Người Việt trong cộng đồng dân di cư- phần 2
4. Thu nhập của người Việt
Thu nhập của người Việt đứng thứ mười trong bảng xếp hạng thu nhập cho nam giới, trong khi Ấn Độ giữ vị trí đứng đầu. Đan Mạch chỉ đứng thứ năm trong bảng xếp hạng cho nam. Trong bảng xếp hạng thu nhập cho nữ giới, Việt Nam vẫn giữ vững ngôi vị thứ mười, nhưng Ấn Độ tụt xuống hạng mười sáu, và Đan Mạch đứng thứ hai. Điều này chỉ ra rằng cộng đồng người Việt có sự cân bằng kinh tế cho cả hai giới, và người Ấn Độ có sự chênh lệch giới lớn. Hiểu theo nghĩa thông thường, một gia đình người Việt sẽ không có thay đổi quá lớn nếu một trong hai người mất việc, nhưng với gia đình người Ấn, khi người đàn ông mất việc, cuộc sống gia đình của họ sẽ bị đảo lộn.
Đáng chú ý là thu nhập từ việc làm của người Việt không cao hơn nhiều nhóm dân khác như Trung Quốc hay các nước Đông Âu. Trợ cấp xã hội là yếu tố khiến tổng cộng thu nhập của người Việt cao hơn những nhóm còn lại. Thu nhập từ trợ cấp xã hội có thể là tiền hưu, học bổng cho sinh viên, trợ cấp tàn tật, phụ cấp cho trẻ em và trợ cấp người nghèo v.v. Người Việt nhận trợ cấp xã hội ít nhất so với các nước có nguồn gốc tị nạn như Cộng hòa Nam Tư cũ, Iran, Liban, Irak, hay Apganistan. Có thể là do người Việt ở Đan Mạch lâu hơn nên có nhiều người được nhận lương hưu, và nhiều người trẻ được nhận học bổng. Điều đáng mừng là người Việt cũng có một phần nhỏ thu nhập từ hoạt động đầu tư, tương đương với các nhóm dân Âu, Á cùng vị trí.
Người Việt có tài sản ròng (tài sản còn lại sau khi đã trừ nợ) trung bình cao thứ tư ở Đan Mạch, sau nhóm ba nước Scandinavia, trên cả người Đức và người Anh. Tuy thu nhập của người Việt không vào hàng cao nhất, nhưng lại có tài sản ròng vượt trội, có thể là do người Việt ít vay nợ và giỏi tiết kiệm. Tài sản của người Việt có lẽ gắn liền với nhà ở, vì người Việt đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng nhóm người sống trong nhà mình sở hữu hơn là đi thuê.
Trong biểu đồ người tham gia thị trường lao động, người Đan Mạch có tỉ lệ 83% cho nam, 79% cho nữ, và 81% trung bình cho cả hai giới. Người Việt có chỉ số 70%, 67%, và 69%. Khi chỉ tính trong nhóm người trẻ tuổi ( từ 20 tuổi đến 40 tuổi), nam giới Việt chỉ đứng hạng trung bình với khoảng 82% tham gia thị trường lao động, trong khi phụ nữ Việt đứng đầu với tỉ lệ khoảng 98%. Điều gì đã xảy ra với các em trai trong vòng năm năm từ khi tốt nghiệp trung học cơ sở? Câu trả lời nằm ở phần sau.
5. Phạm tội khi đi bển
Người Việt gây tội phạm nghiêm trọng ở mức trên trung bình 16,19%, cao hơn so với chỉ số tội phạm 10,67% của người Đan. Nhìn vào bảng xếp hạng tội phạm, ta thấy càng có nguồn gốc tị nạn, tỉ lệ tội phạm càng tăng. Những nước đứng đầu bảng tội phạm cũng là những nước có nhóm dân nghèo, thu nhập thấp, theo đạo Hồi, và từ Trung Đông. Có thể có người cho rằng vì cảnh sát có định kiến xấu về người Trung Đông nên họ bị bắt và kết tội nhiều hơn các nhóm dân khác. Thực tế là ở Đan Mạch, người Trung Đông bị phân biệt, ví dụ như họ bị gây khó khăn khi vào sàn nhảy hay quán bar. Họ có thể bị từ chối chỉ vì dáng vẻ của mình. Trên phương tiện giao thông công cộng, người ta có thể sợ không dám ngồi cùng chỗ với người Trung Đông hay châu Phi. Lúc đó, dáng vẻ hiền lành vô hại của người châu Á sẽ là sự lựa chọn an toàn, điều mà tôi đã được chiêm nghiệm nhiều lần.
Báo cáo năm 2022 chỉ ra tỉ lệ tội phạm ở thế hệ người di cư thứ hai và thứ ba cao hơn thế hệ đầu, và tỉ lệ tội phạm của người từ nước thứ ba cao hơn người từ các nước phương Tây. Thế hệ di cư đầu tiên thường quá bận bịu với việc mưu sinh và chưa quen thông thổ. Nhưng thế hệ thứ hai và thứ ba đã được trải nghiệm sự bất bình đẳng trong nhà trường, ngoài xã hội chỉ vì màu da, chủng tộc. Họ là những người trẻ tuổi, vì thế tỉ lệ phạm tội cũng là lớn nhất. Nếu thế hệ thứ nhất chấp nhận bất công và luôn cảm thấy mắc nợ Đan Mạch vì sự cưu mang, thì thế hệ thứ hai muốn đòi quyền bình đẳng như mọi công dân được sinh ra và lớn lên ở đây. Khi bị đối xử bất công, họ cảm thấy bức xúc và bị mắc kẹt trong hoàn cảnh là người nhập cư. Hơn nữa, nhiều người trong số họ không có nơi nào khác ngoài Đan Mạch.
Tôi từng xem tin thời sự về những cậu trai trẻ, sinh ra và lớn lên ở Đan Mạch nhưng bố mẹ họ vẫn giữ quốc tịch nơi ra đi. Khi chót dại phạm tội cướp giật gì đó, họ bị trục xuất khỏi Đan Mạch về một đất nước Trung Đông xa xôi mà họ không biết tiếng, chỉ nghe kể từ bố mẹ và không có gia đình, người thân. Bạn sẽ làm gì nếu ở vào hoàn cảnh của họ?
Người Việt xuất hiện trên thông tin tội phạm nhiều nhất khi liên quan đến cần sa. Nói thực mỗi lần nghe tin cảnh sát bắt ổ trồng cần sa là tôi lại lo thon thót là người Việt dính vào. Mà người Việt dính vào thật. Đọc thông tin về những vụ trồng cần sa từ trước tới nay, hầu hết người bị bắt là người Việt trong vai trò chủ trại hay người lao động. Tra từ người Việt ở Đan Mạch trên Google bằng tiếng Đan, tin băng nhóm Việt trồng cần sa bị bắt xuất hiện trên trang đầu. Cách đây nhiều năm, nghề trồng cần sa đã theo người Việt từ Hà Lan lên Đan Mạch, giống như nó đã theo sang Anh và các nước khác ở châu Âu.
Một loại hình phạm pháp mới có liên quan tới người Việt là đưa người sang Đan Mạch làm việc theo chương trình di cư chính thức. Thường có sự khác nhau giữa lương trên hợp đồng và lương thực tế trả cho người lao động. Trường hợp người lao động bị trả lương thấp hơn nhiều mức lương trung bình, làm nhiều giờ hơn mức qui định 37 tiếng một tuần mà không được trả tiền làm thêm giờ (lệ thường được trả gấp đôi), bị gán nợ, bị ngược đãi, ức hiếp v.v. là những yếu tố hội tụ đủ để khép chủ vào tội buôn người có án tù phạt đến 10 năm. Nhẹ hơn là tội giữ nô lệ hiện đại có án tù 6 năm theo luật Hình sự (phân biệt qua lao động cực nhọc bị hành hạ hay không bị hành hạ).
Báo cáo nạn buôn người của Đan Mạch năm 2021 có sáu người Việt: năm người hoạt động tội phạm và một người là nạn nhân của lao động cưỡng bức từ một vụ án trồng cần sa. Trong báo cáo này có mười một người Thái, tất cả là phụ nữ bị ép làm gái bán dâm, trong đó có một người bị lừa qua kết hôn.
Nguồn: Human Trafficking in Denmark 2021, Danish Center against Human Trafficking. (Báo cáo nạn buôn người ở Đan Mạch 2021, Trung tâm chống buôn người Đan Mạch)
6. Người Việt trong mắt người Đan
"Người Việt ở Đan Mạch nhìn chung hòa nhập tốt và nhóm này đôi khi được mô tả là 'những người nhập cư ẩn mình' giống nhóm người Trung Quốc."- Wikipedia, Vietnamesere i Danmark (Người Việt ở Đan Mạch).
Trước 1975, người Đan chỉ biết đến Việt Nam qua tin thời sự chiến tranh. Nhiều người Đan khi nghe nói Việt Nam lại ồ à nhớ lại hồi trẻ tham gia biểu tình phản chiến trước cổng sứ quán Mỹ ở Copenhagen. Hai mươi lăm năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhân viên văn phòng ở trường quốc tế nơi con tôi xin học còn hỏi:- Đến từ Việt Nam à. Có phải là nước đang bị phân chia hai miền Nam Bắc không?
Sau 1975, người Đan tiếp xúc trực tiếp với người Việt di tản, rồi thế hệ mới người Việt là du học sinh được nhận học bổng, du học chuyển tiếp và thực tập sinh. Những sinh viên qua đây dưới dạng học bổng thường làm luận án tiến sĩ, là những người ưu tú nhất của Việt Nam. Họ có khả năng và vị thế khác nhiều so với người Việt di tản gần năm mươi năm trước.
Khi tôi hỏi trực tiếp ông chồng người Đan về đặc điểm của người Việt, tôi nhận được câu trả lời như sau: Người Việt có những đức tính tốt như thân thiện khi tiếp xúc, cởi mở, chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ. Mặt khác, người Việt có những hạn chế như không quan tâm đến đời sống chính trị xã hội, có văn hóa khép kín, và không uống rượu (ở một đất nước sản xuất và tiêu thụ đồ uống có cồn đứng đầu châu Âu, điều này là hạn chế).
Một số người Đan ở đây thì cho rằng người Việt giống như những nhóm dân châu Á khác vốn nổi tiếng là nhẫn nhịn, chịu đựng. Vì thế, nạn bắt nạt nơi làm việc có thể nhằm vào người châu Á trước tiên. Có thể vì chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, người ta càng lấn tới. Cho nên, chúng ta phải đứng lên tìm con đường tiến tới mục tiêu của mình (lấy ý tưởng trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch năm 1946).
Lời kết
Hai mươi lăm năm trước, khi gặp tôi, người ta hay hỏi là tôi đến Đan Mạch dạng thuyền nhân phải không? ( Dạ không, em đi máy bay KLM hạng thương gia ạ). Đến khi biết tiếng Đan rồi thì người ta hỏi tôi có phải là được nhận làm con nuôi rồi đến đây không? Thay đổi này chỉ ra rằng quá khứ thuyền nhân của người Việt đã lùi xa sau gần năm mươi năm kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ. Giờ thì chính phủ Đan Mạch nhìn Việt Nam như là một khách hàng tiềm năng cho sản phẩm năng lượng xanh, công nghệ tái chế rác thải, hay sản phẩm bào chế thuốc. Người Đan Mạch đã có ba mươi năm quan hệ thương mại với Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới, và họ đã có kinh nghiệm làm việc, tiếp xúc với người Việt nhiều.
Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi biết là người Việt đã có những thành công nhất định khiến người Đan kính nể. Tuy nhiên, chúng ta chỉ là một cộng đồng dân châu Á nhỏ bé trong cộng đồng dân di cư ở đây, dễ dàng bị nhầm với các nhóm dân châu Á khác. Có lẽ quá khứ thuyền nhân là thứ duy nhất làm người Việt khác biệt với các nhóm dân từ cùng khu vực. Và thành tích huy hoàng của những em bé Việt. Tôi viết những dòng này mà không kìm được thốt lên: - Người Việt giỏi quá! Chúng ta có quyền khen ngợi vì sự vượt khó, vì thành công của các em.
12/2023
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top