Vấn đề 4: "Dù vua chúa hay dân cày..."

Bạn có từng tưởng tượng đến viễn cảnh, khi bạn ôm trong mình hàng ngàn nỗi đau và thất bại bạn sẽ ngoảnh đầu đi về đâu không? Đương nhiên, nơi mà con người ta thèm khát nhất sau bao khổ cực chính là gia đình. Hai chữ " gia đình" như ánh sáng le lói, đốt lên ngọn lửa hi vọng cho cuộc đời mỗi người, cứu rỗi ta khỏi cơn khủng hoảng cũng như bế tắc trong cuộc sống. Đúng như một câu nói mà thi hào Goethe đã tâm niệm rằng: "Dù vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự bình an trong gia đình, kẻ ấy là người sung sướng nhất."

Thật vậy, vì lí do nào mà đại thi hào văn học lại mượn hai hình tượng đối lập: vua chúa- dân cày để khẳng định ý nghĩa sâu sắc trong câu nói của mình? Có lẽ là bởi, vua- dân là hai tầng lớp xã hội có vị thế hoàn toàn khác xa nhau; tuy nhiên, chung quy lại điều quan trọng nhất đối với mỗi người vẫn luôn là gia đình: "Gia đình là sự nghiệp cuối cùng. Tất cả mọi sự nghiệp khác đều phục vụ cho một mục đích - đó là gia đình" . Vậy con người tìm thấy được gì dưới mái ấm gia đình? Tiền bạc ư? Không. Danh vọng ư? Cũng không. Thứ mà gia đình cho ta thực chất rất giản đơn, mộc mạc: đó là sự bình an. Bình an là khi ta được che chở dưới tình yêu thương, hoà hợp, gắn bó và giúp đỡ của cha mẹ, anh chị em- những người cùng chung một dòng máu, huyết thống. Bình an cũng là khi trở nên bế tắc, ta vẫn còn một nơi để quay về. Chính vì thế, người sung sướng nhất trên đời là người được sống dưới sự bao bọc của mái ấm gia đình, bất kể người đó có ở địa vị cao (vua), hay thấp (dân cày), bất kể người đó có giàu sang hay nghèo túng. Câu nói của Goethe không những đề cao vai trò , ý nghĩa của gia đình trong cuộc đời mỗi con người mà còn nêu ra một quan niệm về hạnh phúc vô cùng đúng đắn, thiết thực.

Thời thơ ấu, gia đình là nơi dưỡng dục, uốn nắn giúp ta phát triển về mặt thể chất lẫn tâm hồn. Là nơi kịp thời bảo vệ ta khỏi những tác động xấu, rèn dũa ta nên người. Đến khi trưởng thành, gia đình lại là nơi an toàn nhất để ta trở về sau những bôn ba vất vả của cuộc sống. Ở gia đình, có những người luôn lắng nghe mọi sầu não khổ đau của ta, có những người luôn chịu tha thứ cho những sai lầm mà ta từng gây nên. Người thân trong gia đình chính là những người đầu tiên chứng kiến toàn bộ nỗ lực của ta mỗi ngày, họ sẵn sàng hi sinh những điều tốt đẹp nhất để dành tặng cho ta, đứng về phía ta dù cho bất kể mọi lời chỉ trích và đàm tiếu từ bên ngoài. Không những vậy, gia đình còn là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, lời dặn dò, lời dạy dỗ từ gia đình sẽ theo con người suốt hành trình dài và rộng để không bạc lòng, không vấp ngã. Trong cuộc sống, mỗi con người chúng ta không tránh khỏi những tai ương bất trắc, khi đó gia đình chính là bến đỗ bình an vô điều kiện, là chốn nương náu cuối cùng giúp con người vượt qua giông bão cuộc đời, là nơi ta trở về khi đã chùn chân, mỏi gối. Gia đình có ấm êm thì tâm hồn mỗi chúng ta mới thực sự thanh thản và hạnh phúc. Đời người tựa như chiếc thuyền trôi trên mặt nước, lúc ồn ào, khi lại lặng lẽ. Mái ấm gia đình dường như là một bến bờ, vẫn luôn im lặng một chỗ đợi ta quay lại sau những đêm giông bão, sau một buổi xế chiều bình yên... Có lẽ, phải trải qua nhiều biến cố của cuộc đời, nhiều vết cứa rách da rách thịt của xã hội thì ta mới ngộ ra cách mà gia đình đối xử với ta nhẹ nhàng như thế nào.

Cuộc đời là những chuyến đi không ngừng nghỉ, chúng ta có vô số nơi để du ngoạn và khám phá, thế nhưng chỉ có duy nhất một nơi để trở về, đó là gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, có xây dựng gia đình hạnh phúc, mới có thể tạo nên một xã hội tốt đẹp. Nói về vai trò của gia đình, ta lại nhớ đến nhân vật Nhĩ trong tác phẩm "Bến quê" của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhĩ quá nửa đời người phiêu dạt, đến khi nằm trên giường bệnh mới nhận ra điều giản dị và thiêng liêng nhất là gia đình. Nơi có người vợ tần tảo với những đứa con ngoan chính là bến đỗ bình an nhất, là điểm tựa cho anh những ngày cuối cùng của cuộc đời. Hay một nhân vật trong bộ phim nổi tiếng "Người phán xử" cũng đã từng nói "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Những cái khác, có hay không có, không quan trọng". Có thể nói rằng, gia đình là điều không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Tuy nhiên, đối với những mảnh đời bất hạnh, liệu gia đình có phải nơi họ luôn muốn tìm về sau mỗi lần đi xa, có phải là thứ luôn ngự trị, đau đáu trong tâm hồn họ những đêm dài thao thức? Trên đài báo, bạn không ít lần đọc và nghe được hàng trăm vụ bạo lực gia đình. Vết thương do xã hội đem lại có thể chữa lành theo thời gian, thế nhưng vết thương do chính gia đình tạo nên lại phải đánh đổi cả một đời rỉ máu. Gia đình có thể là nơi sưởi ấm ta, cũng có thể là nơi gây nên những tổn thương lớn nhất trong cuộc đời trẻ thơ. Gia đình vốn là một xã hội thu nhỏ, chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, mẹ đánh con ắt sẽ tự hình thành cho tâm hồn non nớt của trẻ hành vi xấu đi ngược đạo đức hình thành con người. Nhân cách của trẻ cũng được đánh giá qua môi trường sống của chúng, mật thiết nhất là gia đình và cách dạy con của bố mẹ. Thật đáng phê phán làm sao những bậc cha mẹ ngày đêm chỉ biết kiếm tiền mà lơ là con cái, hay các phương pháp dạy con cổ hủ đã âm thầm tạo vết rách trong trái tim của trẻ thơ. Mặt khác, có những người khi lớn lên thì quên đi công ơn dưỡng dục của cha mẹ mà vô ơn, bất hiếu với họ. Những cá nhân ấy đáng bị xã hội lên án gay gắt. Do đó, hãy biến nhà là nơi để về, nơi lưu lại những ký ức thật đẹp bằng cách yêu thương người thân của mình hơn. Bởi khi có một gia đình toàn vẹn, ta đã may mắn hơn hàng triệu số phận trên thế giới này. Chẳng có gì quan trọng hơn gia đình, ta phải luôn trân trọng nó để sau này không bao giờ phải rơi lệ vì những lỗi lầm ta tự gây nên cho chính người thân yêu của mình.
Không có gì phải băn khoăn khi kết luận rằng: "Dù vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự bình an trong gia đình, kẻ ấy là người sướng nhất".
Đường về nhà là vào tim ta
Dẫu nắng mưa gần xa
Thất bát, vang danh
Nhà vẫn luôn chờ ta. - Trích bài hát "Đi về nhà" của Justatee và Đen Vâu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #học