Chương 9

Một buổi sáng, rất sớm trước cái giờ quy định cho việc thăm viếng ở N... từ một cái nhà gỗ màu da cam, có gác thấp và cột chống màu xanh, một phu nhân bước ra, mình mặc áo klôk {Tác giả phiên âm từ cloak, của tiếng Anh} kẻ ô; theo hầu có một người hành bộc mặc áo dài có nhiều cổ {Những cổ ấy như những vải khoác thêm ngoài vai áo dài: áo như thế thường gọi bằng tiếng Anh là carrick} và đội cái mũ tròn, bóng, thêu kim tuyến. Vội vàng như lên cơn sốt, phu nhân nhảy vào chiếc kôliaxka {Xe ngựa lịch sự thường dùng đi trong thành phố} đang đợi trước thềm. Người hành bộc tức khắc đóng cửa xe, gấp cái bục xe; rồi bám vào các đai da, leo lên sau xe và bảo xà ích: "Đi!".

Phu nhân nóng nảy muốn tiết lộ một cái tin sốt dẻo vừa được biết. Chốc chốc phu nhân lại nhìn qua cửa xe, điên lên vì mới đi được có nửa đường. Đối với phu nhân, các nhà bên đường sao mà dài hơn ngày thường: cái tòa nhà đá trắng có cửa sổ hẹp là viện tế bần kia, mãi không chịu hết, làm phu nhân mỏi cả mắt, sốt cả ruột kêu lên: "- Cái nhà chết tiệt, nó không chịu hết nữa!" - Hai lần, xà ích được phu nhân ra lệnh: "- Nhanh lên, nhanh lên, Anđriuska! Hôm nay mà bò ra thế à!" Nhưng, sau cùng thì cũng đến đích.

Chiếc kôliaxka dừng lại trước một cái nhà một tầng, màu xám sẫm, cửa sổ có đường gờ trắng ở phía trên; quanh nhà là một hàng rào cao; giữa nhà và rào chỉ còn chỗ cho một mảnh vườn nhỏ xíu với mấy cái cây cằn cỗi, phủ bụi của phố phường, một lớp không bao giờ hết. Qua các cửa sổ, thấy những bình hoa, một con vẹt mỏ ngậm vào cái vòng tròn trong chiếc lồng mà đánh đu, và hai con chó nhỏ đang phơi mình ra sưởi nắng mà ngủ. Đó là nhà một người bạn rất quý của bà khách.

Tác giả rất lúng túng không biết đặt tên cho hai phu nhân như thế nào để khỏi gây ra những trận lôi đình như ngày trước {Bản thảo đầu tiên viết rõ là: những trận lôi đình do kịch "Quan thanh tra" và các tội lỗi khác gây ra}. Tác giả không dám cho họ những cái họ, tên bịa đặt. Tạo ra một cái họ là việc nguy hiểm: dù anh có đặt nó lạ lùng đến đâu đi nữa, thì bao giờ, trong một góc nào đó của đất nước bao la của chúng ta, cũng có một kẻ nào đấy mang đúng cái họ như thế. Và thế là cái người nào đấy tự lấy làm nhục, thù anh không đội trời chung, cho rằng anh đã cố tình đi đến tận nơi họ ở để do thám họ, tìm cho ra họ là ai, xem họ mặc chiếc tulup bé như thế nào, họ đi lại với bà Agrafêna Ivanôpna nào, họ thích ăn món gì. Gọi người ta bằng phẩm hàm lại càng nguy hơn nữa; cầu Chúa che chở cho tôi! Thời buổi này, tất cả các vị ấy đều dễ tức giận, đến nỗi xem mỗi câu in ra là một cuộc công kích cá nhân họ. Viết rằng thành phố nào đấy, trong số cư dân có một người ngốc; tức thì một nhân vật, có vẻ đáng kính, kêu lên ngay: "- Tôi cũng ở đấy; vậy thì tôi là một thằng ngốc!".

Để tránh những nỗi khó chịu ấy, ta gọi bà chủ nhà là phu nhân yêu kiều về mọi phương diện. Gần hết mọi người trong thành phố đều gọi bà ta như vậy, và bà ta được cái tên ấy rất chính đáng, vì chẳng có việc gì mà bà bỏ qua không làm để xứng với cái tên ấy. Tuy vậy, qua vẻ nhã nhặn của bà ta, vẫn lộ ra cái ác ý rất đàn bà; những lời nói dễ ưa của bà ta thường che đậy những mũi nhọn châm chích; và nguy thay cái người bạn thân nào dám tranh nhau với bà ta cái địa vị đứng đầu mọi người! Nhưng tất cả các thứ ấy đều được khéo léo che giấu dưới những bề ngoài lịch thiệp mà tỉnh nhỏ rất ưa thích. Bà ta làm duyên, làm dáng trong tất cả mọi cử chỉ; bà ta thích thơ; biết cả cách lấy những dáng điệu mơ mộng với cái đầu hơi nghiêng nghiêng; và mọi người đều nhận rằng bà ta yêu kiều về mọi phương diện.

Bà khách đến thăm không có được lắm đức tính về nhiều mặt như thế; vì vậy chúng ta chỉ gọi đơn giản là một người đàn bà yêu kiều. Bà ta đến làm cho hai con chó nhỏ phơi mình ra nắng ngủ, phải thức giấc: Ađen {Phiên âm Adele, một tên thánh bằng tiếng Pháp, để đặt cho phụ nữ} lông xồm, lúc nào cũng vướng víu trong bộ lông và Pôpuri {Phiên âm Pot pouri, tiếng Pháp, tên món hầm thập cẩm gồm nhiều thứ thịt}, chân ngắn ngủn. Cả hai con, đuôi xoắn ruột gà, chạy xổ ra phòng áo, cắn lên ăng ẳng. Ở đấy, bà khách bỏ áo klôk và hiện ra với một chiếc áo dài, mà từ vải đến màu, đều rất đúng thời trang; cổ quấn một con trăn dài {Da con trăn đã thuộc, dùng làm khăn quàng cổ}; mùi nước hoa nhài tỏa ra khắp căn phòng. Vừa nghe báo phu nhân yêu kiều đến là phu nhân yêu kiều về mọi phương diện vội chạy ra. Hai người nắm lấy tay nhau, ôm nhau hôn, kêu lên những tiếng vui sướng như đôi bạn cùng ký túc xá, mà các bà mẹ của họ chưa cắt nghĩa cho biết rằng bố cô này không giàu bằng và phẩm hàm thấp hơn bố cô kia một trật. Sau một cái hôn rõ kêu làm cho hai con chó lại sủa; và vì thế mà chúng bị quật một cái với chiếc mùi soa; các phu nhân của chúng ta bước vào phòng khách; dĩ nhiên là phòng khách màu xanh, bày một chiếc ghế dài có lưng dựa, một cái bàn bầu dục và cả một bức bình phong trang trí bằng dây trường xuân {Một thứ cây leo bao giờ cũng xanh tươi, được xem như biểu tượng của tình thương yêu không thay đổi}; Ađen lông xồm và Pôpuri chân ngắn cũng theo vào, vừa đi vừa gầm gừ.

- Ngồi đây, ngồi đây, ở cái góc con này; bà chủ nhà vừa nói vừa chỉ cho bạn một góc của chiếc ghế dài. Thế! Tựa vào cái đệm này.

Vừa nói, bà ta vừa để vào sau lưng bạn một cái đệm kiểu bức thảm, thêu một chàng kỵ sĩ mũi hình bậc thang, và mồm vuông, như vẫn thường thêu ở những đệm, thảm kiểu này.

- À ra chị, em sung sướng quá! Nghe tiếng xe đi đến, em không biết ai mà tới thăm em sớm thế này. Con Prasa quả quyết: "- Bà phó tỉnh trưởng đấy ạ!". Em phải kêu lên: "- Lại cái con mẹ thộn này nữa! Bực quá đi mất!" và em đã muốn bảo nó nói là em đi vắng...

Khách vừa mở mồm báo cái tin trọng đại, thì một tiếng thốt lên của phu nhân yêu kiều về mọi phương diện làm cho câu chuyện chuyển sang một hướng khác.

- Cái vải bông này tuyệt quá nhỉ! Chủ nhân kêu lên khi ngắm cái áo của phu nhân yêu kiều.

- Tuyệt chứ nhỉ! Thế mà Praxkôvia Fiôđôrôpna lại cho là các ô kẻ to quá, và giá những cái chấm mà xanh nhạt thì đẹp hơn màu hạt dẻ này. Em vừa gửi cho chị em một thứ vải, xinh xinh là, hết sức là tuyệt diệu! Không tài nào tả được. Chị thử tưởng tượng xem nhá: nền xanh da trời, kẻ những đường thanh, thanh thanh là, đến cái mức mà chị không tưởng tượng được nữa, và xen vào giữa các đường kẻ là những con mắt và những cái chân, những cái chân và những con mắt... Thật là có một không hai! Chưa ai bao giờ thấy cái gì đẹp đến thế trên đời này!

- Nhưng thế thì lòe loẹt quá, chị ạ! - Chẳng lòe loẹt tí nào.
- Lòe loẹt chứ!...

Nên chú ý là phu nhân yêu kiều về mọi phương diện, có khuynh hướng thiên về chủ nghĩa duy vật, về hoài nghi, về phủ nhận và từ chối không công nhận rất nhiều thứ. Sau khi đã cắt nghĩa cho bạn một cách không thể cãi lại được là thứ vải ấy không lòe loẹt; phu nhân yêu kiều bỗng thốt lên:

- Nhân tiện, em mừng chị; bây giờ chẳng ai mặc váy viền đăng ten nữa! - Sao, không mặc nữa à?
- Bây giờ, mốt mới là viền hoa cơ.
- Viền hoa, nom chả ra gì!

- Vâng, viền hoa, chỉ toàn là viền hoa thôi nhá: viền hoa lên áo choàng, viền hoa lên ống tay, viền hoa lên cầu vai, viền hoa lên gấu áo, đâu đâu cũng viền hoa cả.

- Đâu cũng viền hoa cả thì ra cái gì, Xôfia Ivanôpna ạ!

- Đẹp chứ, Anna Grigôriepna: đẹp tuyệt. Người ta viền hai đường, lại thêu đè một đường nhỏ lên trên. Nhưng cái này còn làm chị ngạc nhiên hơn nữa... Này nhá, chị không thể tin là tai chị đã nghe rõ hơn nữa cơ... ngày nay người ta mặc áo cánh dài hơn trước nhiều, phía ngực nhọn hẳn lên, cái gọng căng bộ ngực lên cao quá mọi người giới hạn; váy thì gấp nếp như thời váy thúng, đằng sau lại độn thêm bông cho căng phồng lên; thế là người ta thành ra ben-fam {Phiên âm belle femme, tiếng Pháp nghĩa là đàn bà đẹp} hoàn toàn rồi nhé.

- Thế thì quá lắm đấy, tôi nói thật; phu nhân yêu kiều về mọi phương diện vừa nói vừa ngẩng đầu lên rất có phẩm cách.

- Đúng thế, quá lắm thật!... Phu nhân yêu kiều đáp lại.

- Dù chị nói gì thì nói, cái mốt ấy, em không bao giờ theo đâu.

- Em cũng vậy!... Thật không thể nào biết được là thời thượng có thể đi đến đâu!... Nói đùa thôi mà. Em có xin chị em đem cho một cái mẫu; con Mêlania nhà em đã bắt đầu khâu...

- Thế à? chị có mẫu à? Rõ ràng là bị xúc động, phu nhân yêu kiều về mọi phương diện thốt lên như thế.

- Có chứ... bà chị em đem đến cho một cái.

- Chị thân mến ạ... cho em mượn; em van chị đấy!

- Nhưng em lại đã hứa cho Praxkôvia Fiôđôrôpna... Nếu chị muốn thì để sau khi bà ấy dùng xong.

- Ai lại đi mặc áo thừa của Praxkôvia Fiôđôrôpna! Thật là lạ lùng, chị lại đi thích bọn người ngoại quốc hơn em chăng?

- Bà ấy là dì em.

- Dì à!... Phía đằng chồng à!... Không, Xôfia Ivanôpna ạ, mặc chị nói gì thì nói, em chẳng nghe nữa đâu... Thế là vô cớ chị làm nhục em đấy... Rõ ràng là tình bạn của em làm chị khó chịu; rõ ràng như thế; và chị muốn tuyệt giao.

Tội nghiệp, Xôfia Ivanôpna chẳng biết làm thế nào nữa; bà ta nguyền rủa tính khoe khoang, tính đa ngôn của mình và sẵn sàng lấy kim đâm cho nát be, nát bét cái lưỡi tọc mạch ra.

Bỗng phu nhân yêu kiều về mọi phương diện hỏi:

- Thế còn con người đẹp trai của chúng ta ra sao rồi?

- A! Lạy Chúa! Chẳng biết tôi nghĩ cái gì thế này? Tôi đến đây là chỉ vì việc ấy thôi mà! Anna Grigôriepna ạ, chị có biết em đem đến cho chị cái tin như thế nào không?

Bà khách suýt đứt hơi, vì lời nói dồn dập, sẵn sàng đuổi theo nhau như một đàn chim ưng đang bay; chỉ có một người vô nhân đạo như bà bạn thân này mới dám ngắt lời bà.

- Cứ ca tụng nó đi, cứ tha hồ mà tâng bốc nó lên tận mây xanh đi; bà ta nói với vẻ linh hoạt quen

thuộc; ngay cả điều ấy cũng không cấm tôi đánh giá nó đúng giá trị của nó được! Thật là một thằng cha thảm hại, tôi sẽ nói thẳng vào mặt nó... thảm hại, thảm hại, thảm hại.

- Nhưng chị hãy để em kể cho chị nghe.

- Thằng cha ấy mà người ta cho là đẹp trai! Nói thẳng ra là xấu như ma. Cái mũi lại vô duyên thượng hạng.

- Chị cho phép, chị cho phép... Anna Grigôriepna thân mến ạ... chị để em kể hết... thật là cả một câu chuyện... như người ta nói, cả một "ixtoa" {Trong câu này, những chữ câu chuyện là dịch theo từ Nga istôria có nghĩa là câu chuyện bình thường, còn ixtoa là chữ istoar của tác giả phiên âm từ Pháp histoire, có nghĩa là chuyện rắc rối}! Bà khách nói giọng van lơn.

Nhân tiện cũng chú ý là hai phu nhân cứ điểm vào những câu nói của họ nhiều thành ngữ nước ngoài và cả những câu dài tiếng Pháp nữa. Nhưng, dù có tin tưởng rằng tiếng Pháp rất có ích lợi ở nước Nga đến mấy đi nữa; dù có hết sức tôn trọng cái tập quán yêu nước, khiến xã hội thượng lưu của chúng ta, ngày đêm, bất cứ lúc nào, cũng nói năng bằng thứ tiếng ấy; tác giả vẫn không thể quyết định đưa vào bản trường ca Nga này một câu ngoại ngữ nào cả. Vì vậy chúng ta cứ tiếp tục bằng tiếng Nga.

- Câu chuyện gì ạ?

- Ôi, chị ơi, Anna Grigôriepna ơi; chị không thể tưởng tượng được là em hoảng hốt đến thế nào! Chị nghĩ xem, em vừa được bà vợ ông Prôtôpôp đến chơi, chị biết chứ, bà vợ Cha Kyrin ấy mà... Cái con người hòa nhã ấy, kẻ lữ khách ấy, là người thế nào?

- Sao? Hắn tán cả vợ ông Prôtôpôp à?

- Ôi, Anna Grigôriepna ạ, tán tỉnh thì còn là khá! Chị hãy nghe câu chuyện vợ ông Prôtôpôp kể lại cho em... Một chủ ấp quanh vùng này, bà Kôrôbôtska, đến tìm bà ta, hoảng hốt, mặt tái nhợt như người chết... và bà ta kể, chao ôi, bà ta kể! Nghe đây, chị này... Một cuốn tiểu thuyết thực sự. Giữa đêm khuya, cả nhà đang ngủ yên, bỗng có tiếng đập cổng, khiếp lên được, rồi tiếng kêu: "- Mở ngay, mở ngay, không chúng ông phá cửa ra bây giờ!" Thế nào? Chị nghĩ sao? Chị nghĩ ra sao về cái con người đẹp đẽ ấy?

- Thế cái mụ Kôrôbôtska ấy trẻ chứ? Xinh chứ?

- Chẳng trẻ, chẳng xinh chút nào! Một bà lão mà!

- A, tuyệt! Hắn lại kiếm chác cả bà lão nữa cơ đấy! Các phu nhân của chúng ta quả thật là có con mắt tinh đời: họ khéo vớ được người mà phải lòng!

- Không phải đâu, Anna Grigôriepna ạ; chị chưa đoán ra! Chị thử tưởng tượng là hắn đến gặp bà ta, gươm súng đeo suốt từ đầu đến chân, đúng kiểu Rinanđô Rinanđini {Rinanđô Rinanđini là tên một nhân vật kẻ cướp trong tiểu thuyết của người đức Phunpiux, bấy giờ đang nổi tiếng khắp châu Âu. Được xem là gương mẫu của tất cả mọi thứ truyện kẻ cướp và được xã hội thượng lưu Nga say mê}; hắn ra lệnh: "Bán cho ta tất cả các nông phu chết của nhà ngươi". Kôrôbôtska trả lời phải chăng rằng: "Không thể bán được, vì chúng chết rồi." Hắn nói: "Không, chúng không chết; muốn biết chúng chết hay không là việc của ta." Rồi hắn thét lên: "Chúng không chết, không chết, không chết!". Tóm lại, hắn làm om sòm, khủng khiếp. Cả làng đổ xô tới; trẻ con khóc như ri; mọi người kêu la; chẳng còn nghe ra cái gì nữa, thật là orrior, orrior, orrior!... {Phiên âm từ Pháp horreur, nghĩa là kinh khủng}. Chị không thể tưởng tượng hết nỗi kinh hãi của em, khi nghe câu chuyện ghê gớm ấy. Con Maska phải bảo em: "Thưa bà, bà soi gương xem mặt bà mới xanh làm sao!" - "Tao không phải soi gương. Tao phải chạy ngay đến kể tất cả đầu đuôi cho bà Anna Grigôriepna nghe đây". - Thế là em bảo thắng ngựa; thằng xà ích Anđriusa hỏi đi đâu; em chẳng nói năng

gì được, cứ nhìn nó sửng sốt; nó ngỡ là em điên. A! Anna Grigôriepna ạ, chị không thể biết được là em hoảng hốt đến thế nào!

- Cũng lạ thật, phu nhân yêu kiều về mọi phương diện nói; việc nông phu chết này nghĩa là thế nào? đây là lần thứ hai mình nghe nói đến; thế mà em cứ cho là Nôzđriôp nói nhảm, chẳng đâu vào đâu; nhưng thực ra ở trong chắc phải có điều gì đây!

- Anna Grigôriepna ạ, chị có thể hình dung được là nghe tất cả những chuyện khủng khiếp ấy, em hoảng sợ đến thế nào không. Kôrôbôtska lại nói: "- Tôi chẳng còn biết làm thế nào nữa. Tên tướng cướp bắt tôi ký một tờ văn tự giả, ném vào mặt tôi mười lăm rúp; tôi là đàn bà góa, chẳng biết gì, chẳng nương tựa được vào đâu, tôi không hiểu được một chút gì gì cả". - Chao ôi là ghê gớm! Chị không biết là em kinh hãi đến thế nào.

- Dù thế nào đi nữa, những nông phu chết ấy cũng che giấu một cái gì đây!

- Em cũng nghĩ thế; phu nhân yêu kiều nói, không khỏi ngạc nhiên. Sốt ruột muốn biết bí mật của câu chuyện, bà ta hỏi ngay; nhưng làm ra vẻ không đả động gì đến chuyện ấy: - Thế chị nghĩ là chúng che giấu cái gì?

- Còn chị, chị nghĩ thế nào?
- Em ấy à?... Em thì hoàn toàn xin chịu.
- Chắc chị cũng phỏng đoán ra cái gì chứ?

Phu nhân yêu kiều chẳng biết trả lời thế nào. Rất dễ xúc động, nhưng không tài nào trình bày ra được một điều ức đoán nhỏ nào cho có nghĩa lý; cho nên hơn bất cứ ai hết, bà ta cần phải có những bạn thân và những lời khuyên nhủ.

- Vậy thì, em nói cho chị rõ những nông phu chết ấy là cái gì nhé... Phu nhân yêu kiều về mọi phương diện tuyên bố như thế.

Nghe vậy, bà khách mở thao láo đôi mắt, vểnh hai tai lên, nhỏm thẳng người dậy như là treo mình lơ lửng trên chiếc ghế dài; và dù cho thân hình có nặng đồng cân thật, cũng vẫn nom tựa chiếc lông hồng sẵn sàng bay theo một hơi thở nhẹ. Cũng nom tựa một người quý tộc Nga, rất mê chó và săn bắn, đang rình ven một cánh rừng, - nơi mà thợ săn vừa xua ra một con thỏ, - người cứng đờ trên ngựa, tay lăm lăm cái roi. Như một đống thuốc súng sẵn sàng bốc cháy, y phóng luồng mắt xuyên qua màn không khí đục; y biết là dù tuyết phủ cánh đồng, đã rắc lên môi, lên ria mép, lên mắt, lên lông mày và lên cái mũ lông hải ly của y những ngôi sao óng ánh bạc; dù tuyết có trút lên y tất cả cơn giận dữ phũ phàng; y cũng sẽ dồn cho con vật kiệt lực, rồi hạ thủ nó...

- Những nông phu chết... phu nhân yêu kiều về mọi phương diện lại nói tiếp. - Làm sao? Làm sao? Bà khách rất xúc động vội ngắt lời chủ nhân.
- Những nông phu chết...
- À, lạy Chúa, nói đi!

- ...Chỉ là mẹo lừa đấy thôi; thật ra, hắn muốn bắt cóc con gái ông tỉnh trưởng.

Cái kết luận thật là bất ngờ và kỳ quái về đủ mọi mặt. Nghe xong, phu nhân yêu kiều tưởng chừng đã hóa thành đá, mặt tái mét, xanh nhợt và kinh hãi một cách thực sự.

- Ôi, lạy Chúa tôi! Bà ta kêu lên, xúc động đến tột độ, thật là không bao giờ tôi dám ngờ.

- Còn em thì chị mới nói là em đã đoán ngay ra được việc gì rồi, phu nhân yêu kiều về mọi phương diện nói thế.

- Vậy bây giờ phải nghĩ thế nào về các ký túc xá của chúng ta đây, Anna Grigôriepna nhỉ? Thật là một nền giáo dục tốt đẹp! Nào xem cô nàng ngây thơ!

- Chao ôi là ngây thơ! Em đã được nghe nó nói những lời mà nhắc lại em cũng phải xấu hổ.

- Khiếp quá, Anna Grigôriepna ạ! Thật là ghê gớm khi nghĩ tới việc con người ta có thể vô luân lý đến như thế nào.

- Tất cả đàn ông đều say nó như điếu đổ. Thật chẳng biết là có cái gì ở con bé kia chứ... Kiểu cách, đến không chịu được ấy...

- À, không phải, Anna Grigôriepna ạ, nó là một pho tượng thực sự; mặt nó lạnh như đá.

- Kiểu cách quá! Kiểu cách quá! Lạy Chúa, kiểu cách quá! Không biết ai tập cho nó những cái méo mặt, méo mày ấy? Chẳng thấy ai õng ẹo đến như thế bao giờ.

- Chị thân yêu ạ, một pho tượng thôi mà, và tái mét như là xác chết ấy.

- À, đừng nói thế, Xôfia Ivanôpna ạ; nó đánh phấn hồng đến trâng tráo lên được.

- À, không phải, không phải, Anna Grigôriepna ạ. Nó chỉ là một cục phấn, một cục phấn, một cục phấn trắng tinh mà thôi.

- Chị ạ, em đã trông thấy nó rất gần: đôi má nó trát phấn hồng dày tới một tấc và rơi lả tả từng mảng như thạch cao. Mẹ nó làm đỏm nổi tiếng và con còn hơn cả mẹ!

- Xin phép chị, chị muốn thề gì thì thề; em xin vui lòng mất cả chồng, cả con, cả của cải, nếu nó bôi một tí tẹo phấn nào lên mặt!

- Ôi, chị nói gì vậy, Xôfia Ivanôpna; phu nhân yêu kiều về mọi phương diện vừa nói vừa vỗ hai tay vào nhau.

- Ôi, chị lại thế cơ à, Anna Grigôriepna! Em thật lấy làm lạ quá! Lại đến lượt phu nhân yêu kiều kêu lên, và cũng vừa kêu vừa vỗ hai tay vào nhau.

Bạn đọc cũng không nên ngạc nhiên thấy hai phu nhân của chúng ta khác ý kiến nhau hẳn, về một đối tượng mà cả hai đều cùng trông thấy rất gần và gần cùng một lúc với nhau. Ở đời này có nhiều cái mà đặc tính là đối với phu nhân này thì trắng tinh, mà đối với phu nhân nọ thì lại đỏ thắm.

- Này, lại thêm một bằng chứng nữa là nó xanh lướt như cò bợ, phu nhân yêu kiều nói thêm; em nhớ là có nói với Manilôp ngồi cạnh em như thế này: "Ông nhìn xem, cô ta xanh quá nhỉ". Thế mà quý vị phu quân ngu ngốc của chúng ta lại mê mẩn tâm thần vì con nhãi ranh!... Còn cái anh chàng đẹp trai ấy! A, hắn không thể tưởng tượng được, Anna Grigôriepna ạ, là em tởm đến chừng mực nào.

- Thế mà lắm bà lại có biệt nhãn với hắn đấy!

- Em ấy à? Anna Grigôriepna ạ; về phần em, chị không bao giờ có thể nói như thế được; không bao giờ, không bao giờ.

- Nhưng em có định nói chị đâu; ở đời có phải chỉ có mình chị đâu.

- Không bao giờ, không bao giờ, Anna Grigôriepna ạ; xin phép chị, em biết rõ mình lắm; chị để dành lời trách ấy cho những người khác hay đóng vai đạo đức giả.

- Xin phép chị Xôfia Ivanôpna ạ! Chưa bao giờ em gây ra việc gì tai tiếng cả; em để dành việc ấy cho những kẻ khác...

- Sao chị lại phật ý? Trong vũ hội, có phải chỉ có một mình chị đâu... Chẳng phải người ta thấy có bà cướp lấy cái ghế gần cửa nhất để được ngồi cạnh hắn đấy à?

Mấy lời vừa nói ra đáng lẽ phải làm nổi lên một cơn phong ba; nhưng trái với tất cả mọi dự định, chẳng có gì xảy ra cả. Phu nhân yêu kiều về mọi phương diện thì chưa có cái mẫu chiếc áo hợp thời trang; còn phu nhân yêu kiều thì chưa biết những chi tiết về việc bí mật mà bà bạn thân mới tiết lộ; những điều suy nghĩ phải chăng ấy lập lại hòa khí ngay tức khắc. Vả lại trong thâm tâm, các phu nhân của chúng ta chẳng độc ác tí nào đâu; nhưng tuy không thấy cần phải hại ai, họ vẫn không cưỡng lại nổi cái thú vô tình bắn những mũi nhọn vào người khác: "- Này, cho mày đấy, đớp lấy, đút túi, hốc đi!..." Lòng người thật đủ mọi thứ nhu cầu.

- Có điều em không thể hiểu, phu nhân yêu kiều lại nói, là làm sao mà Tsitsikôp chỉ là khách qua đây thôi lại dám liều làm một việc bắt cóc như thế? Chắc là hắn phải có đồng lõa chứ.

- Chị cũng nghi thế à?

- Nhưng mà ai, chẳng hạn?

- Ai nữa?... Trước tiên là Nôzđriôp.

- Nôzđriôp! Có thật thế không?

- Thằng cha ấy có thể được lắm chứ. Chị còn lạ gì, nó còn muốn bán cả bố nó đi nữa... hơn thế, đem bố nó ra đặt cược đánh bạc cơ mà.

- Ôi, lạy Chúa tôi! Chị cho em biết những tin thật là trọng đại. Không bao giờ em nghĩ ra rằng Nôzđriôp có dính líu vào cái vụ này!

- Còn em, em chẳng nghi ngờ một chốc lát nào cả.

- Chẳng còn cái gì mà người ta không thấy ở đời này nữa! Khi Tsitsikôp mới đến, ta có bao giờ ngờ rằng hắn sẽ làm lộn tùng phèo cả thành phố lên thế không? Ôi, Anna Grigôriepna ạ, giá chị biết việc ấy làm em hoảng hốt đến thế nào! Không có tình bạn của chị, sự ân cần của chị... thì em chết mất. Thấy mặt em tái đi, Maska bảo em: "- Thưa bà thân mến, nom bà nhợt nhạt như cái xác chết!", em đáp lại: "- Maska, chẳng phải nói đến việc ấy". Chao ôi, cái vụ này! Cả Nôzđriôp cũng dính vào đấy nữa!...

Phu nhân yêu kiều cố gạn hỏi những chi tiết chính xác về ngày giờ và những sự tình của vụ bắt cóc; nhưng không ăn thua. Phu nhân yêu kiều về mọi phương diện thú thật là không biết gì cả. Bà ta không biết nói dối. Bà ta chỉ ức đoán thôi; và như thế là được, vì đó là một việc khác hẳn; hơn nữa, ức đoán của bà phải căn cứ vào một lòng tin sâu sắc và trong trường hợp ấy thì bà ta không bao giờ rút lui lòng tin nữa; dù là một luật sư tinh thông, lão luyện nhất trong nghệ thuật thuyết phục, cũng chỉ mất toi thì giờ và công sức với bà ta thôi.

Trong óc hai phu nhân, giả thuyết chóng biến thành việc xác thực. Việc ấy không có gì đáng ngạc

nhiên cả. Cái giới tự xưng là thông minh, cũng hành động chẳng khác thế chút nào; cứ xem những luận văn sâu sắc của các nhà thông thái thì biết. Mở đầu bao giờ cũng khiêm tốn, thận trọng. Nhà khoa học sợ đi sâu vào, rồi sau khó rút lui; ông ta tự đặt câu hỏi rụt rè: "Chúng ta đã lần đến được nguồn gốc chưa? Có phải tên của xứ này là do tên của mảnh đất kia mà ra không?", hay là: "Có phải tài liệu này thuộc về một thời kỳ sau chăng?" lại hay là: "Sau cái tên của bộ tộc này, có phải là có bộ tộc nào khác chăng?" - Thế là nhà khoa học của ta vội dẫn tất cả các văn hào cổ đại; khi mà tìm được hay tưởng rằng tìm được của tác giả ấy một lời bóng gió nào đó, có tí ti hơi hướng tới thuyết của mình, là y liền bạo dạn lên, xem các tác giả cổ đại là cùng vai, cùng vế; ra cho họ những câu hỏi; trả lời thay cho họ và hoàn toàn mất hết cái vẻ khiêm tốn của lúc mở đầu. Cái gì đối với y cũng rõ ràng, tất yếu, không thể bác được và y kết luận: "- Đúng thế; mọi việc đã diễn ra như thế; tên thật của bộ tộc ấy là thế; vấn đề phải quan niệm như thế!". Và thế là, y đăng đàn, công bố cái chân lý mới; rồi chẳng mấy chốc, chân lý mới ấy truyền đi quanh thế giới, đến đâu tuyển mộ thêm những kẻ tin tưởng cuồng nhiệt đến đấy.

Trong khi các phu nhân yêu kiều của chúng ta giải quyết thần tình như vậy một bài tính rắc rối đến thế; thì cái vẻ mặt kín như bưng, đôi lông mày rậm và con mắt hấp háy của ông chưởng lý hiện ra ở phòng khách. Các phu nhân vội vàng báo cho ông biết tin, kể cho ông nghe việc mua nông phu chết, vụ âm mưu bắt cóc và làm cho ông chưng hửng đến nỗi cứ đứng sững ra đấy như trời trồng, hấp háy con mắt trái, tay cầm chiếc mù soa phủi phủi thuốc lá vướng trong chòm râu cằm, và chịu chết, chẳng làm sao hiểu được lấy một tiếng chết tiệt nào trong những lời líu tíu của hai phu nhân.

Đôi bạn gái liền bỏ mặc ông ở cái tư thế ấy và chạy đi, mỗi người một phía, đảo lộn thành phố lên như một cuộc cách mạng. Các bà thành công quá sức tưởng tượng; chỉ sau nửa giờ là nhân tâm xao xuyến cả lên, tuy chẳng hiểu tí gì về đầu đuôi cái việc ấy cả. Câu chuyện họ kể rối như tơ vò, làm sửng sốt tất cả mọi người, bắt đầu từ các công chức; thoạt tiên, sự hoang mang của những người này làm ta liên tưởng tới vẻ ngơ ngác của một cậu học trò đang ngủ mà bị chúng bạn dậy sớm hơn, đút vào lỗ mũi một điếu thuốc lá sâu kèn, một tên khinh kỵ binh, như chúng thường nói. Với tất cả cái sức thở vào của người ngủ say, đứa bé hít cái liều thuốc, vùng dậy và ngơ ngác nhìn quanh, không tài nào hiểu nổi mình đang ở đâu, cũng như cái gì đã xảy đến cho mình. Rồi nó mới nhận ra những bức tường đã được ánh sáng rọi vào chênh chếch, tiếng cười của chúng bạn nấp trong các góc; qua cửa sổ nó nhận ra trời đã bừng sáng, cánh rừng đầy tiếng chim hót, con suối uốn lượn, dòng nước óng ánh bạc giữa những bụi lau, nơi bọn trẻ vui đùa như khuyên mời ta tắm mát; và cuối cùng mới thấy là chúng bạn đã đút vào mũi mình một tên khinh kỵ binh {Kỷ niệm thời đi học của Gôgôn}.

Cái nỗi kinh hoàng đầu tiên của giới công chức và những cư dân khác ở N... đúng là như thế... Họ há hốc mồm, giương thao láo những đôi mắt ngờ nghệch như mắt cừu. Nông phu chết, con gái ông tỉnh trưởng và Tsitsikôp họp thành một mớ bòng bong trong đầu óc họ; cơn sửng sốt đầu tiên qua rồi, họ mới phân biệt được các thứ ấy; họ muốn hiểu rõ câu chuyện và chỉ bực mình vì không tìm ra được một sự giải thích nào hợp lý cả. Những nông phu chết ấy nghĩa là thế nào? Chẳng có chút lôgic nào trong vụ nông phu chết ấy cả. Nông phu chết thì mua làm gì? Và con gái ông tỉnh trưởng dính líu vào cái vụ này để làm gì? Nếu muốn bắt cóc cô ta thì mua nông phu chết làm gì? Và nếu muốn mua nông phu chết thì tại sao lại bắt cóc cô ta? Hay là y định biếu cô ta bọn nông phu chết? Những chuyện nhảm nhí đồn đại khắp phố phường! Quỷ sứ, tại sao người ta lại không thể thò mũi ra khỏi nhà mà không bị choáng váng vì những chuyện quái gở? - Tuy vậy, những tiếng đồn như thế mà được truyền đi thì không phải là không có lý do. Không có lý do sao? Có thể có lý do nào được trong vụ những nông phu chết? Chẳng có lý do nào cả; tất cả các thứ ấy đều chỉ là chuyện ba láp, chuyện nhảm nhí, chuyện láo toét; quỷ bắt anh đi!

Cứ bàn ra tán vào, chẳng mấy chốc, mọi người chỉ nói đến những linh hồn chết và con gái ông tỉnh trưởng, đến Tsitsikôp và những linh hồn chết, đến con gái ông tỉnh trưởng và Tsitsikôp. Trên thành phố nhỏ luôn luôn yên ngủ, một cơn phong ba kéo qua. Người ta thấy từ hang hốc chui ra những con sóc núi, những con baibak đã bao nhiêu năm, không hề bỏ áo ngủ và đổ nguyên do của sự lười biếng ấy cho anh thợ giày, anh thợ may vụng về đã làm hỏng giày, hỏng áo của họ, cho người xà ích luôn luôn say rượu. Người ta thấy tất cả những kẻ đã cắt đứt mọi quan hệ với đời, chỉ còn lui tới với các tay Zavalisin và các tay Pôlejaep, - tiếng rất thông dụng ở nước Nga chúng ta để chỉ việc ngủ say, nằm ngửa, nằm sấp; các tay Xôpiôp và các tay Khrapôvitxki - tiếng để chỉ những giấc ngủ say nằm nghiêng, nằm ngửa, những cái huýt sáo đằng mũi và ngáy, cùng các thứ phụ tùng khác nữa; tất cả những kẻ mà không một sự mời mọc nào có thể kéo ra khỏi nhà được, dù là để thưởng thức món xúp cá trứ danh, giá tới năm trăm rúp, nấu với những con cá chiên dài hai arsin, và kèm theo món kulêbiaki {Kulêbiaki là một thứ bánh bao nhân cá và trứng, món ăn rất được người Nga ưa thích} cho vào mồm là cứ tan ra. Tóm lại, thành phố bỗng rộng lớn, trù mật, sầm uất như mọi thành phố biết tự trọng. Người ta thấy xuất hiện một lão Xyxôi Pafnutiêvits nào đấy; một lão Macđônan Karlôvits nào đấy mà không ai quen biết bao giờ cả; và ở các phòng khách thấy lui tới một thằng cha thô kệch, cao lêu nghêu, bị thương ở cánh tay; cao, cao đến nỗi chưa bao giờ thấy ai như hắn cả. Đủ các thứ xe từ thời hồng hoang: đrôjki, linêiki, đrêbezjanki, kôlexôxvixtki đổ ra, rền rĩ, kêu kèn kẹt khắp phố phường. Các cái lưỡi tha hồ phán. Ở lúc khác, trong những hoàn cảnh khác, có lẽ những chuyện như thế không làm cho ai lưu ý; nhưng mà thành phố N... đang đói tin tức từ lâu. Đã ba tháng rồi, chẳng ai đồn đại một tin nhảm nào, một cái kommêraj {Phiên âm tiếng Pháp commérage nghĩa là chuyện ngồi lê đôi mách} nào, như người ta nói ở các thủ đô! Mà tin đồn nhảm thì đối với một thành phố là không thể thiếu được, cũng như việc tiếp tế lương thực vậy. Hai dư luận, trái ngược nhau hoàn toàn, đã được thành hình; thành phố chia làm hai phe: phe nam giới, phe nữ giới. Phe nam, kém tinh khôn nhất, chỉ nghĩ đến nông phu chết. Phe nữ tập trung tất cả sự chú ý vào vụ bắt cóc con gái ông tỉnh trưởng. Cũng phải nói để tuyên dương các bà là họ đã tỏ ra trật tự và khôn ngoan. Do bản tính, họ biết làm người nội tướng tốt - giải quyết đúng đắn mọi việc trong nhà - phe ấy đã chóng gỡ rối cho cái vụ này, cắt nghĩa ra, làm cho chính xác thêm, biến thành một bức tranh có đường nét cân đối.

Rõ ràng là Tsitsikôp mê gái từ lâu. Y gặp con gái ông tỉnh trưởng trong vườn, dưới ánh trăng; và cha nàng chắc cũng có thể gả con cho một kẻ giàu sụ như một người Do Thái; nhưng không may y lại là một kẻ bỏ vợ (họ làm sao mà biết Tsitsikôp đã có vợ rồi, chẳng ai biết vì sao cả). Vợ y, bị ruồng rẫy, nhưng vẫn mê y; có biên cho tỉnh trưởng một cái thư hết sức lâm ly; và trước sự từ chối chắc chắn của bố mẹ cô gái, Tsitsikôp mới quyết tâm bắt cóc nàng.

Câu chuyện còn lại lưu hành theo một thuyết khác nữa: Tsitsikôp chưa có vợ; nhưng là kẻ tinh quái, muốn ăn chắc, mới thắt chặt những quan hệ thân mật với bà mẹ; rồi bất ngờ quay sang hỏi cô con; lòng đầy hối hận và bị những lo ngại về tôn giáo giày vò, bà mẹ dứt khoát từ chối; thế là Tsitsikôp quyết định bắt cóc cô con gái.

Chuyện này có kẻ thêm thắt vào, có kẻ sửa chữa lại; càng vào sâu các hang cùng, ngõ hẻm, lại càng nhiều dị bản. Ở nước Nga, người thường dân thích biết bao những lời đồn đại ác khẩu của giới thanh lịch; người ta bàn tán, bình luận, thêu dệt thêm; trong cả những nhà mà xưa nay chưa từng gặp ai hay biết gì về sự tồn tại của Tsitsikôp hết. Câu chuyện mỗi lúc một đậm đà, một chính xác thêm. Khi nó đã được xây dựng hoàn thành rồi, tất nhiên là nó đến tai Bà lớn tỉnh trưởng. Với tư cách là người mẹ gia đình, là đệ nhất phu nhân trong thành phố, cuối cùng là một vị phu nhân, bà tỉnh trưởng không thể ngờ đến một điều ô nhục như thế; con người đáng kính ấy liền nổi cơn thịnh nộ, nổi trận lôi đình rất chính đáng. Cô thiếu nữ tóc vàng phải chịu một cuộc tête à tête {Tiếng Pháp trong nguyên bản, có nghĩa là cuộc nói chuyện riêng giữa hai người} với mẹ, khó chịu nhất, mà chắc là chưa bao giờ một cô gái mười sáu tuổi đã phải trải qua. Bị phủ đầu bằng những tràng chất vấn, trách móc, đe dọa, khuyên dỗ; cô gái tội nghiệp khóc sướt mướt mà chẳng hiểu một chữ chết tiệt nào trong trận chửi mắng ấy cả. Người lính gác cổng được lệnh không cho Tsitsikôp vào dinh vì bất cứ lý do nào.

Công trình của họ hoàn thành về phía ấy rồi, hai phu nhân liền xô vào phe nam giới, cố kéo những người đối lập theo cách nhìn của mình: các nông phu chết chỉ là một mẹo lừa, cốt đánh lạc các mối nghi ngờ, để cho việc bắt cóc chắc chắn thành công. Họ thuyết phục được vài người, lôi họ về phe đàn bà; và

không may cho những kẻ thay phe, đổi đảng ấy, các bạn chiến đấu cũ của họ liền gọi họ là đồ đàn bà tồi, đồ cái váy; những lời, như ta biết, là khá nhục đối với phái khỏe.

Vả lại, đàn ông có kháng cự cũng vô ích; phe của họ không có kỷ luật chặt chẽ như của nữ giới: cái gì của họ cũng rời rạc, thô lỗ, nặng nề, vụng về; ý kiến họ lừng khừng, lúng túng, mâu thuẫn, phản ánh sự trống rỗng của đầu óc họ, để lộ ra bản tính thô lỗ, lười biếng, hay thay đổi, luôn luôn sợ sệt, luôn luôn hoài nghi, không biết gì hết về nghệ thuật tổ chức, chẳng có chút nhiệt tình, chút tin tưởng nào. Họ cho rằng việc bắt cóc con gái ông tỉnh trưởng chỉ có thể là hành động của một tay khinh kỵ binh, không phải của một quan văn; và Tsitsikôp chẳng đời nào lại làm thế, đàn bà chỉ nói dối. Họ nhắc đi nhắc lại cái câu: mụ nào, túi nấy; óc đàn bà chẳng khác nào cái túi, ném gì vào là mang đi nấy. Chỉ có một điều duy nhất, cốt yếu, phải hết sức lưu ý, là việc mua nông phu chết. Còn bên trong mà có ẩn tình gì chăng thì chỉ có quỷ sứ mới biết được. Nhưng mà chắc chắn là phải có điều gì bí ẩn rất khó chịu đây.

Tại sao phái đàn ông tin là có điều gì bí ẩn khó chịu? Thì đây: Tỉnh này sắp có một quan tổng trấn {Tổng trấn ở trên tỉnh trưởng, thường là quan võ và coi một tỉnh lớn hay nhiều tỉnh một lúc} mới bổ đến cầm cân, nẩy mực; việc ấy làm cho tất cả các quan lại lo sợ. Việc bổ nhiệm này đem theo những việc quở mắng, khiển trách, huyền chức và những quà ngon khác mà các thủ trưởng cao cấp thường vui lòng thết đãi những thuộc viên. Họ nghĩ rằng: "Chẳng may mà ngài phong văn được những lời đồn đại bậy bạ trong thành phố này và nổi trận lôi đình; thì đối với tất cả chúng ta, đó là vấn đề sống hay chết vậy".

Viên thanh tra sở vệ sinh bỗng thất sắc; mấy tiếng linh hồn chết có phải là chỉ những người chết khá đông trong một trận dịch sốt nóng, mà không một biện pháp nào do cấp trên đưa xuống đã được thi hành để phòng chống cả; và Tsitsikôp chắc là một phái viên của tổng trấn cử đi điều tra bí mật việc ấy. Ông ta thổ lộ nỗi sợ với ông chánh án. Ông này cho là chuyện hoang đường; nhưng lại đến lượt ông ta thất sắc và tự hỏi: nếu những nông phu mà Tsitsikôp mua là nông phu chết thật, thì việc này sẽ ra làm sao; chẳng phải ông ta đã nhận thực các văn khế bán người và tự mình đứng ra đại quyền cho Pliuskin là gì? Quan tổng trấn sẽ nói thế nào nếu ngài biết việc này? Ông ta chỉ cần nói một câu với người này, người nọ là đủ làm cho họ cũng thất sắc tức thì; dễ lây hơn bệnh dịch hạch, cái sợ truyền từ người này sang người khác chỉ trong nháy mắt. Mọi người đều tự tìm ra những tội lỗi mà họ không hề mắc phải. Mấy tiếng linh hồn chết mang đủ tất cả mọi thứ nghĩa mà trước kia không ai nghĩ đến cả. Người ta đi đến cả chỗ tự hỏi rằng có phải mấy tiếng ấy ám chỉ những người bị chôn quá vội vàng trong hai vụ mới xảy ra cách đây ít lâu không?

Vụ thứ nhất là vụ bọn lái ở Xônvưtsêgôđxk đến N... vào ngày phiên chợ; chúng thết bọn đồng nghiệp ở Ưxtxưtxônxk {Xônvưtsêgôđxk và Ưxtxưtxônxk: Hai quận lỵ trong tỉnh Viatka, tỉnh ấy là nơi có lẽ Gôgôn cho diễn ra tình tiết của Những linh hồn chết} một bữa tiệc theo kiểu Nga, điểm thêm những món phụ theo kiểu Đức: rượu đại mạch, rượu pơns, các thứ rượu mùi khác. Dĩ nhiên, theo thường lệ, bữa chè chén kết thúc bằng vụ ẩu đả. Lái ở Xônvưtsêgôđxk đả chết lái ở Ưxtxưtxônxk; mặc dù ở sườn, ở mấy nơi khác trên cơ thể chúng, còn rành rành những chứng tích về sức mạnh của các nắm đấm to quá khổ của bọn thiệt mạng. Một kẻ thắng trận ăn một quả đấm vào mũi, đến nỗi cả cái mũi dập tan và theo lối nói của bọn võ sĩ, thì cái mũi không còn có thể mặt nữa. Một cuộc điều tra được tiến hành. Những kẻ thắng trận nhận là đã đi quá mạnh và theo người ta nói, thì còn xin nhận lỗi, kèm theo bốn tờ bạc một trăm rúp. Vả lại, vụ này khá mờ ám: cuộc điều tra kết luận là bọn lái Ưxtxưtxônxk bị chết ngạt và người ta đem chôn họ như những người chết ngạt bình thường.

Vụ kia xảy ra trước đó ít lâu. Nông dân làng Vsivaia Xpex {Nghĩa là Tự phụ. Lắm chấy rận} thuộc lãnh địa hoàng gia, liên kết với nông dân thị trấn Borôpxki, cũng gọi là Zađirailôva {Nghĩa là Sinh sự}, vừa khử tên cảnh sát hương thôn là viên trợ tá {Trợ tá tiếng Nga là zaxiêđaren, là viên chức giúp quận trưởng cảnh sát trong việc làm bồi thẩm tòa án hương thôn, điều tra hình sự, thu thuế và trưng dụng xe cộ} Đrôbiajkin. Cảnh sát, hay Đrôbiajkin thì đúng hơn, có thói đến thăm dân làng nhiều quá. Và những lần thăm viếng như thế nhiều khi tai hại hơn một trận dịch sốt nóng, vì theo lời nông dân thì thăm viếng chỉ có duyên do là viên trợ tá quá thèm vợ và con gái họ. Thật ra, người ta chẳng biết được điều gì rõ ràng cả; dù họ có nhận, trong lời cung khai, là đã nhiều lần cảnh cáo viên cảnh sát dâm đãng như một con mèo đực ấy, và đã có lần phải đuổi nó ra khỏi một cái izba mà nó lẻn vào, người trần truồng như con nhộng. Những việc dâm ô của viên cảnh sát là đáng trừng trị; nhưng nông dân mà tự tay xử hắn thì không thể tha thứ được. Tuy vậy, vụ ấy rất rối ren: người ta tìm được xác chết trên đường cái, quần áo rách tả tơi, mặt mày không còn nhận ra được nữa. Ra tòa, hết cấp này đến cấp khác; rồi vụ ấy được giao cho tòa án tỉnh lỵ; tòa này đem xử trong một phiên bí mật. Nông dân đông quá, không thể phân biệt ra hung thủ; vả lại những kẻ lương thiện ấy đều còn sống và cần được vụ kiện; mà trái lại Đrôbiajkin thì đã chết rồi, dù tòa xử thế nào thì đối với hắn cũng chẳng quan trọng gì nữa. Bởi vậy tòa xử rằng viên trợ tá Đrôbiajkin, can tội lạm quyền đối với nông dân Vsivaia Xpex và Zađirailôva, đã chết trong xe trượt tuyết của hắn vì một cơn trúng phong cấp phát.

Những lời tuyên án ấy đã quá khôn khéo và hợp pháp, thế mà bây giờ lại làm cho nhân tâm hoang mang lên: những linh hồn chết chẳng phải là những cái thây đã được giải quyết quá lẹ làng ấy là gì?

Bỗng như là một việc cố ý, quan tỉnh trưởng nhận được hai cái công văn gửi đến, và tình trạng hoang mang liền lên đến tột độ. Một trong hai công văn ấy báo rằng, theo những bằng chứng và báo cáo chắc chắn, thì trong tỉnh đang có một kẻ làm giấy bạc giả, đội nhiều tên khác nhau; và sức cho tỉnh phải tức khắc truy nã thật tích cực. Công văn kia là của tỉnh trưởng một tỉnh lân cận, báo là có một tên tướng cướp vượt ngục, và nhờ bắt mọi kẻ khả nghi, không có giấy tờ. Các tin ấy làm cho những điều ức đoán trước kia thành ra hoàn toàn vô nghĩa. Toàn thể công chức đều hoảng hốt. Tất nhiên là không thể có một mối liên quan nào giữa các tên gian phi ấy với Tsitsikôp; nhưng mà mỗi người không thể không suy nghĩ. Thật tình, thì chẳng ai biết gì thật đúng về nhân vật ấy cả; chính y cũng nói về mình với những lời lẽ rất mơ hồ; chỉ nào là những bất hạnh phải trải qua vì lòng yêu chuộng công lý, nào là những kẻ thù cố tình theo đuổi để sát hại y. Nhớ đến điều ấy, người ta lại càng hoang mang; nếu mà có những tai nạn đe dọa y, thì chắc là lương tâm y không được yên tĩnh. Vậy thì, đúng ra y là người thế nào? Cứ xét bề ngoài thì chẳng phải là một tên tướng cướp, cũng chẳng phải một tên làm bạc giả. Thế thì y là người thế nào cơ chứ? Bấy giờ các viên chức của chúng ta mới tự đặt ra câu hỏi ấy, mà đáng lẽ họ phải quan tâm đến ngay từ đầu, nghĩa là từ chương một của bản trường ca của chúng ta.

Họ quyết định điều tra những người mà Tsitsikôp đã mua nông phu chết, hỏi xem y mua để làm gì? Mấy tiếng nông phu chết có nghĩa gì? Có thể là Tsitsikôp có nói lộ với họ vài câu về các ý định của y và về cá nhân y chăng? (°)

Trước tiên họ đến hỏi bà Kôrôbôtska và không biết thêm được tí gì. Tsitsikôp có mua của bà ta nông phu chết với giá tiền mười lăm rúp thật, và có hứa sẽ mua cho bà ta lông vịt và mỡ lợn để cung cấp cho chính phủ; chắc rằng Tsitsikôp là một tên xỏ lá, vì có lần, một thằng cha mua lông vịt và thầu mỡ lợn đã đánh lừa khối người và xoáy hơn một trăm rúp của vợ ông Prôtôpôp. Những lời lẽ như thế và nhiều lời tương tự khác nói đi nói lại, chỉ tỏ cho các nhà điều tra biết rằng bà lão lẩn thẩn ấy quả là ngu ngốc!

Manilôp thì nói là sẵn sàng bảo đảm cho Tsitsikôp như cho bản thân vậy; rằng chàng vui lòng hy sinh tất cả gia sản để có lấy một phần trăm những đức tính của Paven Ivannôvits; tóm lại là không ngớt lời ca tụng y, kèm theo mấy câu châm ngôn về tình bạn, vừa nói vừa nheo nheo đôi mắt rất có ý nghĩa. Những câu châm ngôn ấy chứng tỏ một lần nữa cái thiên hướng đa cảm của tấm lòng Manilôp, nhưng chẳng làm cho các viên chức của chúng ta biết gì về nội dung của việc đã xảy ra cả.

Xôbakiêvits thì tuyên bố rằng hắn xem Tsitsikôp là một người lịch sự; hắn đã bán cho Tsitsikôp những nông phu hảo hạng và còn sống hẳn hoi; dĩ nhiên là hắn không thể chịu trách nhiệm về tương lai: nông phu có thể chết vì đi đường nhọc nhằn; chúng ta đều ở trong tay Chúa; sốt nóng và các bệnh chết người khác đang hoành hành khắp nơi, và làm chết sạch từng làng là thường.

Sau đó các ngài viên chức lại dùng tới một phương tiện, tuy là hèn thật, nhưng không phải vì thế mà người ta không dùng: nhờ bọn người hầu và tôi tớ trong thành phố làm trung gian, cố dò hỏi đầy tớ của Tsitsikôp những điều về chủ chúng, như quá khứ của y, địa vị hiện tại của y. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì: Pêtruska chỉ để xông lên cái mùi hấp hơi đặc hữu của hắn; Xêlifan thì lầu bầu là chủ hắn đã phụng sự Nhà nước và lập nghiệp một thời gian trong ngành thuế quan. Những hạng người ấy thật lạ lùng: hỏi chúng một câu trực tiếp và chính xác thì chúng chẳng nhớ ra cái gì cả, chúng nói năng lúng túng, bảo rằng chúng chẳng biết gì hết; nhưng mà chuyển câu chuyện sang một loạt ý kiến khác, là chúng quay lại loại ý kiến thứ nhất và phun ra không biết bao nhiêu câu chuyện, với biết bao nhiêu là chi tiết, làm cho bạn chỉ còn muốn bắt chúng ngậm miệng lại tức khắc mà thôi.

Qua tất cả những sự chạy chọt vô hiệu quả ấy, các viên chức thu hoạch được một mối tin tưởng chắc chắn là thật tình họ chẳng biết Tsitsikôp là ai cả. Tuy vậy, thằng cha Tsitsikôp ấy vẫn phải là một kẻ nào đấy và từ một nơi nào đấy mà đến đây chứ! Chẳng còn phương kế nào nữa, họ muốn ít nhất là bàn tính với nhau về những biện pháp phải thi hành. Có phải xem Tsitsikôp là một kẻ khả nghi và bắt giam vì cớ ấy không? Hay trái lại, y là một nhân vật quan trọng có thể bắt tất cả bọn họ đem tống ngục, vì lý do không làm đủ phận sự? Với mục đích ấy, họ quyết định khai hội, một phiên bất thường ở nhà ông cảnh sát trưởng, cha và ân nhân của thành phố, như bạn đọc vẫn biết.

--------------------------------------

(°): Đoạn từ đây trở xuống, Gôgôn đã viết lại vào những năm 1842 – 1843 như sau: nhiều bản Những linh hồn chết in ra không có đoạn hay này:

Sau những cuộc thương nghị dằng dai và vô hiệu, họ quyết định đến hỏi những người mà Tsitsikôp đã mua những nông phu chết khó hiểu ấy. Rút thăm thì ông chưởng lý phải đi hỏi Xôbakiêvits; còn ông chánh án thì tự nguyện đến gặp bà Kôrôbôtska. Vậy thì ta đi theo họ để xem xét kết quả cuộc điều tra ra sao.

Xôbakiêvits lên tỉnh thì trọ trong một khu phố hẻo lánh. Hắn đã chọn một ngôi nhà chắc chắn mà các tấm ván không sợ gãy, sụp xuống; và ở đấy người ta có thể sống hoàn toàn yên tâm. Cái nhà ấy là của lão lái Kôlôterkin, cũng là người nặng đồng cân. Xôbakiêvits không đem con cái lên; chỉ có vợ đi theo thôi. Hắn đã bắt đầu chán và nghĩ đến việc về; nhưng còn phải thu tô về một mảnh đất cho ba tay thị dân ở N... thuê để trồng cải củ và bà vợ thì đã đinh ninh là phải thửa một cái áo măng tô lót bông mà chị thợ khâu mãi chưa thấy đưa đến. Ngồi trong ghế bành, mắt nhìn chằm chằm vào lò sưởi, hắn đang nguyền rủa sự bất tín của bọn thuê đất và cái thích phù phiếm của mụ vợ. Ông chưởng lý đã bắt gặp hắn đúng lúc mà tâm trạng hắn như thế.

- Mời bác ngồi, Xôbakiêvits vừa nói vừa hơi nhổm mình lên một tí.

Ông chưởng lý hôn tay Fêôđulia Ivanôpna rồi ngồi. Fêôđulia Ivanôpna cũng ngồi xuống. Ba chiếc ghế đều sơn màu lục, góc ghế trang trí những hình hoa súng.

- Tôi đến nói chuyện với bác về một chút việc; ông chưởng lý nói.

- Mình ạ, hay là mình sang buồng mình, có lẽ mụ thợ khâu đang chờ mình bên ấy; Xôbakiêvits bảo vợ.

Fêôđulia Ivanôpna lui về buồng.

- Xin phép bác, ông chưởng lý bắt đầu câu chuyện, cho tôi được hỏi là bác đã bán cho Paven Ivannôvits Tsitsikôp những người như thế nào?

- Những người như thế nào à? Văn tự bán đã kê rõ thân phận của chúng rồi cơ mà: một đứa là thợ đóng xe...

- Tuy vậy, ông chưởng lý lúng túng ngắt lời hắn, trong thành phố có những lời đồn đại... - Việc ấy tỏ ra rằng ở đây lắm đứa ngu lắm! Xôbakiêvits điềm nhiên đáp lại như thế.

- Tuy vậy, Mikhain Xêmiônôvits ạ, những lời đồn đại làm người ta hoang mang lên được: những nông phu mua bán không phải là người sống; đây hoàn toàn không phải là việc đinh điền; cái anh Tsitsikôp ấy có lẽ là một nhân vật khó hiểu... Người ta nghi ngờ điều quan trọng... Thiên hạ cứ thế mà bàn tán...

- Xin lỗi, có lẽ bác là đàn bà chăng?
- Câu hỏi ấy, ông chưởng lý chưa hề tự đặt ra bao giờ, làm ông ta lúng túng.
- Nói với tôi những chuyện nhảm nhí thế, bác cũng phải biết xấu hổ chứ! Xôbakiêvits lại nói tiếp. Ông chưởng lý muốn xin lỗi,

- Đi mà nói với những con mẹ kéo sợi, ban đêm cùng nhau kháo chuyện những con mụ phù thủy, thì hơn. Nếu không thể nói những chuyện đúng đắn được, thì đi mà đánh xương {Một trò chơi của trẻ con với những mẩu xương cừu} với trẻ con. Lại đi quấy rầy một người quân tử như thế kia à! Anh dùng tôi làm trò cười à? Anh không làm tròn chức trách; để chiều lòng bạn bè, anh bỏ cả việc phụng sự tổ quốc; chỉ nghĩ đến việc đứng riêng ra xa cho yên thân. Thật là một cái đồ chơi trong tay bọn ngốc. Anh tự hại anh một cách ngu xuẩn; rồi chẳng ai còn giữ về anh một kỷ niệm tốt đâu.

Sửng sốt vì trận mắng nhiếc bất ngờ ấy, ông chưởng lý tiu nghỉu ra về. Một lát sau Fêôđulia Ivanôpna trở vào.

- Sao ông chưởng lý vội về ngay thế?

- Hắn hối hận nên vội cút đi, Xôbakiêvits đáp. Mình thấy đấy, mình à, cái thằng cha đã hai thứ tóc ấy mà còn đi lại chốn nhà thổ. Tất cả bọn chó ấy đều có thói như thế đấy. Sống cho chật đất; chúng chưa vừa lòng; còn làm những việc kinh khủng quá sức; đáng ra phải đem đút tất cả vào một cái bị, ném hết chúng nó xuống sông. Toàn thể thành phố là một ổ trộm cướp; đi ngay đi thôi.

Fêôđulia Ivanôpna viện cớ là áo măng tô may chưa xong, lại còn phải đi mua dải mũ nữa. Xôbakiêvits chẳng muốn nghe gì hết.

- Bỏ đấy mọi thứ giẻ rách ấy đi, mình ạ; những cái của ấy sẽ làm hại mình cho mà xem, thật đấy.

Ra lệnh chuẩn bị lên đường xong, hắn kèm viên cảnh sát trưởng, đi thu các khoản tiền thuê đất; xong qua hiệu may, lấy cái măng tô đang khâu dở, găm cả cái kim còn xâu chỉ vào đấy, để đem về khâu nốt ở nhà quê.

Rồi chẳng chần chừ gì nữa, hắn từ giã thành phố và tuyên bố là chẳng bao giờ đặt chân lại cái ổ tập trung tất cả mọi thứ tệ tục này; hắn quá sợ sự truyền nhiễm.

Trong lúc ấy, ông chưởng lý, sửng sốt vì sự tiếp đón của Xôbakiêvits, chẳng còn biết thuật lại thế nào câu chuyện với ông chánh án.

Ông này cũng chẳng may mắn hơn tí nào. Chiếc xe của ông, đi vào một đường phố hẹp và bẩn, suốt dọc đường cứ lắc la lắc lư, khi nghiêng bên nọ, khi nghẹo bên kia; và ông chánh án bị những cái xóc lắc ê cả người, quần áo thì be bét những bùn là bùn; cằm và gáy lại cứ cộc chan chát vào chiếc can. Sau cùng,

được tiếng bùn bì bõm và tiếng lợn ủn ỉn đón chào, ông ta vào sân nhà ông Prôtôpôp; nhảy xuống xe, ông ta len lỏi giữa những chuồng gà và các thứ nhà con con cho đến phòng áo và bước vào là hỏi mượn ngay cái khăn lau. Bà Kôrôbôtska tiếp ông ta cũng với cái vẻ buồn buồn như tiếp Tsitsikôp mấy hôm trước, cổ vẫn quấn kín một miếng nỉ. Một đám ruồi rất đông bay lượn khắp phòng; hình như đã quen kiếm chác ở một cái đĩa đựng một thức gì gớm ghiếc dùng làm mồi bẫy chúng.

Bà Kôrôbôtska mời ông chánh án ngồi. Sau khi nhắc lại là ngày trước có quen chồng bà, ông ta đột nhiên hỏi ngay:

- Bà cho biết có phải đang đêm, có một kẻ đến nhà bà, tay cầm súng ngắn dọa bắn, nếu bà không để lại cho hắn những nông phu gì gì không? Bà có thể cho tôi biết kẻ ấy có ý định làm gì không?

- Giá ông ở vào địa vị tôi. Hắn đưa cho tôi hăm lăm rúp - bạc giấy! {Ở chương thứ ba và ở phần trên đây nói Tsitsikôp đưa có mười lăm rúp}. Tôi là đàn bà góa chẳng biết gì; khó gì mà không lừa được tôi trong một việc mà, nói thật với ông, tôi chẳng biết chút gì cả. Tôi chỉ biết giá sợi gai, mỡ lợn, giẻ rách...

- Nào, bà kể lại chi tiết cho tôi nghe nào: có thật nó cầm một cái súng ngắn không?

- Không, ông anh ạ, lạy Chúa; tôi không thấy hắn có súng. Nhưng tôi góa bụa, chẳng biết gì về giá cả nông phu chết. Ông làm phúc cho tôi biết đúng giá bây giờ là bao nhiêu?

- Giá cái gì?

- Giá nông phu chết. Người ta đánh giá bao nhiêu một đứa?

"Bà này loạn óc rồi, hay ít ra cũng là đã rồ từ khi mới đẻ!" - Ông chánh án chăm chú nhìn bà ta và nghĩ vậy.

- Hăm lăm rúp, thế có được giá không? Có lẽ, phải tới năm chục hay hơn nữa, phải không ông?

- Đưa tôi xem tờ bạc nào, ông chánh án nói.

Soi lên ánh sáng thì thấy rõ ràng là một tờ bạc thật.

- Nào, ông ta nói tiếp, bà cho tôi biết việc mua bán ấy tiến hành ra sao. Hắn mua hàng gì của bà? Thật tôi chịu chẳng hiểu ra làm sao cả.

- Ông anh ạ, tại sao ông lại không muốn cho tôi biết giá nông phu chết? Tôi chẳng biết đúng giá là bao nhiêu.

- Bà nói gì thế! Bà nghĩ lại đi. Bà thấy ở đâu có người bán nông phu chết bao giờ.

- Vậy ra ông không muốn cho tôi biết giá à?

- Giá với cả! Bà cứ đứng đắn kể cho tôi nghe các việc xảy ra như thế nào đi. Hắn có dọa bà không? Hắn có dỗ bà không?

- Này ông, giờ tôi mới biết là ông cũng đi mua hàng. Bà ta liếc nhìn ông một cách nghi ngờ.

- Tôi là chánh tòa án, bà chị ạ.

- Không phải, ông ạ, không phải... Ông cũng định lừa tôi... Vô ích, ông ạ. Chính ông bị thiệt đấy. Tôi sẵn lòng bán gà, vịt cho ông. Đến lễ Giáng sinh, tôi lại có cả lông vịt.

- Tôi nhắc lại bà rằng tôi là chánh án. Lông vịt của bà thì tôi làm gì?

- Nhưng nghề buôn là việc lương thiện kia mà. Hôm nay ông là khách đi mua, ngày mai lại đến lượt tôi. Ta mà cứ lừa nhau thì sự thật sẽ ra làm sao nữa? Có tội với Chúa đấy.

- Tôi nói thật với bà rằng tôi là chánh án.

- Ừ, cũng có thể; có thể ông là chánh án; nói thật, tôi chẳng biết tí gì về việc ấy. Vậy thì ông hỏi tôi để làm gì? Không, ông anh ạ không; ông có nói gì thì nói, tôi biết ngay là ông cũng muốn mua nông phu chết của tôi.

- Này, bà này, tôi khuyên bà chữa bệnh đi; bà có cái gì ở trong óc ấy! Ông chánh án tức quá, nói như vậy, vừa nói vừa đưa ngón tay chỉ vào trán.

Ông ta ra về, để bà Kôrôbôtska ngồi lại một mình, càng tin chắc là vừa tiếp một lái mua hàng, và nguyền rủa tính dễ cáu gắt của người đời cùng số phận hẩm hiu của các bà góa. Kết quả của cuộc công cán bất hạnh này, đối với ông chánh án, là cái xe bị gẫy mất một bánh, chiếc lễ phục lấm bùn be bét và cái cằm bị toạc mất một miếng. Về đến nhà thì vừa gặp xe ông chưởng lý đến; ông này đang khá bực tức.

- Thế nào, Xôbakiêvits cho bác biết những gì? Ông chánh án hỏi.
- Suốt đời, chưa ai đối đãi với tôi như thế bao giờ; ông chưởng lý đáp lại, đầu cúi gầm. - Có việc gì thế?
- Hắn chửi tôi một trận như tát nước vào mặt.
- Vô lý!

- Hắn bảo rằng tôi không làm tròn công vụ: tôi chẳng bao giờ tố cáo bạn bè, trong khi các bạn đồng nghiệp của tôi cứ tám ngày lại gửi đi những bản cáo giác người này, người nọ; rằng tôi phê chuẩn tất cả mọi hồ sơ qua tay tôi, cả những cái không đáng tin cũng vậy.

Ông chưởng lý nom thật ảo não.

- Nhưng hắn nói gì về Tsitsikôp? Ông chánh án lại hỏi.

- Hắn nói gì à? Hắn gọi tất cả chúng mình là đồ đàn bà tồi, đồ ngu!

Ông chánh án bỗng đâm ra mơ màng. Vừa lúc ấy, một chiếc xe thứ ba đưa ông phó tỉnh trưởng đến.

- Cẩn thận, các ngài ạ; vừa đến nơi ông ta đã nói ngay. Đã đích xác là một quan tổng trấn được bổ đến rồi đấy.

Chưởng lý và chánh án đều đứng há hốc mồm.

"Tổng trấn đến đúng lúc quá, ông chánh án nghĩ thầm. Để làm lễ tân quan, chúng ta sẽ dâng ngài một món cháo mà đến đích danh quỷ sứ cũng chẳng nhận ra mùi mẽ gì! Ngài cứ việc mà lần cho ra cái mớ nát bét như tương ấy!"

"Thật là họa vô đơn chí", ông chưởng lý thì kinh hoàng nghĩ thầm như vậy. - Thế là ai được bổ đến vậy? Có biết tính khí ông ta ra làm sao không?

- Đã biết gì đâu.

Vừa lúc ấy thì ông giám đốc bưu vụ hiện ra, ông ta cũng đi xe.

- Xin mừng quý vị. Chúng ta được một quan tổng trấn rồi đấy.

- Nghe nói thế, nhưng đã có gì chắc chắn đâu; ông phó tỉnh trưởng đáp.

- Chắc chắn cả mười mươi rồi; ông giám đốc bưu vụ cãi lại. Và tôi có thể nói cả tên ngài với quý vị nữa: công tước Ôtnôzôrôpxki Tsêmentinxki.

- Người như thế nào?

- Một con người chẳng dễ chịu gì cả, rất tinh và rất nghiêm. Trong một công sở mà ông ta làm giám đốc, có xảy ra những... biết nói thế nào nhỉ?... những việc không hợp pháp nào đấy, các ngài hiểu chứ? Vậy là, thưa ngài, ông ta chỉ có việc nghiền cho bọn thuộc viên thành ra cám cả...

- Nhưng ở tỉnh này thì những biện pháp nghiêm khắc thật là hoàn toàn vô dụng.

- Một nhà thông thái, tiên sinh thân mến ạ; một bộ óc, các ngài hiểu chứ, quảng bác lắm. Các ngài thử tưởng tượng rằng một hôm...

- Xin phép các bác, ông chánh án nói, chúng ta nói hết cả chuyện của chúng ta ra ngoài phố như thế này. Mời các bác vào nhà cho chứ.

Một tốp những kẻ vô công rồi nghề đã tụm lại, há hốc mồm ra nhìn bốn người nói chuyện. Mấy anh xà ích giục ngựa và một lát sau, bốn chiếc xe đã xếp hàng dài trước cửa nhà ông chánh án.

Vào phòng áo, vừa bỏ chiếc áo lấm bùn be bét, ông ta vừa nghĩ: "- Ấy, quỷ sứ cho cái thằng cha Tsitsikôp đến đây thật đúng lúc!"

- Tôi chóng mặt quá, ông chưởng lý vừa cởi áo khoác vừa nói theo.

Ông giám đốc bưu vụ cũng cởi áo, nhưng chẳng nói năng gì.

Mọi người vào nhà trong; và một bữa điểm tâm, cái món không thể thiếu được ấy, được dọn ra ngay; ở tỉnh nhỏ, khi mà hai người công chức gặp nhau, thì bữa ăn liền hiện ra tức khắc như kẻ thứ ba.

Ông chánh án rót cho mình một cốc rượu áp xanh đắng khủng khiếp.

- Có giết chết tôi đi, tôi cũng chịu, chẳng biết cái thằng cha Tsitsikôp ấy là ai!

- Tôi cũng vậy, ông chưởng lý nói; thật tôi chưa bao giờ gặp một vụ rắc rối đến thế này; và tôi chịu, chẳng còn biết đằng nào mà lần nữa.

Ông giám đốc bưu vụ vừa pha cho mình hai thứ rượu vào cốc vừa nói: - Hơn nữa, cái nhân vật ấy lại có một thứ nước sơn nào đấy và hình như am hiểu những tục lệ của giới thượng lưu. Tôi nghĩ cả rằng hắn thuộc về giới ngoại giao.

Vừa lúc ấy thì ông cảnh sát trưởng, - ân nhân của thành phố, kẻ được các thương nhân ái mộ, người thết tiệc có một không hai, hiện ra; chân bước vào và mồm nói: - Thưa các ngài, tôi chẳng biết được gì về Tsitsikôp cả. Không thể lục soát giấy má của hắn được; hắn ốm và không ra khỏi phòng. Trái lại, tôi có đày tớ của hắn: thằng hầu Pêtruska và thằng xà ích Xêlifan. Cái thằng này cứ say khướt, như thường lệ.

Vừa nói, ông cảnh sát trưởng vừa pha vào cốc mình ba thứ rượu mạnh.

- Thằng Pêtruska nói rằng chủ nó chẳng thua kém gì ai, và toàn giao thiệp với chỗ sang trọng cả; nó có kể cho tôi nghe tên nhiều chủ ấp, bạn của chủ nó, đều là tư vấn bộ hay cả tư vấn Quốc gia nữa. Thằng xà ích Xêlifan quả quyết rằng chủ nó, khi phụng sự Nhà nước, không phải là một người ngốc. Chủ nó lập nghiệp trong ngành thuế quan và trong một công sở khác mà nó không biết tên. Ba con ngựa của hắn thì một con tậu cách đây ba năm, con xám thì đánh đổi, con thứ ba thì mua... tên hắn đúng là Paven Ivannôvits và hàm của hắn đúng là tư vấn bộ.

Mọi người đâm ra suy nghĩ.

"Làm sao mà một người đúng mực, tư vấn bộ, lại có thể điên cuồng đến mức muốn bắt cóc con gái ông tỉnh trưởng, mua nông phu chết, đang đêm đi dọa những bà lão hiền hòa? Đó là những cái trò của bọn khinh kỵ binh chứ", ông chưởng lý nghĩ thế.

"- Làm sao mà một ông tư vấn bộ lại có thể liều lĩnh đi làm bạc giả?" Ông phó tỉnh trưởng cũng là tư vấn bộ {Gôgôn quên: ở chương I, đã nói là ông phó tỉnh trưởng này hàm tư vấn quốc gia, cao hơn tư vấn bộ một trật} và rất mê thổi sáo, có thiên hướng nghệ thuật, thì nghĩ như vậy.

Ông cảnh sát trưởng phá sự yên lặng nói: - Tùy ý các ngài quý vị ạ; phải xong xuôi ngay trước khi tổng trấn tới; nếu không, ngài sẽ nghĩ về chúng ta như thế nào? Tôi tán thành việc dùng những biện pháp cương quyết.

- Biện pháp thế nào? Ông chánh án hỏi.

- Bắt hắn vì tình nghi.

- Thế chính hắn lại bắt chúng ta, cũng vì cớ ấy thì sao?

- Làm sao được?

- Có thể hắn được đặc phái một công cán bí mật đấy. Linh hồn chết! Là nghĩa thế nào? Có phải là một cuộc điều tra về các vụ chết người đã được thông báo là chết vì nguyên nhân không biết rõ?

Mấy lời ấy lại làm cho cử tọa yên lặng lần nữa. Ông chưởng lý kinh hoàng. Ông chánh án nói xong cũng đâm ra suy nghĩ.

- Vậy, thưa các ngài, ta phải làm gì đây? ông cảnh sát trưởng mồm hỏi, tay pha hai thứ rượu ngọt và đắng vào cốc và nốc luôn.

Một người hầu mang vào một chai Mađêrax.

- Tôi thì chịu thôi, thú thực là chịu, chẳng hiểu gì hết; ông chánh án nói.

- Theo ý tôi, thưa quý vị, - ông giám đốc bưu vụ nói, sau khi nốc một cốc Mađêrax kèm theo xên uyts {Món ăn gồm hai miếng ruột bánh mì kẹp một miếng nhân pa tê, pho mát hay thức ăn gì khác ở giữa} nhân pho mát và cá chiên, - theo ý tôi, thưa quý vị, thì việc này cần phải nghiên cứu kỹ; và như hiện nay thường làm ở Nghị viện Anh quốc, chúng ta phải họp lại thành ủy viên hội để nghiên cứu việc này về đủ mọi phương diện.

- Cái ấy chẳng có gì trở ngại cả! Ông cảnh sát trưởng nói.
- Tốt lắm! Ông chánh án nói. Ta họp nhau lại và giải quyết cho dứt khoát cái vấn đề: thằng cha

Tsitsikôp ấy là ai?
- Thật là sáng suốt; ta hãy quyết định thằng cha Tsitsikôp ấy là ai?
- Đúng, đúng, ta lấy ý kiến từng người một và quyết định thằng cha Tsitsikôp ấy là ai?

Nói đến đấy, ai cũng muốn uống sâm banh; và mỗi người ra về đều tin tưởng chắc chắn thế nào rồi ủy viên hội cũng giải quyết xong cái vấn đề quan trọng này: thằng cha Tsitsikôp ấy là ai? 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top