1#: Con cả (2)
Năm nó 4 tuổi, lần đầu tiên, nó biết đến cái mà người lớn gọi là "cãi nhau".
Tiếng chửi mắng, chửi rủa thậm tệ của bố, mẹ vang từ phòng bên sang tận phòng nó. Như bao đứa trẻ tò mò khác ở độ tuổi ấy, nó vội vàng chạy sang xem chuyện gì đang xảy ra. Điều đầu tiên đập vào mắt là gương mặt trông tức giận vô cùng của bố, trông còn đáng sợ hơn cả lúc bố mắng nó khi con bé làm việc gì sai, và mẹ cũng trông đáng sợ không kém. Hai người nhìn nhau, như ánh mắt của hai con hổ sắp lao vào tranh giành một miếng mồi nhỏ mà đứa nhỏ vẫn thường thấy trên chương trình về cuộc sống hoang dã.
Lúc ấy nó đã rất sợ, sợ lắm. Nó òa khóc, ngây thơ hỏi bố mẹ chuyện gì xảy ra, rồi ngoan ngoãn chấp nhận một câu trả lời đơn giản như kiểu: "Bố mẹ chỉ đang bàn chuyện công việc một tí thôi, con sang bên phòng chơi đi." Mà không hề hay biết, đó là một cuộc cãi vã, là vết nứt nhỏ nữa để tạo nên những rạn nứt lớn hơn trong hạnh phúc gia đình mình.
Đến khi nó lên 5, mẹ bắt đầu dạy nó tập đọc, tập viết, làm toán như những đứa trẻ lớp 1.
Với trí thông minh bẩm sinh và tinh thần ham học hỏi, con bé tiếp thu rất nhanh. Chẳng mấy chốc nó có thể tự đọc báo, đọc truyện mỗi tối, và làm những phép toán đơn giản. Bà mẹ cũng tập cho con gái ở nhà một mình. Vào những hôm đứa nhỏ được nghỉ học ở nhà mà vẫn vào những ngày hành chính, bà sẽ rang cơm để sẵn trong lồng bàn để "gái yêu" có cơm ăn trưa, rồi hướng dẫn nó cách vận hành đầu đĩa để xem đĩa CD tiếng Anh, ca nhạc.
Với những đứa trẻ khác, có lẽ chúng sẽ thấy chóng chán khi phải ở nhà một mình như thế, và nhanh chóng đòi bố mẹ không được để chúng ở nhà như vậy nữa. Nhưng nó thì khác. Con bé tỏ ra khá thích thú khi mình là người duy nhất ở trong căn nhà. Nếu chán xem đầu đĩa, nó có thể chơi đồ chơi. Chán chơi đồ chơi rồi, nó quấn chăn quanh người và giả làm công chúa, lạc vào chính thế giới tưởng tượng của mình. Lúc ấy, như thể căn nhà là một vương quốc và chính đứa trẻ là người trị vì vương quốc ấy vậy.
Thỉnh thoảng con bé vẫn thấy bố mẹ cãi nhau, nhưng nó không cố ngăn cản nữa. Ông bà nội nó vô tình nói cho cháu mình biết con trai và con dâu trưởng đang cãi nhau, không phải là "bàn công việc", nên dù mẹ nó có khẳng định đó là "công chuyện" của người lớn, nó vẫn tin vào lời ông bà nội. Có một điều mà người lớn nên biết, đó là không nên nói dối trẻ con. Con bé đã thử hỏi mẹ tại sao bố mẹ lại làm như vậy. Nó thực sự không thích nhìn bố mẹ mình to tiếng với nhau như vậy, tim nó đau lắm! Có lẽ biết không thể giấu được con gái, người mẹ chỉ có thể trả lời "Khi nào lớn lên thì con sẽ hiểu".
Con bé tạm chấp nhận câu hỏi ấy, nhưng vẫn không ngừng tự hỏi bản thân, tại sao người lớn lại hay cãi nhau như vậy.
Mùa hè năm nó 6 tuổi, gia đình nó đón thêm một thành viên mới. Một bé trai khỏe mạnh.
Thằng bé sinh ra trong niềm hân hoan đón cháo của cả nhà, cả ông bà nội, và cả nó nữa. Trước khi đứa em được sinh ra, mẹ nó đã dặn nó rất nhiều về trách nhiệm của người chị cả, nên giờ, khi người em của mình được sinh ra, con bé vui lắm, và bỗng dưng cảm thấy mình như lớn lên rất nhiều. Vì thế mà mấy ngày đầu mẹ và em ra viện, đứa con gái quấn thằng bé lắm, luôn miệng hỏi mẹ xem em cần gì, đã cần thay tã chưa, cần khăn xô không thể nó lấy giúp cho.
Người bố cũng có vẻ rất quý thằng con trai, nên dù ông có không hay ở nhà, nhưng mỗi khi trở về, ông luôn dành rất nhiều sự chú ý dành cho thằng bé, ân cần, đùa nghịch với nó. Nhìn bố mình đùa vui với thằng con trai như vậy, đứa nhỏ tự hỏi, liệu khi nó còn nhỏ như đứa em, liệu bố có dịu dàng với mình như vậy không?
Trong ký ức của đứa nhỏ với người bố của mình, cũng chỉ toàn là những lời quát mắng, những đòn roi, không có một chút nào sự dịu dàng như bố đang dành cho thằng em trai nhỏ.
Lần đầu tiên trong đời, đứa nhỏ biết thế nào là ghen, thế nào là "bị cho ra rìa". Nhưng mẹ đã nói là không được "tị" với em, nên nó đành thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top