít ướt tự dưng biến đâu mất tiêu. Anh ta tự nói mình là học sinh lớp sáu, hơn tôi ba tuổi nên bảo tôi gọi là anh đi, tôi cười cười gật đầu. Tôi cũng tự bảo mình tên Trang học lớp ba, anh ta nhìn tôi, cười ngố. Nhưng mà hình như anh quên nói tên.
Sau khi anh mua một số thứ cần thiết, tôi lại lót tót theo anh đi về gần phòng cấp cứu, cả hai tìm một cái ghế đá ngồi. Anh bảo với tôi, người ôm anh lúc nãy là mẹ anh và người trong phòng cấp cứu kia là cha anh. Ồ! Bởi vì ba anh nằm trong phòng đó nên anh mới khóc, làm tôi cứ tưởng anh bị tiêm nên khóc giống tôi.
"Trán của nhỏ bị gì vậy, sao mà bị băng to dữ."
Anh nhìn lên đầu tôi, tay sờ vào chỗ bị thương rồi hỏi, tôi liền bảo bị té vỡ đầu. Anh ta hoảng hốt, hết nhìn bên phải rồi bên trái đầu tôi, ngắm nghía tôi một hồi, anh bảo: "Vết thương của em to như vậy, chắc phải ở đây lâu lắm nhỉ?". Còn chưa kịp trả lời, anh ta nhảy vào trước miệng tôi.
"Không sao... không sao, anh cũng sẽ ở đây mấy tuần, mình kết bạn nha." Nói rồi lại vui vẻ đưa tay ra chờ tôi bắt, tôi cũng vui vẻ nắm lấy tay anh, gật đầu liên tiếp. Chúng tôi ngồi nói chuyện thâu đêm cho đến khi tôi gục lên vai anh.
* * *
Hôm sau, sương sớm giăng lối, bầu không khí se lạnh, mang theo hương thơm dịu nhẹ của hoa cỏ đặc trưng của thành phố ngàn hoa. Ánh nắng sớm len lỏi qua những tán cây, rọi xuống nền sân bệnh viện ẩm ướt, tạo nên những mảng sáng lung linh. Tiếng bước chân vội vã của các y tá, bác sĩ vang vọng trong hành lang yên tĩnh. Chuông báo thức reo lên từ các phòng bệnh, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mùi thuốc sát trùng thoang thoảng quyện với hương hoa cỏ tạo nên một bầu không khí đặc trưng.
Tôi bật dậy trong giấc mộng, hôm qua mãi ngồi ngẩn người ở sân bệnh viện cả buổi tối, làm dì tôi lo lắng tìm khắp nơi.
Đi ra ngoài sân bệnh viện, tôi hít thở sâu bầu không khí trong lành, hy vọng nó sẽ giúp tôi xua tan đi những suy nghĩ hỗn độn. Bắt chước lại động tác thể dục của mấy bác trong bệnh viện, tui vặn vẹo người mình, vươn vai rồi lắc eo, tập thể dục nâng cao sức khỏe.
Bỗng nhiên, một giọng nói quen thuộc vang lên ở phía sau: "Trang ơi." Anh trai hôm qua đứng đó vẫy vẫy tay với tôi, tay anh cầm hai hộp xôi, nắm chặt rồi chạy tới bên cạnh tôi. Lục lại trí nhớ bé nhỏ của mình, cuối cùng cũng thấy một mảnh ký ức.
"Anh đi đâu vậy ạ?" tôi hỏi, mặc kệ dù mắt đã nhìn thấy đồ ăn sáng anh mua. Anh giơ giơ cái bịch lên trước mặt tôi: "Anh mua đồ ăn sáng, em ăn không?" Tôi chu môi lắc lắc đầu, anh biết ý liền bảo tôi tìm một chỗ nào đó ngồi.
Bệnh viện buổi sớm đông nghịt người đi khám bệnh. Mọi người cứ ra ra vào vào, hết tốp này tới tốp khác làm tôi hoa cả mắt. Đầu hơi âm ỉ đau. Đông người quá, tôi ghét bệnh viện.
Anh ta nhìn tôi, thấy tôi cứ ngồi ngẩn ngơ nhìn dòng người thì bảo: "Nhìn gì đó nhỏ?"
"Đông người ghê, ngày nào người ta cũng bệnh hả anh?" Tôi nhìn vẻ mặt đăm chiêu đó thì cũng ngờ ngợ đoán được câu trả lời, chắc lại mắng mình đây.
"Bệnh viện này là đầu tuyến ở cái đất Đà Lạt này rồi, mẹ anh bảo là xịn đó." Anh vừa ngồi ăn xôi, vừa tâm sự với tôi. Mặc kệ tôi ngồi ngơ ngơ nhìn trời nhìn đất, cơ miệng của anh vẫn hoạt động liên tục, vừa ăn vừa nói tới mức nghẹn.
"Mười mấy năm trước, Đà Lạt còn hoang sơ, chưa nhiều nhà như bây giờ, ai cũng thích lên Đà Lạt để hưởng cái không khí se lạnh của nơi cao nguyên Lâm Viên."
Tôi ngồi chống hai ngón tay vô cằm, tỏ vẻ đang suy nghĩ, rồi tôi bảo: "Mười mấy năm trước anh đâu có ra đời đâu, sao anh lại biết?" Anh nghe xong thì lại nghẹn lần nữa, bất lực nhìn tôi bảo: "Do anh đọc báo thấy người ta ghi như vậy."
"Ông cụ non! Lêu lêu!" Tôi lè lưỡi trêu anh.
Hai đứa ngồi nói mãi thì cuối cùng anh cũng nhớ ra việc quên nói tên mình, anh là Nguyễn Thanh Tùng. Ba anh vốn là một kỹ sư điện, mấy ngày trước ba anh không may bị tai nạn lao động, công ty tốt bụng trợ cấp cho gia đình anh, cả tiền viện phí, tiền thuốc thang đều được bác giám đốc chi trả. Tôi nghe vậy thì vô cùng ngưỡng mộ, mặc dù tôi mới có tí tuổi đầu, cũng chẳng rõ sự đời ra sao, nhưng tôi chỉ biết là tôi cảm thấy công ty tốt vậy là đáng quý. Ai mà không thích làm anh hùng chứ.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi mẹ anh gọi tên từ phía xa. Anh nhanh chóng tạm biệt nhưng không quên hỏi tôi: "Mai anh tìm em rồi ta đi vòng vòng chơi không?" Anh chạy đi, không quên vẫy tay chào tôi, tôi vui vẻ vẫy tay lại.
"Sao con lại ngồi đây, không vào phòng nằm cho mát."
Là tiếng ông ngoại, tôi chạy đến ôm ông, cũng không quên cái bụng kêu vì đói nãy giờ. Tại anh Tùng cứ mãi nói chuyện. Vừa làm nũng, tôi vừa chăm chú nhìn xem anh đã đi chưa thì lại thấy hai mẹ con đang đứng nhìn tôi và ông, mẹ anh còn mỉm cười nhẹ.
"Đó là con ông Tư Gà đúng không? Con nhỏ nay có thằng cu con lớn dữ." Ông ngoại nói, mắt vẫn không rời khỏi hai con ở xa xa. Tôi trầm ngâm, không rõ ông nói với tôi hay nói với ai, nếu với tôi vậy thì ông Tư Gà là ai?
* * *
Từ hôm đó, chúng tôi thân thiết hơn bao giờ hết. Cái Đà Lạt mộng mơ, chán ngắt đối với tôi bỗng trở nên thật đẹp khi có anh bên cạnh. Cuối tuần, tôi chạy tới rủ anh đi chơi. Anh thì lễ phép xin mẹ, không quên cầm bó báo chưa đi đưa của mình rồi kéo tay tôi chạy ra bệnh viện.
Mặc dù đã trôi qua khá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy — lần đầu tiên chúng tôi cùng nhau đi chơi, lần đầu tiên tôi có một người bạn mới theo cách tình cờ như vậy. Anh Tùng đạp xe lên dốc, lưng còng vì bó báo chất cao. Sương mù lại giăng kín những mái nhà, làm cho cảnh Đà Lạt đẹp như một bức tranh sơn dầu. Anh Tùng nhìn tôi cười, nụ cười anh thật đẹp, anh lấy tay lau những giọt mồ hôi trên trán, lại lau mồ hôi cho tôi.
Tối đến, tôi lại lẻn đi ra khỏi bệnh viện, do hồi sáng chúng tôi hẹn gặp nhau ở quảng trường. Đèo nhau trên chiếc xe đạp, anh tấp vào một quán sữa đậu nành gần quảng trường. Ánh đèn vàng vọt chiếu rọi lên khuôn mặt anh, làm nổi bật những đường nét góc cạnh. Anh pha sữa đậu nành rất ngon, thơm lừng mùi đậu nành rang. Tôi ngồi đó, ngắm nhìn anh, trong lòng tràn đầy cảm xúc, như lần đầu tôi có anh trai vậy.
Ngoài ra, ông ngoại còn kể cho tôi nghe về ông Tư Gà, một người bạn trong quân ngũ. Ông ấy có hai người con, một nam một nữ, và người nữ chính là mẹ của anh.
Sau hơn một tháng quen biết, tôi biết anh là một học giỏi và luôn rất ngưỡng mộ anh, nhất là khả năng giải toán siêu phàm. Mẹ anh thường kể rằng, các thầy cô trong trường ai cũng khen anh thông minh, có tố chất làm nhà toán học. Nghe vậy, tôi lại càng tò mò không biết làm sao một người bận rộn như anh, vừa phải chăm sóc ba, vừa làm thêm đủ thứ việc, mà vẫn có thể đạt được những thành tích đáng nể như vậy.
Một hôm, tôi thấy anh bận chuẩn bị đi giao báo, lại chưa làm bài tập. Tôi rón rén đến bên anh, ngỏ ý muốn giúp anh đi giao thay. Anh mỉm cười, giọng anh ấm áp, từ chối: "Cảm ơn em, nhưng con nít không làm cái này được đâu." Nghe vậy tôi liền bĩu môi. Ai nói tôi là con nít.
* * *
Trời Đà Lạt về đêm thật lạnh. Tôi và anh cùng nhau trốn xuống chợ đêm, tìm một góc nhỏ để ngồi. Chúng tôi gọi vài món với hai ly sữa.
Gió đông thổi mát rượi, nó làm tôi chẳng nhớ mình đã ngồi đó làm gì và nói gì, chỉ nhớ mỗi một điều.
Khi mà chúng tôi đang say sưa trò chuyện thì từ đằng xa, tôi bỗng nhìn thấy bóng dáng mấy anh mặc áo xanh lá đậm. Tim tôi đập mạnh, tôi lập tức kéo anh ra, tiếng hô hoán bắt đầu vang lên.
"Có chuyện gì vậy?" anh hốt hoảng hỏi, mắt hiện rõ vẻ lo lắng.
"Chạy thôi anh!" tôi vừa nói vừa nắm tay anh, kéo anh lao đi. Trong tay, chúng tôi vẫn còn cầm hai ly sữa đậu nành chưa kịp uống hết.
Cô chủ quán và những người bán hàng xung quanh cũng vội vàng thu dọn đồ đạc. Bàn ghế được nhanh chóng cất gọn vào vị trí, cảnh tượng hỗn loạn chẳng khác gì thời chiến tranh. Mọi người chạy tán loạn, kẻ ôm ghế, người vác bàn, tạo nên một khung cảnh vừa hài hước vừa căng thẳng.
Anh thở hổn hển, nhìn tôi, "Đang có chuyện gì hả?"
Tôi không nhịn được cười, "Đuổi hàng rong lấn đường, không ngồi được đâu."
Chiếc xe đạp màu xanh lao vun vút trên con đường nhựa, cắt ngang những hàng thông già nua, dưới màn đêm sâu thẳm. Lại một làn gió đêm lạnh buốt thổi vào mặt, mang theo mùi hương của nhựa thông và đất ẩm. Tôi khẽ rùng mình, vùi sâu khuôn mặt vào chiếc áo khoác dày cộp. Anh nói lớn: "Hay là chúng mình ghé chỗ kia nghỉ chút." Tôi gật đầu, ánh mắt dõi theo bóng lưng anh.
Chúng tôi dừng chân bên bờ hồ Xuân Hương. Ánh trăng lung linh phản chiếu trên mặt hồ, tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Bờ hồ Xuân Hương. Ánh đèn từ chiếc du thuyền kia trông như nhà hàng sang trọng, với hình con bướm trên đó sáng rực.
Tôi nhìn sang anh, ánh trăng chiếu vào khuôn mặt anh, làm nổi bật những đường nét góc cạnh. Đôi môi tuy có phần phồng rộp nhưng không che giấu được nét đẹp rạng ngời. Đôi mắt đen sâu thẳm của anh hướng về phía bầu trời, như đang tìm kiếm điều gì đó. Tôi tự hỏi, trong đôi mắt ấy đang ẩn chứa những gì? Là nỗi buồn, là niềm vui, hay đơn giản chỉ là sự cô đơn?
Đêm nay, trăng đẹp quá! Nhưng có lẽ, trăng đẹp nhất vẫn là trong đôi mắt của anh.
* * *
Sang ngày, sau giờ chiều, dì cho phép tôi đi chơi, tôi liền chạy đến phòng của ba anh.
Chú ấy vẫn ngủ trên giường, phía bên cạnh giường toàn những thứ dây nhợ rối rắm, còn nhiều hơn cả tôi. Anh Tùng thì nằm ngoài ghế đá, tay cầm quyển sách. Nhìn vậy tôi bèn hỏi:
"Anh đọc cái gì đấy, sao bìa nó không có chữ gì? Anh không ghi tên đi kẻo mất."
Tùng cười, đôi mắt sáng tựa minh châu ấy cuối cùng cũng rời khỏi cuốn sách. Anh ngồi dậy, nhích sát lại gần rồi giơ quyển sách ra cho tôi xem. Nhiều hàng chữ dài như đang nhảy múa trước mặt tôi.
"Anh đang làm minh chủ võ lâm, cái này là bí kíp của anh." Lúc này, anh mới lật trang đầu tiên cho tôi xem, tôi lẩm nhẩm đánh vần rồi cũng đọc thành tiếng: "Thiên Long Bát Bộ [1]. Là sách gì?"
Hồi đó, người ta hay mê đọc truyện kiếm hiệp. Cơn sốt kiếm hiệp Kim Dung [2] cũng vì vậy mà lan rộng khắp nơi. Hình ảnh những hiệp khách giang hồ, những trận giao đấu nghẹt thở, những câu chuyện tình yêu trắc trở... đã trở thành niềm đam mê của biết bao thế hệ. Mỗi đứa trẻ chúng tôi ai cũng đều mơ ước được hóa thân thành những hiệp lữ, anh hùng,... phiêu lưu khắp giang hồ, thiên hạ ai nấy cũng nể phục.
Một vài năm sau, đài truyền hình còn mua bản quyền phát sóng mấy bộ phim kiếm hiệp Kim Dung, phát trên truyền hình cho nhân dân xem.
Như "gãi đúng chỗ ngứa", anh bắt đầu giải thích cho tôi rằng đây là một cuốn truyện mà anh mới mượn được ở hiệu sách gần trường.
Anh đọc cho tôi nghe vài đoạn, các nhân vật trong truyện đều là các cao thủ võ lâm, nào là Đoàn Dự, Hư Trúc, Kiều Phong,... Tôi nghe một hồi thì rối càng thêm rối. Khi đọc đến phân cảnh nhân vật Kiều Phong chiến đấu với quân Mông Cổ[3] thì mặt Tùng phấn khích hẳn. Một mình nhân vật này cũng có thể "phá giải vòng vây", cứu được các huynh đệ trong bang. Anh vừa đọc vừa tấm tắc khen lấy khen để, còn giơ ngón cái với tôi bảo: "Chính nhân quân tử."
Đôi mày tôi cau lại, khó hiểu nhìn anh. Câu đó nghĩa là gì? Giật lấy cuốn sách trên tay anh, tôi tự mình đọc. Khổ nỗi số lượng chữ nhiều chi chít như thế này thì vượt ngoài tầm cho phép đối với một đứa tiểu học như tôi. Anh cốc đầu tôi một cái rồi lấy lại sách, tay anh duỗi lại phần mép sách bị gập vô, liên tục nói với tôi: " Đây để anh... để anh kể."
Qua lời kể của anh Tùng, Kiều Phong là một nhân vật mà anh ấy rất ngưỡng mộ, là một anh hùng trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung. Tôi nghe anh kể, Kiều Phong không phải là người Hán[4], mà là người Khiết Đan[5], một dân tộc từng xung đột với người Hán. Nhưng số phận đã đưa đẩy anh trở thành bang chủ Cái Bang, một môn phái danh tiếng của người Hán. Với võ công tuyệt đỉnh và tấm lòng nghĩa hiệp, Kiều Phong đã nhiều lần ra tay cứu giúp những người yếu thế, đánh đuổi giặc Mông Cổ.
Tuy nhiên, cuộc đời của Kiều Phong không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Anh mang trong mình mối thù sâu sắc với người Hán vì họ đã giết mẹ anh. Sự xung đột giữa lòng trung thành với dân tộc và tình cảm cá nhân khiến cuộc đời anh đầy bi kịch. Dù vậy, anh vẫn luôn giữ vững khí phách và tấm lòng trong sáng, làm lay động trái tim biết bao người.
Chúng tôi ngồi đó, anh đọc, tôi nằm, cả chiều mát cũng dần trôi theo những câu từ của anh.
Thời gian như trôi mãi, ánh nắng vàng cam cũng đã ló dạng, chiếu thẳng vào mặt tôi. Bừng tỉnh từ giấc ngủ, không biết tôi đã nằm đây mấy tiếng rồi. Cơn gió thổi nhẹ, tôi nhìn sang bên cạnh. Anh vẫn ngồi đó, đôi mắt chăm chú vào từng con chữ...
[1] Một tiểu thuyết võ hiệp khá nổi tiếng của nhà văn Kim Dung.
[2] Tên khai sinh là Tra Lương Dung, là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất đến văn học Trung Quốc hiện đại.
[3] Một hay một vài dân tộc, hiện nay chủ yếu cư trú tại Trung Quốc, Mông Cổ và Nga. Ước tính có khoảng 11 triệu người Mông Cổ.
[4] Một nhóm dân tộc và quốc gia Đông Á, có nguồn gốc lịch sử ở thung lũng sông Hoàng Hà của Trung Quốc hiện đại.
[5] Tên gọi của một dân tộc du mục Khitan, từng tồn tại ở Trung Á và Bắc Á.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top