Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong "Sóng' của Xuân Quỳnh

     Tình yêu là một tình cảm thiêng liêng, cao cả và huyền diệu nhất của con người. Tình yêu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao thi sĩ Phương Đông và Phương Tây, Xưa và nay. Những vần thơ tình trong sáng, mãnh liệt trong thơ của Puskin, Tago hay những vần thơ dạt dào, sôi nổi, đắm say trong thơ Xuân Diệu, chất tình quê mộc mạc, chân chất trong thơ Nguyễn Bính... đã luôn làm say đắm biết bao thế hệ người đọc. Nhưng có lẽ phải đến "Sóng" của xuân Quỳnh ta mới bắt gặp tiếng lòng cũng như vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

    Xuân Quỳnh là người phụ nữ có một cuộc đời đa đoan, nhiều âu lo, vất vả. Đó là người đàn bà có trái tim đa cảm, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu, chi chút cho hạnh phúc bình dị đời thường. Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị, đời thường. Chị có thể "Tự Hát" bài ca bất tử về tình yêu: 

    « Em trở về đúng trái tim em
     Là máu thịt đời thường ai chẳng có
    Vẫn ngừng đập khi đời không còn nữa
     Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi»

    Song lại đầy băn khoăn, lo lắng về sự vững bền của trái tim

    "Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
      Ai biết lòng anh có đổi thay»

    Bài thơ là kết quả của chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền - Thái Bình cuối năm 1967 và được in trong tập thơ Hoa Dọc Chiến Hào - tập thơ riêng đầu tay của Xuân Quỳnh năm 1968. Những năm tháng mà khắp nơi trên đầy nước này đều diễn ra những cuộc chia li màu đỏ, sân trường góc phố đã bao nhiêu chàng trai cô gái tuổi 20 từ giã gia đình, bạn bè vào nơi tuyến lửa. Vậy mà Xuân Quỳnh không viết về những tình cảm lớn của con người Việt Nam thời không chiến mà người phụ nữ ấy viết về tình yêu - tình cảm riêng tư nhất và vĩnh hằng nhất của nhân loại. Vì thế mà bài thơ được xem là bông hoa lạ vẫn nở dọc chiến hào trong những năm chống mỹ.

     Vẻ đẹp tâm hồn chính là vẻ đẹp mang tính kế thừa gắn liền với người phụ nữ Việt Nam có lưu giữ từ ngàn xưa tới nay; chân thành trong tình yêu, luôn thủy chung và tin tưởng vào tình yêu, khát vọng hạnh phúc và táo bạo, nồng nhiệt với tình yêu của mình. Đó là những giá trị trường tồn như một bản năng trong trái tim người phụ nữ - bản năng không thể bị giới hạn bởi những quy luật, khuôn khổ. Những vẻ đẹp đó sinh ra cùng tình yêu và ngàn năm vẫn vỗ cùng tình yêu. Bởi vậy những người phụ nữ xưa khi yêu cũng thế mà những người phụ nữ ngày nay vẫn vậy. Nó góp phần tạo nên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

   Xưa nay, để diễn tả tâm trạng, cảm xúc, tâm hồn đến độ mãnh liệt từ thơ ca dân gian đến thơ ca hiện đại, các thi sĩ đã có hình dung "Sóng" để biểu tượng cho tình yêu. Nữ thi sĩ Kim Chi trong bài Anh Và Biển cũng đã viết:

            "Tình yêu là sóng biển sâu
    Nghìn năm vỗ đến bạc đầu biển ơi»

   Còn Xuân Diệu cũng đã từng hóa thân mình làm sóng để bày tỏ khát vọng tình yêu:
           "Anh xin làm sóng biếc    
            Hôm mãi cát vàng em»                                                                                                                           

   Nhưng hình tượng sóng trong bài thơ Xuân Quỳnh có nét đẹp đặc sắc, mới mẻ riêng. Đó là một sáng tạo làm nổi rõ sức sống và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt nam trong tình yêu. " Sóng" là nhan đề của bài thơ và cũng là hình tượng chủ đạo xuyên suốt bài thơ. Đó là một hình tượng ẩn dụ mang tính chất biểu tượng cho trái tim người phụ nữ đang yêu. Gắn liền với hình tượng "Sóng" là hình tượng nhân vật trữ tình"Em" , "sóng" chính là hóa thân của "em". "Sóng" và "em" tuy hai mà một. Cho nên, nhờ hình tượng"sóng" này mà người phụ nữ trong bài thơ có thể soi vào để thấy rõ tâm hồn mình và nhờ "sóng" mà diễn tả những đợt sóng lòng những trạng thái phong phú, phức tạp của tình yêu. Hình tượng "sóng" ấy còn được thể hiện bằng hàng loạt chi tiết cụ thể như bằng thể thơ, bằng nhịp điệu bài thơ. Đó là một âm điệu nhịp nhàng, dào dạt như những đợt sóng gối lên nhau, lúc dâng trào sôi nổi, dữ dội lúc dịu dàng thiết tha. Âm điệu ấy cũng chính là nhịp điệu bên trong tâm hồn nhân vật trữ tình- một tâm hồn của tình yêu muôn thuở có bao giờ yên. Như vậy, mượn hình tượng "Sóng" ấy để bày tỏ tình yêu, Xuân Quỳnh đã có một hình tượng thơ thật độc đáo, rất thích hợp và đẹp đẽ để nói một cách đầy đủ, thấm thía những khát vọng thiết tha mà thầm kín của trái tim mình. Thế là sóng nước, sóng biển đã biến thành sóng tình. Hai con sóng ấy hòa quyện vào nhau, soi tỏ và bổ sung cho nhau. Những cung bậc phong phú, đa dạng của "sóng" cũng chính là những phương diện tương ứng của tâm hồn của nhân vật trữ tình "em". Và một lần nữa vẻ đẹp người phụ nữ được khẳng định.

     Trước hết, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ được Xuân Quỳnh thể hiện rõ nét ở khát khao tình yêu và hạnh phúc đời thường.

     Mở đầu bài thơ,nhà thơ tái hiện cho ta thấy những sắc thái, trạng thái khác nhau của sóng. Vẫn là những con sóng ấy trên mặt biển khơi xa. Những con sóng ấy khi thì dữ dội, ồn ào khi thì dịu êm, lặng lẽ. Và trong liên tưởng thật tự nhiên ta có thể thấy những điều đó là biểu hiện của sự thất thường. Dữ dội, ồn ào là sóng, dịu êm lặng lẽ cũng là sóng. Khi gần gũi lúc xa xôi, khi say đắm lúc nhạt nhòa. Tất cả đều là những biểu hiện khác nhau của tình yêu trong trái tim  người phụ nữ, của một tâm hồn nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

                   "Dữ dội và dịu êm  
                     Ồn ào và lặng lẽ»                                                                                   

     Người ta có thể thất thường đó, nay nắng mai mưa. Tuy nhiên, điều mà người phụ nữ luôn khát khao lại chỉ là "dịu êm, lặng lẽ" của cái bến bờ cuối cùng. Ở đây êm đềm, bình yên; ở đó không có bão táp phong ba; ở đó người phụ nữ cảm nhận được sự an toàn, yên ổn và có thể thả mình trong tình yêu, trong hạnh phúc đời thường.

    Và ta lại thấy một nét đẹp nữa khiến ta vừa yêu mến vừa cảm phục người phụ nữ, đó là khát khao tự khám phá để có thể sống thực là mình với tình yêu mình khao khát nhất. Ở trong sông sóng không hiểu mình, sóng tìm ra tận bể để tự nhận thức về chính mình, về tình yêu của mình với những khát khao, đắm say, với nhiều thất thường, khó hiểu:

              Sông không hiểu nổi mình    
              Sóng tìm ra tận bể                                                                                                                            

    Ở trong sông, cái giới hạn chật hẹp của đôi bờ sông khiến cho sóng bức bối, con sóng không thỏa những cơn khát của mình, cho nên sóng tìm ta tận bể. Một cuộc hành trình xa xôi vô cùng, khó khăn vô cùng. Trong cấu trúc hình tượng thơ và ý nghĩa tinh tế nhất của ngôn từ "sóng tìm ra", 'tìm" ở đây thể hiện một khát khao, một sự cố gắng với cụm từ "tận bể" cho ta thấy được cái tận cùng. Người phụ nữ trong tình yêu rất hiền hòa, rất nhân hậu và cũng rất dịu dàng. tuy nhiên, chúng ta đâu thể ngờ rằng trong họ lại luôn chứa đựng những khát khao cháy bỏng nhất để được tự tìm hiểu mình, được sống là chính mình, với những xúc cảm mình khát khao nhất.
    Không những khao khát tự khám phá để sống thực là chính mình, người phụ nữ khao khát tìm kiếm tri âm tri kỉ. Sông ở đây là một chủ thể. Vì sông không hiểu nổi mình nên sóng quyết liệt từ bỏ tìm ra "tận bể" đi tìm kiếm tri âm tri kỉ có thể hiểu thấu lòng mình. Và trong tình yêu người phụ nữ cũng như vậy. Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh đã đến với tình yêu một cách đầy tự tin và chủ động. có thể nói hành trình tìm ra tận bể của sóng cũng là hành trình tự nhận thức chính mình của người phụ nữ, nhận thức giá trị đích thực của tình yêu. riêng với Xuân Quỳnh chỉ còn có thêm những khám phá, phát hiện về những quy luật vĩnh hằng của tình yêu con người, nhất là trái tim tuổi trẻ.

               "Ôi con sóng ngày xưa      
                Và ngày sau vẫn thế
                Nỗi khát vọng tình yêu
                Bồi hồi trong ngực trẻ»
                                                                                                                                   

  Nhà thơ  sử dụng hai cụm từ "ngày xưa", "ngày sau" kết hợp với " van thế" khơi gợi cho ta một ý niệm vĩnh hằng. "sóng" ngoài biển cả vỗ ngày đêm không ngừng nghỉ. Từ những "con sóng ngày xưa" đến những con "sóng" của ngàn năm sau cũng vậy, đều cồn cào. Giữa hai nét nghĩa, những con sóng biển còn là những con sóng trong trái tim người phụ nữ. Những con sóng là vĩnh hằng trên biển khơi thì tình yêu cùng vĩnh hằng trong trái tim người phụ nữ- ngực trẻ. Trong cảm nhận của người phụ nữ đáng yêu khi đứng trước đại dương, biển tựa như lồng ngực lớn lao vĩ đại của đất trời, sóng như nhịp thở của biển của lồng ngực tràn đầy khát vọng tình yêu. Con sóng thì còn biến, còn khát vọng yêu đương. Sóng làm nên biển thì tình yêu làm trẻ trái tim.

   Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ không chỉ dừng lại ở khát khao hướng tới sự vĩnh hằng còn khát khao khám phá sự bí ẩn đầy quyến rũ của tình yêu. Giấu mình trong hình tượng sóng ở hai khổ thơ đầu thì đến đây hình tượng em đã trực tiếp hiện diện thể hiện mình trong từng câu thơ, ý thơ. Và hình tượng em được đặt trước cái mênh mông, muôn trùng của sóng biển. Dường như Xuân Quỳnh muốn để khi đối diện với cái vô biên, vô tận của trời đất, của sóng gió, của biển khơi đại dương thì người phụ nữ sẽ đối sánh, so sánh, suy ngẫm về cái tuyệt vời nhất luôn hiện hữu trong tim mình, đó là tình yêu.

    Trên hành trình khám phá, tìm ra cội nguồn của tình yêu, Xuân Quỳnh đã mượn sóng cắt nghĩa tình yêu nhưng chị cũng chỉ có thể lí giải bằng những câu trả lời và những lời đáp: "sóng bắt đầu từ gió?- Gió bắt đầu từ đầu?" Thì Xuân Quỳnh không trả lời được. Chị Chỉ có thể thú nhận sự bất lực của mình một cách dễ thương như một cái lắc đầu rất đáng yêu:"Em cũng không biết nữa - khi nào ta yêu nhau?". Câu trả lời"không biết"chơi vơi giữa gió và tình yêu. Em không biết gió từ đầu? Tình yêu có từ đầu? Và càng không biết cắt nghĩa tình yêu có từ bao giờ? Khi nào ta yêu nhau? Những câu hỏi về tình yêu muôn đời là sự bí ẩn. Tình yêu là một trạng thái tâm lí rất đặc biệt trong đời sống tình cảm của con người. Trong tình yêu lí trí luôn cùng tình cảm song hành. Tuy nhiên, tình yêu lại bị thế giới của những tình cảm, cảm xúc phong phú phức tạp mà nhiều khi một trí tuệ tỉnh táo cũng không thể nào cắt nghĩa được. Ở đây, "trái tim có những quy luật riêng mà lí trí không thể hiểu nổi" ( pascal).Nếu có thể hiểu nổi và hiểu hết thì có lẽ sẽ chẳng còn là tình yêu. Tuy nhiên, chính cái khó hiểu đầy bí ẩn ấy đã làm nên sự quyến rũ kì lạ của tình yêu.

            "Em cũng không biết nữa."

   Đây là một câu trả lời đầy bối rối vì cái sự bí ẩn của tình yêu nhưng cửa không thiếu sự hạnh phúc. Ta có thể thấy rằng "không biết khi nào ta yêu nhau" cũng chắc chắn không thể hiểu được cội nguồn cần kể vì sao ta yêu nhau. Nhưng người phụ nữ cứ thả mình trong tình yêu ấy, trong hạnh phúc được yêu và được khám phá, được tìm hiểu, được bối rối. Trong tình yêu, trực cảm thường đi trước lí trí và dẫn dắt lí trí. Nhưng khi con người đang sống với trực cảm, khi con người không thể lí giải được khi nào ta yêu nhau hay vì sao ta yêu nhau thì lúc ấy họ đang sống thật nhất với những cung bậc cảm xúc trong tình yêu của mình.Và hạnh phúc của người phụ nữ chính là điều đó. Mọi người phụ nữ trong cuộc đời nói chung hay người phụ nữ Xuân Quỳnh nói riêng luôn khao khát khám phá tình yêu để rồi khi không thể khám phá nổi thì họ bối rối nhưng cũng thật hạnh phúc bởi họ đã sống thật, yêu thật cho tình yêu của mình.

   Và cũng thật tự nhiên và thơ mộng, con sóng nhớ bờ ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng giống như bến đợi thuyền, thuyền nhớ bến, lúc nào lòng người con gái cũng bồi hồi nhớ thương:

            «Con sóng dưới lòng sâu
              Con sóng trên mặt nước
              Ôi con sóng nhớ bờ
              Ngày đêm không ngủ được»                                         

   Sau hình ảnh không gian của "mặt nước" ,"lòng sâu" thì là hình ảnh thời gian "ngày", "đêm". Sống là hiện tượng vĩnh hằng của biển khơi, dù "lòng sâu" hay "mặt nước", dù"ngày" hay "đêm". Trong cảm nhận của người phụ nữ khi yêu con sóng ngày đêm mải miết thiết tha hương vào bờ là con sóng nhớ bờ. Sóng nhớ bờ, lòng em nhớ anh. Con sóng nhớ bờ cả ngày và đêm, dù lòng sâu hay mặt nước, còn em nhớ anh cả khi "mơ" lúc "thức", lúc nào cũng có hình ảnh của anh. Nỗi nhớ đắm say da diết ấy khiến cho ta liên tưởng tới câu ca dao:

  " Đêm nằm nhưng chẳng tới giường
    Mong cho chóng sáng ra đường gặp anh                                                                                                                 

   Và cuối cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ càng sáng hơn bởi lòng thủy chung son sắt:

             "Dẫu xuôi về phương bắc        
              Dẫu ngược về phương nam
              Nơi nào em cũng nghĩ
              Hướng về anh một phương»

  Xuân Quỳnh sử dụng cách lặp điệp từ "dẫu" và "về" hai lần liên tiếp trong hai câu thơ đầu đã khẳng định một cách chắc chắn về tình yêu bền chặt sắc sơn trong tâm hồn người phụ nữ. Chọn cách nói ngược" dẫu xuôi về phương bắc" ( đáng lẽ phải là'dẫu ngược về phương bắc') và "dẫu ngược về phương nam"( đáng lẽ phải là ' dẫu xuôi về phương nam'), Xuân Quỳnh muốn khẳng định: Dù cuộc đời có nghịch lí trái ngang đến mức nào thì em cũng vẫn chỉ hướng về "một phương" duy nhất - phương anh. Người phụ nữ hướng về người mình yêu không chỉ bằng trái tim mà bằng cả cảm xúc và lí trí.

   Xuân Quỳnh đã nhắc đến một khái niệm ít khi gắn liền với tình yêu: Phương anh. Đất trời rộng lớn có bốn phương tám hướng còn tâm hồn người phụ nữ đang yêu chỉ có một phương duy nhất. Đó là phương hướng của tình yêu chung thủy, không bao giờ đổi thay như một sự khẳng định cái bất biến giữa vạn biến. Với Xuân Quỳnh trái tim của người không làm bằng vàng, không phải mặt trời, nó là máu thịt đời thường ai cũng có. Nhưng nó luôn chất chứa một tình yêu chung thủy, gắn bó tới mức cả chết cũng không thể chia cắt:

  " Em trở về đúng nghĩa trái tim em
    Là máu thịt đời thường ai chẳng có
    Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa      
  Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi                                                 

   Như chưa thỏa với sự khẳng định ấy, nhà thờ còn nhấn mạnh thêm qua hình ảnh sóng : " Con nào chẳng tới bờ - Dù muôn vời cách trở". Sóng khao khát tới bờ như em khao khát có anh. Sóng vượt qua mọi trở ngại để tôi bỏ như em bước qua mọi khó khăn, cách trở để cập bến bờ hạnh phúc. Bắt đầu từ quy luật của tự nhiên để nói lên quy tắc của tình yêu: dù chẳng bao giờ hết phong ba bão táp, khổ đau luôn song hành với tình yêu những bến bờ tình yêu của con người vẫn là hạnh phúc. Đó là niềm tin nguyên vẹn của một tình yêu đã trải qua đắng cay và những đổ vỡ. Niềm tin ấy có cội nguồn từ tình yêu tha thiết với cuộc đời và con người.

   Không biết do trái tim người phụ nữ hay sự tinh tế của người nghệ sĩ mà Xuân Quỳnh rất nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian:

               " Cuộc đời tuy dài thế
                  . . .
                 Mây vẫn bay về xa»

   Ý thức về thời gian trong XQ thường đi liền với niềm lo lắng và khát khao nắm lấy hạnh phúc hiện tại. Tuy lúc này thời gian với XQ dường như còn ở cả phía trước cuộc đời còn dài rộng nhưng ý thức về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh khó bền chặt của hạnh phúc đã hiện ra thành một thoáng âu lo. XQ dù không nói ra một cách trực tiếp những chiêm nghiệm của mình nhưng đằng sau những vần thơ về cái vĩnh hằng trường cửu của thiên nhiên người ta vẫn nhận ra cái hiện thực đối lập: sự hữu hạn nhỏ bé của đời người và sự ngắn ngủi mong manh sương khói của tình yêu. Quy luật nghiệt ngã ấy của cuộc đời con người đã là nên những vần thơ đầy khắc khoải của XQ sau này:

 " Em lo âu trước xa tắp đời mình
Trái tim đập những điều không thể nói
    Trái tim đập cồn cào cơn đói
  Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn".

   Những dự cảm, lo âu không đem lại sự thất vọng, bi quan mà trở thành nguồn gốc của khát vọng trong tâm hồn XQ. Đó là nỗi khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu lứa đôi đẹp để nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông muốn được hòa nhịp vào biển lớn của tình yêu:

              " Làm sao được tan ra
                 . . .
                Để ngàn năm còn vỗ»

    Tình yêu hữu hạn, muốn nó đi vào vĩnh hằng chỉ còn một cách là hòa tan tình yêu ấy vào những con sóng tình yêu của biển đời để ngàn vạn năm sau con sóng đó" vẫn hát mãi bên ghềnh - một tình chung không hết" (Xuân Diệu)

     Xuân Quỳnh thông qua hình tượng sóng cho ta thấy được nét đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu: dịu dàng, chân thành, thủy chung, son sắt và khao khát tình yêu, hạnh phúc. Điều này chứng tỏ quan niệm tình yêu trong thơ XQ vẫn có gốc rễ trong tâm thức dân tộc. Đồng thời nó còn thể hiện vẻ đẹp hiện đại của phụ nữ trong tình yêu: táo bạo, mãnh liệt, dành quyền chủ động bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ...dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc. Và chính vì thế thơ Xq nói chung và bài thơ "sóng" nói riêng đã tạo được sự đồng điệu trong nhiều thế hệ người đọc. 

    Trong biển lớn tình yêu của cuộc đời hôm nay đã có biết bao con sóng đã cập được bến bờ hạnh phúc của riêng mình. Tình yêu luôn là một ẩn số cần mọi người tự mình đi tìm hiểu và khám phá. Nhịp sóng trong thơ XQ là những nhịp sóng yêu thương ngày đêm vô trong trái tim mọi người, tiếp thêm sức mạnh để họ tự tin hơn vào chính mình. Bởi thế giới của tình yêu là thế giới của những người biết tìm ra ý nghĩa của sự sống thiêng liêng. Sống là để được yêu, yêu là sống hết mình với cuộc đời vốn tràn đầy tình yêu thương.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: