Chương 19 - Chương 20

19

Muốn chú Foley lái xe chậm lại ư?

Chẳng khác nào hy vọng ông Lão Làng câu được con cá mú Henry bằng một mẩu mai rùa dính vào đầu ngón tay. Vì thế, khi chú Foley tiếp tục lao xe ầm ầm xuống đồi để về nhà vào tối thứ Sáu sau đó, chúng tôi lo lắng hơn bao giờ hết về những mối nguy hiểm có thể xảy ra với chú. Tất cả đều thống nhất ở một điểm: vì lợi ích của cả nhóm, chúng tôi cần bảo vệ chú Foley khỏi chính bản thân chú.

Câu trả lời đến với chúng tôi buổi tối hôm đó khi Maps nói thẳng ra suy nghĩ của mình. “Đi chậm” - Maps khởi xướng. Tiếp đó cậu ấy tuôn ra một tràng về các biển hiệu cảnh báo nên dựng trên đường để chú Foley có thể nhìn thấy trong đêm tối. “Khúc cua nguy hiểm! Khúc cua tử thần! Giới hạn tốc độ 5 dặm/giờ! Đoạn đường nhiều sỏi! Khúc cua chữ chi nguy hiểm chết người!”.

Bốn đứa còn lại cũng thi nhau đưa ra các gợi ý. Tiếng của Spark to nhất trong đám: “COI CHỪNG, ĐƯỜNG XẤU!”

“Mấy đứa, mấy đứa!” - bà McAnsh ngó đầu vào - “Đi ngủ mau!”

Tối nay bà McAnsh chưa uống một giọt rượu nào cả. Chúng tôi ngoan ngoãn nghe lời. Cả đám đã có câu trả lời. Điều không thể đã trở thành có thể. Chúng tôi sẽ khiến chú Foley đi chậm lại vào đêm thứ Sáu tới đây.

Sáng hôm sau, toàn vịnh Captain’s Folly bị che phủ bởi một màn sương phùn mỏng mảnh. Cả ngày hôm đó, thảm hoa giọt sương gần như không có cơ hội khoe sắc. Các mũi đất trở nên mờ mờ ảo ảo, nhà của ông Watson và Quý bà Hodge như nhòe đi trong cái không khí ẩm thấp đó. Mưa nhỏ làm cho lớp bụi bẩn két lại trên mặt các món đồ vứt ngoài bãi rác, lúc chúng tôi ra đó hì hục lượm mấy tấm ván về làm biển hiệu. Đầu tiên, cả đám tận dụng nốt ít vôi trắng còn sót lại trong mấy cái xô dựng ở góc vườn nhà McAnsh để sơn nền cho tấm biển. Tôi được phụ trách phần viết chữ, bởi vẽ vời là một trong những môn học khá nhất của tôi ở St. Roderick. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ lần bị Mẹ Bề trên quất cho sáu roi vào mông vì tội vẽ đầy xe máy và ô tô ra đằng sau các bức tranh miêu tả buổi lễ Mass trong cuốn sách cầu kinh của mình.

Mặc dù có nhiều gợi ý nghe rất kêu, nhưng cuối cùng năm đứa vẫn nhất trí chọn những câu ngắn gọn mà súc tích nhất. Một dòng chữ ĐI CHẬM to đùng, viết bằng nhựa đường, được dựng lên trên đỉnh đồi, tiếp đó là những tấm biển cảnh báo về các khúc cua nguy hiểm, đoạn đường nhiều sỏi - một bộ sưu tập các biển hiệu với những chữ cái được quệt bằng tay nguệch ngoạc, nổi bật trên nền vôi trắng. Chúng tôi dùng đinh kiếm được trong mấy hộp dụng cụ cũ vứt lại ở khu cắm trại để cố định các tấm ván, và dùng một miếng sắt nặng trịch làm búa. Chỉ tới khi mọi thứ đã xong xuôi, cả đám mới chợt nhận ra một điều: sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu chúng tôi đi kiếm đinh ở bên dưới con tàu đang đóng dở của ông Porter Bụng Phệ, và mượn ai đó một cái búa cùng một ít sơn.

Một vị sơ khác ở St. Roderick, sơ Ignatius - người cứ mở miệng ra là nói về Đại chiến thế giới - đã từng kể cho chúng tôi nghe về cuộc đình chiến giữa hai phe khi họ bị lạc trên một hòn đảo hoang dã để cùng nhau tồn tại. Đó chính là tình trạng của năm đứa chúng tôi hiện nay, cùng chung vai sát cánh vui vẻ để “cứu” chú Foley. Nhưng một khi mọi việc đã xong xuôi, chúng tôi sẽ lại tiếp tục quay ra đề phòng, canh chừng lẫn nhau.

Các bảng hiệu được hong khô trong túp lều mà con Socrates đã từng đánh lừa làm mấy đứa tưởng nó là một ông lão Rip Van Winkle khốn khổ của thời hậu khủng hoảng.

“Mi nghĩ nó sẽ có tác dụng không?” - Spark hỏi.

Bốn đứa còn lại dáo dác nhìn xung quanh xem anh chàng đang nói chuyện với ai. Thì ra là với một bông hoa hướng dương.

“Rằng nó sẽ khiến chú ấy đi chậm lại?”

Bông hoa hướng dương như gật gù tán thành, khi Spark với tay lắc nhẹ vào thân cây. Và cậu ấy coi đó là câu trả lời chắc chắn cuối cùng.

Giờ còn lại đúng một vấn đề nữa cần giải quyết đòi hỏi phải có một kế sách hợp lý và sự phối hợp nhịp nhàng. Không còn gì có thể ngăn cản chúng tôi đi lên trên đồi và dựng các tấm biển lên. Chúng tôi đã kiếm ra đủ xẻng và cuốc trong đống dụng cụ làm vườn dựng ngổn ngang tại khu cắm trại bỏ hoang. Chúng tôi cũng đã xác định rõ các điểm cần dựng biển. Duy chỉ có điều, nếu chúng được dựng lên quá sớm, mọi người trong vùng sẽ nhổ chúng đi cho coi. Vì thế thời điểm thích hợp nhất để dựng biển chính là tối ngày thứ Sáu, sau khi Mặt Trời đã lặn, khoảng một tiếng trước khi chú Foley trở về. Kế hoạch nghe thì có vẻ hoàn hảo nhưng trên thực tế, chúng tôi vẫn chưa biết phải làm sao để chuồn ra khỏi nhà mà không bị ông bà McAnsh phát hiện. Khi họ không có giọt rượu nào trong người, họ luôn phải đảm bảo chắc chắn là năm đứa chúng tôi đã lên giường đi ngủ thì mới thôi. Nói theo cách khác, nếu tối hôm đó họ có một chai rượu để uống…

Maps cũng lại là người đứng ra giải quyết vấn đề này cho mấy đứa tụi tôi. Nhưng cũng phải chờ tới đêm thứ Năm.

“Ê, này.” - Maps thách thức Spark một cách đầy khiêu khích - “cậu vẫn nhớ nơi ông Watson cất chai rượu bí ngô chứ?”.

Tất nhiên là Spark biết, tất cả bọn tôi đều biết: trên kệ bếp trong cái làn đằng sau nhà. Một hôm, ông Watson đã rủ chúng tôi vào nhà chơi, khi thấy năm đứa đang tha thẩn từ trên đồi về. Ông đã dắt chúng tôi ra cái lán đằng sau, lấy một chai rượu bí ngô và nhờ cả lũ cầm về tặng cho ông bà McAnsh, kèm theo những lời ca tụng ngất trời.

“Nghe này,” - Maps nói tiếp - “tớ thách cậu lẻn vào đó lấy trộm một chai và đem về cho vợ chồng ông McAnsh, nói rằng đó là quà của ông Watson tặng, như lần trước. Ông ấy lúc nào chẳng nửa tỉnh nửa say, sẽ không phát hiện ra một chai rượu biến mất đâu. Dám không, tớ thách cậu đấy!”

Spark không cần suy nghĩ lấy một giây, bật dậy nói ngay: “Chơi luôn. Là hai chai hẳn hoi chứ không phải một!”

Một hai chai rượu với ông già đó thì có nghĩa lý gì? Tụi tôi cũng chỉ là lấy để bảo vệ một con người khỏi bị văng xuống biển và chết đuối mà thôi. Lý do đó khiến cho lương tâm của năm đứa chúng tôi cảm thấy thanh thản hơn rất nhiều.

Cả bọn quyết định sứ mệnh ấy sẽ được thực hiện vào buổi sáng hôm sau.

Để đảm bảo Spark có thể lẻn ra đằng sau nhà mà không bị ai phát hiện, bốn đứa còn lại sẽ xếp hàng ngang dọc bờ giậu, ngó đầu vào trong vườn trầm trồ thán phục cái đồng hồ Mặt Trời. Và đúng thật, ông Watson không còn cách nào khác, đành phải ra ngoài mời chúng tôi vào vườn chơi. Đó là cái đồng hồ Mặt Trời lạ lùng nhất mà chúng tôi từng được thấy. Các múi giờ cũng được chia theo một quy luật riêng, không giống như bình thường. Nhìn từ trên xuống, trông nó như một ổ bánh quế được rắc thêm gia vị màu nâu. Theo hướng mũi tên chỉ thì bây giờ đang là bốn giờ sáng. Nhưng đó là giờ ở Naples, và bên đó đang là buổi sáng mùa Đông ảm đạm, buốt giá.

Chúng tôi đã đặt cho ông Watson biệt danh là Watson Đồng Hồ Mặt Trời. Trong lúc ông đang say sưa giải thích cơ chế hoạt động của cái đồng hồ lạ kỳ này, chúng tôi đã kịp nhìn thấy bóng Spark vụt chạy về phía cái lán đằng sau nhà. Theo lời ông Watson, nếu chúng tôi mượn được nhân công của chú Foley đào một đường hầm xuyên dưới lòng đất bắt đầu từ vườn nhà ông, thì điểm đến cuối cùng sẽ là lòng núi lửa Vesuvius. Bình thường có lẽ tụi tôi đã vô cùng phấn khích khi nghe một thông tin thú vị kiểu như vậy, nhưng tại thời điểm lúc đó thì thật không vui vẻ gì cho lắm. Bởi lòng dạchúng tôi lúc ấy đã đủ nóng như lửa địa ngục rồi, không cần phải bỏ thêm vào miệng một cái núi lửa đang hoạt động nữa làm gì.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lịch sự lắng nghe chăm chú, cho tới khi nhìn thấy Spark chạy vụt xuống sườn đồi, có cái gì đó phồng phồng giấu phía dưới áo sơ mi. Cậu ấy đã cố tình mặc chiếc áo đó đặc biệt cho ngày hôm nay.

Khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu chiếu sáng thành phố Naples ở đầu bên kia của thế giới, cũng là lúc ánh hoàng hôn bao trùm lấy toàn vịnh Captain’s Foley. Ông bà McAnsh đã vui mừng ra mặt khi thấy chúng tôi mang về hai chai rượu bí ngô, quà tặng từ ông Watson Đồng Hồ Mặt Trời. Cả hai đã kịp làm hết một chai khi Spark rón rén chuồn ra khỏi nhà trước tiên.

Tất nhiên là hai vợ chồng ông bà McAnsh không hề ý thức được về việc làm của Spark. Từng đứa từng đứa một, chúng tôi lẻn ra ngoài, chạy thẳng tới khu cắm trại bỏ hoang để lấy các tấm biển báo, rồi khệ nện bê chúng tới các điểm mốc đã được đánh dấu từ trước. Chúng tôi làm lần lượt từng cái một từ trên đỉnh đồi xuống, bắt đầu từ tấm biển ĐI CHẬM to đùng được dựng ở gần bến xe buýt. Bọn tôi tin chắc rằng nó sẽ đập ngay vào mắt chú Foley khi vừa lên tới đỉnh đồi. Chúng tôi dùng chân không dậm xuống nền đồi cứng để giữ cho tấm biển đứng thẳng, sau đó đi xuống chỗ cắm biển thứ hai. Khi năm đứa chúng tôi làm được hết tới chân đoạn đường khúc khuỷu kia thì cũng là lúc trăng đã hiện rõ trên bầu trời đêm. Các ngôi nhà trong vịnh Folly đều đã lên đèn.

Lúc gần tới cửa tiệm của cô Teresa, cả đám nghe thấy tiếng cô đang ngân nga hát, kèm theo một mùi hương xà phòng hoa hồng nhè nhẹ đang lửng lơ trong không khí. Cô vừa bước ra ngoài cửa, khoác chiếc áo choàng mùa hè đã được ủi cẩn thận. Không đứa nào có ý định chạy ra chào cô cho tới khi tự cô phát hiện ra và gọi tụi tôi lại. Mặt cô lỗ rõ vẻ ngạc nhiên.

Chiếc xe ô tô du lịch xiêu vẹo chở mấy anh trong câu lạc bộ lướt sóng và bạn gái của họ chợt dừng lại trước tấm biển ĐI CHẬM của chúng tôi. Cô Teresa lại quay sang nhìn chúng tôi một cách khó hiểu. Trong một giây, chúng tôi như muốn ngừng thở vì căng thẳng. Cái xe tiếp tục chuyển bánh chạy xuống sườn đồi, dừng lại và cười hô hố trước mỗi tấm biển báo.

“Chúa ơi, chuyện gì đang xảy ra trên đó thế?” - cô Teresa thốt lên. Thật may là mắt cô vẫn nhìn chăm chú lên sườn đồi, chứ không phải vào chín con mắt tội lỗi của chúng tôi.

Cả bọn đúng là không lường trước được điều đó sẽ xảy ra.

Cô Terasa vẫn tiếp tục hướng mắt về phía sườn đồi: “Hình như có cái gì đó cắm ở trên đó. Bọn họ cười cái gì thế không biết?”

Vừa xuống tới nơi, đám thanh niên đó vội chạy tới chỗ cô Teresa và kể cho cô nghe. Năm trai, ba gái, ai cũng tỏ ra vô cùng phấn khích sau khi làm một chầu ở quán Dog’s Hind Leg.

“Có ai đó định bắt anh Can Đảm của chúng ta phải giảm tốc độ thì phải” - một anh trong đám nói.

“Bắt Foley giảm tốc độ ư?” - cô Teresa tròn mắt ngạc nhiên.

“Đi chậm… Khúc cua nguy hiểm… Đường có sỏi… ổ gà…” - anh ta chỉ tay về phía con đường khúc khuỷu và mấy cái biển báo của chúng tôi - “Cả con đường la liệt cắm đầy biển báo từ đầu tới chân, có mấy chữ cái còn bị viết sai chính tả nữa chứ!”

Ngay cả điều đó cũng không có nghĩa phải là bọn tôi làm. Cô Teresa quay lại nhìn chằm chằm về phía căn lều của ông Lão Làng và Galore Bàn tay Vàng, lẩm bẩm: “Không hiểu là ai trong hai người đó làm chuyện này nhỉ. Hay là…”. Cô quay ngược đầu nhìn về phía tòa biệt thự của quý bà Hodge: “Có thể là quản gia của nhà đó. Bà ta vẫn thường than phiền với chị về chuyện mấy con chó luôn hoảng sợ và sủa ầm ĩ mỗi khi nghe thấy tiếng xe máy của anh Foley”.

Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cô Teresa bảo vệ chồng đến như vậy. Cả đám bắt đầu tin rằng việc làm vừa rồi của tụi tôi là một sai lầm khủng khiếp, khi một anh chỉ thẳng vào mặt chúng tôi và nói: “Ê, mấy nhóc, chắc không phải tụi em bày ra mấy trò đó chứ hả?”

Cô Teresa quay phắt lại nhìn bọn tôi, cả năm thằng cúi gằm mặt xuống, không nói được câu nào. Ông Bandy McAnsh đã tiên đoán rất đúng khi gọi chúng tôi là những tín hiệu xấu.

“Các cháu đã làm chuyện đó sao?” - cô hỏi.

Bọn tôi bắt đầu thú nhận, mồ hôi vã ra như tắm, trong khi đám thanh niên kia rú lên cười chế nhạo.

“Ôi Chúa ơi! Sao các cháu lại làm vậy?” - cô gặng hỏi.

Chúng tôi quay qua nhìn nhau, đùn đẩy không đứa nào dám trả lời.

“Ai đó làm ơn giải thích cô nghe xem nào? Dũng cảm lên, Spark”

“Aww, bọn cháu đã nghĩ là những tấm biển ấy sẽ khiến chú Foley chạy xe chậm lại một chút” - Spark nhún vai nói, và cả đám tụi tôi lại được nhận thêm một tràng cười nữa từ mấy anh chị kia.

“Vì chú ấy có thể sẽ bị văng xuống biển” - Fido giải thích - “và chết đuối”.

“Ồ, vậy là các cháu đang bảo vệ chú ấy sao?”

“Có thể nói như vậy” - Fido thở dài - “Vâng, đúng là bọn cháu muốn bảo vệ chú ấy!”

Một anh cười nhiều quá đến nỗi bò lăn bò càng ra đất, nước mắt nước mũi giàn giụa.

Tiếp đó đến lượt cô Teresa cũng phá lên cười: “Lát nữa chú Can Đảm của các cháu chắc chắn sẽ bị sốc lắm đây”.

Chiếc xe ô tô du lịch lại tiếp tục đi ra phía bờ biển và dựng lều cắm trại ở đó. Còn tụi tôi thì vào nhà cô Teresa ngồi chơi đợi chú Foley về. Sự ủng hộ của cô Teresa phần nào khiến chúng tôi yên tâm về sự thành công của chiến dịch giảm-tốc-độ-chú-Foley.

Cuối cùng thì chú Foley cũng trở về. Ánh đèn pin phía trên trán của chú rọi thẳng vào tấm biển báo thứ nhất ở trên đồi, trông nó như cái bóng của một bông hoa hướng dương nổi bật trong bóng tối.

“Chú ấy nhìn thấy rồi” - cô Teresa khoái chí kêu lên, còn năm thằng tụi tôi thì nhảy cẫng lên vì vui mừng.

Tiếng động cơ xe máy nhỏ dần khi chú Foley đọc thấy lời cảnh báo, và tại giây phút đó, chúng tôi cho rằng kế hoạch của mình đã thành công. Nhưng chúng tôi đã vui mừng quá sớm.

Chú lại tiếp tục rồ ga máy ầm ĩ, nghe như tiếng rít của cơn lốc xoáy báo hiệu sắp đổ bộ xuống thung lũng và phá hủy mọi thứ trên đường đi của mình. Ánh đèn pin trên mũ của chú ấy hôm nay dường như sáng chói hơn mọi ngày.

Đây là lần thứ sau chúng tôi được chứng kiến chuyến trở về của chú Foley - bốn lần vào thứ Sáu, một lần vào đêm giao thừa - nhưng chưa thấy lần nào lại đầy vẻ bất cẩn như lần này.

Các tấm biển hiệu của chúng tôi ở các khúc cua đều bị lờ đi một cách không thương tiếc. Thậm chí chúng càng kích thích chú Foley nhấn ga phóng nhanh hơn. Cô Teresa há hốc miệng kinh hãi trước sự liều mạng đó của chồng. Còn chúng tôi thì mặt mày tái xanh vì choáng váng. Đáng sợ hơn nữa, từ phía sân sau của câu lạc bộ lướt sóng, mọi người đang reo hò cổ vũ nhiệt tình cho màn biểu diễn táo bạo kia chú Foley.

Ở khúc cua gần cuối, chú phóng nhanh đến nỗi đất, đá, sỏi văng tứ phía và rơi rào rào xuống biển. Và đến khúc cua cuối cùng thì chú rồ ga bay vèo một cái, đỗ xịch xuống sân. Cả đám chúng tôi chạy tóe khói vào trong vườn, kinh hãi nhìn bánh xe sau vẫn đang quay tít thò lò trên cát làm bụi bay mù mịt, tiếng xe phanh kít đến chói tai.

Động cơ xe đã tắt nhưng chú Foley vẫn tiếp tục cười ha hả. Tiếng cười sảng khoái như những lần chú sắp kể chuyện cười. Và lần này người kể chuyện cười là chúng tôi còn chú Foley là khán giả. Có lẽ chú sẽ còn cười lâu nữa, nếu không bị ông Galore Bàn Tay Vàng ngắt lời. Ông như muốn nhắc nhở rằng trời đã về khuya, buổi trình diễn cũng nên kết thúc đi được rồi, bằng bản nhạc “Chúa phù hộ Đức Vua”. Còn với chúng tôi, những gì vừa xyar ra phải gọi là “Chúa phù hộ Foley Can Đảm” mới đúng.

20

Buổi sáng hôm sau, chú Foley lại có thêm một trận cười đã đời nữa khi nhìn thấy một đám mây tan tác trên trời. Có ai đó lại kể chuyện cười và viết chúng lên trời xanh không?

Trong cơn xười sằng sặc của mình, chú khó nhọc thốt ra mấy từ: “Là trò của Jones Lốc Xoáy đây mà!”.

“Chú Jones Lốc Xoáy í ạ?” - chúng tôi tò mò hỏi, nhớ lại lần chú Foley kể về bạn diễn khi xưa của mình tại các cuộc đua.

“Là chú ấy đấy”.

Chúng tôi ngửa mặt lên trờ quan sát đám mây kia, nhưng chịu không đánh vần ra được nội dung của nó. Sau khi đã bình tĩnh trở lại, chú Foley vui vẻ giải thích với chúng tôi rằng chú Jones Lốc Xoáy đã chuyển từ nghề lái mô tô biểu diễn sang làm nghề vẽ biển quảng cáo cuối tuần. Và khi đăm đắm nhìn vào bầu trời xanh thẳm đó, chúng tôi bỗng có cảm giác như đang nhìn vào tương lai của mình, cố căng mắt đánh vần xem cái tên nào trong năm cái tên đang được công bố với toàn thế giới.

Đột nhiên cô Teresa gọi chú Foley vào bê hộ cái ô to ra dựng ngoài bãi biển. Bọn tôi cũng lục đục kéo nhau ra ngoài cồn cát. Cái chữ viết nguệch ngoạc trên trời kia tiếp tục bám theo chúng tôi như một hồn ma. Tôi đã đưa nó vào trong khung ảnh và trầm ngâm nghiên cứu rất lâu nhưng vẫn không thể dịch ra nổi ý nghĩa của nó. Kế đến, tôi đưa chú Foley và cô Teresa vào tầm ngắm. Cả hai đang nằm phơi nằng bên dưới cái ô màu xanh lá cây khổng lồ khi nãy. Giữa họ có đủ chỗ cho năm đứa trẻ rưỡi nho nhỏ nằm cùng.

Có vẻ như Fido và Spark cũng có chung suy nghĩ ấy với tôi. Bỗng dưng, tôi ước gì những thứ tôi tưởng tượng qua cái khung ảnh cũ này có thể trở thành hiện thực, nhưng chỉ trong phạm vi bốn góc khung ảnh này mà thôi. Bờ cát trắng bỗng biến thành những bức tường trắng của nhà thờ Serenity. Tiếng đàn piano của ông Galore Bàn Tay Vàng nổi lên réo rắt. Những cây nến to làm bằng sáp ong được thắp sáng trên cái giá nến khổng lồ bằng đồng thau, bốn cái quan tài nhỏ được phủ cờ làm từ ga giường nhà McAnsh. Bên trong là bốn cái xác của bốn tín hiệu xấu số: Maps Prior, Misty Hayward, Spark Monahan, Fido Ward. Bốn đứa trẻ tội nghiệp, trong lúc đang hóng mát trên biển chẳng may bị lật xuồng và chết đuối, cuối cùng được sóng đánh dạt vào bờ, trôi đến chỗ của con ngựa già Socrates. Trong bức hình, tôi là đứa khóc to nhất, nước mắt nước mũi giàn giụa. Cô Teresa đứng một bên xoa tay tôi động viên, bên kia là chú Foley đang quàng tay ôm lấy vai tôi.

Ít ra thì cái chết tưởng tượng đó của bốn thằng tụi tôi cũng là do tai nạn mà ra. Đó là tôi vẫn còn chưa nghĩ đến chuyện mưu sát đâu đấy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: