Chương 10

Cuộc sống tần tiện và kỷ luật tại St. Roderick đã vô tình nhen nhóm cái tính nhỏ nhen, ganh đua trẻ con giữa mấy thằng tụi tôi, nhưng những thứ đó đã biến mất ngày khi chúng tôi bước chân vào thế giới tràn ngập ánh nắng Mặt Trời và tự do tại cái vịnh Captain’s Folly này. Thậm chí tôi đã cho rằng Thiên đường hay vườn địa đàng chính là nơi mà tất cả mọi sự cạnh tranh hay sự ganh đua – cũng như hậu quả của chúng – đều biến mất mãi mãi. Chúng tôi không còn là những cậu bé mang trái tim tội lỗi sau mỗi buổi cầu kinh tối Chủ nhật, chạy đua xem đứa nào tắt được nhiều nến nhất bằng cái chụp nến hình chóp. Cũng không còn tranh giành nhau quanh đĩa bánh mì và hũ mứt, chỉ vì một lát bánh mì trông có vẻ dày hơn hay phết nhiều mứt mận hơn một chút. Và khi đứng trước mặt các sơ, đứa nào đứa nấy lại tỏ ra ngoan ngoãn, hiền lành một cách khá là giả tạo.

Ngày thứ Năm của chúng tôi ở cái vịnh xinh đẹp này cũng là ngày cuối cùng của tháng 12. Lớp da bị cháy nắng trên lưng tụi tôi đã bắt đầu bong, mặc dù kem chống nắng của cô Teresa đã giúp chúng tôi khỏi những tổn thương da trầm trọng hơn.

Chú Foley sẽ quay trở về đêm nay, vì thế chúng tôi bỏ ra cả ngày quanh quẩn bên ông Lão Làng O’Leary, nghe ông giải thích xem người ta đã phải dùng toa móoc xe tải để chở hai nửa toa tàu cũ đó xuống triền đồi như thế nào.

“Phải nói đó là một điều thần kỳ” – ông mơ màng hồi tưởng – “Họ đã vượt qua sáu khúc quanh co gập ghềnh đó một cách ngoạn mục, hai nửa toa tàu đó được đưa xuống thung lũng an toàn và nguyên vẹn, thay vì lăn lông lốc xuống triền đồi và biến thành một đống sắt phế thải. Nếu mấy đứa chịu khó quan sát kỹ hơn bên dưới lớp sơn màu kem của hai nửa toa tàu, sẽ thấy trước đây nó từng là toa ăn hạng nhất. Một kết cục buồn cho cái toa tàu, nhưng đây quả đúng là một nơi lý tưởng để vứt bỏ ánh hào quang của quá khứ”. Ông ấy vẫn một mực tin rằng cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua là cần thiết để cân bằng lại giữa các quốc gia và lòng tốt giữa con người với nhau.

Ông chà đạp không thương tiếc lên hy vọng của tụi tôi về buổi tối cuối năm sắp tới. “Để ta nói cho tụi bay nghe. Đừng mong chờ sẽ có sự kiện gì hay ho được tổ chức. Sẽ chẳng bao giờ nơi đây tìm lại được cái không khí lễ hội tưng bừng như nó đã từng có. Thậm chí có người còn tạo ra cả một dàn pháo hoa của riêng mình ấy chứ. Ta không bịa đâu, một dàn pháo hoa thực thụ luôn. Những quả pháo sáng bay vút lên trời cao, tuôn trào thành hàng trăng hàng ngàn ngôi sao lấp lánh hoặc tạo thành những vòng xoáy sáng trắng như những cái chong chóng khổng lồ. Chỉ có điều chủ nhân chế tạo ra nó với mục đích để bán, nhưng mấy đứa biết đấy, khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, những trò chơi đó trở nên xa xỉ và lãng phí. Vì thế cậu ta cùng rất nhiều người khác đã bỏ tới thung lũng này. Chắc chắn rằng ở nơi nào đó trên kia, nơi họ đã từng dựng lều tạm bợ sống qua ngày, còn nguyên cả một kho…”

Một kho pháo hoa, ôi!

“Nhiều lúc ta vẫn tự hỏi” – ông lão tiếp tục – “không biết tới khi nào mới có một mồi lửa chạy dọc thảm cỏ xanh rì kia tới thẳng kho thuốc pháo ấy và thắp sáng cả vùng trời nơi đây vào một đêm giao thừa oi ả. Mặc dù nếu chuyện đó xảy ra, dám chắc con quỷ Henry sẽ lại hoảng hồn chuồn mất khi sắp sửa cắn mồi câu của ta.”

Và nếu chuyện đó xảy ra thật, sẽ không còn chút pháo hoa nào còn sót lại trên khu cắm trại bỏ hoang đó. Cả đám chúng tôi bỏ mặc ông già O’Leary lại một mình mà đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng của loài người, để lũ lượt kéo nhau lên khu cắm trại bỏ hoang kia.

Trên đó giờ đây chỉ còn lại những dải đất trồng, dấu tích của những khóm hành tây, khoai tây, cây đại hoàng, bắp cải… và những chiếc lều dựng tạm bợ, giấy dán tường được cắt ra từ các tờ báo, tạp chí, những bức ảnh quăn góc và những bức vẽ tay nguệch ngoạc của chính họ. Một trong số đó vẫn còn nguyên hai chiếc giường, chủ nhân của chúng có lẽ là fan trung thành của phim ảnh: bởi trên tường được dán đầy những bức ảnh cắt ra từ tạp chí của Marion Davies, Jean Harlow và Janet Gaynor. Trong khi người hàng xóm bên cạnh lại là fan cuồng nhiệt của các môn thể thao: bởi khắp nhà dán đầy ảnh của cung thủ Henry Segrave và chiếc cúp vàng, tay golf cừ khôi Gene Sarazen, nhà vô địch 100m tại Thế vận hội tổ chức tại Los Angeles, cùng nhà vô địch quyền Anh Gene Tunney.

Chủ nhân của mấy túp lều còn lại nếu không phải là người hứng thú với các vấn đề chính trị thì chí ít cũng là người thích theo dõi tin tức hàng ngày. Các bài báo được cắt ra xếp thành từng xấp ngay ngắn, với dòng tít nói về việc thủ tướng các nước và lãnh đạo các nền kinh tế thế giới gặp mặt nhằm tìm ra hướng giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế; và những dòng bình luận trào phúng đã nhạt màu. Bên dưới là bài báo ca ngợi Byrd, nhà thám hiểm tài ba người Mỹ là người đầu tiên bay tới Nam Cực và hình ảnh một vị thiếu tá lục quân mới thăng cấp hàm tại cầu cảng Sydney, dùng thanh kiếm cong cắt băng khánh thành. Ở góc phòng vẫn còn treo lủng lẳng quyển lịch của ba năm về trước.

Một vài căn có sàn, một số khác được trải vải bạt cắt ra từ mấy cái bao tải cũ. Tuy nhiên, tất cả đều đã mọc cỏ xanh rì, đây đó là mấy khóm hoa dại. Chúng tôi cậy tung nền nhà lên và ngó xuống bên dưới tìm kiếm nhưng không thấy bóng dáng cây pháo hoa nào. Tuy vậy, mọi nỗ lực của chúng tôi không phải là vô nghĩa. Cả đám tìm được cả một thùng đựng dụng cụ câu cá, đủ cần câu cho mỗi đứa một chiếc, mấy cuộn dây câu vẫn còn tốt và mấy cái móc câu vẫn sắc nhọn, dù đã hơi bị gỉ.

Nơi đây chẳng bị bỏ không như tụi tôi đã nghĩ. Thứ nhất, trên mấy bức tường đã tróc sơn vẫn còn những bông hoa hướng dương đang nở rộ, chứng tỏ chủ nhân trước kia của chúng là những người thanh nhã và biết hưởng thụ cuộc sống. Thứ hai, nghe đồn ở đây có ma.

Maps chỉ vào căn lều trước mặt chúng tôi và thì thào: “Căn lều đó có ma”. Chỉ một câu đó thôi cũng đủ khiến bốn đứa còn lại rúm ró sợ hãi. Maps không phải là không có lý khi nói như vậy, bởi chúng tôi nghe thấy có tiếng rên rỉ vọng ra từ bên trong. Không lẽ có ma quỷ ở cái vịnh Captain này thật? Theo lời sơ Catherine ở St. Roderick, mỗi khi xuất hiện, quỷ sa-tăng phát ra những tiếng kêu kỳ dị khác thường. Hắn thường quanh quẩn tại hiện trường những vụ án mạng chưa tìm ra hung thủ. Có lẽ khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, đã có người bị ám sát tại đây.

“Vào đi” – Maps giục Spark, kẻ đang lộ vẻ tò mò thấy rõ, nhưng vẫn còn hơi chần chừ - “Tớ thách cậu đánh thức hắn dậy đấy”.

“Đánh thức ai?” – Spark bật lại.

“Con ma đang ngáy khò khò đó”.

“Được rồi!” – Spark hít một hơi dài, hai tay xốc lại cái cạp quần chon gay ngắn, cái cách mà cậu ấy vẫn thường làm mỗi khi nhận lời thách đó của tụi tôi – “Được rồi, mình sẽ thử. Hi – hi!”

Mấy năm nay chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm với những người ngủ ngáy rồi. Tuy nhiên, nếu so với con ma trong lều kia thì mấy sơ ở St. Roderick vẫn như có bộ giảm thanh trong người vậy.

Đây cũng là căn lều rộng nhất tại khu đất bỏ hoang này, trần nhà được lợp thiếc, và cửa sổ không có kính. Lũ chúng tôi lùi ra xa trong khi Spark rón rén tiến về căn lều, thò đầu qua cửa sổ nhìn vào bên trong. Spark giống như con mèo hoang đang rình mò con cá mà chú ngựa già Socrates bắt được từ dưới biển, còn bốn đứa chúng tôi là đám mèo con đang thập thò đứng đợi từ xa.

Trong lều, tiếng ngáy vẫn vang lên đều đều như lò kéo bễ.

Spark lom khom dưới bệ cửa sổ thêm một lúc nữa, rồi nhón chân chạy thật nhanh về phía mấy đứa tụi tôi.

“Ai thế?” – Maps hỏi vội.

“Rip Van Winkle”.

“Là ai?” – Fido ngẩn người ra.

“Nhân vật trong truyện của Washingto Irving, nằm ngủ suốt nửa đời người, để rồi khi thức dậy đã thấy râu tóc bạc phơ dài đến tận gót chân.” – Spark giải thích.

Có lẽ cái người nằm trong căn lều đó đã bỏ thành phố tới đây, để trốn chạy cái đói và những khu phố thất nghiệp, cũng như cảm giác xấu hổ khi phải xếp hàng chờ suất ăn bên ngoài các bếp ăn từ thiện. Để rồi chìm vào giấc ngủ dài đợi cho cơn khủng hoảng trôi qua và sự thịnh vượng quay trở lại với tất cả mọi người.

Giờ thì đến lượt Maps bị thách đố.

“Thách cậu đánh thức được hắn dậy đấy”.

“Có lẽ hắn không muốn bị đánh thức”.

“Sao cậu không tự mình đi mà hỏi” – Spark cười sằng sặc và hô vàng cái khẩu hiệu đặc trưng của mình: “Hurrum! Hoo! Hee! Haw!”.

Maps nhìn chằm chằm ông bạn mình một lúc rồi miễn cưỡng chấp thuận lời thách đố. “Được thôi, tớ sẽ làm”. Nét mặt lạnh lùng, đầy cảnh giác của cậu ấy không hề lay chuyển một tẹo nào.

“Nhớ cù vào ngón chân hắn” – Spark ranh mãnh nói.

Vai mèo mẹ giờ đã được chuyển sang cho Maps. Tôi biết Misty và Fido cũng có chung sự ghen tị với tôi khi thấy vẻ bình tĩnh của Maps lúc chấp nhận lời thách đố đó của Spark.

Tiếng ngày o o giờ đã vọng tới cả chỗ tụi tôi đang đứng nghe như tiếng huýt sáo bị ai đó bóp nghẹt. Maps ngó nghiêng một hồi qua cửa sổ, sau đó chậm rãi đi về phía tụi tôi, một bên miệng nhếch lên đầy xảo quyệt.

“Spark, không hề có ngón chân nào”.

Hóa ra người nào đang ngáy đó không chỉ là nạn nhân của cuộc khủng hoảng mà còn là cựu chiến binh cụt chân của Đại chiến Thế giới lần thứ nhất!

“Vậy sao,” – Spark không chút do dự nói tiếp – “vậy thì kéo đuôi đi”.

Tất nhiên là Maps có cách giải quyết cái bí ẩn này một cách nhanh chóng và thực tế hơn, bằng cách vỗ hai tay thật mạnh vào nhau và gào ầm lên: “Chúc Mừng Năm Mới!”.

Tiếng ngày chợt ngưng bặt, một thân hình xám xịt bật dậy nhô cao hơn cả khung cửa sổ, Maps và Spark rú lên cười ngặt nghèo, chế nhạo ba thằng tụi tôi, lúc này đang ngẩn người ra vì bất ngờ. Hóa ra con ma ngáy ngủ đó chính là con ngựa già Socrates với hàm răng trắng lóa. Hy vọng rằng trong năm tới, Socrates sẽ bắt được nhiều cá to hơn. Chúng tôi coi đây là một trò đùa vui, để ăn mừng cho sự tự do của cả nhóm tại cái vịnh Captain’s Folly xinh đẹp này.

Thật không may, niềm vui đó không kéo dài được lâu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: