Những bài học cho chính sách và quản lý các tập đoàn kinh tế Việt Nam
Những bài học thành công và thất bại của các chaebol Hàn Quốc đã được nghiên cứu từ lâu và được phổ biến rộng rãi trong giới nghiên cứu và quản lý kinh tế. Song, điều đáng buồn là những bài học đó chưa được học và chưa được áp dụng một cách thích đáng ở Việt Nam.
Trong quá trình cải cách kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại, cổ phần hóa, giải thể. Với mục đích tạo ra sự liên kết và phân công sản xuất kinh doanh, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế lớn được thành lập.
Vào năm 1990 và 1991 Nhà nước đã thành lập các tổng công ty nhà nước, đến năm 2005 thì một số tổng công ty được tổ chức thành tập đoàn kinh tế. Đến năm 2008 có 8 tập đoàn kinh tế và 96 tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Về mặt pháp lý, Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005 coi tập đoàn kinh tế là một hình thức của nhóm công ty - là "tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác". Chưa có quy định nào về cơ cấu tổ chức và quản lý đối với tập đoàn kinh tế.
Danh sách các tập đoàn kinh tế nhà nước cho đến năm 2010 có: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG) và Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt). Trong khu vực tư nhân, cũng có một số doanh nghiệp lớn tự gọi là tập đoàn, nhưng quy mô chưa lớn.
Khác với chaebol, các tập đoàn kinh tế của Việt Nam hầu hết thuộc sở hữu nhà nước. Cũng khác với các tập đoàn kinh tế thế giới, hầu hết đều đi từ các các công ty nhỏ, hoạt động hiệu quả, tích tụ vốn và phát triển quy mô dần trở thành các tập đoàn khổng lồ. ở Việt Nam các tập đoàn được thành lập dựa trên các quyết định hành chính, tập hợp nhiều doanh nghiệp thuộc cùng một lĩnh vực để trở thành một nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm công ty mẹ và các công ty con, với hy vọng sẽ là những doanh nghiệp mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Lãnh đạo của các tập đoàn do Chính phủ bổ nhiệm và về thực chất họ là những công chức chính phủ, có nghĩa vụ tuân theo những kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ về định hướng phát triển ngành.
Điểm giống với chaebol Hàn Quốc trong thời kỳ 1960 - 1980 là các tập đoàn kinh tế Việt Nam được Nhà nước hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về vốn. Các tập đoàn được ưu tiên tiếp cận vốn tín dụng. Ngân sách nhà nước có một khoản đầu tư hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước với số tiền tăng lên hằng năm. Chính phủ cũng đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn đi vay nợ với lý do để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng.
Với sự ưu đãi như vậy, các tập đoàn đã trở thành những lực lượng mạnh chi phối các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam. Một số lĩnh vực đã có tiến bộ vượt bậc trong thời gian ngắn, như viễn thông, dầu khí, đóng tàu biển.
Song chính phủ chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các tập đoàn. Những điều đó dẫn đến hậu quả tương tự như đã xảy ra đối với các chaebol: các tập đoàn vay nợ lớn để mở rộng quy mô, đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, phát triển các hoạt động ngoài ngành nghề chính, độc quyền và có khả năng lũng đoạn thị trường, quản lý kém gây thất thoát vốn, kinh doanh thua lỗ, v.v...
Mặc dù những xu hướng xấu này đã được cảnh báo từ lâu, thậm chí được Quốc hội phân tích và yêu cầu chấn chỉnh trong nhiều cuộc họp định kỳ mấy năm gần đây, nhưng việc cải cách hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước hầu như chưa có chuyển biến đáng kể.
Hậu quả xấu không tránh khỏi là một số tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản. Vinashin là trường hợp điển hình của việc lặp lại nguyên xi những kinh nghiệm thất bại mà các chaebol Hàn Quốc đã trải qua. Chỉ mới thành lập từ năm 2006 từ việc hợp nhất Tổng công ty công nghiệp tàu thủy với một số doanh nghiệp khác, Vinashin đã được đầu tư ồ ạt từ nhiều nguồn. Đến nay tập đoàn này có 28 nhà máy đóng tàu có trình độ công nghệ tiên tiến, đội ngũ lao động trên 70.000 người, Từ chỗ chỉ đóng được tàu 1.000 - 3.000 tấn, đến nay tập đoàn này đã đóng được tàu hàng đến 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn, tàu chở ô-tô đến 6.900 xe, kho nổi chứa xuất dầu và thực hiện hàng trăm đơn đặt hàng của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, do chạy theo mở rộng quy mô và đầu tư dàn trải, đến năm 2010, tổng tài sản của Vinashin khoảng 104.000 tỉ đồng, nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỉ đồng, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần. Khủng hoảng tài chính thế giới đã làm đình trệ ngành đóng tàu thế giới do các hợp đồng đóng tàu bị cắt giảm và hủy bỏ. Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang phải tiến hành một số biện pháp cấp bách để giải cứu Vinashin, trong đó có những biện pháp tương tự như Chính phủ Hàn Quốc đã làm đối với các chaebol Huyndai, Daewoo, Ssangyong.
Trường hợp Vinashin cho thấy tái cấu trúc các công ty lớn là cần thiết, nhưng phải đi kèm với việc thiết lập một hệ thống thể chế hoàn chỉnh và các công cụ chính sách hữu hiệu, trong đó kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp lớn và quản lý theo những tiêu chuẩn hiện đại là những yếu tố không thể thiếu nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong môi trường kinh tế toàn cầu hóa. Những biện pháp mà chính phủ Hàn Quốc áp dụng để tái cấu trúc các chaebol cũng nên được tham khảo và áp dụng đối với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Việt Nam./.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top