Chuyện của những người đàn ông mua hoa

 Vào giữa những năm 90, tôi có thời gian sống ở phố Tô Ngọc Vân, Quảng Bá. Chỉ sau có mấy năm mà khu này đã thay đổi chóng mặt. Trước đây Quảng Bá vốn nổi tiếng vì đào, vì quất. Giờ đây đào quất đã phải nhường chỗ cho biệt thự cho Tây thuê mọc lên san sát. Cái nào mà không cho thuê được thì biến thành khách sạn mini cho ta thuê làm dịch vụ mát xa trá hình, thực chất là cho gái bán hoa làm bãi đáp. Ở trong trung tâm thành phố thì đến đêm mới nhìn thấy gái bán hoa dấm dúi mạn phố Nguyễn Du, hồ Thiền Quang. Chứ ở đây thì ban ngày ban mặt thấy gái cùng cò mồi chạy đuổi theo khách rầm rầm trên đường. Có không muốn cũng phải nhìn.

 Một lần nhà tôi cần lắp máy điều hòa nên có mấy người thợ lắp máy tới làm việc mấy ngày liền. Họ là những người đàn ông trẻ ngoại tỉnh, đến thành phố vì công việc, cuối tuần mới về nhà. Đàn ông trẻ xa nhà thì dễ buông thả. Không biết nói chuyện thế nào mà trở thành thân thiết, chúng tôi nhắc đến chuyện các cô gái bán hoa đang chạy đuổi theo khách ngoài kia. Anh thợ thổ lộ cho tôi hay là anh có quen biết vài người trong số họ. Quen như thế nào thì tự hiểu.

 Anh kể về một cô gái bán hoa người Thái Nguyên xinh đẹp và khá đặc biệt. Cô cho anh hay kế hoạch của cô đi làm gái để có vốn về quê mua đất trồng chè, xóa đói giảm nghèo cho gia đình. Lời kể của anh thợ và cũng là khách mua hoa có chút kính trọng, có chút thành tâm. Có lẽ vì quá ước mong cho ước mơ của cô gái bán mình cứu nhà mà anh nói là về sau cô ấy đã thực hiện được kế hoạch của mình. Cô kiếm đủ tiền, trở về Thái Nguyên mua đất trồng chè và trở thành bà chủ một doanh nghiệp nho nhỏ. Bạn đọc có thể như tôi nửa tin nửa ngờ, rằng kết cục có hậu này liệu có thực hay không? Hay đó chỉ là mong muốn chúc phúc của người bèo nước gặp nhau? Dù sao câu chuyện đủ nói lên tình người giữa kẻ mua và người bán trong một mối quan hệ nhạy cảm.

 Người bán hoa cũng là người, và người mua hoa cũng thế. Họ có nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh dẫn đến sự lựa chọn cách sống của họ. Trong văn học cũng không thiếu chuyện về những người con gái không may như vậy, mà nàng Kiều là tiêu biểu nhất. Thời hiện đại bây giờ cũng không thiếu những người bán mình vì đồng tiền, vì quyền lực, mà không chỉ giới hạn trong giới nữ.

 Bẵng đi hơn hai chục năm, tôi lại gặp một người đàn ông mua hoa khác thổ lộ câu chuyện của mình. Lần này là một người đàn ông Đan Mạch, người đã từng sống và làm việc ở Việt Nam những năm đầu 80. Ông gặp tôi là người Việt sau nhiều năm rời Việt Nam nên có chút xúc động. Trong vòng mười phút gặp mặt, ông đã kể ngay về cô nhân tình xuất thân gái nhảy người Việt bốn mươi năm trước.

 Ông kể chuyện giấu cô sau tấm chăn trong ô tô để qua mặt nhân viên bảo vệ khu cho người nước ngoài Vạn Phúc, đưa cô về nhà riêng vào nửa đêm. Khi sang Việt Nam ông vừa mới ly dị vợ, thoải mái tận hưởng vị thế một người đàn ông phương Tây giàu có ở đất nước Việt Nam đói khổ thời hậu chiến. Tôi chắc ông đã tận hưởng ưu thế của mình không ít. Nhưng dù sao tôi vẫn không thể ưa ông được. Có một sự tàn nhẫn vô cảm trong tình cảnh này, và vì tôi là người Việt đã sống qua thời hậu chiến.

 Sau khi ông rời Việt Nam thì người phụ nữ này được bảo lãnh đi Canada. Cô đã cất công vòng sang Thụy Sỹ, nơi người tình Đan Mạch đang làm việc để gặp ông. Ông lúc đó đã đính hôn với người mới, bối rối không biết giấu cô nhân tình cũ vào đâu. Cô gặp ông để làm gì? Vì muốn kiểm chứng tình yêu của ông dành cho cô hay chỉ là muốn chào từ biệt lần cuối? Dù sao thì đó vẫn là một hành động phi thường của người phụ nữ lần đầu ra nước ngoài, vì tình yêu mà lặn lội đến trời Âu. Có lẽ đó không phải là một mối quan hệ đổi chác mua bán bình thường. Có thể đó là tình cảm thực sự giữa gái bán hoa và người mua hoa.

 Rồi ông nói là đã gặp lại người phụ nữ này khi đi công tác ở châu Phi. Rằng cô kết hôn với một người đàn ông Na Uy. Rằng ông nhìn thấy cô qua cửa kính xe ô tô chỉ một lần duy nhất. Tôi ngờ rằng đây là trí tưởng tượng của ông thêu dệt nên. Có lẽ vì ông muốn gặp lại cô nên mong cô kết hôn với người nước láng giềng để có cơ hội gặp lại. Có thể trong thâm tâm, ông cầu chúc cho cô được sống ở một đất nước yên bình, có chồng con yên ấm.

 Ở Việt Nam bán dâm là phi pháp; gái bán hoa bị bắt tập trung, rồi bị gửi tới trung tâm phục hồi nhân phẩm học nghề (ngày xưa). Ở Đan Mạch thì bán dâm là quyền tự do cá nhân cho người đủ 18 tuổi, tổ chức bán dâm và thu lợi từ mại dâm là phạm pháp*. Ở Thụy Điển thì bán dâm là quyền tự do cá nhân, nhưng mua dâm và kiếm lợi từ mại dâm là phi pháp. Từ cổ chí kim, người bán dâm luôn bị coi khinh, bị săn đuổi, nhưng những người mua dâm thường không bị phạt hay bị bỏ tù. Có lẽ bởi vì họ phần lớn là đàn ông, là những người viết nên những điều luật cho xã hội chăng?

*Theo nguồn tin trên trang mạng của Cảnh sát Đan Mạch, thu lợi từ mại dâm như tổ chức, chăn dắt hay cho thuê phòng bị xử tù tới 4 năm. Tội buôn người xử tù lên đến 10 năm. Mại dâm được gỡ khỏi luật hình sự từ năm 1999.

 Đan Mạch là một xã hội cởi mở, nên cũng có người không xấu hổ gì khi thừa nhận họ sống bằng nghề này. Khảo sát xã hội năm 2014 ước tính khoảng 15% đàn ông mua dâm**. Có những người phụ nữ tai tiếng trở thành người nổi tiếng, lấy chồng triệu phú, tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế. Nổi bật nhất là Anni Fønsby (giờ đổi thành Anni Katrine Brinch), người đã từng bị kết án tù ba lần vì kinh doanh nhà chứa. Cô vốn là người mẫu khỏa thân cho Playboy, rồi trở thành má mì cho vài trăm cô gái. Cô đổi đời nhờ lấy ông chồng triệu phú Erik Damsgaard, và có chương trình truyền hình thực tế về cuộc sống trưởng giả của hai người tên là "Erik og Anni goes to Hollywood" (tên nguyên bản). Họ có với nhau một con gái và đã ly dị.

** Nguồn DR, FAKTA: Så mange køber og sælger sex i Danmark (Sự thật: Bao nhiêu người mua và bán dâm ở Đan Mạch).

 Đến đây thì các cô gái Thái vào cuộc. Nếu đã đọc bài Nấm độc của tôi, bạn đọc cũng phần nào hiểu vị thế của các cô gái Thái ở Đan Mạch. Người Thái là nhóm dân đứng đầu trong số những người hành nghề mại dâm có nguồn gốc nhập cư ở Đan Mạch, trước nhóm từ Đông Âu và Nigeria***. Đáng chú ý là nhiều người Thái hành nghề mại dâm có thẻ cư trú dài hạn hay quốc tịch Đan Mạch, điều làm họ khác với những nhóm dân nhập cư khác. Có lẽ họ kết hôn (thật hoặc giả) rồi mới tới Đan Mạch hành nghề. Muốn tìm họ không khó. Trên tất cả các trang quảng cáo dịch vụ người lớn bao giờ cũng có quảng cáo của người Thái.

***Nguồn Wikipedia, Prostitution in Denmark (Mại dâm ở Đan Mạch).

 Chào hỏi một người phụ nữ châu Á bằng câu: "Cô có phải người Thái không?" là khiếm nhã. Đó là một trong những biểu hiện của sự kỳ thị đối với người châu Á. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi đã từng "bị" người không ưa mình nói với người khác rằng tôi là người Thái, thay vì nguồn gốc Việt mà họ biết rõ. Bạn đọc nên biết là người Việt có danh tiếng khá tốt ở Đan Mạch, là chủ đề được viết trong một bài riêng với tiêu đề Người Việt trong cộng đồng dân di cư trong tập Những câu chuyện xa xứ.

 Cuộc đời của những cô gái bán hoa chắc không có cái kết đẹp như trong phim Pretty Woman, nhưng vẫn có những người đàn ông mua hoa có tình cảm với các cô, cầu chúc các cô có cuộc sống yên ấm sau này. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi lựa chọn khi họ đối mặt với khó khăn. Cuộc nói chuyện với những người đàn ông mua hoa đã hé mở cho tôi tính nhân văn của con người, dù họ có thể làm điều trái với luân thường đạo lý. Họ trả tiền cho thân xác các cô, và họ thầm mong các cô thoát khỏi cuộc sống dưới đáy. Ở Việt Nam có câu nói có chút sống sượng: "Có thể lấy đĩ về làm vợ, nhưng không lấy vợ về làm đĩ". Những nàng Kiều xa xưa và ngày nay vẫn có cơ hội làm lại, vì cuộc đời vẫn còn tính nhân văn. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top