Chương 1:


Những năm 1960, người ta tương truyền rằng, ở đâu đó luôn có một con đường bí mật, giúp bộ đội ta vận chuyển vũ khí từ bắc vào nam, một con đường mà chẳng ai biết nó có tồn tại hay không.   

Cà Mau, năm Trường 7 tuổi...

Thằng Trường đang chơi nhảy lò cò với đám bạn trong xóm. Tụi lính vừa tới làng hồi tháng trước, đốt cháy căn nhà lá xập xệ của bà Hai, cướp hết mấy con gà trong bội. Cũng may, tụi nó không phát hiện anh Nam trốn dưới hầm, nhờ đó mà bộ đội không bị lộ bí mật. Chỉ có cái, bà Hai mất trắng chỗ ăn chỗ ngủ. Người trong làng thấy thương quá, phụ nhau đốn lá lợp nhà cho bà. Tụi con nít cũng góp sức không ít. 

- Trường, mày giỏi ghê! Sao mày biết chằm lá lợp nhà luôn hay dậy? - Thằng Tí, nó vừa nhảy vừa hỏi. 

Trường được khen, nó đứng khoanh tay, mặt cứ hếch lên trời: "Xời, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Nội tao kể, hồi đó nhà tao cũng bị tụi nó đốt hoài. Đốt cái này nội tao xây cái khác. Sợ gì tụi nó! Bởi vậy từ lúc 5 tuổi, là tao được học chằm lá rồi."

Tụi con nít nhìn Trường, đứa nào đứa nấy ngưỡng mộ ra mặt. Nghe nói ba má thằng Trường hồi xưa đi lính, tụi giặc tụi nó tới tìm người đốt nhà. Cũng may, lúc đó ba má nó được điều qua tỉnh bên đánh du kích, không có ở nhà. Tụi nó tìm không thấy người, cũng không có cớ bắt thằng Trường với nội của nó, nên đốt nhà cho bỏ ghét. Kể cũng ngộ, cái làng này, hình như nhà nào bị đốt nhiều, nhà đó lại được người dân ngưỡng mộ. Bởi chỉ người có yêu nước, chỉ có người kiên cường bất khuất, nhất quyết không theo giặc, mới "được" tụi nó đốt nhà thôi. 

Đang cao hứng, thì thằng Bo từ đâu chạy tới, hối hả, mặt tái mét, vừa chạy vừa la ới ới: "Trường, Trườngggg! Mày dìa nhà mau, nội mày kêu dìa kìaaa !!!"

Thằng Trường ngơ ngác, bình thường giờ này nội đang nấu cơm. Bữa nay chắc là nấu cơm sớm, nên kêu nó về ăn cơm. Mà ăn cơm thôi, chứ có gì đâu mà thằng Bo nó hốt hoảng dữ thế kia.

- Kêu tao dìa ăn cơm hả? Thì từ từ tao dìa, mắc giống gì mà cái mặt mày tái mét dậy Bo? - Thằng Trường cau mày, cũng hơi bực.

- Hổng phải kêu dìa ăn cơm. Nhà mày có chuyện rồi. Dìa lẹ đi, nội mày xỉu rồi kìa. Người trên tỉnh người ta vừa đưa tin, ba má mày bị địch bắn chết rồi!

Mặt thằng Trường tối sầm lại! Rõ ràng ba má nó nói hết tháng Giêng sẽ về nhà với nó. Bây giờ sắp hết tháng rồi. Đáng lẽ nó sắp được gặp ba má nó, chứ không phải chỉ nhận được cái tin như sét đánh như thế này. 

Nó chạy cái ào về nhà. Lúc này có vài người hàng xóm tới chia buồn với nội nó rồi. Nội nó cũng vừa tỉnh, còn chú út nó thì ngồi trầm tư, trên tay nắm chặt một miếng vải, bên trong có gói một phần tư chiếc vòng ngọc. Nó vừa nhìn là nhận ra ngay, miếng vải đó, là từ cái áo của ba nó. Vì trên đó có một vết khâu vải, hồi xưa má nó lấy cái áo cũ của nó, cắt ra một miếng vải, chắp vào cho ba. Còn một phần tư chiếc vòng ngọc kia, là từ cái vòng của má nó. Nói là vòng ngọc, nhưng thật ra cũng là ngọc rẻ, không đáng bao nhiêu tiền so với dân giàu có. Nhưng má nó rất thích, vì đó là món đồ đầu tiên ba nó tặng cho bà. Đi đâu má nó cũng gói đem theo. Không dám đeo, thứ nhất sợ vướng víu, thứ hai thì sợ nó trầy. Những kỉ vật của ba má nó ở đây. Nhưng ba má nó đâu? Ít nhất cũng phải thấy xác, còn đằng này, ngay cả cái bóng nó cũng không thấy. 

- Út, ba má con đâu? Ba má con về với con rồi đúng không út? Ba má hứa với con rồi, chưa bao giờ họ thất hứa hết. Lần này cũng vậy, đúng không út? - Thằng Trường vừa nói vừa ứa nước mắt. Ánh mắt nó như van xin, đôi môi mấp máy hỏi. Nó ước đây chỉ là giấc mơ, nó ước là chú nó ừ một tiếng, khẳng định mọi thứ là giả.

Cũng đúng! Một năm nay, gia đình nó cứ lần lượt bị địch bắn chết. Nội nó có 3 người con trai. Người bác hai vừa bị địch thả bom mất hồi tháng 6. Ông nội nó cũng mất do bị địch bắt. Cứ tưởng được ăn cái Tết vui vẻ, bước qua năm mới thì sẽ không còn chuyện xui rủi nữa. Ai ngờ đâu chưa hết tháng Giêng, ba má nó cũng bỏ nó đi. Đáng lẽ còn 2 tuần nữa, nó sẽ được gặp ba má nó rồi. Chỉ là không ngờ,...

--------------------------------------------------------------------------------------

Người ở trên tỉnh kể, mấy tuần trước, đại đội của ba má nó, vừa chiếm được một kho vũ khí nhỏ của địch. Dạo gần đây, quân ta thiếu thốn vũ khí dữ quá. Những tưởng mọi chuyện êm xui, được về nhà sớm. Không ngờ tụi nó điều tra nhanh quá, ập tới nơi ẩn náu của đại đội chỉ trong tích tắc. Cũng may bên mình tuy có tình báo, nên cả đội nhanh chóng tìm đường trốn. Có cái là còn phải khuân theo đống vũ khí vừa chiếm được, nên chẳng thể di chuyển nhanh được. Chuyển được gần hết đống vũ khí rồi, thì đã nghe từ xa có tiếng súng. 

Ông Ba, ba thằng Trường bị sốt rét mấy bữa nay. Không thể chạy được, nên cùng với má nó, trốn ở dưới hầm. Tụi địch tới, làm rầm rộ ở trên đầu, không kiếm được cái gì, vì bên mình đã di chuyển hết rồi. Nhưng mà ông trời trớ trêu làm sao, ngay lúc tụi địch chuẩn bị rút quân, thì bệnh của ba nó trở nặng. Ông sốt cao, cả người co giật, kèm theo tiếng rên i ỉ. Tụi nó phát hiện còn người, lục tìm được cái hầm. 

- Thì ra tụi mày ở đây! Khốn nạn, dám cướp kho của tụi tao hả? Khai mau, tụi mày giấu vũ khí ở đâu hết rồi? Khai ra thì tao cho tụi mày chết yên một chút! - Một thằng có vẻ là sếp của cả đám lên tiếng. 

Má nó nhận ra thằng này. Nó là thằng việt gian vừa được điều tới vùng này tháng trước. Cái bụng nó to oạch, đứng chống nạnh, kễnh cãng thấy phát ghét. Sau lưng nó còn cỡ 5-6 tên lính, đang chĩa súng về phía hai người. Ở trên mặt đất, có vẻ còn rất đông tên lính vẫn đang lục soát. Má nó biết không thể nào trốn thoát. Nhưng vẫn nhất quyết không khai ra. Cho tới khi tụi nó rút quân, bên mình cử vài người trở lại xem, thì ba má nó đã chết rồi. 

Má nó bị địch bắn nát hết cả bả vai, cả người chi chít vết đạn. Ba nó cũng không khá hơn, ổ bụng bị bắn nát tươm, lòi cả ruột ra, lại bị hai phát vào đầu, có lẽ do chúng không muốn nghe tiếng rên rỉ của người bệnh. Không ai kìm được nước mắt. Con người mà tụi nó xem như cái bia, xả súng cho đỡ cơn giận. Vết đạn mới có, vết đạn cũ cũng có. Nhìn là biết, tụi nó hỏi không được sẽ bắn một phát. Dày vò cả hai người, chết từ từ trong đau đớn. Nhưng họ vẫn kiên cường, nhất quyết không khai ra chỗ của quân ta, nhờ vậy cả đại đội chẳng mất mác thêm một người nào hết.

Sau đợt đó, tụi nó canh gác gắt gao hơn. Trên tỉnh cũng không có cách nào đem xác về quê nhà, chỉ đành phải chôn hai người ở trên đó. Lục lọi lắm mới tìm được những chỉ vật còn sót lại của ba má nó, gửi về nhà. Cho nên đến cuối cùng, nó cũng không được chôn cất ba má nó đàng hoàng, chưa kịp trả hiếu cho ba má, thì đã trở thành đứa mồ côi rồi.

--------------------------------------------------------------------------------------

Tối đó, nó thấy nội nó ngồi trước hàng hiên nhìn trời sao. Lòng nó đau như cắt. Trong vòng một năm, gia đình nó phải đối diện với quá nhiều nỗi mất mát. Lòng nó cũng đau lắm chứ. Trong một đêm mất cả ba lẫn mẹ. Nay lại nhìn thấy cảnh nội nó bơ vơ ngồi ở đó, nó không kìm được nước mắt. Nó tiến tới, ngồi xuống bên cạnh nội nó. Bà nội mắt vẫn nhìn lên trời sao, bất giác bà nói:

- Bây có biết hồi đó tại sao ba má bây tới được với nhau không? 

Không để cho nó trả lời, bà nó kể tiếp:

- Hồi đó, má bây là giao liên, còn ba bây, đi bộ đội. Có một ngày, ba bây chạy về nhà kể với tao, nói là nó thích một cô giao liên trong đội, tên là Vân. Nhưng mà hình như người ta không ưng ba bây. Nó tự ti vì cánh tay nó có cái sẹo lớn quá, không dám ngỏ lời với người ta. 

Nó nghe nói, ngày xưa trước khi gặp má nó, ba nó đã đi lính được mấy năm trời rồi. Trong một lần chiến đấu, ba nó bị địch bắn vào tay, nên trên tay có một vết sẹo rất lớn. Nó lồi lên như con rắn, ai nhìn cũng phát sợ. Nhưng mà trừ cái vết sẹo đó làm người gặp sợ hãi, thì sau khi tiếp xúc với ông Ba rồi, ai cũng quý mến ổng. Ổng tốt với anh em trong đoàn lắm, người thì thật thà, lại rất chịu khó. 

- Nhưng mà ba bây đâu có chịu thua. Tao nhớ có lần, nó được thưởng, nó mua cho con Vân cái vòng ngọc, nghe đâu gần cả đồng Sài Gòn lận. Nó đem tặng cho người ta, mà người ta không dám lấy. Vậy nên nó nhờ ông đại uý nói giúp nó. - Nội nó vừa nói, ánh mắt man mác buồn, vẫn ngước nhìn lên trời, tay mân mê miếng vải áo và cái mảnh vòng vỡ của má nó. 

- Ông đại uý kia cũng thương thằng Ba lắm. Ổng nói với con Vân, là:" thằng Ba là người thiệt bụng, đàng hoàng. Lúc trước, nó vì cứu một anh em trong đoàn, nên bị địch bắn sượt vào tay, để lại cái sẹo bự chảng. Nhìn nó vậy thôi, nhưng mà coi bộ nó thích Vân thiệt đó." Thằng Ba chạy về kể với tao vậy đó. Rồi con Vân cũng đồng ý, hai đứa nó yêu nhau được một năm thì cưới nhau. 

- Hồi đó nhà mình nghèo, đâu có làm được đám cưới hỏi gì đâu. Tụi nó cứ vậy mà về ở với nhau thôi. Tới lúc bây được 2-3 tuổi gì đó, thì tụi nó để bây ở nhà cho tao, rồi cũng lên đường đi đánh giặc. Dăm bữa nửa tháng dìa được một lần, có khi mấy năm trời không thấy tăm hơi đâu. Nhưng được cái chưa bao giờ quên nhờ người gởi thơ dìa cho tao, báo cho tao ngày nào được dìa nhà. Chỉ có điều, lần này tụi nó hổng dìa được nữa rồi... 

Thằng Trường nhìn nội nó không rơi một giọt nước mắt nào, nhưng mà sao lòng nó lại đau tới như vậy. Chắc là khi người ta đối diện với một nỗi đau quá lớn, thì người ta không còn có thể rơi nước mắt được nữa. Rồi tự dưng nó oà khóc lớn, nó khóc như chưa từng được khóc trong đời, nhào tới ôm nội nó nức nở. Nội nó cũng ôm nó vào lòng, xoa xoa đầu cho nó. 

--------------------------------------------------------------------------------------

Cà Mau, năm Trường 10 tuổi...

Thằng Trường lúc này đã bắt đầu rục rịch tham gia cách mạng rồi. Nó giỏi giang từ nhỏ, lại thông minh lanh lợi, nên giúp được bộ đội cái gì thì nó giúp. Mối thù giết ba má nó, nó vẫn chưa hề quên, nhưng trên hết, là mối thù mất nước. Nhìn cái cảnh dân làng bị tụi nó đàn áp, đốt nhà, là thằng Trường không thể yên lòng được. Có lúc nó giúp bộ đội lẩn trốn, có lúc thì nó làm tình báo cho bên mình. Tuy chỉ là những vụ nho nhỏ, nhưng cũng đã giúp đỡ cán bộ ta không ít. Nó hoạt động bí mật lắm, người trong làng không ai biết, mấy đứa con nít hay cả gia đình nó cũng chẳng ai biết hết. Người ngoài nhìn vào, cứ nghĩ nó là đứa nhóc lông bông suốt nhạy chạy đầu này đầu kia. Đâu ai ngờ rằng, nó chạy nhong nhong ngoài đường là để vận chuyển tin báo, để nắm bắt thông tin báo cho bộ đội đâu.

Lúc này cũng vào mùa mưa rồi. Bầu trời chuyển mưa xám xịt, gió thổi hù hụ làm mấy cái cây đung đưa xào xạc, mát rượi. Bữa nay thằng Trường không có việc làm, nó ở nhà, đứng dựa vào cái cột nhà, ngắm trời ngắm đất. Chú út nó tiến lại gần, đột nhiên, chú nó hỏi:

- Ê Trường, mày đi với tao không? 

Thằng Trường ngơ ngáo, không hiểu chuyện gì, nó hỏi lại chú nó:

- Đi đâu út? Mà đi làm gì? 

Mặt chú nó hơi sững lại, nhưng vẫn tỏ ra bình thường, tỉnh bơ nói:

- Thôi mày ở nhà với nội, tao đi mần ăn xa kiếm tiền. Nhớ lo cho nội đàng hoàng đó nghen. Tao đi dăm bữa tao dìa. 

Thằng Trường cười: "Đi mần ăn gì có mấy bữa vậy út?"

Chú út nó gõ đầu nó cái cốp: "Đi thì lâu lâu cũng dìa thăm nhà chứ mậy. Hổng lẽ đi hoài. Tao đi vài tháng tao dìa một lần, có gì hay hay tao mua dìa cho"

Vậy là chừng 2 bữa sau, chú nó đi thật. Mà đi trong âm thầm, chẳng ai biết đi lúc nào, đi đâu. Thằng Trường cũng ngờ ngợ, nó cũng không biết lí do chú nó phải âm thầm lặng lẽ đi như vậy là gì, mà ngay cả lời tạm biệt với nội nó cũng không có. Chuyện này phải đến mười mấy năm sau, nó mới biết được lí do. 

--------------------------------------------------------------------------------------

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top