MINH HÔN

Hẳn từ trước tới nay bạn đã được nghe rất nhiều lần về hai chữ "minh hôn"? Một trong những tiểu thuyết kinh dị tiêu biểu viết về chủ đề này phải kể đến "Cưới ma" của nhà văn Chu Đức Đông, tuy càng về sau nội dung càng hơi "đuối" nhưng không thể phủ nhận được rằng đây là một cuốn tiểu thuyết kinh dị rất đáng đọc. Còn về phim ảnh thì các bạn có thể tìm xem movie "Nhà số 81 kinh thành" do Lâm Tâm Như đóng chính. Hiện tại thì việc "minh hôn" đã không còn phổ biến, tuy thế đây vẫn luôn là một bí ẩn và mang tính thu hút. Hôm nay, An sẽ giới thiệu với các bạn tục kết hôn đầy ma mị này, đồng thời đặt viên gạch mở đầu cho series kinh dị kỳ bí "Những bí ẩn không lời giải đáp".

Minh hôn hay còn gọi là âm hôn, tức kết hôn cho người chết. Minh hôn không chỉ giới hạn ở việc người chết kết hôn với người chết, thậm chí là người chết cũng có thể kết hôn với người sống. Có rất nhiều thanh niên nam nữ sau khi đính hôn, vẫn chưa kịp cưới thì đã vong mạng, người lớn đều cho rằng nếu không giúp họ thành hôn thì quỷ hồn của họ sẽ tác quái. Vì thế nhất định phải tổ chức nghi thức minh hôn rồi chôn cả hai cùng một chỗ, chính thức trở thành vợ chồng, vả lại cũng tránh cho việc hai nhà có hai "cô phần" (tức phần mộ cô độc, lẻ loi) . Nhắc đến đây cũng phải đề cập rộng thêm một chút, trước kia người ta rất tin vào "phong thủy mộ phần", họ đều cho rằng nếu nhà nào có "cô phần" thì sẽ ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của gia đình, thế nên thời ấy có rất nhiều "nhà phong thủy" vì muốn kiếm chác lợi ích nên đã gắng sức tuyên truyền kiểu minh hôn này. Khi một gia đình có con cái chết trẻ, họ thường đi tìm những gia đình có con cái cũng chết trẻ như con mình để "cưới" về xem như là một kiểu thành gia lập thất. Song thực ra trong xã hội cũ, ngoại trừ trường hợp hai người chết kết hôn với nhau thì việc người sống kết hôn với người chết cũng khá phổ biến, chỉ những người chết thuộc gia đình giàu có hoặc thế gia mới minh hôn kiểu này, thường thì họ sẽ bỏ ra một khoản tiền lớn để "mua" những cô con gái/ cậu con trai (còn sống) của các hộ gia đình nghèo về làm vợ/ chồng cho con trai/gái mình.

Còn trong trường hợp nam nữ sau khi đính hôn, nếu trước khi cưới mà người nam chết, người nữ muốn xuất giá thành thân thì khi bái đường, linh vị của "tân lang" sẽ do em trai hoặc em gái của tân lang cầm cùng cử hành hôn lễ với tân nương. Sau khi thành thân, tân nương phải làm trọn đạ làm vợ, thủ tiết và thay chồng thủ hiếu. Nếu cô gái ấy không muốn thủ tiết mà cưới một người khác thì tuy rằng cuộc hôn nhân đầu là "hữu danh vô thực" nhưng người khác vẫn sẽ xem đây là cuộc hôn nhân thứ hai của cô gái và mỗi năm cô gái vẫn phải cúng tế vong linh người "chồng trước" của mình.

Tục minh hôn này xuất hiện từ rất sớm, ngay từ thời Hán đã tồn tại rồi, song do bởi minh hôn tốn kém quá nhiều thứ, lại không có ý nghĩa nên từng bị cấm đoán. Trong sách "Chu lễ" có nói: "Cấm dời mộ và gả cho người chết", nhưng cũng chỉ là "cấm" thế thôi chứ không hề có biện pháp ngăn chặn cụ thể nào, thậm chí còn ngầm được phổ biến. Ví như đứa con mà Tào Tháo thương nhất là Tào Xung mới mười ba tuổi đã chết, Tào Tháo bèn "cưới" một cô gái họ Chân cũng đã qua đời cho con trai mình rồi hợp táng hai người với nhau. Minh hôn thịnh hành nhất vào thời Tống, theo như những gì ghi chép trong "Tạc mộng lục" thì phàm là trai gái chưa cưới mà chết thì phụ mẫu sẽ nhờ "quỷ mai" làm mai, sau đó coi quẻ rồi mới cho phép kết hôn, sau đó làm áo giấy cho quỷ hồn, cử hành lễ hợp hôn và cuối cùng là hợp táng.

Trong "Liệt nữ truyện" thuộc sử nhà Nguyên có ghi: "Con cháu chết mà chưa kết hôn thì có thể đi xin vong nữ về hợp táng", trong đó cũng có đề cập một số trường hợp minh hôn như Lưu Bá Xuân đột ngột qua đời, được "cưới" một người vợ cũng đã qua đời, sau đó nghênh cữu hợp táng (cữu là quan tài). Còn vào thời Thanh, tục tuẫn táng người sống theo người chết cũng được gọi là minh hôn, đặc biệt là rất thịnh hành. Mãi đến vào những năm cuối triều Thanh, khi lễ giáo phong kiến bị lấn át bởi tinh thần văn minh của phương Tây thì chuyện này mới dần biến mất. Song chỉ là dần biến mất chứ không phải không còn tồn tại.

Bắc Kinh cuối Minh đầu Thanh, Thiên Tân rộ lên hiện tượng minh hôn, còn có nhà xem việc lo liệu hôn lễ giữa người chết và người chết là "chuyện vui" (hỉ sự), gọi là "đáp cốt thi". Thời đó, nghi thức "hôn lễ" này đa phần chỉ cử hành vào ban đêm, có lúc cả xóm làng đang say giấc thì bỗng bị đánh thức bởi tiếng kèn trống vang lên khắp ngõ ngách, vội mở cửa xem có chuyện gì, hóa ra là "đáp cốt thi". Thường thì người ta dùng kiệu giấy, song có nhà thì dùng cả kiệu lớn, bên trong đặt ảnh chụp của người nam và người nữ. Ba mươi năm sau đó, minh hôn "tiến hóa" hơn, được cử hành theo cả nghi thức "kết hôn văn minh", có dàn nhạc đi trước, đằng sau có bốn người khiêng ảnh chụp của "cô dâu".

Nghi thức minh hôn không cố định. Tuy minh hôn được xem là "hỉ sự" nhưng không tránh khỏi việc trộn lẫn giữa hai lễ nghi là tang lễ và hôn lễ, hôn lễ được tổ chức như thế nào tùy thuộc vào sự quyết định của gia chủ, song đa phần đều theo những bước như sau.

Người chết kết hôn cũng phải có bà mối đàng hoàng, sau đó hai nhà đưa thiếp cho nhau, nếu hợp mệnh thì sẽ lấy được thiếp long phượng đồng nghĩa với việc có thể kết hôn.

Tiếp sau đó là làm lễ đính hôn, lễ này thường không tổ chức lớn, song lễ vật không thể nào ít được. Nhà trai đưa đến nhà gái lễ vật gồm một nửa là hiện vật như tơ lụa thượng hạng, vàng bạc,... một nửa là các đồ đạc bằng giấy như y phục,..., đưa đến hai tráp gấm đựng vòng tay, khuyên tai, nhẫn, trâm,... Lễ vật đính hôn được đưa đến lúc đêm trước cửa nhà gái hoặc thiêu trước mộ phần. Đến lúc ăn hỏi thì nhà trai gửi đến nhà gái gồm lồng vịt (tất nhiên là bên trong phải chứa vịt), rượu, bánh long phượng (ở mình gọi là bánh phu thê), chả giò, trái cây,... tất cả đều là hàng thật, chỉ duy có quần áo và trang sức là hàng vàng mã. Của hồi môn của nhà gái gửi tới nhà trai cũng là hàng vàng mã, sắp trái cây và bánh phu thê trước ảnh chụp hoặc bài vị của "tân lang" tầm nửa ngày. Đồng thời cũng chuẩn bị cả đại hồng hoa (hoa hồng lớn được làm bằng vải, thứ mà tân lang hay buộc trước ngực khi làm lễ thành hôn) và thêu hai chữ "tân nương" dưới đoạn vải.

Sau khi kiệu hoa đến thì đằng gái sẽ đích thân gỡ ảnh hoặc bài vị của tân nương xuống rồi đằng trai sẽ nhận lấy rồi đặt vào kiệu. Lúc này, cha mẹ của tân nương sẽ gào khóc và chạy ra khỏi phòng. Sau khi kiệu hoa trở lại nhà trai, bên đằng trai sẽ lấy bài vị hoặc ảnh chụp của cô dâu ra khỏi kiệu và đặt lên bàn thờ trong hỉ phòng, song song với bài vị hoặc ảnh của tân lang, rồi dùng dây lụa đỏ quấn hai bức ảnh hoặc bài vị lại. Nghi thức "phu thê bái thiên địa" chỉ do một người làm, xem như đã lạy xong trời đất, sau đó người hầu sẽ mang đến hai ly rượu giao bôi, bánh chẻo chúc con cháu đầy đàn, mì trường thọ đặt trước bài vị hoặc ảnh chụp của "đôi vợ chồng mới cưới". Nếu cả hai vợ chồng có em trai em gái em dâu vân vân thì gọi ra dập đầu hành lễ trước ảnh chụp hoặc bài vị, sau đó hai gia đình chúc phúc lẫn nhau.

Sau khi đã cử hành xong xuôi mọi nghi thức ở trên thì hai nhà sẽ chọn ra một "ngày hoàng đạo" để động thổ an táng. Bên đằng gái sẽ thực hiện nghi thức khởi linh (tức khiêng linh cữu), nếu nhà gái không làm thì nhà trai cũng có thể tự làm. Dựa theo giờ giấc mà thầy phong thủy đã chỉ định, sau khi mở nắp quan tài sẽ ngay lập tức hắt vào bên trong một thùng nước và ném xuống hai quả táo, đồng thời vung tiền giấy lên (không nhất thiết phải minh hôn thì mới có nghi thức như vậy). Còn phía đằng trai thì đào một cái huyệt khác ngay cạnh huyệt của tân lang sau đó đặt tân nương vào đó, chính thức hợp táng.

Sau khi chôn xong, trước mộ phần sẽ bày biện rượu và trái cây, đốt tiền giấy và cử hành lễ hợp hôn. Cả đằng trai và đằng gái sẽ vừa khóc vừa nói rằng "đại hỉ".

Ở Triều Tiên, đối tượng minh hôn phải hợp bát tự, sau khi hai bên gia đình đồng ý là chọn ngày lành tháng tốt để thành hôn và thường cử hành nghi thức ở miếu thờ, người nhà bưng hôn phục truyền thống, có cả búp bê đại diện cho tân lang tân nương và bài bị, sau đó cử hành nghi thức minh hôn, sau đó đặt song song búp bê, bài vị và ảnh chụp đôi vợ chồng mới cưới lên bàn thờ, ý chỉ cả hai đã kết làm phu thê, tiếp đó là các nghi thức như đốt di vật, cuối cùng là hợp táng.

Bên trên là khái quát toàn bộ khái niệm và nghi thức của tục minh hôn. Xét tổng thể thì nghi thức người chết kết hôn với người chết và nghi thức người chết kết hôn với người sống không khác nhau mấy, nhưng xét cụ thể thì nghi thức người chết kết hôn với người sống đơn giản hơn khá nhiều bởi không cần phải làm bước hợp táng. Còn về phần ảnh thì thực sự là mấy ảnh về tục minh hôn này quá gớm =.= thật sự =.= đăng lên sợ anh Mark xóa bài thì khổ nên mọi ảnh ọt gì An đăng ở mục bình luận nha, mọi người chịu khó lội bình luận vậy.

Cuối bài viết, An có đôi lời muốn nói với các bạn. An nhận được khá nhiều phản hồi và ý kiến về việc biên soạn những vấn đề, những câu chuyện mang hơi hướm kinh dị, trong đó có chủ đề của ngày hôm nay: minh hôn. Sau khi mất một khoảng thời gian tìm đọc những tư liệu có sẵn trên Baidu thì An nhận ra có khá nhiều câu chuyện kinh dị kỳ bí bao gồm cả những vụ án mạng có thật từng xảy ra ở Trung Quốc (ở Việt Nam thì An sẽ không đề cập vì có sẵn trên mạng và được viết dưới ngôn ngữ tiếng Việt, tất nhiên là không cần An dịch ra rồi), và thế là An quyết định sẽ lập nên một series nữa chuyên tập hợp những câu chuyện kỳ lạ trong dân gian mang chút hơi thở kinh dị song có thật (về phần thật bao nhiêu phần trăm thì An không chắc chắn vì tất cả đều chỉ là tư liệu nổi trôi trên mạng, họ ghi là có thật thì An cũng mặc định thế thôi), nếu các bạn cảm thấy series này có phần quá hoang đường và máu me bạo lực, các bạn có thể đề xuất ý kiến để ngừng vì đây là series An dành cho những bạn yêu thích kinh dị, có theo đuổi lâu dài hay không tùy thuộc hết ở các bạn, có gì thì các bạn báo với An nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: