Những mảnh rừng cạnh nhau

Laputa
Khi khối lùm đùm màu xám xịt đâm sầm vào tôi trên đường, tôi đã nghĩ đó là hòn đảo bay Laputa. Cú va chạm làm cả hai lăn kềnh xuống đất. Khi tôi đã lồm cồm bò dậy được, Laputa vẫn còn nằm một đống.
Không phải tảng đá, không phải hòn đảo bay, cũng không phải người ngoài hành tinh. Cái đầu với phần gáy nhô cao và chóp nhọn nơi có vẻ là sống mũi khiến tôi dần hình dung ra Laputa thực sự là thứ gì.
Một chú tê giác!
Chính xác là một người mặc đồ thú hình tê giác, chạy như thể một vận động viên điền kinh, trước ngực đeo ba lô màu vàng chuối!
Mất một hồi, chú tê giác kia mới lật được người dậy, lúng túng quay sang tôi, cúi gập người tỏ vẻ xin lỗi trước khi tiếp tục cuộc chạy nước rút về phía đám đông đang tổ chức sự kiện ngoài trời.
Tôi cúi xuống nhặt đống đồ đạc rơi vãi trên đất. Lẫn lộn giữa đám giấy tờ rơi ra từ kẹp hồ sơ, nằm sát bên cuốn hộ chiếu của tôi, như thể hai mảnh rừng xanh thẫm kề sát nhau trên bản đồ, là một quyển sổ lạ hoắc.
"Nếu quyển sổ này vô tình đi lạc tới tay bạn..."
Sau khi suy nghĩ chán chê, tôi quyết định soạn một bức thư chỉ gồm cộc lốc mấy từ: "Tớ đã nhặt được quyển sổ của cậu, lúc cậu đam phải tớ trên đường hôm trước. Chúng ta có thể gặp nhau để tớ trả lại không?", kèm theo đó là số điện thoại.
Trên đường đi học vào sáng hôm sau, tôi bỏ bức thư vào thùng thư trước cửa bưu điện. Địa chỉ người nhận được chép lại y nguyên theo dòng chữ được nắn nót viết vào trang đầu tiên của cuốn sổ. Chẳng ai nỡ phụ tấm lòng người chủ sở hữu đã bỏ công viết "Nếu cuốn sổ này vô tình đi lạc tới tay bạn, hãy liên hệ với chủ của nó theo địa chỉ..." ngay trang đầu tiên cuốn sổ của mình cả.
Những ngày sau đó, tôi luôn mang theo quyển sổ bên mình, sẵn sàng cho tình huống nếu chú tê giác Laputa kia có đâm sầm vào mình một lẫn nữa trên phố, tôi có thể lập tức đưa trả quyển sổ cho người chủ kì lạ.
Một tuần trôi qua. Hòm thư trước của nhà tôi vẫn trống rỗng, điện thoại không một lần đổ chuông. Quyển sổ bìa vải hoa văn hình lá dương xỉ trên nền đặc màu tím than với những góc cữ sờn của người xa lạ vẫn nằm trong ba lô của tôi, nhưng thiện cảm tôi dành cho chủ nhân của nó đã vơi đi ít nhiều.
"Có lẽ chẳng ai nhớ đến mày nữa rồi bạn ạ!" - Tôi nói với quyển sổ cũ dày đặc những trang ghi chú lịch học, các khoản chi tiêu lẫn lộn với những danh sách đồ cần mua và tỉ tỉ thứ khác trước khi đi đến quyết định sẽ cất nó vào cái hộp bìa các-tông đánh số 11 của mình. Tôi đánh số chiếc hộp đầu tiên của mình vào năm 6 tuổi. Mỗi năm một chiếc, cho đến ngày hôm nay.

Ngày 15 tháng Giêng năm 1998
"Ngày 15 tháng Giêng năm 1998.
Hôm nay là một ngày nắng thật đẹp giữa mùa đông. Ánh nắng ấm áp làm mình cảm thấy như thể đang nhận được một cái ôm từ ông Mặt Trời."
Dòng chữ nắn nót, màu mực xanh tím đã phai nhòe đôi chút làm dấy lên trong lòng tôi cảm giác xa lạ. Phòng đọc sách vắng hơi người, thoáng mùi bụi ẩm. Mọi thứ trong căn phòng này, từ những dòng chữ kia, những cái kệ gỗ kê dọc tường trông như thể sắp nổ tung vì số sách trên mình nó, bàn làm việc kê cạnh cửa sổ đóng kín, bức tranh treo tường với những dải màu xanh lam buồn bã, mười một chiếc hộp đánh số xếp thành từng chồng... cho tới cả tôi nữa, chúng tôi đều là thứ bị lãng quên trong hiện tại của những người xung quanh.
Ánh nắng qua khe cửa hẹp kéo những dải song song trong không gian trước khi chảy thành vệt dài trên nền gạch hoa cũ. Nằm dài trên sàn nhà, hơi co người vì hơi lạnh từ sàn gạch thấm vào da thịt, tôi hững hờ giở lại những trang của quyển sổ bìa da cũ kĩ. Ấp quyển sổ lên mặt, khe khẽ hít hà mùi giấy cũ nồng, tôi tưởng như mình đang ấp lên mặt ánh nắng của buổi trưa ngày 15 tháng Giêng năm 1998, ấp lên trái tim mình chút ấm áp sắp chẳng còn lại gì của quá khứ xa xưa.
Cô bé của ngày 15 tháng Giêng năm 1998 ấy, cô bé 6 tuổi háo hức viết vào cuốn sổ nhật kí tất cả những điều tuyệt vời xung quanh mình khi ấy, giá mà tôi có thể ôm nó vào lòng. Quyển sổ nhật kí trẻ con kết thúc vào ngày 15 tháng Giêng năm 1998 ấy, và phần sót lại của một bức ảnh đã cháy nham nhở là tất cả những thứ có trong chiếc hộp bìa các-tông đánh số 01 của tôi.

Những mảnh rừng nằm cạnh nhau
Việc cất cuốn sổ đi lạc vào chiếc hộp số 11 làm dấy lên trong lòng tôi khao khát được mở lại tất cả những chiếc hộp của mình. 11 chiếc - 11 năm cuộc đời.
Mất một buổi chiều chậm chạp để tôi bày tất cả mọi thứ cất trong những chiếc hộp đánh số của mình ra sàn nhà. Ở trung tâm của buổi triển lãm đến từ quá khứ ấy, gọn gàng trong một viên gạch hoa, là ba quyển sổ. Quyển sổ đi lạc với những cành dương xỉ xanh trên nền tím than, quyển sổ bìa da trong chiếc hộp đánh số 01 - mà thời gian đã khiến lớp màu bìa nguyên thủy phai đi thành thứ màu rêu loang lổ, và cuối cùng, quyển sổ hộ chiếu màu lục bảo thẫm. Ba quyển sổ nằm cạnh nhau như ba mảnh rừng xanh âm u.
Ngay khi lấy hộ chiếu về từ đại sứ quán, tôi lập tức nhét nó và tất cả đống giấy tờ liên quan vào chiếc hộp đánh số 11, mặc định chúng đã thuộc về quá khứ - như một cách chống cự yếu ớt với những đổi thay sắp diễn ra. Chỉ cần cất tất cả vào quá khứ, nó sẽ không còn ám ảnh hiện tai của tôi. Tôi cũng đã từng "cất" mình đi theo cách ấy - chui vào một cái thùng các-tông đủ to trên gác mái, nằm trong đó, ôm chặt chiếc hộp đánh số 01 và nghĩ rằng cả thế giới đã lãng quên mình.
Chính bà ngoại là người đã mang tôi ra khỏi "chiếc hộp kí ức" được tôi đánh số 02 ấy, ở lại bên tôi, cho đến khi tôi nói lời tạm biệt sau cùng với bà qua ô cửa bé tin hin của một chiếc hộp khác nhiều năm sau này. Tất cả những thứ về bà được tôi cất giữ trong chiếc hộp số 10. năm tháng qua đi, mỗi lần đóng nắp một chiếc hộp đánh số, dường như chính tay tôi cũng đang đóng gói một chương tưởng tượng của cuộc đồi đầy ắp nỗi buồn.

***

Điều tệ hại nhất của những chuyến ra đi, là người ta chẳng thể nào mang theo bên mình trọn vẹn những sở hữu thuộc về quá khứ. Suy nghĩ u ám ấy bám chặt lấy tôi, như lớp bụi mỏng vươn lên quần áo, đầu tóc mỗi khi động vào một món đồ nào đó trong ngôi nhà. Việc phân loại và đóng gói đã gần hoàn thiện. Chỉ một tuần nữa thôi, người ta sẽ đến và mang những thùng đồ ấy đi, đem bán, , đem tặng hay vứt bỏ, theo yêu cầu từ xa của mẹ tôi. Một cách thô bạo, sự dọn dẹp ấy xóa bỏ hoàn toàn những kí ức vật chất của tôi còn lại nơi này. Căn nhà sẽ được rao bán. Còn tôi, vị chủ nhà bất lực, tôi sẽ tự đóng gói và gửi mình đến tận tay mẹ tôi - người tôi chưa từng gặp lại kể từ lễ cưới diễn ra nhiều năm về trước.
"Chẳng vui tí nào. Chẳng vui tí nào, nhỉ..." - Tôi lầm bầm không thành tiếng, cảm nhận rõ nét khao khát được ai đó lắng nghe chậm rãi dâng kín lòng mình. Bàn tay toan bỏ quyển sổ đi lạc vào trong chiếc hộp số 11 chững lại phân vân.

Bên trong những chiếc hộp
"Xin chào, vẫn là tôi, người đang giữ quyển sổ của bạn đây!
Có lẽ tôi đã viết nhầm địa chỉ ở bức thư trước, hoặc tôi viết đúng nhưng bức thư đó đã banh xác ở đầu ghềnh cuối thác nào rồi. Quá nhiều rủi ro nhỉ?
Tôi không biết bây giờ bạn còn nhớ đến quyển sổ không, nhưng chắc chắn quyển sổ xứng đáng được quay lại với người chủ của nó. Bởi cảm giác khi nhận ra mình là thứ đồ bị bỏ rơi hay quên lãng thực sự rất buồn. Thứ, hay thậm chí người bị bỏ rơi cũng vô cùng tội nghiệp nữa. Và tôi không muốn quyển sổ này rơi vào trường hợp ấy.
Xin lỗi vì không muốn gọi điện trực tiếp cho bạn hay nói toàn những điều khó hiểu trong bức thư này. Nhưng tôi sắp chuyển đi, và muốn trả lại bạn quyển sổ trước khi lên đường.
Hãy liên lạc với tôi ngay khi có thể!
Cảm ơn bạn."
Tôi nhét bức thư vào phong bì, dán lại, đoạn mở chai dầu gió của bà, cẩn thận và dè sẻn, đổ một chút ra gối. Leo lên giường, trùm chăn, tôi ủ mình trong mùi hương ấm áp quen thuộc ấy. Trước khi giấc ngủ đổ ập xuống, cảm giác mất mát như thể ông kẹ trong tủ quần áo đã kịp nhảy xổ ra, tóm lấy chân tôi, buộc tôi òa khóc.
Tôi muốn vứt hết đi những cô đơn, những mặc cảm bị bỏ rơi vẫn in hằn trong tâm trí, những khó khăn mà hai bà cháu tôi buộc phải tự mình vượt qua trong suốt những năm dài được lưu lại trong đống hộp đánh số kia. Sau sự vứt bỏ ấy, tôi không rõ mình sẽ còn lại gì, hay mất đi điều gì, nhưng tôi cảm thấy mình cần phải thực hiện nó, ngay lúc này.
Vùng dậy khỏi chăn, tôi chạy đi tìm túi ni-lông đựng rác, đoạn điên cuồng trút vào trong tất cả những chiếc hộp đánh số, buộc túm lại, để ra trước cửa nhà.
Xong đâu vào đấy, tôi vùi mặt xuống gối, chờ đợi giấc ngủ đến với mình. Và giấc ngủ đến với tôi, chỉ như một cái chớp mắt mệt mỏi nặng nề cảm giác hối hận.

***

Cô nhân viên vệ sinh với chiếc khẩu trang che quá nửa khuông mặt, lái chiếc xe ba bánh với thùng xe nèn chặt những túi ni-lông quát lên khi tôi lôi chiếc túi ni-lông đựng rác màu đen xuống khỏi xe, đoạn ôm chặt lấy nó chạy vào nhà.
"Sáng ra đã gặp con điên!"
Đúng là tôi đã điên. Điên thật. Tôi lấy lý do gì để vứt quyển sổ đi lạc kia, hay bất kì thứ gì trong những chiếc hộp?
Chiếc túi đụng rác trộn tất cả những thứ chứa trong 11 chiếc hộp - theo thứ tự 11 năm cuộc đời tôi, thành một mớ hỗn độn. Lẫn giữa những cành hoa đã khô quắt, những vỏ chai nước truyền, những mảnh vụn còn sót lại của một gia đình từng hạnh phúc, là vô số những bưu thiếp, những thư từ, và những tấm thiệp mời. Tấm thiệp mời đám cưới của bố - tổ chức trong thành phố, và của mẹ - ở một nước Bắc Âu xa lắc lơ. Để bắt đầu một tương lai mới, người ta luôn phải bỏ qua một vài hoặc thậm chí rất nhiều điều trong quá khứ. Và tôi đơn thuần chỉ xui xẻo là một phần trong những thứ đáng bị quên đi ấy. Trong đám cưới của bố mẹ, tôi không có mặt. Nhưng trong đám cưới của bố và đám cưới của mẹ, tôi đều xuất hiện đầy đủ trong những bức ảnh kỉ niệm, cũng cười toe toét như ai, chỉ chẳng hiểu vì sao mình cười. Sau hai đám cưới, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau - ở mức vừa đủ. Tôi vẫn trả lời những lá thư của mẹ và những cuộc gọi của bố, chủ động tạo ra khoảng cách, không tỏ ra quá vui mừng, cũng không tỏ ra quá lạnh nhạt và tuyệt đối từ chối những cuộc gặp mặt.

***

Một đồ vật đã bị người ta xếp vào kho để quên đi, thì không nên bị nhìn thấy một lần nữa. Tôi đã tin như thế. Và những cơn hờn dỗi tủi thân càng giúp tôi củng cố niềm tin ấy trong nhiều năm trời.
Nhưng lúc này đây, khi bị bao vậy bởi một căn nhà trống, với thiện chí không được hồi đáp, nỗi cô đơn buộc "món đồ" ấy phải cầu xin để được nhìn thấy.

Bố
Tôi sạc lại điện thoại của bà. Khi một ai đó không còn nữa, nhưng những kết nối của họ với thế giới này vẫn còn tồn tại, những kẻ bị bỏ lại, như tôi chẳng hạn, luôn rơi vào ảo giác về sự hiện hữu. Trong suốt một tuần sau ngày bà mất, tôi vẫn tiếp tục gửi những tin nhắn không đầu cuối vào số điện thoại của bà. Nhưng lúc này, đó không phải vấn đề chính.
Mở danh bạ, tôi tìm thấy giữa một chục cái tên số điện thoại của bố.
Thêm nhiều tiếng đồng hồ phân vân trước khi quyết định nhấn nút gọi. một quãng chờ ngắn. Rồi ở đầu dây bên kia, tiếng bố cất lên, đầy cảnh giác.
"Con đây!" - Tôi chỉ kịp thốt lên, hụt hơi. Rồi òa khóc. Đã nhiều ngày nay tôi không nghe thấy giọng nói của chính mình.
Đầu dây bên kia, giọng bố pha lẫn hốt hoảng và vui mừng. Đó là bố của tôi. Là người ở lì trong phòng đọc sách mỗi cuối tuần, là người đã cho tôi quyển sổ nhật kí, là người trao cho tôi những cái ôm ấm hơn Mặt Trời...
"Con sao thế?" - Đầu dây bên kia đầy lo lắng.
"Không sao ạ. Tại con quá vui ấy mà. Nghỉ Hè, nên nhiều tuần rồi con chẳng nói chuyện với ai."
"Bố cũng vui lắm."
"Vì con đã gọi cho bố?"
"Hơn thế. Vì bố là người đầu tiên trong bản danh sách của con."

Laputa
Tôi đi đến quyết định mình cần phải làm gì đó nhiều hơn cho quyển sổ đi lạc thay vì ngồi nhà và viết những bức thư trôi vào vô định.
Buộc phải từ bỏ những nguyên tắc ban đầu, tôi gọi điện cho tê giác. Đầu dây bên kia ngập ngừng đọc cho tôi chép lại đôi dòng thời gian và địa điểm. Bố, tình nguyện và kiên quyết, đóng vai người đưa đón tôi trong cuộc gặp mặt ấy.
Giữa đám đông, tôi nhanh chóng tìm thấy chú tể giác với chiếc ba lô màu vàng đeo ngược đằng trước ngực. Chú tê giác đứng bằng hai chân sau, vụng về nhưng kiên nhẫn, phát tờ rơi cho những người đang đứng xung quanh mong được chụp ảnh với chú.
Tôi lấy tinh thần, lách qua đám đông, tiến về phía tê giác.
"Của cậu này!" - Tôi nói, đoạn chìa quyển sổ bì bọc vải hình lá dương xỉ trên nền thẫm cho tê giác. Rồi chợt nhận ra tình huống ngớ ngẩn, tôi nhét quyển sổ vào sâu trong chiếc ba lô màu vàng, thầm mong không bị các nhân viên bảo vệ nào gần đó túm cổ. "Đừng làm rơi nhé!" - Tôi nói rồi quay lưng đi.
"Tớ... tớ đã đọc thư. Nhưng... nhưng tớ... sợ... nên không dám hồi âm!" - Tê giác nói.
"Tớ cũng sợ. Nhưng là sợ việc quyển sổ sẽ bị bỏ quên mãi mãi."
"Cảm ơn cậu!" - Tê giác nói, vẻ ngượng ngùng.
"Cảm ơn cậu, và cả quyển sổ nữa!"
"S.... sao cơ?"
Mỉm cười, tôi đưa tay lên miệng ra dấu bí mật.

PHAN HẢI ANH

Lời nhắn của tác giả: Như cái cách nhân vật "tôi" trong truyên ngắn này quyết định tha thứ cho bản thân - cũng chính là tha thứ cho những người thân của mình; hay chú tê giác đeo ba lô màu vàng đã vượt qua nỗi sợ hãi vô lý mà rụt rè hồi đáp lại thông điệp gửi đi từ "tôi". Các bạn ấy đã can đảm bước ra khỏi những "cánh rừng" tĩnh lặng chỉ có riêng mình, cất tiếng chào, để lắng nghe, và được lắng nghe.
Khi truyện ngắn này được đọc bởi các bạn, thì nhân vật "tôi" và chú tê giác đeo ba lô màu vàng đã là những người bạn thân thiết. Nhân vật "tôi", với tính cách của mình, đôi lúc sẽ kể những chuyện khó hiểu là chú tê giác bối rối. Và chú tê giác kia sẽ luống cuống gục gặc cái đầu khổng lồ trong khi nhân vật "tôi" cười phá lên trước tình huống kì quặc. Tôi đã tận mắt thấy họ đi bên nhau như thế, trên vỉa hè đoạn đường đông đúc tấp nập người qua lại. Đó là một buổi trưa hửng nắng không lâu trước khi truyện ngắn này thành hình.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top