đoàn binh không mọc tóc
rải rác biên cương mồ viễn xứ
chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
_
không phải là bài phân tích, chỉ đơn giản là cảm nhận của mình về sự hy sinh thầm lặng của những người lính tây bắc.
_
tuổi trẻ là gì?
có phải là khoảng thời gian ta còn ngồi trên ghế nhà trường, sống trọn với nhiệt huyết với đam mê của mình hay không? tuổi trẻ còn là lúc ta hoang dại và phóng khoáng như những bông cỏ lau, phấp phới bay đi trong làn gió như chẳng còn gì để hối tiếc.
nhưng tuổi trẻ với những chàng trai hà thành ngày ấy là gì?
họ gác lại mọi ước mơ trên giảng đường hoa mộng, để hóa những hoài bão và khát vọng ấy trở thành bầu máu nóng nuôi dưỡng khát khao độc lập và tự do. họ đã có một tuổi trẻ thật kiêu hãnh, một tuổi trẻ với cái chết hiện hữu và cận kề nhưng dường như họ chẳng hề e sợ bởi có lẽ niềm tin của họ cũng giống những câu thơ mà nhà thi sĩ nguyễn khoa điềm đã viết:
"chúng tôi gánh trên vai hành trang của thế kỉ
để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa tự do."
từ những chàng trai đôi mươi xứ hà thành, tay cầm bút cầm sách thì giờ đây khi chiến tranh nổ ra, họ hiến dâng sức trẻ của mình cho tổ quốc non sông, họ không mưu cầu gì nhiều chỉ mong rằng máu họ đổ ra được đổi lại bằng hai chữ tổ quốc "độc lập".
bạn nói xem, những chàng trai trẻ ấy có điều gì nuối tiếc hay không? liệu họ có giống như những gì bài thơ "tây tiến" viết:
"chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"
nhà thơ thanh thảo đã gửi gắm vài câu thơ trong thời kháng chiến:
"chúng tôi đi không tiếc đời mình
nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc"
sẽ có tiếc nuối chứ, tiếc những cái ôm từ mẹ già, người yêu, tiếc những bài học trên giảng đường, nhưng khi ở chốn sơn lâm hùng vĩ ấy, khi họ đã quyết dâng hiến linh hồn và thể xác này cho tổ quốc thì điều tiếc nuối nhất với họ, là không nhìn thấy đất nước tự do độc lập. họ bỏ đi những tháng năm đẹp nhất của đời người, chỉ đành gói ghém những nỗi nhớ và tương tư của mình đến nơi rừng xanh u tịch, một lòng hướng về phía ánh sáng lấp ló trong màn đêm.
mỗi ngày được đi cùng đoàn binh tây tiến, ngạo nghễ những bước chân trên sỏi đá, mỗi ngày họ được chiến đấu và giành lại độc lập tự do, không chỉ cho họ mà là cho đồng bào, cho nhân dân việt nam. còn là để cho chúng ta của thế hệ mai này, mỗi ngày trôi qua như thế có lẽ là món quà quý hơn châu báu đối với họ.
hình ảnh các chiến sĩ gánh trên vai sứ mệnh tổ quốc tại miền tây sơn cước hiện lên với dáng vẻ "mắt trừng" "dữ oai hùm", tưởng như là những người chiến sĩ ấy có phần dữ tợn nhưng đó chỉ là cái mác đối diện với kẻ thù còn sâu thẳm trong linh hồn ấy lại lãng mạn và thơ mộng hơn ai hết. bởi có lẽ họ cũng chỉ là những chàng trai mới chớm bước vào tuổi đôi mươi, họ vẫn còn sự lạc quan và mộng mơ còn sót lại của tuổi trẻ, nhưng nó cũng chỉ dám xuất hiện khi vào những giấc mơ, những cơn mộng. ở nơi biên giới, những hình ảnh của người thân yêu tại đất hà thành trở thành niềm tin và chỗ dựa tinh thần cho họ. họ nhớ về hà nội, qua bầu trời của rừng núi tây bắc, họ nhìn thấy hà nội, họ hy vọng chút nhớ nhung này hóa thành động lực cho họ vững bước tiếp tục chiến đấu. chỉ có một chút mơ mộng nhỏ nhoi như vậy mới có thể khiến tâm hồn họ trở nên lạc quan hơn trước tình thế.
đoàn binh tây tiến, họ đi về phía tây mang theo cả trái tim và khát vọng. nhưng khi chìm vào giấc mộng, họ liền gửi chút thương nhớ về đất hà thành để có lẽ khi đôi chân mỏi mệt, muốn chùn bước thì giấc mộng đó có thể trở thành viên thuốc chữa lành cho những khó khăn của họ.
đến cuối, những cuộc chia tay nơi thủ đô đã trở thành li biệt vĩnh viễn. những linh hồn hiến dâng mình cho đất nước ngã xuống đất mẹ, trước khi chìm vào cõi mộng vĩnh hằng sẽ có biết bao là nỗi nhớ đang đè nén trong họ? có lẽ chẳng ai trong chúng ta có thể biết được hết, nhưng chắc chắc ta biết rằng, họ đã sống một đời oai hùng, đầy nhiệt huyết và khát vọng.
họ về với đất mẹ thiêng liêng, chẳng có lấy một mảnh chiếu che thân. làm gì có áo bào, ở đó chỉ có những bộ quân lính đã sờn cũ đồng hành với họ khi vững bước trên dốc núi thăm thẳm đến khi đôi chân ấy chẳng thể tiếp bước. khép lại đôi mắt lần cuối, nhìn giang sơn mình bảo vệ vẫn còn dang dở, người chiến sĩ ôm những tương tư đến nơi đất mẹ, để nơi ấm áp đó sẽ vỗ về cho họ. để khi mở mắt lại lần nữa, đoàn binh tây tiến ấy có thể sống một "tuổi xanh" thật trọn vẹn.
sự ra đi của những người lính, nhẹ tựa như lông hồng nhưng đằng sau đó là một sự hy sinh cao cả mà muôn đời sau của con người việt nam phải luôn khắc ghi trong lòng. họ có thể đã trở thành những người lính vô danh, sau này khi tổ quốc độc lập, tên tuổi của những chiến sĩ tây tiến có thể như hạt cát lạc vào trong sa mạc, người chẳng biết kẻ chẳng hay nhưng đoàn binh tây tiến ấy đã trở thành ngôi sao, làm cho đất nước việt nam thêm tỏa sáng.
núi rừng hoang vu, sông mã trở thành người bạn đồng hành lúc binh lính kề vai chiến đấu đến lúc đối mặt với sinh tử. và đến cả khi chiến sĩ chìm vào giấc ngủ ngàn thu thì sông mã cùng "gầm lên khúc độc hành", có lẽ là lời đưa tiễn cuối hoặc có thể là lời thương xót của thiên nhiên tạo hóa nơi rừng núi tây bắc dành cho những chàng lính trẻ. thương xót cho một quãng đời ngắn ngủi, thương cho hình ảnh thân xác xanh xao kia ngã xuống.
nhà thơ tố hữu cũng từng viết:
"ôi trái tim em thật vĩ đại
còn một giọt máu đỏ còn đập mãi
không phải cho em. cho lẽ phải trên đời
cho quê hương em.cho tổ quốc, cho loài người!"
và có lẽ đoàn binh không tóc ngày ấy, khi trái tim họ chỉ còn đập vài nhịp. thứ họ muốn dành cho chẳng phải bản thân họ, chẳng phải ai khác ngoài quê hương và tổ quốc.
khi tôi viết những dòng này, tưởng tượng đến hình ảnh những thân xác rải rác trên mồ đất của núi rừng, còn gì chua xót hơn nữa. kể cả khi ra đi, họ cũng chẳng thể ra đi một cách bình yên và thanh thản nhưng có lẽ phần nào sẽ được an ủi vì sự ra đi của họ sẽ được nhớ mãi và trở thành tượng đài bất tử trong lòng mỗi người dân việt nam, dẫu cho sau này, khi đất nước giành độc lập, thân xác đã chìm vào giấc ngủ sâu được chính quyền và đảng mang đi chôn cất nơi miền xuôi thì "hồn về sầm nứa chẳng về xuôi", linh hồn của họ vẫn ở lại tại tây bắc. vì trước khi ra đi, có lẽ họ vẫn giữ lại cho mình một chấp niệm: cho dù có hóa thành tinh không thì nhiệm vụ của họ vẫn là bảo vệ mảnh đất này.
phải nói hết bao nhiêu thì có thể nói hết nỗi niềm thương xót này, tôi chỉ là một người đọc, tôi sống dưới nền độc lập mà những chàng trai hà thành ngày ấy đã từng đổ máu để đổi lấy. tôi tiếc cho họ và cũng trân trọng họ, biết là tiếc thì còn chi tổ quốc. nhưng cái tôi tiếc là khi nhắm mắt xuôi tay, có thể những chiến sĩ vùng núi tây bắc ấy chẳng thể yên lòng, họ lo về một giang sơn họ bảo vệ còn dang dở, họ lo về cuộc sống của những người còn lại ở hà nội. họ còn trẻ, phải chi tuổi trẻ ấy được đổi lại bằng việc nhìn thấy đất nước độc lập trước khi ra đi, thì tuyệt biết mấy.
nhưng hơn hết tôi trân trọng họ, những chàng học trò trẻ ngày ấy ắt phải có duyên thì họ mới chung chí hướng, cùng gác lại những trang giấy còn dang dở để khắc những bước chân vào trái tim dân tộc. không ai bảo ai, khi tổ quốc gọi tên, họ dâng sức trẻ cho độc lập nước nhà. họ biết sẽ khó khăn đấy, cũng biết rằng một mai ta đi thì cũng thật khó để trở về nhưng lòng họ đã quyết, họ một mực cùng nhau chiến đấu và hy sinh cho tổ quốc.
tôi trân trọng họ bởi lẽ tôi biết, không có họ sẽ chẳng có tôi, có việt nam ngày hôm nay. bước đi trên từng mảnh đất là mồ hôi và tính mạng của các chiến sĩ đổi lấy, tôi hiểu được rằng: sẽ chẳng có tự do nào là ngẫu nhiên xuất hiện, đó là thành quả của cha ông ta đã giành lấy. một mai này, có thể là một trăm hay hai trăm năm sau, hình ảnh những chàng học trò xứ hà thành gác bút cầm súng vẫn là thứ băng qua sự mài mòn của thời gian, sống mãi với thế hệ sau này.
_
05.10.23
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top