14. Viên ngọc sáng
[Để trở thành viên ngọc sáng nhất phải trải qua quá trình mài dũa không ngừng nghỉ. Sự “mài dũa” ở đây không chỉ đơn thuần là sự học hỏi hay rèn luyện bản thân, mà còn là loại bỏ đi những thói xấu, sự tự mãn, bản tính cố chấp vào cái ngã, và cả những ảo tưởng về cái tôi.
Lão Tử trong Đạo Đức Kinh[1] có nói: “Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn”. Câu này có nghĩa là việc tu dưỡng không chỉ là việc tích lũy tri thức, mà là việc giảm bớt những vọng tưởng, những ham muốn không cần thiết, để dần trở về với bản chất tinh khiết và sáng suốt của mình.
Giống như viên ngọc, chúng ta cần trải qua thử thách và gian khó để có thể tỏa sáng. Trong quá trình đó, ta cần học cách sống hòa hợp với tự nhiên, buông bỏ những điều tiêu cực, để dần dần biến mình thành một phiên bản hoàn hảo hơn.]
Ngày hôm đó là một ngày đặc biệt đối với tôi. Vừa là dịp để tri ân những “Người lái đò” đã đưa biết bao thế hệ học trò qua sông, vừa là lần đầu tiên tôi dám bước lên sân khấu, đối mặt với bao ánh mắt phía dưới.
Điều đầu tiên cần đối mặt đó là đám đông. Tôi phải trải qua một loạt cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố khác nhau, kèm cả nỗi lo lắng và sự tự ti.
**********
Từ sớm, trước cổng trường đã tấp nập tiếng cười đùa, từng tốp học sinh tụ tập quanh những xe hoa bán rong trước cổng vào. Cũng như mọi năm, những giỏ hoa rực rỡ sắc màu được trưng bày – hoa hồng đỏ thắm, cẩm tú cầu xanh mướt, tất cả như cùng hòa mình vào ngày thu rực rỡ, thể hiện sự trọng đại trong dịp lễ này.
Vẫn nhớ lúc học lớp Bốn, vẫn là ngày Nhà giáo, vẫn những bông hồng đỏ. Nắng hôm đó đẹp, chiếu xuống con đường mòn nhỏ như dẫn lối tôi đến trường. Đêm qua tôi thức cả đêm mà không làm bài tập chỉ để móc ống heo vài tờ tiền. Tôi đem hết số tiền mình có đi mua mười mấy bông hoa hồng, tặng mỗi thầy mỗi cô một bông. Mọi người đều dành cho tôi những lời trân trọng hay câu cảm ơn, nhưng có vẻ cô giáo chủ nhiệm không thích cây bông hồng của tôi. Cô ấy cười nhưng không biết vô tình hay cố ý, cô đã bỏ quên những cây bông hồng trơ trọi dưới chân bàn.
Dù là vậy, tôi vẫn thấy rằng có giáo viên này thì cũng sẽ có giáo viên kia. Nhưng trong trường hợp của tôi, thì giáo viên lại có hình tượng không được mấy tốt đẹp. Những cảm xúc tiêu cực đó biến tôi thành đứa khó gần gũi, cho đến khi gặp được cô Văn - một nhà giáo tận tâm với nghề.
Nhỏ Huyền kéo tôi đến trường sớm hơn mọi ngày. Hai đứa la cà mấy chỗ ăn vặt một lúc thì ghé vào một gánh hoa. Kể ra lại thấy lạ, bình thường một bông hồng có mỗi năm trăm đồng, vậy mà nay lại bán với giá gấp ba. Cái mặt nhỏ Huyền sượng hơn cả cái bánh bao chiều để mấy ngày. Nhìn vậy, tôi véo vào cái má bánh bao của nó rồi mua hai cây bông, mỗi đứa một cây. Vừa tới lớp đã thấy nhóm các bạn múa đã có mặt đầy đủ. Tụi nhỏ Hân bữa nay đảm nhận vai trò hóa trang cho cả tụi này. Trông thấy cô Văn ở cuối lớp, hôm nay vận bộ áo dài đỏ đính đầy họa tiết bông hoa, nó y hệt như bông hồng đỏ mà tôi sắp tặng vậy. Tôi ngại ngùng, đành đưa bông hồng cho Huyền tặng giúp rồi nhanh chóng ổn định với lớp.
Con trai lớp 6A1 ga lăng thứ nhất thì thằng Thắng ga lăng thứ hai, theo tôi là vậy. Cả đám con trai hí hoáy xếp ghế gọn gàng để một lát còn ngồi xem. Đám con gái đứa thì giúp chuẩn bị đạo cụ, đứa lại giúp bới tóc. Loay hoay mãi thì giờ "vàng” cũng đã đến.
Buổi sinh hoạt chào cờ vẫn diễn ra như thường lệ, chỉ khác là thời gian sinh hoạt ngắn hơn, nhường thời lượng còn lại cho những tiết mục dự thi. Học sinh bị bắt tham dự hết lớp nên cả trường chi chít bóng áo trắng lấp đầy hết sân. Ở giữa sân, nắng là lên cao ngang tầm nhìn, ánh sáng chiếu thẳng vào mắt khiến ai cũng la ó.
Thầy hiệu trưởng bước lên bục phát biểu những lời cuối trước khi cuộc thi bắt đầu. Khung cảnh trang nghiêm, gom hết mọi sự tập trung hướng vào thầy. Sân trường im ắng đến mức chỉ còn đọng lại tiếng chim hót. Tóc thầy bạc trắng, đeo cặp kính lão tuột xuống sống mũi, da hiện rõ những đường gân. Thầy nhìn xuống dưới, ánh mắt chậm rãi dừng lại từng gương mặt học trò, rồi khẽ mỉm cười.
“Các em à,” thầy chậm rãi, “người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người giúp chúng ta biết sống và ước mơ. Hôm nay là ngày đặc biệt để chúng ta gửi những lời cảm ơn chân thành nhất tới thầy cô – những người đã dành cả tuổi trẻ đưa các em đến với bờ của kiến thức.”
Tiếng vỗ tay không ngớt, từng nhịp rộn ràng khắp không gian, nhưng trong lòng tôi cảm giác bỡ ngỡ, chẳng dễ gì diễn tả bằng lời. Bởi tôi hiểu rằng, chúng tôi đã nhận được một điều quý giá từ thầy cô, một điều mãi mãi in sâu trong ký ức.
Trước khi đăng ký tiết mục, mỗi lớp đại diện ra một bạn để bốc thăm thứ tự biểu diễn văn nghệ. Lớp tôi bốc thăm được thứ tự cuối cùng, nghĩa là sẽ diễn ra vào lúc mà học sinh có thể ra về nếu không muốn ở lại xem. Lớp 6A5 cũng không khấm khá hơn, chỉ cách tiết mục của chúng tôi hai lớp.
Lớp tôi đã có sẵn một quân bài mà dự định sẽ giấu nhẹm đến giây phút cuối cùng mới tung ra.
Trên sân khấu, các tiết mục nối tiếp nhau. Tôi đứng sau cánh gà, nhìn từng bài hát, từng bài múa của những lớp khác, mà lòng không khỏi hồi hộp. Lớp của nhỏ Tú ra giữa sân khấu, bài nhạc chúng tôi vẫn nghe mỗi khi tập dượt vang lên, và hàng ngũ lớp ấy xếp theo hình bông hoa, nhỏ Tú đứng ở vị trí trung tâm, khiến Huyền đứng cạnh tôi chép miệng lẩm bẩm, “Đúng là...”, rồi quay sang tôi, mặt mày bực bội. Tôi chỉ biết cười trừ, vỗ vỗ lên vai nhỏ, còn ánh mắt vẫn dõi lên sân khấu. Tiết mục của lớp Tú trông rất đều đặn nhưng có vẻ thiếu đi tự tin, động tác múa đều rất cứng. Tiếng vỗ tay vang lên khi phần biểu diễn của họ kết thúc, đặc biệt từ những nhóm bạn nam bên dưới.
Thời gian trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, mới đó mà đã gần đến tiết mục của lớp 6A1. Tôi bắt đầu lo lắng, đi qua đi lại ở phía sau. Con tim ở ngực trái dường như đang đập mạnh mẽ hơn bao giờ hết, cứ như là hơn cả trăm nhịp trên một phút. Bỗng lại nhận được một cái vỗ vai, tôi nhìn ra sau. Thắng lướt ngang như cơn gió, cậu ta cười xã giao một cái với tôi rồi đi ra sân khấu.
Các bạn học sinh lần lượt xếp hàng đều trên bục. Có ba hàng, từ cao tới thấp, ai lùn thì sẽ đứng hàng dưới cùng, còn cao sẽ đứng hàng trên cùng, tránh việc cao đứng dưới sẽ che hết những người lùn. Thắng đứng phía ngoài cùng của hàng dưới, do giáo viên sợ chiều cao khiêm tốn của cậu sẽ “che” hết mấy bạn phía trên.
Lớp cậu chọn bài “Bụi phấn” – một bài hát dường như đã trở thành bất hủ cho những dịp như thế này. Trang phục cũng rất chi đơn giản, áo trắng cùng với quần tây nếu là nam, còn nữ sẽ mặc váy dây, dài qua đầu gối, giống với kiểu của mấy chị hay mua hàng nước ngoài cổng trường.
Do phần biểu diễn của chúng tôi cận kề, nên tôi chỉ xem họ hát được khúc đầu. Mọi người lắc lư qua lại tạo hình thành sóng, với hàng lẻ thì một hướng, chẵn thì hướng còn lại, đều đều theo nhịp của bài hát. Micro có giới hạn, nên chỉ được trao tay ai có giọng hát hay nhất lớp, và Thắng là người vinh hạnh được làm điều đó.
Giọng cậu ấy cao chót vót, tôi không nghĩ là lại hay đến thế, bởi đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe Thắng hát. Những người còn lại thì có vẻ không theo kịp được giọng hát đấy, nên cảm giác tiết mục từ tốp ca như trở thành đơn ca và hát bè. Sau khi nốt nhạc cuối cùng cất lên, cả trường vỗ tay ào ào, tiếng hò reo cỗ vũ của khán giả ở phía dưới rất nhiều.
Tiếng hát đơn ca của tiết mục kế cuối kết thúc. Hai tay tôi hết nắm chặt rồi lại nghịch váy để giải tỏa cơn căng thẳng. Cả nhóm đi ra giữa sân khấu, đối diện với hàng ngàn ánh mắt đang nhìn chằm chằm về phía mình, đầu gối tôi rung lên. Hít một hơi tôi nhìn thẳng, hai mắt lại vô tình nhìn về phía cuối hàng. Thắng ngồi vỗ tay nhiệt tình cho lớp bọn tôi. Cái cảm giác hồi hộp lúc nãy tan đâu mất, chỉ còn lại một chút tự tin để hoàn thành bài thi.
Tuy rằng đây là lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu, nhưng lại cảm thấy mình đã chạm vào cửa sổ, sau này có thể nhìn lại tâm hồn mình qua khung cửa ấy.
* * *
Ở giữa sân khấu, Ngọc gảy một điệu rồi vào nhịp bài hát, dáng điệu chậm rãi mà đầy tự tin. Cả nhóm đứng theo đội hình, cùng nhau kết hợp với nhịp điệu tinh tế của khúc nhạc. Khi tiếng đàn vang lên, âm thanh trong trẻo lan tỏa như giọt nước nhiễu xuống mặt hồ phẳng lặng, len lỏi vào từng ngóc ngách không gian, khẽ khàng chạm vào lòng người nghe. Tiếng đàn của Ngọc, vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm, từng cung bậc thanh âm như đang kể lại câu chuyện xưa của người con gái mong nhớ chàng trai ở phương xa, thời gian cứ qua đi nhưng tình cảm chẳng bao giờ nhạt phai. Theo nhịp đàn, tôi chậm rãi hòa mình vào điệu múa, nhẹ nhàng phất quạt, phối hợp nhịp nhàng với Huyền bên cạnh.
Đôi lúc, tôi thoáng liếc qua Ngọc. Cậu ấy say sưa gảy từng dây đàn, đôi mắt khẽ khép lại, đắm chìm trong âm thanh và giai điệu của chính mình. Cả thế giới dường như tĩnh lặng quanh bóng dáng ấy, như bông hoa dại mọc ven đường, âm thầm nở rộ dưới ánh mặt trời buổi sớm. Ngọc ngồi đó, yên bình và trầm mặc, càng chứng tỏ cậu ấy sinh ra để dành cho những thời khắc quan trọng này.
Khi tiếng đàn dừng lại, giai điệu chuyển đổi, Ngọc hòa vào cùng điệu múa. Từ hôm đó đến tận khi tôi hơn 30, tôi vẫn không nhớ ra dáng vẻ mình múa thế nào, trong đầu chỉ còn mỗi cảnh Ngọc gảy đàn đẹp như tranh vẽ.
Cả sân trường vỡ òa trong những tràng pháo tay kéo dài. Tôi đứng xếp hàng cùng mọi người, cúi chào khán giả, không giấu được nụ cười hài lòng. Quay sang Ngọc, tôi thốt lên:
“Ngọc đàn hay quá!”
Ngọc chỉ khẽ mỉm cười, cúi đầu đáp lại, đôi má ửng đỏ đầy thẹn thùng: “Cảm ơn cậu.”
Thầy hiệu trưởng nhìn Ngọc đầy hài lòng. Bỗng tôi có cảm giác thật hãnh diện, được tham gia tiết mục này với bạn ấy là một thành tựu của tôi.
Tiếng tán dương, cổ vũ mãi rồi cũng ngớt, cô giáo chủ trì cuộc thi lên phát biểu rằng kết quả sẽ được công bố vào buổi chào cờ tuần sau. Ngày hội hôm nay bế mạc ở đó.
Sau giờ biểu diễn, cả nhóm chúng tôi kéo nhau ra quán nước mát cách trường vài bước, mỗi đứa đều rạng rỡ, hào hứng bàn luận về tiết mục vừa rồi.
Huyền gọi ngay một chai cô-ca như mọi khi, còn tôi chọn cho mình chai sữa đậu nành. Cái My mỉm cười rạng rỡ, quay sang Ngọc: “Tiết mục của tụi mình thật sự sẽ chẳng hoàn hảo được nếu thiếu cậu.”
Ngọc nhẹ nhàng đáp, vẫn với nụ cười điềm đạm ấy: “Mình chỉ cố gắng hết sức thôi mà.”
Huyền không ngừng tán dương: “Bà đàn hay ghê, khiêm tốn gì nữa!”
Tôi nhìn Ngọc, rồi cũng gật đầu đồng tình. Thật lòng, từng âm thanh Ngọc đánh lên như được tôi luyện suốt bao năm tháng, tự nhiên mà trọn vẹn đến kỳ lạ.
Câu chuyện không biết thế nào lại chuyển sang phần trình diễn của đội khác. “Tụi bên lớp Tú nhảy không đều lắm,” một bạn trong nhóm chúng tôi lên tiếng nhận xét. My liền phụ họa, ngón cái giơ cao tán thành: “Ừ, thấy y chang.”
Huyền trề môi, bảo: “Thứ vừa ăn cướp vừa la làng thì chỉ tới đó.”
Tôi khẽ cười, xua tay: “Thôi, chuyện qua rồi thì cho qua luôn đi.”
Ngay lập tức, Huyền quay sang chuyển hết sự chú ý vào tôi, ánh mắt đầy mỉa mai: “Sao mà cho qua được, tao còn nghe bảo chủ nhiệm lớp đó quen biết với cô ca sĩ trong Hội đồng giám khảo.”
Ngọc dè đặt, ngăn cản Huyền nói bậy: "Thôi đừng quan tâm, thi xong rồi.”
Bị chặn mồm, Huyền đổi chủ đề sang các tiết mục hát: “Mà công nhận 6A5 hát hay ghê, thằng Thắng nhìn quậy phá vậy mà hát cũng không tệ.” Nói rồi nháy mắt đầy nét trêu chọc với tôi.
My cũng xen vào: “Tao cũng thấy! Không ngờ giọng của nó hay vậy!” Tôi nhìn nụ cười gian manh của Huyền thì huých nhẹ vào chân nó, khiến nó hét nhỏ “oái!” đầy vẻ trẻ con. Ngọc bật cười, ánh mắt ánh lên chút dịu dàng: “Người ta nhìn kìa, thôi đi.”
Chúng tôi cười giòn tan. Nhỏ Huyền chuyển trạng thái nghiêm túc, nhìn Ngọc và tò mò hỏi: “Bà học đàn ở đâu vậy?”
Ngọc mỉm cười, nhẹ nhàng đáp: “Mình học từ mẹ. Mẹ mình dạy thanh nhạc ở Nhạc Viện. Hồi trước thì trong đoàn cải lương, mẹ mình đàn cho người ta hát”
Huyền tròn xoe mắt, ngạc nhiên như vừa phát hiện ra một bí mật lớn lao. Tôi không nhịn được cười, nói đùa:
“Ngọc coi kìa, nhỏ Huyền nó trố mắt không nói nên lời rồi.”
Huyền vờ đánh nhẹ vào vai tôi, giọng nghiêm túc: “Mày biết gì mà nói? Nhạc Viện là giỏi lắm đó!”
Tôi cố nhịn cười, hỏi lại: “Làm sao mày biết?”
Huyền khẽ gật đầu như thể hiểu biết lắm: “Có chữ ‘Viện’ là chắc chắn giỏi rồi! Ngọc hôm nào hát đi, Ngọc mà hát chắc nổi nhất trường”
Tôi phì cười, cảm thấy lý lẽ của Huyền vừa ngây ngô mà cũng thật đáng yêu. Chợt nghĩ biết đâu nhỏ Ngọc sẽ trở thành ngôi sao mới thật.
*******
Kết quả cuối cùng cũng được công bố, lớp tôi được giải khuyến khích hạng mục múa. Lớp 6A4 giải nhì cùng hạng mục. Về phần hát, lớp 6A5 của Thắng được giải ba. Nhỏ Huyền nghe vậy, cái mặt nó nhăn hơn cả khỉ. Nhỏ Hân thì cứ lẩm bẩm: "Chấm kiểu gì vậy? Tại sao lại là giải khuyến khích.” Cả lớp bắt đầu thì thầm to nhỏ về kết quả cuộc thi.
Thầy tổng phụ trách gọi một lượt tất cả các lớp nhận giải lên sân khấu. Lớp tôi bắt đầu đùn đẩy cho nhau xem ai lên nhận. Bởi do Ngọc bị ốm nên không có mặt ngày hôm nay. Bọn nó ném qua ném lại, cuối cùng tôi đại diện tập thể lên nhận.
Tim tôi lại bắt đầu nhảy Lambada[2], mồ hôi tuôn ướt cả tay. Vuốt lại mái tóc, tôi đứng vào giữa sân khấu. Ánh nắng mặt trời chói chang chiếu thẳng vào đôi mắt nhỏ khiến mọi thứ xung quanh mù mờ đi. Tôi chỉ kịp nghe tiếng đếm "Hai, Ba” từ nhiếp ảnh gia thì liền nhoẻn miệng cười.
"Xong rồi à.” Tôi nghĩ thầm khi thấy các bạn bắt đầu di chuyển, thầy tổng phụ trách hối thúc mọi người mau xuống sân khấu, nhường chỗ cho hoạt động khác. Như một thói quen, Thắng vỗ vai tôi rồi chạy đuổi lên tranh đi trước. Song cậu ta quay lại giơ ngón cái về phía tôi, cười một nụ cười tươi hơn cả ánh mặt trời.
"Múa đẹp lắm.” Cậu ta nói xong chạy nhanh về lớp. Hai chân bước của tôi dừng hẳn. Thắng khen tôi múa đẹp hay là khen cả lớp múa đẹp? Con tim tôi chọn lấy vế đầu của câu, nhưng ý thức lại mặc định là vế thứ hai.
Bẵng đi một thời gian. Ai mà ngờ được câu nói vu vơ của Huyền ngày đó đã thành hiện thực. Nhỏ Ngọc trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi nhất cả trường. Ảnh chụp hoạt động động văn nghệ "Mừng Ngày Nhà giáo”, hết phân nửa số ảnh là Ngọc đánh đàn nhị. Tôi may mắn cũng được xuất hiện chớp nhoáng ở một vài tấm. Nhóm tôi bất ngờ nhận được sự chú ý cũng kéo thêm nhiều lời bàn tán về kết quả cuộc thi.
Có người nói rằng lớp tôi quá xuất sắc nhưng tại sao lại không được giải cao.
Người khác lại cho rằng lớp tôi đàn hết gần một nửa thời gian thì không còn đúng với thể loại thi nữa.
Không quan trọng là được giải gì, bây giờ chỉ là cuộc đua xem ai mới là người giỏi nhất. Khoảng cách giữa Ngọc và tôi càng ngày dài hơn. Tôi đi bộ nhanh, bạn ấy lại chạy bộ đường dài.
Ánh mặt trời chiếu rọi, làm nổi bật gương mặt xinh xắn của Ngọc. Ngược lại hoàng hôn đang dần buông bỏ tôi, chạy trốn đi mất.
Dù có ngưỡng mộ đến đâu, tôi cũng không trở thành Ngọc được và tình cảm của Thắng cũng chẳng thể nào dành cho tôi. Dần dần sự ngưỡng mộ đó như cái cây ngã, chắn đi hết ánh hào quang ít ỏi.
Cảm giác sôi sục đang trào dâng trong lòng là gì đây? Tôi mong đó không phải là cảm giác ghen tị, nhưng tôi thừa biết cảm xúc ấy không thể dối lừa được sự thật là:
Ngọc quá hoàn hảo.
__________________________________
[1]: Một quyền sách của Lão Tử được viết vào khoảng năm 600 TCN. Ngoài ra Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.
[2]: Một điệu nhảy đến từ bang Pará, Brazil.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top