Mẹ chồng Tây
Tôi gặp bà lần đầu tiên ở Việt Nam hồi hai mươi lăm tuổi. Bà nghĩ gì về tôi khi đó? Có lẽ bà nghĩ rằng tôi non nớt, quá trẻ để làm bạn gái của con trai bà. Lần đầu tiên gặp bà, tôi có chút hồi hộp đúng kiểu các cô gái Việt lần đầu ra mắt nhà bạn trai. Cả hai chúng tôi có điểm chung là đều tò mò về nhau, vì chúng tôi đến từ hai nền văn hóa cách nhau nửa vòng trái đất. Ấn tượng của tôi về bà là một người phụ nữ cao tuổi, tóc bạc trắng, gầy và nhanh nhẹn. Bà nói tiếng Anh thành thạo, dù đó là ngôn ngữ thứ ba của bà. Sau này biết nhiều hơn, tôi thấy bà điển hình cho những người phụ nữ di cư sang nước ngoài nhiều năm, có khả năng hội nhập cao về ngôn ngữ và văn hóa.
Lần đầu tiên tôi gặp bà là ở trong bếp. Bà đang nấu dở nồi mứt quất, một thử nghiệm với thứ quả nhiệt đới mới lạ. Nhờ bà mà tôi được nếm thử lần đầu món trứng bắc thảo của người Hoa, mặc dù gia đình tôi sinh sống ở Hà Nội lâu năm, chỉ cách phố người Hoa có vài trăm mét. Bà rất tò mò với văn hóa phương Đông, và bà khá dịu dàng trong cách đối xử với tôi. Lần đó, chúng tôi đã có một bữa ăn trưa cùng nhau vui vẻ.
Lần thứ hai gặp bà ở Hà Nội ba năm sau là khi chúng tôi đang chuẩn bị kết hôn. Hai ông bà chuẩn bị khá chu đáo cho lần gặp này, vì họ không chỉ gặp mình tôi mà còn gặp cả gia đình tôi nữa. Có lẽ họ đã tìm hiểu về phong tục đám cưới của Việt Nam, vì thế họ đã chuẩn bị quà tặng và đề nghị có buổi gặp khá trịnh trọng với bố mẹ tôi- một kiểu ăn hỏi hay dạm ngõ đơn giản. Sau đó chúng tôi có lễ đính hôn dưới sự chứng kiến của hai ông bà.
Mùa hè năm đó, chúng tôi về Đan Mạch tổ chức một bữa tiệc cho bên nhà chồng, bữa tiệc mà bây giờ mọi người vẫn gọi là đám cưới của chúng tôi ở Đan Mạch. Bà đối xử nhẹ nhàng với tôi, mà tôi đã không biết rằng đó là một biệt lệ. Điều này khác biệt đến nỗi, một người anh rể khi phát biểu chúc mừng trong đám cưới đã nói: "Không biết làm sao mà mà mẹ cưng chiều Lan đến thế?"
Bà quạt ngay lại: "Nói vậy là có ý gì?"
Không ai dám nói gì lại bà.
Tất nhiên là tôi không hiểu những lời này, vì hồi đó tôi chưa biết tiếng Đan.
Và rồi tôi có nhiều dịp gặp bà hơn khi đến định cư tại Đan Mạch. Bà khi đó bảy mươi tư tuổi. Mặc dù tuổi đã cao, dường như bà vẫn không hết những kế hoạch mạo hiểm. Một trong những kế hoạch đó là xây nhà mới theo cách xây dựng truyền thống, không dùng công nghệ hiện đại. Nghĩa là bà xây nhà hạn chế tối đa không sử dụng sắt thép. Vật liệu chính là đất sét, đá và gỗ. Hai ông bà sống ở vùng nông thôn miền Nam nước Pháp, trong một ngôi nhà duyên dáng hai tầng xây bằng đá. Họ bán ngôi nhà này đi để xây ngôi nhà mới trên cùng mảnh đất.
Rồi xui xẻo nối tiếp xui xẻo. Đầu tiên chủ thầu xây dựng biến mất với số tiền trả trước cho nguyên vật liệu. Rồi nhà mới xây đã bị nứt tường, sụt nền vì không có dầm sắt chống đỡ. Cuối cùng nhà cũng xây xong với rất nhiều hao tổn. Chúng tôi đến mừng nhà mới với bà vào kỳ nghỉ hè. Đó là lần đầu tiên tôi đến nhà riêng của bà.
Có những người khá đặc biệt. Họ có một nhu cầu hơn người về việc nắm quyền điều khiển, về sự làm chủ lãnh địa riêng của mình. Điều này tương tự như khi các loài vật đánh nhau để tranh giành hay bảo vệ lãnh địa. Bà trở thành người khó tính khi có khách. Không thứ gì làm bà hài lòng: việc cọ rửa dọn dẹp trong bếp hay thức ăn do người khác nấu. Một người chị dâu đã thở dài khi tôi hỏi về vị trí cất nồi: "Dù có để đâu thì cũng bị mẹ chồng nói là sai thôi."
Bà kìm chế lịch sự hơn khi đến Đan Mạch, khi họ đến làm khách ở nhà chúng tôi. Tuy nhiên họ không ở lâu, vì chỉ trong vài ngày họ đã dọn đi ở với họ hàng trong sự nuối tiếc của tôi. Sau này tôi mới biết là nhiều người trong nhà van vái để bà đừng đến ở nhà họ, vì bà thực sự trở thành chúa tể, hay là muốn là chúa tể mỗi nơi bà đến.
Hai ông bà có một trang trại trồng hạt óc chó ở Pháp. Trang trại của họ là một trong số ít trang trại đầu tiên được cấp chứng nhận thực phẩm sạch, vì thế sản phẩm của họ đắt hơn sản phẩm thường. Họ bán phần lớn sản phẩm ở Đan Mạch cho các nhà hàng cao cấp hoặc trực tiếp cho người tiêu dùng. Cây óc chó là cây trồng lâu năm mới cho thu hoạch, và trang trại này là kế hoạch nghỉ hưu của hai ông bà. Nghỉ hưu để làm nông dân! Một công việc cần nhiều sức, vất vả, rủi ro cao. Như những nông dân thực thụ, họ cũng phập phồng lo thời tiết, lo nóng lạnh, lo mưa nắng. Mà đó là sự lựa chọn của hai người thành phố, cả đời không làm việc với ruộng đồng: ông là kỹ sư xây dựng, bà ở nhà nội trợ với năm đứa con trai.
Bà nói thứ tiếng Đan cổ xưa như trong phim của Đan Mạch những năm năm mươi. Hồi đó họ nói kéo dài âm cuối và rõ hơn bây giờ. Bà tự hào cho giọng nói Klampenborg của mình. Đó là một vùng ngoại ô giàu có ven biển nằm ở phía bắc Copenhagen, gần kề công viên quốc gia Dyrehaven vốn là bãi săn của hoàng gia ngày xưa. Mỗi biệt thự ở đây lớn gấp hai nhà bình thường, đủ chỗ ở cho một gia đình năm bảy người, cộng thêm phòng cho người giúp việc. Em gái của bà lấy một vị quí tộc ở cùng khu vực. Chắc chắn tiếng Đan bà nói là thứ tiếng thượng lưu hồi đó. Nhưng người con gái thượng lưu này không may mắn. Bà ly dị và trở thành mẹ đơn thân khi còn trẻ.
Ai xem phim Madman cũng có thể tưởng tượng làm một người phụ nữ ly dị những năm năm mươi bị kỳ thị đến thế nào. Mà hồi đó, phụ nữ ly dị phần lớn là do đức ông chồng phụ bạc. Người chồng Pháp của bà cũng vậy, và bà trở thành mẹ đơn thân vào tuổi hai mươi tám. Trong sáu năm, bà từ một cô sinh viên học tiếng Pháp ở đại học Sorbonne trở thành bà mẹ một nách hai con, rồi bà mẹ đơn thân trở về sống dựa vào cha mẹ. Hồi đó, bà bị trầm cảm một thời gian.
Rồi tình yêu cũ của bà đưa tay cứu bà khỏi bệnh trầm cảm. Ông cầu hôn bà, mặc cho mọi người ngăn cản, cả vì ý tốt lẫn ý xấu. Họ lấy nhau rồi đi định cư ở Pháp, rồi Bỉ. Họ trở thành những người Đan sống ở nước ngoài, phải hội nhập cùng những người nói tiếng Pháp bản địa, vốn nổi tiếng là bảo thủ về văn hóa. Tôi nghĩ rằng tính bảo thủ về văn hóa của người Pháp đối với người nước ngoài là nguyên nhân cho sự khó tính đến cực đoan của bà. Nếu không được người khác chấp nhận, vậy thì ta cũng không chấp nhận người khác.
Thời gian ông còn sống, bà cũng khó tính nhưng ở mức độ có thể kiềm chế. Đến khi ông mất đi ở tuổi tám mươi, và bà trở thành góa phụ ở tuổi bảy mươi tám, bà trở thành người khắc nghiệt. Đôi khi bà chẳng thiết bàn luận với người khác, chỉ phẩy tay bất đắc dĩ. Chúng tôi đã có những kỳ nghỉ hè chỉ để họp để quyết định về việc trong nhà. Chỉ có bà và các con trai được tham gia, con dâu và lũ cháu bị cấm cửa. Sau một thời gian mất phương hướng, bà cân bằng trở lại, lại nắm quyền uy là lãnh đạo tối cao trong ngôi nhà của mình.
Đó là thời gian bà trở nên khó tính đến cùng cực. Bây giờ có kinh nghiệm hơn, tôi nghĩ đó là sự khó tính của người già, bị trở thành nghiêm trọng do biến cố mất đi người thân. Bà có thể giận giữ vì một câu nói vô tình, hay bất thình lình nói một câu cay nghiệt không cần thiết. Khi đó tôi buồn, rồi sau đó giận dữ với bà. Là một người Việt Nam quật cường chính cống, tôi phản đối bà bằng lý lẽ. Kết quả là chúng tôi to tiếng với nhau cho đến khi ông con trai xuất hiện. Cả hai vội vàng hạ giọng xuống như hai con mèo giấu móng vuốt, vì không muốn xấu mặt trước người đàn ông duy nhất. Cuối cùng, chúng tôi duy trì tình trạng "giang sơn đâu, anh hùng đấy". Có điều tôi tránh không đến nhà bà, và bà thì cẩn thận hơn khi đến làm khách ở nhà chúng tôi.
Đây là một kết thúc có hậu cho cả hai, vì chúng tôi vẫn có thể gặp nhau và nói chuyện bình thường. Khi cả hai không ai chịu thiệt, thì cũng chẳng ai thấy ấm ức trong lòng. To tiếng xong rồi xuống nước, tôi làm bánh, vá áo cho bà, còn bà giải thích ngữ pháp tiếng Đan cho tôi. Điều này tốt hơn nhiều là giữ ấm ức trong lòng rồi không thể chịu nổi sự có mặt của người kia.
Giáng sinh là dịp quan trọng nhất đối với bà. Bà có thể sống một mình ở trang trại cả năm, nhưng vào tháng cuối năm bà sẽ không kìm nổi mà nhanh chóng quyết định đặt vé máy bay về Copenhagen. Điều chúng tôi trở nên quen thuộc vào cuối năm một tuần trước Giáng sinh, là bà sẽ "nhân tiện" thông báo trên điện thoại là tuần sau bà sẽ đến nhà chúng tôi đón Giáng sinh. Đây là một bất ngờ không nhỏ vì người Bắc Âu khá riêng tư. Nếu họ định đến ở nhà bạn vào kỳ nghỉ, họ sẽ đặt kế hoạch trước vài tháng, nếu không nói là cả năm. Nếu lần đầu tiên điều này làm bạn ngạc nhiên, thì lần thứ hai, thứ ba sẽ không còn là sự bất ngờ nữa. Đến lần thứ tư, thứ năm thì đó đã trở thành lệ thường.
Chúng tôi đã có những bữa ăn Giáng sinh với vị khách đeo đầy trang sức gắn kim cương và xaphia là bà. Có lẽ bà chỉ có dịp đó để chưng diện. Rồi bà phân phát tiền lì xì cho các cháu. Từng đứa một nhận khoản tiền lì xì giống nhau, rón rén đi vào phòng ngủ của bà, đóng cửa lại như gặp nguyên thủ quốc gia hay quản giáo (vì có thể bị mắng nhiếc). Những đứa khéo mồm được bà cưng chiều hơn vì làm bà cười. Rồi bà than thở rằng bạn bè phần mất đi, phần lú lẫn. Có về cũng chẳng thăm ai được. Nhưng mà hàng năm bà vẫn về, như cá hồi xứ Bắc Âu. Trước đây bà dắt theo cả bầy con thì bây giờ bà về thăm con.
Đến năm chín mươi tuổi, bà vẫn điều hành trang trại, vẫn bán hàng lên Đan Mạch. Chỉ khác là giờ đây con cháu bà làm việc không công cho bà đỡ vất vả. Bà tổ chức tiệc mừng thọ của mình bằng một bữa tiệc lớn ở nhà hàng do bà tự chi trả. Tôi bắt đầu nhìn bà với con mắt kính trọng. Ở tuổi đó, nhiều người đã phải vào viện dưỡng lão vì đã lẫn, không thể tự chăm sóc cho mình. Bà đã bắt đầu nói lộn hai thứ tiếng khi về Đan Mạch, nhưng trí nhớ vẫn rành rọt trong chuyện mua bán. Bà vẫn gọi điện thoại trực tiếp tới khách mua quen để nhận đơn đặt hàng không một sai sót. Điều này các con bà sau đó mới học được cách quí trọng khi bà mất đi. Tôi nhớ mãi chuyện bà đứng trong nhà quan sát người làm thu hoạch hạt óc chó. Một anh chàng làm biếng lọt vào tầm ngắm của bà, và bà gọi điện thoại cho quản lý đuổi việc anh ta ngay trong ngày.
Có lẽ ta phải sống cùng một người nào đó đủ lâu mới học được cách quí trọng người kia. Phần nhiều chúng ta đối xử với mọi người dựa trên cảm giác. Nếu bạn chỉ gặp ai đó trong một thời gian ngắn, bạn sẽ chỉ biết họ qua vẻ bề ngoài hay qua vài câu nói. Biết ai đó đủ lâu sẽ làm họ lộ ra tính cách thực, cả xấu lẫn tốt. Và bạn sẽ đọc được những nỗi đau thầm kín là nguyên nhân cho những tính xấu của họ. Nếu bạn ở vào vị trí người thân với người như thế, bạn sẽ không thể tránh họ mãi. Bạn sẽ phải học cách sống chung với họ. Cuối cùng tôi đã học được cách sống chung với mẹ chồng tôi. Có lẽ nếu chúng tôi sống cùng dưới một mái nhà như kiểu sống ở Việt Nam, tôi đã không đủ kiên nhẫn để thích nghi với bà và hiểu bà.
Giờ đây bà đã mất được bốn năm. Bà mất khi gần chín mươi tư, vì già hơn là vì bệnh. Khi không còn bà nữa, chúng tôi nhớ bà. Anh rể tôi nhớ bà khi đặt nhầm hàng cho khách. Chồng tôi nhớ bà vì những buổi nói chuyện hàng tuần, khi nhiệm vụ của anh ấy chỉ là nói đệm vài câu: "Thế à", "Phải ạ", phần còn lại là để bà độc thoại. Còn tôi nhớ bà vì những chuyến thăm bất ngờ vào mùa hè hay lễ Giáng sinh. Chúng tôi kể với nhau những câu chuyện cười về bà mà mắt rơm rớm. Bây giờ tôi bắt đầu nói về bà như người phụ nữ khiến tôi kính trọng nhất. Là người mà tôi muốn noi theo, độc lập tự chủ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top