xvii

Tại sao NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔN NGOAN được sinh ra trong một GIA ĐÌNH gặp nhiều khó khăn, nhiều dằn vặt, hay ghen tức với người ngoài?
Càng cần yêu thương càng nhiều đau khổ!
.
.
.

1. Chúng ta biết, thực ra con người sống trong hai việc: bị trừng phạt và được yêu thương từ hồi còn bé. Và nó chẳng là gì ngoài việc: Một đằng là mong muốn sống và chết, còn một đằng là cách ứng xử với thế giới bên ngoài. Mong muốn sống và chết, người ta gọi là sức sống, nội lực, khả năng nỗ lực của một người. Biên giới của sống và chết là thế nào? Nếu một đứa bé từ nhỏ hay bị mắng chửi, bị trừng phạt thì biên giới nỗ lực của nó sẽ rất lớn. Nó có khả năng chịu đựng lớn

2. Nhưng nếu như một đứa trẻ từ bé được yêu thương rất nhiều, tức là phần Dương được tăng lên (yêu thương thuộc về Dương), thế thì phần Âm sẽ tụt xuống, thường là thế. Và như thế, từ bé, nếu nó ít bị trừng phạt thì khả năng nỗ lực sống của nó rất ít. Trong cuộc sinh tồn ấy, cuộc tồn vong ấy, nếu người ta bị trừng phạt ít từ khi còn bé thì khả năng tồn vong rất kém

3. Cho nên trong xã hội phương Đông, giáo dục con cái, đầu tiên, người ta không chú trọng sự tự lập hay không, họ chưa từng có ý niệm này. Điều họ ý niệm là khi nào thì chiều nó và khi nào thì phạt nó. Đó là một khái niệm cực kỳ “phương Đông.”

4. “Khi nào thì chiều” – Chiều tức là yêu thương, chiều tức là đứa trẻ làm gì cho nó làm điều đấy, cho nó tự nhiên phát triển. Còn “khi nào thì phạt” – Trừng phạt khiến mong muốn sống chết của đứa trẻ được định hình. Mong muốn sống chết của một con người, về mặt nhân cách, được xây dựng do việc người ta thường xuyên bị trừng phạt hay không thường xuyên bị trừng phạt, và phải trả giá ra sao cho sự trừng phạt này

5. Thường, một đứa trẻ gọi là ‘‘Trời sinh tính’’ ở chỗ này, do những điều kiện nhất định, nó bắt đầu biết cách lách ra khỏi sự trừng phạt để đạt đến sự yêu thương. Tức là nỗi sợ trừng phạt này đánh đổi lại bằng sự yêu thương. Sự khôn ngoan này giúp cho đứa bé có một sự khôn ngoan xã hội thật sự. Nó biết là nó gây ra tội lỗi đủ để đáng bị trừng phạt, nhưng bởi vì nó có một biên giới trừng phạt rất rộng nên nó biết cách che giấu lỗi lầm, bởi vì nó thường xuyên bị phạt. Còn đứa trẻ ít khi bị phạt thì đầu óc nó rất nông cạn, nó không thể giấu được lỗi lầm của nó

6. Đứa trẻ thường xuyên bị phạt mà lại khao khát yêu thương thì chúng có một sự khôn ngoan, hình thành một sự khôn ngoan về phần này. Sự khôn ngoan này để lách tránh sự trừng phạt, đạt đến sự yêu thương. Sự khôn ngoan này không mang tính chất giả trá hay không, cho dù đôi lúc nó thật sự có một hình thái thế này: Nó có thể hơi lừa đảo cha mẹ một chút. Chúng ta gọi đó là khả năng nói dối những người xung quanh

7. Khả năng nói dối những người xung quanh chỉ có thể sinh ra trong thời gian ấu thơ. Đây cũng là cội nguồn của sự mất tự tin của đứa trẻ. Bởi vì khi nó đạt được sự khôn ngoan này, nó định bước ra xã hội, nó sẽ rất khôn ngoan, nó rất nhạy cảm. Nó biết cách yêu, nó biết cách cảm nhận người khác

8. Thường những đứa trẻ khôn ngoan được sinh ra trong một gia đình gặp nhiều khó khăn, nhiều dằn vặt, hay ghen tức với người ngoài (hay so sánh với “con người ta” ấy mà!) Sau khi cha mẹ bức bối với bên ngoài xã hội, thì người ta bắt đầu về đè nặng đứa con bằng sự trừng phạt một cách vô lí. Đang ngồi ăn cơm, tự nhiên mặt mày sầm sì chửi: “Con làm cha mẹ xấu mặt lắm,” hay tự nhiên chẳng có chuyện gì, đang vui vẻ, lại chửi:

- Con học tập không bằng người này người kia
- Con học dốt thế, con chỉ có thể thế này thôi
- Cái loại như con…, con đi chơi ít thôi

9. Tất cả những thứ đè nén đứa trẻ mang tính chất trừng phạt này làm biên giới tồn vong vỡ ra. Nhưng bởi vì những biên giới này đều rất vô lí, đứa trẻ bắt đầu tìm cách để được yêu thương. Bởi vì nó đâu có gây ra tội gì. Nếu nó gây ra tội như đánh vỡ bình hoa rồi bị đánh, đấy là chuyện bình thường, nhưng nếu nó không gây ra tội mà nó vẫn bị trừng phạt thì sao?

Cái cảnh này gây ra một trường hợp là khi đứa trẻ chịu những điều vô lí đấy, nó phát điên. Chúng cứ phát điên dần dần, tính cách rất cục súc và hay đi đổ lỗi cho người ngoài. Tức là nó bị mất sự yêu thương, nó chỉ còn sự trừng phạt. Nó cảm giác cuộc đời nó bị trừng phạt giống như sống dưới những căn nhà có ông bố lúc nào cũng say rượu

10. Nhưng có những đứa trẻ lại khác. Đó là những đứa trẻ mà cha mẹ nó ghen tức với người ngoài, cha mẹ nó mong muốn là con mình phải thành ai, phải bằng nhà người này, bằng nhà người kia, “Cha mẹ cho tiền con học sao con học ngu thế,” hay “Sao con không lấy chồng đi”… Tất cả những thứ đấy sẽ khiến bọn trẻ con lách ra khỏi sự trừng phạt này, đạt đến sự yêu thương bằng một sự khôn ngoan...

11. Khi bước ra xã hội, sự khôn ngoan này cực kỳ có giá trị. Nó nhanh chóng lấy lòng người khác, cảm nhận được người khác. Nhưng đứa trẻ này sẽ sống cả đời trong nỗi đau khổ – nỗi đau khổ là nó cần phải lừa dối để được yêu thương. Và nó sẽ không ngại lừa dối để được yêu thương, không ngại nói dối, không ngại tô đậm bi kịch của mình, không ngại cầu xin lòng thương của người khác

12. Đứa trẻ càng thiếu đi tình yêu thương trong gia đình thì nó càng khát khao tình yêu thương của thế giới bên ngoài. Và nỗi đau khổ này chỉ kéo dài thôi. Đây là sự mê mờ của một bến mê. Thường chẳng ai thoát ra được nó. Sự đố kỵ, tranh đấu, hằn thù, tham lam của cha mẹ sẽ biến con cái thành một thứ khôn ngoan để đi cầu tình. Đấy là một động lực suốt đời của đứa trẻ ấy, nó thật sự đau khổ

13. Sự trừng phạt tạo nên tinh thần, bao giờ cũng thế. Đứa trẻ lớn lên bằng kỷ luật ấy, khả năng nỗ lực chịu đựng, chịu khổ, chịu nhục của nó rất lớn; khả năng tồn vong của nó rất lớn; biên giới tồn vong và chịu đựng của nó rất lớn. Còn những người từ bé không chịu khổ nhục, trừng phạt thì khả năng tồn vong rất kém. Nếu muốn dùng họ vào công việc thì chẳng dùng vào công việc gì được. Vì khả năng tồn vong, nỗ lực kém thế, chỉ có đi học làm một tay làm việc lén lút, chủ yếu ngồi nhà thủ thế, trốn trong bốn bức tường hoang tưởng – tình cờ là một số công việc IT lại phù hợp với họ. Những người này không thể cống hiến bình thường được, họ chỉ có thể đảm bảo đúng công việc của mình đã là mừng lắm rồi, chưa kể họ sẽ biển thủ thời gian

14. Tất nhiên điều may mắn trong xã hội loài người là không nhiều gia đình có khả năng yêu thương con cái từ bé. Đa phần bố mẹ phải hành hạ con cái từ bé, bởi vì cứ chịu áp lực ngoài xã hội, về nhà lại hành hạ con cái (khổ thế!) Nếu bố mẹ không chịu áp lực xã hội nào, không chịu những định kiến dằn vặt, không bị sự thua thiệt dằn vặt, không bị sếp mắng chửi, cuộc đời êm đềm, thì nuôi con lớn lên cũng êm đềm, chẳng có gì cả. Còn một khi đã phải mắng chửi con cái, đa phần là do đố kỵ, tham lam, tranh đấu với người ngoài. Đa phần là vì thế, đó là sự thật

Rất nhiều cha mẹ có thể nói: “Không phải, tôi dạy con quy tắc (thế này thế kia)…” Nhưng không phải! Có hai thứ khiến họ làm thế:

(i) Họ bị tổn thương từ tấm bé, lớn lên lại trút tổn thương vào con cái

Hoặc

(ii) Do họ đố kỵ với người ngoài, lớn lên, họ dạy con cái nhất định phải dạy theo cách trừng phạt, thậm chí là trừng phạt một cách vô lối – đứa con không gây ra lỗi cũng chửi nó được. Thế thì mới kiến tạo nên ở đứa bé sự khôn ngoan

15. Chúng ta tưởng tượng một gia đình hình mẫu, một gia đình nuôi dưỡng đứa trẻ lớn lên bằng việc dạy nó ứng xử, dạy nó nghi lễ, dạy nó quy tắc, dạy nó cách làm người, dạy nó cách nghĩ – cực kỳ hiếm gia đình như thế. Một gia đình như thế chẳng tạo nên một tính cách gì cụ thể của đứa bé. Nó cũng không tạo nên tinh thần của đứa bé. Nó không tạo nên biên giới sống-chết. Nói chung, gia đình đó chỉ có ở trong phim ảnh, tiểu thuyết, bởi vì đã sống trong thế gian, ai chẳng tổn thương, và ai chẳng trút tổn thương

16. Chúng ta có thể gặp một cái cốt cũng rất tiểu thuyết thế này:

Cha mẹ nuôi một hằn thù với một dòng tộc khác, đó là một dòng tộc quý tộc. Lớn lên họ luôn luôn nói con mình: “Con đừng bao giờ chơi với thằng bé hàng xóm, đừng bao giờ chơi với thằng bé dòng tộc kia.” Họ cứ luôn luôn trút nỗi hận: “Tại sao chúng ta lại thua kém nó?” Họ tìm cách trừng phạt con mình bằng những kỷ luật thép, bằng những bài huấn luyện rất mệt mỏi. Đấy chính là kéo dài ranh giới tồn vong ra

Đó là về mặt tinh thần, còn về mặt tính cách, sự yêu thương đối với một đứa trẻ tạo nên tính cách của một đứa trẻ – tính cách đầu tiên. Cách mà nó có một tương tác với bên ngoài được gọi là tính cách. “Cách” là phương thức, và “tính” đang nói ở đây là một mối quan hệ...

---
<Trích sách "TÔI ĐÃ SINH RA MỘT LẦN NỮA" - OOPSY>

Đây là cuốn sách dành tặng bạn, để bạn SINH RA MỘT LẦN NỮA, vài trò bựa khôi hài sẽ giúp bạn kiến tạo một hạnh phúc dài lâu trong chính gia đình mình!

http://oopsy.vn/blog/nhan-cach/tai-sao-nhung-dua-tre-khon-ngoan-duoc-sinh-ra-trong-mot-gia-dinh-gap-nhieu-kho-khan-nhieu-dan-vat-hay-ghen-tuc-voi-nguoi-ngoai-548
—-

Đọc tiếp:

Gia đình là cội nguồn của sự MẤT TỰ TIN – ba KHUÔN MẪU TÂM CẢM chi phối và kiến tạo NHÂN CÁCH của con người

http://oopsy.vn/blog/nhan-cach/gia-dinh-la-coi-nguon-cua-su-mat-tu-tin-ba-khuon-mau-tam-cam-chi-phoi-va-kien-tao-nhan-cach-cua-con-nguoi-547

.
.
.

© OOPSY --- CỘNG ĐỒNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI YÊU THÍCH TÂM LÍ VÀ TÂM LÍ TRỊ LIỆU

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #alice3004