căn phòng lại rộn ràng
Tối hôm ấy, thứ Ba tháng Tám năm 1965, Robert Kincaid không rời mắt khỏi Francesca Johnson. Chị cũng nhìn lại anh như thế. Đứng cách nhau ba mét, mắt họ như dính chặt vào nhau, chắc chắn, gần gũi, không gỡ ra nổi.
Chuông điện thoại reo. Hồi chuông thứ nhất và thứ hai, chị vẫn nhìn anh, không nhúc nhích. Một lúc im lặng dài sau hồi chuông thứ hai, và trước khi có hồi thứ ba, anh hít một hơi thật sâu rồi nhìn xuống cái túi đựng máy ảnh. Lúc ấy, chị mới có thể qua căn bếp đến chỗ điện thoại treo trên tường, ngay sau ghế anh ngồi.
- Nhà Johnson đây... Chào Marge. Vâng, tôi khỏe. Tối thứ Năm ư? - chị nhẩm tính - Anh ấy bảo sẽ ở đây một tuần, anh ấy mới đến hôm qua, hôm nay là thứ Ba.
Quyết định nói dối thật dễ dàng.
Chị đứng cạnh cửa ra hiên, tay trái cầm điện thoại. Anh ngồi trong khoảng một tầm tay, lưng quay về phía chị. Chị giơ tay phải đặt lên vai anh, cung cách tự nhiên của một số phụ nữ với người đàn ông họ quan tâm. Chỉ trong hai mươi bốn giờ, chị đã cần đến Robert Kincaid.
- Này Marge, đến hôm ấy tôi liên hệ sau nhé. Tôi định đi Des Moines mua sắm. Một dịp tốt để làm mà cứ lần lữa mãi. Chị biết đấy, Richard và bọn trẻ đi vắng mà.Bàn tay chị vẫn đặt nhẹ lên vai anh. Chị cảm thấy bắp thịt anh chạy từ cổ xuống vai, ngay sau xương đòn. Chị nhìn xuống mái tóc hoa râm rẽ gọn gàng của anh. Thấy cổ áo anh bồng bềnh. Marge thì cứ huyên thuyên.
- Vâng, Richard vừa gọi về... Không, ngày mai, thứ Tư mới chấm giải. Richard nói đến thứ Sáu mấy cha con mới về. Thứ Năm cả nhà còn muốn xem nhiều thứ nữa. Chuyến đi dài thật, nhất là xe chở gia súc... Không, trận đá bóng không bắt đầu tuần sau đâu. Ừ, một tuần nữa. Tôi nhớ là cháu Michael có nói thế.
Chị nhận thấy thân thể anh thật ấm áp dưới lớp sơ mi. Hơi ấm thấm vào bàn tay chị, chuyển lên cánh tay, rồi từ đó lan khắp nơi nào nó muốn, không hề gắng sức - thực ra là chị không kiềm chế nổi nó. Anh vẫn im lặng, không gây một tiếng động nào để Marge có thể nghi ngờ. Francesca hiểu điều đó.
- À vâng, đấy là một người hỏi đường - chị đoán Floyd Clark vừa về đến nhà là kể ngay với vợ về chiếc xe tải màu xanh hôm qua anh ta thấy đỗ trong sân nhà Johnson.
- Một nhà nhiếp ảnh à? Giời ạ, thế mà tôi không biết. Tôi không chú ý lắm. Có lẽ thế. - câu nói dối lúc này đến trôi chảy hơn.
- Anh ta đang tìm cầu Roseman... đúng thế không? Để chụp ảnh những cây cầu cổ? Ôi chào, thế thì cũng chẳng hại gì.
- Hippie à? - Francesca cười khúc khích và nhìn mái đầu Kincaid chầm chậm lắc tới lắc lui. - Thế à, tôi không biết dân hippie nom ra sao đấy. Người này lịch sự lắm. Anh ta chỉ lưu lại vài phút rồi đi ngay... Tôi không biết ở Ý có hippie không, Marge à. Tôi không về đấy tám năm nay rồi. Hơn nữa, như tôi đã nói, tôi không biết dân hippie trông như thế nào mà.
Marge còn nói về tình yêu tự do, về chuyện làng xã và ma túy chị ta đọc ở đâu đó.
- Marge, lúc chị gọi tôi sắp đi tắm, nên bây giờ phải chạy đi ngay kẻo nước nguội mất... Tôi sẽ gọi lại sau nhé. Tạm biệt.
Chị không thích buông tay khỏi vai anh, nhưng không còn lý do gì để nấn ná. Thế là chị bước tới chỗ bồn rửa và bật radio. Lại nhạc đồng quê. Chị chỉnh âm lượng cho đến khi rõ âm thanh của một dàn nhạc lớn.
- Tangerine, - anh nói.
- Gì kia?
- Một bài hát. Tên là Tangerine. Về một người phụ nữ Argentina. - Câu chuyện lại loanh quanh. Về đủ thứ, về bất cứ thứ gì. Cưỡng lại thời gian và cảm xúc nói chung, lắng nghe đâu đó trong tâm thức tiếng cách yếu ớt của cánh cửa khép lại sau hai người, trong căn bếp ở Iowa.
Chị thoáng mỉm cười với anh:
- Chắc anh đói rồi? Súp cho anh có sẵn đây. -
- Hôm nay là một ngày dài và tốt lành. Tôi nghĩ uống thêm bia nữa trước khi ăn cũng không sao. Ta uống với nhau nhé? - Anh đang trì hoãn, cố níu lấy sự bình tĩnh mỗi lúc một mất dần.
Chị cũng thế. Anh mở hai chai rồi đặt một chai lên bàn, về phía chị.
Francesca thích thú vì diện mạo và cảm xúc của chị. Rất nữ tính. Đấy là thứ chị cảm nhận. Ánh sáng, hơi ấm và sự yểu điệu dịu dàng. Chị ngồi trên ghế nhà bếp, vắt chéo chân, diềm váy chấm ngay trên đầu gối phải. Kincaid dựa vào tủ lạnh, cánh tay khoanh lại trước ngực, bàn tay phải cầm chai Budweiser. Chị hài lòng thấy anh chú ý đến chân chị, và anh cũng vui.
Anh để ý đến mọi thứ ở chị. Lẽ ra anh nên ra khỏi đây sớm hơn. Trong anh lý trí gào thét "Đi đi, Kincaid, ra khỏi đây ngay lập tức. Hãy chụp các cây cầu, hãy đến Ấn Độ. Dọc đường, hãy dừng chân ở Bangkok, hãy chiêm ngưỡng con gái ông hàng lụa, người biết mọi điều bí ẩn mê ly ngày xưa. Cởi truồng ra mà bơi với nàng lúc rạng động trong cái hồ giữa rừng thẳm, hãy lắng nghe nàng la hét lúc ngươi lộn nàng từ trong ra ngoài khi chiều xuống. Hãy đi ngay, lúc này giọng nói rít lên. - Chạy cho nhanh!".
Nhưng một bản tango chầm chậm đã bắt đầu ngoài phố. Nghe vang vọng tiếng phong cầm cũ chơi từ một nơi nào đó. Tiếng đàn xa lắm, văng vẳng lúc từ phía sau, lúc ở phía trước, Robert không biết chắc từ đâu. Nó vọng tới tai anh, đều đều. Theo cách đánh giá của anh, âm thanh nọ không rõ nét và tắc nghẹn. Nhưng nó vẫn vọng tới, cho dù không rõ từ đâu, nhưng chắc chắn nó bay thẳng tới Francesca Johnson.
- Chúng ta khiêu vũ đi, nếu chị muốn. Tiếng nhạc nghe khá rõ đấy, - anh nói với vẻ nghiêm trang, bẽn lẽn của anh. Rồi anh vội nói. - Tôi khiêu vũ không giỏi lắm đâu, nhưng nếu chị ưng thì tôi có thể xoay xỏa được trong một căn bếp.
Jack cào sồn sột vào cửa hiên, đòi vào. Nó vẫn ở bên ngoài.
Francesca hơi đỏ mặt.
- Tôi cũng không hay khiêu vũ. Hồi trẻ ở Ý thì có, nhưng bây giờ chỉ trong dịp Năm mới và cũng khiêu vũ in ít thôi.
Anh mỉm cười, để chai bia lên quầy. Chị đứng dậy, họ tiến đến gần nhau. "Đây là vũ hội tối thứ Ba của bạn, từ WGN, Chicago, một giọng nam trung mượt mà. - Chúng tôi sẽ trở lại sau phần tin tức."
Cả hai bật cười. Điện thoại và thương mại. Một cái gì đó thực tế vẫn len vào giữa họ. Họ biết, tuy không nói ra.Nhưng anh đã vươn tay ra, bàn tay trái anh nắm lấy bàn tay phải chị. Anh thoải mái dựa vào quầy, chân bắt chéo, chân phải lên trên. Chị dựa vào bồn rửa cạnh anh, nhìn ra cửa sổ gần cái bàn, cảm nhận những ngón tay mảnh dẻ của anh quanh bàn tay chị. Trời không gió, và ngô đang lớn lên.
- Ô, đợi một phút, - chị miễn cưỡng buông tay và mở ngăn dưới cùng, bên phải. Chị lấy ra hai cây nến trắng mua ở Des Moines sáng nay, mỗi cây cắm trên một giá nến bằng đồng xinh xắn. Chị đặt chúng lên bàn.
Anh bước tới, nghiêng người châm từng ngọn một, trong lúc chị tắt đèn trên đầu. Lúc này tối hẳn, ngoài những ánh lửa nhỏ bé chĩa thẳng lên trên, chỉ hơi rung rinh trong một đêm không gió. Căn bếp giản dị chưa bao giờ thơ mộng như thế này.
Tiếng nhạc lại bắt đầu. May cho hai người, đây là bản Lá thu chậm.
Chị thấy lúng túng. Anh cũng vậy. Nhưng anh cầm tay chị, đặt cánh tay quanh eo chị, chị bước vào trong vòng tay anh và nỗi ngượng ngập biến mất. Dù sao cũng thấy dễ chịu. Anh vòng cánh tay xa hơn trên eo chị và kéo chị lại gần hơn.
Chị có thể ngửi thấy mùi của anh, sạch sẽ, thơm mùi xà phòng và ấm áp. Mùi dễ chịu của người đàn ông lịch sự, người mà hình như vẫn còn phần nguyên sơ.
- Nước hoa thơm quá, - anh nói và kéo bàn tay họ đặt lên ngực anh, gần vai anh.
- Cảm ơn anh.
Họ khiêu vũ chậm rãi. Không chuyển động quá nhanh theo bất cứ hướng nào. Chị cảm thấy chân anh áp sát vào chân chị, bụng họ thỉnh thoảng chạm vào nhau.
Bài hát hết, nhưng anh vẫn ôm chị, ngân nga giai điệu vừa xong, cho đến lúc bài mới bắt đầu. Anh tự động dẫn chị vào bài, vũ điệu tiếp tục trong lúc những con châu chấu than thở về tháng Chín sắp tới.
Chị cảm nhận cơ bắp trên vai anh dưới lần sơ mi vải bông nhẹ. Anh có thật, thật hơn bất cứ thứ gì chị từng biết. Anh hơi cúi xuống, áp má mình vào má chị.
Trong lúc họ ở bên nhau, có lần anh gọi mình là một trong những chàng cao bồi cuối cùng. Họ đang ngồi trên cỏ cạnh máy bơm đằng sau nhà. Chị không hiểu và hỏi lại anh.
- Có một lớp người nào đó đã trở thành lỗi thời, - anh nói. - Hoặc gần như thế. Thế giới ngày càng trở nên ngăn nắp, quá ngăn nắp, như tôi và một số người khác thấy. Mọi sự cứ phải đâu vào đấy, vật nào chỗ nấy. Tôi thừa nhận máy ảnh của tôi cũng là thứ quá ngăn nắp, nhưng tôi đang nói về những cái khác. Những phép tắc và quy định, những lề luật và tập tục xã hội. Những tôn ti trật tự trong chính quyền, những vùng bị khống chế, những kế hoạch dài hạn và ngân sách. Chúng tôi tin Phật, một quyền năng hợp thành. Một thế giới đầy những bộ quần áo nhàu nhĩ, còn dính nhãn hiệu.
Không phải tất cả cánh đàn ông đều thế. Một số thoải mái trong cõi nhân gian sẽ đến. Một số, có lẽ chỉ là số ít trong chúng ta, thì không. Chị có thể thấy điều đó trong những lời cảnh báo trên máy tính và robot. Trong thế giới cổ hơn, những việc chúng ta có thể làm, định làm, không người nào hoặc máy móc nào có thể làm được. Chúng ta chạy nhanh, khỏe khoắn và nhanh nhẹn, hung hãn và dẻo dai. Chúng ta có sẵn lòng can đảm. Chúng ta có thể ném lao rất xa và đánh nhau tay vo.
Dần dà, máy tính và robot sẽ điều khiển mọi thứ. Con người sẽ quản lý máy móc nhưng việc đó không đòi hỏi sự dũng cảm, sức mạnh hoặc bất cứ phẩm chất nào tương tự. Trong thực tế, con người thường sống lâu hơn năng lực của họ. Thứ bạn cần là những ngân hàng tinh dịch để duy trì nòi giống, và những thứ đó hiện nay sắp là hiện thực. Phần lớn đàn ông là những người tình sa đoạ, đàn bà nói thế, vì vậy thay thế tình dục bằng khoa học chẳng mất mát gì lớn lắm.
Chúng ta đang từ bỏ tự do, ngày càng chăm lo sắp xếp, tô điểm diêm dúa cho những xúc cảm của mình. Năng suất, hiệu quả, và đủ mọi thứ linh tinh khác của phát minh trí tuệ. Cùng với việc đánh mất tự do, các chàng cao bồi biến mất cùng sư tử núi và chó sói xám. Du khách chẳng còn lại quá nhiều nơi để mà đến.
Tôi là một trong những chàng cao bồi cuối cùng. Nghề nghiệp cho tôi một khoảng tự do nhất định. Nó là thế đấy, trong cái thời buổi tân tiến này, chị hiểu được mà. Tôi cũng chẳng lấy làm buồn vì chuyện đó. Chỉ hơi bâng khuâng một chút thôi, có lẽ chỉ thế thôi. Nhưng đấy là cách duy nhất để ta không huỷ hoại chính mình. Theo tôi, các hoócmôn nam là nguyên nhân đầu tiên gây nên mọi phiền toái trên hành tinh này. Nó là thứ chế ngự bộ lạc hoặc các chiến binh khác. Nó hoàn toàn khác với tên lửa. Nó cũng hoàn toàn khác với sức mạnh phá hoại thiên nhiên theo cách chúng ta đang làm. Rachel Carson' đúng. John Muir' và Aldo Leopold' cũng vậy.
(1 Rachel Louise Carson (1907-1964): nhà sinh học biển của Mỹ. Bà là tác giả nhiều cuốn sách về sinh thái được đọc rộng rãi trên toàn cầu. 2 John Muir (1838-1914): nhà thám hiểm, nhà văn và nhà tự nhiên học người Mỹ. Ông là người tích cực bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã. 3 Aldo Leopold (1886-1948): nhà tự nhiên học, triết học và bảo vệ thiên nhiên, có ảnh hưởng lớn đến phong trào bảo vệ môi trường.)
Hầu như chắc chắn đây là lúc chúng ta phải dành dụm mọi thứ cho tuổi thơ và tuổi trưởng thành. Khỉ thật, tôi hiểu điều đó lắm. Tôi thừa nhận nó. Nhưng tôi chỉ có thể cố làm ra những bức ảnh thật đẹp và cho chúng ra đời trước khi chính tôi trở nên lỗi thời hoặc chúng bị huỷ hoại hoàn toàn.
Chị đã nghĩ đến những điều anh nói trong nhiều năm ròng. Dù sao chăng nữa, nhìn qua bề ngoài chị thấy anh đúng. Đúng trong cách anh phủ nhận những điều anh nói. Anh gây sự với chính mình, nhưng hình như anh có khả năng kiềm chế, xoay chuyển và buông lơi khi anh muốn. Cả hai thứ đó làm chị bối rối, đồng thời lại cuốn hút chị, vô cùng mãnh liệt, nhưng đó là sức mạnh kiềm chế được, đo đếm được, nó hòa trộn với sự ấm áp, sôi nổi và trong nó không hề có bóng dáng của sự hèn hạ.
Trong cái đêm thứ Ba ấy, dần dà và không thể nào biết trước, trong lúc khiêu vũ trong bếp, họ dịch gần mãi, gần mãi vào nhau. Francesca ép sát vào ngực anh, chị phân vân liệu anh có cảm thấy ngực chị qua lần áo của hai người không. Chắc là có.
Anh cảm nhận điều đó rõ chẳng kém gì chị. Chị muốn cứ thế này mãi. Nghe những bài hát cũ, khiêu vũ lâu hơn, ép sát thân hình chị vào anh hơn nữa. Chị lại được là đàn bà. Căn phòng lại rộn ràng. Chậm rãi, dai dẳng, chị đang trở về quê nhà, đến một nơi chị chưa bao giờ được đến.
Trời nóng. Độ ẩm tăng lên, tiếng sấm rền vang ở mãi phía tây nam. Những con bướm đêm dính vào kính, nhìn vào những ngọn nến, săn đuổi lửa.
Lúc này anh như lún sâu vào chị. Chị lún sâu vào anh. Chị rời má khỏi anh, ngước cặp mắt đen láy nhìn anh, anh cúi hôn chị, chị hôn lại, nụ hôn mềm mại, rất lâu, lai láng.
Họ thôi giả vờ nhảy, cánh tay chị vòng lấy cổ anh. Bàn tay trái của anh vẫn đặt lên eo sau lưng chị, bàn tay kia vuốt ve cổ, má và tóc chị. Thomas Wolfe' đã nói đến "bóng ma của sự say mê xưa cũ". Bóng ma ấy khuấy động trong lòng Francesca Johnson. Trong lòng hai người.
(1 Thomas Wolfe (1900-1938): nhà văn Mỹ, có các tiểu thuyết ảnh hưởng lớn đến người đọc thế hệ ông.)
Ngồi bên cửa sổ trong ngày sinh lần thứ sáu mươi bảy, Francesca nhìn mưa rơi và nhớ lại. Bà cầm cốc brandy vào bếp và dừng lại một lát, đăm đăm nhìn vào đúng nơi hai người đã đứng. Xúc cảm tràn ngập lòng bà, bao giờ cũng thế. Suốt bao năm ròng, cảm xúc vẫn mạnh đến mức bà không dám đi sâu vào tiểu tiết quá một lần mỗi năm, hoặc không hiểu vì sao tâm trí bà rã rời khi đập vào bức màn cảm xúc.
Sự kìm nén, tránh né những hồi tưởng, đã trở thành chuyện sống còn. Dù rằng trong vài năm gần đây, những chi tiết còn giữ lại trong trí nhớ trở về thường xuyên hơn. Bà thôi ngăn cản chúng mỗi khi những hồi ức trào đến. Những hình ảnh rõ ràng, có thật và hiển hiện. Như hai mươi hai năm đã qua trở về. Chậm rãi, chúng lại thành chuyện có thực của bà, câu chuyện duy nhất mà bà muốn được sống lại.Bà biết mình sáu mươi bảy và chấp nhận điều đó, nhưng bà không thể hình dung Robert Kincaid gần bảy mươi lăm. Không thể tưởng tượng nổi, không thể hình dung ra, dù muốn hay không. Ông đã ở đây với bà, ngay trong bếp này, mặc sơ mi trắng, quần kaki, mái tóc dài hoa râm, đi dép nâu, vòng đeo tay bằng bạc, dây chuyền bạc quanh cổ. Ông ở đây, cánh tay ông ôm lấy bà.
Cuối cùng, chị rứt khỏi anh, lùi khỏi chỗ họ đứng trong bếp và cầm bàn tay anh, chị dẫn anh lên gác, qua phòng Carolyn, qua phòng Michael vào phòng chị, bật cái đèn nhỏ cạnh giường.
Giờ đây, sau từng ấy năm, Francesca cầm cốc brandy từ từ đi lên gác, bàn tay phải để đằng sau như kéo theo hồi ức về ông lên gác, xuống hành lang vào phòng ngủ.Những hình ảnh tự nhiên khắc sâu trong trí Francesca rõ ràng đến mức giống các bức ảnh của Robert. Chị nhớ như trong mơ cảnh quần áo tuột ra, hai người trần truồng trên giường. Chị nhớ anh ở trên chị ra sao, đưa bộ ngực chầm chậm áp vào bụng chị và lướt qua ngực chị. Anh làm thế lần nữa rồi lần nữa, giống như nghi thức ve vãn của động vật trong bài động vật học cũ. Lúc chuyển động trên người chị, anh lần lượt hôn lên môi, lên tai hoặc đưa lưỡi lướt trên cổ chị, liếm chị như một con báo uyển chuyển có thể làm thế trong lớp cỏ dài ngoài thảo nguyên.
Anh là người say đắm. Một con đực duyên dáng, rắn chắc, làm mọi việc công khai để chiếm hữu chị, chiếm hữu hoàn toàn đúng kiểu chị muốn trong lúc này.
Nhưng xa hơn chuyện thể xác, dù thực ra việc anh có thể làm tình rất lâu không mệt chỉ là một phần. Anh đằm thắm về tinh thần - lúc này nghe có vẻ sáo mòn, khi nhớ tới những việc như thế từ hơn hai chục năm. Đúng là đằm thắm về tinh thần, nhưng không hề sáo mòn.
Trong lúc làm tình, chị thì thầm với anh, gói gọn trong một câu:
- Robert, anh mạnh mẽ đến phát sợ.
Anh là người khỏe khoắn về thể chất, nhưng anh sử dụng sức mạnh một cách thận trọng. Còn hơn thế nữa.
Sex là một chuyện. Kể từ lúc gặp anh, không hiểu sao sự đề phòng của chị lắng xuống và - có thể chăng? - thay bằng sự thích thú, phá vỡ lề thói đơn điệu hàng ngày. Chị không ngờ đến nội lực kỳ lạ của anh.
Hầu như anh sở hữu chị mọi mặt. Đấy mới là thứ đáng sợ. Ngay từ đầu, chị không bao giờ ngờ một phần trong chị có thể tách rời mọi việc chị và Robert Kincaid làm, cái phần chỉ thuộc về gia đình chị trong cuộc sống ở quận Madison.
Nhưng anh đã lấy nó đi, lấy toàn bộ. Lẽ ra chị nên biết khi anh bước ra khỏi xe hỏi đường. Anh dường như là một pháp sư, và sự đánh giá ban đầu của chị là đúng.
Họ làm tình suốt một giờ, có lẽ còn hơn thế, rồi anh từ tốn tách ra và nhìn chị, châm một điếu thuốc cho mình, một điếu cho chị. Thỉnh thoảng anh lại nằm xuống cạnh chị, một bàn tay luôn lướt trên người chị. Rồi anh đi vào trong chị lần nữa, thì thầm những lời êm ái vào tai chị, rằng anh yêu chị, anh hôn chị giữa các câu, giữa các lời, cánh tay anh quàng quanh eo chị, kéo chị vào anh và anh vào chị.
Chị vừa thở nặng nhọc hơn vừa bắt đầu ngẫm nghĩ, để mặc anh đưa chị đến những nơi anh đã sống, và anh sống ở những chỗ lạ lùng, ma quái, xa cách hẳn các trực hệ Darwin.
Mặt chị vùi vào cổ anh, da chị áp sát vào da anh, chị ngửi thấy mùi sông và mùi khói củi, chị nghe thấy những đoàn tàu chạy máy hơi nước kêu phì phì ra khỏi sân ga mùa đông trong những đêm xa xôi, chị có thể thấy các lữ khách mặc áo choàng đen di chuyển theo những con sông đóng băng và xuyên qua đồng cỏ mùa hè, mài nhẵn con đường cho đến tận cùng. Con báo lướt khắp người chị, lần nữa, lần nữa rồi lần nữa, giống ngọn gió dài ngoài thảo nguyên; chị lăn tròn dưới anh, lênh đênh trên làn gió ấy như một trinh nữ ở điện thờ bước thẳng tới ngọn lửa thuần khiết, tuân phục, hằn dấu đường cong mềm mại của lãng quên.
Chị thì thào, khe khẽ, hổn hển:
- Ôi Robert, Robert... Robert... em lầm đường mất rồi.
Từ nhiều năm trước chị không còn cảm thấy cực khoái, nay chị lại có được nó sau một chuỗi dài ân ái với người đàn ông nửa người, nửa thú này. Chị ngạc nhiên vì anh, vì sự chịu đựng của anh, anh bảo chị rằng anh có thể đạt cực khoái trong tâm hồn cũng như thể xác, và những cơn cực khoái tinh thần có đặc tính riêng của nó.
Chị không hiểu anh định nói gì. Chị chỉ biết hầu như anh kéo một sợi dây quấn quanh hai người, chặt đến mức chị nghẹt thở mà không thể thoát ra được.
Đêm cứ trôi, vũ điệu quay cuồng thú vị vẫn tiếp diễn. Robert vứt bỏ mọi cảm giác vướng víu, chuyển hẳn vào một phần con người anh, chỉ còn là sự cụ thể, âm thanh và hình bóng. Lần xuống những đường mòn kiểu cũ anh đã đi qua, nhận hướng bằng những ngọn nến của nắng trời làm tan lớp băng giá trên cỏ mùa hè và lá vàng mùa thu.
Anh nghe những lời anh thì thầm với chị, dường như có một giọng khác đang nói. Những đoạn thơ của Rilke' "quanh ngôi tháp cổ... tôi đã đi vòng quanh đến một ngàn năm". Những dòng trong bài tụng ca Vầng Thái Dương của Navajo. Anh thì thầm với chị về những cảnh mộng chị đem đến cho anh, về cát bay, về những làn gió màu đỏ tươi, những con bồ nông màu nâu cưỡi trên lưng cá heo bơi đến miền bắc, dọc bờ biển châu Phi.
( 1 Rainer Maria Rilke (1875-1926): nhà thơ, nhà văn Áo- Đức. 2 Navajo: một trong những bộ lạc thổ dân lớn nhất nước Mỹ.)
Âm thanh, những âm thanh nho nhỏ, khó hiểu từ miệng chị lúc chị ưỡn cong người lên với anh. Nhưng anh hiểu trọn vẹn thứ ngôn ngữ đó, và cuộc tìm kiếm dài lâu của Robert đã đến hồi kết trong người đàn bà nằm dưới anh, bụng anh áp sát vào bụng chị, anh đi sâu vào trong chị.Cuối cùng anh đã hiểu ý nghĩa của các vết chân nhỏ bé trên những bãi biển hoang vắng anh từng đi qua, của các loại hàng hóa bí ẩn được chất lên các con tàu không bao giờ ra khơi, của những bộ mặt trùm khăn kín mít nhìn anh đi xuống những con phố ngoằn ngoèo trong các thành phố thời mông muội. Giống hệt một người thợ săn cừ khôi thời xưa, sau khi đi qua bao dặm đường xa nhìn thấy ánh lửa trại nhà mình, sự lẻ loi tan biến. Rốt cuộc. Cuối cùng. Anh đã đi đến tận bây giờ... đến tận đây. Anh nằm trên chị, hạnh phúc trọn vẹn và được bồi đắp hoàn hảo trong tình yêu dành cho chị. Kết cục là như thế.
Gần sáng, anh hơi nhấc người dậy và nhìn thẳng vào mắt chị, anh nói:
- Chính vì điều này mà anh ở đây, trên hành tinh này, vào lúc này, Francesca. Không đi lang thang hoặc chụp ảnh, chỉ yêu em thôi. Bây giờ thì anh hiểu. Anh đã rơi khỏi một nơi tuyệt vời, cao quý, rồi trở lại đúng lúc vì nhiều năm anh đã sống trên cõi đời này. Xuyên qua bao năm tháng ấy, anh rơi thẳng vào em.
Khi họ xuống gác, radio vẫn bật. Bình minh đã hé, nhưng mặt trời vẫn nấp sau màn mây mỏng tang.
- Francesca, anh muốn xin em một ân huệ, anh mỉm cười với chị lúc chị bận rộn pha cà phê.
- Dạ? - Chị nhìn anh.Lạy Chúa, mình yêu anh ấy đến thế, chẳng nền nếp tí nào, chị nghĩ, mình thèm muốn anh ấy nhiều hơn nữa, không bao giờ ngừng.
- Mặc quần jeans và áo phông em mặc tối qua, đi dép vào. Không mặc thêm gì nữa đấy. Anh muốn chụp em đúng như thế vào sáng nay. Một bức ảnh cho riêng hai chúng mình.
Chị lên gác, đôi chân yếu hẳn vì quấn quanh anh suốt đêm qua, chị mặc quần áo và ra đồng cỏ với anh. Chính ở đó, anh đã chụp cho chị bức ảnh mà mỗi năm chị lại đem ra ngắm nghía.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top