Chương 6
Khu nhà McAnsh bao gồm căn nhà chính và căn nhà gỗ nhỏ liền kề. Tường nhà được sơn màu xanh nhạt, và trang trí bằng các kiểu quốc kỳ, cờ hiệu trông rất vui mắt, khiến cho không khí trong phòng lúc nào cũng như có lễ hội. Những lá cờ hiện diện ở khắp nơi, trên rèm cửa, khăn bàn, khăn ăn…
Mấy cái giường ngủ trong căn nhà gỗ được trải ga giường cũng mang hình cờ hiệu sặc sỡ, và chỉ khi chui xuống dưới những tấm ga giường đó, mấy đứa chúng tôi mới hiểu ý của ông Bandy khi gọi chúng tôi là những tín hiệu xấu – mặc dù sự so sánh đó thật khó hiểu và khập khiễng.
Nhiều ngày sau đó, chúng tôi đã tìm thấy trong phòng khách một tấm hải đồ ghi rõ ý nghĩa của các tín hiệu quốc tế và nhận ra rằng: thì ra lâu nay mấyđứa vẫn nằm ngủ trên những hình vuông mang ký hiệuCó người ngã xuống biển, Tôi cần một hoa tiêu, Tôi đang đem theo thư tín… Vậy thôi cũng đủ tưởng tượng ra không ít những cơn ác mộng khủng khiếp.
Cũng nhờ tấm hải đồ đó mà chúng tôi nhận ra rằng chiếc váy của bà McAnsh có hình cờ hiệu Các động cơ của tôi đang phóng giật lùi. Ông Bandy buộc ở đầu cái kèn trombone bằng chiếc khăn mang hình cờ hiệu trông rất lạ mà không đứa nào trong chúng tôi xác định được nó có ý nghĩa gì. Nhưng cứ suy theo cái tiếng kèn đầy cảnh báo của ông thì có lẽ chúng có nghĩa là Hãy tránh xa, tôi đang gặp khó khăn trong việc điều khiển tàu.
Tấm khăn trải bàn mà chúng tôi vẫn ngồi ăn tối mang hình phù hiệu hải quân cũ. Sau bữa ăn, chúng tôi được giao nhiệm vụ rửa bát đĩa, bằng miếng giẻ cũng mang hình cờ hiệu. Công việc đó thật quá đơn giản và nhẹ nhàng so với những việc mà chúng tôi vẫn phải làm khi ở St. Roderick. Chúng tôi cũng không phải nơm nớp lo sợ sẽ bị trừng phạt nếu lỡ tay làm đổ hay làm vỡ món đồ nào, không chỉ riêng đồ sành sứ. Ở viện St. Roderick tôi đã từng phải lau toàn bộ sàn hành lang chính, bên dưới gầm cầu thang rộng thênh thang, nơi chỉ các nữ tu và khách mời được lui tới. Chỉ có điều tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đó quá tốt, hơn hẳn mức cần thiết, khiến cho Mẹ Bề trên có lần bị trượt ngã và gẫy xương hông. Sau đó tôi bị điều sang tổ gọt khoai tây. Kể từ đó tôi đã hiểu được sự tinh tế của cái gọi là quyền miễn trừ ngoại giao. Sẽ không ai nói gì, cũng không sợ bị trừng phạt hay phải làm việc gì nặng nhọc. Tuy nhiên, gọt khoai tây chính là một trong những nhiệm vụ tồi tệ nhất mà không đứa trẻ nào mong muốn. Bởi lúc nào cũng có một sơ kè kè bên cạnh, luôn miệng phàn nàn về việc bạn đang lãng phí khoai tây, chỉ vì cái vỏ khoai tây bạn vừa gọt không đủ mỏng để ánh nắng Mặt Trời có thể rọi qua.
Phía bên ngoài căn nhà của gia đình McAnsh, bóng đêm đang dần bao trùm lấy toàn bộ thung lũng và vươn rộng ra ngoài biển khơi. Chúng tôi đã quá quen thuộc với cảnh bóng đêm đi kèm theo tiếng chó sủa, tiếng còi tàu cùng tiếng lanh canh của các toa tàu, nhưng việc bóng đêm hòa lẫn cùng tiếng thì thầm, thổn thức của sóng biển như thế này là lần đầu tiên. Năm đứa hồi hộp dỏng tai ngóng tiếng động cơ xe máy của chú Foley Can Đảm.
Trong khi chờ đợi, bà McAnsh kể cho chúng tôi nghe lần gặp mặt đầu tiên với ông Bandy; về đám cưới của hai người và lời chúc phúc của mọi người. Bọn tôi ngồi nghe câu chuyện tình lãng mạn nhà McAnsh một cách chăm chú.
“Ngay từ ban đầu ta đã chú ý tới ông ấy” – bà cười tươi với tụi tôi, sau đó quay qua mỉm cười âu yếm với ông Bandy – “Cái cách ông ấy đi vào và gọi đồ uống. Cái cách ông ấy nhấc mũ lên gật đầu chào mọi người, và đó luôn là một dấu hiệu tốt lành cho quán bar đông khách của ta. Hai chân gần như không đứng vững khi nhìn thấy nụ cười lịch lãm của Bandy. Trước đó, ta chưa từng trải qua cảm giác hồi hộp như vậy trong cuộc đời mình. Sau đó, ngày nào ông ấy cũng băng qua cả một quả đồi, lặn lội tới quán bar của ta chỉ để làm một vại bia hay một cốc rượu. Cứ nhìn theo bóng ông ấy lủi thủi đi về một mình là tim ta như thắt lại. Tất nhiên là khi đó ta đã biết khá nhiều về Bandy, một người đàn ông tốt, có công việc làm vườn ổn định tại tư gia Hodge. Ông ấy từng sát cánh bên người chồng quá cố của phu nhân Hodge trong đội kỵ binh hồi chiến tranh. Đúng không, mình?”
“Chính xác” – ông Bandy gật gù.
Ta đã không ngừng tự hỏi xem mối quan hệ giữa hai chúng ta sẽ đi đến đâu. Cho tới một ngày ông Bandy bỏ cả buổi chiều để ngồi ở quán bar của ta, và trước khi Mặt trời xuống núi, ta đã trở thành bà McAnsh tương lai. Em nói đúng không, mình?”
“Không sai” – ông Bandy nói.
“Khi đó ta đã nói – và giờ ta vẫn nói như vậy – một người đàn ông luôn thể hiện rõ bản chất của mình qua cái cách họ uống rượu. Có rất nhiều người không xác định được mình muốn gì. Những người chỉ hớp từng ngụm nhỏ là những người khá kỹ tính, còn những người tu liền một hơi lại là những người thô kệch, lỗ mãng. Bandy của ta thì khác hẳn, luôn biết bản thân muốn gì, biết phải thưởng thức đồ uống sao cho đúng cách. Và ông ấy cũng là người yêu cầu một câu trả lời ngay lập tức, không có chuyện lần lữa với Bandy McAnsh. Sau câu trả lời đồng ý đầy hạnh phúc của ta, một đám cưới long trọng được tổ chức tại nhà thờ. Có thể nói phương châm chung của vợ chồng ta về sự cho và nhận đã mang lại cho chúng ta năm năm chung sống hạnh phúc cho tới hôm nay. Chúng ta là vậy, đúng không quý ngài McAnsh? Sống và được sống, đó chẳng phải là cách sống của chúng ta sao?”
“Chính xác lời của tôi là sống để yêu. Chúng ta là vậy.”
Cuối cùng thì cũng tới giờ chúng tôi phải đi ngủ. Không có đứa nào tìm cách chống lại điều đó. Cả lũ lần lượt thay sang bộ quần áo ngủ mà các sơ đã tự tay may lấy, sau đó dàn hàng ngang ra đứng ngoài cửa, dõi mắt nhìn về phía con đường gập ghềnh trên đỉnh đồi, lắng nghe tiếng chim hải âu, tiếng đàn piano hòa quyện cùng tiếng rì rầm của sóng biển.
Mấy đứa bị mừng hụt tới hai lần. Lần đầu là chiếc xe của người đàn ông chuyên đóng tàu vào các ngày cuối tuần mà ông O’Leary vừa nhắc tới ban chiều. Chiếc thứ hai xuống dốc với tốc độ nhanh hơn một chút, sau đó dừng lại bên ngoài căn lều của câu lạc bộ lướt sóng, nơi một vài thành viên của đội cứu hộ thường cắm trại vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Cả đám vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, cái nóng của mùa hè vẫn len lỏi lẩn khuất trong không khí ẩm ướt của biển.
Vào những đợt nắng nóng cao điểm mùa hè, chúng tôi hiếm khi ló mặt ra khỏi bốn bức tường của viện St. Roderick lúc muộn thế này, trừ phi phải tham gia đoàn diễu hành lễ hội của nhà thờ, trong những bộ lễ phục đậm mùi hương trầm. Còn bây giờ người đứa nào đứa nấy toát ra toàn mùi kem chống nắng và tảo biển. Cả vịnh như đang nín thở chờ đợi. Khắp nơi, các ánh đèn lần lượt được thắp sáng, từ tòa biệt thự của quý bà giàu có, đến căn nhà tạm bợ của ông lão tự pha chế rượu, và cái đèn lồng treo lủng lẳng trước của nhà Lão Làng. Đám chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một màn hành động bất ngờ và vô cùng kịch tính – những tiếng nổ vang rền, ánh đèn pin chói lòa phát ra từ cái mũ bảo hiểm lóe sáng như thanh kiếm bạc xé tan màn đêm tĩnh lặng của các vịnh nhỏ bé này. Tuy nhiên âm thanh đầu tiên mà chúng tôi nghe được chỉ là mấy tiếng brừm brừm nho nhỏ phát ra từ sau đỉnh đồi. Cái tiếng brừm brừm nho nhỏ kia đã biến thành tiếng động cơ nổ vang rền, như muốn đánh thức cả cái thị trấn này dậy. Một tia sáng chói lòa quét ngang toàn thung lũng. Càng ngày, tiếng động cơ càng trở nên mạnh mẽ, như một con quái vật bằng sắt phì phò mài vuốt chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Chú Foley và chiếc xe lao như bay xuống triền dốc, cả thung lũng và vịnh Captain ngập tràn tiếng động cơ, làm rung chuyển toàn bộ bầu không khí nơi đây. Bóng đêm như bị chia cắt thành từng mảnh nhỏ, rung rinh va đập vào nhau, vang vọng ra tận biển khơi – ngôi nhà của chú cá mú tinh ranh Henry và các loài cá lớn nhỏ khác.
“Chắc chắn đó là người đàn ông can đảm và vĩ đại nhất thế giới” – Misty trầm trồ thán phục.
Chiếc xe vẫn tiếp tục xuyên thủng màn đêm, lao bon bon trên sườn đồi khúc khuỷu đó. Ánh đèn pin trên trán chú ấy vụt quét qua mặt chúng tôi. Thật bất ngờ, nó như một cái tát nhẹ lên má, một cái xiên vào mắt, và cả đám lũ lượt chạy lên chỗ cao nhất của cồn cát gần nhà, trên người có độc bộ quần áo ngủ. Chúng tôi cũng kịp nhìn thấy hình ảnh chú Foley Can Đảm ngoặt tay lái rẽ thẳng vào căn tiệm nơi cô Teresa đang nhảy tưng tưng reo hò trong chiếc áo khoác dài.
Tiếng động cơ đột nhiên tắt ngúm, ánh đèn pin cũng lịm dần, kéo theo tiếng chó sủa phát ra từ căn biệt thự nhà Hodge, rồi chúng tôi nghe thấy tiếng ai đó cười vang, một tiếng cười đậm chất đàn ông, sau đó là tiếng phụ nữ ríu rít: “Anh yêu, anh yêu!”
Kế đó, hai vợ chồng họ vui vẻ cùng nhau vào nhà, trên vai chú Foley khoác một chiếc balô to sụ.
Sóng biển rì rầm như đang vỗ tay tán thưởng. Còn năm thằng chúng tôi vẫn còn chưa hết choáng ngợp trước màn biểu diễn ngoạn mục vừa diễn ra trên sườn đồi.
Dưới chân chúng tôi, triền cát bỗng trở nên ẩm ướt lạ thường, mát lạnh như những cánh hoa rơi, như thể chúng đã mất đi toàn bộ hơi ấm của mình khi màn đêm buông xuống, giống như cái cách mà mấy bông hoa giọt băng vẫn thường khép lại khi Mặt Trời xuống núi.
Chúng tôi rón rén tiến về nơi chiếc xe mô-tô đang được dựng sừng sững. Sức nóng của động cơ vẫn còn lan tỏa trong không khí, mấy chiếc xi-lanh vẫn còn nóng tới mức khi Spark vừa sờ nhẹ lên nó, ngay lập tức phát ra tiếng xèo xèo cùng làn hơi nước.
Năm đứa thay phiên nhau ra sờ mó chiếc xe, cho tới khi thấy bóng chú Foley xuất hiện trước cửa. Chú ấy bước ra ngoài hiên, vươn vai thở phào khoan khoái rồi quay lưng đi vào trong nhà. Còn mấy thằng chúng tôi, đang thập thò nấp sau bờ giậu, nhanh chóng rút về chỗ cồn cát, sau đó chạy thẳng một mạch về nhà chui vào dưới mấy tấm ga có hình “tín hiệu xấu”. Trên đường về nhà, chúng tôi đã giẫm phải đám tảo biển rơi rớt ra từ mấy cái áo giáp lá ban chiều. Đúng là giờ chúng đã đặc quánh lại và không còn độ đàn hồi như trước nữa.
Giờ thì tụi tôi đã lờ mờ hiểu được tại sao cô Teresa lại thích nhào lộn vào các ngày thứ Sáu đến như vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top