Chương 6: Bàn luận về tác hại của định kiến xã hội đối với con người

Cuộc đời vốn là của riêng mình, dẫu sao ta lại phải sống theo tiêu chuẩn của người khác? Phải chăng, chính những định kiến xã hội đã tạo ra bao thống khổ cho hàng trăm trái tim bất hạnh? Phải chăng, chính chúng đã bóp méo nhân cách và chà đạp lên sự sống của vô vàn trái tim lương thiện? Định kiến xã hội cũng được thể hiện rất rõ trong văn học, điển hình là tác phẩm "Tư cách mõ" của nhà văn Nam Cao.

Liệu định kiến có phải là lưỡi dao đẩy con người ta vào bước đường cùng, tước đi cốt cách lương thiện thay vào đó khiến họ trở nên đê ti, hèn mọn? Thật vậy, nhân vật cu Lộ xuất thân là con của một ông viên quan tử tế, hẳn hoi; thế nhưng, chỉ vì sự cả nể mà nhận chức vụ mõ, cuộc đời Lộ đã bị thay đổi hoàn toàn. Mới vài ba năm đây thôi, họ còn gọi là "anh cu Lộ", vậy mà giờ đây những lời mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia, nói đến hắn, kẻ trẻ tuổi hơn cũng gọi bằng thằng. Ban đầu, Lộ cảm thấy xấu hổ, hối hận muốn bỏ việc mõ nhưng sau đó lại tặc lưỡi và mặc kệ. Cũng bởi định kiến của dân làng dành cho người làm mõ như Lộ mà những suy nghĩ muốn báo thù đã nảy mầm trong khối óc hiền lành ấy. Vì vậy, Lộ quyết định trở thành một tên mõ đủ tư cách mõ : cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn. Định kiến chính là công cụ sắc bén và dã tâm nhất đã tạo ra hàng ngàn nỗi thống khổ cho đời. Nó bao gồm những ý kiến, quan điểm lệch lạc và phiến diện về người khác hay một việc nào đó mà họ tự mặc định rằng đó là sai. Định kiến là một thói xấu đã ngấm vào tư tưởng của con người ta, là một khuôn mẫu vô lý mà họ tự đặt ra để rồi nhìn nhận xã hội theo góc nhìn chật hẹp và tiêu cực. Tuy đó hành vi xấu, nhưng cho đến tận nay vẫn còn nhiều người mang theo mình vô số các định kiến khác nhau. Ví dụ, có người vẫn sống theo tư tưởng cực đoan trọng nam khinh nữ hay những định kiến về giới như: nữ phải để tóc dài,tính cách nhẹ nhàng, làm nội trợ; nam phải để tóc ngắn, tính cách mạnh mẽ, ăn to nói lớn, làm việc lớn... Còn không thì họ lấy lẽ đó làm phương diện để lên án, chỉ trích, thậm chí là dè bỉu, coi thường và xúc phạm. Cuối cùng, chúng đem lại những hậu quả đáng tiếc không thể ngờ.

Việc chúng ta có cái nhìn không tốt về người khác, đánh giá họ dựa trên quan điểm chủ quan sẽ tạo nên những định kiến xã hội. Hành động này trước hết tác động đến tâm lý của chúng ta, nó khiến ta có những thái độ tiêu cực về người khác. Kéo theo đó, người đang nhận về mình những định kiến cũng sẽ phải chịu đựng sự tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần dù cho họ chỉ đang sống cuộc đời của mình, sống đúng theo pháp luật, không đi ngược với chuẩn mực đạo đức. "Một người ác sẽ bị người đời lên án, nhưng nếu tất cả mọi người cùng ác thì điều đó trở thành lẽ phải" chính vì thế, khi bị áp đặt vào định kiến của cả một tập thể, người là nạn nhân sẽ thấy bị cô lập, lạc lõng, sau dần họ sống khép mình và rơi vào sợ hãi. Hành vi ấy quả thực vô cùng nhẫn tâm và độc ác, đi ngược với đạo lý làm người. Lâu dần, người ấy sẽ tự hình thành cho mình những tâm lý tiêu cực, trầm cảm hay thậm chí là tâm lý thù hận cuộc đời, điều này sẽ bóp méo nhân cách của họ, biến đổi bản chất trở nên xấu xa. Đồng thời, những định kiến không tốt còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của toàn xã hội, khiến xã hội trở nên lạc hậu và bị trì trệ.
Định kiến từ xưa và nay vẫn là một rào cản kìm hãm sự phát triển và đột phá trong xã hội qua nhiều khía cạnh. Nếu ở thời phong kiến, thơ của Hồ Xuân Hương là lời cảm thông sâu sắc cho số phận bi đát của người phụ nữ phải chịu nhiều uất ức bởi luân thường, đạo lý cổ hủ thì hiện nay, những phong trào nữ quyền nổi lên như để đòi lại công bằng cho người phụ nữ. Đó là cách con người ta cùng nhau đối mặt và xoá bỏ những định kiến tồn tại trong xã hội. Thế nhưng, trước đó họ đã phải nếm trải những gì? Ta không thể không nhắc tới thân phận "bảy nổi ba chìm" của người phụ nữ xưa, họ đã từng bị đoạ đầy, bị rẻ rúng và chà đạp nhẫn tâm bởi hàng trăm định kiến về trọng nam khinh nữ. Cuối cùng, điều mà người ta ghi nhớ nhất lại là kết cục bi thảm của họ xuất hiện trong các tác phẩm xưa: "Truyện Kiều" của tác giả Nguyễn Du, "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố,... Thế nhưng, dù có trải qua hàng trăm năm, các định kiến dường như vẫn không hề biến mất mà ngày càng tăng thêm và còn được lan truyền mạnh mẽ qua các nền tảng mạng xã hội nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ. Một số cá nhân đã lợi dụng nick ẩn danh trên các nền tảng xã hội trực tuyến để dồn người khác vào bước đường cùng, họ kích động một tập thể để tấn công tinh thần người khác chỉ vì cái nhìn phiến diện bằng cách chỉ trích thậm tệ. Các nạn nhân điển có thể là một cô gái xăm mình, người đàn ông để tóc dài, những cặp đôi đồng giới, người da màu, người có ngoại hình phi giới tính... Điều này góp phần tạo nên một không gian mạng không lành mạnh, mất đoàn kết.

               Trái lại, khi nhìn vào mặt tích cực hơn của cuộc sống ta thấy đã có rất nhiều người mang tư duy và nhận thức đúng đắn, cởi mở hơn. Họ là người biết tiếp thu, biết gạt bỏ những định kiến hà khắc trong cuộc sống. Cuộc sống thật tốt đẹp làm sao khi vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng đứng lên đấu tranh bảo vệ công lý chứ không hùa theo thói xấu định kiến. Họ xứng đáng là tấm gương sáng để học tập và noi theo. Do đó, để xây dựng một xã hội văn minh và lành mạnh, mỗi chúng ta cần phải rèn luyện về tri thức để hiểu hơn về cuộc đời. Quan trọng nhất, ta cần tiếp thu những tư tưởng tân tiến, đồng thời bài trừ những định kiến lạc hậu. Học cách thông cảm cho cuộc đời của người khác, tránh xa các hành vi bắt nạt. Hơn nữa cần lên án những hành vi áp đặt định kiến, khuôn mẫu và hành vi gây tổn thương đến người khác. Hãy tôi luyện bản thân, xây dựng tinh thần cứng rắn và bản lĩnh để đương đầu với khó khăn và không bị khuất phục trước các định kiến hướng về chính bản thân mình.
"Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm".......

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #học