CHƯƠNG KHỞI ĐẦU


Đã gần tới tiết lập đông rồi mà sao khí trời oi bức lạ thường. Vào cái năm đầu tiên của thiên niên kỉ mới này trời đất dường như cũng đã trái tính trái nết đi nhiều lắm. Người ta nói rằng trong những năm tới trái đất sẽ nóng dần lên và băng ở hai cực của trái đất thì đang tan, tầng ôzôn thủng lỗ chỗ như một cái váy đụp... Cơn bão số 9 vừa tràn qua miền Trung làm chết gần hai chục con người và gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại về cơ sở vật chất. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ngập trắng trong nước. Ấy vậy mà trong bản tin thời sự buổi tối, người ta lại đưa tin ở đâu đó trên thế giới đang có hạn hán kéo dài, đất đai bị sa mạc hoá, gia súc chết la liệt trong bão cát.

Thiên nhiên đã lên tiếng.

Và chiến tranh thì vẫn hiện diện như thể nó chưa bao giờ chấm dứt.

Hôm nay, người ta loan tin rằng đêm qua, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã tấn công vào Apganixtang, mở đầu một chiến dịch quân sự mang một cái tên mĩ miều là "Công lý vô tận". Người Mỹ đã biện minh rằng họ cần phải có một cuộc chiến tranh để tiêu diệt bọn khủng bố, trả thù cho vụ tấn công bằng máy bay vào Trung tâm thương mại quốc tế, quan trọng hơn là "lòng tự tôn của người Mỹ" đã bị tổn thương. Và để làm việc đó họ đã lôi được một nửa thế giới vào cuộc chinh phạt này. Nước nào cũng có những lí do cao cả để đầu quân dưới lá cờ vì một thế giới không có khủng bố. Và nhất thiết là không thể có bọn khủng bố dám tấn công vào những đất nước văn minh bằng những hình thức kém văn minh là đánh bom cảm tử.

Một thời đại văn minh thì giết người cũng phải thật văn ninh.

Giáo sư Trương Đình Lân bỗng bật cười một mình khi trong đầu ông bật ra cái ý nghĩ kì khôi ấy. Phải, văn minh thật, nếu không thì làm sao mà hiểu được cái hành động kì khôi của không lực Hoa Kỳ là vừa ném những loại bom thông minh có thể huỷ diệt mọi sinh vật trên mặt đất lại vừa ném xuống hàng vạn những "suất ăn" để cứu đói cho những kẻ may mắn thoát chết bởi bom đạn. Người Mỹ khoe rằng, chỉ riêng loại vũ khí ẩm thực này họ đã chi tới hơn ba tỷ đô la rồi!

Cái món salat trong thực đơn của một cuộc chiến tranh văn linh kể cũng đắt quá chừng!

Ông Lân lại bật cười vì chộp được một ý tưởng kì khôi mới. Đó sẽ là chủ đề bài tản văn mà đêm nay ông sẽ viết cho một tờ báo mà ông yêu quí. Viết về bom đạn và sức mạnh huỷ diệt của nó thì đã quá nhàm rồi. Hãy viết về những đứa trẻ đạo Hồi vừa sống sót, chui ra từ những ngôi nhà đổ nát ở ngoại ô Kabun bỗng ngơ ngác khi nhặt được những gói đồ ăn có in những lời âu yếm của người Mỹ, nhưng khi mở ra, chúng mới hiểu rằng đấy không phải là những món ăn dành cho chúng. Vì mặc dù đói, chúng cũng không thể ăn được những thức ăn theo thực đơn văn minh của người Mỹ.

Mải theo đuổi những ý nghĩ kì cục trên đây, giáo sư kiêm nhà văn Trương Đình Lân không còn chú ý tới những gì người ta đang thông báo trên màn hình. Cho đến khi ông chợt nghe tiếng vợ ông thốt lên "Ôi trời bác Phong chết rồi kìa", ông mới giật mình sực tỉnh:

- Mình nói gì? Ai chết thế?

Vợ ông chỉ lên màn hình vô tuyến: 

- Bác Phong, tướng Hùng Phong, bạn học cũ của ông ấy. Người ta đang thông báo cáo phó kia kìa.

Ông Lân gần như chồm về phía trước để nhìn và nghe cho rõ bản cáo phó của Đảng ủy quân sự Trung ương và bộ quốc phòng về sự ra đi đột ngột của Thiếu tướng Phạm Xuân Ban, tức Hùng Phong, anh hùng quân đội, nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên đại biểu quốc hội, nguyên tư lệnh quân đoàn, tư lệnh mặt trận và... , rất nhiều cái nguyên nữa rồi đến cái chức mà ông đương tại nhiệm là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu X đã từ trần hồi... ngày... giờ... Tại bệnh viện Trung ương Quân đội sau một cơn bệnh hiểm nghèo.

Sau bản cáo phó là danh sách ban lễ tang bao gồm hầu hết những vị tướng lĩnh chủ chốt của quân đội và những vị chức sắc lớn của nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước. Và, sau cái danh sách lẫy lừng ấy dĩ nhiên là tiểu sử của vị tướng vừa ra đi. Ông Lân không đủ kiên nhẫn đề nghe cho hết cái tiểu sử của một con người mà chắc chắn là ông còn biết nhiều hơn tất cả các cơ quan tổ chức cộng với sự hiểu biết hời hợt của người soạn thảo văn bản này. - Tôi đi gọi điện thoại... Mình theo dõi xem lễ viếng và lễ tang được tổ chức vào hôm nào nhé?

Ông khó nhọc leo từng bậc thang lên tầng hai, dưới nhà cũng có máy điện thoại, nhưng ông muốn được yên tĩnh để trò chuyện với một vài người bạn thân về sự ra đi của Phạm Xuân Ban, tức là tướng Hùng Phong, một con người mà ông rất nể phục nhưng cũng từng có lúc căm ghét. Nhưng, sau tất cả mọi điều, con người ấy vẫn là một hình tượng tiêu biểu cho thế hệ của ông, một thế hệ được chế độ xã hội chủ nghĩa nuôi dưỡng và rèn luyện để chuẩn bị cho những giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Ba tháng trước, vào một buổi sáng chủ nhật khi ông đang lúi húi chăm mấy cái cây trong vuông sân nhỏ trước nhà thì có tiếng chuông gọi cổng. Ông ra mở cổng và ngạc nhiên khi thấy ông Phong đứng ngay trước mặt mình. Khác với mọi lần hôm nay ông Phong không mặc quân phục với đôi quân hàm cấp tướng có cành tùng và những ngôi sao mạ vàng mà ăn vận như một công chức hạng xoàng với chiếc áo vét cũ màu xanh xám và chiếc quần màu lông chuột. Gương mặt ông không còn toát lên vẻ quyền uy mà chứa đựng một vẻ mệt mỏi u sầu khiến ông Lân cũng phải chột dạ.

- Có chuyện gì xảy ra với bà ấy, phải không ông?

Ông sốt ruột hỏi khi khách chưa kịp vào đến hiên nhà - Bà ấy chẳng sao cả. Thậm chí sáng nay vẫn son phấn loè loẹt để đi dự đồng diễn môn Thái cực quyền trong buổi khai mạc đại hội thể thao của quận.

Ông Lân thở phào nhẹ nhõm:

- Thế mà nhìn bộ dạng ông, tôi cứ tưởng nhà có chuyện gì rồi chứ!

- Thì có họa đến nơi rồi chứ sao? - Ông Phong vừa ngồi phịch xuống chiếc ghế salon vừa buông một câu như vậy.

- Thằng Thắng lại quậy rồi, hả?

- Sáng nay tôi vừa quyết định cho nó vào trại cai nghiện đấy. Giao nó cho trại xong là tôi về thẳng đây.

- Cai nghiện à? Thế ra thằng bé nó...

- Nghiện nặng lắm rồi. Tại mẹ nuông con quá đấy mà. - Ông Phong bắt đầu dốc bầu tâm sự - Số tôi đến khổ vì vợ con thôi, ông ạ... Vì mẹ con nhà nó mà tôi phải xin rời quân khu mà về cái viện dớ dẩn này...

Những tưởng con chị đã chả ra gì thì phải về gần nhà để mà cứu lấy thằng em nó. Ai ngờ... - Ba năm thi đại học mà không đậu... Mà đậu làm sao được khi mỗi môn chỉ được có một hai điểm. Bảo cho con đi học nghề thì bà ấy giãy nảy lên. Rằng thì là ai đời bố làm tướng mà lại chịu để con đi làm thằng cu li cu leo hay sao? Rồi lại mấy lần tôi bảo bà ấy để tôi đưa nó vào quân đội rèn rũa, nhưng bà ấy có nghe tôi đâu? Lại còn cứ khăng khăng định chạy chọt cho con đi xuất khẩu lao động. Ông bảo, lười nhác như nó thì thằng tư bản nào nó chịu mướn mà đi xuất khẩu lao động? Có mà rồi lại trở thành những thằng ất ơ ở xứ người chứ nên cơm cháo gì? Thì bài học của con chị nó còn sờ sờ ra đó.

Cuối cùng thì cũng đến làm vợ thứ ba thứ bốn gì đó cho một thằng Đài Loan... Thế mà lại còn không biết dơ, suốt ngày khoe có con gái lấy chồng tư bản ngoại quốc. Chẳng lẽ có một thằng con trai rồi cũng đi làm tôi mọi cho người ta hay sao? Vì thế tôi nhất định không cho nó đi xuất khẩu lao động. Thế là mẹ con nhà bà ấy làm đủ trò để hành tôi. Rồi mặc cho thằng bé ăn chơi đú đởn với đám bạn bè bất hảo của nó... Năm ngoái ba lần bị công an bắt vì đua xe trái phép... Tịch thu cái này thì mẹ lại mua cho xe khác... Đến khi con nghiện nặng rồi, nhắc bà ấy cũng chỉ ư hữ cho qua chuyện. Lại còn nói, ở phố này con cái người ta cũng nghiện ngập đầy ra kia kìa... Bảo cho nó đi tập trung cai nghiện bà ấy nhất định không chịu.

- Nhưng cuối cùng thì bà ấy cũng chịu rồi chứ gì?

Ông Lân hỏi lại:

Có chịu đâu... Hôm nay, nhân bà ấy đi đồng diễn thể thao, tôi phải quyết định gọi mấy cậu công an phường vào cưỡng chế để đưa nó đi đấy. Tôi chưa biết khi về thấy con đi rồi, bà ấy sẽ hành tôi như thế nào đây? - Ông ôm lấy đầu rên lên - Phải để cho người ta gô con mình lại lôi lên xe, tôi cũng xót lắm chứ... Nhưng, không cho cháu đi cai nghiện thì nó cũng đến chết mất thôi ông ạ. Trong nhà có thứ gì đáng giá là nó lần lượt... đem đi bán. Của, tôi không tiếc, nhưng cứ phải ngồi trơ mắt ra mà nhìn thằng con trai mình tàn tạ dần, tôi không chịu nổi nữa.

Giáo sư Lân cẩn thận chuyên một ấm chè mới. Đây là thứ chè tuyết, cậu học trò của ông mang từ trên Hà Giang về biếu ông. Vào cái thời buổi mà các loại thuốc sâu, thuốc diệt chuột, thuốc tăng trưởng được dùng một cách hào phóng như hiện nay thì ngay cả thứ chè tuyết hái từ những cây chè cổ thụ trên núi cao cũng không hoàn toàn đáng tin cậy nữa. Vì vậy, ông vẫn cứ phải chiêu đi một nước cho an toàn. Mấy tháng trước, một bạn văn của ông, nhà trào phú Phan Hữu Tiệp, chẳng tý nữa thì đi Văn Điển chỉ vì uống phải thứ trà có thuốc sâu là gì? Thoát hiểm, nhà trào phúng bèn cho đăng một bài thơ châm biếm, tự trách mình là thứ phàm phu tục tử nên uống phải thuốc độc mà cũng không biết. Tưởng chỉ là viết mấy câu tự trào cho vui đời thôi ai dè mấy ngày sau nhà thơ nhận được trát gọi ra hầu toà. Công ty chè Nhã Du kiện ông vì tội làm mất uy tín thương hiệu của họ. Tại toà nhà trào phúng đuối lí vì không thể chứng minh được nguyên nhân ngài bị ngộ độc là do chè Nhã Du hay do thứ nước dùng để pha chè bị nhiễm độc, cũng có thể do bộ đồ trà đời Thanh mà nhà thơ dùng bấy lâu nay phát độc thì sao nào? Toà sử phần thắng cho nhà chè Nhã Du. Cũng may mà nhà trào phúng không bị bên nguyên đòi bồi thường, có lẽ là do cái tên tuổi nhà thơ cũng đáng nể trọng hơn tiền bạc, mà chỉ bị buộc phải viết một bài cải chính. Nhà trào phúng là người có ý thức về pháp luật nên lập tức thi hành bản án. Mấy ngày sau, trên tờ báo kể trên lại xuất hiện bài thơ Thua kiện:

Nhã Du nhất ấm trà 

Trúng độc lăn quay tại tư gia 

Phàm phu tục tủ nên ngộ nạn

 Không tại Nhã Du thì tại ta!

Bài thơ cải chính đã nói rõ ràng nguyên nhân ngộ nạn là tại nhà thơ. Nhưng không ngờ bài cải chính lại là đòn bồi thêm vào uy tín thương hiệu của nhà sản xuất.

Chè Nhã Du liên tục bị mất thêm thị phần và nghe đâu gần đây họ đã buộc phải đổi nhãn hiệu mới.

Vừa pha trà, giáo sư Lân vừa kể cho ông bạn của mình nghe câu chuyện trên với mục đích làm cho ông ta khuây khỏa đôi chút. Nhưng xem chừng không có mấy hiệu quả. Gương mặt của vị tướng vẫn ủ dột, u ám đến nao lòng. Là người đã biết quá rõ sự cứng rắn lạnh lùng của vị tướng, nên giáo sư cũng bắt đầu cảm thấy lo ngại.

- Nhưng... anh đâu chỉ có hai đứa con ấy... Thằng Bảo, con của bà Thanh cũng khá lắm... Nó đã là tiến sỹ. 

Mà tiến sỹ Tây học hẳn hoi kia đấy. 

Ông Hùng Phong thở dài: 

- Nhưng... liệu mẹ con cô ấy có tha thứ cho tôi không?

- Sao lại không? Nếu không tha thứ cho ông thì mỗi khi về nước, mẹ con bà ấy còn đến thăm bạn bè của ông làm gì? Lần nào tới thăm tôi, bà ấy cũng hỏi thăm ông và còn lo lắng cho ông nữa. Còn nhớ cái năm bà ấy về làm đám tang cho ông cụ thì cũng là năm ông được bầu vào trung ương. Bỗng dưng có một lá đơn kiện Trung ương phủ nhận chuyện đó để thanh minh cho ông... Nhưng tôi đã khuyên bà ấy đừng nên làm cho câu chuyện phình to ra làm gì nữa... 

Ông Hùng Phong lại thở dài:

- Điều tệ hại nhất là khi tổ chức kiểm tra việc ấy tôi cũng đã không dám nhận là có chuyện ấy. Thế là thêm một lần nữa tôi từ chối mẹ con cô ấy. Và, còn mang tội che dấu cả tổ chức nữa. Nhưng tệ hại hơn, tôi còn ngờ ông là người đứng sau khuấy vụ này lên nữa kia. Chả là ông vẫn còn ghen với tôi mà!

- Tôi biết - Giáo sư Lân cười nhạt - Vì thế nên mấy lần hội lớp 10B và họp hội đồng ngũ gặp tôi mà ông cũng chẳng thèm nói chuyện. Nhưng, tôi cũng chẳng giận ông làm gì. Chẳng qua, ông cũng chỉ là một thằng đàn ông ích kỉ như nhiều thằng đàn ông khác mà thôi!

Viên tướng mỉm cười chua chát - Nhưng... ông cũng phải thừa nhận rằng ngày xưa tôi cũng thầm yêu cô ấy đấy chứ. Thầm yêu thôi, chứ tôi nào dám tin có một ngày nào đó cô ấy lại... dễ dàng ngả vào lòng tôi đến thế. Vì được cô ấy một cách quá dễ dàng, tôi lại đâm ra ngờ vực... Tôi chưa bao giờ dám tin Thanh lại yêu tôi như tôi vẫn tin chắc vào tình yêu ở một người con gái khác...

Ông Lân ngẩng lên hỏi: 

- Ông muốn nói đến Đào ấy à? 

Vị tướng gật đầu:

- Đúng vậy... Người tôi cảm thấy mắc nợ nhiều nhất là Đào... mặc dầu Đào không có con với tôi và cuối cùng cũng lấy được Côn, một người đàn ông tử tế. Còn đối với Thanh thì...

Giáo sư Lân bắt đầu nóng mắt gắt: 

- Thôi đi anh đã làm hỏng cả cuộc đời của người ta mà lại còn nói năng vô trách nhiệm đến thế sao?

Vị tướng nhếch mép cười khiêu khích: 

- Sao mà ông ghen hộ cô ấy lâu đến thế? Phải rồi, hình như ông vẫn còn cay cú vì chuyện tôi đã cuỗm mất tấm ảnh cô ấy tặng cho ông ngày bọn mình nhập ngũ, phải không? Ai bảo ông cứ yêu đương nửa vời như vậy hả? Giá như ông dám nói với tôi rằng ông yêu Thanh thì tôi cũng chẳng nỡ... Đằng này... Mà cô nàng cũng đến lạ. Kiêu kì bắc bậc thế mà cuối cùng... sao mà dễ bị cái thứ hào quang vay mượn của những người anh hùng chiến trận nó làm cho mờ mắt đến thế? Ông không tin thì cứ hỏi cô ấy xem, ngày ấy tôi đâu có lừa gạt cô ấy. Tôi đã nói rằng tôi đã hứa hôn với Hoan, con gái một vị thủ trưởng lớn trong quân đội rồi, ngay cả chuyện tôi phụ bạc Đào ra mặt, cô ấy cũng biết, vậy mà cô ấy vẫn cứ đòi được tôi yêu "Dù không được làm vợ anh nhưng được anh yêu em cũng mãn nguyện lắm rồi". Nàng nói với tôi thế đấy. Chắc là ông không tin đâu nhỉ?

Ông Lân phản kháng một cách yếu ớt: 

- Nhưng... nếu là người quân tử thì ông phải tìm mọi cách mà từ chối chứ? 

Tướng Hùng Phong cười vang:

Nhưng... tôi đâu phải là người quân tử? Tôi cũng... chỉ là một thằng con trai nhà quê tầm thường thôi. Nhưng hồi đó tôi... đã đủ khôn ngoan để vừa làm một người anh hùng, một thần tượng của đám thanh niên ở hậu phương vừa làm một thằng đàn ông, tôi đã không từ chối tình yêu mãnh liệt của Thanh cũng như không thể từ chối những vòng hoa mà người ta cứ khoác lên cổ mình sau mỗi buổi đăng đàn kể chuyện chiến đấu ấy!

Ông Lân không thể ghìm lòng được nữa nên buột ra một câu khiếm nhã: 

- Khốn nạn! 

Tướng Hùng Phong vẫn bướng bỉnh cãi:

- Ông chửi tôi thì mặc ông, nhưng tôi không cho việc ấy là một điều tệ hại. Cái điều mà ông vừa gọi là "Khốn nạn" phải dùng để chỉ hành vi khác của tôi kia.

Đó là việc tôi kết hôn với bà Hoan. Bây giờ thì tôi đã đủ can đảm để nói thật với ông rằng ngày ấy tôi nhận lời mai mối để lấy bà Hoan là vì... có chút choáng ngợp trước oai phong của ông bố vợ tương lai. Nói cho phải đạo, ông cụ cũng không hứa hẹn gì với tôi, nhưng lúc đó tôi cảm thấy thật hãnh diện nếu trở thành con rể của một vị tướng. Và tôi đã bị ma đưa lối quỉ dẫn đường mà đi cưới cái của nợ ấy về làm vợ. Rõ ràng là một cuộc hôn nhân vụ lợi chứ chẳng đẹp đẽ gì. Vậy mà ngược đời, nó lại được mọi người hoan nghênh, ta ngợi, chúc tụng. Hồi đó các ông còn ở trong chiến trường không biết chứ, đám cưới của tôi và bà Hoan được coi là một đám cưới danh giá nhất Hà Nội đấy.

Nhiều vị lãnh đạo Đảng, chính phủ cũng đến dự kia, các tướng lĩnh trong quân đội thì nhiều vô khối... Báo chí cũng tới chụp hình đưa tin nữa. Hồi đó tôi cũng tự hào lắm, tôi đã tự nói với mình - Đồng chí Hùng Phong ơi, đồng chí khá lắm! Từ nay đồng chí đã trở thành một nhân vật đáng kính trọng rồi. Con đường thăng tiến của đồng chí đã mở ra thênh thang. Nếu bây giờ đồng chí không thích ra trận nữa thì cũng không thành vấn đề gì? Đồng chí sẽ dễ dàng có được một vị trí trong những cơ quan khổng lồ của quân đội ở hậu phương. Vợ đồng chí và thậm chí cả bố vợ đồng chí cũng muốn như thế. Có điều ông nhạc đáng kính không tiện nói thẳng ra mà lại cứ gợi ý loanh quanh khiến đồng chí Hùng Phong bực mình khảng khái nói luôn - Con sẽ ra trận, sẽ tự mình phấn đấu nên người ở tiền tuyến chứ không thể để mình mục ra ở hậu phương sớm thế đâu? 

Dĩ nhiên là ông nhạc của tôi đã làm những gì có thể làm để con đường đi lên của tôi đỡ chông gai hơn một chút. Nhưng tôi cũng không lợi dụng cái lợi thế đó một cách quá đáng. Tôi nghĩ, mình sẽ phải làm tướng như ông ấy, nhưng là tướng cầm quân ngoài mặt trận hẳn hoi kia. Vì thế mà tôi đã trở lại đơn vị tiếp tục đi cho hết con đường chiến trận của mình. Và cuối cùng- Vị tướng cười ha hả - Tôi cũng trở thành một vị tướng hẳn hoi. Mà tướng ra tướng, chứ chẳng phải chuyện chơi.

Tôi đã đánh tan được những tiếng ì xèo khi mới cưới vợ rằng thì tôi tiến bộ nhanh thế là nhờ có cái ô của ông nhạc. Mặc dù, lúc đầu, tôi có tính toán thế thật!

Giáo sư Lân bỗng hết giận trước những lời bộc bạch chân thành của vị tướng:

Quãng đời có ý nghĩa nhất của tôi đã trôi qua từ lâu rồi. Ngoảnh lại, tôi lại thấy mình trắng tay, ông ạ. Mọi thứ đang tuột dần khỏi bàn tay tôi. Gia đình, vợ con, quyền lực và danh vọng... tất cả đang trôi qua kẽ bàn tay tôi như những hạt cát vậy... Rốt cuộc thì tôi sẽ còn lại cái gì? Tôi là cái gì, là ai trong cuộc đời này vậy?

Giáo sư Lân bật cười: 

- Thôi đi ông bạn... Tôi thật ngạc nhiên khi được nghe những lời tiêu cực, yếm thế đến như vậy từ miệng một người như ông đấy. Ông từng là nhiều thứ rồi...

Thậm chí, ông đã trở thành anh hùng quân đội rồi kia mà. Ai nói thế nào tôi không biết, chứ trong con mắt tôi anh quả xứng đáng là một người anh hùng trong chiến trận... Nhưng giữa một người hùng trong những trận đánh tới cái mà người ta gọi là một trang anh hùng giữa cuộc đời lại là một khoảng cách rất xa. Nhiều người vẫn còn lẫn lộn giữa một người được trao tặng danh hiệu anh hùng với một trang anh hùng... Anh chưa phải là một trang anh hùng, một đấng nam nhi đáng mặt, nhưng anh đâu phải là con người kém cỏi gì mà vội bi quan thế?

- Cám ơn những lời động viên chân thành của anh... Giá như những lời ấy lọt vào tai tôi mấy năm trước thì có lẽ tôi đã không thể chấp nhận được. Nhưng năm tháng và sự thăng trầm, được mất ở đời đã giúp tôi hiểu ra nhiều điều. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình quả không đáng mặt là một nam nhi nữa, chứ đừng nói gì đến một trang anh hùng như anh nói.

Giáo sư Lân cũng không ngạc nhiên khi nghe những lời gan ruột này của vị tướng. Ngược lại ông cảm thấy mừng vì cuối cùng thì ông cũng tìm lại được người bạn thẳng thắn, trung thực thuở học trò.

- Có lẽ... Tôi cũng nên viết đơn xin về hưu thôi ông ạ - Tướng Hùng Phong thở dài - Thật chẳng có nghĩa lí gì khi mình vẫn cứ khoác bộ quân phục cấp tướng, ngồi ở một cơ quan nghiên cứu đáng kính trọng đến thế mà chẳng có cống hiến gì cho khoa học quân sự. Tôi là một ông tướng của trận mạc, tướng cầm quân chứ đâu phải là một nhà khoa học? Lâu nay, tôi luôn có cảm tưởng là mình đang ngồi nhầm ghế của người khác. 

Giáo sư Lân mỉm cười - Thì ngay từ khi ông xin về viện tôi đã nói rồi cơ mà... Tôi cũng biết tạng ông không hợp với cái bàn giấy.

Vị tướng nói như người mộng du - Lúc đó... cũng là vì hoàn cảnh thôi... Tôi muốn được về Hà Nội công tác để mong cứu vãn cái gia đình mà tôi cũng đã nhìn thấy rằng nó đang dần dần sụp đổ. Vợ hư, con hỏng cũng có phần lỗi tại tôi... Đáng lẽ ngay từ sau khi rời mặt trận trở về tôi đã phải giành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình... Nhưng tôi lại mải mê theo đuổi những chuyện đâu đâu, phó mặc việc nuôi dạy hai đứa con cho một người đàn bà phù phiếm.

Vị tướng chợt dừng lại giữa chừng rồi bỗng cất tiếng cười khô khốc 

- Hừ... Tiên trách kỉ hậu trách nhân... Không chừng, tôi còn phù phiếm hơn cả bà ấy nhà tôi cũng nên.

Giáo sư lựa lời an ủi: 

- Cũng không hẳn là thế... Thực ra thì nước mình cũng mới chỉ được yên hàn từ năm 1990 đến nay thôi. Ông là tướng cầm quân, có muốn dành nhiều thời gian cho gia đình cũng chả được.

Vị tướng cười nhạt:

- Cám ơn ông đã có những ý nghĩ tốt về tôi. Nhưng mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm về số phận mình, về sự an nguy của gia đình mình chứ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Rồi ông đứng dậy, ngước nhìn căn phòng đầy sách của giáo sư rồi hỏi một câu tưởng như chẳng ăn nhập tới những điều đang dày vò ông.

- Dạo này ông không viết tiểu thuyết nữa à?

Ông Lân ngạc nhiên hỏi: 

- Vậy ra... ông cững có đọc những gì tôi viết ra à?

- Có... Chỉ trừ những công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, hay xã hội học thì tôi không đọc nổi... vì nó toàn những điều ở tận đẩu tận đâu ấy... Còn thì những thứ gì thuộc về lĩnh vực sáng tác của ông tôi đều tìm đọc cho bằng hết.

- Sao vậy? 

- Để xem ông viết những gì về bọn tôi, về cái thời của chúng ta ấy... 

Giáo sư tò mò hỏi: 

- Vậy ông thấy tôi viết thế nào?

Vị tướng bỗng mỉm cười, một nụ cười tinh quái quen thuộc từ xa xưa của ông chứ không phải là nụ cười mệt mỏi khi ông ta vừa bước vào căn phòng này.

Trước hết... là trung thực... Kể cả cái cuốn tiểu thuyết Thung lũng máu xuất bản xong thì bị thu hồi của ông cũng vậy... Rất trung thực. Chỉ có những người trong cuộc thì mới viết được như thế thôi.

- Vậy... sao hồi ấy... ông cũng đăng đàn để choảng tôi khiếp thế? Bài viết của ông đã được các cơ quan có thẩm quyền coi như là một ý kiến quan trọng nhất của các nhân chứng để đi đến quyết định ngừng phát hành cuốn sách đó, ông cũng biết như thế chứ?

Vị tướng bỗng bật cười lớn và như vừa được tiếp thêm một luồng sinh khí thần diệu khiến con người ông như biến đổi hẳn, giọng ông vang lên quyền biến, khuynh loát.

- Thì hồi đó... cần phải như vậy... Cả dân tộc đang ngất ngây say vì chiến thắng... Đất nước vừa mới thống nhất, thù trong giặc ngoài vẫn còn đầy ra đấy... Không thể để một cuốn sách như cuốn tiểu thuyết của ông làm người ta nghĩ khác đi về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta và có những ý tưởng nhập nhằng giữa chính và tà, giữa ta và địch, giữa chiến tranh giữ nước và nội chiến huynh đệ tương tàn được... ! Vì vậy, tôi cần phải lên tiếng... Người khác nói thì khó có thể thuyết phục được độc giả, nhất là những độc giả chưa từng trải qua chiến tranh... Nhưng một vị anh hùng quân đội, là người trong cuộc mà nói thì nhất định là họ phải tin... 

Giáo Sư Lân ngẩn ngơ hỏi: 

- Ông nghĩ thế thật à?

Thật chứ... Nhưng nguyên cớ mà tôi phải viết bài choảng ông lại ở chỗ khác. Tại sao ông lại dại dột chua trên đầu sách mấy dòng, trong đó có nói đến việc chọn tôi là một trong số những nguyên mẫu cho nhân vật của mình? Vì vậy tôi đã buộc phải lên bếng. Và khi tôi đã lên tiếng rằng cuốn sách của ông chỉ toàn là những chuyện suy diễn bịa đặt thì cuốn sách ấy chỉ có đem mà đốt đi thôi.

Giáo sư Lân ngước nhìn vị khách với ánh mắt thảng thốt... Tim ông thắt lại y như cái buổi chiều ảm đạm hôm nào khi nhận được tin cuốn sách đầy tâm huyết của mình vừa có quyết định đình chỉ việc phát hành. Hay y như cái lúc vợ ông vừa khóc vừa đọc cho ông nghe bài báo nảy lửa của anh hùng quân đội Phạm Hùng Phong phê phán cuốn sách của ông là suy diễn, xuyên tạc, bịa đặt nhằm hạ thấp ý nghĩa của những chiến công lừng lẫy mà quân dân ta phải đánh đổi bằng cả núi xương, sông máu vậy. Hay tệ hơn, thê thảm hơn như cái buổi chiều ông được tổng biên tập toà soạn báo gọi tới và giao cho tờ quyết định chuyển công tác khác... Hay... như rất nhiều nỗi cay cực mà ông phải chịu đựng vì sự ra đời không hợp thời của đứa con tinh thần của mình... Cái dư vị cay đắng ấy ông đã nuốt sâu vào trong mấy tầng của kí ức nay bỗng dưng lại trồi lên đắng nghét trên miệng khiến ông không thốt được thành lời...

- Đừng xúc động thế, ông bạn... - Vị tướng ngồi xuống bên cạnh ông và một lần nữa giọng nói của ông lại thay đổi ngữ điệu.

- Tôi biết ông vẫn còn trách tôi về bài báo đó... Nhưng lúc đó, tôi nhất định phải làm như vậy.

Giáo sư khó nhọc cất lời: 

- Nhưng... vì cái gì chứ? 

- Vì sự nghiệp chung... Và cũng vì cả cá nhân tôi nữa...

- Phải rồi... lúc đó đang chuẩn bị cho đại hội Đảng... và ông có tên trong dự kiến nhân sự... Nhưng có nhất thiết phải làm như thế không?

- Không nhất thiết... Nếu không có những dòng phi lộ của ông thì... tôi cũng chẳng cần phải lên tiếng làm gì!

Giáo sư Lân bỗng bật cười lớn... ông cười ngả nghiêng đến nỗi nước mắt tứa cả ra. Dạo này ông có cái tật lạ thế hễ cứ cười là nước mắt lại dào ra.

- Thật... khôi hài hết sức... Thì ra chỉ vì mấy dòng phi lộ, mấy dòng nói thêm cho rõ, mấy dòng người viết sách muốn thi ân bạn bè, những người đã cung cấp cho mình tài liệu bằng chính một phần cuộc đời của họ...

Tôi hiểu rồi, vậy mà hồi đó tôi cứ trăn trở mãi một điều: Hay có chỗ nào đó mình chưa thật hiểu rõ tình hình của mặt trận lúc đó mà đã viết sai? Hay lòng mình không được trong sáng? Hay là mình bất tài đến mức viết sáng thành tối, viết trắng mà người đọc có thể hiểu thành đen? Thì ra chỉ tại cái lời nói đầu, tại một cái dải áo chứ không phải tại cái áo!


- Không hẳn như vậy đâu... Có nhiều chuyện mà không thể chỉ nói vài câu là lí giải hết được:

 - Vị tướng đã bình tĩnh trở lại, giọng ông lại trở nên sầu muộn 

- Tóm lại là... Cái thời ấy nó thế... Cũng như có biết bao nhiêu điều về cái thời này mà chúng ta không thể hiểu được, thậm chí còn không thể chấp nhận được mà vẫn đang tồn tại sờ sờ trước mắt chúng ta đó thôi... Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, ông tưởng dễ hiểu lắm đấy à? Chẳng đã có thời chúng ta coi tất cả những người buôn thúng bán mẹt là những phần tử phi xã hội chủ nghĩa, còn những ông chủ xưởng, chủ tiệm buôn thì đều là kẻ thù giai cấp đó sao?

Những người ấy nay so với những nhà doanh nghiệp mới thì còn là trẻ con! Một xã hội đang phát triển lành mạnh, yên bình, còn khó hiểu đến thế, nữa là một xã hội đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh? Vì vậy, các ông nhà văn viết về chiến tranh có thể lí giải thế này hay thế khác một vài sự kiện trong chiến tranh cũng là điều bình thường thôi. Ấy là bây giờ tôi mới nghĩ được như thế, và có thể đến tận bây giờ cũng có người còn chưa nghĩ được như thế, ông cũng đừng lấy thế làm buồn!

- Tôi đâu có buồn về chuyện mọi người nhận thức khác nhau về những sự kiện này hay sự kiện khác trong chiến tranh. Tôi chỉ buồn vì những người như ông mà lại có thể suy diễn truy chụp cho chúng tôi những điều như vậy... Tôi cũng không giận gì tổ chức...

Vì tổ chức có thể có cái lí của họ trên cơ sở bảo vệ lợi ích chung. Nhưng thú thực, những ngày ấy tôi đau đớn như một người bị bạn bè phản bội vậy.

Vị tướng im lặng một hồi lâu rồi buông một tiếng thở dài.

- Tôi hiểu cảm giác đó chứ... Vì tôi cũng không ít lần bị phản bội, bị bán đứng.

Nhưng, dẫu sao thì ông cũng cứ sung sướng hơn tôi. Vì ông có thể hét tướng lên, có thể mắng vào mặt ai đó. Rồi, một lúc nào đó ông còn có thể viết lại cả những chuyện đó, in thành sách để thanh minh cho mình. Còn tôi thì không, tôi phải im lặng.

Giáo sư Lân nhìn vẻ mặt rầu rĩ của của ông bạn và tin rằng ông ta đã nói thật.

- Thôi quên những chuyện đó đi. Hay là tôi với ông đi chơi một vòng với mấy thằng bạn cũ đi? Cũng chẳng còn được bao nhiêu người đâu? Ông tướng ngập ngừng.

- Tôi cũng... muốn như thế lắm. Nhưng bây giờ thì chưa được... Đợi đến khi tôi được nghỉ hưu đã. Tôi cũng đã đề đạt nguyện vọng lên đảng ủy quân sự trung ương rồi. Có lẽ, cũng chong chóng thôi. Đợi cho tôi hạ cánh an toàn rồi thì lúc đó...

Ông dừng lại đột ngột ở đó rồi lặng lẽ ra về.

Vậy mà rốt cuộc, ông vẫn chưa kịp hạ cánh. Người ta vẫn chưa tìm ra một vị tướng khác khả dĩ có thể ngồi thay cái ghế của ông, hay vì những lí do nào khác, giáo sư Lân cũng không hiểu. Thực ra, ông cũng chẳng để tâm tìm hiểu xem có thực ông bạn mình muốn về hưu sớm thật không?

Chỉ biết rằng từ sau ngày đưa thằng con trai vào trại cai nghiện, ông và bà đã có một cuộc cãi vã quyết liệt. Rồi bà bỏ vào thành phố Hồ Chí Minh sống với con gái và chàng rể Đài Loan. Ông tướng đã sống một mình từ bấy đến nay. Và, ông đã một mình lặng lẽ ra đi...

Trước ngày diễn ra lễ tang tướng Hùng Phong có một nhóm cựu chiến binh tới tụ tập tại nhà giáo sư Lân.

Họ đều đã ở vào tuổi trên dựới sáu mươi, trừ một vài người bị thương tật, còn lại họ đều còn khoẻ mạnh, và đặc biệt đều nói rất to... đấy là nhận xét của bà Thảo, vợ giáo sư Lân vì xưa nay bà rất sợ những người nói to.

May mắn cho bà là trong đám khách ồn ào của chồng cũng có một phụ nữ, đó là bà Đào, bạn học cũ của giáo sư và tướng Hùng Phong. Nhưng hôm nay bà đến đây chuẩn bị đi dự đám tang với tư cách là thay mặt cho chồng, liệt sỹ Nguyễn Danh Côn chứ không phải với danh nghĩa là bạn học cũ. Bà nói với bà Thảo về sự phân định rạch ròi này như sau:

- Tôi phải thay mặt cho nhà tôi đến viếng ông ấy cho phải đạo. Chứ riêng tôi thì, tôi đã thề suốt đời không thèm nhìn mặt lão ta rồi.

Bà Thảo vừa lén nhìn ra nhà khách, nơi các bạn đồng ngũ của chồng đang ồn ào tranh nhau nhắc lại những chuyện chiến trận quanh cái bàn trà, vừa nói với bà bạn:

- Nghĩa tử là nghĩa tận, bà ạ. Người chết cũng đáng được tha thứ hết mọi chuyện. Có một người trong đám cựu chiến binh xuất hiện muộn hơn nhưng lại gây được sự chú ý của tất cả mọi người. Đó là một ông già đã ngoài bảy mươi tuổi, tóc bạc như cước, lưng đã hơi còng, đi đứng không còn được nhanh nhẹn. Ông được một cậu con trai đưa tới bằng xe máy. Khi ông vừa bước vào nhà, mọi người đã sửng sốt kêu lên - Trời ơi... anh nuôi Cung...

- Tớ đây... Tớ đây... - Mọi người không ngờ ông già bảy mươi tưổi ấy vẫn có giọng nói sang sảng như tiếng soong chảo va nhau vậy - Không ai báo tin cho tớ cả.

Các cậu tệ thật, nhưng cũng may là cháu nó vừa mua cho cái tivi. Thấy người ta cáo phó cậu Ban là tớ biết hôm nay các cậu nhất định sẽ tụ tập ở đây để mai đi viếng. Chà, sao cái tay này có thể rũ áo ra đi sớm đến vậy? Chưa đầy sáu mươi tưổi đầu... Các cậu cũng tệ thật, nó ốm đau thế nào mà cũng chẳng thông báo cho anh em một lời.

Giáo sư Lân vội thanh minh: 

- Nhưng... ông ấy có ốm đau gì đâu? Nghe nói chỉ bị một cơn nhồi máu rồi... Vả lại, bác cũng già rồi nên có nhiều việc bọn em cũng không tiện gọi đến.

- Già thì già chứ... - Ông phẩy tay - Sao các cậu vội xếp tớ vào diện thanh lí sớm thế. Vả lại, Hùng Phong với tớ nhiều duyên nợ lắm. Cậu ấy đi thì tớ nhất định phải đến tiễn.

Ông Cũng chọn một chỗ trong số những cái ghế mà anh em đứng lên nhường chỗ mình để ngồi rồi nói thêm:

Hồi đang hành quân vào Tây Nguyên tớ bị sốt rét, Hùng Phong đuổi tớ đi viện rồi tuyên bố cắt quân số cho về Bắc luôn. Lúc đầu tớ cũng oán lắm. Nhưng đến hôm tiễn tớ ra binh trạm để về Bắc hắn mới nói rằng:

Cậu Cung này, tôi muốn cậu về nhà mà chăm lo cho mợ ấy với lũ trẻ. Với lại cậu mới có bốn con vịt giời.

Phải kiếm lấy một thằng cu nữa chứ. Đánh Mỹ như thế là đủ rồi! Còn cái vụ cậu với em phối hợp đâm chết hai thằng biệt kích Mỹ em đã báo cáo lên trên rồi. Ghi công cho ông cậu cả đấy. Không hiểu vì sao đến giờ không thấy cấp trên khen thưởng gì cho cậu. Để em kiểm tra lại cho. 

Lúc ấy tôi còn bực mình mát mẻ:

- Có khi cấp trên đắp cả vào bản báo cáo thành tích của cậu để tuyên dương anh hùng rồi cũng nên?

- Đâu có, em thì thiếu gì thành tích mà phải ăn chạc của ông cậu. Cứ yên trí mà về đi. Thế nào cũng có Huân chương!

Một ông vội ngắt lời: 

- Thế sau đó ông có gì không? 

- Có... Mãi một năm sau tớ mới nhận được giấy báo công nhận là Dũng sỹ diệt Mỹ, được tặng Huân chương chiến công giải phóng Hạng ba. Mà khéo quá, lại đúng vào ngày vợ tớ vừa sinh được thằng cu. Nhớ đến thằng Ban, tớ bèn lấy béng tên nó đặt tên cho con trai. Đấy, là cái thằng vừa chở tớ đến đây đấy. Nó bảo, nhờ bố thắp cho chú Ban nén hướng, chứ, con bận lắm không thể ở đến mai được. Chả là bây giờ nó là ông chủ nhà máy gạch. Có sáu cái lò với bảy tám chục người làm. Bận là phải! Vừa lúc ấy thì lại có tiếng chuông gọi cổng.

Những người đàn ông mải nghe ông Cung kể chuyện làm ăn của ông chủ lò gạch nên không nghe thấy tiếng chuông. Bà Thảo vộì ra mở cổng, chắc mẩm lại có thêm một vài cựư chiến binh đến tụ họp chuẩn bị cho đám tang vị tướng vào ngày mai. Nhưng khi cánh cổng sắt vừa hé mở, bà sững người khi nhìn thấy một người đàn bà và một thanh niên chừng ngoài ba mươi tưổi. Cả hai đều ăn mặc rất lịch sự, cả hai đều toát lên dáng vẻ của những người giàu có, sang trọng. Và bà cũng đã nhận ra người đàn bà đó là ai, mặc dù bà mới chỉ được gặp bà ta một lần trong đời.

- Xin lỗi... bà có phải là bà Thanh... 

Người đàn bà sang trọng nở nụ cười mệt mỏi:

- Vâng... là tôi đây. Cám ơn chị còn nhớ tôi, chị Thảo - Rồi bà quay sang chàng thanh niên - Đây là cháu Bảo, con trai tôi...

Người thanh niên lịch sự khẽ cúi mình. Chỉ nhìn thoáng qua, bà Thảo cũng nhận ra được những nét giống nhau đến kì lạ giữa cậu thanh niên kia và người bạn vừa quá cố của chồng mình... Và bà cũng hiểu ngay ra nguyên do của chuyến đi tất bật từ trời Tây về đây của hai mẹ con bà. Nhưng với bản tính tế nhị, kín đáo, bà Thảo không nói gì thêm mà chỉ lặng lẽ mở rộng cánh cổng mời Khánh vào nhà.

Đám cựu chiến binh đang ồn ào tranh nhau nói bỗng lặng phắc khi bà Thảo đưa hai mẹ con bà Thanh bước vào nhà. Giáo sư Lân há hốc miệng vì ngạc nhiên.

Nhưng rồi, ông chợt nhớ ra bổn phận chủ nhà của mình liền vội vã tiến lại: 

- Cô Thanh... Thật không ngờ... cô lại biết mà về...

Câu nói ấy bao hàm cả một lời xin lỗi. Ông đã không thực hiện lời hứa là sẽ báo tin cho mẹ con bà biết nếu có chuyện gì xảy ra với Hùng Phong. Thực ra, ông cũng định ngày mai khi dự tang lễ xong, sẽ ra bưu điện gọi sang Pari báo tin cho bà. Vậy mà người đàn bà này...

- Anh Nùng, tham tán văn hoá của sứ quán ta ở Pari đã tới tận nhà báo tin cho tôi nên mẹ con tôi vội vã đáp máy bay về đây. Mà, liệu các anh còn nhớ anh Nùng không nhỉ?

Ông Huy, thương binh bị cụt một tay, vội vã lên tiếng: 

- Sao không nhớ? Anh chàng bí thư chi đoàn chân to chân bé chứ gì? Ông ta đã là nhà ngoại giao rồi cơ à? 

- Ông ấy là đại diện thương mại.

Bà Thanh gật đầu đáp rồi quay sang cậu con trai vẫn còn đang cung kính đứng cúi đầu phía sau mẹ:

Xin giới thiệu với các ông... Đây là cháu Phạm Xuân Bảo, con trai anh Hùng Phong. cháu hỉện là tiến sĩ vật lý đang giảng dạy tại một trường đại học tại Pari... Nói luôn để các bác yên tâm, cháu không phải là "Việt kiều yêu nước đâu", cháu làm việc ở bên Pháp theo một thỏa thuận giữa bộ giáo dục của ta với chính phủ Pháp. Cháu cũng vừa được kết nạp đảng rồi đấy.

Con nhà tông chẳng giống lông cũng phải giống cánh chứ, phải không các bác? 

Trong đám cựu chiến binh không mấy ai biết chuyện này nên thảy đều sửng sốt. Ông Lân lúng lúng nói với mọi người:

- Các bạn sẽ biết chuyện này sau... Bây giờ tôi xin phép được nói chuyện riêng với mẹ con bà Thanh một lát đã.

Hai mẹ con bà Thanh lặng lẽ theo ông lên gác. Cậu thanh niên có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy những giá sách đồ sộ của giáo sư Lân. Rất tự nhiên, cậu hăm hở bước tới, lật vài cuốn sách lên xem, dường như quên mất cả mục đích của chuyến về nước lần này. Bà Thanh yên lặng ngồi xuống ghế và kiên nhẫn chờ đợi những lời trách cứ từ ông Lân. Quả nhiên, ông đã lên tiếng:

- Sao bà về mà không điện báo cho tôi trước? 

Bà Thanh bình thản trả lời:

- Xin lỗi ông, tôi sợ nếu báo trước với ông là tôi sẽ đưa cháu Bảo về chịu tang bố nó thì ông sẽ ngăn trở.

Nhưng tôi đã tự thề với mình rằng đến ngày ông ấy chết, tôi nhất định sẽ đưa con trai tôi đến trước mộ ông ấy để cha con họ nhận mặt nhau. Tôi đã nhường nhịn ông ấy, giữ gìn danh tiếng cho ông ấy từng ấy năm rồi.

Nay ông ấy đã ra đi, mẹ con tôi cũng chẳng cần phải giữ gìn làm gì nữa. Con tôi phải có gốc, có nguồn. Sau đám tang này, tôi sẽ đưa cháu về thăm quê nội, dù bên nhà ông ấy có nhận cháu hay không thì tôi cũng mặc.

Chỉ cần cháu biết cháu là ai, từ đâu mà chui ra với đời này là được rồi!

Ông Lân hiểu rằng bà có lí, và ông sẽ không làm được gì để ngăn bà công khai hoá danh tính người cha của con trai bà như những lần trước ông đã làm được.

Vì không muốn cản trở con đường tiến thân của Hùng Phong nên mẹ con bà Thanh vui lòng nghe lời khuyên của giáo sư Lân, kiên nhẫn chờ đợi sẽ có một ngày nào đó...

Có lẽ ngày đó đã đến thật rồi chăng? 

- Nhưng... giá như bà báo trước cho tôi để tôi có thời gian chuẩn bị... Đột ngột thế này, mọi chuyện sẽ rắc rối lắm đây.

Có lẽ ngày đó đã đến thật rồi chăng? 

- Nhưng... giá như bà báo trước cho tôi để tôi có thời gian chuẩn bị... Đột ngột thế này, mọi chuyện sẽ rắc rối lắm đây.

Bà Thanh mệt mỏi nói: 

- Tuỳ ông thu xếp thế nào thì thu xếp. Ngày mai con trai tôi nhất định phải được quì lạy trước linh cữu của cha nó!

Ông Lân biết rằng ông không còn sự lựa chọn nào khác. Những sự việc tích tụ từ mấy chục năm qua cũng đã đến lúc cần phải tháo cởi. Biết đâu chính Hùng Phong cũng muốn như thế?

Nhưng tại sao lại chính là ông phải đứng ra thu xếp tất cả những chuyện này cơ chứ?

Chợt thấy buồn bực trong lòng, ông bước lại giá sách lấy ra một cuốn sách có bìa màu đỏ với dòng chữ "Trên hàng rào lửa" rồi lật qua trang đầu. Bức ảnh tướng Hùng Phong - Phạm Xuân Ban mặc lễ phục với đầy đủ các loại huân huy chương trên ngực, với gương mặt khá phong trần, với nụ cười nửa miệng mê hoặc và quyền biến, ông ta như đang nói với ông rằng:

Lân ơi, ngoài cậu ra thì chẳng còn ai đứng ra thu xếp gói ghém việc này khôn khéo hơn được đâu. Vì dù sao, ngoài chuyện cậu là bạn của mình ra, cậu còn là nhà tiểu thuyết mà. Trí tưởng tượng của cậu để ở đâu vậy? 

"Nhưng, đây là cuộc đời chứ không phải là... ". Ông đã định lên tiếng tranh luận, nhưng rồi ông chợt nhớ ra rằng, đằng nào thì ông cũng sẽ là người thất bại, vì Hùng Phong đã quyết định im lặng, không bao giờ còn lên tiếng về bất kỳ điều gì nữa rồi. Chẳng phải thế giới này dù có hỗn loạn đến mấy thì cũng đã khởi đầu từ im lặng và rồi cũng sẽ kết thúc trong im lặng tuyệt đối đó sao?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top