Chương 5
Trong ngày đầu tiên ở vịnh Captain’s Folly, chúng tôi đã nghe theo lời khuyên của cô Teresa, không phơi quá lâu dưới ánh nắng Mặt Trời. Thay vào đó chúng tôi tự bảo vệ làn da bằng cách ngâm mình dưới làn nước mát lạnh của đại dương.
Nơi bờ phía nam của bãi biển là khối tảo biển khổng lồ với những chiếc lá to sụ và những cành cây bằng cổ tay, cổ chân tụi tôi. Mỗi đứa rút ra một con dao nhíp, quà Giáng sinh của các sơ, và khía lên đó. Trên cán dao có khắc tên nhà cung cấp cám và bột vỏ sò cho đàn gà ở St. Roderick – và trứng gà trước giờ vẫn luôn là thứ xa xỉ đối với bọn tôi.
Được cái, mấy cái lá được cắt ra khá dễ dàng nên chỉ một lúc sau, chúng tôi đã có đủ lá để đan thành mũ lá hình tam giác, vài chiếc quần lá chỉ đủ che phần cẳng chân và năm đôi dép lá. Tiếp đó là áo giáp lá, găng tay lá và cuối cùng là tạp dề lá. Trông chúng tôi chẳng khác gì những chiến binh thời Trung cổ đang chuẩn bị ra trận, với vũ khí là những thanh kiếm và giáo mác được vót nhọn, làm từ mấy cành cây bẻ ra từ khối tảo biển to đùng kia.
Kế đó năm thằng chúng tôi, trong mấy bộ áo giáp hăng hăng mùi tảo biển, hùng dũng tiến về phía con ngựa xám đang ngọ nguậy không yên ở cuối bãi biển. Sóng biển vẫn tiếp tục tung bọt trắng xóa ở bờ phía bắc, gần căn-lều-kiêm-hang-động màu vàng nhô ra sát với biển. Khi đó thủy triều đã rút gần hết, để lộ ra những viên đá mang nhiều hình thù ngộ nghĩnh và lạ mắt.
Tiếng ai đó thảng thốt kêu lên: “Con ngựa đó đang đớp nước!”
Một giọng khác cáu kỉnh gắt: “Im nào!”
Bên dưới mấy cái mũ oặt ẹo làm từ tảo biển, chúng tôi lặng lẽ đứng nhìn con ngựa xám già dùng chân trước đạp mạnh xuống nước, làm cho nước bắn tung tóe lên, sau đó nhanh chóng nghiêng đầu hớt trọn chỗ nước vào miệng. Nó lặp đi lặp lại hành động đạp-và-táp đó thêm vài lần nữa. Đến lần thứ ba, khi nó ngẩng đầu lên, tụi tôi đã kịp nhìn thấy một miếng màu bạc nhỏ lấp lánh giữa hai hàm răng hô. Một miếng bạc thật.
“Ey! Nhìn này! Con ngựa đó bắt được cá mà không cần đến lưỡi câu!”
Mấy thanh gươm đồ chơi rởm ngay lập tức bị rơi vào quên lãng, bởi cả lũ còn mải dõi theo bước chân lọc cọc của con ngựa xám già đang chậm chạp di chuyển từ mép nước lên tới bờ đá, hai hàm răng ngậm chặt con cá. Vừa đặt chân lên tới bờ, nó vội nhả ngay con mồi lên một phiến đá bằng phẳng rồi nện gót bỏ đi, chẳng buồn để mắt tới sự sống chết của chú cá tội nghiệp kia. Nó nghển cổ nhìn về phía những cụm cỏ xanh mơn mởn dọc sườn đồi phía trên bãi đá.
Bỗng từ đâu xuất hiện một cái đầu nhỏ nhắn màu đen cùng cái cổ thon dài. Một chú mèo đen đốm trắng.
Mỗi bước nhảy của nó phải dài tới cả mét, thỉnh thoảng lại dừng bước, thăm dò động tĩnh của con ngựa và cả bọn tôi. Thập thò theo sát phía sau là ba cái đầu màu đen nhỏ xíu xiu, mà tụi tôi đoán là con của chú mèo hoang kia. Mèo mẹ vẫn thận trọng đứng xa vài mét, nhìn chằm chằm về phía tảng đá có con cá đang nằm phơi bụng trên đó. Bất thình lình nó phóng về phía trước, nhanh như một tia chớp, chộp gọn lấy con cá rồi rút ngay về chỗ ẩn nấp ban đầu, đằng sau những cụm cỏ xanh. Và chỉ vài giây sau không còn thấy bóng dáng của bốn mẹ con nhà nó đâu nữa.
Thật đúng như một phép màu.
Vậy mà chú ngựa xám già vẫn ung dung tự tại, quay đầu nhìn ra biển, như thể đang trầm ngâm suy nghĩ giữa tiếng rì rầm của sóng. Trong khi cả đám đang sôi nổi bàn tán về những gì vừa xảy ra, bỗng có một giọng Ai-len đặc sệt, vọng xuống từ cái lều sơn vàng, cắt ngang: “Có gì mà phải ngạc nhiên! Ngày nào mà con ngựa đó chẳng đi bắt cá về làm mồi cho mấy con mèo hoang.”
Đó là tiếng của người đàn ông béo lùn, trán hói, da có màu tai tái.
Chẳng hiểu ông ta nghĩ gì mà đi nói như vậy? Chuyện một con ngựa già bắt cá nuôi lũ mèo hoang – cho dù có diễn ra một trăm lần một ngày thì cũng vẫn là một điều thần kỳ.
Rõ ràng ông ấy không đồng quan điểm với mấy thằng tụi tôi. Ông lạch bạch đi chân đất ra phía rìa cửa và ngó xuống. Mấy ngón chân quặp vào chẳng khác gì chân chim bồ câu. Spark nhận xét: “Chân ông ta như rễ cây khô í nhỉ.” Mái tóc trắng bù xù như bụi cây kim tước được buông xõa trên vai và sau lưng. Đôi mắt xanh thẫm màu nước biển nổi bật trên khuôn mặt khắc khổ, mang đậm dấu ấn tuổi tác.
“Lũ mèo nhà đang biến thành mèo hoang hết rồi” – giọng ông khàn khàn – “Tàn dư của cuộc khủng hoảng kinh tế. Cũng giống như Socrates”.
“Socrates là ai ạ?” – cả lũ đồng thanh hỏi.
“Lạy Chúa tôi, mấy đứa không biết Socrates là ai sao? Chẳng phải tụi bay vừa nhìn thấy mánh khóe của nó sao?” – vừa nói ông vừa hất đầu về phía con ngựa, và chúng tôi chợt hiểu ông đang ám chỉ ai – “Nó được đặt tên theo một triết gia Hy Lạp cổ đại. Người ta đưa nó đến đây cùng đám thanh niên và cả ngày nó chỉ có mỗi một nhiệm vụ duy nhất là mơ mộng. Nhưng thỉnh thoảng nó cũng bị gọi xuống kéo cày, làm cỏ trong vườn cho đám thanh niên. Sự xuất hiện của Socrates luôn khiến cho bầu không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp và sống động hơn hẳn.
Cũng may, mẹ bề trên ở nhà thờ St. Roderick là người Ai-len nên chúng tôi hiểu được dễ dàng những điều người đàn ông đó vừa nói.
“Nhưng ta e rằng ngày tàn của thị trấn này đã tới, và mấy đứa hẳn đã nhận thấy được điều đó ngay từ đầu. Tất nhiên, khi dân cư nơi đây còn đông đúc thì mỗi ngày đều là một cơ hội lớn. Chúng ta cũng đã từng có cả tá bác sĩ, luật sư riêng của vùng. Vậy mà giờ đây tất cả bọn họ đều đã bỏ đi, để theo đuổi tiền tài và danh vọng. Một người có thể bỏ ra cả ngày tỉ mẩn khắc từng chữ cái tên mình lên thành ghế ở bến xe buýt trên đỉnh đồi, để rồi một tuần sau đó tiếp tục lững thững lên đó hoàn thiện nốt tác phẩm của mình. Ta nói cho mấy đứa nghe, cho dù mấy đứa có tưởng tượng mình là gì bên dưới đám tảo biển rác rưởi kia đi chăng nữa, thì chỉ cần một cuộc khủng hoảng kinh tế thôi cũng đủ hút cạn linh hồn của một đời người.”
Không đứa nào hiểu được ý ông ấy thực sự muốn nói gì nhưng chúng tôi rất ấn tượng với giọng nói oang oang của ông. Đôi mắt sâu hoắm già nua cứ nhìn chúng tôi chằm chằm, hai tay bám chặt lấy vách núi, một cái chân ngắn ngủn thì đang quặp ra đằng sau để gãi chân kia.
“Ta đoán mấy đứa đang ở nhà của vợ chồng nhà Bandy McAnsh đúng không?”
“Vâng, thưa ông” – Spark nói – “Ông ấy gọi chúng cháu là những tín hiệu xấu.”
“Tín hiệu xấu?”
Trong một giây, ông lão quắc mắt trừng trừng, rồi bất ngờ ngoác miệng cười phá lên, lộ rõ hai cái răng vàng khè: “Ha ha. Vậy ra đó là cách ông ta gọi mấy đứa sao? Tín hiệu xấu?” Nói rồi ông lại tiếp tục tràng cười như pháo rền của mình mà không hề có một lời giải thích nào cho hành động kỳ cục này. Tuy vậy, sau khi đi một vòng xem nhà McAnsh thì có lẽ chúng tôi đã phần nào hiểu được ẩn ý đằng sau tràng cười ấy – “Hai người đó sẽ dạy cho mấy đứa làm sao để tồn tại, dựa vào trí thông minh của bản thân, nếu tụi bay có tinh thần ham học hỏi. Phải công nhận là đôi vợ chồng đó có năng khiếu về cuộc sống. Rất nhiều đứa trẻ đã được đưa tới đây, toàn một lũ mơ mộng ngốc nghếch.”
Âm thanh du dương của tiếng đàn piano chợt phá tan bầu không khí tĩnh lặng của vịnh.
Cả sáu người chúng tôi đồng loạt quay ra ngó nghiêng tìm nơi phát ra tiếng nhạc. Nhưng nó từ đâu vọng tới mới được chứ? Ông lão vung tay lên, giơ nắm đấm về phía đầu bên kia của vịnh, và chúng tôi nhận ra nó xuất phát từ căn-lều-kiêm-hang-động của người đàn ông hút tẩu thuốc ban nãy.
“Gã vô tích sự điên rồ!” – ông lão gầm lên giận dữ - “Mấy đứa có biết bên trong cái hang đó có cái gì không? Có biết khônggg?”
“Có chứ ạ” - một đứa lên tiếng – “Một cây đàn piano”.
“Một cây đàn piano khổng lồ.”
Đứa nào đứa nấy vẫn còn đang choáng ngợp bởi tiếng đàn.
“Ta tin chắc đó là một cây đàn khổng lồ mốc meo cũ kỹ. Cứ nghe cái mớ âm thanh tắc tị đang tra tấn chúng ta thì rõ, chắc chắn mấy phím đàn này có vấn đề. Chắc phải có lý do gì đó nên hắn ta mới chơi một thứ khó nghe đến như thế, đúng không? Phải có lý do nào đó.”
Ông vừa nói vừa nhìn qua hết đứa này đến đứa kia để tìm sự đồng tình, tuy nhiên với năm thằng chúng tôi, bản nhạc ấy thật đẹp đẽ. Ông làu bàu nói tiếp: “Hắn là một trong những tên ngốc nghếch nhất mà ta từng thấy. Có cô vợ quý tộc ngày ngày chui lên cái lều đó thắp nến cầu nguyện cho những linh hồn đã chết bằng những tờ giấy bạc năm bảng. Còn gã khờ này, suốt năm năm qua không làm gì khác ngoài việc đóng thuyền. Con thuyền đó đang được phủ bạt đen ở đằng sau đồi. Tuần nào cũng thấy hắn đến đấy? búa búa sửa chữa cho con thuyền. Hắn đã lên kế hoạch chèo thuyền vòng quanh thế giới. Đúng là một ý tưởng điên rồ mà! Thậm chí hắn còn rủ ta tham gia cùng nữa chứ. Ta là một thủy thủ già đã về hưu, nhưng như thế thì đã sao. Tên ta là O’Leary và vào thời điểm khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, mọi người thường gọi ta là thủy thủ Lão Làng. Ta cũng đã quen với cái tên đó. Mấy đứa nghe đi! Nghe đi! Sao lại có loại nhạc dở tệ đến vậy cơ chứ! Đến cả Socrates thật sống dậy cũng không chịu nổi cái âm thanh ồn ào bát nháo này.”
Con ngựa có vẻ như muốn bỏ đi về phía cồn cát. Nhưng không phải vì muốn trốn chạy khỏi tiếng đàn piano đang vọng ra từ cửa sổ kính của căn nhà màu xám kia.
“Ta nói cho mấy đứa nghe, ở cái vịnh Folly này toàn những kẻ quái gở, và ta là một trong số đó” – ông O’Leary Lão Làng chỉ thẳng tay về phía căn nhà có tấm biển: Không Có Công Lý – “Còn cái đám ngốc nghếch kia nữa chứ” – Ngón tay ông giơ cao hơn, về phía căn nhà vách liền vách bên dưới thung lũng – “Gã Watson già cùng đám phù thủy của mình thường xuyên pha chế loại dung dịch từ những quả mâm xôi, củ cải vàng, bí ngô và mấy thứ tương tự. Toàn thuốc độc cả thôi, rất nhiều là đằng khác. Nhưng hắn vẫn luôn dương dương tự đắc gọi đó là rượu!”
Nếu ông O’Leary gọi tiếng đàn piano là tiếng bát nháo thì có lẽ đánh giá của ông về rượu tự pha chế cũng không chính xác. Ông còn huênh hoang tự nhận mình là người nắm giữ nhiều thông tin quý báu nhất về lịch sử và con người nơi đây. Tuy nhiên, mối bận tâm của chúng tôi lại là một điều khác.
Misty nhặt lấy một viên đá và nghiêng người toan ném xuống nước. Nhưng trước khi viên đá kịp chạm tới mặt nước, ông Lão Làng rền rĩ kêu lên: “Xin Chúa tha tội. Cháu sẽ khiến Henry nổi giận mất!”
Con mắt còn tốt của Misty mở to thảng thốt hỏi xem Henry là ai, trong khi tám con mắt còn lại của tụi tôi cũng đồng loạt hướng về phía ông để tìm lời giải đáp.
“Nó thường xuất hiện ở gần đống phế liệu.”
Phế liệu gì, chúng tôi đồng thanh hỏi.
“Tàu thuyền chứ gì nữa. Chứ mấy đứa tưởng tự dưng mà nơi này được gọi là Vịnh Captain’s Folly sao? Từ “Captain” tức là thuyền trưởng đó chẳng lẽ không có ý nghĩa gì sao? Một viên thuyền trưởng nào đó chắc đã nhầm tưởng cái vịnh nhỏ này là đầu cửa sông của thành phố. Chỉ có tên ngốc mới có thể mắc phải một sự nhầm lẫn cơ bản đến thế. Vậy mà cái chuyện không tưởng đó đã xảy ra. Và giờ Henry vẫn thường len lỏi quanh đám gỗ mục nát còn sót lại của con tàu. Phải công nhận một điều, Henry là một con cá mú vĩ đại nhất mà ta từng biết. Kể từ khi lần đầu đặt chân tới đây, vào tám năm về trước, ta vẫn chưa một lần chạm được vào nó, chứ đừng nói là bắt. Khả năng phát hiện ra lưỡi câu từ xa của nó vẫn luôn là một bí ẩn đối với ta, mặc dù ta đã tìm mọi cách, kể cả chỉ dùng có độc một cái que và ít chất nổ gêlinhit phát sáng.”
Ông ngừng lại, giơ một tay lên cho chúng tôi xem. Các đầu móng tay nhăn nheo và bạc màu, như cái mai rùa: “Người ta thường nói não của một con cá không to hơn đầu ngón tay út của con người. Vậy mà Henry vẫn đủ láu cá để không cắn câu của ta. Nó đúng là một con quỷ tinh ranh.”
Nếu ông Lão Làng đến đây sớm vài năm nữa thôi thì có thể nói ông đã đi theo rình rập con cá đó một quãng thời gian dài bằng cả số tuổi của tụi tôi.
“Nhưng rồi ta sẽ bắt được nó. Ta sẽ làm được. Sẽ bắt được nó.”
Ánh mắt ông ấy lóe lên như thể chúng tôi sẽ là những mồi câu tiếp theo. Không ai bảo ai, đứa nào đứa nấy nhích dần từng bước lùi ra xa, trong khi Spark khôn khéo che đậy sự rút lui ấy bằng một câu hỏi: “Ông ơi, con cá mú đó to bằng nào ạ?”
“Nó to gấp đôi người cậu, nhóc con ạ, gấp đôi! Ta rất hy vọng là sẽ tóm được nó tối nay, nhưng thứ Sáu thường không được may mắn cho lắm.” – vừa nói ông vừa liếc mắt nhìn về phía đỉnh đồi đối diện, nơi chúng tôi đã từng đứng trầm trồ nhìn xuống vịnh Captain’s Folly. Nhưng có điều gì đặc biệt về ngày thứ Sáu nhỉ? – “Đó luôn là một ngày xấu, khi Foley Can Đảm oang oang với toàn thế giới về sự xuất hiện của mình.”
Foley Can Đảm là ai?
“Thật là đáng trách, đến Foley Can Đảm mà tụi bay cũng không biết sao? Không một đứa nào biết sao? Chưa bao giờ nghe tới cái tên đó à? Đó chính là ngày thứ Sáu mà ta nói!” – ông chỉ tay về phía đỉnh đồi đối diện – “Vào ngày này mỗi tuần, trước khi màn đêm buông xuống, thường là khoảng một tiếng sau khi Mặt Trời lặn, từ trên kia, mấy đứa sẽ nghe thấy tiếng động cơ ầm ĩ, phát ra từ chiếc xe máy đỏ mà Foley sẽ chễm chệ ngồi trên đó điều khiển. Anh ta trang bị đầy đủ từ găng tay, mũ bảo hiểm, kính mắt đến chiếc áo khoác da bóng lộn cùng chiếc quần hầm hố” – nói rồi ông hỉ mũi tỏ vẻ khinh bỉ nhìn xuống mấy cái áo giáp làm từ tảo biển của tụi tôi – “Rồi anh ta sẽ phi xe bon bon lao xuống con đường gập ghềnh khúc khuỷu này, như thể hai tay lái là đôi cánh của một chiếc phi cơ, tiếng động cơ rền vang ầm ĩ, và ánh đen phát ra từ cái mũ bảo hiểm vung vẩy như một thanh gươm sáng chói trong đêm. Với những kẻ đứng ngoài quan sát như chúng ta, mọi thứ diễn ra chỉ như trong nháy mắt nhưng với cô vợ trẻ của Foley thì quãng thời gian chờ đợi đó thật chẳng khác nào cả thiên thu. Cô ta chính là người đã bôi kem chống nắng cho mấy đứa tụi bay khi nãy. Đã có lúc tất cả chúng ta ở dưới đây đều phải nín thở vì lo sợ, và ta xin thừa nhận rằng không ít lần ta thì thầm cầu nguyện cho sự an toàn của Foley.”
Cái chú Foley Can Đảm này chắc chắn phải là một người đàn ông cao lớn lực lưỡng, như thế mới xứng đáng là chồng của người phụ nữ mà chúng tôi vừa gặp hồi trưa, người đã nhào lộn vào trong trái tim của năm thằng chúng tôi. Họ sẽ là một cặp vợ chồng vô cùng hoàn hảo!
Ông thủy thủ Lão Làng có vẻ như muốn kết thúc câu chuyện: “Và nếu ta là mấy cậu, ta sẽ không đi lang thang khắp nơi trong mấy cái áo lá tảo biển đó lâu. Bởi khi khô đi, nó sẽ dính chặt vào người, và vợ chồng nhà Bandy McAnsh có lẽ sẽ phải dùng búa và đục để lấy chúng ra khỏi người mấy cậu cho coi.”
Kế đó ông lão ngửa đầu cười vang, nhưng rồi im bặt, cau có nhìn ra vịnh, khi tiếng đàn piano tiếp tục ngân vang. Ông với tay lấy một miếng sắt gõ boong boong vào miếng kim loại treo lủng lẳng trước cánh cửa sơn vàng. Tất nhiên là tiếng đàn piano không vì thế mà bị át đi, trái lại, tiếng kim loại chát chúa đó chỉ có thể khiến con cá mú Henry khó chịu mà thôi.
“Để ta nói cho mấy đứa nghe điều này” – ông lão lại cất tiếng – “Cứ lần nào ta sắp lừa được con quái Henry đó là y như rằng tên đó xuất hiện và xua nó ra xa bởi cái âm thanh chói tai kia. Và sau ngần ấy năm trời, Henry đã coi đó như một lời cảnh báo. Đây đúng là một cuộc cạnh tranh ma quỷ mà!”
Ông lão vẫn tiếp tục một mình than thở còn tụi tôi kéo nhau đi khám phá cái thân tàu màu đỏ đang được trùm kín dưới tấm vải bạt màu đen. Mấy cái áo giáp làm từ lá cây bắt đầu co lại. Không thể tin được loại áo giáp này, vì thế cả đám nhanh chóng lột bỏ từng miếng, từng miếng một.
Hoàng hôn bắt đầu đổ dài xuống dọc triền đồi, báo hiệu một ngày sắp kết thúc. Nhưng với năm đứa tụi tôi, đó mới là sự bắt đầu. Bởi đứa nào cũng háo hức chờ đợi sự xuất hiện của người có tên Foley Can Đảm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top