Mạ tôi!
-Sáng rồi, Hạ ơi dậy con.
-Thôi,cho con ngủ thêm chút nữa mạ, chút nữa thôi nghe mạ.
-Năm giờ rồi đấy, mạ dọn hàng xong là phải ra đẩy xe đi chợ nghe.
-Dạ
Sáng nào cũng vậy, tôi hãy còn ngái ngủ, gà còn chưa gáy mạ đã thức giấc. Khi thì vì nồi cám cho lợn, lúc vì đám cỏ mọc cao hơn lúa,... và vì miếng cơm, manh áo của cả nhà đang trông chờ vào mớ hàng lên chợ.
Mớ hàng của mạ là những bó chè xanh mấy mạ con trồng trên đồi, mớ rau mạ gom góp từ mấy hôm, bơ hành tăm hồi cuối năm mạ mua giống từ hàng xóm... Ngần đó thôi nhưng đã nuôi lớn tôi tới bây giờ. Cuốn tập, cái bút, thước kẻ, tấm áo trắng tinh... tôi chẳng thiếu thứ gì so với chúng bạn.
Phiên chợ quê tôi chỉ họp vào những ngày lẻ và mỗi sáng có chợ, tôi chỉ cần dậy sớm hơn một chút phụ mạ đẩy hàng ra chợ rồi lon ton cầm ổ bánh mì về và đi học. Trưa, khi tôi đi học về quẳng cặp sang bên là có thể sà ngay vào bàn ăn. Mâm cơm đã sẵn sàng cùng nụ cười của mạ. Có những ngày hè nóng bức, thương con học về mệt mạ còn chuẩn bị sẵn cho tôi những cốc nước chanh đường thanh mát dịu hay quả dưa chuột rửa sạch. Ba vẫn hay nói mạ:"Mạ làm nó hư người, phải tự làm lấy mà ăn, đâu ra cái kiểu ăn sẵn". Mạ nhìn ba, nhìn tôi rồi cười hiền:"Ba đừng lo, mạ đang chỉ cho con gái ít của ba cách chăm sóc, quan tâm người thân. Hư đâu được". Chỉ chờ có thế, tôi chạy ù đi kiếm cái quạt nan đến đứng bên quạt mát cho mạ.
Ngày cuối tuần, được nghỉ học, những đứa cùng lứa tôi phải ra đồng phụ ba mạ nhưng mạ thương, chỉ cho tôi làm lúc trời râm mát, nắng lên một chút mạ cho tôi về sớm để nấu ăn. Tôi thừa biết l, vì mai sợ tôi mệt chứ nấu ăn có gì nữa đâu, từ tinh mơ mạ dậy chuẩn bị sẵn sáng cả, chỉ cần xào nấu lại và bắc nồi cơm nữa là xong. Nhớ những lần trước, đi học về được mạ cơm bưng, nước rót lần này tôi hí hửng ơn nhà tự "phát kiến" làm món đu đủ dầm. Đu đủ chín đầy ngoài cây, đường có sẵn, mua thêm ít đá lạnh về đập nhỏ tôi làm hẳn mấy cốc để sẵn chờ ba mạ và anh trai đi làm về thưởng thức. Một lát, tôi chạy ra giếng múc sẵn mấy thau nước mát lạnh để sẵn thềm giếng rồi vào ngồi võng đung đưa chân chờ.
Mười hai giờ trưa, nắng chiếu tới đỉnh đầu, nắng rọi rát cả da tôi mới thấy ba mạ và anh về nhà. Nhanh nhảu lấy khăn rồi lại chạy vào nhà kiểm tra mấy cốc đu đủ, miệng cười toe mang ra mời ba mạ...nhưng đang đi thì ôi thôi, người tôi chồm về phía trước và rầm! Đu đủ đổ hết ra nền nhà, cốc vỡ tan tành l. Vẫn trong tư thế "chụp cóc", tôi ấm ức khóc bởi công lao cả buổi sáng coi như mất hết thì ba chạy lại vừa đỡ tôi dậy, vừa bảo:"Con gái gì mà hấp tấp, khờ khạo, nắng này ba không ăn thịt cóc đâu mà vội"; ông anh đứng cười ngặt nghẽo vì cái mũi tôi đang ăn đu đủ; mạ cũng bật cười... và tôi lúc ấy, bất giác cười theo quên cả đau rát và ấm ức. Trưa hôm ấy, dù " âm mưu" làm con ngoan bất thành, đu đủ bổ dưỡng dành cho cả nhà không còn, lại thêm cái tội " phá hoại tài sản gia đình" nhưng nhìn thấy những mệt nhọc nơi khuôn mặt ba mạ tan theo tiếng cười tôi cũng thấy vui lạ. Bữa cơm vì thế cũng ngon hơn, trưa nắng nhưng tiếng cười đã mang gió ùa vào khiến lòng mát rượi.
Gia đình tôi là thế. Bữa cơm đạm bạc với bát canh quả cà nhưng cả nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Chả thế mà cả xóm cứ gọi ba mạ là anh chị Sáu "nhăn". Bất nhiêu nếp nhăn trên vầng trán cha, nơi khoé mắt mạ là bất nhiêu âu lo, vất cả mà mãi mãi những đứa con như chúng tôi chẳng thể hiểu thấu. Cụ Dần - vị cao niên trong xóm có lần bảo với anh em tôi rằng :" nhăn" ấy là nếp nhăn vì vất vả nhưng cười nhiều cũng có nếp nhăn đấy. Không tin hả? Hai đứa phải học cho giỏi, ngoan ngoãn đặng báo đáp cái ơn ba mạ nghe chưa. Rồi mai mốt những nếp nhăn ấy hoá thành nếp nhăn niềm vui, lúc đó bây sẽ tin những gì ông nói". Tôi cứ nghi hoặc và ám ảnh mãi bởi những lời cụ Dần nói, nếp nhăn vất cả có thể hoá thành nếp nhăn niềm vui nhờ vào anh em tôi sao?
Nhìn dáng mạ tất bật mỗi sáng, nhìn dáng ba còm cõi ngược xuôi mỗi ngày, tôi càng thương, càng xót và càng quyết tâm chuyển hoá nếp nhăn trên gương mặt ấy. Lấy chồng sớm nhưng có anh em tôi muộn, tuổi mạ ở làng tôi các bà chỉ ngồi chơi đùa với con cháu chứ đâu có lặn lội như mạ. Mai khổ quá rồi. Chúng tôi phải nhanh nhanh để mạ được vui vầy, nghỉ ngơi thôi. Tôi và anh Hai đã ngoắc tay nhau, giao kèo phải thực hiện bằng được. Những ngày tôi chào tuổi mười lăm.
"Này bầu trời rộng lớn ơi, có nghe chăng tiếng em gọi..." tiếng nhạc hiệu quen thuộc réo tắt vang lên từ điện thoại, tôi giật mình tỉnh giấc, gối đã ướt đẫm từ bao giờ. Hoá ra tất cả chỉ là mơ. Mạ đi rồi!
Một ngày chói nắng tháng năm! Những ngày tôi đang mười lăm!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top