Chương 2: Người cũ.


Xe khách vào bến. Ân ghé mắt nhìn qua ô cửa kính. Người qua lại đông đúc. Tiếng ồn ào náo nhiệt của bến xe khi chiều về, từng vệt nắng hắt chói chang, mùi khói bụi, mùi đồ ăn, mùi xăng xe... Người trên xe nhốn nháo tìm đồ, giữ đồ. Những âm thanh và mùi vị đó là lần đầu tiên Ân được biết đến. Lạ lẫm và thú vị tới mức Ân quên rằng mình vừa là một kẻ thảm bại trong hành trình lên đây.

Nhẫn nại nhường mọi người đi trước, Ân là người sau cùng bước xuống xe.

Tiếng ồn và ánh nắng khiến Ân bất giác lấy tay che mắt. Dù đã trải qua một chặng đường dài, thấm mệt và đẫm bụi đường, dù ánh nắng chiều mang theo bao nhiêu bụi khói hắt thẳng vào Ân cũng không thể nào che đi được làn da thị thành trắng muốt mịn màng. Ân nổi bật giữa đám người đang huyên náo nơi xa lạ.

Vừa bước xuống, còn đang ngơ ngác nhìn thì một cánh tay huơ lên ngay phía trước:

- Ân...! Ân ơi...! Phải Ân đó không...?

Đáp lại sự mừng rỡ đó, Ân chỉ giơ tay ra hiệu rồi nhanh nhẹn tiến lại chỗ người đang chờ đón mình. Đó là một chàng trai trạc tuổi Ân, cao gầy, gương mặt thanh tú, rạng rỡ.

- Tôi chờ cậu nãy giờ.

Rồi không chờ Ân đáp lại, cậu liến thoắng:

- Woa, mà xem hình cậu tôi đã thấy rất đẹp trai rồi, mà ...so với trong hình, cậu còn đẹp hơn rất nhiều đó.

Vừa nói, mắt cậu vừa nheo nheo lại như chứng minh điều mình nói là thật.

Ân thì không bận tâm đến những lời nói ấy. Cậu chỉ như hỏi lại để khẳng định:

- Cậu là Dân...?

- Ồ, mải nói tôi quên mất. Tôi là Dân – con của ba Huỳnh. Đáng ra ba ra đón cậu, nhưng bệnh khớp tái phát nên tôi xin đi thay. Cậu không thấy phiền chứ?

- Phiền vì điều gì?

- À...ờ, thì phiền vì là tôi đi đón cậu?

- Không. Đi thôi!

Nói rồi Ân rảo bước. Thấy vậy, Dân cũng luống cuống chạy theo.

Từng dãy nhà từ từ lướt qua. Nắng chiều xuyên qua bóng hai chàng trai, trải dài trên mặt đường, hắt lên từng vạt cây.

Lòng Ân trống rỗng.

Sau một hồi lòng vòng qua nhiều dãy phố nhỏ, xe chạy lên một con đường nhỏ thoai thoải dốc. Hai bên đường, cúc quỳ nở rộ vàng rực suốt cả một lối đi. Phía cuối con dốc, ngay bên trái, một căn nhà gỗ kiên cố nằm giữa rừng cây, hoa và những vạt đất nâu vàng đang chờ gieo hạt.

Dân dựng hẳn xe, kéo cánh cửa gỗ hẳn sang một bên để nhường lối cho Ân vào rồi mới cẩn thận khép nhẹ, dắt xe phía sau.

Đứng ở bên thềm nhà là chú Huỳnh. Sau nhiều năm không gặp, chú có phần già đi, nhưng gương mặt vẫn hiện rõ nét cương nghị rắn rỏi, vừa nhìn đã cho Ân cảm giác an bình.

Sau một hồi ồn ào vì đôi bên lâu ngày gặp lại, Dân cũng nhiều lần giục giã, chú mới để Ân ngồi xuống.

Vẫn cách quan tâm và yêu mến của người từng chăm sóc Ân, hai tiếng "cậu chủ" mà chú vẫn gọi nay Ân từ chối không nhận. Phải mất một hồi lúng túng, chú mới xưng hô theo cách bình thường như người ta vẫn dùng được. Thế cho Ân nhẹ lòng, cũng tránh gây chú ý từ người ngoài. Vả lại, từ nhiều năm rồi, chú đã thôi không còn giúp việc cho gia đình Ân nữa.

Vừa uống ly nước mát mà Dân đưa cho, Ân vừa chăm chú nghe chú kể về những chuyện từ khi Ân qua "bên kia" với ba mẹ. Ngày ấy, Ân bị tai nạn phải nằm giường bệnh, lại tạm thời mất đi toàn bộ trí nhớ nên ông bà chủ đưa Ân qua Mỹ sống cùng và trị bệnh luôn. Vì từ nhỏ tới lớn, người luôn bên cạnh chăm sóc Ân là chú, nên khi đưa Ân đi, ông và chủ muốn chú đi cùng. Nhưng chú xin phép ở lại trông căn nhà ở thành phố - nơi cậu chủ từng sống trước khi bị tai nạn. Chú muốn đợi Ân khỏi bệnh để trở về. Xong, tình hình bệnh tình của Ân không tiến triển, ông bà chủ cũng không muốn Ân trở về.

- Con xin lỗi vì ngày đó tới giờ đã không liên lạc hỏi thăm sức khỏe của chú.

- Ây za..., con vẫn nhớ đến ta là vui rồi. Khi con đi được hơn một năm thì chú quyết định xin ông bà chủ cho được nghỉ việc hẳn. Dành dụm được chút vốn, chú mua một căn nhà cũ trên này, nhiều năm nay cải tạo lại, rồi làm vườn. Đất ở đây rộng, không khí trong lành nên cũng may mắn đủ sống khi về già.

Rồi chú quay sang Dân:

- Đây là Dân, con trai chú nhận nuôi ở trại trẻ từ ngày lên đây. Cũng được gần mười năm rồi. Có lẽ nó chạc tuổi con đó. Tuổi già, có được đứa con ngoan đỡ đần chăm sóc, còn gì hạnh phúc hơn thế?!

Chú tiếp:

- Con cứ ở trên này với chú bao lâu cũng được. Có gì cứ kêu thằng Dân. Ông bà chủ không biết nơi ở của chú đâu. Ở đây không ai biết con. Chừng nào chán, muốn về thì kêu chú đưa về, nhé!

Rồi chú giục:

- Thôi, con đi rửa mặt mũi, thay đồ đi rồi ăn cơm chiều. Con chịu khó ở chung phòng với thằng Dân nhé.

- Dạ, không sao, như vậy càng vui ạ.

Ân còn chưa dứt lời, Dân đã chủ động kéo tay cậu đi. Phòng hai người ở phía cuối hành lang, khá rộng và ngăn nắp, sạch sẽ. Phía giường ngủ có ô cửa sổ mở rộng nhìn ra phía vườn cây. Chỗ bàn nhỏ uống nước có một giá sách gỗ, một chậu cây nhỏ đặt ngay ở góc thật dễ chịu. Chiếc cửa sổ mở rộng nhìn ra hành lang và sân nhà. Nhìn thấy chiếc giường khá rộng rãi, cảm giác áy náy trong Ân trỗi dậy. Nếu bình thường thì giường này dư sức ngủ được hai người. Rồi không biết sao, cậu lại hỏi:

- Cậu...ngủ chỗ nào?

- À, tớ trải đệm phía dưới này. Ban ngày tớ dẹp lại cho gọn. Cậu cứ yên tâm ngủ ở trên đi, không sao đâu. Ba tôi sợ cậu không quen ở chung người. Ba bảo cậu từ nhỏ đã không cho ai đụng vô người, vô đồ của mình, càng không thể ngủ chung giường với ai nên tôi...

- Chú còn dặn những gì nữa vậy? – Ân quay sang nghiêm túc.

- Ờ thì...không có. Tôi chỉ biết là xưa, ba chăm sóc cậu, là ba hiểu tính cậu thôi.

Ân cười ngượng nghịu, muốn từ chối thịnh tình đó, nhưng chợt nhớ tới việc ngủ cùng giường với một người khác – điều mà xưa giờ Ân chưa từng làm thì liêm sỉ tự nhiên mất hết, mặt dày mà tiếp nhận.

Thực ra, Ân cũng không còn lựa chọn khác. Khi tuyệt vọng nhất, muốn thoát khỏi thành phố ồn ào chật chội, nơi có những người thân đang cứa từng vết dao vào tim đau đến nghẹt thở, Ân muốn thoát ra. Ân không có nơi nào khác để đến. Nơi duy nhất Ân nhớ đến là gia đình chú dì. Vậy nên, có nơi bình yên để tá túc, có người quan tâm đến mình, có hơi ấm người thân dù không là ruột thịt – thì lúc này với Ân đã là một hạnh phúc rồi.

Khi quyết định rời xa thành phố, Ân đã bí mật liên lạc với chú, theo địa chỉ và sự chỉ dẫn, nhảy theo xe khách để lên đây. Lần đầu tiên, Ân đi xa một mình. Khi đi, Ân cũng loáng thoáng nhận thức được rằng mình phải dẹp hết những gì trên người để trở thành một người bình thường như bao người bình thường khác. Ân cũng chưa có dự định lên đây ở tới khi nào thì quay trở lại. Có thể một tuần, có thể một tháng. Chỉ mong được tĩnh tâm, vết thương chóng lành.

-------

[lậy ông đi qua lậy bà đi lại đừng như người vô hình]

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top