Người Việt trong cộng đồng dân di cư- phần 1
Cách đây nhiều năm tôi có đọc một bài báo đăng ở Việt Nam về người Việt ở Đan Mạch. Tác giả đến Đan Mạch du lịch thăm thân rồi kể lại. Bài báo nói người Việt ở Đan Mạch lười biếng, không làm việc mà chỉ chờ ăn trợ cấp xã hội, tiếng Đan thì không thạo. Một bài báo đúng kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", tuyên bố mà chẳng có dẫn chứng nguồn tin, số liệu cụ thể. Một người Việt du lịch sang đây thì giống một ông Tây sang ta: tiếng không biết, bảo gì biết nấy, sang đường còn phải dắt tay...
Đây là bài viết tôi ấp ủ đã lâu. Người Việt ở Đan Mạch có tiếng là kín tiếng, đóng cửa bảo nhau. Người châu Á nói chung ít ra mặt cạnh tranh, đấu đá trên trường chính trị. Dân châu Á đã có mặt ở Đan Mạch ít nhất một trăm năm nay, nhưng tôi chỉ biết một người châu Á làm chính trị duy nhất, Heidi Wang, một phụ nữ đến từ Đài Loan. Với lịch sử bị phương Tây chèn ép, chiếm làm thuộc địa tới bốn trăm năm bắt đầu với Malaysia năm 1511, người châu Á dễ có tâm lý nhược tiểu, tự ti. Văn hóa châu Á cũng không khuyến khích sự khoe khoang nổi bật. Vì khoe khoang nổi bật dễ bị kẻ khác ghen ghét và bức hại.
Phần lớn thông tin trong bài viết này là từ báo cáo Người nhập cư ở Đan Mạch 2022 (Indvandrere i Danmark 2022), bản báo cáo được viết hàng năm của Cục Thống kê Đan Mạch . Ngoài ra tôi cũng sử dụng thông tin từ các nguồn tin chính thức, ví dụ như Đài Phát thanh và Truyền hình Đan Mạch (DR) và tất nhiên là Wikipedia. May mà có Wikipedia, bạn đọc có thể tìm hiểu một chủ đề bằng nhiều thứ tiếng, nhất là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đan.
1. Lịch sử cộng đồng người Việt di cư ở Đan Mạch
Khi tôi tìm từ khóa người Việt trên Google bằng tiếng Đan, trên trang đầu xuất hiện thông tin theo thứ tự sau đây: nhiều nhất là về thuyền nhân và hoàn cảnh thuyền nhân Việt đến Đan Mạch từ 1975 trở đi, sau đó là những thành tựu của người Việt, ví dụ như thành công trong học vấn, hòa nhập, tiếp theo là quảng cáo của các nhà hàng và món ăn Việt, cuối cùng là những vấn đề cập nhật hơn như hợp tác thương mại Việt - Đan, người Việt trồng cần sa và người Việt sang học nghề, tập sự nông nghiệp ở cuối cùng.
Những người Việt đầu tiên tới Đan Mạch là vào tháng tư năm 1975. Nhà báo Henning Becker đã đưa một nhóm 204 người Việt, phần lớn là trẻ em đến Đan Mạch ngày 29 tháng tư năm 1975. Đó là khi người Đan tiếp xúc trực tiếp với người Việt thay cho nhìn trên màn hình tivi. Trong những bức ảnh đen trắng thời đó, người Việt ăn mặc không khác mấy người Đan, cũng quần ống loe trùm gót, áo bluson, chỉ có điều nhỏ con hơn.
Không lâu sau đó, Đan Mạch tiếp nhận người Việt di tản từ các trại tị nạn ở các nước châu Á như Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Philippines... Nhiều nhất là những thuyền nhân được tàu của Maersk[1] cứu trên biển, rồi họ được đưa đến Đan Mạch nếu không có nước nào nhận hay họ tự chọn. Người Việt di tản thời kỳ này hay nói với nhau số hiệu của con tàu mình được cứu để xác định thời điểm đến Đan Mạch. Nhiều người Việt chọn định cư ở Svendborg, thành phố quê hương của Maersk, hay làm việc cho Maersk vì ơn cứu nạn năm xưa. Họ cũng dựng bia kỷ niệm ở văn phòng chính của công ty và kỷ niệm sự kiện tàu Clara Mærsk, con tàu đã cứu 3.628 người Việt trên biển Đông vào ngày 2 tháng năm, năm 1975.
[1]Theo báo Kriteligt Dagblad (Thời báo Kitô giáo), từ 1975 đến 1989, 36 tàu của Maersk đã tham gia cứu hộ 61 lần, cứu được 6.594 thuyền nhân người Việt.
Thông tin của Đan Mạch xác định có 7.000 người Việt đến Đan Mạch dạng tị nạn, trong đó 4.000 là thuyền nhân[2]. Trong những năm 80, người ta còn được bảo lãnh bố, mẹ sang đoàn toàn tụ với con, cháu. Khi không còn người Việt di tản nữa, thì người Việt sau này di cư đến Đan Mạch dạng kết hôn, hay là du học sinh. Ở thời điểm hiện tại năm 2023, Đan Mạch có 16.472 người Việt, chiếm 4% số người nhập cư từ nước thứ ba (nguyên bản là không phải từ phương Tây trong báo cáo). Như vậy, người Việt di tản chiếm 42,5% trên tổng số người Việt hiện tại ở Đan Mạch.
[2]Nguồn Denstoredanske.lex.dk và Videnskab.dk.
Ghi chú: Tất cả các biểu đồ thống kê trong bài này là từ Cục Thống kê Đan Mạch - Danmarks Statistik.
Khi mới nhập cư, người Việt được gửi đến những nơi thưa dân như miền Bắc Jylland. Nhưng theo thời gian, người Việt tập trung dần về các thành phố lớn, nơi có nhiều cơ hội tìm việc, kinh doanh, và thành phần dân số đa sắc tộc. Trong biểu đồ dưới đây, người Việt tập trung sống nhiều nhất ở Aahus, rồi đến Odense và Copenhagen. Aahus là thành phố kinh tế trung tâm của Jylland, và Copehagen là thủ đô của Đan Mạch.
Tôi đã được nghe kể về hồi mới nhập cư của người Việt, như không biết mua gạo, mua nước mắm ở đâu. Rồi có một người Việt gốc Hoa nhanh nhạy trong trại tị nạn tìm ra và mua về bán lại cho người trong trại. Rồi chuyện hội Chữ thập đỏ đưa người Việt đến cửa hàng mua áo rét. Khi ra, cả đoàn vài chục người mặc cùng một kiểu áo, một màu giống nhau... Người kể và người nghe cười với nhau mà rưng rưng. Thương quá! Dù có ở đâu, làm gì, chúng ta vẫn là một cộng đồng với những thói quen khó bỏ.
Người Việt di cư hiện tại có thể mua nước mắm, mì ăn liền và bánh đa nem ở bất kỳ một siêu thị nào. Nhiều mặt hàng sản xuất ở Việt Nam có bán ở Đan Mạch như quần áo, giày dép, đồ điện tử, đồ nội thất... Nỗi quan tâm của chúng ta bây giờ không phải là mua nước mắm ở đâu, mà là tìm việc, học tiếng, tìm chỗ ở... Những quan tâm không khác với những nhóm dân nhập cư từ phương Tây.
Người Việt ở Đan Mạch dễ bị nhầm với người Trung hay người Thái. Nói về hình dáng thì người Việt gần với người Trung hơn, nhưng ở đây phụ nữ hay bị hỏi có phải là người Thái không? Tại sao họ không nhầm người Việt với người Nhật[3] hay người Nam Hàn, những cường quốc kinh tế của thế giới? Có phải vì người ta có tâm lý "đội trên đạp dưới" không? Khinh thường kẻ khác, hay thậm chí thương hại kẻ khác dễ dàng hơn là tôn trọng họ.
[3]Tôi đã được chính người Nhật hỏi khi tham dự hội hoa đào Sakura ở Copenhagen.
2. Trẻ em Việt ở trường học
Trẻ em Việt ở Đan Mạch thường là thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, sinh ra và lớn lên ở đây. Báo cáo Người nhập cư 2022 có những dòng trang trọng dành cho các em:
"Thế hệ trẻ Việt Nam là nhóm nổi bật cho cả trẻ em trai và trẻ em gái với điểm trung bình cao nhất[4]. Đối với cả hai giới, trẻ em Việt thậm chí có điểm trung bình cao hơn ... so với trẻ em có nguồn gốc Đan Mạch. Sau trẻ em Việt, các nhóm có điểm trung bình xếp hạng cao là trẻ em từ Afghanistan, Sri Lanka, Iran và Bosnia & Herzegovina."
[4]Nhận xét về kết quả điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở giai đoạn 2017-2021, gồm các môn cơ bản là tiếng Đan, tiếng Anh,Toán, Lý/Hóa, trang 80 trong báo cáo.
Trong bảng xếp hạng này không có trẻ em Trung Quốc, có lẽ vì phần lớn người nhập cư Trung Quốc là người trẻ, chưa lập gia đình và có con. Kinh nghiệm với bạn học người Trung của con trai tôi là các em rất xuất sắc, thường đứng đầu trong lớp.
Không chỉ riêng báo cáo mới nhất năm 2022, một bài báo khác trên Avisen.dk[5] chỉ ra kết quả đứng đầu xuất sắc của trẻ em Việt đã có từ giai đoạn 2009-2013. Tôi nhớ vào thời điểm 2014 có một bài báo chỉ ra rằng trẻ em Việt có điểm trung bình tốt nghiệp trung học cơ sở môn tiếng Đan còn cao hơn cả trẻ em Đan bản xứ.
[5]Avisen.dk, Disse indvandrerbørn er bedre end etnisk danske elever (Những trẻ em nhập cư giỏi hơn trẻ em người Đan).
Tôi có quen biết vài người Việt sang Đan Mạch khi còn nhỏ. Nhiều người trong số họ học những môn khó như luật, y, hay nha khoa. Họ lớn lên trong gia đình là người tị nạn, có thể còn chưa có đủ cơm ăn áo mặc như người bản xứ, vậy mà họ đã vươn lên và thành công ngay từ thế hệ đầu. Có lẽ truyền thống hiếu học và tính chăm chỉ, quyết chí của người Việt là nguyên nhân cho thành công trên học đường ở Đan Mạch.
3. Người Việt làm kinh doanh
Người Việt trẻ rất thành công trong môi trường học đường, nhưng dường như sau khi ra trường, họ không được nắm giữ những vị trí quản lý. Tôi ít khi thấy người Việt trong những vị trí quan trọng trong giới kinh doanh hay chính trị. Nếu có gương mặt châu Á nào, thì hầu hết là người Nam Hàn được nhận làm con nuôi, và vì thế, họ không có nền tảng tâm lý châu Á. Trong công ty tư nhân, có nhiều gương mặt châu Á ở vị trí khởi đầu, nhưng càng lên cao, họ càng thưa vắng.
Người Việt hoạt động kinh doanh nhiều ở lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ làm móng, cắt tóc, bán đồ thực phẩm. Đến bất kỳ một hiệu ăn châu Á nào, dù là đồ Nhật, đồ Thái hay đồ Trung, bạn cũng có thể bắt gặp người Việt làm chủ. Các hiệu làm móng thì có lẽ là trăm phần trăm là người Việt, không cần thử.
Trong dữ liệu những người làm chủ doanh nghiệp, người Việt không được nêu tên. Lý do là số liệu thống kê chỉ tập trung vào hai nhóm kinh doanh độc lập nhiều nhất và ít nhất. Nhiều nước trong nhóm Trung Đông, Trung Cận Đông như Liban, Irak, Thổ Nhĩ Kỳ làm kinh doanh độc lập. Người Philippines là nhóm có ít người kinh doanh nhất và người Hà Lan làm kinh doanh nhiều nhất. Tuy nhiên về tổng thể, người ở nước thứ ba có tỉ lệ làm kinh doanh cao hơn người Đan Mạch và người từ các nước phương Tây. Có lẽ là do họ gặp nhiều khó khăn trên thị trường lao động Đan Mạch và vì thế chọn con đường kinh doanh độc lập. Ngành nghề kinh doanh phổ biến nhất đối với người từ nhóm các nước thứ ba là bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch và lau dọn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top