1. Posttraumatic Stress Disorder - PTSD.

1. Định nghĩa:

Rối loạn stress sau sang chấn hay Hậu chấn tâm lý (tiếng Anh: Posttraumatic Stress Disorder- PTSD) là một rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc từ lâu. Bệnh hay gặp ở những người từng trải qua các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần hoặc thể chất như thiên tai, chiến tranh, bạo hành(bạo hành gia đình, bạo hành tinh thần,....), tai nạn. Bệnh còn có tên khác là rối loạn stress sau chấn thương hoặc rối loạn tâm căn sau sang chấn, theo phân loại nó thuộc nhóm bệnh liên quan đến stress (Căng thẳng). Theo WHO, có sáu loại nạn nhân chịu tác động của thảm họa:

Nạn nhân loại I:    Người trực tiếp bị nạn.

Nạn nhân loại II:  Người thân của nạn nhân.
Nạn nhân loại III: Người đến cứu hộ, cứu nạn.
Nạn nhân loại IV: Các thành viên trong cộng đồng.
Nạn nhân loại V:  Người bị rối loạn khi nghĩ đến thảm hoạ.
Nạn nhân loại VI: Người tình cờ liên quan đến thảm hoạ.

Việt Nam từng trải qua chiến tranh thảm khốc và các giai đoạn đầy biến động về kinh tế, văn hóa, chính trị do vậy tiềm ẩn một số lượng lớn người mắc căn bệnh này, chưa có thống kê trên diện rộng nhưng một cuộc điều tra ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỉ lệ mắc bệnh trong nhóm dân chúng bình thường là 0,56% và ở nhóm nguy cơ cao là 6%.

2. Trường hợp cụ thể:

Những người trong hoàn cảnh sau có nguy cơ cao mắc rối loạn stress sau sang chấn:

Tấn công, khủng bố: Như các nạn nhân sống sót sau sự kiện 11 tháng 9 ở Mỹ, vụ khủng bố nhà hát Dubrovka Moskva ở Nga.

Tội ác chiến tranh hay ký ức về chiến tranh, chém giết: Nạn nhân sống sót sau tội ác chiến tranh như diệt chủng người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ 2, Sự kiện Thiên An Môn... Không chỉ với nạn nhân, người gây ra tội ác cũng mắc PTSD. Các ký ức về chiến tranh, chém giết, sợ hãi cũng gây ra chấn thương tâm lý, như ước lượng có đến gần 13% những quân nhân Mỹ đã chiến đấu tại Iraq và chừng 6% tại Afghanistan có thể đã bị hội chứng này.

Tai nạn nghiêm trọng: Sập cầu Cần Thơ, Đắm đò trên sông Gianh năm 2009.

Thảm họa thiên nhiên: Sóng thần ở châu Á năm 2004, Động đất Tứ Xuyên năm 2008, Động đất và sóng thần Tōhoku 2011.

Bạo hành tình dục: Nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp, hiếp dâm... chủ yếu là phụ nữ.

Bạo hành tinh thần: Như trường hợp của Huỳnh Thị Ngọc Trâm, 10 tuổi trong nghi án 47.800 đồng bị tra khảo tại trụ sở công an xã.

Bạo hành gia đình: Có thể được thể hiện dưới dạng bạo lực về mặt thể chất hoặc tinh thần. Dù thế nào người ta cũng ghi nhận khả năng mắc PTSD của các nạn nhân.

Theo Bessel van der Kolk những sang chấn tâm lý nghiêm trọng nhất là khi có sự phá vỡ mối quan hệ thân thiết, gây mất lòng tin nặng nề, như những trường hợp loạn luân, chứng kiến cái chết thảm khốc của người mà mình thương yêu; hoặc khi có sự phá vỡ sự toàn vẹn của bản ngã như trong trường hợp nạn nhân bị hiếp dâm, tra khảo.

Người ta nhận thấy sự tác động khác nhau của sự kiện gây sang chấn đến những người khác nhau, với người này thì để lại hậu quả nghiêm trọng người khác thì không. Trong cùng một biến cố thì người trực tiếp là nạn nhân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người chỉ gián tiếp liên quan, chẳng hạn như chỉ nhìn thấy sự kiện. 

Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins của Mỹ thì những người sống sót sau cơn động đất bị mất mát nhiều nhất về vật chất và tài chính, ít học và một mình trải qua thảm họa có nguy cơ bị rối loạn stress sau sang chấn cao hơn. Cụ thể người bị tổn thất nhiều nhất có các triệu chứng của PTSD cao gấp 4 lần. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố tâm lý riêng của từng người, những người có khả năng chịu đựng stress tốt hơn thì ít nguy cơ hơn, tuy nhiên tất cả mọi người đều có mức độ chịu đựng nhất định, hiếm có người nào sống sót trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc xã mà lại không bị tổn thương về tâm lý.

Việc mất người thân, việc làm, ly hôn... tuy rằng thường chỉ dẫn đến rối loạn stress cấp tính (tức là những biểu hiện lo âu quá độ chỉ diễn ra một thời gian ngắn sau sự kiện đau buồn) nhưng cũng có trường hợp kéo dài và dẫn đến PTSD nên cũng phải lưu ý.


3. Lịch sử:

Mặc dù mới được công nhận chính thức vào năm 1980 nhưng hội chứng này đã được biết đến từ trước vào thế chiến thứ nhất với cái tên shell shock (nghĩa đen là: cú sốc do đạn trái phá)[1][9]. Người ta nhận thấy những binh sĩ mặc dù đã giải ngũ và có cuộc sống như mọi người nhưng sau một thời gian có những biểu hiện tâm lý bất thường. Tới thế chiến thứ hai, nó được biết đến nhiều hơn và mang tên battle fatigue. PTSD chỉ thực sự được chú ý và nghiên cứu kỹ sau khi có một số lượng không nhỏ cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam có dấu hiệu khủng hoảng trầm trọng - mà lúc đó được đặt tên là Hội chứng sau Việt Nam[cần dẫn nguồn].

4. Các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn:

Các triệu chứng có thể chia làm 3 nhóm cơ bản sau:

I. Trải nghiệm lại các sự kiện gây sang chấn: 

Người bệnh có những hồi tưởng khó cưỡng lại được về các biến cố gây sang chấn, đôi khi sự kiện có cảm giác như hiện diện ngay trong thực tại, trong khi ngủ họ hay gặp ác mộng. Ở những người nặng thậm chí là nghe tiếng nói trong đầu, nghe tiếng ai đó gọi tên mình mà không có ai bên cạnh (ảo thính). Nhiều người thấy cái bóng đi qua hay cảm tưởng có ai đứng sau lưng mình (ảo thị).

II. Lẩn tránh các kích thích liên quan đến biến cố sang chấn: 

Cố gắng không suy nghĩ hay đề cập những vấn đề liên quan đến biến cố, tránh xa bất cứ điều gì gợi nhắc lại đến sự kiện sang chấn. Ví dụ một phụ nữ từng bị cưỡng hiếp vào buổi đêm có thể sẽ từ chối không ra đường khi trời tối kể cả khi thực sự an toàn. Hay như trong một trường hợp cụ thể, người trung niên sống sót sau vụ khủng bố 11 tháng 9 khi xin việc làm khác, không muốn làm việc ở nơi cao tầng.

III. Nhạy cảm quá mức: 

Họ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích, dễ giật mình, khó đi vào giấc ngủdễ mất ngủ. Giận dữ với người khác bởi những việc không đáng. Người mắc PTSD có thể biểu hiện các dấu hiệu của các vấn đề về cảm xúc khác như có cảm giác tuyệt vọng, trầm cảm, mặc cảm tội lỗi (điều hay xảy ra trong một biến cố có tính tập thể - một số người bị chết và những người còn sống cảm thấy mặc cảm). Ngoài ra người ta nhận thấy nhiều người bệnh có hành vi lạm dụng chất, như nghiện rượu, sử dụng ma túy để trốn tránh đau buồn. Họ cũng thường có các vấn đề về thể chất như đau đầu, đau bụng, nhức mỏi cơ, chóng mặtđau ngực, do vậy hay tìm đến bệnh viện để khám chữa nhưng không tìm thấy nguyên nhân thực thể nào, và nếu không biết về PTSD, bác sĩ thường cho rằng bệnh nhân đang giả vờ.

Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh không cố định mà thường thay đổi theo thời gian. 30% có thể hồi phục hoàn toàn, 40% vẫn còn những triệu chứng ở mức độ nhẹ20% còn triệu chứng ở mức độ trung bình, đáng tiếc vẫn có tới 10% bệnh nhân tình trạng không thay đổi hay xấu đi, về lứa tuổi người trung niên có khả năng chữa trị cao hơn so với người già và tầng lớp thanh thiếu niên.

5. Thống kê:

I. Cựu binh:

Theo nghiên cứu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thực hiện năm 1988 tỉ lệ mắc bệnh trọn đời của những cựu binh này là 14,7%. Nhưng theo cuộc khảo cứu tiếp sau của tổ chức National Vietnam Veterans Readjustment Study (NVVRS) cũng thuộc chính phủ Mỹ, thì lại nâng tỉ lệ mắc bệnh trọn đời tới 30,9% và tỉ lệ người bệnh ở thời điểm hiện tại là 15,2%. Tập san Science của Mỹ năm 2006, hạ tỉ lệ người mắc bệnh trọn đời xuống còn 18,7% và 9,2% cho hiện tại. Lý giải sự khác nhau của con số này người ta cho rằng nó bắt nguồn từ sự khác nhau về định nghĩa thế nào là rối loạn stress sau sang chấn.

Báo cáo của NVVRS còn cho thấy hàng loạt những vấn đề gặp phải ở cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam:

40% cựu binh đã ly hôn ít nhất một lần, 10% ly hôn hai lần hoặc hơn.
14,1% có các vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân và 23,1% có vấn đề nghiêm trọng với cha mẹ.

Gần một nửa cựu binh mắc PTSD từng bị bắt giữ hoặc vào tù một lần, 34,2% hơn 1 lần và 11,5% có hành vi phạm tội nghiêm trọng.

11,2% cựu binh nghiện hoặc lạm dụng rượu, 39,2% từng có hành vi này tại một thời điểm nào đó trong đời.

Chừng 1/3 những người vô gia cư Mỹ là các cựu quân nhân, phần lớn những người này từng phục vụ trên chiến trường Việt Nam. Từ hơn 20 năm nay, Mỹ đã phải lập Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ để lo lắng và trợ giúp những người cựu chiến binh này.

II. Toàn dân:

Tỷ lệ mắc bệnh trọn đời của người trưởng thành Mỹ là 7,8%, với 10,4% phụ nữ và 5% nam giới mắc PTSD vào một thời điểm nào đó trong đời. 60,7% nam giới và 51,2% nữ giới xác nhận có ít nhất một sự kiện sang chấn xảy đến với mình. Phần lớn nói rằng họ trải qua ít nhất 2 kiểu sang chấn, 10% nam giới và 6% nữ giới trải qua trên 4 kiểu sang chấn khác nhau.

6. Tiêu chuẩn chẩn đoán:

Theo DSM-IV (sổ tay hướng dẫn chẩn đoán bệnh tâm thần), tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn là:

A. Từng bị ảnh hưởng bởi một sự kiện sang chấn (có thể trực tiếp là nạn nhân hoặc chỉ chứng kiến)

B. Sự kiện gây sang chấn tái diễn dai dẳng theo một hay nhiều cách (ví dụ như ác mộng, hồi tưởng)

C. Né tránh trước các kích thích gợi lại sang chấn và sự tê liệt đáp ứngD. Các triệu chứng dai dẳng có tính chất bi kịch (không xảy ra trước sang chấn) như khó đi vào giấc ngủ, dễ giận dữ

E. Thời gian kéo dài của rối loạn này (các triệu chứng ở tiêu chuẩn B, C và D) trên 1 tháng

F. Làm suy yếu chức năng xã hội, ảnh hưởng xấu đến công việc và các mối quan hệ khác

7. Tái diễn lại sang chấn:   

Người bệnh thông thường muốn lẩn tránh các kích thích liên quan đến biến cố sang chấn tuy nhiên khi sự việc này thất bại họ lại có xu hướng ngược lại, tức là tìm đến những hoàn cảnh tương tự sang chấn. Ví dụ nạn nhân của loạn luân trở thành gái mại dâm, trẻ bị bạo hành về thể xác thực hiện hành vi tự gây thương tích như dùng dao tự cắt vào da thịt của mình, binh lính đã giải ngũ quay trở lại làm lính đánh thuê... Sigmund Freud xem biểu hiện này là có mục đích của người bệnh nhằm cố gắng lấy lại quyền làm chủ bản thân. Ở thời điểm hiện tại có nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là họ nghiện một số chất tiết ra trong quá trình sang chấn và bây giờ muốn tiếp xúc trở lại.

Theo Wikipedia.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lý#tam