Những điều thú vị về các Vua Triều Lý

LÝ THÁI TỔ



Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, được tôn lên làm vua năm Kỷ Dậu (1009) mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nước Việt trên nhiều phương diện, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Sử sách ca ngợi "vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương" (Đại Việt sử ký toàn thư). Cuộc đời của Lý Thái Tổ được bao phủ khá nhiều giai thoại huyền ảo với những tình tiết ly kỳ, thú vị, nhất là về thân thế của ông.


* Lý Thái Tổ là vị vua có lý lịch xuất thân mờ ảo nhất. Chính sử cho biết mẹ ông họ Phạm nhưng không ghi tên là gì, còn theo dã sử và giai thoại dân gian bà tên là Phạm Thị Ngà. Cha vua là ai thì càng không rõ, sách Đại việt sử ký toàn thư viết: "Mẹ vua đi chơi chùa Tiên Sơn(1)cùng với thần nhân giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974)..., vua từ bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường". Còn nhà sử học Ngô Sĩ Liên thì cho biết thêm nhiều giai thoại khác: "... bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: thái hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra vua,... Ngoại truyện lại nói: Mẹ vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt bà đang ngủ lơ mơ, lão sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra vua... Thế thì thật không biết người nào là cha vua nữa" ( Việt sử tiêu án).


* Lý Thái Tổ là vị vua có giai thoại lạ kỳ về điềm báo được lên ngôi Có cây gạo ở làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp quê ông (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) bị sét đánh, để lại vết tích là một bài thơ trong đó có ý nói tới sự ra đời của nhà Lý. Lại có chuyện "ở viện Cam Tuyền, chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ Thiên tử, kẻ

thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm Tuất sẽ làm Thiên tử. Đến đây vua sinh năm Giáp Tuất, làm thiên tử, quả nhiên ứng nghiệm" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tổ lên ngôi ngày Quý Sửu, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), chỉ hai ngày sau khi vua Lê Ngọa Triều mất, khi đó ông 36 tuổi và là vị vua triều Lý tuổi cao nhất khi lên ngôi.


* Lý Thái Tổ là một trong những vị vua có tôn hiệu dài nhất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, cuối năm Kỷ Dậu (1009) Lý Công Uẩn được tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Triều đình "dâng tôn hiệu là Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh long hiện duệ văn anh vũ sùng nhân quảng hiếu thiên hạ thái bình khâm minh quang thạch chương minh vạn bang hiển ứng phù cảm uy chân phiên man duệ mưu thần trợ thánh trị tắc thiên đạo chính hoàng đế" (Đại Việt sử ký toàn thư). Tôn hiệu này có tất cả 52 chữ.


* Lý Thái Tổ là vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất, sau khi lên ngôi đã cho lập 6 hoàng hậu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác". Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016) Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa. Như vậy tổng cộng là 9 hoàng hậu.


* Lý Thái Tổ cho rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội ngày nay) năm Canh Tuất (1010), tương truyền khi đoàn thuyền đến đỗ bên bờ sông Hồng thì "có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự" (Đại Việt sử ký toàn thư) vì thế vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Đây là tên gọi của một kinh đô được sử dụng lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.


* Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên bố cáo cho thiên hạ biết việc vua sẽ trực tiếp xét xử các vụ án. Ngay sau khi lên ngôi ông đã ban chiếu quy định rằng: "Từ nay ai có việc tranh kiện nhau, cho đến triều tâu bày, vua sẽ thân giải quyết" (Đại Viêt sử ký toàn thư).


* Ở các đời vua trước đó, đơn vị hành chính còn đơn giản, chưa hoàn thiện, đến tháng 12 năm Canh Tuất (1010) Lý Thái Tổ chia lại khu vực hành chính trong cả nước thành 24 lộ, dưới lộ là phủ, huyện, hương, giáp và thôn. Tại khu vực miền núi thì được chia thành các châu, trại, đạo.


* Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên thực hiện chính sách dân tộc, với các vùng biên giới, khu vực miền núi thông qua các cuộc hôn nhân, để thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng quyền lực của triều đình trung ương.

Đây là một chính sách rất đặc biệt của vương triều Lý và Lý Thái Tổ là người mở đầu chính sách dó. Sau khi lên ngôi, ông đã gả con gái là công chúa Đông Thiên cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (nay thuộc Bắc Giang và một phần Lạng Sơn) là Giáp Thừa Quý. Kể từ đó các đời vua nối tiếp của triều Lý đều thực hiện chính sách liên kết với các tù trưởng dân tộc thiểu số bằng quan hệ hôn nhân.


* Lý Thái Tổ cho đúc tiền để lưu thông đầu tiên của triều Lý, đồng "Thuận Thiên đại bảo", mặt sau có chữ Nguyệt. Tính từ kỷ nguyên giành được độc lập tự chủ thì đây là đồng tiền thứ 3 của dân tộc ta, sau đồng "Thái Bình hưng bảo" của Đinh Tiên Hoàng và "Thiên Phúc trấn bảo" của Lê Đại Hành.


* Lý Thái Tổ là vị vua đặc biệt quan tâm đến việc sửa chữa, trùng tu lại các công trình tôn giáo. Cuối năm Canh Tuất (1010) ông "hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên cấp độ điệp cho sư tăng (độ điệp là một dạng văn bằng cấp cho người xuất gia tu hành). Việc cấp độ điệp dược thực hiện bắt đầu từ năm Canh Tuất (1010).


* Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên thực hiện miễn thuế cho dân chúng trong một thời gian nhất định. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 12 năm Canh Tuất (1010) vua "đại xá các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi góa chồng, già yếu thiếu thuế đã lâu đều tha cho cả".


* Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên quan tâm đến việc đào tạo dạy dỗ công việc chính trị cho người kế vị sau này. Năm Nhâm Tý (1012) ông sai làm cung Long Đức ở ngoài hoàng thành cho Thái tử ra đó ở để gần gũi nhân dân, nắm rõ và hiểu được đời sống xã hội.


* Lý Thái Tổ là vị vua duy nhất trong lịch sử cho quân giao chiến với quân nước Nam Chiếu (một quốc gia cổ nay thuộc vùng Vân Nam, Trung Quốc). Cuối năm Nhâm Tý (1012) ông nghe tin báo người Nam Chiếu xâm nhập châu Vị Long (nay thuộc Cao Bằng) bèn sai quân đi đánh, bắt được rất nhiều người và hơn 1 vạn con ngựa. Tháng giêng năm Giáp Dần (1014) 20 vạn quân Nam Chiếu tràn vào châu Bình Lâm (nay là Cao Bằng), "vua sai Dực Thánh vương đem quân đi đánh, chém được hơn 1 vạn đầu, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết" (Đại Việt sử ký toàn thư). 


* Lý Thái Tổ mở đầu cho các triều vua Lý chủ động cho quân Bắc phạt nhằm răn đe, làm nhụt tham vọng của Bắc triều và đề cao sức mạnh của mình. Năm Nhâm Tuất (1022) vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh Đại Nguyên Lịch (một vùng đất tiếp giáp giữa nước ta và Tống), sau đó "quân ta đi sâu vào trấn Như Hồng đất Tống, đốt kho tàng rồi rút về" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên cho biên soạn phả hệ hoàng tộc, vào năm Bính Dần (1026) "mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu làm ngọc điệp (phả hệ)" (Đại Việt sử ký toàn thư).


Lý Thái Tổ làm vua 18 năm (1009-1028), đặt những nền móng đầu tiên khai mở cho sự phát triển một giai đoạn văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc. Việt giám thông khảo tổng luận đánh giá về sự nghiệp của ông như sau: "Lý Thái Tổ nhân Ngọa Triều thất đức, hiệp điềm tốt, sét đánh thành chữ, ứng mệnh trời thuận lòng người, thừa thời mở vận, có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân; tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ; Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên".



LÝ THÁI TÔNG



Vị vua thứ 2 của nhà Lý là Lý Thái Tông, trong 26 năm ở trên ngôi báu, ông đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc gia, củng cố bộ máy nhà nước và để lại nhiều dấu ấn thú vị, đáng nhớ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lời nhận xét của sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá Lý Thái Tông "là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc".

* Lý Thái Tông là vị vua Lý lên ngôi gặp trở ngại nhất. Ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028) Lý Thái Tổ mất, để lại di chiếu cho Thái tử Lý Phật Mã kế vị ngai vàng, chưa kịp đăng quang thì 3 người anh em của ông là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đem quân làm loạn để tranh giành ngôi báu.

Nhờ có sự giúp đỡ của một số đại thần, tướng lĩnh do Lê Phụng Hiểu đứng đầu nên "loạn tam vương" mới được dẹp yên, Lý Phật Mã lên ngôi ngày 4 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), đây chính là vua Lý Thái Tông.


* Lý Thái Tông cũng gắn với một giai thoại lạ về việc được thần báo mộng. Trớc khi 3 vương làm loạn 1 ngày, "vua chiêm bao thấy một ngời tự xng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc 3 vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn nên bảo đem quân đánh ngay đi. Đến khi tỉnh đậy sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm" (Đại Việt sử ký toàn thư). 


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên đặt lệ thề trung nghĩa hàng năm. Sau "loạn tam vương" ông cho tổ chức lễ vào ngày 25 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028) lệnh cho các quan tướng phải tham dự và đọc lời thề rằng: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần linh giết chết". Kể từ đó thành thông lệ hàng năm, về sau đổi sang ngày mồng 4 tháng 4.


* Lý Thái Tông là một trong những vị vua lập nhiều hoàng hậu nhất, tháng 5 năm Mậu Thìn (1028) ông lập cùng lúc 7 hoàng hậu. Đến tháng 7 năm ất Hợi (l035) vua lập thêm một người thiếp làm hoàng hậu Thiên Cảm.


* Lý Thái Tông là vị vua có tôn hiệu dài nhất. Nếu xét theo tôn hiệu đặt lần đầu thì ông kém vua cha của mình là Lý Thái Tổ 2 chữ, nhng nếu xét gộp các lần đặt tôn hiệu thì Lý Thái Tông là vị vua có tôn hiệu dài nhất. Ngay sau khi lên ngôi, tôn hiệu của ông là: Khai thiên thông vận tôn đạo quý dực thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính ]ý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tuế, công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí áo hưng long đại đinh thông minh từ hiếu hoàng đế. Tất cả có 50 chữ. Đến tháng 6 năm Kỷ Mão (1039) lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục. Tháng 11 năm Giáp Thân (1044) vua lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Thánh đức thiên cảm, tuyên uy thánh võ. Như vậy tôn hiệu của Lý Thái Tông có tổng cộng 66 chữ.


* Lý Thái Tông là một trong những vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất, 26 năm làm vua ông đã đặt 6 niên hiệu, đó là: 1. Thiên Thành (1028- 1034), 2. Thông Thụy (1034-1039), 3. Càn Phù Hữu Đạo (1039-1042), 4. Minh Đạo (1042-1044), 5. Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1049), 6. Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054).


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên lấy của cải ban thưởng cho toàn dân; ngày 15 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028) ông "xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ" (Đại Việt sử ký toàn thư). Tháng 8 năm Tân Mão (1051) vua tổ chức "cho dân ăn uống to và ban cho dân vải lụa, tiền bạc theo thứ bậc khác nhau" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên cho biên soạn và ban hành bộ luật thành văn của nước ta, đánh dấu sự phát triển cao của nền lập pháp Việt Nam và của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Hệ thống pháp luật lần đầu tiên được quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trong cả nước và đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Sách sử cho biết, tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1042) vua sai quan trung thư "san định luật lệ, châm chước những điều thời thế thông dụng, xếp thành môn loại, biên rõ điểu mục làm thành quyển Hình thư của một triều đại để cho người xem dễ biết. Sách làm xong, chiếu ban ra cho thi hành, dân đều lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng, rõ ràng" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên quy định phép khảo hạch quan lại, thông qua đó đánh giá năng lực, trình độ để làm căn cứ thưởng phạt. Quy định này bắt đầu thực hiện năm Tân Mão (1051) đời Lý Thái Tông, theo đó vua "định cho các quan văn võ làm lâu năm. mà không có tội lỗi được thăng chức tước theo thứ bậc khác nhau" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tông quy định chặt chẽ, rõ ràng về kỷ luật quân đội. Tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1042) vua ban chiếu quy định quan chức đô quản lý quân cấm vệ nếu bỏ trốn bị xử 100 trượng, thích vào mặt 30 chữ, người coi giữ trấn trại nếu trốn cũng bị xử như thế. Tháng 10 năm Quý Mùi (l043) "xuống chiếu rằng quân sĩ bỏ trốn hơn 1 năm thì xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì theo mức nhẹ mà bắt tội. Khi vua đi đánh trận mà không theo xa giá cũng bị xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ (Đại Việt sử ký toàn thư). Tháng 12 năm Ất Dậu (1045) lại quy định quân lính bỏ trốn sẽ bị tội lưu đày theo 3 bậc khác nhau.


* Lý Thái Tông là vị vua gả nhiều con gái cho các tù trưởng, thủ lĩnh người dân tộc nhất, thông qua đó củng cố chính sách đối với vùng miền núi, biên viễn.

Tháng 3 năm Kỷ Tị (l029) vua gả công chúa Bình Dương cho Thân Thiệu Thái, châu mục châu Lạng (nay là Lạng Sơn). Năm Bính Tý (1036) gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ) là Lê Thuận Tông; gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (nay thuộc Sơn Tây, Hà Tây cũ) là Hà Thiện Lãm; gả công chúa Ngọc Kiều cho châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ và một phần Sơn Tây).


* Lý Thái Tông là một trong những vị vua Lý có tuổi thọ khá cao. Ông sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (1000), mất ngày 01 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054), thọ 54 tuổi.


* Lý Thái Tông có tướng rất lạ. Theo ghi chép của sách sử thì sau gáy của ông có 7 nốt ruồi ví như thất tinh tức 7 ngôi sao của chòm sao Bắc đẩu, tượng trưng cho ngôi vua. 


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên của triều Lý  quy định rõ ràng về trang phục của quần thần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết tháng 4 năm Canh Ngọ (1030) vua "định kiểu mũ áo của công hầu và văn võ".


* Lý Thái Tông rất quan tâm đến nông nghiệp, ông nhiều lần ra ruộng xem nhân dân gặt lúa. Ông là vua Lý đầu tiên thực hiện cày ruộng tịch điền và cũng là người cày ruộng tịch điền nhiều lần nhất. Lần đầu tiên ông cày ruộng tịch điền ở Đỗ Động Giang (nay thuộc Thanh Oai, Hà Tây cũ) vào tháng 4 năm Nhâm Thân (1032); tháng 2 năm Mậu Dần (1038) vua lại đi cày ruộng tịch điền ở Bố Hải Khẩu (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình). Tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1042) ông lại đi Khả Lãm (nay thuộc Thanh Oai, Hà Tây cũ) cày ruộng tịch điền.


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên định lệ chọi trâu, sách Đại Việt sử lược viết: "Tháng 12 năm Mậu Tý (l048) vua xuống chiếu định phép chọi trâu về mùa xuân".


* Lý Thái Tông là vua đầu tiên cho xây dựng nơi đón tiếp, nghỉ ngơi cho các đoàn sứ thần nước ngoài. Tháng 12 năm Giáp Thân (1044) vua cho dựng trạm Hoài Viễn bên bờ sông Hồng lấy đó "làm chỗ nghỉ ngơi cho người nước ngoài đến chầu" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tông là vua đầu tiên cho lập hệ thống đưa tin trên toàn quốc, năm Quý Mùi (1043) vua chia đường cái quan thành từng cung đoạn và đặt các trạm để chạy công văn.


* Lý Thái Tông là vua Lý đầu tiên cho đào kênh để phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi cho lưu thông đường thủy. Tháng 3 năm Kỷ Tị (1029) vua sai quan trung sứ chỉ huy dân chúng đào kênh Đãn Nãi (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Tháng 11 năm Tân Mão (1051) cho đào kênh Lẫm (nay thuộc Yên Mô, Ninh Bình).


* Lý Thái Tông đã cho lập đàn Xã Tắc để làm nơi cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đàn Xã Tắc được đắp năm Mậu Tý (1048) ở ngoại thành Thăng Long.


* Lý Thái Tông đã cho xây dựng ngôi chùa đặc biệt và nổi tiếng ở nước ta, đó là chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Ngôi chùa này được dựng tháng 10 năm Kỷ Sửu (1049) trên một cột đá lớn nổi lên giữa hồ tượng trưng cho một toa sen nở trên mặt nước.


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên quan tâm đến việc xét xử lại, tìm hiểu những oan ức của dân chúng. Tháng 6 năm Kỷ Tị (1029) ông cho xây hai lầu chuông ở bên thềm rồng để "nhân dân ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên" (Đại Việt sử ký toàn thư). Tháng 3 năm Nhâm Thìn (1052) vua lại sai "đúc chuông lớn để ở Long Trì cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tông là ông vua đặt một nơi làm nhiệm vụ giữ thời gian chuẩn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tháng 6 năm Kỷ Tị (1029) tại khu vực điện Phụng Thiên trong hoàng thành, vua cho "dựng lầu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thái Tông đề cao ý thức dân tộc, bài trừ tư tưởng sùng ngoại, thể hiện tinh thần tự cường bằng những việc làm cụ thể, đời thường. Tháng 2 năm Canh Thìn (1040) "vua dạy cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc trong kho ban cho các quan, làm vậy để tỏ ý là vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa" (Đại Việt sử ký toàn thư). Việc làm này được nhà sử học Ngô Sĩ Liên đánh giá là "trong cái tốt lại còn cái tốt nữa", còn sử quan triều Nguyễn trong bộ Khâm đnh Việt sử thông giám cương mục phê một câu ngắn gọn: Được.


* Lý Thái Tông đã thi hành chính sách hộ khẩu một cách cụ thể, ông đặt lệ hàng năm vào mùa xuân các xã phải lập sổ hộ của xã mình, kê khai số dân thành nhiều hạng, tất cả các đinh nam đến tuổi trưởng thành đều phải ghi tên vào sổ bìa vàng (gọi là sổ hoàng nam). Có 2 hạng: hoàng nam (18-20 tuổi) và đại hoàng nam (từ 20 tuổi trở lên), căn cứ vào sổ hoàng nam, triều đình huy động sai dịch và quân dịch khi cần thiết.

* Lý Thái Tông là một trong những vị vua cho làm nhiều công trình, vật dụng Phật giáo nhất. Tháng 3 năm Tân Mùi (1031) vua xuống chiếu xuất tiền cho xây dựng 950 chùa quán trong cả nước, ông còn sai thợ "tạc hơn 1000 pho tượng Phật, vẽ hơn 1000 bức tượng Phật, làm bảo phướng hơn 1 vạn chiếc" (Đại Việt sử ký toàn thư). Tháng 10 năm Tân Tị (1041) xuất 7.560 cân đồng để đúc tượng Phật Di Lặc và hai vị Bồ tát Hải Thanh bồ tát, Công Đức, cùng một quả chuông lớn đặt trên núi Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh). Tháng 8 năm Quý Dậu (1033) vua cho đúc quả chuông nặng 1 vạn cân, tháng 11 năm Ất Hợi (1035) xuất kho 6000 cân đồng đúc chuông chùa Trùng Quang (nay thuộc Tiên Du, Bắc Ninh) .


* Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên cho dựng biển chỉ đường tại các địa phương; tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1042) ông xuống chiếu cho dân "đắp đất làm ụ, cắm biển gỗ ở trên để tiện cho việc đi về 4 phương". (Đại Việt sử ký toàn thư). Cũng trong năm Nhâm Ngọ (1042) vua "xuống chiếu cho các lộ, mỗi lộ đều đặt trạm gác để coi xét 4 phương" (Đại Việt sử lược), để tăng cường giữ gìn dân sinh và an ninh quốc phòng.


Tổng kết về sự nghiệp và đức độ của Lý Thái Tông, sách Việt giám thông khảo tổng luận khen ngợi ông là người "trí dũng gồm hai, đánh đâu được đấy; có đức hiếu hữu, học tập lễ văn, đánh giặc giã, dẹp man nhung, cày tịch điền, khuyên việc ruộng, dân oan có chuông, việc hình có luật; là một bậc vua giỏi giữ nền nếp vậy".



LÝ THÁNH TÔNG



Lý Thánh Tông là một trong những vị vua giỏi của triều Lý, ở ngôi 18 năm ông đã để lại nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa và nông nghiệp, được sử sách đánh giá là vị vua "khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa Bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt" (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thánh Tông lấy quốc hiệu là Đại Việt ngay sau khi lên ngôi tháng 10 năm Giáp Ngọ (l054). Đây là quốc hiệu được sử dụng trong thời lâu nhất trải qua nhiều triều đại nhất.


* Lý Thánh Tông rất nhân từ, quan tâm đến cả tình cảnh của tù nhân, thương xót họ khổ sở vì gông cùm, ăn không no bụng, áo không kín mình. Tháng 10 năm Ất Mùi (1055) ông sai phát chăn chiếu và tăng thêm khẩu phần cơm cho tù nhân.


* Lý Thánh Tông là vị vua lập một lần nhiều hoàng hậu nhất, sách Đại Việt sử lược cho biết tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054) sau khi lên ngôi kế vị, ông lập một lúc 8 hoàng hậu.


* Lý Thánh Tông là ông vua tự làm bài văn minh (văn khắc chuông), bài văn đó được viết năm Bính Thân (l056) sau khi vua cho xuất kho 12.000 cân đồng để đúc một quả chuông lớn.


* Lý Thánh Tông là vị vua đầu tiên ban chiếu khuyến nông, tờ chiếu này được công bố vào tháng 4 năm Bính Thân (1056).


* Lý Thánh Tông là vị vua cho xây dựng ngọn tháp nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, đó là tháp Báo Thiên. Công trình kiến trúc này bắt đầu được xây dựng từ tháng giêng năm Đinh Dậu (1057) gồm 12 tầng, cao vài chục trượng (khoảng 70m) toạ lạc trên một gò cao gần hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm). Phần dưới của tháp xây bằng đá, riêng một số tầng trên và chóp tháp được đúc bằng đồng. Tháp Bào Thiên có tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên bảo tháp, được xếp vào "tứ đại khí"- 4 công trình lớn của nước Việt.


* Lý Thánh Tông định lệ cấp bổng lộc minh bạch cho quan lại và cho thực hiện từ năm Đinh Mùi (1067) nhằm tránh tình trạng ăn hối lộ. Tùy theo chức vụ mà bổng lộc khác nhau, thí dụ các quan đô hộ phủ sĩ sư mỗi năm được 50 quan tiền, 100 bó lúa và các loại cá, muối; quan coi ngục được 20 quan tiền và 100 bó lúa...


* Lý Thánh Tông chính là ông vua cho xây dựng Văn Miếu, công trình này hoàn thành năm Canh Tuất (1070), sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "mùa thu, tháng 8 làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế".


* Lý Thánh Tông là vị vua viết bia với chữ dài nhất tháng giêng năm Tân Hợi (1071) ông đến thăm chùa Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh) rồi "viết bia chữ Phật dài 1 trượng 6 thước" (khoảng hơn 6m) (Đại Việt sử ký toàn thư).


* Lý Thánh Tông là một trong những vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất và có nhiều niên hiệu dài nhất. Trong 18 năm ở ngôi ông đã đặt 5 niên hiệu và có tới 4 niên hiệu dài 4 chữ là: Long Thụy Thái Bình (1054-1058), Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), Long Chương Thiên Tự (1066-l068), Thiên Huống Bảo Tượng (1068-1069).

* Lý Thánh Tông là vị vua có mối lương duyên khá lạ, đến năm 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai nối dõi nên ông đi cầu tự ở nhiều chùa chiền, đạo quán. Một lần vua trên đường đi, vua tình cờ thấy có cô gái đứng tựa gốc lan, trên đầu có một đám mây ngũ sắc che phủ, thấy lạ bèn truyền đến hỏi chuyện rồi đưa vào cung phong làm phi, đặt hiệu là Ỷ Lan. Bà phi này sau đó đã sinh cho vua 2 hoàng tử, một người được phong làm Thái tử rồi truyền ngôi, đó chính là vua Lý Nhân Tông. 


* Lý Thánh Tông là vị vua đầu tiên "định tiền chuộc tội theo thứ bậc khác nhau" (Đại Việt sử ký toàn thư). Lệ này được ban hành năm Tân Hợi (1071).


* Lý Thánh Tông là vị vua Lý hai lần cho quân chủ động đánh lên phía Bắc. Tháng 3 năm Kỷ Hợi (1059) vua sai tướng dẫn quân "đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về" (Đại Việt sử ký toàn thư), đầu năm Canh Tý (1060) quân Đại Việt lại đánh vào đất Tống, bắt được tướng Tống là Dương Bảo Tài. Qua những lần tấn công này vua muốn đề cao sức mạnh và răn đe tham vọng của nhà Tống.


Những công tích mà Lý Thánh Tông đã làm được trong thời gian trị vì của mình có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của quốc gia Đại Việt và sự hưng thịnh của triều Lý. Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư nhà sử học Ngô Sĩ Liên ca ngợi vua là người "xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân,... lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo rằng quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo rằng dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình nước Chiêm; phía bắc đánh nước Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền".



LÝ NHÂN TÔNG



Lý Nhân Tông là một vị vua tài giỏi nổi tiếng trong lịch sử nước ta, ông có rất nhiều đóng góp cho sự hưng thịnh của quốc gia Đại Việt, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa, xã hội của dân tộc. Sử sách ca ngợi Lý Nhân Tông là người "nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi Tiến sĩ, có quan hầu Kinh Diên, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khóa, ít lao dịch cho nên tự hưởng cõi thái bình, rất mực nên giàu thịnh, đáng gọi là bậc vua giỏi ở lúc thừa bình vậy" (Việt giám thông khảo tổng luận). Dưới dây là một số cái nhất và những điều thú vị trong cuộc đời và sự nghiệp của ông:



* Lý Nhân Tông có hình dáng, dung mạo rất khác người, sử chép "vua trán cao, mắt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ" (Đại Việt sử ký toàn thư), "vua có xương trán nổi lên như mặt trời ấy là dáng mặt của bậc thiên tử" (Đại Việt sử lược)


* Lý Nhân Tông mang có giai thoại sinh hạ khá kỳ lạ. Tương truyền cha vua là Lý Thánh Tông một đêm "mộng thấy tiên ông bế một đứa bé trai trao cho, khi thức dậy vua bảo rằng: Hẳn là có điều tốt lành đây, ta sẽ có hoàng tử nối ngôi. Cùng hôm ấy thần phi họ Lê thấy trong lòng xốn xang, thụ thai đúng 14 tháng rồi sinh" (Đại Việt sử lược)


* Lý Nhân Tông là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử, ông lên ngôi tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), mất tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), làm vua trong 55 năm.


* Lý Nhân Tông là vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất trong thời gian trị vì ông đã đặt 8 niên hiệu, đó là: 1. Thái Ninh (1072-1076), 2. Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084), 3. Quảng Hựu (1085-1092),

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: