15. Về Quê
[Một bông hoa bị giẫm nát vẫn từng là một bông hoa đẹp. Nhưng trong sự lãng quên và tàn nhẫn của cuộc đời, cái đẹp ấy bị vùi lấp, giống như cách người ta đôi khi vô tình giẫm đạp lên những điều quý giá nhất mà chính họ cũng không nhận ra.]
Mùa xuân chạm ngõ nhà tôi tự bao giờ mà chẳng ai hay. Gió thổi nhè nhẹ, tiếng chim hót líu lo và tiếng mọi người trong chung cư nói chuyện rôm rả. Do vậy, tôi không thể bỏ lỡ khoảnh khắc xuân sớm này được. Tay tôi ôm lấy bình tưới cây, đi ra ban công vừa chăm hoa vừa xem phong cảnh ngày xuân.
Dàn chậu hoa giấy của ba đỏ hồng một góc ban công, các cánh hoa mỏng manh đan xen với nhau như những đám mây rực rỡ đón ánh nắng đầu ngày. Làn sương chạm nhẹ lên những phiến lá, lấp lánh mang giọt lệ mùa xuân đến với thiên nhiên.
Tưới được một lúc tôi dừng tay rồi ngắm nhìn chậu mai to tướng. Nụ mai dàn đều theo từng cành, lác đác mấy nụ chấm vàng. Chỉ còn bốn ngày nữa là qua năm mới, tôi tự hỏi mấy cành này có nở kịp để đón Tết không?
Mãi mân mê mấy cây hoa, ba tôi từ đâu đi tới đặt hai tay lên vai tôi.
“Con gái dậy sớm vậy, có mấy bữa Tết sao không ngủ nướng đi.”
Mẹ đứng trong nhà nghe vậy nói vọng ra:
“Hai cha con ông xuống dưới hẻm mua hủ tiếu ăn đi, mua cho hai mẹ con tui nữa.”
Tôi nghe thế cũng chẳng màn việc tưới cây, cái bụng tôi cứ kêu rột rột từ nãy đến giờ. Hai ba con đi xuống dưới đường, hàng quán bày bán tấp nập, phía bên kia đường người ta còn đang bán hoa Tết. Bước những bước nhỏ đi theo ba vào con hẻm bên cạnh chung cư, thường ngày tôi không đi vào đây nên không biết rằng bên trong còn là một thiên đường ăn uống hơn cả ngoài lộ. Đi theo ba tới, chúng tôi dừng lại trước xe hủ tiếu của ông Xì.
Cái xe có màu bạc bạc của lớp nhôm đã xỉn màu theo năm tháng, nhưng vẫn sạch sẽ, sáng bóng ở những chỗ trên bề mặt. Có lẽ một phần do bàn tay của ông luôn lau chùi cẩn thận. Phía trên cùng là tủ kính nhỏ đựng các loại gia vị và nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn: những nắm mì vàng óng được quấn sẵn thành bó bó, nhiều miếng thịt xá xíu đỏ rực đã được lát mỏng để ở trong tô.
Bên cạnh tủ kính là những chai đựng xì dầu, dấm đỏ, hũ hành phi và không thể thiếu hũ sa tế thơm ngon được đặt bên cạnh. Dưới ngăn kính là đầy ấp tô sứ cũ và đũa tre ngả màu cánh gián, cái nào cũng đều tăm tắp. Ở góc dưới cùng là cái nồi nước lèo được khéo léo chia thành hai vách ngăn, một bên là nước hầm xương, khói bốc lên nghi ngút, thoang thoảng mùi thơm của củ cải. Còn lại là một vách ngăn nhỏ chỉ có mỗi nước sôi, thường được dùng để trụng mì hoặc hoành thánh cho chính.
Tôi mãi ngắm nhìn, vô thức kéo kéo tay ba tôi bên cạnh. Tuy nhiên, người đàn ông vạm vỡ ấy lại đang ngồi gọn gàng ở chỗ cái bàn inox xa xa. Ba tôi ngồi đó, vậy tôi mới kéo tay ai. Giật mình buông ra, tôi nhìn rõ lại người đó. Đó là anh con trai khác.
"Trang lại đây, đứng trời chồng ở đó.” Ba tôi hối thúc.
An tọa trên cái ghế nhựa đỏ, tôi xoay xoay hai tay nhìn ba tôi, trùng hợp ba tôi cũng nhìn tôi chờ đợi. Hai ba con ngồi như tượng cho đến khi chú bán hủ tiếu lên tiếng.
"A Có ăn gì? Như cũ hay sao.”
Ba tôi vọt miệng: "Không… không.” Xong lại ngừng một giây suy nghĩ, bèn nói lại.
"Tui thì như cũ, nhỏ này thì…” Ba nhìn tôi ý chờ câu trả lời. Tôi lí nhí: "Gì cũng được.” Không hài lòng với câu trả lời này, ông ấy khẽ lắc đầu rồi nói lại với chú bán hàng.
“Nhỏ này cho nó tô hoành thánh đi, đừng lấy hành. Với lấy tui hai bịch hủ tiếu đem về nhe.”
Chú ấy chỉ gật đầu đáp, hai tay vẫn thanh thoát trụng mì. Vắt mì ban nãy đã chín, được chú để gọn gàng vào tô. Mùi nước lèo thơm phức, khói bốc nghi ngút nóng hổi từ cái tô ở trên bàn. Tiếp theo là tô hoành thánh không hành của tôi.
Chú Thành nghỉ tay được một chút thì buôn chuyện phiếm với ba tôi. Hai người nói từ chuyện của phường cho đến chuyện ở khu phố, từ ngõ vào nhà. Chú ấy hào hứng khoe con trai mình là thủ khoa hệ chuyên, đậu trường "Chuyên Thành phố Hồ Chí Minh.”
Tôi nghẹn. Thành phố này to và đông, cho nên tỉ lệ cạnh tranh vào các trường trọng điểm và trường chuyên cao hơn mức bình thường. Vậy mà con chú ấy còn là thủ khoa.
"Thằng Tuấn giỏi quá, đâu có uổng công anh cho nó ăn học.” Ba tôi tấm tắc khen, chú Thành cứ cười mãi. Thành tích học tập tốt luôn là món quà hạnh phúc nhất từ con cái gửi đến cha mẹ.
Chú Thành cười to hơn, âm lượng giọng nói cũng lớn hơn, gọi cậu con trai của mình ra chào cha tôi.
Tôi sặc nước lèo. Hóa ra con trai chú Thành là người mà tôi kéo tay nhầm lúc nãy. Quan sát một lược từ đầu đến chân, tôi đánh giá kỹ hơn. Tóc tai gọn gàng, cách ăn mặc lịch sự, hai mắt đeo cặp kính như hai cái đít chai. Anh này cứ như nhân vật mọt sách bước từ trong truyện bước ra.
“Học giỏi như vậy thì không uổng công cặp mắt kính của anh dày.” Tôi lí nhí đủ bản thân nghe.
Ba tôi đứng dậy và đi đến vỗ vai anh ta, bảo:
“Lâu quá không thấy mày. Ráng học nghe con.”
Nói xong ông ấy đi tới chú Thành thanh toán tiền ăn. Đột nhiên như nhớ ra gì đó, ba quay đầu lại nhìn tôi, nói to.
"Này là anh Tuấn, con chú Thành, con học không hiểu bài nào thì đem xuống anh Tuấn dạy cho.”
Chú Thành cũng háo hức nói chung:
“Đúng rồi, con đem bài tập xuống đây rồi chú kêu nó giảng lại.” - Rồi nói với con trai mình.
"Có gì giúp đỡ em nha con.”
Hai người lại cười to. Anh Tuấn đó chẳng hề hé môi, tiếp tục làm việc của mình. Đúng là người gì chảnh chọe!
"Về thôi ba, mẹ mắng.” - Tôi kéo vạt áo sơ mi của ông.
Hai ba con tôi vẫy tay chào tạm biệt họ, về lại mái nhà thân yêu. Trước khi ra khỏi hẻm tôi không quên ngoái lại liếc anh ta một cái. Xí, trường chuyên thì trường chuyên, sao phải khoe khoang. Chợt nghĩ đến anh Tùng cũng học rất giỏi, có khi anh ấy cũng học trường chuyên.
Vừa vào tới nhà, tôi mệt mỏi nằm sấp xuống sofa, cái bụng căng tròn làm hai mắt tôi díu lại. Ba đánh vào lưng tôi nhắc nhở: "Mới ăn no sao lại nằm, ngồi dậy nhanh.”
Mẹ tôi đang rửa cho xong mớ chén dĩa nằm ngổn ngang trong bồn hôm qua thì cũng ngưng tay chạy ra rầy cả hai:
"Hai người đi ăn gì mà lâu, một mình tui làm không hết việc.”
Tôi cầm ra hai cái tô với muỗng đũa, cẩn thận đổ từng bịch hủ tiếu ra. Nhìn quanh nhà không thấy thằng Trọng đâu, ba tôi hỏi: "Ủa thằng Trọng chạy đâu rồi?”
"Nãy nó nằm ngủ trương cái thây, tui mới la nó rồi kêu nó đi cọ nhà tắm rồi.”
Ba tôi nghe vậy thì bật cười, thằng quý tử của cả nhà vậy mà nay phải đi cọ nhà tắm.
Thằng Trọng nghe thấy tiếng ngoài phòng khách cũng ba chân bốn cẳng chạy ra tới chỗ ba tôi. Nó nhanh nhẩu ngồi xuống ghế rồi kéo một tô về chỗ mình.
“Đói quá, con mới dậy mẹ đã kêu đi cọ nhà vệ sinh.”
Nó nhìn qua nhìn lại kiếm bịch nước chấm, thấy cái bịch còn nguyên chưa mở thì nó lại cầm tay nài nỉ tôi gỡ giúp cái dây chun:
"Chị hai mở giùm em cái này đi.”
Tôi lắc đầu ngao ngán, mở cái bịch giúp nó. Mẹ tôi lúc này cũng đã hoàn thành xong việc rửa chén, thấy tôi đổ sẵn ra đồ ăn thì lại khen ngợi vẻ trêu chọc:
"Nay con nhỏ này siêng đột xuất, đổ sẵn hủ tiếu cho mình ăn.”
Tôi ngại ngùng chu môi. Ba tôi bắt đầu giao việc: "Con Trang hổng ấy đi lau cái bàn thờ đi.”
Mẹ tôi nghe vậy thì ngưng đũa, chỉ vô cái tủ thờ.
"Con lấy lá bưởi mẹ để trong tủ rồi bỏ vô nước để lau nghen, dọn cái tàn nhang sạch sẽ rồi lau.”
Cung kính không bằng tuân mệnh, tôi bắt đầu đi làm việc.
Được một lúc, mẹ tôi đi tới bảo tôi về phòng, để mẹ làm nốt cho. Bỗng mẹ tôi nói với ra:
"Này, con nhớ soạn sẵn hành lý đồ đạc để chuẩn bị về Đà Lạt.”
Cánh cửa ngừng lại trước khi khoen cửa kịp chạm vào thành cửa. Tôi lớn tiếng:
“Chừng nào đi vậy mẹ?”
"Sáng sớm mai.”
"Con nhớ rồi.”
Tôi vui mừng khôn xiết, đóng cửa sầm lại. Vậy là tôi sắp được gặp ông ngoại thêm một lần nữa. Lâng lâng trong niềm vui sướng này, chẳng hiểu sao nhớ ra một điều mà tôi tưởng mình đã quên đi mất.
Anh Tùng sống như thế nào nhỉ? Liệu anh với mẹ có về thăm quê hay không? Nghĩ đến những điều này lòng tôi phấn khích không ngớt.
******
"TRANG, CON XUỐNG TẠP HÓA CÔ HAI MUA CHO MẸ MẤY HỘP BÁNH. NHANH.”
Mẹ tôi hét to hết mức làm tôi giật cả mình. Khoác vội một chiếc áo mỏng, tôi nhanh chóng đi xuống lầu.
Ánh nắng chiều vương nhẹ trên mái đầu, nhuộm vàng một góc lối nhỏ. Mặt trời dần chìm vào giấc mộng hoàng hôn, không còn rực rỡ kiêu hãnh như buổi bình minh, mà dịu dàng tựa một lời thì thầm.
Nhận lấy cái túi to từ tay cô bán hàng, tôi cẩn thận kiểm tra lại: bánh quy, bánh ngoại nhập như Choco-pie, bánh bơ Pháp, kẹo dẻo, kẹo mềm. Vừa đi tôi vừa kiểm tới kiểm lui, tất cả đều đã đủ, đống bánh này đều là quà Tết cho mấy em họ ở quê.
"Úi.” Mãi lo nhìn mấy hộp bánh, tôi đâm sầm vào người đi đường rồi ngã nhào ra đất. Định bụng sẽ mắng mỏ, nhưng tôi nhìn lại.
"Ơ Trang có sao không? Xin lỗi cậu.”
Thắng đi đâu đây? Tôi cứng đờ cả người.
Cậu ta thấy tôi bất động thì hoảng hốt, bàn tay mềm mại sờ lên mặt rồi tóc tôi xem có bị thương ở đâu không. Thắng nắm lấy tay tôi rồi đỡ lên. Lúc này hồn tôi mới trở về xác, tôi nhanh chóng lắc đầu bảo:
"Không sao đâu Thắng, do mình không nhìn đường.”
Thắng nhìn xuống cái túi nằm dưới đất, cậu ta nhặt lên xong đưa nó cho tôi, khẽ nói:
"Cậu mua nhiều bánh nhỉ? Cho tớ một hộp được không?”
Nghe vậy tôi lấy hộp bánh ra đưa cho cậu ta. Thắng lại bất ngờ hoảng hốt:
"Đùa thôi.”
Tôi vẫn nhét hộp bánh vào tay cậu ta rồi bảo:
"Cái này mua về quê, mua nhiều lắm. Cậu cũng mua đồ để về quê à?”
Đằng sau Thắng là túi lớn túi nhỏ đựng đầy thực phẩm. Cậu ta nhìn tôi một lúc, không từ chối nữa.
"Mua ăn vặt ngày Tết.” Thắng ngưng một chút, cất hộp bánh vào túi phía sau, bên cạnh đó lại lấy ra một hộp kẹo dâu tằm.
"Nhận bánh của cậu rồi thì cậu phải lấy cái này.” Cậu ấy bỏ thẳng hộp kẹo vào trong túi của tôi. Không để tôi nói thêm, Thắng cầm mấy cái túi chạy mất, chỉ để lại nụ cười chào tạm biệt.
* * *
Sáng 4 giờ 30 phút.
Chỉ duy nhất lần này là tôi dậy sớm hơn trước đồng hồ báo thức. Bởi vì tôi sắp được về lại Đà Lạt.
Mỗi năm cả nhà tôi chỉ về được một lần vào mùa Tết. Lúc nào về, ông ngoại cũng ôm hai chị em rồi kể chuyện ở quê cho hai đứa nghe. Tôi nhớ ông nhiều, nhớ Đà Lạt cũng không ít.
Làm vệ sinh cá nhân xong xuôi, vơ hết nhiều dụng cụ bỏ vào trong cái túi ni lông màu trắng, gói lại thành một cuộn nhỏ. Quần áo thì tôi lựa vài bộ mà tôi cho là ưng ý và mới nhất, để có gì còn khoe với ông là sống ở thành phố tốt lắm, được ăn no mặc đẹp như người thành thị.
Không quên lấy theo những vật dụng mà tôi luôn gắn bó, xếp gọn chúng vào trong cái balo đi học, may mắn là vừa y. Tôi đeo cái cặp lên vai, tung tăng mở cửa phòng ra ngoài.
Thằng Trọng nó còn uể oải ngáp lên ngáp xuống, nhìn thấy bộ dạng tôi sửa soạn xong, mắt nó nhìn tôi kinh ngạc đến độ thốt lên:
"Chị dậy sớm dữ vậy? Bộ đi ăn trộm hay sao mà sửa soạn lẹ quá.”
Tôi dùng ngón tay cái quẹt mũi một cái, ra vẻ ta đây.
"Chị mày mà. Đâu có lôi thôi như mày. Còn không lo mà đánh răng rửa mặt, tý bỏ lại mày ở nhà ráng chịu nha.”
Nó nghe vậy tự dưng giật mình, hớt hải ba chân bốn cẳng chạy ngay vào nhà tắm, đóng cửa cái rầm.
Ba mẹ tôi chuẩn bị sẵn hết đồ đạc vào trong cái vali thật to. Do đi về quê nhiều ngày nên mẹ tôi có nhờ cô hàng xóm kế bên, có gì ngó nhà tôi trong lúc đi vắng. Mặc dù chung cư này thường hiếm khi có trộm, nhưng cẩn trọng vẫn hơn.
Ngoài đường vắng tanh không một bóng người. Tôi hay được nghe nói Sài Gòn là thành phố nhộn nhịp không bao giờ ngủ, nhưng đón nhận cảnh tượng vắng vẻ này cũng thật hiếm thấy.
Chiếc xe đò đến đón cả gia đình chúng tôi. Trên xe hầu như rất đông khách, nên không phải ai cũng có thể ngồi chung với người quen được, gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ.
Tôi ngồi với mẹ tôi ở ghế gần tài xế, còn hai cha con thằng Trọng thì ở tuốt đằng sau. Chiếc xe lăn bánh đều đều, đi qua các cung đường đầy xe lớn. Tôi nhận ra cổng chào Bình Dương bên khung cửa sổ, cũng là lúc tôi thật sự rời khỏi nơi gọi là Sài Gòn. Thói quen nghe nhạc ngắm phố xá luôn là một trong những thú vui lúc buồn chán không có gì làm.
Chốc chốc vậy mà trời cũng sáng, tôi nhận ra ông ngoại đang đứng chờ ở cổng nhà. Đôi mắt ông nhìn tới lui rồi dường như đã thấy thứ mình cần thấy. Tôi dự định chạy đến ôm ông nhưng thằng Trọng nó hớt tay trên. Trọng buông cái túi đồ xuống đất, chạy tới sà vào lòng ông, tôi cũng nhanh chóng chạy theo.
"Con Bột đâu rồi ông, nãy con đi vào không thấy nó?”
Tôi đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm nó. Con Bột là con mèo trắng mà tôi nhặt nuôi trước khi lên Sài Gòn.
Ông trầm tư một lúc rồi bảo:
"Nó đi chơi đâu đó rồi, ông cũng không thấy.”
Qua bữa xế, tìm mãi tôi cũng không thấy nó đâu. Con Bột nó hay chạy ra vườn, tôi chạy ra theo hướng vườn sau hè.
"Bột ơi, con trốn đâu?” Tôi vừa tìm vừa gọi tên nó với mong muốn gặp lại, cũng đã hơn một năm rồi. Dì Út đang tưới hoa, thấy tôi loay hoay thì hỏi:
"Tìm gì vậy Trang?”
"Dạ con tìm con mèo màu trắng, có cái đuôi màu cam.” Tôi vừa nói vừa miêu tả.
Dì Út như nhớ ra gì đó bèn nói: “Con Bột đúng không? Nó bỏ đi mấy bữa rồi.”
Tôi trố mắt, nhìn sắc mặt tôi không tốt, dì trấn an:
“Con mèo nhà cô cũng bỏ đi mấy ngày, mới quay về hôm qua nè. Chắc mai mốt nó về á.”
"Bỏ đi... sao lại bỏ đi được?" Tôi lẩm bẩm, bàn tay nắm chặt lấy vạt áo. Cổ họng tôi như có gì đó chặn ngang, không tài nào nói thêm được gì.
Dì Út bối rối trước ánh mắt đượm buồn của tôi, đành bảo:
"Thôi dì đi làm việc đây, không sao đâu, chắc mai mốt nó về nha con, đừng buồn.”
Nói xong, dì quay lưng, bật vòi nước tưới những chậu cây. Tiếng nước chảy xối xả át đi mọi âm thanh, nhưng không át nổi tiếng nấc nhẹ phát ra từ cổ họng tôi.
Mấy ngày Tết vì vậy mà bỗng chốc trở nên trống rỗng. Cảm giác háo hức ngày đầu dần tan biến. Trước ngày về lại Sài Gòn, tôi sợ mình sắp quên mất gương mặt con Bột, bởi vậy nên tôi tìm nó lần cuối. Bới tung cả cái sân lên thêm lần nữa cũng chẳng thấy nó đâu. Tôi kìm nén không để nước mắt rơi bởi vì mẹ bảo rằng đầu năm không được khóc. Cuối cùng, tôi đành bất lực trở về phòng.
Nằm xoay người qua lại, tôi cố gắng ép bản thân mình ngủ, tự trấn an con Bột chắc không sao, đi đâu chơi với đám mèo hoang bên ngoài thôi. Thoắt nhiên, tiếng gõ cửa vang lên. Ông ngoại bước tới ngồi bên giường, khẽ lay tôi dậy.
"Trang ơi, con ngủ chưa?”
Tôi giả vờ không động đậy, nhắm mắt ngủ xoay lưng ra ngoài.
"Con đừng buồn nhé, con Bột không sao đâu. Khi nào nó về ông bảo với con.”
Nói rồi, ông vuốt nhẹ làn tóc tôi, đứng dậy đi rón rén, khép nhẹ cửa phòng.
Tôi không dám ngồi dậy đối mặt ông. Tôi sợ không kìm lòng được, sà vào người ông mà khóc. Dù gì tôi cũng là học sinh cấp 2. Phải mạnh mẽ hơn. Không được mít ướt.
Đêm hôm đó tôi nằm mơ.
Mơ thấy tôi dẫn con Bột ra ngoài quảng trường đi dạo vào ban đêm. Nó vui vẻ lắm. Hết đi tới bụi cây này tới bụi cây kia. Nó còn leo lên cây thông cao vút, cào cào hai cái móng vuốt trên thân cây. Tôi để ý thấy sợi dây vướng víu trên cổ, sợ nó bất tiện, tháo dây để nó có thể tự do chạy nhảy làm điều nó thích.
Tôi chỉ không biết cái sự chiều chuộng dẫn đến bi kịch. Nó quá mê chơi, chạy theo con chuột trong bụi cây, thoắt một cái phóng ra giữa đường.
Đúng lúc tiếng xe hơi chạy tới, bóp kèn inh ỏi.
Rầm.
Vũng máu loang lổ hết ra một mảng đường. Tôi vừa khóc nức nở, vừa trách ông tài xế sao chạy nhanh quá. Ngay trong đêm hôm đó, tôi đào huyệt, đặt em ấy xuống rồi chôn lại, chôn Bột và chôn cảm xúc của tôi.
Tỉnh dậy, người đầy mồ hôi, ướt hết cả tấm lưng. Tôi thở phào, may quá, chỉ là ác mộng.
* * *
Chuyến xe đò từ Đà Lạt xuống Sài Gòn bắt đầu lăn bánh. Gió đêm thổi nhè nhẹ qua khung cửa kính, rít liên hồi. Như mọi lần, tôi cố nhoài người ra cửa sổ, đôi mắt dõi theo cảnh vật lần cuối. Xe lao nhanh trên những con đường quanh co, thoáng lướt ngang qua đồi hoa dã quỳ vàng rực. Ánh nắng sớm cứ như đang thiên vị, rót cái ánh sáng ấm áp lên cả một vùng đồi, như muốn kéo mọi sự chú ý đổ dồn vào vẻ đẹp rực rỡ của những bông hoa mọc trên nó. Tôi nhìn mãi về phía đồi hoa, bỗng dưng, tôi nhớ ra mình quên mất một người. Mãi lo lắng con Bột, tôi quên mất anh.
Đầu hè, 1995
"Trang, Trang! Sao em té xuống hồ vậy?”
Giọng anh Tùng vang lên từ đầu ngõ, cái miệng inh ỏi không nguôi. Vừa nói, anh vừa chạy ào ào tới, mặt đầy vẻ hốt hoảng. Tôi đang lau mái tóc còn đang ướt sũng, chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh đã áp tay vào trán tôi kiểm tra. Có vẻ bề mặt vẫn bình thường nên nụ cười đặc trưng ấy lại đang toe tóe. Nói xong, anh xoa đầu tôi như thể muốn chắc chắn tôi vẫn nguyên vẹn, sau đó bất ngờ ôm lấy đầu tôi.
"Không sao rồi. Mừng quá! Cứ sợ em bị đập đầu.”
Sững người, tôi đẩy tay anh ra. Không để tôi đoán được hành động kế tiếp, anh cóc vào đầu tôi một cái rõ đau xong bật cười ha hả.
“Uiiii daaa!!! Cái ông nàyyyy!”. Tôi bặm môi, phụng phịu, ôm đầu rồi lên giọng với anh: "Đánh đầu người ta, học ngu ráng chịu nha!”
"Nay biết ngại đồ he, học ngu cũng được, anh mày cho tiền mày học tới chừng nào khôn thì thôi.” Anh khoanh tay, nói với giọng tự hào như nhà tài trợ học bổng.
Tôi tức đến mức muốn cãi lại, nhưng không biết nói gì, chỉ trừng mắt nhìn anh. Nếu tôi không chết vì ngã hồ thì chắc cũng chết vì bị anh cóc đầu mất!
Thế nhưng, anh đột nhiên im lặng. Tùng khụy xuống trước mặt tôi, nhìn chằm chằm, vẻ mặt nghiêm túc đến lạ.
"Mà… rốt cuộc làm sao mà té hồ? Ai xô em đúng không?”
Tôi chớp chớp mắt, lắc đầu, lí nhí trả lời: “Em tự té.”
"Đừng có xạo, tụi thằng Thiên nó kể hết rồi. Là con Duyên đúng không?” Anh nói, ánh mắt nhìn tôi đầy nghi hoặc.
Lúc này, tôi biết mình không thể giấu được thêm, đành gật đầu. Nhỏ Duyên không cố ý, tôi cũng không muốn trách nó nên vội nói đỡ:
"Nhưng nó xin lỗi em rồi mà.”
Tùng không nói gì, ánh mắt đăm chiêu như đang suy nghĩ điều gì đó. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh đứng phắt dậy, nắm lấy tay tôi, nụ cười lại hiện hữu trên khuôn mặt.
"Thôi, bỏ đi! Không buồn nữa nha. Giờ anh dẫn em đi chỗ này, đẹp lắm!”
Không kịp phản ứng, tôi bị anh lôi đi, quên cả chuyện đóng cửa rào. Hai đôi dép lạch bạch trên con đường đất, bụi bay mịt mù. Chỉ một thời gian ngắn, trước mắt chúng tôi hiện lên một ngọn đồi dã quỳ rực rỡ, hoa vàng trải dài tới tận chân trời.
Tìm một viên đá to, anh phủi bụi trên đó, còn cẩn thận lấy một chiếc dép của mình lót lên và bảo tôi ngồi xuống. Gió chiều thổi qua dịu mát, mang theo hương thơm thảo mộc. Bầu trời trong vắt, điểm xuyết vài cụm mây trắng lững lờ trôi.
"Tặng em.”
Từ đâu, một bó dã quỳ được chìa ra. Ngẩng đầu nhìn, tôi thấy anh Tùng đang cười toe toét, đôi mắt híp lại.
Khoảng lặng kéo dài bao trùm lấy hai đứa. Tôi ngồi ngân nga một bài hát thiếu nhi, trong đầu chẳng biết sao lại đi đếm từng cánh hoa nhỏ bé. Còn Tùng, anh chỉ im lặng, ánh mắt xa xăm, như đang nghĩ ngợi điều gì đó.
"Em thích hoa dã quỳ à." – Anh hỏi, phá vỡ sự tĩnh lặng.
Tôi ngước lên nhìn anh, đôi mắt tròn xoe, chống cằm, cố nặn ra vẻ mặt như đang suy nghĩ sâu sắc:
"Không, em không chỉ thích hoa dã quỳ, em thích hết các loài hoa khác."
Dứt lời, tôi ngừng lại một chút, chỉ vào cánh hoa vàng trước mặt, nhẹ nhàng tiếp lời:
"Cánh hoa mềm như vậy lại có thể dính chặt vào cái nhụy này, anh thấy không?" Tôi giơ một cành hoa ra lắc lắc, Tùng nghệt mặt ra rồi trả lời: "Em bứt từng cánh hoa là nó rụng thôi, hoặc là gió thổi mạnh thì nó cũng rơi."
"Không, sao em phải bứt, hoa đẹp như vậy thì phải nâng niu chứ." Tôi phản bác rồi lại khẽ cười, tiếp tục nói: "Tự dưng em nghĩ… mấy bông hoa này nếu không có nhụy hoa thì còn đẹp không...”
"Em không biết ‘não’ của loài hoa này nằm ở đâu? Em đoán nó nằm ở nhụy hoa, mình bứt hết cánh hoa như vậy thì não nó sẽ tổn thương.”
Tùng im lặng, tay mân mê một nhánh hoa dã quỳ. Anh nhìn tôi, cười mà cũng như đang nghĩ ngợi. Một lúc sau anh cầm cành hoa đánh người tôi, nói:
“Ngốc, không phải cái gì cũng có ‘não’ đâu.”
"Hứ. Em chỉ thấy nếu mọi người cứ bứt, ngắt hoa bừa bãi. Vậy chẳng phải nó sẽ rất tổn thương sao.”
Trong đầu thình lình hiện lên hình ảnh con Duyên và đám bạn ngày trước, từng xuýt xoa khen bụi hồng gần trường đẹp thế nào. Vậy mà chưa đầy một phút, cả lũ đã ùa vào bứt sạch, mỗi đứa cầm một hai cành trên tay, để lại gốc hồng xác xơ chẳng còn gì. Anh không đáp, tôi nghĩ anh không muốn đôi co với tôi thêm nữa nên cũng im lặng. Cả hai chúng tôi chìm vào không gian vắng tiếng, để mặc cho cơn gió chiều nhẹ nhàng ru qua. Lúc hoàng hôn buông xuống, chúng tôi mới đứng dậy trở về nhà.
Cách nhà tôi hai con ngõ, có một em mèo trắng muốt, riêng chỉ có cái đuôi nó màu cam. Thấy có người, nó như lưu manh nhảy bổ ra làm tôi giật mình. Con mèo quấn lấy chân tôi không rời. Nó lưu luyến như vậy nên anh Tùng ngồi xuống thử xoa đầu.
"Con đói lắm rồi, đúng không?” Anh nói, con mèo cũng phản xạ dụi vào tay anh, kêu lên một tiếng.
Do trời tối, quan sát kỹ lại tôi mới thấy bộ lông trắng như bột của nó bị dính một mảng keo dính chuột. Tôi nói với anh giọng gấp gáp:
"Đem nó về cho ông ngoại thôi anh, nó bị dính keo.”
Anh Tùng ẵm nó trên tay, chạy theo tôi về đến nhà. Mất hơn hai giờ đồng hồ với đủ cách, cuối cùng thì lớp keo cũng sạch mà không cần cạo hết lông. Anh ôm nó, còn nó thì lại cuộn tròn trong người anh ngủ thiếp đi. Tôi nhìn ông ngoại với ánh mắt cầu xin, môi chu chu nói với giọng nũng nịu:
"Con nuôi con Bột được không ông? Giờ thả đi thì tội nghiệp quá.”
Ông không chờ mà đáp gọn lỏn: "Được.”
Vậy là từ hôm đó, chú mèo trắng đuôi cam – mà tôi gọi là Bột – đã trở thành một thành viên trong gia đình. Nó không còn phải cô độc lang thang, mà đã tìm thấy nơi nó thuộc về.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top