Marakvo
-[07/06/3060]-
May đến cửa hàng sớm hơn mọi khi. Lúc cậu đến, trời chỉ mới tờ mờ sáng, Diana vẫn còn ở thư viện, còn Sante vừa xin nghỉ một hôm.
Bằng tất cả sự kiên nhẫn, May lách qua mấy cái bàng và ghế nằm la liệt trong quán, nỗ lực đi đến quầy hàng. Cậu vấp vào cái đống chết tiệt ấy vài lần.
Tổ cha nó, May chửi rủa trong lòng.
Cậu đã làm ở đây hai năm, và chưa bao giờ chấp nhận nổi cái lí do mà bác Bor không chịu lắp đèn cảm ứng cũng như dùng robot cho quán. Trong lúc đang suy nghĩ, cậu lại bị vướng chân thêm một lần nữa, lần này là vì thứ gì đó trên sàn.
Dù vô cùng khó chịu, nhưng cuối cùng thì cũng đèn đã được bật lên. Và May cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh bãi chiến trường. Cái cửa hàng, vốn đã nhỏ, ngổn ngang đồ đạc. Sàn nhà đầy những bãi đen, nhơm nhớp, bắn cả lên tường. Xem chừng là thủ phạm cho cú ngã vừa rồi. Cậu lại cúi đầu nhìn cái áo khoác màu xanh dương đã đính đầy thứ chất lỏng kinh tởm giống hệt đám dưới sàn. Xen lẫn trong đó là những mảnh thủy tinh cùng đất đá. Bàn ghế ngổn ngang, May nhìn quanh, chẳng tìm nổi bốn chiếc ghế nguyên vẹn nữa......
Bàn cũng chẳng đỡ hơn, một trong ba đã gãy đôi. Trên khung cửa sổ, mấy chậu hoa cảnh bể nát, đất rơi đầy sàn nhà. Cửa sổ chống đạn bị thủng một miếng lớn. Cặp kính áp tròng đa dụng thu thập hình ảnh và 'vứt' vào mặt cậu một đống việc để làm. May một lần nữa nhìn lại quầy hàng, máy pha cà phê đi đời, không có thứ phép màu nào cứu được nó hết. Cả tủ ly tách vỡ tan tành. Chỉ duy nhất chiếc đồng hồ hiệu NI còn nguyên vẹn được đặt cẩn thận trên kệ.
Đây không phải là lần đầu tiên cậu trông thấy cửa hàng 'nát' như thế, nhưng là lần kinh khủng nhất. Ông chủ có lẽ cũng cảm thấy như vậy nên đã chuồn êm từ tối qua, để lạo đống hỗn độn cho cậu.
Trên bảng thông báo hiện lên mấy chữ được nhập vội từ tối qua: "Bai nhá." Do ông để lại. Bộ áp tròng nói sai, ngày hôm nay chẳng còn gì nguyên vẹn hết.
May thở ra một hơn dài, xắn tay áo. Một ngày kinh khủng nên bắt đầu bằng sự kinh khủng dành cho người khác.
***
Hơn tám giờ, Diana lao vội vào cửa hông của quán. Thở hồng hộc khi dựa vào tường.
"Cậu trễ 1 giờ 17 phút, bạn ạ. Tuyệt. Ngày tốt lành." May - cầm túi rác trên tay phải và lọ hoa rỗng trong tay trái - vừa nói vừa bước ngang qua cô. Vừa ra khỏi cửa, cậu đã thấy robot dọn rác ở bên ngoài. Nó cũng nhanh chóng chạy đến nhận cái túi rồi chạy mất.
"Tôi ngủ quên mất! Xin lỗi mà!" Dia mếu máo, gần như gào lên.
Nhưng May không để tâm đến cô, cậu tránh khỏi vật cản ồn ào, nhẹ nhàng trả lời "Đi mà xin lỗi lương tâm của cậu khi nhận không thiếu một đồng tiền công ấy, bạn ạ."
Bao giờ cũng vậy, hai người không hợp nhau. Lúc nào họ cũng mở đầu bằng lời phàn nàn của May, rồi kết thúc trong tiếng phản bác yếu ớt của Diana. Nói rằng May ghét cô thì không hẳn, nhưng nói chung thì hai người không hợp nhau. May quá thực tế và phũ phàng, còn Dia thì khá trẻ con và.... bồng bột? Xung đột luôn xảy ra, đương nhiên, là do cậu trai trẻ đơn phương gây chiến.
____________________________________
-[22/12/3041]-
Tối ngày 19/12, lại có thông báo về nơi bị tấn công.
Gần giữa đêm, phe chủ chiến bất ngờ đánh phá một khu cảng phía bắc thành phố. Còi báo động gào rú cả đêm.
Không kịp di tản, dù đã được báo trước. Mà dù có thì cũng chẳng thay đổi được gì. Ga tàu điện vừa báo chuyến tối - chuyến tàu duy nhất còn có thể hoạt động chịu trách nhiệm nối khu cảng với thành phố chạy lúc sáu giờ - bị đánh bom.
Hơn 300 người chết. Tính cả hai vụ là khoảng 700.
***
Giữa trưa, nhân lúc rảnh, mấy người gác cầu tụ tập quanh máy sưởi, dựa người vào thanh chắn, chia nhau những điếu thuốc lá hãng ngoại ít ỏi. Miệng lầm bầm kể về chuyện tối qua. Giọng họ khàn khàn, đè nén. Và dù không ai nói ra, đôi mắt đỏ ngầu đầy tơ máu, những bộ tóc lôi thôi, cả mùi khói xe ám trên quần áo. Cũng đã nói thay cho những con người khốn khổ ấy.
'Tối qua là khu cảng. Nhỡ đâu ngay tối nay là chính cây cầu này. Hay là trung tâm thành phố cũng nên? Nhỡ đâu... nhỡ đâu...'
Ai mà biết được?
Mấy chiếc xe quân đội lao nhanh qua cầu, thổi bay sự yên lặng ngột ngạt đang bao trùm quanh đoàn người.
Một trong số đó ngửa người ra dựa vào lưng ghế, miệng thở ra một hơi thuốc dài trắng xóa.
Có lẽ từ khi bắt đầu, đây đã không còn là câu chuyện bao giờ họ sẽ chết. Mà là câu chuyện về nơi và cách để họ chết đi. Nghe tệ thật.
***
Đây là tuần thứ hai từ ngày lệnh giới nghiêm được áp đặt trong thành phố. Là tháng thứ tư tính từ khi hiệp định ngừng chiến được kí kết giữa 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến đã kết thúc. Những tranh chấp vẫn diễn ra và ngày một trầm trọng hơn.
Marakvo là một thành phố cảng quan trọng. Nơi đây từng là điểm đóng quân của nhiều chiến dịch lớn. Các sân bay và kho hàng vẫn vận hành tốt. Chính phủ lâm thời hiểu rất rõ vai trò của nó. Nhưng đáng buồn thay, lực lượng quân đội và ngân sách đã bị hao hụt nghiêm trọng trong sáu năm qua.
Chính phủ không có khả năng điều thêm quân đồng nghĩa với việc cảnh sát và các lực lượng tự phát đang tranh dành địa bàn trong thành phố phải có trách nhiệm, dù ít dù nhiều, bảo vệ thành phố.
Là 'mảnh đất của thủy chiến', quân đội đóng ở nơi vẫn còn hơn bảy nghìn quân. Nhưng ngần đó là không đủ cho một vùng biển rộng lớn và thành phố cảng đông đúc này. Một liên minh tạm thời được thành lập. Các chính sách và hướng giải quyết nhanh chóng được đưa ra, dù chẳng mấy hiệu quả. Đồng thời, sự kiện này cũng vô tình tạo nên một thế trận cân bằng chưa từng có, nhưng cũng cực kì khó sử.
Như lúc này đây, trong phòng hồi sức tập thể, một đứa trẻ băng bó đầy mình đang dựa lưng vào gối, cánh tay quấn đầy băng gạc của nó đưa lên, nhấn nhẹ vào nút mở rèm trên bậu cửa sổ. Vết thương lại đau, nó thở gấp một tiếng, ho sặc sụa. Không khí tràn vào phổi, đau rát. Thằng bé nhắm chặt mắt, mồ hôi lạnh túa ra, chảy dọc sóng lưng. Nhưng nó vẫn nhướng người nhìn ra cửa sổ, qua cái khe nhỏ. Dưới đường, ngay tại cổng phụ tòa nhà, hai nhóm người đang đứng canh gác.
Các cổng của bệnh viện hay bất cứ chốt canh nào cũng có robot hỗ trợ và rào điện, nhưng trong tình hình này không ai dám giao trách nhiệm đó cho 'đám' AI. Dưới đó là mấy cảnh vệ và 'bọn Quạ'. Họ đang hợp tác, nhưng từ thái độ cảnh giác đó thì khó ai mà nghĩ được như vậy. Nó nhìn ra đường chính, lại thêm vài chiếc xe cứu thương trở về. Người ta đang cố cứu lấy những nạn nhân may mắn còn sống....
Mấy chiếc xe cứu thương lao đến rồi dừng gấp trước cổng, nhóm gác cổng vội vàng mở cổng ra, rồi lại vội vàng đóng lại. Đứa trẻ thẫn thờ nhìn các bác sĩ ùa ra với xe đẩy, thằng bé cố ngồi dậy lần nữa, nó muốn nhìn xem có những ai trên chuyến xe ấy, ước muốn ấy đổ đầy vào đầu thằng bé. Nhưng máu lại rỉ ra, mấy vết thương ở được khâu cẩn thận nứt vỡ dưới nỗ lực của nó. Thứ chất lỏng ấm nóng ấy túa ra, thấm ướt lớp băng cứu thương dày, lan sang cả tấm chăn bông. Thân hình nhỏ bé gục xuống, co quắp chịu đựng cơn đau. Miệng nó mở to, thở gấp gáp, nước bọt chưa kịp nuốt chảy ra khỏi khóe miệng.
Mồ hôi tuôn như mưa, hòa với mấy giọt nước mắt mặn chát. Nó thở hổn hển, lại cố nhấc người lên, gần như là nằm gục lên cửa sổ. Mấy ngón tay nắm lấy bậu cửa sổ siết chặt, trắng bệch. Nhưng trễ mất rồi, tất cả các bệnh nhân đã được đón đi. Ba chiếc xe dính đầy bùn đất lại vội vàng lăn bánh. Để lại một cái bóng nhỏ nằm vật vờ bên khung cửa sổ. Sau vài phút, trong căn phòng bệnh 7 người, đèn cảnh báo bắt đầu vang lên dồn dập.
****
Giữa trưa, Lilia Amston - nữ bác sĩ quân y chuyên về bỏng và vết thương ngoài - hối hả chạy về phía phòng bệnh cuối hành lang. Một nữ y tá trẻ khác cũng vội vàng đuổi theo bà. Hai cái bóng trắng lao đi như bay, chạy ngang qua các bác sĩ và bệnh nhân đứng khắp hành lang. Sự lo lắng và mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt người bác sĩ. Đã có một bệnh nhân nhỏ tuổi bị rách vết thương, tình hình vô cùng nguy cấp.
Lilia chạy đến phòng cấp cứu, bà chỉ kịp đeo vội đôi bao tay đã mở cửa phòng bước vào. Bên trong là hai y tá, và một robot điều trị, một người vừa gấp gáp truyền nước vừa để ý máy thở và nhịp tim. Một trong số đó lấy thuốc, băng gạc đến. Nhìn thấy bà, họ không khỏi thở ra một hơi, rồi lại vội vàng kéo bảng điện tử đang thống kê tình trạng bệnh nhân bên cạnh. Sốt cao, mất máu, viêm phổi, hệ hô hấp bị tổn thương, nhiều vết thương nứt toát ra.
Hai hôm trước, khi tiếp nhận đứa trẻ này, người ta đã cảm thấy nó chẳng thể sống nổi đến sáng mai, bất chấp những cổ máy y tế hiện đại họ có. Lilia nhìn 'cái bọc máu' đang thở một cách khó khăn trên giường bệnh. Bà bỗng chần chừ.
[Thằng bé là một kì tích. Nhưng liệu Ngài sẽ ban cho một người trần tận hai kì tích ư?]
Bên ngoài còn mấy người bệnh nữa, bà hoàn toàn có thể chọn cứu họ, những người có tỉ lệ sống cao hơn. Và đưa tiễn đứa trẻ bất hạnh này đoạn đường cuối cùng. Thật tàn nhẫn, nhưng là một bác sĩ, bà phải chọn. Trong hai ngày này, bà và nhiều người đồng nghiệp đã phải đưa ra vô số quyết định như thế. Một hệ thống y tế phát triển không có nghĩa là mọi bệnh nhân đều có thể được cứu.
Sự có mặt của người bác sĩ ở đây là để định đoạt điều đó. Bà không chỉ đến đây để chữa trị, mà là quyết định kết cục của sinh mạng bé nhỏ tội nghiệp này. Phòng cấp cứu bên cạnh ồn ào lên, một người nữa đang được phẫu thuật. Chiếc vòng thông báo trên tay người bác sĩ hiện lên đầy thông báo về những ca bệnh mới. Thúc giục bà đưa ra quyết định.
Trong khi Lilia đang trầm ngâm, nữ y tá đi cùng bà đã lách người vào trong. Cô nắm lấy lòng bàn tay loang lổ vết bỏng của đứa trẻ. Cúi người. Trán cô chạm vào mu bàn tay gầy gò bệnh tật ấy. Một lát sau, người y tá trẻ ngẩn đầu lên, cô nhìn sâu vào đôi mắt của nữ bác sĩ.
Và rồi, Lilia đã cứu lấy đứa trẻ ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top