Bão
Cả tuần này chỉ theo dõi tin tức bão Yagi ở Việt Nam. Mỗi một ngày trôi qua, số người chết lại tăng lên. Đài truyền hình ở đây cũng đưa tin thiên tai do bão ở Việt Nam. Vào những ngày này, đăng cái gì không liên quan tới bão cũng thấy vô cảm.
Tháng Mười năm ngoái, Đan Mạch cũng trải qua một trận bão kinh khủng, được gọi là Cơn bão thế kỷ. Gọi thế vì rất lâu mới có một cơn bão lớn và bất thường như vậy. Đan Mạch nằm giữa biển Bắc Băng Dương và biển Baltic. Thường bão vào từ phía Tây. Nhưng lần này, bão tới từ phía Đông. Cả một vùng ven biển rộng lớn phía Đông và phía Nam của Đan Mạch bị bão. Nhà mùa hè của nhà tôi nằm ở phía Đông Nam, trên đảo Møn.
Hôm đó chúng tôi ở nhà mà nơm nớp lo bão, không chỉ ở Copenhagen mà cả ở Møn. Sau cơn bão, tin đến dồn dập. Nhà mùa hè của chúng tôi bị ba cây lớn đổ vào, cửa chính bị bít kín không vào được. Hàng xóm dồn dập gửi tin nhắn và ảnh tới. Chúng tôi quyết định đi ngay xem nhà cửa thế nào.
Khó mà tả nổi cảm giác tan hoang sau cơn bão. Khi qua nhà người khác có cây đổ, hay nhìn đê chắn sóng dọc bãi biển bị xói đến nửa, chúng tôi đã bồn chồn lắm rồi. Đến khi tới nhà mới rùng rợn. Ba cây thông cao chót vót, tuổi dễ đến ba mươi năm đổ sập xuống mái ngói nhà chính, đè sập hoàn toàn nhà phụ. Mái nhà bị đâm thủng ba chỗ. Hoàng tráng nhất là đoạn gỗ nhọn hoắt xuyên thủng đúng chỗ rửa bát, dài đến nửa mét ngạo nghễ trong nhà, nước mưa còn rỉ tong tỏng. Đoạn thứ hai xuyên thủng mái ngay lối ra vào.
Hàng xóm ba bề bốn bên đều có tiếng cưa, chặt dọn cây. Hàng xóm phía sau nhà tôi bị cây lớn đổ chạm mái. Nhà kế tiếp cũng có số cây đổ ngang nhà tôi, nhưng may không bị vào nhà. Suốt cuối tuần đó, chúng tôi lo dọn nhà, sửa tạm mái để nước mưa khỏi vào. Ở đây nhà gỗ bị dột là xong. Nấm mốc mọc lên là hết ở.
Báo địa phương kể câu chuyện chống bão tuyệt vọng của Møn, khi nước biển dâng cao đến mặt đê mà người ta không làm gì được. Gọi điện thoại cầu cứu lên trên thì được trả lời là họ phải lo nhiều chỗ khác trong quận cũng đang gặp nguy hiểm. Đành phải tự lo. Thế là người ta dùng xe công nông chở cát đến hộ đê. Thiếu cát thì chở cả rơm khô dùng tạm. Chủ tịch hội đồng quản trị khu nhà nghỉ quyết tử thủ với bão tới cùng giống vị thuyền trưởng trong phim Titanic. Người ta nói bão chỉ cần kéo dài thêm ba mươi phút nữa là đê vỡ.
Cả hòn đảo, nơi nào cũng bị sóng biển đe dọa. Có hai nơi đê vỡ, nước ngập đến mái nhà. Hàng xóm phải đi thuyền giúp nhau thoát ra. Nhưng quan trọng nhất là không có người chết. Bởi vì cảnh sát và chính quyền địa phương đã đến từng nhà sơ tán tất cả mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi bão đến. Thường những nơi công cộng như sân thể thao trong nhà hay trường học được trưng dụng trong những dịp như thế này. Phương châm ở đây là mất của nhưng không mất người. Còn người là còn tất cả.
Tất cả các cầu bị chặn. Không có ai đội mưa bão đi xe máy trên cầu. Dù có được xe ô tô dìu đi, nhưng sẽ tốt hơn nếu người ta ở nhà tránh bão thay vì ra ngoài. Nhìn đoạn video trên Facebook quay một đoàn ô tô dìu người đi xe máy qua cầu, tôi tự hỏi vì cái gì mà họ ra ngoài trong trời mưa bão như vậy? Vì có người trả giá cao cho việc chuyển hàng? Vì giữ việc làm? Hay vì nghĩa vụ với ai đó? Vì cái gì cũng nên ở nhà thay cho mạo hiểm ra ngoài. Vì khi làm vậy, người ta không chỉ mạo hiểm với tính mạng của mình mà cả với tính mạng của những người khác.
Mùa bão ở đây bắt đầu vào mùa thu và kéo dài qua mùa đông. Nhiều cơn bão lịch sử xảy ra vào Giáng Sinh. Năm đầu tiên đến Đan Mạch, chúng tôi đã phải qua đêm vì bão ở nhà họ hàng khi đến ăn Giáng Sinh. Ngày hôm sau trở về thấy cây cối đổ nhiều dọc đường cao tốc.
Cơn bão thế kỷ trong phần trước là vào cuối tháng Mười năm 2023. Trên Wikipedia có hẳn một trang về cơn bão này. Bão ở đây hay kéo theo nước biển dâng cao, sóng lớn đánh sập nhà ven biển. Cơn bão tháng Mười khiến nước biển ở nhiều nơi dâng cao đến hơn hai mét. Bão mùa đông thì có thêm khoản tuyết. Bọt sóng khi bão tuyết không tan ra mà kết thành những đám bông trắng xám. Tuyết đọng trên mái nhà khi tan sẽ trở thành những nhũ đá chảy dài dọc mái hiên. Đi dưới những mái hiên ấy rất nguy hiểm vì chúng có thể rơi bất kỳ lúc nào, gây tai nạn cho người đi đường.
Nếu bão tuyết nhỏ còn có thể ra ngoài được thì người ta sẽ được trải nghiệm cảm giác bị băng tuyết quật vào mặt như roi quất. Không may đường có băng thì còn có khả năng bị trượt ngã bất kỳ. Đi trong bão tuyết, cái lạnh đi từ ngoài vào và từ dưới lên, nếu người ta không có quần áo ấm phù hợp. Vì thế người Việt nên dành tiền mua quần áo ấm ở đây, vì đồ mùa đông của Việt Nam không dùng được.
Bão tuyết tàn phá hơn bão thường vì khi nhiệt độ xuống dưới âm, cây cối trở nên giòn và dễ đổ. Cột điện cao thế ở xứ lạnh hay bị đổ do nhiệt độ âm làm vật liệu sắt và nhựa trở thành giòn, thêm gió mạnh là đổ. Mùa đông mà mất điện là mất lò sưởi ấm, mất phương tiện nấu ăn, không có giao thông liên lạc, máy móc ngừng hoạt động...
Giáng Sinh năm 2010 có cơn bão khiến tuyết dày hàng mét trên đảo Bornholm. Nhiều khu dân cư bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài đến cả tuần. Người ta đã phải tiến hành chiến dịch đào tuyết thông xe giải cứu cho họ. Ở những nơi vùng sâu vùng xa, chỉ một cơn bão tuyết nho nhỏ cũng có thể cắt đứt đường ra thế giới bên ngoài. Chuyện bão tuyết năm ấy kể về những người về nhà nghỉ lễ bị kẹt ở sân bay qua đêm Giáng Sinh, dù chỉ cách nhà vài cây số. Có chiếc xe chuyên dụng* bị lật vì gặp tuyết dày đến bốn mét, mất mười bảy tiếng đồng hồ mới tới nơi để giúp một sản phụ sinh nở.
*Xe địa hình có bánh xích, trông giống xe tăng.
Những nơi xa xôi cũng là nơi thưa dân, mà chính quyền thường tập trung vào giải quyết thiên tai ở nơi có nhiều người ở nhất. Điều này giải thích cho phần trước, khi Møn nhận câu trả lời không có sự hỗ trợ nào từ bên trên. Vì khu vực chúng tôi chỉ là nhà nghỉ hè, thường vắng người vào mùa đông. Nỗ lực chống bão sẽ tập trung vào mấy khu dân cư đang bị lụt trầm trọng hơn là khu nghỉ hè.
Cũng cùng năm ngoái vào dịp năm mới, Đan Mạch có bão tuyết làm ách tắc đường ở phía Bắc, trên bán đảo Jutland. Bão tuyết đổ về đúng vào những ngày đầu năm mới, khi mọi người trở về nhà sau kỳ nghỉ lễ. Lần ấy tuyết rơi dày đến nửa mét. Nhiều người bị kẹt trong xe ô tô cả đêm. Kẹt xe nơi đồng không mông quạnh không có thức ăn, bị lạnh dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Ở Møn không bị bão tuyết nhưng bị ảnh hưởng là mưa lớn. Đầu tiên là mưa. Mưa thấu trời thấu đất cho đến khi nước ngập đến chân tường. Qua một đêm thì trời trở lạnh và nước mưa biến thành đá. Sân vườn ngập nước trước cửa nhà tôi biến thành bãi trượt băng cho bọn trẻ hàng xóm. Lúc đó mà đi xe trên đường dễ bị trượt gây tai nạn. Không chỉ lụt bên ngoài, mà lụt cả bên trong. Bồn cầu nhà tôi bị ngập nước không sử dụng được. Đường đóng băng nên chúng tôi không thể ra ngoài, phải cầm cự trong nhà với đồ hộp đến cả tuần. Thiên tai trong vòng hai tháng khiến nhiều người nản, quyết định bán nhà sau đó.
Nói ra thì bảo là nói quá, nhưng có nhiều người âm ỉ hy vọng sau bão. Họ là thợ mộc, thợ xây, thợ làm vườn... Vì những nhà bị cây đổ như nhà tôi sẽ cần dịch vụ của họ, trả bằng tiền bảo hiểm.
Ngay hôm đầu tiên, thợ cắt cây được gọi đến. Chúng tôi cấp tốc gọi thợ đến cắt cây vì lo mái nhà không chịu nổi mà sập xuống. Mọi người đều ngầm hiểu là chi trả bằng tiền bảo hiểm, nên người mua không mặc cả, và người bán thoải mái ra giá. Thợ cắt cây là người quen, nên chúng tôi có thể so giá. Lần ấy, họ đòi giá gấp đôi.
Sau bão, chúng tôi quyết định chặt hết cây to gần nhà đề phòng bão đổ. Cũng ông thợ cũ lại được gọi đến. Lần này thì chúng tôi tự trả, nhưng có nhiều cây cần chặt hạ nên cũng mất một món tiền lớn. Đấy là giá thân quen hữu nghị. Chứ người khác còn ra giá đắt hơn.
Ông thợ mộc người quen cũng được gọi đến để sửa mái nhà. Theo qui định là công ty bảo hiểm sẽ mời thầu và chọn. Cuối cùng họ chọn người khác, không phải thợ quen của chúng tôi. Ông thợ nhấp nháy mắt bảo rằng đấy là luật ngầm. Công ty bảo hiểm đã ăn cánh chọn thợ từ trước. Đấu thầu chỉ là làm màu mà thôi.
Mái nhà sửa xong thì cũng mất đến gần nửa năm. Chúng tôi kinh ngạc thấy đến nửa mái nhà được sửa chứ không chỉ mấy chỗ bị thủng. Ông thợ quen lại nhấp nháy mắt lần nữa. Cũng là ăn tiền bảo hiểm. Sửa nhỏ thành sửa lớn, bé xé ra to vì công ty bảo hiểm chi trả toàn bộ.
Nhưng cũng có những người không được may mắn như chúng tôi. Có nhà bị ngập nhiều lần. Lần ngập này họ cũng được đền bù, nhưng công ty bảo hiểm từ chối không tiếp tục hợp đồng với họ. Điều này có nghĩa là nhà họ sẽ bị mất giá. Sau này nhiều nhà ở khu vực hay bị ngập được rao bán với giá rẻ. Ai ở ngoài không biết, chứ dân địa phương chẳng ai muốn mua.
Cơn bão thế kỷ tàn phá đê chắn sóng nên sau bão, chúng tôi phải chi trả cho việc sửa chữa đê. Mỗi nhà phải góp một món tiền lớn. Số tiền lớn đến nỗi có người phải vay ngân hàng để trả. Điều này là giọt nước làm tràn cốc nước cho những người vốn đã bị thiệt hại vì bão. Mấy cuộc họp sau đó của khu nhà nghỉ đều xoay quanh việc sửa đê. Đến mấy cuộc họp như thế này mới biết, thực hành dân chủ không dễ dàng. Chín người mười ý, nên một cuộc họp có thể kéo dài đến ba, bốn tiếng. Vậy mà vẫn chưa xong.
Một năm sau bão, có nhà vẫn chưa sửa xong, những nhà khác vẫn đang rao bán. Trong khi đó báo chí đưa tin thủ tướng đương nhiệm của Đan Mạch mua nhà nghỉ ở Møn. Bỗng nhiên chỗ chúng tôi trở thành nổi tiếng. Cuộc sống vẫn tiếp tục sau bão. Người đi vẫn đi, mà người đến vẫn đến. Vì cuộc sống không dừng lại chỉ vì một cơn bão. Sau bão, người ta sửa chữa, xây lại, và tiếp tục hy vọng vào tương lai. Có lẽ cần nói thêm là mọi người nên có kế hoạch phòng chống bão, bảo vệ người và của trong những cơn bão tiếp theo. Vì bão sẽ không chỉ đến một lần.
9.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top