Chương 4

Quần áo bơi của chúng tôi được thiết kế và may bởi các nữ tu sĩ ở viện St. Roderick. Và mặc dù trong phòng họ có treo rất nhiều tranh Kinh Thánh cũng như nhiều vật dụng tôn giáo khác nhưng rõ ràng vẫn có sự “ló mặt” của quỷ sa-tăng trong các mẫu thiết kế của họ thì phải. Những bộ quần áo bơi này được cắt ra từ vỏ bao bột mì, sau đó nhuộm đen. Tuy nhiên vẫn không xóa nổi mấy cái tên nhãn hiệu trên bao bì, chúng vẫn hiện rõ mồn một trên mấy bộ đồ bơi mà chúng tôi vừa mặc vừa lần theo dấu chân trên cát của cô gái khi nãy. Trên nền cát ướt vẫn còn nguyên mấy dấu chân, nay đã cách mép nước một khoảng khá rộng, bởi thủy triều đã rút ra đằng xa.

Nhóm năm đứa tụi tôi, đứa mặc phần có nhãn bột mì ra đằng trước, đứa lại mặc ra đằng sau. Trông chúng tôi chẳng khác nào mấy cái biển quảng cáo di động. Ánh nắng Mặt Trời chói chang khiến cho toàn thân chúng tôi như bị thiêu cháy, theo từng khúc một. Da đứa nào cũng tái nhợt vì cớm nắng ở phần trên đầu gối, quanh vùng cổ, vai, phía trên khuỷu tay, và màu đen của mấy bộ đồ bơi càng làm nổi bật sự xanh xao vàng vọt đó.

Cả đám lom khom quanh dấu chân. “Chân cô ấy thật nhỏ, làm mình nhớ tới sơ Ursula” – Spark giơ chân ra ướm thử vào dấu chân trên cát, trầm ngâm nhận xét. Sơ Ursula thường hay bị viêm tấy ở kẽ ngón chân, nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thì phải công nhận sơ là nữ tu vui tính và yêu đời nhất trong tu viện ở St. Roderick, bởi lúc nào sơ cũng tươi cười với mọi người, mặc dù đang bị mấy cái ngón chân hành hạ. Mấy thằng chúng tôi ai cũng phải công nhận sơ Ursula là người phụ nữ thánh thiện duy nhất còn sót lại trong cái tu viện nữ đó.

“Nhưng tay thì siêu to” – Fido buông thõng một câu, trong khi mải mê dùng tay so sánh với dấu bàn tay còn in lại trên cát.

“Có lẽ cô ấy bị bỏ rơi lại” – Misty nói, ra chiều hiểu biết.

Cả đám đồng loại ồ lên…

“Bị bỏ rơi á?” “Hả” “Khi nào?” “Cậu điên rồi!”

“Bởi gánh xiếc.”

“Cậu đang nói cái quái gì thế” “Gánh xiếc nào?”

“Cô ấy chắc là một thành viên của nhóm nhào lộn. Của một gánh xiếc nào đó. Và bị bỏ rơi lại.”

“Arrr, não cậu đúng là có vấn đề rồi” – Maps cười chế nhạo.

Không ai trong đám tụi tôi tin vào cái giả thuyết của Misty. Từ sau một lần được dắt đi xem xiếc ở trong chợ, cậu ta lúc nào chẳng bị ám ảnh bởi các gánh xiếc. Còn với tôi, ấn tượng về gánh xiếc chỉ là: tiếng những chú sư tử gầm lên bực tức vào mỗi buổi sáng, khi đám chim bói cá cất tiếng gáy. Như thể tiếng gáy đó giống như một tiếng cười nhạo, làm xúc phạm đến phẩm giá của loài được coi là chúa sơn lâm, vua của muôn loài.

Spark chăm chú xem xét dấu chân ở gần mép nước: “Haw! Chân cô ấy bị chai!”

“Đâu? Đâu?”

“Mắt cậu tinh thật!”

Spark chỉ vào cái đường cong cong ở chỗ ngón chân cái. Công nhận là ở bên cạnh vết ngón chân cái có chỗ hơi lõm xuống một chút thật. Thật không hiểu nổi sao một người nhào lộn dẻo dai và nhẹ nhàng đến như vậy lại sở hữu một bàn chân có tì vết? Spark đã cố tỏ ra khinh khỉnh, bất cần, để không ai có thể trêu chọc cậu ấy về chuyện chú ý tới đám con gái. Lúc nãy trong khi đang thay đồ bơi trong căn nhà gỗ sát vách với nhà của gia đình McAnsh, cậu ấy nói: “Cô ta lộn nhào như vậy để rũ hết đám kiến trong tóc ra mà thôi.”

Dù chân cô ấy có bị tật hay không thì cả lũ vẫn quyết định lần theo đến tận dấu chân cuối cùng, để rồi tất cả cùng đối mặt với mặt biển rộng mênh mông.

Liệu có quá sớm để chúng tôi mạo hiểm lặn ngay xuống biển hay không?

“Đi đi mà! Xuống đi!” – Maps hét to. Maps vẫn luôn là đứa liều mạng nhất trong nhóm, và cũng là đứa thông minh nhất. Cái nickname Maps, có nghĩa là bản đồ, cũng bắt nguồn từ cái thói quen suốt ngày chúi mũi vào các quyển át-lát, rồi dùng ngón tay từ từ lần theo các con đường và đại dương của cậu ta. Do đó, có thể nói trong năm đứa tụi tôi thì Maps là đứa quen thuộc nhất với đại dương, và cũng dễ hiểu khi cậu ta phấn khích muốn lao xuống biển ngay đến vậy.

Bốn đứa líu ríu bám đuôi Maps lội xuống chỗ nước cạn, nơi các con sóng nhỏ nối đuôi nhau xô đập nhè nhẹ vào phần dưới chân tụi tôi. Cả lũ thích thú dùng chân chơi đùa cùng làn nước trong veo, như thể chúng tôi đang đượcxỏ chân vào những đôi giày trong suốt và mát lạnh. Nước tràn vào các kẽ móng chân, làm cho các ngón chân ngọ nguậy theo nhịp sóng nước, ngay cả khi chúng tôi không hề cử động chúng. Những năm tháng sống cùng nhau ở viện St. Roderick đã khiến chúng tôi luôn có chung nhiều mối xúc cảm và cảm xúc lúc này đây chính là một trong số đó. Tất cả đều nhận thức được sự vĩ đại của đại dương, vẻ đẹp cũng như sự huyền bí của nó, khi chúng tôi từ từ tiến ra xa, từng bước, từng bước một, cùng thốt lên những tiếng thích thú xen lẫn chút sợ hãi khi lần đầu tiên bị sóng xô vào chân, khi lần đầu tiên mấy bộ đồ bơi của chúng tôi bị ướt nhoẹt bởi nước biển. Tiếng sóng biển xô đập không ngừng, đủ để lấp đầy hàng vô số vỏ ốc trên biển, đủ để nhấn chìm những tiếng gào thét như muốn vỡ tung vì phấn khích của tụi tôi.

“Nó lăn tăn sủi bọt như nước chanh ý!”

“Tiếc là dưới đó không có tí lửa nào. Mình đang lạnh cóng lên đây này.”

“Điên mất thôi!”

“Ê, nó có vị như nước thánh vậy!”

“Ôi, ôi, mạnh thật. Nó đang đẩy mình ra xa này!”

Đó là câu nhận xét đầu tiên của lũ chúng tôi về cái thực thể vĩ đại này. Chúa Trời đã tạo ra thế giới và nước, nhưng chẳng phải sau đó chính đại dương đã đảm nhiệm nốt công việc của Người sao? Ví dụ như các phát kiến địa lý của các nhà thám hiểm lừng danh Vasco da Gama, Magellan, Columbus, Walter Raleigh chẳng hạn. Nếu không phải là đại dương thì làm sao chúng ta có thể biết tới những con người này? Đại dương cũng là mái nhà của những phiên chợ buôn bán trên biển, nơi ẩn náu của những tên cướp biển và cả bọn buôn người, được mô tả qua những vòng xoáy hình vân tay trên bản đồ thế giới. Không có đại dương sẽ không tồn tại khái niệm con tàu Người Hà Lan bay nổi tiếng, loài sứa biển, loài cá chuồn, cá voi, cá mập… hay câu nói treo lưỡi “She cells seashells on the seashore” mà không đứa trẻ nào không biết trong các bài học tiếng Anh vỡ lòng.

Maps là đứa đầu tiên lao mình xuống nước, đâm thẳng vào giữa những con sóng với đôi mắt mở to, mái tóc đen mào gà của cậu ta chổng ngược lên như cái mũ trùm đầu của người Dominic. Maps biến mất sau làn nước trong vài giây, sau đó bất ngờ trồi lên rất nhanh, mái tóc giờ đã xẹp xuống da đầu, cái quần bơi dính chặt vào người như vừa mới được quét thêm một lớp sơn mới. Kế đó từng người từng người một, chúng tôi tiến ra đắm mình xuống nước, còn Misty tìm mọi cách để không bị ướt kính. Nhưng chỉ vài phút sau mọi cảm giác bỡ ngỡ và sợ sệt ban đầu tan biến hết, cả lũ chúng tôi té nước vào nhau và hò hét ầm ĩ vang trời, khiến cho một vài khán giả bất đắc dĩ phải quay ra nhìn.

Phía trên các vách đá hai bên bờ vịnh có các rìa đá chòi ra biển, và ở trên bề mặt đó là những cái lán được dựng lên nửa vời, nửa lều nửa hang động. Cái lều phía bên trái được sơn vàng, đứng thấp thoáng bên trong là một người đàn ông béo lùn, trán hói, da có màu tai tái. Ông ta mặc quần soóc rộng lùng bùng trễ xuống tận hông, hai tay vòng lại trước mắt như đang theo dõi cái gì đó ở đằng xa. Phía bên phải, ngay trước cửa căn lều màu xám có lắp kính là một người đàn ông cao, gầy, đang đứng phì phèo cái tẩu thuốc. Còn trên bãi biển, xa xa trên triền cát, cô gái nhào lộn ban nãy, đầu đội mũ rộng vành, đang chăm chú theo dõi chúng tôi. Hai vợ chồng nhà bà McAnsh đã dặn chúng tôi không được lội quá xa bờ, vì thế sau một hồi ngụy lặn, cả đám lũ lượt kéo lên bờ.

Misty là đứa đầu tiên lên bờ, một phần là vì sóng biển làm mờ kính, một phần là vì các ngón tay của cậu ta trở nên tím tái vì lạnh. Chỉ vài phút sau, mấy đứa còn lại cũng lần lượt theo chân Misty. Tôi đã từng nhắc tới sự hiện diện của quỷ sa-tăng trong mấy bộ đồ bơi của tụi tôi. Hẳn sa-tăng đã có một quãng thời gian khá vui vẻ tại vịnh Captain’s Folly này. Và giờ là lúc hắn có thể tận hưởng niềm hạnh phúc trước nỗi bất hạnh của đám năm đứa tôi. Vũng nước nơi bọn tôi vừa lội xuống có vẻ sẫm màu hơn hẳn những chỗ nước khác. Đó là màu đen từ những bộ đồ bơi. Chúng tôi chỉ kịp nhận ra điều đó khi nhìn thấy những dòng thuốc nhuộm đen đang chảy dài thành vệt trên bắp chân, lúc cả bọn vừa đặt chân lên bờ.

Và đó không phải là sự mất mặt duy nhất mà chúng tôi phải hứng chịu. Không đứa nào ngờ được rằng vải bao bột lại hút nước kinh khủng đến như vậy, cả đám phải ì ạch leo lên bờ với một đống nước lõng bong trong đũng quần.

“Ê, nhìn này! Tụi mình chẳng khác nào mấy con ong nghệ! – Spark hớn hở gào ầm lên.

Trong khi Fido bật cười như nắc nẻ thì Misty lại tỏ vẻ lo lắng thấy rõ. Còn Maps lại cho đây là âm mưu hiểm độc của quỷ xa-tăng nhằm làm nhục chúng tôi. Và đúng là khi ấy tôi cảm thấy xấu hổ thật. Cũng may là quanh chúng tôi không có bóng người nào cả, trừ một con ngựa xám già gần căn lều màu vàng. Các nữ tu tại St. Roderick có thể là chuyên gia trong việc tạo ra những bộ lễ phục cầu kỳ và tinh tế dành cho các linh mục nhưng họ quả là những nhà thiết kế đồ bơi tồi.

Cả đám kéo lên bờ ngồi phơi nắng trên một trạm cứu hộ bỏ hoang, hướng mặt nhìn ra biển. Trên đầu chúng tôi là tấm bảng:

VỊNH CAPTAIN’S FOLLY

CÂU LẠC BỘ LƯỚT SÓNG VÀ CỨU HỘ

Từng đợt sóng biển nối đuôi nhau xô vào bờ, ngay dưới chân chúng tôi. Đối với tôi, chúng như một bàn tay khổng lồ chìa ra mời gọi, như một lời cảnh báo nghiêm khắc dành cho tất cả mọi người. Trong mắt tôi, biển cả không phải là một cơn đại hồng thủy. Tôi cũng không bao giờ nghĩ đâu đó bên dưới làn nước trong xanh kia có một ngọn lửa đang âm ỉ cháy. Nó vừa khiến tôi liên tưởng đến một điều gì đó, nhưng lại không xác định được là cái gì. Có một điều chắc chắn rằng đó không phải là con quái vật khổng lồ mà sơ Agnes vẫn thường dọa chúng tôi.

Sơ Agnes là một nữ tu ngoài giáo hội, một chú ông thợ đeo-tạp-dề-đen giữa một rừng ong thợ đầy nguyên tắc. Sơ quyết định vào tu viện như một hành động tạ ơn cho lần thoát chết đuối khi còn trong thời con gái.

Thời con gái nào? Chúng tôi không khỏi thắc mắc khi nghe câu chuyện đó. Bởi không thằng nào có thể tưởng tượng được rằng khuôn mặt héo hon u sầu đằng sau cái mũ tu sĩ cứng ngắc kia đã từng có thời hồng hào và căng phồng sức sống của tuổi trẻ. Cứ như là cuộc đời sơ trước giờ vẫn luôn nhuốm một màu cứng nhắc và già nua như vậy. Bởi chẳng một cô bé mười một tuổi yêu đời nào lại chịu giam mình cả đời bên trong những bức tường đám trầm lặng ấy, chỉ vì một lần được cứu sống khỏi chết đuối. Với một người mất cân bằng trầm trọng như thế thì chẳng có gì ngạc nhiên khi quan điểm của họ về biển cả lại lệch lạc đến vậy.

Trong khi cả đám đang mải rũ cát ra khỏi người, đột nhiên Fido thụp vội người xuống, cuộn tròn hai cái đầu gối và khuỷu tay lại. Cậu ấy là người đầu tiên trong nhóm phát hiện ra cô gái nhào lộn đang thơ thẩn đi dạo giữa các triền cát. Cô ấy vẫn mặc cái áo bơi màu xanh khi nãy, giờ đã khô, trên đầu là chiếc mũ rơm rộng vành có đính hoa kết bằng sợi. Chúng tôi chẳng còn lại gì với chất liệu đó bởi vì hồi ở viện St. Roderick, chúng tôi vẫn thường dùng để đan thành khay đựng khăn ăn, sau đó đem bán tại các buổi từ thiện trong nhà thờ hoặc làm quà tặng cho các nhà bảo trợ cho cô nhi viện.

Mỗi bước dậm chân mạnh xuống cát làm cho cát bắn tung tóe khắp nơi. Chỉ nhìn thoáng qua cũng có thể nhận thấy đó là những bước chân hạnh phúc, yêu đời, và không hề bị chai sạn như chúng tôi đã suy đoán. Cô ấy cầm theo một cái chai màu hồng, bên trong đựng một thứ dung dịch gì đó sền sệt, màu hồng đục.

Cả đám lồm cồm bò dậy bằng cả hai tay và đầu gối, khi thấy cô gái tiến lại gần.

“Ai là thủ lĩnh ở đây?” – cô gái hỏi bằng một giọng nói trong trẻo và ngân nga như đang hát.

Mấy thằng chúng tôi ngần ngừ quay qua nhìn nhau. Xưa nay chưa thằng nào nghĩ tới chuyện bầu ra thủ lĩnh, trưởng nhóm hay điều gì đó tương tự. Chúng tôi vẫn thường tự gọi mình là nhóm “Những cậu bé tháng 12” bởi vì nghe nói sinh nhật của cả năm đứa đều rơi vào cùng tháng. Nhưng nếu phải chọn thủ lĩnh, có lẽ sẽ là Spark hoặc Maps.

“Không sao. Tôi sẽ là thủ lĩnh. Các cậu xếp hàng lại đi.”

Cô ấy nói vậy nghĩa là sao?

“Nhìn vai các cậu kìa” – cô ấy nói tiếp “da các cậu sẽ đỏ như tôm luộc cho coi. Xếp hàng lại đi. Ai sẽ đứng đầu nào? Cậu đi. Cứ đứng yên đó”.

Maps là người nhận được vinh dự đó. Cậu ấy thường chỉ nheo nheo hai mắt mỗi khi nghĩ ra trò gì láu cá hay cảnh giác trước một sự việc nào đó. Và giờ thì hai mắt của cậu ấy đang là như vậy, trong khi cái môi trên đang vểnh ngược lên một bên, nửa như đang nhăn nhó, nửa như đang cười nhếch miệng. Cô Teresa lắc lắc cái chai, dùng răng mở nắp, sau đó đổ một ít dung dịch màu hồng ra lòng bàn tay rồi thoa nhẹ lên khắp vai Maps. Fido đã sai khi phỏng đoán về bàn tay của cô Teresa. Không hề to một tẹo nào, trái lại, đó là đôi bàn tay nhỏ nhắn của một phụ nữ trưởng thành. Chẳng trách cú nhào lộn khi nãy của cô ấy hoàn hảo đến vậy. Ở phần cổ và mặt, da của cô Teresa có màu mật ong rám nắng trong khi vai, chân và tay của cô lại mang màu nâu đậm. Mái tóc nâu của cô buông xõa, rẽ ra làm hai bên, càng làm tôn lên hai gò má cao. Cô Teresa có đôi mắt màu vàng lục rất lạ, khác hẳn với màu xanh ngọc bích của chiếc áo bơi mà cô đang bận trên người.

“Các cậu từ đâu tới?” – Cô Teresa hỏi, miệng vẫn ngậm cái nắp chai.

“Viện St. Roderick ạ.”

Chừng như thấy thật khó nói chuyện với cái nắp chai trong miệng, cô Teresa liền đưa nó cho Maps rồi qua qua xoa dung dịch hồng lên vai cho Spark. Anh chàng bối rối thấy rõ, khi cứ lắp ba lắp bắp không nên lời. Thay vì khẳng định lại cái giả thiết ban đầu của mình rằng cô Teresa bị gánh xiếc bỏ rơi lại, thì Spark bắt đầu kể lể cho cô gái lạ mặt mới quen về hành trình chuyến đi của cả nhóm tụi tôi: ngày hôm qua, ngay khi bình minh vừa rạng, cả nhóm được đưa lên tàu và đi suốt một ngày cho đến rạng sáng nay mới tới thành phố. Tại ga trung tâm, chúng tôi lại bắt xe buýt tiếp tục cuộc hành trình xuyên quốc gia, để rồi được chào đón bởi hai vợ chồng nhà McAnsh tại một sân ga đìu hiu không một bóng người. Người tiếp theo nhận được vinh hạnh từ cô Teresa chính là Misty. Nhưng Spark vẫn đứng bên cạnh lải nhải về câu chuyện của mình, về việc đây là lần đầu tiên năm đứa chúng tôi được nhìn thấy biển, nhờ ơn một phu nhân cao quý hiện đang sống trên quả đồi gần đây, trong căn biệt thự kín cổng cao tường cùng chòi tháp cao có chong chóng gió lấp lánh ánh vàng.

“Đó là Phu nhân Hodge” – Cô Teresa nói. Và không cần phải kể tiếp, cô ấy cũng biết tụi tôi là ai và tại sao lại đến đây.

“Đúng vậy, và bà ấy trang trải mọi chi phí cho chuyến đi của chúng cháu. Lại còn cho chúng cháu ăn nữa.”

“Mấy cậu đúng là cần phải ăn nhiều vào” – Cô Teresa vừa nói vừa quay qua kéo lấy hai vai tôi, sau khi đã bôi dầu xong cho Misty – “Các cậu ai cũng gầy giơ xương ra”.

Kem chống nắng công nhận là mềm mại và thơm thật. Các ngọn đồi trước mặt tôi bỗng trở nên mờ ảo lung linh hơn hẳn khi cô Teresa thoa kem lên vai cho tôi. Tôi đã lo rằng người mình sẽ phát ra từ tính giống như một cục nam châm. Bởi vì một lần tôi chứng kiến khi người ta cọ sát đuôi bút chì hiệu Eversharp vào miếng vải thô, nó đã hút được cả một miếng giấy nhỏ bay về phía mình và dính chặt ở đuôi bút. Không hiểu sức hút nam châm của tôi sẽ còn mạnh đến thế nào, với sự cọ xát liên tục giữa hai tay của cô Teresa và hai vai của tôi như hiện giờ. Xung quanh tôi lúc này đang có vài mẩu giấy được vùi nửa vời dưới cát, và biết đâu chúng sẽ lao tới dính lấy cả người tôi luôn thì sao. Đấy là còn chưa kể đến tờ nội quy đang được đính nửa vời trên tấm bảng thông báo gần đó với một bên mép đã quăn tít và bật tung cả ra. Không có gì đảm bảo là tờ nội quy đó sẽ tha cho tấm thân gày còm này của tôi, cùng cái quy định (mà mọi người đều bỏ qua): cắm tấm tập thể và phải mặc những bộ đồ kín đáo từ cổ xuống đầu gối. Trong khi đó, tôi cảm thấy như đang trải qua lễ xức dầu thánh, khiến con người cảm thấy cuộc đời thêm tươi đẹp hơn, hoàn toàn đối lập với lễ xức dầu thánh cho người sắp từ bỏ thế gian.

Fido đã co giò bỏ chạy khi tới lượt mình.

“Mau!” – Co Teresa hét lên – “Bắt cậu ta lại! Lôi cậu ta về đây!”

Spark và Maps thấy vậy vội chạy theo túm được khi Fido đã chạy tới gần cái bảng thông báo ở đằng xa. Fido bị Spark và Maps túm lưng lôi xềnh xệch về, tạo thành hai rãnh dài trên cát.

Và cậu ta vẫn giữ nguyên tư thế đó trong khi được thoa kem, nhưng dưới bàn tay của cô Teresa, anh chàng bỗng trở nên thuần hơn hẳn. Không nói câu nào, chỉ ngoan ngoãn ngồi đó ngước lên nhìn cô Teresa và khi thấy cô mỉm cười với mình, cậu ta lập tức nhe răng cười lại. Một lát sau, Fido quệt một chút kem lên đầu ngón tay trỏ và đưa lên mũi ngửi. Trong số năm đứa bọn tôi, cậu ta có vẻ giống một chú cún nhỏ nhất: cái nickname Fido cũng là đặt theo tên một nhân vật trong truyện tranh, một chú-chó-cảnh-giống-như-con-muỗi.

“Tại sao cô lại nhào lộn như vậy?” – Fido ngây ngô hỏi.

“Nhào lộn ư?”

“Lúc cô bước từ dưới biển lên ấy.”

“Tôi có nhào lộn sao?”

“Có mà, đúng không các cậu?” – Fido quay ngoắt lại tìm sự ủng hộ của chúng tôi, cả lũ vội gật đầu lia lịa.

“Vậy sao, vậy chắc là tôi có nhào lộn thật. Đúng rồi, tôi luôn thích lộn vài vòng vào các thứ Sáu.”

Cô Teresa cười phá lên thích thú khi phát hiện ra sở thích kỳ quặc khác người của mình. Kế đó cô với tay lấy cái nắp chai trong tay Maps và đóng chai lại.

“Hôm nay đừng phơi nắng quá lâu nữa. Ngày mai tôi sẽ cho mỗi cậu một lượt kem khác.” – nói rồi cô giơ tay chỉ vào một cái lều kiêm-cửa-tiệm dựng trên triền cát – “Các cậu có thể tìm tôi trên đó. Nếu tôi không có ở đó thì cứ rung chuông, hoặc gõ gõ lên quầy nhé. Chào các cậu.”

Mấy đầu ngón tay của Teresa bóng lộn bởi kem dưỡng. Cô nháy mắt chào tụi tôi, sau đó quay lưng đi về phía triền cát, mái tóc buông xõa bên dưới mũ rơm tung bay nhè nhẹ trong gió. Cả mười con mắt chăm chú dõi theo bóng Teresa dần xa.

Lần thứ hai trong ngày, cô ấy tiếp tục gây bất ngờ cho chúng tôi. Lần đầu là cú nhào lộn trên biển đã thu hút sự chú ý của chúng tôi. Còn bây giờ là kem chống nắng, nó giống như một cái lưới vô hình bắt gọn lấy chúng tôi vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: