Những đứa trẻ ấy

Lời nói đầu:

Gửi tất cả những ai như Nguyễn Lê Thiên Thanh, bạn đã chịu nhiều thiệt thòi rồi.

Gửi tất cả những ai như Nguyễn Hoàng Vân Hy, hãy làm điều mình thật sự muốn.

Gửi tất cả những ai như Nguyễn Hoàng Phong Vinh, cảm ơn vì bạn đã chọn ở lại.

....

Tôi có một người chị họ rất giỏi giang. Chị là cựu học sinh chuyên Hóa của trường điểm đứng đầu thành phố, là sinh viên của trường đại học danh giá. Có thể nói, chị là niềm tự hào của nhà tôi. Ba mẹ tôi thường hay than thở rằng phải chi tôi và em trai có thể như chị ấy. Hai người biết rõ con trai con gái ra sao, nhưng cả hai vẫn không kiềm được mà nói ra lời ấy.

Khi nghe ba mẹ thở than, tôi và em trai chỉ biết cười trừ, chúng tôi chẳng thể nói gì.

....

Hôm nay, tôi đang trên đường đến đám tang của chị họ.

Trên chiếc xe ô tô ấm cúng, cả nhà tôi chẳng ai cất tiếng, bầu không khí vô cùng ảm đạm. Cuối cùng, ba tôi - người đang lái xe - thở dài: "Sao mà đột nhiên như thế... Cái Thanh nó mới hai mươi mà..."

Đúng là rất đột ngột. Mọi thứ xảy ra bất ngờ đến mức tôi không thể tin được, chú tôi gọi điện và gửi cáo phó cho những người quen biết. Đám tang của một người bà con không phải chuyện gì hiếm cả. Nhưng nếu người đó còn quá trẻ thì sẽ khác.

Ngồi trên ghế đệm, tôi nhớ lại những ký ức về chị họ - Thiên Thanh. Ngày nhỏ, nhà tôi và nhà bác ở sát nhau nên hai chị em vô cùng thân thiết. Tôi còn nhớ, đó là một người chị phóng khoáng, vui vẻ, mạnh mẽ. Chị là hình mẫu tôi luôn hướng đến ngày bé.

Đến năm tôi mười hai tuổi, gia đình bác chuyển đến sống ở nơi khác vì công việc cá nhân, chúng tôi không còn thường xuyên được gặp Thanh nữa. Tôi chỉ gặp chị vào những ngày Tết hoặc sinh nhật một trong ba đứa. Đôi khi, cả năm tôi còn chẳng thấy chị nữa. Dần dà, chị phai nhạt dần trong đầu tôi, đến nỗi tôi tưởng mình đã quên đi một người từng rất đặc biệt với tuổi thơ của bản thân.

Sao mọi thứ lại thành thế này? Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra vậy?

Rốt cuộc tại sao chị lại lựa chọn cái chết ở tuổi hai mươi tươi đẹp? Bác tôi bảo, chị tự sát.

Tại sao chị ấy lại tự tử? Tại sao nhỉ? Sao lại làm chuyện ngốc như thế?

Tôi cũng không thể hiểu, có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được. Tôi chưa từng hiểu nổi những người đã lựa chọn chết khi còn quá trẻ. Tôi cảm thấy họ đã có một nước đi cực kỳ sai lầm. Điều tôi chẳng hiểu hơn nữa là chị họ tài năng của mình lại chọn nó.

Chiếc xe dừng lại trước căn nhà sang trọng, chúng tôi đã tới nơi. Vợ chồng bác Dũng chạy ra đón gia đình tôi. Hai người bây giờ như thể già đi cả chục tuổi vậy. Ba tôi ôm chầm lấy bác, vỗ vai để an ủi cho người vừa mất con. Tôi thấy ông bà nội đang ngồi ở đấy, bà không ngừng khóc, ông tôi im lặng chẳng nói gì, nét u sầu hiện lên trên gương mặt.

Trên bàn thờ, giữa những bông hoa trắng muốt nở rộ và những tấm bảng ghi "Vô cùng tiếc thương", di ảnh của chị được đặt tại đó. Bức ảnh chụp rất sắc nét, rất đẹp, nhưng lại làm ảnh thờ. Cô gái trong ảnh vô cùng xinh đẹp, môi cong lên tạo thành nụ cười rạng rỡ. Bác gái tôi ôm bài vị của chị, nhìn từng người đến viếng thăm mà bật khóc nức nở. Nguyễn Lê Thiên Thanh, sinh ngày 4/4/2004, hưởng dương 20 tuổi.

Vái lạy xong, ba tôi đến gần hai bác, nhẹ nhàng nói sẽ ở lại với hai vợ chồng bác. Ông bà nội tôi cũng có ý định như thế. Khách viếng đã về hết, chỉ còn lại gia đình mình, bác gái tôi vừa khóc vừa nói:

"Hức hức... tại sao... sao con bé lại làm thế hả? Mày nói chị nghe đi Tuấn! Thanh vốn có tương lai mà! Ai trong trường đại học cũng khen nó giỏi giang, thông minh! Tại sao chứ???"

Bác nói, những từ ngữ lộn xộn cả lên. Hôm ấy thời tiết trong lành, bác gái gọi chị mãi nhưng không thấy đáp lời. Bác gái lên phòng chị, mở cửa ra thì thấy chị nằm đấy, im lìm, chẳng có phản ứng. Bác tưởng chị chỉ đang ngủ thôi nên cố gắng gọi chị dậy. Đâu ngờ, chị lại ngủ giấc ngàn thu, nhắm mắt vĩnh viễn. Trên giường chị ngổn ngang nào là thuốc. Chị uống thuốc ngủ tự sát.

Tôi và Vinh đi đến phòng ngủ cho khách, hai đứa nằm hai giường. Cơn mệt mỏi chiếm lấy tôi, thôi thúc tôi chìm vào giấc ngủ. Nhưng, tôi lại trằn trọc mãi, cố nhắm mắt lại càng tỉnh táo hơn bao giờ hết.

"Chị hai." Thằng Vinh gọi tôi. Đó lần đầu tiên nó lên tiếng sau hàng giờ câm như hến.

"Gì?" Tôi nghiêng người sang bên phải nhìn nó.

"Chị nghĩ tại sao chị Thanh lại tự tử?" Nó nói ra cùng một điều tôi đã luôn thắc mắc. Tôi lắc đầu, đáp lời nó bằng một câu hỏi khác:

"Sao mà tao biết được? Đến bác hai còn không hiểu mà."

Cuộc trò chuyện giữa hai chị em dừng một quãng ở đó. Vinh thở hắt ra, nó từ tốn bảo: "Em thấy lạ quá. Chị Thanh rõ ràng là học trường chuyên, đỗ đại học nổi nhất cái thành phố này, lại mới hai mươi thôi. Ba mẹ lúc nào cũng kêu em và chị học theo bả... theo chị ấy. Sao giờ chỉ lại tự tử chứ?" Thấy không nên nói năng sỗ sàng với người đã khuất nên nó nhanh nhẹn đổi cách xưng hô.

Tôi và thằng Vinh đã luôn ngưỡng mộ tài năng của chị, hai đứa tôi chẳng thể được như thế. Thiên Thanh là niềm tự hào của cả nhà tôi, là cháu gái ông bà tôi quý trọng.

"Chả biết nữa. Có lẽ có chị ấy biết thôi." Tôi đảo mắt, không muốn nhắc đến chủ đề u tối này nữa. Cơ mà, tôi thật sự rất băn khoăn. Rõ ràng chị ấy có con đường tương lai trước mắt.

"Có lẽ do áp lực cuộc sống." Vinh tự hỏi tự đáp lời mình. Chắc nó chỉ hỏi tôi cho có thôi. "Nghe bảo bây giờ Gen Z nhiều áp lực lắm, dễ stress."

"Ừm." Tôi ơ hờ đáp. Thật sự chỉ có vậy thôi sao? Lý do chỉ thế thôi ư?

Lúc đó, tôi cảm thấy quyết định của chị Thanh thật lạ lùng và kỳ cục. Ba tôi đã bảo chị hành động dại dột quá. Và tôi đồng ý với lời ấy.

"Thôi, ngủ đi. Mai còn đi an táng nữa."

Vinh "ừ" một tiếng. Mỗi người lại chìm vào thế giới riêng.

....

Sáng sớm, chúng tôi chôn cất chị. Mọi chuyện khá dễ dàng vì đã có dịch vụ tang lễ. Họ đặt quan tài xuống chỗ đất đã được đào sẵn. Trông chị như đang ngủ vậy, nhẹ nhàng và thanh thản. Hình như chị rất mãn nguyện với quyết định này của bản thân.

Nhìn ngôi mộ mới xây lạnh lẽo ấy, tôi bỗng tự hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình là người nằm đó? Rốt cuộc phải đau khổ cỡ nào mới tự tìm đến cái chết?

Những câu hỏi ấy choáng lấy tôi, làm tôi hoang mang.

Cái chết đến gặp chị nhẹ nhàng tựa lông hồng. Còn tôi thì sao? Cái chết sẽ đến với tôi vào lúc nào?

Tôi mang theo tất cả các câu hỏi đó về nhà.

Chị Thiên Thanh đi rồi, không nói một lời, chỉ để lại cho tôi những thắc mắc tự mình trả lời.

....

Sau cái chết của chị Thanh, cảm giác mơ hồ ấy bỗng chiếm lấy tôi. Có thứ gì đó bứt rứt trong tôi. Nó gào thét, nó khiến tôi không yên được. Là gì vậy? Mớ cảm xúc bòng bong này là sao? Khi chứng kiến một người rất gần mình chết đi, tôi cảm tưởng cái chết và sự sống không cắt xa nhau là bao. Chỉ mấy viên thuốc, và một người đã nằm xuống mãi mãi. Nó làm ta nghi ngờ về chính mình.

Tôi làm lơ nó đi, để nó ngủ yên.

Tôi và em trai lại quay về với bài vở, học hành, trường lớp, bạn bè. Năm sau, chính xác hơn là hơn bảy tháng nữa, tôi sẽ thi đại học, còn Vinh sẽ thi tuyển sinh vào lớp Mười. Tháng Sáu năm 2025 chính là một tháng vô cùng quan trọng đối với gia đình tôi.

Biết việc hai đứa cháu sắp trải qua kỳ thi quan trọng, bác tôi đã tặng lại cho hai đứa vở bài học của chị Thanh. Để đó cũng đâu ai xài đâu, họ bảo thế.

Chúng tôi quay cuồng với trường lớp, đối đầu với kiểm tra, chiến đấu cùng thi cử. Tôi cố gắng, cố gắng và cố gắng. Tất cả để mong đỗ vào một trường đại học khá hoặc tốt cho tương lai của mình.

Tôi nhìn vở bài ghi của chị Thanh. Đúng là cựu học sinh trường chuyên, chị ghi chép rất khoa học và cẩn thận. Kiến thức của trường chuyên thì chất lượng hơn hẳn trường thường. Đây đúng là tài liệu "mật" quý giá.

Nhìn từng dòng bút xanh mềm mại viết trên giấy, tôi hơi lạnh sống lưng khi nhớ ra đây là vở của người đã khuất. Cuốn vở đã được giữ gìn rất cẩn thận, ngoài đóng bụi ra thì vẫn khá mới, dù sao chị mới ra trường có hai năm thôi.

Nếu không có những cuốn vở này, có lẽ tôi sẽ tưởng như chẳng có người chị họ nào qua đời cả. Có lẽ đây là cách mọi người đối mặt cái chết của ai đó. Đau khổ, khóc lóc, chấp nhận, và tiếp tục sống. Cũng chẳng có gì lớn lao.

Tôi thu dọn tập vở, lái xe máy đến trường đón thằng Vinh. Tôi không muốn phải nghĩ đến chuyện này nữa. Tôi bỏ lại suy nghĩ ấy ở góc trong phòng, chôn chặt nó lại.

....

Lúc nào đón thằng Vinh cũng là cực hình khi phải chen chúc với hàng tá xe khác.

"Vinh!" Tôi hét lên với thằng em trời đánh đang đứng thẫn thờ ra. Vì xe cộ đông nghẹt nên nó chẳng nghe thấy. Tôi đành phải hét thêm lần nữa: "Phong Vinh! Nguyễn Hoàng Phong Vinh!"

"Hôm nay thế nào?" Tôi tiện miệng hỏi thăm khi thằng Vinh trèo lên con xe máy. Đến lần thứ hai hỏi, nó mới hoàn hồn mà đáp lời tôi, một chữ "Ổn" ngắn gọn.

Thằng quỷ này nói dối tệ thật. Nhìn bộ dạng ngơ ngẩn như mất hồn đó thì ổn chỗ nào? Tôi gặng hỏi thêm một lần nữa: "Ổn thật à?"

"... Ờ. Em ổn, vẫn vậy." Nó đáp. "Nhưng mà trường thì không..."

"Là sao hả má?"

"Ờ... Nay trường em có đứa lớp Tám nhảy lầu."

Được rồi, tôi đã tưởng nay nó dưới trung bình kiểm tra hay đi gây lộn với đứa nào. Chuyện này còn đáng sợ hơn.

"Bây giờ nó sao rồi?" Tôi hỏi. Tôi không dám hỏi Nó chết rồi hả?

"Còn sống. Được mấy đứa bạn cùng lớp ngăn kịp." Vinh tóm gọn lại. "Thằng đó ở gần lớp em, lớp 8A1 ấy."

Ở trường em tôi, từ lớp A1 đến A5 đều là lớp chọn, được học tăng cường tiếng Anh và tích hợp. Ba mẹ tôi đã mong Vinh có thể vào được những lớp đó, nhưng cuối cùng thì nó rơi vào lớp A6.

"Sao nhảy lầu vậy?" Mới có lớp Tám, mới mười ba mười bốn tuổi, sao thằng bé đó lại làm thế?

"Nghe bảo là do áp lực học tập. Thằng ấy nằm trong đội tuyển Học sinh Giỏi của trường." Vinh dừng lại một lúc, xong nó lại bảo: "Ba mẹ nó muốn nó vào trường chuyên thì phải. Em thấy nó khóc òa lên, bảo không muốn học nữa."

"Mày chứng kiến luôn à?"

"Ừ, đang nói chuyện với bạn thì thằng đó xông ra, định trèo khỏi lan can làm cả đám hoảng vãi."

"Ngu quá." Tôi chỉ biết nói vậy. "Mới có tí tuổi đầu mà đòi sống đòi chết!"

"Ừm, cô chủ nhiệm nó mắng té tát luôn mà." Vinh lắc đầu. "Nhưng... em thấy nó cũng tội. Mới lớp Tám mà học như điên luôn."

"Mày nghĩ có mỗi nó học như điên à? Mày thử qua mấy trường giỏi hơn đi, người ta học miệt mà luôn ấy chứ." Tôi nhíu mày, vừa nói vừa tăng tốc. "Tao biết nói vậy hơi quá đáng, nhưng tao chả biết tại sao mấy người đó lại đi tự tử. Nó cứ... hèn nhát sao ấy."

"Ý chị là như chị Thanh hả?" Vinh hỏi ngược lại tôi.

Tôi hoàn toàn không đồng tình với việc chị tự sát. Tuy nhiên, chị Thanh đã là người trưởng thành, một sinh viên đại học. Tôi không rõ rốt cuộc tháng ngày đại học có khiến chị trở nên u uất. Vậy nên, tôi chọn cách im lặng, tỏ ý kết thúc chủ đề này cho Vinh biết. Hai đứa tôi cứ thế, không nói năng, lắng nghe tiếng động cơ từ con xe điện.

"Chị đâu phải người ta. Chị nghĩ mình chịu nổi không khi là họ?" Vinh bỗng nói, có lẽ là tự độc thoại thành tiếng thì đúng hơn. "Em nghĩ nếu đã nghĩ đến việc tự sát thì cũng đã mệt mỏi lắm rồi... Chuyện gì đó có thể khiến họ tan vỡ chẳng hạn..."

"Im đi. Mày đừng nói linh tinh nữa." Tôi lắc đầu. Sao nó lại thích nói ba cái chuyện này? "Chuyện qua rồi, đừng có nói nữa."

Về nhà, tôi chiên trứng, xào thịt, Vinh thì nấu cơm. Hai đứa ăn cơm xong lại phân ra dọn dẹp này kia. Mới đó đã hơn sáu giờ. Tôi đưa Vinh đến lớp học thêm toán, còn bản thân trở về nhà, tiếp tục chiến đấu với núi bài tập. Ở nhà một mình rất yên tĩnh, cũng rất buồn chán.

Năm của tôi, những đứa sinh vào 2007 là năm thi đại học theo chương trình mới của Bộ Giáo Dục nên chẳng thể lơ là được. Tôi và thằng Vinh cứ hay đùa nhau rằng ba mẹ sinh khéo thật. Chị thì là "chuột bạch tuyển sinh đại học", em là "chuột bạch tuyển sinh lớp Mười". Bây giờ đứa nào đứa nấy đều như ngàn cây treo sợi tóc. Thật bi hài.

Theo lời ba mẹ, tôi hợp làm những việc như văn phòng, nên hai người bảo tôi có thể thi vào ngành Quản trị kinh doanh hoặc Marketing. Với cả, hai ngành đó khá được việc, lương tháng cũng đủ sống. Tôi thấy hợp lý nên cũng quyết định thế.

Căn nhà lớn thế mà chỉ có một mình nên đem lại cảm giác cô quạnh. Tôi đã quen với việc này từ khá lâu rồi, ba mẹ tôi thường vắng nhà vì công việc.

Tôi lục lại trong đống vở ghi chép của chị Thanh. Tuy chị học chương trình cũ, nhưng những kiến thức chị ghi chép trong đây đều rất có ích, lại vô cùng dễ hiểu nên tôi hay lấy ra tham khảo.

"Hửm?" Một cuốn sổ màu đen đang được đặt ngay ngắn dưới đáy chồng tập sách. Nó có vẻ không phải bài ghi vì chẳng có dán nhãn. Tò mò, tôi mở nó ra xem. Cái tên Nguyễn Lê Thiên Thanh ở trang đầu như đang khiêu vũ trước mặt tôi. Hình như đây là nhật ký của chị ấy? Tôi đặt nó ở một chỗ.

....

Những ngày tháng đó, tôi có cảm giác thật kỳ lạ. Năm 2025 đã tới, kỳ thi đại học chỉ còn vài tháng nữa thôi. Cuốn nhật ký của chị Thanh vẫn ở đó, tôi đặt nó trên bàn, chẳng động vào.

Tôi vùi đầu vào bài vở, học và học. Vinh cũng y hệt, thậm chí còn tệ hơn. Vinh và tôi chẳng còn thời gian để tám chuyện với nhau. Hoạt động hằng ngày của hai đứa tôi thu hẹp lại: Học - Ăn - Học - Ngủ - Rồi lại học. Chúng trở thành một lịch trình, không phải trên mặt chữ mà là trong đầu hai đứa. Mỗi ngày, tôi đều đưa Vinh đến lớp học thêm của nó, hoặc là tôi sẽ đi học học thêm.

Vào mấy ngày ở nhà một mình, tôi thấy thật cô đơn. Ba mẹ đi vắng, em trai cũng chẳng rảnh để làm trò con bò với mình. Chỉ còn tôi và căn phòng quen thuộc. Tôi và đống sách vở, tôi và chiếc giường. Tôi đã luôn phủ nhận việc bản thân đang thấy cô đơn ra sao. Lúc này, khi ngồi ở đây, tôi mới cảm nhận rõ chỉ có mình mình. Tôi không chắc ngoài cô đơn ra, cảm xúc này còn là gì nữa. Nó là thứ tôi không dám chia sẻ ra bên ngoài với người thân hay bạn bè.

Tôi chỉ nghĩ rằng, mình sẽ đối diện với mọi thứ một mình, không một ai bên tôi cả...

Cô đơn. Tôi nhìn đống đề cương ngổn ngang khắp nơi. Đề Toán, đề Văn, đề tiếng Anh. Chúng nhiều đến nỗi tôi thấy mệt. Tôi phải làm gì đây?

Tôi sẽ giải xong chúng trong mấy tháng tới, thi đại học. Sau đó...

Sau đó thì sao, Nguyễn Hoàng Vân Hy?

Sau đó sẽ ra sao?

"..."

Tôi mím môi, lắc đầu phủ bỏ suy nghĩ ấy.

....

Hôm nay là một ngày hiếm hoi cả nhà tôi được ăn cơm cùng nhau. Đã lâu rồi tôi không được ăn cơm mẹ nấu. Vinh từng bảo, nó ăn cơm tôi làm nhiều đến mức sắp quên luôn mùi vị của đồ ăn do mẹ nấu.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, ba mẹ tôi chửi thằng Vinh te tát vì điểm thi thử của nó. Bữa ăn của cả nhà bỗng trở thành phiên tòa phán xử Vinh.

"Tao cho mày ăn học mà mày học kiểu gì thế Vinh?" Ba tôi hét lên. "Tao không cần mày giỏi giang gì! Nhưng dù sao cũng phải trên trung bình chứ!"

"Học mẹ đã cho mày học cả đống rồi mà mày trả hết hả?" Mẹ tôi cũng xen vào. "Tao và ba mày nuôi mày bao nhiêu năm, chỉ muốn mày đỗ một trường thôi mà!"

"Trời ơi, sao tôi vô phúc thế này?"

Những lời ấy cay độc đến mức tôi ngồi kế nó cũng phải run rẩy. Đây là cảm giác của chị Thanh ư?

Đến lúc này, Vinh lên tiếng: "Ba mẹ có nuôi con đâu."

Ba tôi trừng mắt: "Mày nói gì?"

"Ba mẹ có nuôi con được bao nhiêu ngày đâu!" Nó bật dậy, hét lên với cả hai. "Từ lúc con còn nhỏ đến bây giờ, người ở bên con nhiều nhất là ai? Là chị hai! Ba mẹ vắng nhà, chị hai nấu cơm cho con, giặt đồ, mua đồ ăn. Một tháng có khi con gặp bạn bè còn nhiều hơn gặp ba mẹ mình! Một năm cả nhà cùng ăn được bữa cơm mấy lần!? Toàn là con với chị hai ngồi ăn với nhau! Bảo chị ấy là mẹ con còn đúng hơn! Ba mẹ chỉ toàn đưa tiền cho bọn con!"

Như một cái đê đã không chống chọi được cơn lũ, lời nói của Vinh dữ dội hệt sóng nước xô vào nhau. Tôi sững sờ trước lời nó nói.

Tất cả đều đúng cả. Từ nhỏ, tôi đã quen với việc ba mẹ vắng nhà, luôn thay họ chăm sóc em.

Ba tôi thở dốc, mắt đỏ ngầu, chỉ thẳng vào nó:

"Tao đẻ ra mày đấy thằng kia! Mày dám nói thế à!? Không có tao và mẹ mày thì ai kiếm tiền nuôi cái nhà này hả? Mày nhìn con Hy xem, nó có than phiền gì đâu? Nó chăm mày từng bữa mà có sao? Đến mày thì sửng cồ lên!"

"Con không phải chị hai!" Nó cũng hét vào mặt ông. "Con là con, hai là hai. Ba mẹ dạy chị ấy không được than phiền cơ mà! Ngày nhỏ cứ bảo phải biết nhịn nhục! Chị ấy đã làm theo đó! Hai đứa con không giống nhau!"

"Thằng bất hiếu! Tao đi làm vất vả như thế để mày cãi cha cãi mẹ à?!"

"Con biết! Con biết! Công việc ba mẹ áp lực! Nhưng con không áp lực chắc!" Vinh gào lên, giọng nó lạc đi.

"Mày thì áp lực cái gì!? Mày và chị mày chỉ có việc học thôi! Chừng nào mày thi trường chuyên trường điểm đi! Đằng này chỉ là một cái trường hạng xoàng thôi!"

Chỉ có việc học thôi.

Lời nói ấy đánh thẳng vào tôi và Vinh. Tôi biết chắc là thế, bởi mặt nó cũng sững ra. Vậy ra, ba tôi nghĩ việc học là "chỉ" thôi sao? Đơn giản thế ư?

Nó mím môi, chạy thẳng vào phòng, bỏ mặc tiếng hét của ba.

Đồ ăn rất ngon, nhưng ăn vào lại đắng ngắt.

....

Mối quan hệ của Vinh với ba mẹ vẫn không cải thiện là bao. Ba mẹ đã mong tôi làm cầu nối giúp hàn gắn, song tất cả đều vô dụng. Vinh thậm chí còn chẳng mở miệng với tôi.

Ba mẹ dặn dò tôi hãy tìm cách khuyên bảo Vinh. Nói xong, hai người lại bận rộn đi làm.

Chuyện gì cũng đến tay mình.

Tôi chẳng rõ phải làm sao nữa. Tôi biết lời Vinh nói không sai, tuy vậy tôi cảm thấy nó đã quá nóng nảy. Dẫu sao, chúng tôi cũng là người một nhà, nhường nhịn một chút là được mà. Chắc dạo này áp lực từ việc học khiến nó như vậy. Tôi rón rén mở cửa phòng nó, thấy Vinh đang ngồi co ro ở góc phòng. Trông nó yếu đuối và dễ vỡ quá.

"Vinh..." Tôi chậm rãi ngồi xuống cạnh nó. Vinh giấu mặt mình vào góc tường, mặt nó bị bóng tối che phủ.

"Chị đi đi." Nó lạnh giọng đuổi tôi.

Tôi thở dài, một tay đặt lên vai nó, tay còn lại vỗ lưng. "Được rồi, chị hiểu mà. Ừm... mọi thứ sẽ ổn thôi..."

Vào thời điểm đó, tôi không hiểu phải an ủi sao cho phải. Những việc duy nhất tôi nghĩ mình làm được là vỗ vai, nói vài lời động viên. Tôi cứ tưởng làm vậy là một cách tốt giúp đỡ người khác. Tôi thiếu sự thấu hiểu đến thảm hại, sau này tôi mới nhận ra điều đó.

Vinh giật nảy, nó đứng bật dậy và đẩy ngã tôi. Tôi ngỡ ngàng nhìn em mình.

"Chị thì hiểu gì chứ? Lúc nào chị cũng nghe lời ba mẹ!" Nó hét vào mặt tôi, mặt nó đỏ bừng. "Chị đâu phải là em? Chị không thể hiểu đâu! Ba mẹ kêu chị học kinh tế, chị đồng ý! Chị lúc nào cũng vậy! Ngoan ngoãn nghe lời! Chị chả bao giờ làm theo ý mình cả Hy! Chị có thấy mình buồn cười lắm không?"

Lời nói của Vinh cứa vào lòng tôi, sắc bén đến đau nhói. Tại sao tôi lại bị chửi trích vô cớ? Tôi muốn tốt cho nó mà! Tôi đứng dậy, để cơn tức dâng lên, tôi cũng đáp trả lại nó:

"Thì sao hả? Nó có hại ai không? Chẳng phải đó là cách dễ nhất à! Tao đâu có làm ba mẹ phiền lòng như mày?"

Rõ ràng tôi đến để an ủi nó mà, sao lại thành như vậy? Thật trớ trêu.

Vinh nhếch miệng: "Ha, đúng vậy, nó dễ thật! Chị lúc nào cũng tìm cách nhanh nhất cho bản thân, bỏ qua tất cả! Chị biết chị sống thờ ơ lắm không hả? Từ khi em còn bé đến bây giờ, việc duy nhất em thấy chị giỏi nhất là nghe lời ba mẹ. Chị chẳng bao giờ nói ra suy nghĩ của chị cả. Chị cứ như thế, sống theo ý người khác!"

"Ở với chị chả khác nào ở với xác sống!"

Xác sống. Hai từ ấy đánh thẳng vào tôi, nhấn chìm tôi vào biển đen. Vinh há miệng, lời nói dịu đi: "Không, ý em không phải vậy..."

Tôi bỏ chạy về phòng mình. Lời của Vinh tổn thương tôi, đau đớn không thể hiểu. Nước mắt tôi cứ thế tuôn trào.

Như thế không đúng sao? Chẳng phải con cái phải nghe lời sao? Từ nhỏ, tôi đã được dạy như thế. Ba mẹ đi làm xa nên tôi muốn họ sẽ không bận lòng về hai đứa con mình. Là tôi sai ư? Rốt cuộc, tôi đã sai ở đâu?

Chúng tôi đã sai ở đâu?

Không ai trả lời câu hỏi đó của tôi.

Trong những ngày qua, cuộc đời tôi bỗng thay đổi một cách chóng mặt. Tôi còn nhớ, mới vài ngày trước nó còn là chuỗi ngày học miệt mà, ngơ ngẩn về tương lai phía xa. Vậy mà chỉ vài ngày sau đó, tôi phải cố gắng cứu vãn mối quan hệ với em trai mình. Thế giới này thật khó hiểu.

Điều tệ nhất là cảm giác đang chiếm lấy tôi. Có thứ gì đó đang nứt ra. Rạn nứt trong tôi. Chị chẳng bao giờ nói ra suy nghĩ của chị. Chị ngoan ngoãn nghe lời.

....

Tôi và Vinh vẫn hay gây gổ, nhưng chúng thường là mấy chuyện nhỏ nhặt, hai đứa tôi sẽ dễ dàng quên đi và làm lành. Còn hiện tại, tôi chẳng biết mở miệng nói chuyện với Vinh. Nó cũng chẳng muốn ở gần tôi hay ba mẹ. Nó tự đến trường, tự đi về, tự đến lớp học thêm, tôi được giải phóng khỏi nhiệm vụ "tài xế dài hạn" của mình.

Vinh và nhà tôi vẫn tiếp tục chiến tranh lạnh. Thỉnh thoảng, khi hai chị em ăn cơm với nhau, tôi ngỡ mình đang ăn một mình. Tôi chẳng thể lý giải được lý do Vinh như thế.

Khoảng cách địa lý của chúng tôi là sống chung một ngôi nhà, còn khoảng cách trong lòng lại xa vời vợi. Tôi thật sự chẳng có ai bên cạnh mình ngoài căn phòng. Vinh cũng nhốt mình trong phòng, chẳng nói gì với tôi.

Tôi vơ lấy cuốn vở. Tôi sẽ giải hết đọc đề cương này, đó là cách duy nhất khiến tôi thấy ổn hơn, tạm thời là vậy. Đúng vậy, làm đề, làm đề...

Tôi tròn mắt, đập vào mắt không phải là mấy dòng công thức nào.

2/12/2018.

Ba mẹ bảo từ bây giờ mình phải tăng cường học. Nếu không, mình sẽ không thể đỗ trường chuyên được. Mình không muốn học nữa.

3/12/2018.

Mình mệt quá, hôm nay mình đã học nguyên ngày rồi. Nhưng ba mẹ bảo mình lười biếng, chỉ biết cắm đầu vào tai nghe. Mẹ đã tịch thu tai nghe của mình rồi.

Không có tai nghe thì sống kiểu gì đây?

Tôi nhìn lại, đây là cuốn nhật ký của chị Thanh! Tôi đã quên mất sự tồn tại của nó trong những ngày qua. Tơi tiếp tục đọc. Chị dán thời khóa biểu của mình vào, lấy bút chọc thủng nó. Dẫu tờ giấy đã rách nát, tôi vẫn nhìn ra thời gian học của chị. Nhiều quá, người ta thật sự sẽ chịu được ư?

4/12/2018.

Nguyên một tuần này lịch học của mình chiếm hết rồi. Sao mà thở được chứ?

Mẹ bảo mặt mình u ám như đưa tang vậy. Như thế thì sao học nổi. Mình đâu có tự nguyện học cơ chứ.

5/12/2018.

Hôm nay mình làm bài kiểm tra tệ lắm. Sắp bị đánh rồi.

6/12/2018.

Đau quá. Tay mình bầm tím cả rồi.

Tôi nhớ đến bác mình. Họ thật sự có thể ra tay với con gái ruột ư? Nhưng tôi chỉ là cháu họ, làm sao mà bảo mình hiểu hết về người ta?

7/12/2018.

Cố lên, mình sắp được nghỉ rồi.

8/12/2018.

BA MẸ DẪN MÌNH ĐI GẶP MỘT ANH TRƯỜNG CHUYÊN. MÌNH ĐÂU CÓ MUỐN.

Ồn ào quá.

9/12/2018.

Cuối cùng cũng được nghỉ ngơi rồi.

10/12/2018.

Mình không được đi chơi với bạn bè nữa.

11/12/2018.

Mình ghét Toán, mình ghét Văn, mình ghét tiếng Anh. Tại sao mình phải học chứ?

Từng dòng, từng dòng cứ thế hiện ra trước mắt tôi. Nét chữ của chị không giống trong tập học, nó run rẩy và nhỏ bé như thể sẽ vỡ tan bất kỳ lúc nào. Những dòng nhật ký rất ngắn, nhưng tôi lại cảm nhận được sự nặng nề trong con chữ. Tôi thấy một người mà mình chưa từng gặp. Một cô gái bị ép học đến điên cuồng, ngày đêm học hành, không có thời gian giải trí. Tôi thấy một cô gái - người tôi từng nghĩ là thông minh bẩm sinh - khóc trên những dòng nhật ký, nhòe đi cả mực. Một cô gái đã chịu đựng rất nhiều.

1/1/2019.

Chia buồn Nguyễn Lê Thiên Thanh, mày vẫn còn sống.

Chia buồn, vẫn còn sống. Cuốn nhật ký bị bỏ trống hơn nửa tháng. Có lẽ chị đang bận rộn với việc học.

21/1/2019.

Mình ba mẹ Tết này có thể đi gặp họ hàng không. Ba mẹ bảo không đi đâu hết, mình phải ở nhà ôn tập.

Mình không thể gặp hai đứa Vân Hy và Phong Vinh rồi.

Tôi đã nhớ ra, năm 2019 là năm tôi và Vinh không thấy chị có mặt. Rõ ràng những năm trước chị vẫn luôn đến lì xì cho hai đứa tôi. Khi chúng tôi hỏi, bác trai bảo chị đang ở nhà ôn bài rồi. Con bé chăm quá, mẹ tôi đã nói thế.

Tôi nhớ lại những lời khen mình từng dành cho chị, sự ngưỡng mộ của tôi. Chị đã cảm thấy như nào? Tôi từng nghĩ chị rất hoàn hảo, nhưng sự thật thì sao? Cuốn nhật ký này là góc tối của chị họ tôi, là phần sâu nhất trong tâm hồn của chị.

Tôi từng nghĩ, những đứa nhóc chịu áp lực học tập là tâm lý yếu. Nhưng trước những dòng phẫn uất của chị, họng tôi nghẹn đi. Tôi không phải là chị, tôi chẳng biết gì cả.

Tôi nhớ lại lời của Vinh, căm phẫn và đầy buồn bã, Chị đâu phải là em?

Đúng vậy, tôi là chị gái nó, chỉ là một người chị thôi. Chúng ta đã sống với nhau hơn chục năm, điều đó cũng không đồng nghĩa rằng tôi và nó hiểu hết về đối phương. Ba mẹ tôi, những người thân yêu nhất tôi cũng chẳng hiểu. Tôi đâu có sống cuộc đời của nó, đâu hiểu những gì đang trải qua đối với em mình? Tôi lấy đâu ra tự tin để bảo mình hiểu?

Tại sao mình phải học? Tại sao lại là mình?

Học có ích gì nếu mình không muốn?

Rốt cuộc là mình học vì mình hay vì ba mẹ?

Mình có muốn điều đó không?

Những câu hỏi được viết chi chít trên giấy. Tôi giật mình, tưởng như thấy được bản thân trong chúng. Bởi, tôi cũng đã tự hỏi những điều ấy trước đây cách đây lâu lắm. Lời của em trai tôi lại vang lên: Chị đâu phải là em? Chị không thể hiểu đâu! Chị chẳng bao giờ nói ra suy nghĩ của chị cả.

Ba mẹ tôi đã dạy tôi đừng nên than phiền, đừng suy nghĩ quá nhiều. Vì vậy, tôi nhanh chóng lãng quên những câu hỏi mình cho là vô bổ đi. Nhưng bây giờ, chúng lại ở đây. Những năm qua, tôi đã luôn sống theo ý ba mẹ, vì tôi thấy nó là cách đúng đắn nhất. Ba mẹ bảo tôi học cái này đi, tôi cũng đồng ý, nói tôi hợp học trường này, tôi đặt trường ấy trong nguyện vọng một của bản thân. Cơ mà... Mình thật sự muốn thế ư?

Cuốn nhật ký được ghi chép đến năm 2024. Tôi đã thấy chị dần chấp nhận cuộc sống ở trường chuyên, học hành như cũ. Song, có điều khác lại nảy mầm trong lòng chị.

Mình cảm thấy lạc lõng với cuộc sống này. Mình không hiểu nổi bọn bạn. Mình không hiểu, mình không hiểu chuyện gì cả. Mình không thấy bản thân đang "sống". Sống là gì? Là sao? Mọi người bảo tuổi trẻ là khoảng thời gian tươi đẹp nhất, nhưng mình thấy nó quá tẻ nhạt.

[...]

Cuộc đời này đáng sợ quá. Mình không muốn sống nữa. Nhưng nếu mình chết, mọi người sẽ nói gì đây? Bọn họ sẽ bảo mình ngu ngốc, mình dở hơi... Mình ghét bị chửi trích lắm rồi.

Tôi đọc đến những dòng khi chị đã lên đại học.

[...]

Tại sao mọi thứ lại mệt mỏi như thế? Lên đại học rồi, mình vẫn không thể thoải mái được.

Có phải mình là kẻ lạc loài không? Phải chăng mình không thuộc về thế giới này?

Mình thấy bản thân thật đáng thương. Chẳng ai hiểu cho mình cả. Mình cũng chẳng thể hiểu họ. Dù cho người ta bảo sống để thấu hiểu yêu thương, nhưng rốt cuộc thật sự sẽ có ai đó hiểu mình ư?

Tôi vội vàng đóng cuốn nhật ký lại. Tôi sợ nếu đọc tiếp, mình sẽ chết đuối mất.

Tôi trèo lên giường, cố gắng đi ngủ. Tôi muốn quên hết những dòng chữ tiêu cực ấy. Tôi không thể ngờ Thiên Thanh, người tuyệt vời trong mắt mình lại có một mặt tối tăm như thế.

Cuối cùng, tôi cũng hiểu được cảm xúc khi đến đám tang của chị. Đó là khoảnh khắc tôi hiểu ra về sự mơ hồ trong đời. Cả đời tôi đã nghe theo lời ba mẹ, tôi đã nghĩ đó là cách tốt nhất. Bác trai cũng đã làm thế với chị. Và cuộc đời chị, nói đúng hơn là bề nổi của đời chị khiến tôi và người khác ngưỡng mộ. Một người tài giỏi, thành đạt, một đứa con ngoan ngoãn đã đi theo con đường ba mẹ trải cho. Tuy vậy, khi chị chết, tảng băng trôi nổi đó đã tan chảy. Tôi đã hoang mang, cuộc đời chị vốn rộng mở thế kia, sao lại kết thúc dễ dàng như thế? Con đường ấy khiến chị đau khổ ư? Vậy con đường tôi đã đi thì sao?

Cảm xúc ấy là gì nhỉ? À, vỡ mộng. Tôi vỡ mộng rồi.

Điều tưởng chừng đẹp đẽ đến thế, thật ra cũng rất xấu xí.

Điều tưởng chừng đúng đắn đến vậy, thật ra cũng đầy giả dối.

Tôi là đám mây trên bầu trời, gió thổi chiều nào sẽ đi chiều ấy, chẳng có con đường của riêng mình. Một đám mây từng nghĩ, chỉ cần sống trôi dạt như thế là đủ.

....

Cuộc sống là như thế nào? Tôi tự hỏi. Tôi tưởng mình đã hiểu hết về cuộc sống, rằng nó đơn giản và dễ hiểu. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại.

Kể từ đọc cuốn nhật ký của chị Thanh, tôi thấy mọi thứ đã biến đổi. Mọi thứ dần trở nên thật kỳ lạ. Tôi tưởng mình hiểu Vinh, cho đến khi tôi nhận ra hiểu biết của mình về nó chỉ có chút ít. Tôi tưởng chị Thanh khó hiểu vì chị chọn tự sát, rồi tôi nhận ra chị đã suy sụp như thế nào trong từng trang viết.

Điều duy nhất tôi quyết tâm làm là phải nói chuyện với thằng Vinh. Chỉ còn ba tháng nữa để thi tuyển sinh thôi. Tôi không phải là Vinh, tôi là chị nó, và trong suốt mười tám năm cuộc đời mình, tôi đã luôn lo lắng cho nó. Tôi muốn nó có thể hòa giải với gia đình.

Cái khó nhằn ở đây là thằng Vinh chẳng cho tôi cơ hội. Nó trốn tránh tôi, nó khóa cửa phòng lại, tạo dựng một bức tường bảo vệ quanh mình. Tôi không thể phá vỡ bức tường ấy.

Tôi đã tìm đủ mọi cách, đứng chặn trước cửa phòng nó, ép nó leo lên xe để tôi chở đi. Tất cả đều vô dụng. Nếu Vinh đã kiên quyết như thế, dù tôi có rình trong phòng nó cũng chỉ nhận lại sự câm lặng.

Mình phải làm gì đây? Tôi phải làm sao để nó mở lòng với tôi?

Tôi chỉ đành chờ. Chờ đợi. Chán thật.

Việc tôi có thể là âm thầm để ý Vinh hơn. Tôi cố gắng săn sóc nó qua từng bữa ăn, giành việc chở nó đi học.

Dạo này, thằng Vinh gầy đi trông thấy. Nó bơ phờ, mệt nhọc, mắt có quầng thâm. Nó ngủ gục ngay trên bàn ăn. Nó thẫn thờ đứng trước cổng trường. Nó thậm chí còn mang sách vở ra ngoài sân để học bài. Nó nhìn ra ngoài trời như thể hồn nó đã ở một cõi xa khác. Nếu tôi không cất tiếng gọi nó, và nghe nó đáp lại mình, hẳn tôi đã tưởng Vinh là pho tượng trơ ra đó.

Em trai tôi, thằng em tôi luôn thấy vô tư, hoạt bát, thời điểm này nó trông giống xác sống hơn tôi.

Cũng là đứa em đã lớn lên cùng tôi, nó trông thật xa lạ làm sao.

Thật ra, tôi cũng chẳng khá hơn là bao. Đề cương, lớp luyện thi, bài tập, chúng gắn bó với hai đứa tôi suốt thời gian này. Tôi chật vật cân bằng giữa việc chăm sóc em và lo lắng cho thi cử. Chẳng dễ dàng chút nào, nhất là khi ba mẹ tôi vẫn vắng nhà.

Phải làm sao đây hả Vinh? Tôi chỉ dám hỏi trong tâm trí. Phải làm sao?

Trước câu hỏi, tôi lại bị lo toang của cuộc đời cuốn đi.

Thi giữa kì, thi cuối kì, thi tháng, thi thử, thi khảo sát... Những kỳ thi ập đến, lũ lượt như sóng biển xô vào nhau. Chúng tôi lại rất dở việc lướt sóng. Chúng tôi cố gắng chinh phục nó, chứ không phải để nó kéo chúng tôi đi. Vinh và tôi đều phải ôn tập miệt mà, nhất là sau lần Vinh bị la mắng ấy.

Tôi nhìn đống đề cương. Tôi phải làm đến bao giờ? Tôi gục ngủ ngay trên bàn học.

Khi tỉnh dậy, tôi định giải trí một chút. Tôi mở facebook ra, đăng nhập vào tài khoản phụ của mình. Tôi lướt vài bảng tin nhạt nhẽo, rồi lại những bài truyền cảm hứng lỗi thời. Tại sao trước đây tôi lại thích chúng nhỉ?

Đang lướt, tôi bỗng thấy một bài đăng của một trang cá nhân tên là Tôi muốn ngủ.

[Hôm nay mệt quá. Tôi mới vừa thi thử xong] Kèm theo đó là một bức ảnh màu tối. Vì chán, tôi lại lướt xem những bài khác của trang.

Càng đọc, tôi càng thấy có gì đó quen thuộc.

[Không ai hiểu tôi cả. Ngay cả chị hai cũng vậy.]

[Hôm nay, tôi thi thử kém. Thật ra là do tôi đau bụng quá nên không thể làm hết được các câu hỏi. Tôi buồn quá... Nhưng ba mẹ lại la tôi. Mắng nhiếc tôi. Bọn họ nói nuôi tôi tốn cơm. Thật kỳ quặc, người ở bên tôi nhiều nhất là chị hai cơ mà. Ba mẹ tôi có mấy khi ở nhà chăm sóc tôi đâu.]

Vinh... Không lẽ chủ trang blog là Vinh? Không thể nào... Nhưng sao giống nó quá?

[Tôi mệt mỏi quá.

Tôi muốn chết.]

Đọc đến bài đăng mới nhất của nó, tôi đặt điện thoại xuống. Tôi chạy đến phòng Vinh, gọi tên em mình. "Vinh!"

Nó không có ở đó. Căn phòng trống không. Vở mở trên bàn, mọi thứ trông lộn xộn cả lên. Vinh đang ở đâu?

Nó không thể ra ngoài được. Tôi đã khóa cửa cẩn thận rồi. Dù cho có chìa khóa, tiếng động sẽ khiến tôi chú ý. Vinh chắc chắn vẫn đang ở trong nhà. Tôi kiểm tra nhà vệ sinh, không có. Tôi ra phòng khách, không có. Tôi đã tìm trên tầng và dưới nhà, nhưng Vinh như biến mất khỏi nhà vậy.

Tôi chạy lên nơi cuối cùng mình chưa kiểm tra: sân thượng. Lòng tôi nửa mong nửa không mong. Tôi mong Vinh ở đó. Tôi cũng không mong thấy em mình đứng trên ấy.

Và, Vinh thật sự ở đấy. Nó đứng tựa vào lan can, phì phèo điếu thuốc trên tay. Tóc nó tung bay trong gió. Sự cô đơn như lên men khắp xung quanh. Tôi, em trai, bầu trời đêm tối tăm và từng cơn gió thổi vào người. Lạnh lẽo và buồn bã.

"Vinh! Đừng nhảy!" Tôi hét. Nó quay đầu nhìn tôi, mặt nó đẫm nước.

Nó cúi gằm mặt, bờ vai run lên. Tôi nhẹ nhàng lại gần. Vinh bỏ điếu thuốc đang cháy dở ra, khóc nức nở, khóc như một đứa bé mới chào đầu. Từ khi lên lớp Sáu, tôi chưa bao giờ thấy nó khóc. Tưởng như nước mắt nó đã ngưng trệ suốt nhiều năm, và bây giờ mới được giải phóng.

Tôi giữ một khoảng cách nhất định, để Vinh khóc lóc. Hình như nó biết tôi đang ở đây nên cố kiềm tiếng khóc. Tôi đưa khăn giấy cho nó, và nó đón lấy.

"Cảm ơn chị."

"Ừm."

Tôi không nói những lời tôi từng nói cho Vinh nữa. Những lời ấy nên nói ra khi bản thân tôi thật sự muốn. Tôi chỉ để nó khóc.

"Có phải... chị thấy em lạ lắm không? Tự dưng, chạy lên... khóc lóc..."

"Không lạ."

"Em cũng không biết nữa. Em chỉ thấy mệt quá. Sắp thi đại học rồi. Em muốn khóc quá. Bạn bè em đứa nào cũng học như điên. Giáo viên chèn ép nữa. Em mệt lắm rồi."

"Cứ khóc đi."

Khóc đi.

Tôi cũng đang nói với bản thân. Tôi ôm lấy nó và cũng khóc nấc lên. Có rất nhiều điều đang cuộn trào trong tôi. Tôi đã không quan tâm đến em mình, tôi đã không nhận ra những vấn đề nó gặp phải. Tôi là đứa vô tâm!

Nó buông tôi ra, chậm chạp nói: "Em xin lỗi. Em không muốn hút thuốc đâu. Chỉ là... Em không biết nữa..."

Tôi gật đầu: "Lần này thôi đấy."

"Mày có gì muốn nói không, Vinh?"

"Em đã muốn chết." Nó nói, nhẹ tựa lông hồng. Nó dựa người vào lan can. "Nhảy từ đây có chết không hả hai?"

"... Có." Tôi bảo. "Vậy thì sẽ đau lắm."

Chẳng hiểu sao, tôi bỗng bình tĩnh đến lạ. Em trai tôi đang ở đây, đang đối mặt với cuộc sống và cái chết.

Vinh bảo, nó cảm thấy cuộc sống quá khắc nghiệt.

"Em biết ba mẹ muốn tốt cho chúng ta, nhưng em thật sự rất muốn họ dành thời gian cho mình. Chẳng ai lắng nghe em. Bạn bè có thể nói chuyện tâm sự, nhưng em muốn người nhà cơ. Nếu không thì là người nhà làm gì? Còn chị, chị lúc nào cũng nghe lời họ. Em ghét điều ấy. Tại sao chị lúc nào cũng thế hả Hy? Chị chẳng phản đối gì cả! Chị khiến em tức điên lên. Chị sống như thể chỉ vì tất cả nhũng người xung quanh đều vậy."

"Chứ không phải thế hả?" Tôi chớp mắt. "Vậy là sai hả?"

"Ừm, sai lắm. Chị đâu sống vì người ta ai cũng vậy. Chả khác nào nếu tất cả chết hết thì chị cũng chết theo."

"Chị thấy mắc cười không? Chị bảo những người tự sát là ngu ngốc, nhưng em thấy... quyền sống quyền chết là của mình mà. Họ tính ra đã tự quyết định. Chị thì chẳng bao giờ nói ra mình muốn gì. Kỳ cục lắm." Vinh bật cười. "Em nghĩ, nếu ta đã sống rồi, thì ta cũng phải chết thôi... Sớm muộn gì ta chẳng phải chết... Mỗi người đều có điểm chung là đều sẽ chết mà? Cũng giống điếu thuốc này ấy. Dù biết nó đang ăn mòn mình nhưng vẫn hút vì thoải mái."

Và ta có thể không chọn hút. Tôi thầm hiểu ý nó.

"Em nói rồi đó, chúng ta chả phải họ. Chúng ta không đi con đường họ đi, làm những điều họ làm, trải qua những gì họ đã chịu. Ta chẳng hiểu gì hết. Ta có quyền phán xét không?"

"Ừm, phải." Tôi thì thầm, cảm thấy xấu hổ vì điều mình từng nói.

"Em không thể tưởng tượng được tương lai sau này ra sao. Em sợ hãi khi nghĩ về tương lai. Người ta về việc mình sẽ trở thành ai đó, ông này bà nọ, người này người kia. Còn em, em chả biết phải làm gì cả. Em không muốn nó tới. Em chỉ muốn tương lai là như bây giờ, mãi mãi đứng yên ở đây. Nhưng em biết mình không thể? Em phải thi tuyển sinh. Nếu em rớt, đời em sẽ rẽ theo hướng khác tệ hơn. Em sẽ phải học trường nghề, trường tư. Nếu em đậu, em sẽ trải qua ba năm cấp ba để học đại học. Sau đó tốt nghiệp, ra trường và đi làm. Rồi sẽ kết hôn với ai đó, sinh con. Hoặc em sẽ sống độc thân, chẳng ai ở bên. Cuối cùng, em sẽ chết." Lời nói của Vinh tuôn ra, như thể đã chờ quá lâu để được nói.

"Nếu em chết rồi, mọi thứ có nghĩa lý gì cơ chứ? Em vẫn sẽ chết đó thôi. Sống cuối cùng cũng là đang chết dần mà. Em đang quá mệt mỏi rồi." Vinh nói, giọng nó run rẩy, chẳng giống chút nào thằng em tôi biết. "Nếu như tất cả đều sẽ tan biến, sống có ý nghĩa gì hả chị hai? Rốt cuộc sống là sao nếu đến cuối ta vẫn chết? Hàng trăm, hàng triệu người đã qua đời, đâu có ai nhớ họ là ai cơ chứ. Em sống làm gì đây hả chị? Chúng ta đâu phải Leonardo da Vinci, đâu phải Einstein? Chúng ta rồi sẽ bị lãng quên. Vậy sống thì có ích gì? Chẳng phải bây giờ chết đi là tốt nhất sao?"

"Em không dám đối mặt với tương lai. Em hèn nhát, nên em dã định tự tử. Mọi thứ sẽ kết thúc ở đây..."

"Em nghĩ em hiểu lý do nhiều người tự sát rồi. Như chị Thanh ấy. Cuộc sống này quá mệt mỏi, chị ấy thì chẳng thể hiểu thế nào là sống. Nên chị ấy quyết định chết. Không phải là chị ấy muốn chết, chỉ là chị ấy không cảm thấy cuộc sống có gì đó để hối tiếc cả."

"Chị nghĩ xem, có phải em và chị ấy quá ngu ngốc không? Chết vì chẳng có lý do để níu kéo mình sống ấy."

Nó ngả người ra sau, như thể nó muốn tan biến vào bầu trời.

"Chị sẽ ngăn em hả, Hy?"

"..."

"Tao không rõ." Tôi thì thầm. Tôi đang nói cái gì thế này?

Em trai tôi đang bày tỏ lòng mình cho tôi biết. Nếu là trước kia, tôi sẽ không hiểu tại sao. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ mình đã hiểu một chút.

"Tao đã đọc mấy bài đăng của mày trên blog rồi." Tôi bảo, Vinh há hốc miệng. "Ừm, tao không ngờ... thật sự không ngờ mày đã buồn bã như thế. Tao nhận ra... tao chả hiểu gì về em mình cả. Cũng như chị Thanh, tao đã coi nhẹ cảm xúc của mày. Tao đã thiếu thông cảm. Tao là một đứa chị tồi. Tao xin lỗi. Chị xin lỗi em. Chẳng có gì là ngu ngốc ở đây cả, ai cũng có quyền được buồn. Mỗi người khác nhau, chúng ta khác nhau, tao đã quá nông nổi."

"Tao sẽ buồn, rất buồn vì mày chết. Nhưng tao có phải là mày đâu? Tao có hiểu mày đâu. Sao tao dám bảo rằng mọi thứ sẽ ổn thôi? Tao chả biết nữa. Nếu tao ngăn mày, thì mày hận tao, tao và mày sẽ chẳng thể như trước. Có lẽ mày sẽ ghét tao nữa. Tao không ngăn mày thì tao sẽ hối hận cả đời."

"Quyền quyết định ở mày, Vinh. Chỉ là... tao mong mày nghĩ kỹ. Mày thật sự... không thiết sống à? Tao biết, chúng ta rồi sẽ chết, nhưng đây có phải thời điểm đúng đắn không? Rằng chúng ta đã sẵn sàng để buông bỏ tất cả?"

Vinh lắc đầu, nó bảo: "Em đã... không thể. Cái gì đang chờ em sau khi em chết? Chuyện gì sẽ xảy ra với em? Em sẽ luân hồi ư? Hay em sẽ tan biến? Em không biết... Em hèn. Em thật sự vẫn chưa muốn chết. Em không muốn kết thúc. Em... sẽ tiếp tục sống. Sống thật ấy."

Nó mỉm cười với tôi: "Em xin lỗi, hai à."

Những giọt nước mắt tuôn ra. Tôi ôm lấy nó.

"Cảm ơn mày, vì đã ở lại."

....

Tôi mang nhật ký của chị Thanh lên sân thượng để Vinh cùng đọc với tôi. Càng biết những gì đã xảy ra với chị, chúng tôi càng lặng người. Suốt quãng thời gian cấp ba, chị Thanh cảm thấy mình lạc loài.

Tôi có cảm giác mình đang sống ở chiều không gian khác. Trường rất tốt, bạn bè rất tốt. Nhưng tại sao? Tôi không biết nữa.

Tôi có vui không? Tại sao tôi lại cười?

Ba mẹ bảo phải cười. Nhưng tôi có muốn không?

Tôi có giống người khác không? Tôi có ổn không?

Tôi là ai?

[...]

Mỗi ngày, tôi vẫn luôn cười.

Cong môi, cười lên nào, thật tươi.

Người xung quanh nghĩ tôi rạng ngời.

Nhưng sự thật thì sao?

[...]

Tôi là nhà lữ hành cô độc đến với thế gian này khám phá. Nhưng thế giới ấy khiến tôi bật khóc.

"Hẳn... chị ấy đã rất đau khổ." Tôi bảo với Vinh. Một cô gái luôn cười, sâu trong thâm tâm lại mong mỏi được thấu hiểu vì bản thân quá lạc lõng với thế gian. Nhờ chị ấy, tôi mới hiểu hơn về thế giới này. Rằng có những người như chị và Vinh, âm thầm chịu đựng chẳng nói lời nào. Họ vụn vỡ ở bên trong tâm hồn, không có ai để bộc bạch.

Chúng tôi lật đến trang cuối cùng. Một tấm ảnh được kẹp gọn tại đó. Đó là tôi, Vinh và chị Thanh khi chúng tôi còn nhỏ. Trên tấm ảnh ghi: Nguyễn Lê Thiên Thanh, Nguyễn Hoàng Vân Hy, Nguyễn Hoàng Phong Vinh. Thiên, Vân, Phong. Trời - Mây - Gió.

Chị từng kể, tên chị là màu xanh của bầu trời, trong xanh và tự do.

"Em nghĩ, chị ấy không sao nữa rồi." Vinh nhìn lên trời. "Đêm nay nhiều sao quá ha, hai?"

"Ừm." Tôi cũng ngước lên. Bầu trời điểm xuýt muôn vàn vì tinh tú lấp lánh. Đẹp quá. Tôi thầm nghĩ, tôi muốn như vì sao kia.

....

Cuộc sống của hai đứa tôi vẫn vậy. Tôi và Vinh vẫn đi học, vẫn phải thi. Chỉ hai đứa tôi biết, điều nào đó đã thay đổi rồi. Từng chút từng chút một, chúng tôi sẽ khiến cuộc đời này có một điều tuyệt vời cho mình. Tôi sẽ sống vì tôi cần quyết định điều mình muốn, chứ không phải vì ai cũng sống.

Ừ, có lẽ sau cùng chúng tôi sẽ chết, nhưng điều đó chẳng ngăn được tôi.

Với người đã lựa chọn như chị Thanh, tôi không khiển trách họ. Dẫu sao, chúng ta chẳng biết rốt cuộc họ đã nếm trải điều gì. Chị đã quá đau khổ vì không thể hiểu chính mình và cuộc đời, nên chị chọn rời đi.

....

Ngày giỗ đầu của chị Thanh đã tới. Bác trai bác gái tôi dù rất đau đớn, họ vẫn đi làm, hỏi thăm gia đình tôi. Mọi chuyện thật sự rất bình thường, làm tôi hiểu được một điều: Cái chết của người nào đó chẳng ngăn thế giới tiếp tục vận hành.

Tôi và Vinh đốt quyển nhật ký bên mộ chị. Chúng tôi trả nó về với chủ nhân thật sự.

Hôm ấy là một ngày trời xanh, mây trắng, gió thổi. Tất cả đều dịu dàng đến nao lòng.

Lời kết:

Ban đầu, tôi không thật sự rõ mình muốn viết gì. Chỉ là sau những ngày mệt mỏi vì bài vở, tôi bỗng nhiên nghĩ "Sao không viết truyện ngắn nhỉ?". Viết truyện ngắn rất khó, và tôi đã khá vất cả. Lần đầu tiên viết truyện ngắn kiểu này, chắc chắn là còn nhiều thiếu sót lắm... Ai đang đi học đừng hút thuốc như Vinh nha, có hại lắm...

"Những đứa trẻ ấy" không phải một câu chuyện hoàn hảo, tôi biết điều đó. Chỉ là tôi muốn giữ cho nó vẻ nguyên sơ nhất có thể. Nó là ước muốn của tôi về những con người trẻ đang loay hoay ngoài kia.

Tôi chẳng trải qua những chuyện như Thanh, Hy hay Vinh. Nhưng tôi từng gặp những người như họ ngoài đời và cả trên mạng. Và tôi muốn kể về nó.

Dù còn nhiều thiếu sót, cảm ơn đã lựa chọn đọc câu chuyện này.

Sau truyện ngắn này, tôi sẽ dừng viết đến tháng 6/2025 vì một số chuyện cá nhân. Tôi vẫn sẽ trở lại, đùng lo nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top