Viết bài văn phân tích về bài thơ "Bạn Đến Chơi Nhà" của tác giả Nguyễn Khuyến

Trong nền văn học việt nam, không biết từ bao giờ đề tài tình bạn đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao thế hệ thi sĩ. Đã có rất nhiều bài thơ hay viết về tình bạn và Nguyễn Khuyến cũng là một cây bút tiêu biểu cho sáng tác ở đề tài này. Tác phẩm "Bạn đến chơi nhà của tác giả Nguyễn Khuyến đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bằng những trang thơ mang đậm màu sắc dân dã, bình dị về cuộc sống nơi làng quê Bắc Bộ, ngôn ngữ thơ giản dị mà điêu luyện.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1909, quê quán thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo có truyền thống khoa bảng. Lúc nhỏ, vì nhà nghèo nên ông phải bươn chải, mưu sinh kiếm sống. Nguyễn Khuyến rất chăm chỉ học hành, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã đỗ đầu cả 3 kì thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình nên còn được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông làm quan 10 năm, đến khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Vì không muốn trở thành tay sai của chúng Nguyễn Khuyến đã cáo quan về quê. Bài thơ được sáng tác trong khoảng thời gian ông ở ẩn, lấy cảm hứng từ kỉ niệm một người bạn quen nhau từ chốn quan trường cũ về quê thăm và gặp lại nơi thôn quê thanh bình. Mở đầu bài thơ là câu nói giản dị như chính lời chào của hai người bạn sau nhiều năm xa cách:

"Đã bấy lâu nay Bác tới nhà"

Cụm từ "Đã bấy lâu nay" đã diễn tả được rằng quá lâu rồi người bạn kia mới có thời gian đến thăm nhà thơ. Vì vậy khi thấy bạn đến chơi nhà tác giả đã reo lên vui mừng. Tuổi già là khoảng thời gian mà con người cảm thấy cô đơn nhất, bất cứ ai cũng mong muốn có một người bạn để tâm sự, giãi bày. Đặc biệt, đây còn là khoảng thời gian mà tác giả cáo quan về quê ở ẩn nơi làng quê, rời xa triều đình xa hoa, sầm uất. Đấy chính là lí do mà tác giả mong có bạn, cần có bạn. Cách xưng hô "Bác" thân mật, gần gũi cho ta thấy tình cảm tha thiết, gắn bó, keo sơn giữa hai người bạn chí cốt. Ở 6 câu thơ tiếp theo ta có thể thấy được hoàn cảnh tiếp khách của nhà thơ:

"Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
 Cải chửa ra cây cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có"

Khi bạn đến chơi, nhà thơ đang đang ở nhà một mình, những người trẻ tuổi đều đi vắng, Nguyễn Khuyến đã thanh minh với bạn rằng: cá có nhiều nhưng ao sâu nên khó bắt, gà không thiếu nhưng vườn rộng rào thưa nên khó đuổi. Cây trái trong vườn vẫn còn non. Cải chửa ra cây, cà mới có nụ, bầu vẫn còn bé, mướp đang ra hoa. Với biện pháp nghệ thuật liệt kê, tác giả muốn nhấn mạnh tất cả mọi thứ còn đang ở độ dang dở chưa dùng được. Chính vì vậy nên không thể có nổi một mâm cỗ thịnh soạn để tiếp đãi bạn. Tác giả đã tạo ra một hoàn cảnh éo le về cuộc sống thiếu thốn của quê nhà bằng cách sử dụng nhịp thơ 4/3, các từ ngữ phủ định, phép đối chặt chẽ. Đỉnh điểm của hoàn cảnh éo le được thể hiện rõ nhất ở câu thơ:

"Đầu trò tiếp khách trầu không có"         

Theo quan niệm dân gian, "miếng trầu là đầu câu chuyện". Mỗi khi khách đến nhà, chủ nhà thường mời nước mời trầu để thể hiện tâm ý hiếu khách. Miếng trầu được coi là phép lịch sự tối thiểu mỗi khi khách đến chơi nhà. Vậy mà nhà thơ cũng không có. Qua đó, ta thấy được thái độ ngượng ngùng của tác giả khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu không có gì để tiếp bạn. Cũng có thể thấy, tuy rằng làm quan nhưng tác giả lại có có cuộc sống thiếu thốn, khắc khổ, nghèo khó không khác gì người dân bình thường. Tình huống được tạo ra có tính bông đùa nhằm nhấn mạnh hoàn cảnh éo le của tác giả. Bài thơ được khép lại bằng câu thơ:

"Bác đến chơi đây ta với ta"

Cụm từ "ta với ta" ở trong câu thơ có nghĩa là tôi với bác, một tấm lòng với một tấm lòng, một người tri kỉ với một người tri kỉ. Chẳng có mâm cao cỗ đầy, chẳng gà, chẳng cá chẳng trầu mà chỉ cần tấm lòng. Tác giả sử dụng quan hệ "từ ta" nối liền từ "với", qua đó, ta thấy được sự gắn kết với nhau về mặt tâm hồn giữa chủ và khách. Giờ đây, những thứ vật chất cao sang như bị xóa nhòa, tình bạn giữa hai người mới là quan trọng nhất.

"Bạn đến chơi nhà" được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật nhưng ý thơ lại khá bất ngờ khi không tuân theo cấu trúc: đề, thực, luận, kết thông thường. Bài thơ vừa mang đặc trưng riêng của thơ Nguyễn Khuyến vừa là kết tinh nghệ thuật của thơ Nôm Đường Luật. Ngôn ngữ thơ giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân. Cách gieo vần "a" độc đáo, nhịp thơ 4/3 tạo âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi, khoan thai. Với biện pháp nghệ thuật liệt kê, sử dụng từ ngữ phủ định, phép đối chặt chẽ tác giả đã vẽ nên bức trang thiên nhiên và cuộc sống nơi làng quê Bắc Bộ đầy gần gũi, thân thuộc. Bài thơ chính là điển hình cho một tình bạn thân thiết, gắn bó, keo sơn.

Bài thơ "Bạn đến chơi nhà" của tác giả Nguyễn Khuyến đã khắc họa thành công một tình bạn trong sáng, thắm thiết, vượt qua mọi giá trị vật chất tầm thường. Với cách sử dụng từ ngữ, nghệ thuật bình dị tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên nơi làng quê Bắc Bộ. Đọc những trang thơ đầy cảm xúc ta càng thêm trân quý tài năng của tác giả Nguyễn Khuyến - một cây bút xuất sắc của nền văn học trung đại góp phần làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam phong phú, đa dạng và vô cùng sâu sắc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top