1. Ngày đó vội vã giấc mơ
Mặc áo khoác rộng thùng thình, trùm nón khuất cả đôi mắt, tôi đứng nép sát vào cổng nhà thờ, mượn mái tôn rộng chừng một mét tít trên cao trốn nắng. Mười giờ trưa, cả trường học lẫn nhà thờ kề vách khe khẽ tiếng ve. Ve càng kêu, không gian càng lặng ngắt, và nắng càng lúc càng gắt giòn trên sân đổ xi măng. Mới tháng ba mà trời ương dở trông thấy. Sáng nay trời chợt đổ mưa trái mùa, thế nhưng chẳng thấm thía gì với tiết trời nóng hực và chút gió lơ thơ.
Mẹ đến đón trễ hơn mọi khi, suýt thì tôi ôm bìa sơ mi ngủ gật dưới cái nắng trưa vỡ đầu. Đang lim dim mắt, chợt bên tai tôi vâng lên tiếng kẽo kẹt. Cổng phụ nhà thờ he hé, một cái đầu ló ra vừa đội nón vừa mang khẩu trang kín mít, chỉ để lộ đôi mắt nâu trà long lanh. Đôi mắt kề sát bên, tôi giật thót mình, tỉnh cả ngủ, bước giật lùi về sau. Là một cậu con trai trạc tuổi có giọng cười rất êm tai. Hình như cậu ta không biết mình vừa hù người ta một phen hú vía, tựa nửa người vào cổng sắt, hỏi tôi trổng không:
- Sao đứng đây làm gì? Vào ghế đá trong nhà thờ ngồi tí cho mát không?
Chỗ tôi đứng cách cậu ta không xa nhưng cũng không gần, chỉ đủ để tôi ngỡ ngàng vì giọng nói và đôi mắt nâu trà của cậu ta đang lấp lánh. Dằn nỗi tò mò trong lòng xuống, tôi lịch sự cảm ơn, lắc đầu:
- Không cần đâu. Tôi chờ phụ huynh đến đón.
Rồi vờ như liếc nhìn đồng hồ đeo tay, tôi nghiêm túc bảo:
- Mẹ tôi sắp đến rồi.
Cậu ta gật gù, đoạn chạy vụt vào trong, hẳn là thấy tôi nghiêm nghị quá nên bỏ cuộc, không thèm bắt chuyện nữa. Còn một mình, tôi thở phào một hơi, không dám đứng trước nhà thờ nữa mà quay về trước cổng trường đội nắng. Từ bên nhà thờ lại vẳng lên tiếng hợp xướng. "Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la..." Dạo gần đây phải học bù buổi chiều, ngồi trong lớp, tôi vẫn thường nghe câu hát ấy loanh quanh. Giờ ngẫm lại, hẳn là ca đoàn của giáo hạt đang tập hát. Tiếng hát có khi du dương, dặt dìu, có khi vút cao, hân hoan như sóng rào xô cát trắng. Trái ngược với nhà thờ rộn tiếng hát, phòng học của chúng tôi lặng ngắt như tờ. Đám học sinh phổ thông cặm cụi, cau mày giải bài tập, xung quanh im phăng phắc đến mức ngoài tiếng bút bi viết trên giấy soàn soạt thì chỉ nghe được tiếng hít thở. Dù bốn bộ cửa sổ lá sách sơn xanh hai bên vách mở ra toang hoác, ngồi trong ấy vẫn ngột ngạt vô cùng.
Thế nhưng giờ đã là tháng ba, chỉ còn hai tháng là kết thúc học kỳ hai lớp mười. Nếu không có việc gì bất chợt, có lẽ tôi được rời xa bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng đó hơn hai tháng...
Nghĩ ngợi lung quá, cậu con trai kia trở lại lúc nào tôi cũng chẳng hay. Cậu ta đến trước cổng trường tìm tôi, đưa cho tôi chiếc ô gấp gọn trên tay.
- Ngoài này nắng lắm, sang bên kia đi. Tôi chỉ hỏi cậu thế thôi, chả làm gì đâu. - Cậu ta như đọc thấu ý nghĩ của tôi, thế nhưng vẫn dửng dưng bảo, tay chìa chiếc ô ra, tay kia chỉ vào hàng ghế đá gần cổng nhà thờ. - Che một lát đi, khi nào về thì để lại trong đó cho tôi là được.
Tôi không nhận, cậu ta chần chừ nhưng cũng không ép, lùi về sau cách tôi một khoảng khá xa. Tôi loáng thoáng nghe cậu ta hỏi mình, cũng bằng cái giọng ngang ngang nhưng êm tai lạ lùng ấy:
- Cậu học trường này à?
Tôi ngó lên tấm biển "Trường Trung Học Phổ Thông Thực Hành 1" sơn xanh treo ngay trên đầu mình, tôi gật đầu bảo ừ. Cậu ta im lặng như thể nghĩ xem nên hỏi câu gì, giây lát sau lại hỏi tôi học lớp mấy. Tôi liếc mắt, bảo mình học lớp mười. Nghe vậy cậu ta chỉ ừ hử, đứng đó thêm một lát rồi quay vào nhà thờ. Đi được vài bước, cậu ta chợt đầu quay lại:
- Tôi cũng học Thực Hành 1. Cậu tên gì?
- Tôi tên Lam.
Lần này, thấy bóng mẹ đến từ xa, tôi không chần chừ mà đáp thẳng, đoạn chạy vụt về phía mẹ. Tôi cũng không ngoái lại xem cậu ta đã vào trong hay chưa, vội vàng trèo lên yên sau, ríu rít chuyện trò với mẹ, như thể làm thế tôi sẽ quên được đôi mắt và giọng nói của người lạ vừa rồi.
Buổi tối, Hiền sang nhà tôi ôn tập chuẩn bị kiểm tra một tiết. Nhân lúc nghỉ giải lao, tôi dè dặt kể nó nghe chuyện hồi trưa. Nó trố mắt một hồi, nhưng thay vì trách tôi ưa đánh lẻ rồi vuốt xuôi cho tôi yên tâm như mọi khi, nó hỏi câu mà tôi không ngờ tới nhất: "Bà khen người ta không ngớt thế, vứt Việt của bà đi đâu mất rồi?"
Nghe cái tên ấy, tôi đâm ngượng ngùng, lao đến bịt miệng Hiền làm nó ngã vật ra sàn. Mặt tôi nóng ran, chỉ biết lầu bầu:
- Bà nói Việt của ai đấy! Việt có liên quan gì đâu!
Hiền la oai oái rồi im bặt, nhăn nhó, môi mấp máy không thành lời. Tôi cuống lên, sợ mình vồ nó khiến nó cắn trúng lưỡi, buông tay toan đỡ nó dậy hỏi han thì bị kéo xuống cù lét đến lăn lộn. Cơn ngượng ngùng ngoài mặt được chữa, thế nhưng lòng tôi vẫn vừa dè dặt, vừa lâng lâng khó tả. Chuyện tôi thầm mến Việt lớp phó học tập là bí mật giữa tôi và Hiền. Nhóm chúng tôi gồm ba đứa, chơi thân với nhau từ cấp hai là tôi, Hiền và Quỳnh. Quỳnh chăm học, từ ngày lên lớp mười còn giữ chức Bí thư chi đoàn, vừa bận rộn vừa không thích nhắc chuyện gà bông nên chẳng mấy khi chúng tôi thủ thỉ. Hiền và tôi hợp tính nhau hơn cả, nhà chúng tôi chỉ cách nhau hai con phố, hôm nào mẹ không có việc cần xe đạp, tôi sẽ đạp xe đèo nó đến trường. Tiền công là hàng tiếng đồng hồ nó ngồi chẩn bệnh tương tư cho tôi. Thế nên, bí mật của tôi gần như chỉ có Hiền biết. Nó kín miệng nhưng thích chòng ghẹo, không ít lần làm tôi sượng chín trước mặt Việt; lại hay mách nước để cậu bạn chú ý tôi dù tôi chưa bao giờ dùng đến.
Tối ấy hai đứa đùa giỡn một trận ì đùng trên gác, quên mất bố mẹ đang ngồi xem tivi ở phòng khách bên dưới. Hậu quả là nửa tiếng sau khi Hiền ra về, mẹ lên tận phòng hỏi tội tôi. Còn tôi mải nghĩ vẩn vơ nên bài vở không xong, phải thức đến tận mười một giờ để soạn bài môn văn và giải hết hai mươi câu bài tập môn hoá.
Tháng ba xứng đáng là tháng ương dở nhất năm sau trời nồm những ngày gần Tết. Mới hôm qua còn nắng gắt, sớm nay thức dậy đã thấy trời mây xám xịt, gió lùa qua khe cửa hẹp se sắt. Tôi khoác hai lớp áo, sang nhà Hiền để đèo nó đến trường, đạp xe một đoạn ngắn thôi mà tôi run cầm cập. Ngồi sau lưng tôi, Hiền được cản gió gần hết. Nó vui vẻ ba hoa:
- Đêm qua trời nổi gió, mỗi bà không hay không khoác áo nên thấm lạnh đó thôi.
- Vậy à? - Tôi rướn người đạp xe lên dốc cầu, nói trong tiếng thở hồng hộc. - Chắc không phải đâu, hai mươi câu hoá làm tôi bốc hoả đấy.
Hiền hừ mũi, vỗ lưng tôi một cái rõ đau, rồi như chỉ chờ có thế, hồ hởi bảo tôi lát nữa cho mượn vở chép bài.
Giờ truy bài, sau khi hì hục chép hết hai mươi câu vào vở, Hiền mang vẻ mặt "cầm chắc phần thắng" là điểm cộng đẩy vở sang bên trái trả lại cho tôi. Tôi nhận vở, đọc lại đáp án của mình một lần rồi khều nhẹ Quỳnh ngồi trước mặt, hỏi mượn vở của Quỳnh để đối chiếu. Quỳnh nhướng mày, rõ ràng trông rất ngạc nhiên, vậy mà giọng nói vẫn đều đều như mọi khi:
- Hôm nay Lam cẩn thận thế.
Không phải câu thắc mắc cũng không phải câu cảm thán, lời Quỳnh chắc nịch như câu khẳng định đầy ẩn ý. Tôi chột dạ liếc sang Hiền, ngay tức khắc, nó bắt được ánh mắt tôi, tặc lưỡI kêu:
- Chậc, mất gốc một năm rưỡi, bây giờ không chịu được nên tăng tốc chứ gì!
Đoạn nó vờ bặm trợn:
- Hai bà hay lắm, hè nhau chăm chỉ mà không bảo gì tôi, bắt tôi chép bài mãi!
Dưới bàn, tay Hiền vỗ vỗ nhẹ tay tôi trấn an. Thấy Quỳnh phì cười trêu lại mấy câu rồi quay lên, tôi thầm thở phào nhẹ nhõm. Lần nào giao bài tập về nhà, cô dạy hoá cũng gọi học sinh lên bảng giải đề, lấy điểm cộng hệ số một hoặc điểm miệng. Ngày thường tôi không chăm môn này lắm, nhưng sau Tết điểm số khi trồi khi sụt, sắp ảnh hưởng điểm tổng nên đành tranh thủ "kiếm chác" vài phen. Nhưng ấy không phải lý do chính. Lý do chính, hình như là vì Việt rất giỏi hoá. Không, phải nói là Việt giỏi đều, học chăm và năng nổ. Giờ hoá nào cũng thấy cậu lên bảng, dù có điểm cộng hay không. Và tôi, hình như chỉ muốn "trùng hợp" lên bảng với cậu một lần thôi. Một công đôi việc, ai lại chê món hời ấy.
Trống trường vang lên từng hồi thúc giục, giờ truy bài kết thúc, kế tiếp là hai tiết hoá liền. Đối chiếu đáp án với vở của Quỳnh một lần nữa, tôi vững dạ hơn, thế nhưng tim vẫn đập nhanh, lửng lơ treo nơi cuống họng như thể sắp vào trận chiến sống còn. Tôi vỗ vỗ má, hít thở thật sâu, đưa mắt tìm liều thuốc trấn an của mình là Việt đang ngồi ở cuối lớp. Tay cậu xoay xoay bút bi, tay kia chống cằm, đôi mắt mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng hững hờ đậu trên vai áo trắng, nhuốm cả mái tóc, gương mặt Việt trong ánh vàng dìu dịu. Trên nền trời vẫn âm u ngoài cửa lớp, Việt hiện lên rực rỡ, ấm áp lạ thường.
Chợt, Việt nở nụ cười. Một cảm giác hân hoan nhè nhẹ tràn khắp người tôi. Khi mải mê theo đuổi bí mật của mình, trái tim tôi dần lắng lại, hơi thở tôi cũng nhẹ đi.
Niềm vui quả thật chóng tàn. Hai mươi câu hoá và cơn bốc hoả đêm qua của tôi thành ra công cốc, vì vừa vào lớp cô đã thông báo kiểm tra mười lăm phút đột xuất. Cả lớp than trời, tôi không kêu ca nhưng tay chân đổ đầy mồ hôi, lạnh toát. Chỉ có Việt và Quỳnh vẫn bình tĩnh cất sách vở, chuẩn bị bút chì, bút mực, như thể bài kiểm đột xuất này không "đột xuất" chút nào.
Mười lăm phút, đề bài là năm câu trắc nghiệm và năm câu tự luận, mức độ tăng dần từ dễ tới khó. Tôi quen làm tự luận, trình bày bài bản. Ba câu trắc nghiệm đầu tiên mức độ dễ tới trung bình, tôi còn gắng gượng được, đến hai câu cuối thì hết hẳn thời gian. Cuống quá, tôi khẽ gọi Quỳnh nhưng cô bạn còn cắm cúi viết, không nhận được tín hiệu cầu cứu của tôi. Khi Việt thu bài đến dãy mình, tôi thầm kêu toi rồi trong lòng, ai ngờ cậu nhẹ nhàng lướt qua cả Quỳnh lẫn tôi, đi đến cuối dãy rồi mới vòng lại. Tôi chớp thời cơ viết phương trình, tính toán sơ rồi khoanh bừa đáp án khả thi nhất. Việt vừa tới nơi, tôi vừa đặt bút xuống, thở hắt. Nhưng thay vì gom bài tôi, cậu bước tới một bước, lí nhí bảo:
- 4 B, 5 C.
Tôi ngơ ngác mất mấy giây, nhìn lại đáp án 4 A và 5 D của mình mới lờ mờ nhận ra Việt đang nhắc bài. Tôi không chần chừ sửa theo rồi đưa bài cho cậu, cười ngại ngùng nói cảm ơn khe khẽ. Việt quay đi, không nhìn tôi, chẳng biết cậu có nghe được lời cảm ơn ấy hay không. Tôi cũng không bận tâm lắm, miệng cười toang hoác, vui như mở cờ trong bụng. Việt vừa nhắc bài tôi! Cả lớp bốn mươi ba đứa mà Việt chỉ ghé lại nhắc bài mỗi mình tôi! Tôi đặc biệt thật nhỉ? Trời ạ!
Chuyển tiết, ánh mắt tôi vẫn miệt mài theo đuổi bóng dáng Việt. Cậu ra khỏi lớp một lát, trên đường về chợt dừng lại giữa bục giảng. Bấy giờ tôi mới nhận ra người đang đứng đối diện Việt là Quỳnh. Khoảng cách từ bàn tôi đến bục giảng khá gần, Quỳnh lại reo vui, nên cô bạn và Việt nói gì tôi nghe rõ mồn một. Quỳnh rối rít cảm ơn vì vừa rồi Việt nhắc đáp án hai câu cuối, nếu không bài này Quỳnh chỉ nắm chắc năm điểm thôi. Tôi ngạc nhiên, còn Việt chỉ mỉm cười:
- Tiện tay ấy mà.
Lời của Việt đẩy tôi từ trên chín tầng mây xuống vực sâu không thấy đáy, nơi tôi trôi vô định, mịt mờ. Chỉ hai tiết hoá, hơn một tiếng rưỡi trôi qua mà tâm trạng tôi hết lên rồi xuống như ngồi tàu lượn. Tim rõ ràng hẫng mất một nhịp, lòng bàn tay lại lạnh ngắt. Tôi nằm ra bàn, nghiêng đầu ảo não bảo Hiền. Hoá ra Việt không chỉ bài cho tôi mà là cho Quỳnh. Cái ý nghĩ mình đặc biệt với Việt so với bốn mươi hai con người còn lại trong lớp 10C vừa rồi còn làm tôi hừng hực khí thế học tập, giờ trở thành gáo nước lạnh xối ướt tôi từ đầu tới chân. Lòng tôi trống rỗng, đâu còn nghe được lời Hiền an ủi, phân bua. Nó bảo vừa rồi Việt đứng ở đâu, chân quay về hướng nào, đầu nghiêng nghiêng ra sao..., đủ thứ bằng chứng chứng minh Việt nhắc bài cho tôi một cách có chủ đích, hoặc cùng lắm, là cả tôi lẫn Quỳnh. Nói mà nghe vô lý quá thể! Vừa rồi nó bận chép bài tôi, vừa chép vừa rưng rưng muốn khóc vì hết giờ làm bài, lấy thời gian đâu mà nhìn Việt kỹ lưỡng thế.
Nghe Hiền lải nhải đến khi Quỳnh về chỗ, vào tiết học mới, mà tôi vẫn còn bồn chồn, nao nao. Thứ gọi là trực giác của tôi rất hiếm khi sai. Tôi dùng bút chì viết vào mẩu giấy nhỏ, đẩy qua cho Hiền, lo lắng nhìn từng biểu cảm trên gương mặt nó khi đọc dòng chữ trong giấy. Hình như Việt có ý với Quỳnh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top