văn học soi sáng những giá trị

🌸 RVC - |VĂN HỌC SOI SÁNG NHỮNG GIÁ TRỊ|
- Đề thi HSG Quốc gia 2022

Lần theo bước đi của cõi nhân sinh, bao cảnh nước chảy hoa trôi, biển bồi đất lở, bao cảnh đất trời nổi cơn gió bụi, cảnh suy vong của lớp lớp vương triều,... điều gì đã giữ văn học ở lại trên mảnh đất này?

“Văn học soi sáng những giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên những giá trị nhất thời, vươn tới những giá trị bền vững.” Có chăng vì lẽ đó mà văn học xứng đáng ở lại với đời sống con người, sáng ngời giữa gió bụi?

Bằng cách soi sáng những giá trị, văn học mới dẫn dắt con người bằng con đường tự trải nghiệm, lần theo hành trình của nhân vật để hướng đến chân lý. Tinh thần nhân văn, nhân đạo đến nay đã có thể khẳng định là một “giá trị bền vững”, nhưng vẻ đẹp nhân văn nhất ở loài người là biết “vượt lên trên những giá trị nhất thời để vươn tới những giá trị bền vững”. Cuộc sống lại hỗn tạp, chữ và rác, cỏ dại và cây trồng, vàng và thau thừa cơ lẫn lộn, để thực sự cảm hiểu được cái “giá trị bền vững” thì đòi hỏi một sự tỉnh táo và bản lĩnh tuyệt đối. Đến với những trang văn của Nam Cao, bao trùm là không khí xơ xác, hoang vắng, nghèo đói đến rợn người. Ở đó, cái đói là hoàn cảnh và miếng ăn là sự lựa chọn. Lựa chọn của con người trong những hoàn cảnh này quyết định cái giá trị sống mà con người ưu tiên. Vì sinh tồn, người ta có thể chọn lựa miếng ăn nhưng đánh rơi liêm sỉ, danh dự và nhân phẩm như cái cách mà bà cái đĩ ăn lấy ăn để, ăn chầu ăn chực, ăn nhục ăn nhã (“Một bữa no”), như cái cách mà người đàn ông cùng đám bạn tha hồ rượu thịt no nê đến không thiết vợ con nheo nhóc, những đứa trẻ đói há miệng chờ mâm cơm của người cha, rồi kết cục là tiu nghỉu (“Trẻ con không được ăn thịt chó”). Còn vì sống, người ta có thể chết. Vì sống cho ra người, người ta từ chối miếng ăn, để giữ gìn tính thiêng liêng trong sạch của tình phụ tử (“Lão Hạc”). Mà giữa sinh tồn và sống, đâu là giá trị nhất thời, còn đâu là giá trị bền vững?

Đối với thời đại của nền kinh tế tiêu dùng lên ngôi, con người ta lại càng dễ bị mua chuộc bởi vật chất tầm thường, mải miết chạy theo cách mạng số hóa, bỏ quên các giá trị nhân văn, thì văn chương càng có nhiệm vụ - một nhiệm vụ cấp thiết - soi sáng lại những giá trị. Con người thời đại mới phải tự phân mảnh để đối thoại với chính mình, phải tự xung đột với chính mình mới nhận ra cái bi kịch của sự sống vênh lệch và giả dối thật là tai hại. Thời của ngày xưa, xã hội phi nhân tính khiến con người giẫm đạp lên nhau mà sống, hiện thực đói kém khiến con người đỏ ngầu đôi mắt như những con thú khát được ăn, thì sự tha hóa của con người còn có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh một phần. Nhưng thời của ngày nay, đời sống chưa hoàn toàn hạnh phúc nhưng cũng không thể coi là đói khổ như xưa, vậy mà những ham muốn bản năng “thèm ăn ngon, thèm rượu thịt” vẫn còn là vấn đề nan giải. Cái giá trị đích thực ở đây, từ vươn lên vượt thoát khỏi hoàn cảnh đã chuyển sang vượt lên chính mình, chiến thắng chính mình, tỉnh táo chế ngự mình, thông qua mâu thuẫn giữa hồn và xác, đấu tranh kiên quyết với lối sống giả dối tầm thường để hướng đến lối sống cao thượng. (“Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” - Lưu Quang Vũ).

Người ta vẫn thường hay đồng nhất những giá trị tức thời với những giá trị vật chất, còn tất cả những giá trị nào thuộc về tinh thần thì đều quy vào giá trị bền vững cả. Nhưng thực sự giá trị tinh thần nào cũng là bền vững hay chăng? Phải đi qua hàng trăm năm, người ta mới thấy chân lý, có những tư tưởng tất yếu chỉ đúng với một thời mà thôi. Vì vậy, “vượt lên trên những giá trị tức thời để vươn tới những giá trị bền vững” chính là mang tinh thần sẵn sàng phủ định, xóa bỏ những tư tưởng đã cũ, đã lạc hậu. Không thể phủ định vai trò của những giá trị tức thời đã làm chỗ dựa tinh thần cho con người trong một khoảng thời gian, nhưng nhất định phải phủ nhận tính nhất thời của những giá trị. Trong “Nhật ký người điên”, Lỗ Tấn đã chỉ ra giữa những dòng lịch sử Trung Quốc đều bắt đầu bằng ba chữ “ăn thịt người” – lý do cốt yếu khiến nhân vật người điên thấy khiếp đảm. Từ đứa trẻ con bị mẹ dọa “ăn thịt mày mấy miếng mới đã” – sự tàn ác có truyền thống cha truyền con nối qua các thế hệ; đến anh tá điền thôn Lang Sói kể chuyện người ta vừa giết, móc tim, moi gan, xào với mỡ rồi ăn thịt tên đại ác trong xóm – sự độc địa đến từ áp bức bất công khiến “con giun xéo lắm cũng quằn”, “tức nước vỡ bờ”, biến nạn nhân trở thành tội nhân. Từ việc giở sách y của Lý Thời Trân có chép rằng thịt người có thể nấu được mà ăn – sự vô nhân đến từ những người hành y bị đầu độc bởi y lý man rợ, trở thành kẻ đại bịp bợm. Đến cậu thanh niên bị gặng hỏi nhưng lảng tránh cuối cùng vẫn thừa nhận có chuyện ăn thịt người – là sự bạc ác đến từ thói bàng quan, thờ ơ, coi chuyện bất thường là vô sự và mình là vô can… Đủ mọi tầng lớp quý tiện sang hèn, đủ mọi nghề nghiệp, đủ mọi lứa tuổi, như là hình ảnh của xã hội Trung Quốc thu nhỏ, có lẽ chăng đều đã trở thành man rợ bởi căn bệnh tinh thần hủ lậu?

Cái độc đáo là Lỗ Tấn đã kể chuyện dưới lời một người bị mắc bệnh “bách hại cuồng”, không thể biết được người này là điên thật hay thực chất là tỉnh táo. Xét từ góc độ triết học mà nói, thì một điều hiên hữu khi và chỉ khi hiện hữu một điều đối nghịch với nó. Nghĩa là có khái niệm về người bình thường mới có hình dung đâu là người điên. Vậy thì là người kia điên hay xã hội ấy điên vậy? Nếu nói ấy là một xã hội bình thường, thì chỉ có thể thấy nó thắng thế nhờ số đông, chứ bản chất đã mục ruỗng và thối nát. Nó làm cho con người ta mê muội đến thế nào! Người ta không dám phá vỡ thành trì phong kiến bất lâu, không có bản lĩnh đập tan những cái đã cố hữu từ ngàn năm. Mà không dám bỏ cái cũ để cái mới ra đời thay thế thì làm sao có sự phát triển xã hội? Darwin – người khởi xướng cho thuyết tiến hóa – đã chỉ ra rằng, ăn thịt người là mức độ thấp nhất của sự tiến hóa, và Lỗ Tấn đã dùng học thuyết này để kết án bản tính thú vật, tiên tri cho sự phát triển của con người thực sự. Mượn thủ pháp nhại lịch sử, nhại giáo lý Nho gia, Lỗ Tấn cũng đồng thời hạ bệ cái đạo mạo, giải thiêng cái nghiêm túc để lật tẩy hiện thực, tìm kiếm giá trị, thể hiện niềm âu lo sâu sắc của một nhà văn có lương tâm và trách nhiệm trước cuộc đời.

Thân phận phù du nào lại chẳng muốn hóa bất tử, kể cả văn chương nghệ thuật. Bằng việc bảo tồn những giá trị, văn học đã thành công chống trả với hư vô. Nhưng khi các ngành nghệ thuật khác cũng đang thực hiện sứ mệnh soi sáng các giá trị, như bức Cimon and Pero (Ông già ngậm bầu ngực cô gái trẻ) của Jean-Baptiste Greuze định hướng giá trị về cách nhìn nhận sâu sắc cuộc sống, như Bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven nhắc nhở con người cần luôn cảnh tỉnh trước sự vần xoay của tạo hóa, đâu sẽ là khác biệt của những áng văn chương?

P/s: Từng là học sinh thi HSG Quốc gia, nhưng nhìn thấy đề thi vẫn muốn nói một cái gì đó. Bài viết này chỉ mang tính đưa ra suy nghĩ cá nhân, có thể nhiều chỗ khiến mọi người hoài nghi hay tranh cãi, nhưng rất mong nơi này giống như bức “Trường học Athens” của Raffaello, là nơi để tranh biện, luận bàn kiếm tìm chân lý, chứ không phải so sánh hơn thua đúng sai trái phải! (N.)

Sưu tần từ Rubik văn chương. Các bạn nên tìm đọc về page

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vanhoc