Thuyết minh về pp cách làm món ăn: Phở ( thi giữa kì 2 )
Ẩm thực Việt luôn là đề tài không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta tự hào là người con của một quốc gia có nền ẩm thực độc đáo, không chỉ thu hút người dân trong nước mà cả du khách nước ngoài. Với nền văn hóa ẩm thực đa dạng từng vùng miền khác nhau, ẩm thực luôn là thứ thu hút khách du lịch nhất. Trong nhiều cuộc bình chọn của tờ báo trong nước và quốc tế, thì "phở" là món ăn được nhiều người ưa thích nhất, cả người Việt và bạn bè quốc tế.
Không biết, phở có tự bao giờ, chỉ biết rằng, phở đã đi vào trang viết của rất nhiều nhà văn như: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn hay Vũ Bằng,... Phở dưới những ngòi bút ấy, gần như chẳng còn ai có thể tả hay hơn nữa, và cũng chẳng cần ai phải tốn công mà viết thêm về Phở nữa vì nó đã quá đủ đầy, đã quá nổi tiếng rồi. Nhắc đến Việt Nam, người ta nhớ đến phở, nhắc đến phở, người ta nhớ đến Việt Nam.
Để nấu được một tô phở bò thơm lừng và chất lượng, phải chuẩn bị kỹ càng nguyên liệu, sau đây là lượng nguyên liệu để nấu cho 4-5 người ăn: 1.5 kg xương ống bò, 200g phi lê bò, 500g bò viên, bánh phở, hành tím củ, hành lá, hành tây, chanh, gừng, đinh hương, hoa hồi, thảo quả, quế chi hoặc gia vị nấu phở, đường phèn, muối hột, bột ngọt.
Bước đầu để làm ra một tô phở thơm ngon là bước sơ chế nguyên liệu. Xương bò mua về rửa thật sạch. Ngâm xương bò trong nước khoảng 30 phút, pha thêm một ít muối hột hòa với chanh để đỡ mùi hôi của bò. Tiếp theo, chần xương qua nước sôi sau đó rửa thật sạch lại một lần nữa.
Hành tây sau khi rửa sạch, để ráo nước. Và đem hành tây nướng trên lửa nhỏ, khi có mùi thơm là được.
Tiếp theo, phi lê bò rửa thật sạch. Cắt phi lê bò thành lát mỏng, vừa ăn để sắp lên trên phở. Hành là cắt nhuyễn.
Sau công đoạn sơ chế nguyên liệu là khâu chế biến nước dùng, còn gọi nước lèo, là công đoạn quan trọng nhất. Nước dùng của phở truyền thống là phải được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò, nước luộc lần sau mới dùng làm nước lèo. Gừng và củ hành đã nướng đồng thời cũng được cho vào. Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Khi đã vớt hết bọt, cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt bọt...Cứ làm như vậy liên tục cho đến khi nước trong và không còn cặn trong bọt nữa. Sau khi hầm xương khoảng 30 phút, cho vào thêm 1.5 lít nước. Tiếp tục cho bò viên và cuối cùng cho đinh hương, thảo quả, quế chi và hoa hồi vào nồi.
Chúng ta nấu lửa vừa và lưu ý không đậy nắp, thường xuyên vớt bọt để nước dùng trong và thơm ngon hơn.
Sau 30 phút hầm, chúng ta vớt hết xương bò và những gia vị thơm ra.
Tiếp theo sẽ nêm phần nước dùng này, cho vào một muỗng canh muối hột, một muỗng canh đường phèn, một muỗng canh bột ngọt và khuấy đều để gia vị được hòa tan.
Cho một ít bánh phở vào tô. Xếp những lát bò phi lê lên trên mặt và rắt thêm hành. Chế nước dùng vào, đã sẵn sàng cho bạn thưởng thức rồi nhé.
Phở bò phải thơm lừng các vị thảo mộc, nước dùng ngọt thanh, bánh phở mềm dai ngon miệng.
Phở là một món ăn có thể ăn vào bất cứ khoảng thời gian nào mà bạn muốn: sáng, trưa, chiều, tối đều được cả.
Một tô phở bò có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao: Canxi từ xương, tủy; chất nhờn từ gân sụn tan ra. Khoáng chất (sắt, kẽm) và vitamin B2, B3, B5 giúp nâng cao chất lượng máu và góp phần bảo vệ thành mạch máu từ các nguyên liệu, gia vị khô. Thịt bò có nhiều axit amoniac, creatinin, carnitine và khoáng chất kali hỗ trợ cơ bắp phát triển săn chắc.
Như vậy, phở có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt. Ngày nay, theo bước chân của người Việt đi muôn nơi, phở có mặt ở nhiều nước trên thế giới, được nhiều bạn bè quốc tế tiếp nhận là món ăn ngon, hấp dẫn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top