Kể lại 1 trận chiến ác liệt mà em đã đọc,...

[ VĂN TỰ SỰ ]

☘️☘️ Đề bài: Kể lại một trận chiến ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc xem trên màn ảnh.
-------------------

“Đi giữa trời khuya sao đêm láp lánh,
Tiếng hát ai vang động cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát.”

Có lẽ trong chúng ta không còn ai xa lạ với bài hát này- một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Giao mang tên: “Cô gái mở đường”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc nhưng những bài ca ca ngợi người anh hùng của Tổ Quốc vẫn còn mãi với thời gian, cũng giống như câu chuyện Ngã Ba Đồng Lộc tôi được nghe kể từ bác Hiền trong một dịp trở về thăm Hà Tĩnh với mẹ. Câu chuyện ấy đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi và dạy cho tôi nhiều điều.

Tôi gặp bác Hiền sau một thời gian khi bác đã lên Hà Nội và đang trò
chuyện với mẹ. Hai người vốn là bạn tâm giao lâu năm nên sau một hồi trò chuyện, bác ngỏ ý muốn mời mẹ con tôi trở về Hà Tĩnh chơi vài bữa. Vô tình nhắc đến địa danh Ngã Ba Đồng Lộc, tôi được bác Hiền kể cho nghe về một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt năm 1968. Nhắc đến địa danh Đồng Lộc là nhắc đến “túi bom, chảo lửa” trong kháng chiến chống Mỹ, là nhắc tới sự hi sinh của của những chàng trai, những cô gái ở tuổi mười tám, đôi mươi trong đó tiêu biểu là sự hi sinh của 10 cô gái mở đường.

Với âm mưu biến Ngã Ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết” không quân Mỹ
đã ném hơn 50.000 quả bom các loại. Theo lời bác Hiền nói: “Những năm đó máy bay thả bom như mưa khiến nơi này phải oằn mình chống đỡ.” Tiểu đội 4 gồm 10 người trong đó có chị Võ Thị tần làm tiểu đội trưởng có trách nhiệm san lấp các hố bom để không đứt mạch giữa hậu phương và tiền tuyến. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, danh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng cũng không thể dập tắt được tinh thần của các chị. Họ vừa làm việc, vừa cười nói, đã ba lần các chị bị vùi lấp nhưng đều rũ đất đứng dậy và tiếp tục hăng say làm việc. Dũng cảm là thế, quyết tâm là thế nhưng đau thương thay, trong lúc làm nhiệm vụ, vào khoảng 16h trận bom thứ 15 của địch dội xuống Đồng Lộc, vùi lấp đội hình của 10 cô gái. Cả trời đất như quay cuồng. Mù mịt. Các chị đã hi sinh.

Mười đóa hoa ấy hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, mười tám đôi mươi- lứa tuổi đẹp nhất của đời người! Bao ước mơ, khát vọng, những mộng ước chiến chinh của các chị đã nằm lại nơi mảnh đất này. Sự hi sinh ấy khiến tôi chợt nhớ tới những câu thơ trong bản trường ca “Những người đi tới biển” của nhà thơ Thanh Thảo:

“ Những dấu chân lùi lại phía sau,
Dấu chân in trên đời chúng tôi những năm tháng trẻnhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ,
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ.
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi ấy nhất định mùa xuân sẽ bùng lên,
Hơn một điều bất chợt
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ
Quốc.”

Kết thúc câu chuyện, bác Hiền nói với tôi: “ Thời gian có thể khiến người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng bác nghĩ khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được ngã ba Đồng Lộc.” Quả đúng như vậy!

Khói lửa của bom đạn trong chiến tranh gian khổ đã qua đi, lịch sử nước
nhà cũng đã bước sang một trang mới nhưng hình ảnh những anh hùng vẫn còn mãi đến tận ngày nay, trở thành một biểu tượng cho cuộc kháng chiến khốc liệt mà hào hùng của dân tộc. Câu chuyện của bác Hiền đã đánh thức tình yêu lịch sử dân tộc trong tôi, khiến tôi càng thêm yêu, thêm quý mảnh đất này hơn. Đồng thời khiến tôi tự nhủ với lòng mình phải cố gắng học tập thật tốt để góp phần vào công cuộc kiến thiết đất nước của dân tộc.
------------------------
Bài viết thuộc #team #chuyên #môn #HVCH

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vanhoc