Chương 33 - 34
33
“Uầy, mình mà có mấy đồ này chắc chắn sẽ bán đấu giá được khối tiền đây!” - Spark trầm trồ kinh ngạc, giữa phòng khách vương giả của ngôi biệt thự của dòng họ Hodge.
Tuần cuối của chúng tôi ở vịnh Folly tràn ngập những bất ngờ. Đầu tiên là lời hứa trả-nợ-vụ-biển-báo của chú Foley, tiếp đến là lời đe doạ của bà McAnsh về một chuyến viếng thăm tới nhà người bảo trợ cho kỳ nghỉ vừa qua của tụi tôi. Và giờ thì Spark đang hào hứng muốn bán sạch cả đồ đạc và của cải của toà biệt thự lộng lẫy này: Những bức tượng thiên thần bằng đồng và đá cẩm thạch, một tấm thảm dệt bằng tay hình Thánh George đang cầm giáo chiến đấu với một con rồng to bằng con Henry xấu số, rất nhiều tranh sơn dầu và tranh màu nước, những chiếc bình cổ, đĩa cổ, bát cổ vẽ hoa văn sặc sỡ, cái chặn giấy, đèn chùm, que cời lò sưởi bằng đồng thau, mấy con mèo nhung bằng bông mắt nạm đá quý và ngọc lục bảo, đồ gỗ trong phòng được phủ khăn lụa hoa đắt tiền, và một cái thảm chùi chân bình hoa hồng.
Mặc dù hôm nay mới là giữa tuần, nhưng chúng tôi vẫn diện giày đi lễ ngày Chủ nhật, mặc áo sơ mi trắng, quần soóc lửng và thắt cà vạt. Sau khi đi qua cánh cổng lớn giăng đầy dây thép gai, chúng tôi được vị quản gia đưa tiếp tới một khu vườn rộng lớn, trước khi được tiếp đón nồng nhiệt tại cái phòng khách sang trọng này. Tất cả chúng tôi đều ngoan ngoãn làm theo lời dặn của bà McAnsh - trừ Spark. Cậu ta đang choáng ngợp bởi khối tài sản đồ sộ mà nếu đem đi bán đấu giá sẽ đủ tiền để trả nợ cho viện St. Roderick và xây thêm một dãy nhà mới. Chỉ cần một đứa thì thào ra giá là ngay lập tức cậu ta thao thao bất tuyệt với phiên đấu giá tưởng tượng của mình mặc cho ánh mắt tóe lửa của bà McAnsh đang nhìn chằm chằm cảnh cáo.
Theo lời ba McAnsh thì cuộc viếng thăm tới tư gia họ Hodge là một vinh dự để đời cho tất cả chúng tôi. Không những chúng tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ với người bảo trợ đầy lòng hảo tâm chưa-bao-giờ-thấy-mặt, cả nhóm còn được nghe Cha Scully giảng kinh tại chính căn biệt thự này. Nghe nói Quý bà Hodge chua bao giờ bước chân ra khỏi nhà kể từ sau cái chết của chồng mình, trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế kết thúc. Hiện giờ tụi tôi không ở cách xa cánh đồng hoa lupin là mấy, nhưng tự dưng vẫn có cảm giác như bị lạc vào một thế giới hoàn toàn khác. Fido căng thẳng thấy rõ, mặt mũi, chân tay cậu ta cứ cứng đơ ra kể từ lúc bước vào đây. Misty thì đang nháo nhác quay đầu ngó nghiêng khắp phòng. Trong khi đó, môi trên của Maps đang vểnh ngược lên, dấu hiệu chứng tỏ cậu ta đang rất ấn tượng với căn phòng này.
Vị quản gia gầy gò có nước da xanh xao vàng vọt vừa mở cửa phòng, hai tay dìu một người phụ nữ thấp bé - bà quả phụ của Thiếu Tướng Henry Hodge. Bà McAnsh ngay lập tức đưa mắt ra hiệu cho chúng tôi đứng dậy.
Trong mắt tôi, người phụ nữ nhỏ bé này và mấy sợi đăng ten có mối liên kết đặc biệt với nhau. Mặc dù cuộc sống ở St. Roderick của chúng tôi vô cùng tẻ nhạt và ảm đạm nhưng chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc với đăng ten và các loại ren trang trí. Áo mặc khi hành lễ của các vị linh mục sẽ trở nên đẹp hơn nhờ các sợi đăng ten. Những cái áo thụng mà chúng tôi vẫn thường mặc khi đến lượt làm lễ sinh trong các buổi lễ - cũng được đính đăng ten ở chỗ khuỷu tay áo và xung quanh bắp đùi. Phần lớn chúng đều được dệt ngay tại phòng thủ công ở St. Roderick. Giờ đây, quý bà Hodge đang mặc một chiếc váy dài bằng vải linen xám. Toàn bộ phần tay áo được may bằng ren đắt tiền. Phần váy bên dướicũng được cầu kì viền đăng ten và điểm xuyết bằng mấy cái cúc vàng. Tóc bà màu trắng muốt, khuôn mặt nhỏ và nhăn nheo như trái táo khô.
Bà McAnsh nắm lấy tay bà và hôn lên chiếc nhẫn kim cương ở ngón áp út, như thể quý bàHodge là nữ giám mục không bằng. Người phụ nữ giàu có lập tức nghiêng đầu sang một bên đầy kiểu cách và mỉm cười chào chúng tôi: “Ah”
Tiếp đó, bà McAnsh ra hiệu cho chúng tôi cúi đầu mỉm cười chào lại một cách lịch sự. Bà gật đầu ra chiều hài lòng khi thấy năm đứa chúng tôi răm rắp làm theo những gì bà đã dặn.
Quý bàHodge vẫn tiếp tục nhìn chúng tôi, mỉm cười dịu dàng nói: “Không phải đám trẻ tất cả đều là con gái sao?”
“Thưa bà, không phải ạ. Chúng không phải là con gái” - bà McAnsh hấp tấp giải thích.
“Thưa bà, tất cả đều là con trai” - bà quản gia vừa nói vừa giúp bà chủ đeo cái kính lên mắt - “Năm ngoái có quá nhiều con gái rồi. Nên năm nay là con trai.”
“Ồ, đúng vậy, đúng vậy. Tất cả đều là con trai!”
“Và đều là những đứa trẻ ngoan, thưa bà” - bà McAnsh hớn hở nói, bỏ qua vụ trộm rượu bí ngô của tụi tôi - “Tụi nhỏ rất chăm chỉ và siêng năng việc nhà.”
“Lại còn xinh trai nữa” - quý bà Hodge gật gù nhận xét.
Chẳng cần nhìn cũng biết bốn đứa còn lại cũng đang sửng sốt y như tôi khi nghe thấy hai từ “xinh trai” thốt ra từ miệng người phụ nữ giàu có kia. Chúng tôi mà dễ thương ư? Lọ kem chống nắng của cô Teresa đã làm gì tụi tôi thế này?
“Ta cũng không biết đã bao lâu rồi kể từ lần gần nhất nhìn thấy một đứa bé trai” – bà Hodge trầm ngâm nói - “Không, có lẽ là không có đứa bé trai nào ngoài con trai của ta. Stella, không biết giờ nó ra sao rồi?”
“Con trai của bà?”
“Đúng vậy, Stella, một thằng bé rất đáng yêu.” “Thưa bà, ngài Francis đã mất hồi năm ngoái.” “Ồ, vậy sao?”
“Vâng, thưa bà.”
“Tiếc thật. Tiếc thật.”
Bà lại mỉm cười với chúng tôi. Tôi có cảm giác bà ấy sẽ vẫn cười tươi như vậy cho dù năm đứa chúng tôi có bỗng lăn đùng ra chết dưới chân bà đi chăng nữa.
“Kỳ nghỉ của các cháu có thú vị không?” - bà hỏi. “Tất nhiên rồi, thưa bà” - bà McAnsh sốt sắng trả lời thay cho chúng tôi - “Chính nhờ lòng hảo tâm vô bờ bến của bà. Bọn trẻ đã có một kỳ nghỉ như trong mơ.”
“Ta rất mừng” - bà Hodge quay ra nói tiếp với chúng tôi - “Các cháu giờ có thể hưởng thụ cảnh đẹp ở đây. Chứ vào thời của Ngài Henry thì toàn bộ khu đất này là doanh trại quân đội. Khi đó mọi người đều sống trong sợ hãi. Stella, hãy dẫn mấy cậu bé này lên căn phòng bí mật của Ngài Henry. Căn phòng vẫn còn nguyên ởđó đúng không?”
“Dạ, vâng, thưa bà.”
“Hãy đưa bọn trẻ lên đó đi, Stella” - bà nói, không quên đế theo câu: “Bọn trẻ thật xinh trai.”
Và thế là chúng tôi lục tục theo bà quản gia đi ra khỏi phòng.
Mặc dù khá tò mò về người đàn bà bé nhỏ kỳ lạ này, nhưng chúng tôi rất lấy làm vui sướng khi được thoát ra khỏi căn phòng đó cùng với lời khen ngợi chẳng lấy gì làm hay ho kia. Câu chuyện về việc thung lũng này trước kia từng là một doanh trại quân đội khiến chúng tôi lý giải được tại sao quanh tường nha chăng đầy dây thép gai. Chúng tôi đi theo bà quản gia lên một cầu thang trải toàn thảm đỏ. Dọc hành lang là những bức tượng có hố mắt sâu hoắm như đang nhìn chằm chằm theo dõi tụi tôi, trên tường treo la liệt chân dung của những quý ông với vẻ mặt vô cùng nghiêm khắc và những quý bà ăn mặc diêm dúa, đầu đội mũ lòe xòe. Đi được một lúc thì chúng tôi bắt gặp một cái cầu thang sắt hình xoáy ốc - tại đó, bà quản gia thông báo rằng tụi tôi sẽ phải tự leo lên đó mà không có bà ấy đi cùng.
Cái nóng của căn phòng kính và mùi ẩm mốc xộc vào mũi chúng tôi, trước cả khi chúng tôi lên tới nơi. Đứa nào đứa nấy mồ hôi nhễ nhại. Tám cái của sổlâu ngày không lau chùi tạo thành một căn phòng hình bát giác bụi bặm, mạng nhện chăng đầy góc phòng.
Đứng từ trên này nhìn xuống, cảnh vật cũng không có gì khác lạ so với những gì chúng tôi được chiêm ngưỡng hàng ngày từ trên đồi cao. Nhưng cái cảm giác khi đứng ở trong căn phòng này thì có khác như thể chúng tôi đang nhìn mọi thứ qua một con mắt khổng lồ bằng kính. Chỉ có điều không khí trong con mắt này nóng hầm hập như cái bếp lò, mồ hôi chúng tôi vã ra như tắm. Đột nhiên toàn thân tụi tôi lạnh toát, khi nghe thấy tiếng cót két trên đầu mình.
Eeee... eeek...
Cả đám ngước vội lên cái trần nhà gỗ được trang trí bằng rất nhiều hoạ tiết tỉ mỉ. Răng đứa nào đứa nấy va vào nhau lập cập. Tiếng động đó nghe giống như tiếng bước chân của loài bò sát khổng lồ, có sừng, đang tìm cách cậy trần nhà chui xuống.
Eeee... eeek...
“À, chỉ là cái mũi tên ở trên nóc nhà thôi” - Maps trấn an tụi tôi, ý cậu ấy muốn nói tới cái chong chóng gió mạ vàng ở trên mái nhà.
Ở trên bệ của sổ là hai cái ống nhòm và một cái kính viễn vọng bằng đồng thau, bên ngoài bọc da. Maps chộp ngay lấy cái kính viễn vọng, còn tôi và Spark mỗi đứa chia nhau một cái ống nhòm. Chúng tôi phải lau đi lớp bụi dày trên kính trước khi ghé mắt vào xem. Misty tạm hài lòng với một cái gương chạm trổ công phu, cậu ta cọ mặt gương vào hai bên quần cho tới khi nó sáng loáng lên. Tiếp đó cậu ta đi ra phía cửa sổ, giơ gương ra đón lấy ánh nắng Mặt Trời, phản chiếu lên sườn đồi trước mặt, tạo thành một chuỗi ánh sáng trắng chạy dọc thung lũng, vòng ra tận bãi nước cạn, nơi Socrates đang nhẩn nha nghịch nước. Những đốm sáng phản chiếu trên mặt nước trông giống như những con cá màu trắng bạc, làm Socrates được phen mừng hụt, dùng chân hớt lấy hớt để. Đã lâu rồi tụi tôi mới thấy Misty phá lên cười vui sướng đến như vậy.
Đột nhiên, một chiếc ôtô từ trên đồi lao xuống, phá hỏng cuộc vui của tụi tôi. Nó dừng lại trước cửa tiệm của cô Teresa. Mặc dù đã cô căng mắt ra nhìn nhưng chúng tôi vẫn không thể đoán ra bóng người đó là ai.
Fido lại lôi kéo sự chú ý của tụi tôi trở lại căn phòng kính nhỏ nhắn này bằng một tiếng ồ lên sung sướng khi phát hiện ra vật đang nằm trên chiếc bàn tròn đặt ở giữa phòng. Một tấm bản đồ, mà theo lời Fido thì đó là bản đồ thung lũng. Chúng tôi chỉ tin lời cậu ta khi chuyên gia trong nhóm, Maps, gật gù tán thành.
Trên đó, khu trại bỏ hoang được đánh dấu rất rõ, từng con đường, từng căn lều được chỉ ra chi tiết. Bên dưới là dòng chữ: Kế hoạch tác chiến. Thì ra đây là một bản đồ quân sự. Chúng tôi lật tiếp ra đằngsau và tìm thấy mấy tờ giấy mang dòng chữ: Mệnh lệnh trong ngày, Kế hoạch tấn công và Mật khẩu.
Ở tờ giấy cuối cùng là một chuỗi các từ nghe rất lạ: Phù du, Con vịt màu vàng và Chim hồng hạc đã chín. Giờ thì tụi tôi đã lờ mờ hình dung ra được cuộc sống trước đây và chuỗi ngày nghỉ hưu của Ngài Henry quá cố.
“Có lẽ ông ấy cũng bị rơi trúng đầu” - Misty nói, như muốn khẳng định lại giả thiết đã từng có cơn mưa chậu hoa xuống vịnh Captain's Folly.
Khu vườn nhỏ ở bên rìa cửa tiệm cô Teresa chính là mục tiêu quan sát của hai cái ống nhòm và cái kính viễn vọng. Maps là đứa đầu tiên nhìn một cách rất chăm chú. Đột nhiên, cậu ta rít lên đầy bực bội: “Đồ tồi tệ bẩn thỉu!”
Mặc dù hình ảnh hiện lên qua cái ống nhòm của tôi vẫn còn mờ mờ nhưng tôi biết Maps đang nói về ai. Xen lẫn giữa những bụi cây cao được cắt tỉa cẩn thận, thấp thoáng bóng một người đàn ông đang đi về phía cô Teresa. Tay người đó vòng qua eo cô, kéo cô cùng ngồi xuống cái ghế trong vườn, sau đó cầm tay cô đặt lên trên đùi mình.
“Người đó tên là Jimmy Sullivan” - Spark nói.
Bên cạnh họ là cây mơ trĩu quả. Tôi có linh cảm vị khách này sẽ với tay bứt lấy một quả mơ và dụ dỗ cô Teresa cắn một miếng. Quỷ sa-tăng đã lượn lờ quanh cái vịnh Captain's Folly này kể từ khi năm đứachúng tôi đặt chân tới đây, và giờ thì nó chính là con rắn độc trong hình dạng con người.
Chúng tôi vẫn một mực không thể tin nổi chuyện côTeresa phản bội chú Foley. Niềm tin của chúng tôi bấy lâu nay về tình yêu và lòng tận tụy của cô Teresa dành cho chú Foley thậm chí có khi mạnh hơn cả niềm tin vào sự tồn tại của Chúa Trời.
Liệu có chuyện gì giữa cô và cái ông Jimmy Sullivan kia hay không? Chúng tôi chợt nhớ lại buổi tối Chủ Nhật hôm trước, ông ta đã tỏ ra rất sốt sắng tới cửa tiệm giúp đỡ cô. Phải chăng đó chính là lý do tại sao cô không có tâm trạng chơi nhào lộn với tụi tôi nữa?
“Các cậu bé!”
Ít ra thì bà quản gia Stella cũng nói ra được giới tính đúng của tụi tôi, chứ không như bà chủ già của bà. Tiếng bà Stella vọng lên từ dưới chân cầu thang sắt, và chúng tôi vội vã chạy xuống, theo bà tới một căn phòng lớn hơn. Tại đó, Cha Scully đã yên vị trong bộ lễ phục màu xanh của mình. Màu xanh để mặc vào ngày thường, trong khi màu trắng và màu vàng chỉ mặc trong các ngày lễ, màu đỏ cho những người tử vì đạo và màu đen trong các đám tang. Cái bàn to trước mặt được biến thành bàn thờ với một lớp vải phủ trắng, ông Bandy McAnsh hôm nay để đầu trần trông chẳng khác gì một thầy tăng già. Khi buổi lễ bắt đầu, ông Bandy lầm bầm đáp lại bằng tiếng Latin nhỏ đến nỗi chúng tôi không dám chắc là ông ấy có tự bịa ra lời không. Bà McAnsh quỳ xuống cầu nguyện, tay lần tràng hạt một cách rất thành tâm. Chỉ có quý bà Hodge là ngồi yên một chỗ trong suốt các bước quỳ, đứng và ngồi của buổi lễ. Bà Stella quỳ bên cạnh và chỉ đi ra ngoài có một lần - để dắt con chó ra vì nó cứ chạy lại ngửi ngửi đôi giày của ông Bandy.
Cha Scully hai mắt nhắm nghiền, mỉm cười nhân từ ban phước cho từng người một. Tôi vẫn cứ ngờ Cha không biết cười cơ đấy. Nếu Cha mà biết về những kế hoạch và âm mưu ám hại người khác của bọn tôi thì chắc Cha phải bỏ xứ mà đi mất. Tuy nhiên, tôi vẫn không bao giờ cho rằng lời khuyên của Cha dành cho tôi hôm đó là một sai lầm.
Khi Cha Scully tiến hành các nghi lễ cổ xưa, chúng tôi trở thành năm con chiên ngoan đạo, nhưng chỉ là về thể xác chứ không phải trong tâm hồn. Bỏi chúng tôi còn đang bận nghĩ tới hai vị thánh sống mà mấy đứa vẫn luôn tôn thờ bấy lâu nay. Tôi đang rà soát lại những chuyện đã xảy ra, từ buổi sáng đầu tiên gặp cô Teresa nhào lộn trên biển, để lí giải xem tại sao cô và cái ông Jimmy Sullivan đó lại thân thiết với nhau đến vậy. Ông Lão Làng đã từng kể rằng ông ta từng sống ở vịnh Folly trong suốt thời kì khủng hoảng. Có lẽ mối quan hệ đặc biệt của họ bắt đầu từ khi đó.
Tuy nhiên, càng nghĩ tôi càng lo sợ không muốn đối mặt với sự thật là: chú Foley bị phản bội bởi chính người đáng ra phải trung thành với chú nhất. Nhưng tôi vẫn không thể tin nổi, dù chỉ là trong suy nghĩ, rằng một người thánh thiện như cô Teresa lại có thể làm một chuyện tày đình đến như vậy. Nếu cần phải đổ lỗi cho ai đó thì tất cả đều là do người có tên Jimmy Sullivan. Mọi chuyện đều là do ông ta gây nên.
Chúng tôi luôn tin rằng cô Teresa và chú Foley hạnh phúc với những gì mình đang có. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã lấy đi mọi thứ hào nhoáng, xa xỉ của cuộc sống, khiến cho con người càng thêm trân trọng và bằng lòng với những điều bình dị. Đó là thời gian khi niềm tin vào lòng tốt trong mỗi con người - mặc dù mọi bằng chứng xảy ra trên thế giới đều thuyết phục điều ngược lại - vẫn được trân trọng và gìn giữ. Chúng tôi chưa từng thấy hay nghe được bất cứ điều gì khiến chúng tôi phải nghĩ rằng cô Teresa và chú Foley không hạnh phúc. Mặc dù có đúng một lần, cô ây đã khiến cho cả đám tá hoả khi liên tục đặt câu hỏi về cuộc sống trong tu viện, nhưng chẳng phải sau đó cô đã bật cười với chính cái ý nghĩ đó của mình đấy sao? Rất nhiều lần chúng tôi được nghe cô kể về chồng mình đầy tự hào và hạnh phúc. Và cho dù chú Foley hiếm khi nói những điều tương tự về cô Teresa nhưng tụi tôi có thể nhìn thấy được trong mắt của chú. Đâu cần phải nói nhiều mói chứng tỏđược tình yêu và sự tận tụy mà chú dành cho cô Teresa. Chỉ cần nhìn cái cách chú lao xe về nhà mỗi tối thứ Sáu, vòng tay ôm lấy cô Teresa cười hạnh phúc là có thể hiểu. Đối với chúng tôi, đó là một trong những hình ảnh lãng mạn và ấm áp nhất mà chúng tôi được chứng kiến tại cái vịnh nhỏ bé này.
“Ồ, bọn trẻ sẽ vô cùng xinh đẹp khi chúng lớn lên. Tôi chắc đấy!” - bà Hodge quay sang nói với bà McAnsh. Có vẻ như bà quý tộc giàu có này lại nhầm lẫn tụi tôi thành con gái rồi thì phải. Nhưng giờ chúng tôi chẳng có tâm trí đâu mà phiền lòng vì một chuyện cỏn con như vậy. Đứa nào cùng chỉ muốn mau mau chóng chóng rời khỏi nơi này để đi tìm hiểu thực hư chân tướng sự việc đang xảy ra bên gốc cây mơ kia. Ruột gan chúng tôi đang nóng như lửa dốt. Misty liên tục bỏ kính ra rồi lại đeo kính vào. Maps mặt méo xệch. Fido bồn chồn, hai chân đứng ngồi không yên.
“Bọn trẻ sẽ không bao giờ quên được lòng hảo tâm vô bờ bến của bà” - bà McAnsh nói, hai mắt rưng rưng như muốn khóc - “Chúng sẽ không bao giờ quên bà, chừng nào chúng còn sống ạ.”
Nói rồi bà quắc mắt ra hiệu cho chúng tôi, làm cả đám vội vàng lí nhí nói lời cảm ơn với quý bà Hodge.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng được thả ra khỏi khu nhà kiên cố đó, chạy một mạch tới nhà cô Teresa. Cả đám khựng lại khi nghe thấy tiếng xe ôtô nổ máy, từtừ leo lên sườn đồi. Ở phía đằng xa, cô Teresa đang vẫy tay tạm biệt.
Thường thì tụi tôi sẽ cởi giày và chạy chân trần trên cát nhưng hôm nay thì không ai có thời gian để làm chuyện đó. Cả đám chạy như bay về phía căn tiệm và chúng tôi lại được nhận thêm một cú sốc nữa. Cô Teresa đang hát!
34
Cái chết lại một lần nữa xuất hiện trong khung ảnh của tôi.
Khi mặc lại bộ đồ bơi lên người, tôi mới phát hiện ra thêm vài vết thủng mới; biểu tượng con gà trông đã bị mất cái đuôi và dòng chữ Bột mì Mãi Vươn Cao cũng bị mất đi vài chữ cái. Tôi chuồn ra một chỗ, đào bới cái kho báu của mình lên và nhìn vào đó. Maps và những đứa khác không buồn quan tâm xem tôi đang làm gì với cái khung tranh, bởi chúng biết điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện cô Teresa chọn ai. Thỉnh thoáng, tụi nó lại quay ra cười chế nhạo tôi vì suốt ngày dính với cái khung ảnh (Chẳng bao lâu cậu sẽđeo một cặp kính hình vuông cho coi - Spark cảnh cáo).
Mặc kệ chúng nó có nói gì đi chăng nữa, với tôi, đây là khung cửa sổ nhìn vào cái thế giới thuộc về riêng mình: những áng mây trôi hững hờ, bóng hoàng hôn chói sáng, cánh đồng cỏ xanh mướt lay nhẹ trong gió. Trong thế giới đó, tôi là người cô Teresa lựa chọn, là thành viên của câu lạc bộ lướt sóng và đội cứu hộ Captain’s Folly. Tôi được khoác trên mình chiếc áo lụa yêu quý màu đỏ của chú Foley, biểu diễn những cú nhào lộn hoàn hảo trên cát. Tôi cũng là tay đua nhỏ tuổi nhất được vinh danh cùng chú Foley trên chiếc xe mô-tô phân khối lớn. Sau khi nhìn thấy những tấm biển báo do tôi thiết kế ở khu cắm trại bỏ hoang, cô Teresa đã gợi ý rằng lớn lên tôi nên trở thành hoạ sĩ. Khắp nhà chúng tôi sẽ treo toàn những bức chân dung của cô Teresa và chú Foley do chính tôi vẽ.
Giờ thì tôi đang nằm đây, trên bãi cát, nghe cô Teresa hát. Tôi quyết định lôi ông Jimmy Sullivan vào khung tranh của mình. Theo tưởng tượng của tôi, ông ta đã quyết định quay trở lại vịnh Folly để gây ấn tượng với cô Teresa bằng một màn biểu diễn lao xe xuống sườn dốc, như chú Foley vẫn làm. Nhưng ông ta không có khả năng đó. Cái xe ô tô cũ nát nhảy tưng tung trên sườn đồi, bánh xe văng một nơi nóc xe văng một nèo. Ông Sullivan, tay vẫn đang nắm cái tay lái, rơi tõm xuống biển. Ông ta vùng vẫy tìm mọi cách bơi vào bờ nhưng ngay lập tức bị bao vây bởi một đàn cá mập - lần đầu tiên xuấthiện tại cái vịnh vốn đang yên bình này. Chúng bơi vòng vòng xung quanh, hằm hè nhìn con mồi. Tôi dừng lại một lúc trước khi đổi sang cảnh khác, để cho cho đàn cá mập có thời gian thưởng thức bữa tiệc đêm của mình. Tiếng ông gào thét vang vọng khắp bờ biển nhưng tuyệt nhiên không có một ai lao ra cứu. Ông ta trồi lên thụp xuống khoảng ba lần nữa trước khỉ chìm nghỉm dưới làn nước trong veo.
Sau khi trừ khử được mối hậu hoạ đe doạ đến hạnh phúc của cô Teresa và chú Foley, tôi đổi sang cảnh khác.
Khung ảnh lại một lần nữa trở thành công cụ của thần chết: cánh cửa dẫn tới địa ngục. Trong đó, cả khu rừng đột nhiên bốc cháy. Spark, Maps, Misty và Fido tình cờ lại đang đứng ngay trên kho pháo hoa trong khu cắm trại bỏ hoang, cả bốn đứa bị thổi tung lên cao, văng ra tứ phía trong làn khói lửa mù mịt.
Nhưng giấc mơ ấy còn có ý nghĩa gì nữa nếu tình cảm giữa cô Teresa và chú Foley bị rạn nứt. Bởi nếu cô Teresa và ông Jimmy Sullivan kia kết hợp với nhau, chắc chắn sẽ không có cơ hội nào dành cho đám chúng tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top